GIA

PHẢ

TỘC

NGUYỄN
PHÚC
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
TỘC ƯỚC - GIA PHÁP

TỘC ƯỚC (Dự thảo)

Dòng họ Nguyễn Phúc, thôn La Ngạn, xã Yên Đồng, huyên Ý Yên, tỉnh Nam Định đã trải qua mấy trăm năm gồm nhiều thế hệ, nhiều đời, đã đổi thay không ngừng. Nay con cháu của dòng họ đã phương trưởng đang cư trú ở khắp mọi nơi trong nước và nước ngoài.
Thời bình cũng như thời chiến, thế hệ nào cũng có công lao đóng góp xây dựng bảo vệ quê hương đất nước, làm sáng danh dòng họ. Truyền thống của dòng họ Nguyễn Phúc là; “Để phúc cho đời sau .”, Nay mọi thành viên trong dòng tộc thống nhất xây dựng một tộc ước dựa trên cơ sớ truyền thống đó, có quán triệt luật pháp của nhà nước và những quy định hiện hành của địa phương, được toàn thể thành viên trong dòng tộc tự nguyện tuân thủ thực hiện.Tộc ước của gia tộc Nguyễn Phúc (dự biên) bao gồm các nội dung chính sau đây:

1. Nguyên tắc chung.
2. Những quy ước cụ thể.
3. Các điều khoản thi hành.

1. NGUYÊN TẮC CHUNG :
1.1. Tất cả mọi người, mọi gia đình có chung thủy tổ Nguyễn Phúc Thiện ở La Ngạn cùng nhau quán triệt phương châm bản tộc ước này là:
TRUYỀN THỐNG, ĐOÀN KẾT, DÂN CHỦ, KỶ CƯƠNG và TỰ NGUYỆN.
1.2. Nội dung bản tộc ước này không trái với hiến pháp, pháp luật, chính sách và những quy định hiện hành của nhà Nước CHXHCN Việt Nam, cũng như của địa phương; được toàn thể thành viên trong họ đồng ý, công nhận.
1.3. Mỗi thành viên trong dòng họ đều có quyền và có trách nhiệm tham gia xây dựng, duy trì, tự nguyện thực hiện tộc ước gia pháp, để làm rạng rỡ gia phong.

2. NHỮNG QUY ƯỚC CỤ THỂ.

2.1. QUY ƯỚC CHUNG ĐỐI VỚI THÀNH VIÊN DÒNG HỌ NGUYỄN PHÚC THIỆN.

2.1.1. Mọi người không phân biệt già trẻ, gái trai, nơi cư trú, có chung thủy tổ NGUYỄN PHÚC THIỆN ở La Ngạn đều là thành viên họ tộc NGUYỄN PHÚC . Là thành viên của dòng họ NGUYỄN PHÚC phải biết đặt "LỢI ÍCH HỌ TỘC" lên trên lợi ích cá nhân, gia đình, chi tộc, để mãi mãi xứng đáng là "CON CHÁU DÒNG TỘC NGUYỄN PHÚC ".
2.1.2. Tất cả đều theo Phổ Hệ của Ông Bà - Tổ Tiên để lại (Xem phổ hệ nhà họ Nguyên Phúc Thiện). Việc này là cần thiết để duy trì tôn ti trật tự của dòng họ, tránh sự chia rẽ mất đoàn kết.

2.1.3. Đoàn kết giúp lẫn đỡ lẫn nhau theo khả năng, giữ gìn gia phong và truyền thống tốt đẹp của họ. Lấy đoàn kết làm kim chỉ nam cho mọi hành động trong nội, ngoại tộc; trước hết là lòng thương yêu, tương thân tương ái giúp đỡ nhau (nhất là khi gặp khó khăn, hoạn nạn) cả tinh thần lẫn vật chất, tùy điều kiện khả năng, có đến đâu giúp đến đó, động viên nhau, như các cụ xưa đã dạy: “chị ngã em nâng”.

