GIA

PHẢ

TỘC

Trần
Phước
(陳

-
富霑)
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
Chi tiết gia đình
Là con của: Trần Cảnh
Đời thứ: 5
Người trong gia đình
Tên Trần Quang Khải
Tên thường
Tên Tự
Là con thứ 2
Ngày sinh
Sự nghiệp, công đức, ghi chú
Tổ Trần Quang Khải là con trai thứ hai của Tổ Trần Cảnh – Vua Trần Thái Tông và bà Hoàng hậu Lý Thuận Thiên, là em khác cha với Trần Quốc Khang, em ruột của Trần Hoảng – Vua Trần Thánh Tông và là anh của các ông Trần Nhật Vĩnh, Trần ích Tắc, Trần Nhật Duật...

Tổ Trần Quang Khải chào đời vào tháng 10 năm Tân Sửu (1241) được Triều đình phong tước Chiêu Minh Đại Vương vào tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258); tháng ba năm Tân Dậu (1261) Ông được phong hàm Thái Uý và đến tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1282) thì được phong hàm Thái Sư, chức Thượng Tướng Quân( ) nắm toàn quyền nội chính.

“Trần Quang Khải, lúc làm Tướng Võ, khi thì làm Tướng Văn giúp cho đế nghiệp của nhà Trần, uy danh sánh ngang với Trần Quốc Tuấn. Khi mất, Ông thọ 54 tuổi. Ông đã để lại cho đời tập thơ “Lạc Đạo”.

“Con Ông là Văn Túc Vương Trần Đạo Tái, cũng có tiếng là người văn hay”;
“Cháu Ông là Uý Túc Hầu Trần Văn Bích, làm quan được phong tới hàm Thái Bảo” ( );
“Chắt của Ông là Chương Túc Hầu Trần Nguyên Đán cũng có danh vọng rất lẫy lừng”.
“Xem thế cũng đủ biết phúc đức của dòng họ Trần Quang Khải sâu rộng và bền bỉ dường nào. Trước sau họ đều gắn bó với cơ nghiệp của nhà Trần”
(Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục - chính biên, quyển 8 tờ 22 do sách “Danh tướng Việt nam tập I trích dẫn.)

Ông Trần Quang Khải là người có chí lớn, ham học hỏi, là bậc văn tài nổi tiếng, Ông biết sử dụng tiếng nói của nhiều dân tộc ít người. Vua cha Trần Thái Tông rất yêu quý Ông đã đành, ngay cả bậc lừng danh văn võ như Trần Quốc Tuấn cũng rất nể trọng Ông.

Thời nhà Trần, quân Nguyên Mông ba lần đem binh mã sang xâm lược nước ta. Lần thứ nhất vào năm 1258 diễn ra khi Trần Quang Khải mới lên 17 tuổi nên chưa có cống hiến gì đáng kể. Nhưng hai lần sau vào năm 1285 và năm 1288, Trần Quang Khải đã lập được nhiều chiến công xuất sắc góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang chung của nước nhà.

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược lần thứ hai (1285), nhiệm vụ đầu tiên mà Trần Quang Khải được đích thân vua Trần Thánh Tông trao cho là đi tăng viện cho cánh quân của Trần Nhật Duật ở vùng Thanh Hoá - Nghệ An. Bấy giờ, quân giặc Nguyên Mông đánh vào nước ta bằng hai hướng: hướng thứ nhất với 50 vạn quân do Thoát Hoan chỉ huy từ biên giới phía Bắc đánh xuống; hướng thứ hai với 10 vạn quân do Toa Đô chỉ huy, từ đất Chiêm Thành (Vùng từ Quảng Trị trở vào mà chúng đã chiếm được từ trước) đánh ra, nhằm họp quân tại Kinh thành Thăng Long – (Hà nội).

Để thực hiện được kế hoạch đánh chặn không cho hai cánh quân của giặc họp nhau tại Thăng Long, Vua Trần đã sai Tỉnh Vương Trần Quốc Khang và con trai của Khang là Trần Kiện đem quân vào trấn giữ Thanh Hoá - Nghệ An, tổ chức đánh cản đường tiến quân của giặc.

