GIA

PHẢ

TỘC

Trần
Phước
(陳

-
富霑)
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ THUỶ TỔ CỦA DÒNG HỌ

Cây có gốc, nước có nguồn. Người có tổ tiên, dòng họ.


          Trong cộng đồng xã hội, giữa người và người có nhiều mối quan hệ tình cảm; nhưng tình cảm gia đình ruột thịt, tình cảm huyết thống, là tình cảm thiêng liêng, tình cảm đặc biệt nhất được con người nâng niu, vun đắp gìn giữ và lưu truyền lại cho con cháu từ đời này sang đời khác…


            Mỗi quốc gia, tất phải có quốc sử. Mỗi dòng tộc cũng phải có Tộc Phả hay Gia Phả (còn gọi là Phú Ý hay Phổ Hệ) nhằm ghi lại những người qua từng thế hệ, những diễn biến lịch sử và công lao, sự nghiệp, đức độ của tổ tiên đối với quốc gia dân tộc, đối với dòng tộc, đối với gia đình đương thời để lưu truyền lại cho con cháu đời đời mai sau biết mà tự hào, suy ngẫm, tưởng niệm, nhớ công lao của tổ tiên mình.


            Mỗi dòng tộc tất có nhiều chi phái, chi nhánh… con cháu nhiều người đời đời sống định cư nơi quê cha đất tổ; song cũng có những người vì nhiều lý do khác nhau phải chuyển cư đến sinh sống một nơi khác trong nước, thậm chí có người ra sinh sống ở nước ngoài…; lần hồi họ sinh con đẻ cháu… rồi hình thành nên những chi nhánh dòng họ ở nơi quê hương mới… nếu không có Gia phả hay Tộc phả để ghi chép đầy đủ, mạch lạc, rõ ràng tất cả những gì đã xảy ra trong từng dòng họ, từng gia đình, từng người thì các thế hệ mai sau, con cháu làm sao biết được đâu là cùng chung huyết thống dòng họ, đâu là nơi quê cha đất tổ... Đấy là một việc làm không mấy dễ dàng của người đương thời đối với các thế hệ bề trên đã quá cố và trách nhiệm nặng nề đối với các thế hệ con cháu mai sau!


            Tộc Trần chúng ta là một trong những dòng họ hình thành sớm trên đất nước Việt Nam; là một dòng họ có một  bề dày lịch sử rất vẻ vang, qua 12 vị Hoàng Đế nối tiếp nhau trị vị đất nước 176 năm, ba lần lãnh đạo muôn dân đánh thắng ba cuộc tiến quân ào ạt của giặc Nguyên - Mông, đè bẹp ý chí xâm lược của chúng, bảo vệ trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ và nền độc lập quốc gia; có nhiều vị Hoàng đế lẫm liệt, văn võ toàn tài, nhân hậu; có nhiều vị tướng lĩnh tài ba, cầm quân đầy mưu lược, tận trung với nước, với dân… được nhiều sử sách chính thống của các triều đại ghi lại công lao và ca ngợi…; nhiều đường phố ở thủ đô và các thành phố, thị xã, cùng những đền thờ, tượng đài, trường học ở nhiều nơi khắp trong nước được mang tên các chính khách, các danh nhân văn hóa, các tướng lĩnh Việt Nam thuộc dòng họ Tộc Trần là sự ghi nhận đối với những cống hiến to lớn ấy cho đất nước, dân tộc.


            Tộc Trần là một dòng họ có đông con cháu. Do những biến cố của lịch sử, đất nước trải qua nhiều cuộc bể dâu, nên con cháu tộc Trần phải ly tán, nhiều người đã phải chuyển cư đến sinh sống ở nhiều nơi trên mọi miền của đất nước, có người phải mai danh ẩn tích, thậm chí có người do hoàn cảnh bức xúc đã phải  thay tên đổi họ… dần dần hình thành các chi phái Tộc Trần trên khắp đất nước, kể cả có dòng họ hiện nay không mang danh tánh tộc Trần, nhưng tổ tiên của họ lại thuộc dòng dõi Tộc Trần; Đến nay còn nhiều chi phái Tộc Trần đây đó vẫn chưa tìm ra cội nguồn để chắp nối lại dòng huyết thống của tổ tiên mình.


*


*     *


            Tộc TRẦN PHƯỚC mà chúng ta là hậu duệ của tổ TRẦN PHƯỚC THIỆN cháu đời thứ 20 của vị Thỉ tổ TRẦN QUỐC KINH, từ thôn Bút Trận làng Thái Xá huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu tỉnh Nghệ An vào, đã cùng những người đương thời, khai cơ lập nghiệp dựng xây nên làng Thanh Châu (nay thuộc xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam), sinh hạ con cháu và hình thành nhiều chi phái tộc Trần ở rải rác khắp tỉnh Quảng Nam...


            Nhiều thế kỷ đã trôi qua, do hoàn cảnh lịch sử của đất nước, chưa cho phép các thế hệ cha ông chúng ta tìm về cội nguồn, nối lại dòng huyết thống của tổ tiên; ngay cả hậu duệ của những người con của cụ Tổ Trần Phước Thiện sinh ra trước ngày đi vào Nam, lâu nay vẫn chưa biết được rằng mình có một ông Tổ đã đi vào Nam… và khi qua đời đã được an nghỉ tại làng Cổ Tháp thuộc xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam ngày nay.


            Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 30 tháng 4 năm 1975 Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà, đã tạo mọi điều kiện để thế hệ chúng ta ngày nay có thể tìm về cội nguồn, nối lại dòng huyết thống thực hiện những ước mơ của ông cha các thế hệ trước…Được vậy, trên cơ sở đó, cho phép chúng ta sưu tầm và biên soạn một cuốn Phổ hệ thống nhất của dòng dõi tộc TRẦN – Trực hệ bắt nguồn từ Vị Thỉ tổ Trần Quốc Kinh cho đến thế hệ chúng ta ngày này.


            Đó là tâm nguyện và cũng là sự cố gắng của bản thân tôi trong hơn mười năm qua (1992-2003) - Đây là một việc làm rất nặng nề và đầy khó khăn về nhiều mặt và nhất định không tránh khỏi những sai, sót... Kính mong Hội đồng Gia tộc, các bậc cao niên và bà con trong dòng tộc thông cảm và tha thứ.


                                                                           Trần Phẩm

Hậu duệ đời thứ 34 tộc Trần Việt Nam; thuộc chi họ Tộc Trần Phước làng Phú Triêm xã Điện Phương huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam

Gia Phả Trần Phước (陳 福 - 富霑)
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Trần Phước (陳 福 - 富霑).
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Trần Phước (陳 福 - 富霑)
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.