2.1.4. Phải phát huy truyển thống tốt đẹp của dân tôc nói chung, dòng họ nói riêng và luôn luôn tâm niệm dòng họ Nguyễn Phúc là dòng họ gia phong -nề nếp mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Dù ở bất cứ nơi đâu, trong hay ngoài nước dòng họ Nguyễn Phúc cũng cần có tâm nguyện “Hướng về cội nguồn” để liên lạc với dòng họ.

2.2. XÂY DỰNG CON NGƯỜI DÒNG HỌ NGUYỄN PHÚC.
2.2.1. Phải có tri thức:
Mọi việc ở đời từ xây dựng bản thân, xây dưng gia đình, quê hương xã hội đều bắt đầu từ con người. Con người như thế nào, thì gia đình, tộc họ, quê hương sẽ như thế ấy. Tuy nhiên khi mới sinh ra tuyệt nhiên không ai có thể biết được ngay tất cả mọi thứ mà phải lấy học làm đầu. Không học không thể có tri thức hoàn chỉnh. Vì vậy trong dòng tộc họ Nguyễn Phúc mọi người từ trai gái, già trẻ, giàu nghèo đều phải học: và cốt lõi là học văn hóa, có kiến thức văn hóa thì sẽ có điều kiện tiếp thu tốt hơn các kiến thức khác của nhân loại.
2.2.2. Phải trau dồi đạo đức thường xuyên:
Đó là đạo làm người. Phải chí công vô tư, phải vì dân vì nước, tiếp nữa đến dòng tộc. Con người phải rèn luyện nhân cách, phải có đạo đức, có tài. Đối với bản thân với gia đình, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, dòng tộc…tất cả đều phải lấy “Nhân- Lễ- Nghĩa- Trí- Tín” làm gốc.
2.2.3. Phải có thể lực:
Có thể lực khoẻ mạnh mới có trí tuệ minh mẫn. Tuỳ theo lứa tuổi mà nuôi dưỡng, mà rèn luyện xây dựng cuộc sống trong sạch, mọi thứ đam mê đều không nên thái quá. Điều quan trọng là khi có thể lực mọi người mới đủ sức gánh vác các công việc của bản thân , gia đình, các trọng trách của dòng tộc, của xã hội giao cho.
2.2.4. Phải luôn sáng tạo và học hỏi:
Để có cuộc sống tốt đẹp phải lao động, lao động bằng chính sức lực và trí tuệ của mình, bằng sự sáng tạo và học hỏi không ngừng, dù lao động chân tay hay trí óc điều cốt lõi là phải có chí trau dồi, chuyên tâm, tìm tòi, khiêm tốn học hỏi, không giấu dốt biết phát huy mặt mạnh của mình đúng chỗ ,đúng lúc. Sáng tạo trong cuộc sống và phát huy hết khả năng của mình để có thể xứng đáng vơí dòng tộc.

2.3. DỰNG VỢ GẢ CHỒNG - XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC.
Hôn nhân là khởi điểm của gia đình, là sự phát triển của dòng tộc, nó ảnh hưởng đến tương lai của gia đình và cả dòng tộc vì vậy:

2.3.1. Họ Nguyễn Phúc của chúng ta hiện nay có mặt ở khắp nơi( trong, ngoài nước ), nên con cháu trong họ Nguyễn Phúc, bất kể ở đâu đều không được lấy nhau làm vợ chồng. Đó là điều tối kỵ của dòng tộc chúng ta.

2.3.2. Con trai, con gái phải chọn lựa lứa đôi. Được cha mẹ hai bên đồng tình, không ép buộc bán gả vì danh vọng địa vị tiền tài.

2.3.3. Phải đăng ký kết hôn trước khi tổ chức lễ thành hôn.

2.3.4. Phải có cuộc sống tự lập, có nghề nghiệp ổn định để xây dựng ra đình riêng.

2.3.5. Trong cuộc sống phải biết kính trên nhường dưới. Hết lòng giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống, biết thờ phụng cha mẹ, tổ tiên.

