Tổ thúc Trần Nhật Vĩnh là con thứ tư và Tổ thúc Trần ích Tắc là con thứ năm của Tổ Trần Cảnh - Vua Trần Thái Tông; là em của Tổ Trần Hoảng - Vua Trần Thánh Tông và Trần Quang Khải, là anh của Trần Nhật Duật...(Trang 144 “Danh Tướng Việt Nam” tập I và trang 101 “Các Triều đại Việt Nam”)
Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược lần thứ hai (1285) của dân tộc ta, quân dân Đại Việt phải đương đầu với 50 vạn quân do Thoát Hoan chỉ huy từ biên giới phía Bắc tràn xuống và với 10 vạn quân do Toa Đô chỉ huy từ đất Chiêm Thành (Vùng từ Quảng Trị trở vào) đánh ra nhằm họp binh tại thành Thăng Long (Hà Nội). Trong cơn thử thách gay go ấy, sự phân hoá để rồi phân cực đã thể hiện một cách sâu sắc. Tuyệt đại bộ phận quý tộc, tướng lĩnh cao cấp của nhà Trần lúc ấy đều xứng đáng là những người đại diện tiêu biểu cho khí phách anh hùng của dân tộc. Tuy vậy, trong Hoàng tộc không phải không có những người nhu nhược... Chiêu Quốc Vương Trần ích Tắc trước đó vốn đã có ý nghĩ muốn thoán đạt ngôi Vua, nên lúc này là cơ hội để Ông ta thực hiện ý đồ của mình. Ngày 15-03-1285 Trần ích Tắc và con trai Nghĩa Quốc Hầu Trần Dục 9 tuổi đem cả gia đình chạy đi đầu hàng quân giặc. Rồi sau đó không lâu ông Trần Nhật Vĩnh cũng chạy đi đầu hàng quân giặc; thân thế và sự nghiệp của ông Trần Nhật Vĩnh không tìm biết được gì hơn. Trần ích Tắc và Trần Nhật Vĩnh được quân giặc đưa về Bắc Quốc và Trần ích Tắc được Hốt Tất Liệt - Vua nhà Nguyên phong cho làm “An Nam Đại Vương” và chờ ngày đưa trở về nước.
Sau khi quân Nguyên Mông đại bại, Trần ích Tắc lòng những hổ thẹn, chết ở đất Bắc (Trung Quốc).
(“Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” , bản kỷ, quyển 5, tờ 48 a; “Danh Tướng Việt Nam” tập I trang 127 trích dẫn).
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Trần Phước (陳 福 - 富霑).
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Trần Phước (陳 福 - 富霑)
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.