Ngày 28 tháng giêng năm ất Dậu (tức ngày 05 – 03 – 1285), Tướng Trần Nhật Duật là em ruột của Trần Quang Khải lại được cử mang thêm quân vào tăng viện cho Trần Quốc Khang. Nhưng Trần Nhật Duật chưa vào đến nơi thì Trần Kiện đã chạy đi đầu hàng giặc; Vì thế, quân giặc dễ dàng tập trung quân đánh vào Trần Nhật Duật. Tình thế chiến trường Nghệ An – Thanh Hoá trở nên rất khó khăn, phức tạp. Vua Trần Thánh Tông lại phải lệnh cho Tướng Trần Quang Khải đem quân vào tăng viện cho Trần Nhật Duật. Sự có mặt của Trần Quang Khải ở mặt trận phía Nam, khiến cho đạo quân của Toa Đô trở nên bối rối và sa lầy, buộc chúng phải đóng quân lại tại Thanh Hoá - Nghệ An.

Tháng tư năm ất Dậu (1285), nhà Trần tổ chức phản công, một loạt chiến dịch lớn được triển khai. Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật được lệnh bí mật vượt qua vùng tạm chiếm đóng của quân giặc để tiến quân ra phía Bắc.

Chiến dịch Hàm Tử tháng tư năm ất Dậu (1285) thuộc huyện Châu Giang tỉnh Hưng Yên do tướng Trần Nhật Duật chỉ huy và người giữ vai trò hợp đồng một cách rất tích cực, linh hoạt và đầy hiệu quả là tướng Trần Quang Khải. Toàn bộ quân giặc Nguyên Mông đóng tại Hàm Tử đã nhanh chóng bị quân ta đánh cho tan tành.
Cũng trong tháng tư năm ất Dậu (1285), Trần Quang Khải được cử làm tổng chỉ huy chiến dịch Chương Dương (thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây ngày nay) và Thăng Long. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, lực lượng của Trần Quang Khải đã đẩy lui quân Nguyên Mông ra khỏi hai vị trí trọng yếu này. Nguy cơ đại bại thảm hại của quân Nguyên Mông đã bộc lộ rỏ rệt. Cộng với các chiến dịch khác như Tây Kết (lần thứ nhất và lần thứ hai), (Tây Kết gần bãi Thiên Mạc, huyện Khoái Chấu tỉnh Hưng Yên ngày nay), quân ta đã hoàn toàn quét sạch quân thù xâm lược ra khỏi bờ cõi đất nước.

Ngày 06 tháng 06 năm ất Dậu (1285) Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông cùng đại quân nhà Trần trở về kinh đô Thăng Long, tổ chức ăn mừng chiến thắng. Trần Quang Khải đã cảm khái mà viết bài thơ rằng:
“Đoạt sáo Chương Dương Độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san”
(Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 5 tờ 50 a – sách “Danh tướng Việt nam”tập I trang 148 ghi lại)

Nghĩa là:
“Cướp gươm giặc ở bến đò Chương Dương
Bắt giặc Hồ (tức giặc Nguyên) ở cửa Hàm Tử
Thời thái bình nên gắng đem hết trí tuệ và sức lực (để xây dựng đất nước)
Muôn đời còn mãi núi sông này”.

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba (1288), Trần Quang Khải được bố trí theo hầu cận vua Trần Nhân Tông và Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, vừa tham gia trận mạc dưới quyền chỉ huy trực tiếp của nhà Vua và Thượng Hoàng. Trong trận quyết chiến chiến lược lịch sử trên sông Bạch Đằng, ngày 09 tháng 04 năm 1288, cùng với hàng loạt tướng lĩnh xuất sắc khác, Trần Quang Khải đã góp phần to lớn vào việc đập tan toàn bộ đạo quân hùng mạnh và thiện chiến của Nguyên Mông.

Sau chiến thắng Bạch Đằng giang, Trần Quang Khải tiếp tục tận tuỵ phò tá nhà Trần, Ông nổi tiếng là người có tài giúp Vua trị nước, thanh liêm và ngay thẳng. Nên được Thượng Hoàng Trần Thánh Tông tặng Ông một lá cờ thêu hai câu thơ: “Nhị Đại Công Danh Thiên Hạ hữu, Lưỡng Triều Trung Hiếu Thế Gian Vô”

Bên cạnh năng lực quân sự chỉ huy chiến đấu, ông Trần Quang Khải còn là nhà thơ có vị trí không nhỏ trong văn học sử Việt Nam. Ông là tác giả “Lạc Đạo” tuy đã bị thất truyền, nhưng theo lời bình của nhà sử học Phan Huy Chú ở thế kỷ XIX thì thơ Ông “Thanh thoát, nhàn nhã, sâu xa và lý thú”. Đọc bài dịch bài thơ “Vườn Phúc Hồng” của Trần Quang Khải, cho ta thấy rõ hơn tâm hồn của Ông:
“Phúc Hưng một khoảnh, nước bao quanh,
Vài mẩu vườn quê đất rộng thênh.
Hết tuyết, chòm mai hoa trắng xoá.
Quang mây, đỉnh trúc sắc tươi xanh.
Nắng lên, mời khách pha trà nhấp.
Mưa tạnh, sai đồng giở thuốc nhanh.
Báo giặc ải Nam không khói lửa.
Bên giường, một giấc ngủ ngon lành”.
Trần Quang Khải, một cuộc đời lớn, vừa làm Tể Tướng, vừa làm tướng cầm quân, vừa đánh giặc, vừa làm thơ.
(“Các Triều đại Việt nam” trang 109)