2.3.6. Không cưới hỏi linh đình, chấp hành đúng chính sách,nếp sống văn hóa về cưới hỏi của nhà nước và địa phương mình. Lấy thuận vợ, thuận chồng làm nền tảng thì gia đình mới có hạnh phúc lâu dài, tương lai cho hậu thế .

2.4. QUAN HỆ GIỮA CÁC THẾ HỆ TRONG GIA ĐÌNH, GIA TỘC.
Đối với dòng tộc Nguyễn Phúc: Tam Đại, Tứ đại đồng đường đó là truyền thống quý báu, đó là gia đình hạnh phúc. Muốn được như vậy phải:

2.4.1.Trước tiên cần xóa bỏ tư tưởng phong kiến: “trọng nam khinh nữ”, thực hiện dân chủ, nam nữ bình đẳng ngay trong gia đình, đến dòng họ và ngoài xã hội. Coi con dâu con dể đều là con một nhà, tôn kính tứ thân phụ mẫu, tôn thống nội ngoại của nhau.
2.4.2. Làm ông bà, cha mẹ, phải là tấm gương sáng về mọi măt nhất là lòng nhân hậu, lòng vị tha cho con cháu. Phải dậy con cháu đời sau biết được gia phong, biết được những tấm gương sáng, những gì mà dòng họ, ông cha ta đã góp cho dân cho nước để lấy đó mà noi theo.

2.4.3. Làm con hiếu, làm dâu hiền rể thảo, làm cháu phải kính trọng ông bà, cha mẹ. Là con, là cháu luôn suy nghĩ đã làm được gì để báo đáp thâm ân. Mọi suy nghĩ, hành động trong cuộc sống hàng ngày, trong học tập, công tác dù nhỏ nhất cũng không để cho cha mẹ phải buồn khổ. Lấy “Thập ân phụ mẫu” làm phương châm ứng xử trong mối quan hệ đối với ông bà, cha me.


2.5. QUAN HỆ GIỮA GIA ĐÌNH VỚI GIA TỘC

Nói đến gia tộc là nói đến cùng một huyết thống từ đời này qua đời khác, như dòng Họ ta cùng một thủy tổ Nguyên Phúc Thiện. Nay chung sống trong một làng, một huyện, một tỉnh, trong phạm vi cả nước hay nước ngoài; tuỳ theo nơi cư trú mà có các nếp sống khác nhauvới nhiều nếp, làm nhiều ngành, nhiều nghề; giữ các cương vị khác nhau trong đời sống xã hội… với đặc điểm chung ấy dòng họ Nguyễn Phúc chúng ta cần phải :

2.5.1. Xây dựng truyền thống, tùy theo khả năng, lợi thế của từng chi, từng cành như: hiếu học, nghề Thầy, nghề Thuốc, nghề công, nghề nông.v.v.v. Con cháu từng gia đình phải noi gương, kế thừa xứng đáng truyền thống Chi mình,cành mình; đồng thời phải có trách nhiệm tạo điều kiện giúp nhau vượt khó trong cuộc sống cũng như trong học tập, công tác với quan niệm: “ giọt mắu đào hơn ao nước lã”.

2.5.2. Là con cháu của dòng tộc phải có trách nhiệm chung lo cho mọi việc trong các ngày xuân thu lễ hội, cúng chạp, mả. trong các việc tang hiếu.

2.5.3. Phải luôn kính trọng những người lớn tuổi, nhất là các cụ cao niên trong dòng tộc. Tôn trọng người tộc trưởng - người đứng đầu tộc họ. Mọi sự bất hoà nên dàn xếp trong dòng họ thấm tình máu mủ, ruột rà, lấy truyền thống nhân nghĩa mà giải quyết việc bất hoà.

2.5.4. Phải luôn xây dựng một gia đình có nếp sống văn hoá lành mạnh, coi đó là nền tảng vững chắc cho dòng tộc. Công việc của tộc họ mọi người trong gia đình bất kể ai cũng phải có trách nhiệm đóng góp, phải dạy cho con cháu biết được trách nhiệm với dòng họ đặt lợi ích của dòng họ trên lợi ích gia đình.

2.6. QUAN HỆ VỚI CÁC TỘC HỌ KHÁC.
Bao đời nay ở làng La Ngạn, Ý Yên, Nam Định, cũng như các làng quê khác thuộc các huyện, tỉnh khác có con cháu dòng họ Nguyễn Phúc ta sinh sống cùng với nhiều dòng tộc khác và cũng từ đó mới nảy nở các mối quan hệ giao lưu tình cảm, giao lưu văn hoá giữa các thế hệ thanh niên trong các tộc họ mà mình hình thành nhân duyên. Cho nên nhiều đời, đã dựng vợ gả chồng giữa nam, nữ thanh nhiên các tộc họ với nhau. Từ đó hình thành mối quan hệ Nội-Ngoại. Ở đâu cũng là bà con, phía nào cũng là anh em, tạo cho tình làng, nghĩa xóm, cho quan hệ dòng tộc họ Nguyễn Phúc với các dòng tộc khác thành mối quan hệ thân thiện.

2.6.1. Quan hệ giữa các tộc họ tạo nên tình đoàn kết keo sơn, tình làng nghĩa xóm sâu đậm. Các thế hệ dòng họ Nguyễn Phúc cần nhận rõ điều này mà trân trọng giữ gìn cho tộc ước một nét đẹp truyền thống.

2.6.2. Tất cả đều là anh em, là bà con nội ngoại, mọi quan hệ, mọi bất đồng xảy ra dựa trên cơ sở tình làng nghĩa xóm, tình enh em máu mủ, ruột già mà giải quyết cho thấu tình đạt lý.

2.6.3. Trân trọng các mối quan hệ trong cuộc sống như: tang ma, cưới hỏi, giỗ chạp, xuân thu…

2.7. ĐỐI VỚI TIÊN TỔ:
Họ Nguyên Phúc Thiện đến Làng La ngạn đã gần 5 thế kỷ, trên 20 đời, trước đây các cụ theo: “ thọ mai gia lễ”; “ Ngũ đại mai thần chủ ”. Có một từ đường chung, gọi nhà thờ đại tộc từ cụ tổ phân chi trở lên đến thủy tổ để thờ cúng các tổ tiên ( đã ghi vào linh vị đẻ trong khám thờ ). Hàng năm, trước đây các cụ đã quy định các kỳ kỵ tổ, ngày lễ tết ,xuân thu, sóc vọng hàng tháng như sau.

2.7.1. Ngày kỵ: Một năm 2 kỳ.
Ngày 15 tháng giêng âm lịch hàng năm là ngày kỵ tổ phân chi( Nguyễn Thọ Khiêm:- có cung nghinh cùng các vị tiên tổ từ thủy tổ đến các vong linh tằng tổ các cành.
• Ngày 29 tháng 02 âm lịch giỗ bà tổ Cô Nguyễn Thị Khải:- ( em ruột ông tổ phân chi ) , thay cho ngày thanh minh.

2.7.2.Ngày tết Nguyên Đán:
Chiều 30 tết là ngày hết năm, anh em trong họ cùng hội đồng gia tộc đến từ đường làm lễ Mục Dục cáo yết tổ đường. Quét dọn,vệ sinh, trang trí…
Sáng ngày 01 từ 7h30-8h30…có lễ mặn.
Sáng ngày 03 làm lễ tạ đốt vàng…có lễ mặn.
Ngày 02 và các tối 30,01,02. Các cành có lễ và trực theo sự phân công của hội đồng gia tộc.