Vợ của Ông Trần Quang Khải là Công chúa Phụng Dương, con gái của Tướng Quốc_Thái Sư Trần Thủ Độ và bà Phu nhân Bảo Châu.

Bà Phụng Dương sinh năm 1241, từ nhỏ Bà đã nổi tiếng là người thông minh và rất mực nhân hậu. Lớn lên được gả cho Tướng Quốc Trần Quang Khải.

ở phủ Tể Tướng, Trần Quang Khải có nhiều thê thiếp, nhưng trên danh nghĩa Phụng Dương vẫn là Chính Phi. Tuy vậy, Phụng Dương vẫn đối xử với các thê thiếp của chồng hết sức bao dung – Bà ân cần chỉ bảo cho họ cách làm ăn, cư xử, hoặc khi họ có làm điều gì sai trái không vừa lòng Quang Khải thì Bà Phụng Dương lại nhẹ nhàng khuyên giải để họ biết lỗi lầm mà sửa chữa. Trần Quang Khải bận việc nước, Bà lo quán xuyến công việc gia đình, cư xử và dạy dỗ mọi người có phép tắc, tiền tài không hao phí nhiều mà được việc tốt, nên được chồng hài lòng.

Cuối năm Giáp Thân (đầu năm 1285), quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai, Phụng Dương theo chồng xuôi thuyền cùng triều đình về Thiên Trường - nửa đêm, bỗng có một chiến thuyền bốc cháy, mọi người nhốn nhảo hoảng hốt, tưởng giặc đã đuổi theo kịp, nhưng Phụng Dương bình tỉnh thức gọi chồng dậy và đưa lá mộc che tên cho chồng. Nên Bà được Thái Sư Trần Quang Khải thực sự yêu phục.

Cuối đời, Thượng Tướng – Thái Sư – Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải về nghỉ ở phủ Thiên Trường. Bà Phụng Dương theo chồng và mất ở đấy (1291); thọ 50 tuổi. Nhân cách của bà Phụng Dương được Thái Sư_Trần Quang Khải đánh giá: “Làm điều thiện, nói điều nhân, chết lưu danh, vượng phu ích tử!”.

Trần Quang Khải sinh hạ Trần Đạo Tái. Trong một tài liệu khác (Gia Phả Trần Tộc Nguyên Thiên Nghệ Tĩnh do ông Trần Thanh San biên soạn năm 2001) lại nói: ông Trần Quang Khải và bà Phụng Dương đã sinh hạ được 6 người con: 3 trai và 3 gái: người con trai trưởng mất sớm, trai thứ hai Văn Túc Vương - Trần Đạo Tái, con trai thứ ba: Vũ Túc Vương (?) sau lấy Công chúa Bảo Châu con gái thứ ba của Vua Trần Thánh Tông. Ba người con gái: Quỳnh Huy, Quỳnh Bảo, Quỳnh Thái.

Ngày 03 tháng 07 năm Giáp Ngọ (1294) Thượng Tướng Quân - Thái Sư - Chiêu Minh Đại Vương - Trần Quang Khải qua đời sau một thời gian lâm bệnh tại phủ Thiên Trường - thọ 53 tuổi.
(Trích trong “Danh Tướng Việt Nam” từ trang 144 đến trang 149 và trong “Các Triều đại Việt Nam” trang 108, 109).

Liên quan (chồng, vợ) trong gia đình

Các anh em, dâu rể:
   Thái Tử Hoảng
   Trần Ích Tắc
   Trần Nhật Duật
   Thiều Dương
   Thuỵ Bảo
   An Tư
   Trần Quốc Khang
Con cái:
       Trần Đạo Tái
       Trần Đạo ...
       Trần Thị Quỳnh Huy
       Trần Thị Quỳnh Tư
       Trần Thị Quỳnh Bảo
       Trần Thị Quỳnh Thái
Gia Phả; Trần Phước (陳 福 - 富霑)
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Trần Phước (陳 福 - 富霑).
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Trần Phước (陳 福 - 富霑)
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.