2.7.3. Ngày tết thượng nguyên:15//01 cũng là ngày kỵ tổ phân chi là ngày đại lễ của Đại tôn. Yêu cầu anh em, con cháu xa gần, nội ngoại về cùng tổ để ôn lại truyền thống của tổ tiên. Họ có tổ chức bữa cơm trưa thừa lộc tổ, và cùng cả họ liên hoan.
2.7.4. Ngày 15/7 là ngày tết Trung Nguyên( cũng là ngày Vu lan, xá tội vong nhân ). Họ sắm lễ mặn cúng tổ, cả trong họ đều về lễ tổ tiên.

2.7.5. Thượng kỳ sóc- ngày 01 hàng tháng, trừ những tháng có ngày lễ kỵ gần ngày đó thì không sửa lễ sóc nữa. Cụ thể các tháng phải sửa lễ là: ngày 01tháng 02,4,6,7,8 và tháng 11. lễ cho những ngày này do ban Hội đồng gia tộc chịu trách nhiệm phân trách nhiệm , đến từ đường vệ sinh, quét dọn và lễ tổ.

2.7.6. Sửa lễ thường tân( lễ cơm mới- lễ mặn không tổ chức ăn ), vào mùa thu hoạch vụ tháng mười.

GHI CHÚ: Những ngày kỵ và xuân thu như đã định ở trên, trước đây lấy kinh phí từ hoa lợi ruộng của họ; ngày nay nhà nước đưa ruộng vào quốc hữu hóa nên không còn kinh phí nữa, kinh phí cho các ngày đó do anh em trong họ đóng góp bổ theo Hộ hoặc suất Đinh. Mức đóng góp do Hội đồng gia tộc quyết định, tùy theo thời điểm giá đồng tiền Việt Nam để sửa lễ cho phù hợp và trịnh trọng.

2.8. XÂY DỰNG CÁC QUỸ TRONG NỘI TỘC.
Gồm có:
2.8.1. Quỹ xây dựng, sửa chữa nhỏ từ đường, lăng mộ.
2.8.2. Quỹ dùng vào việc thờ cúng.
2.8.3. Quỹ khuyến học.
2.8.4. Quỹ hỗ trợ người nghèo để làm vốn tăng gia sản xuất.
Việc xây dựng quỹ phải được các thành viên trong họ bàn bạc dân chủ, thống nhất tự nguyện đóng góp, ngoài ra động viên con cháu đang sinh sống ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài cùng đóng góp công đức.
2.9. KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT.
3.ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
3.1. Mọi thành viên trong họ đều có nghĩa vụ, trách nhiệm xây dựng; chấp hành tộc ước và tuyên truyền vận động để mọi người cùng thực hiện.
3.2. Các thành viên trong họ ai có nhiều thành tích trong việc thực hiện tộc ước thì được tuyên dương khen thưởng. Thành viên nào vi phạm tộc ước thì hội đồng gia tộc nhắc nhở, giáo dục. Nếu vi phạm nghiêm trọng phải đưa ra cuộc họp kiểm điểm.
`3.3. Trong quá trình thực hiện xét thấy có những điểm cần bổ xung, hoặc sửa đổi thì các thành viên trong họ được quyền đề đạt ý kiến với Hội đòng gia tộc để nghiên cứu. Việc bổ xung, thay đổi, sửa chữa câu chữ chỉ có hiệu lực khi tập thể họ (đại diện là Hội đồng gia tộc) nhất trí.
3.4. Tộc ước này có hiệu lực thi hành từ ngày được hội nghị toàn thể thành viên trong họ nhất trí thông qua.

Yên Đồng, ngày tháng 9 năm 2009
TM Hội đồng gia tộc




Tộc trưởng: Ngyễn Thế Văn
Gia Phả NGUYỄN PHÚC
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc NGUYỄN PHÚC .
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc NGUYỄN PHÚC
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.