GIA

PHẢ

TỘC

Trần
Phước
(陳

-
富霑)
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
Chi tiết gia đình
Là con của: Trần Cảnh
Đời thứ: 5
Người trong gia đình
Tên Trần Nhật Duật
Tên thường
Tên Tự
Là con thứ 4
Ngày sinh
Sự nghiệp, công đức, ghi chú
Tổ Thúc Trần Nhật Duật là Hoàng tử thứ sáu của Tổ Trần Cảnh – Vua Trần Thái Tông; là em cùng cha khác mẹ với Trần Hoảng (Vua Trần Thánh Tông) và Trần Quang Khải, là em ruột của Trần Nhật Vĩnh và Trần ích Tắt... Ông sinh ra vào tháng 04 năm ất Mão –1255, thân mẫu của Ông là ai, chưa rõ.
Sự ra đời của ông Trần Nhật Duật được “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”, bản kỷ, quyển 5, tờ 20b chép lại rằng:
“Trước đó Vua sai viên đạo sĩ, tên là Thậm ở cung Thái Thanh đi cầu tự... thế rồi Hậu cung có thai, sau sinh đặng một bé trai mà trên hai cánh tay có 4 chữ “Chiêu văn Đồng tử” – Vì thế, nhà Vua mới cho lấy hiệu “Chiêu Văn” - Lớn lên những nét của bốn chữ ấy mới dần dần mờ và mất hẳn” (trang 151 sách “Danh Tướng Việt Nam tập I trích dẫn”).

Theo ông Phan Huy Chú trong “Lịch Triều Hiến Chương Loại Chỉ” được sách “Danh Tướng Việt Nam” tập I trang 151 ghi lại:
“...Ông (Trần Nhật Duật) là người nhã nhặn và độ lượng, vui buồn chẳng hề lộ ra trên nét mặt, được người đương thời khen là bậc uyên bác. Những văn thư của triều đình lúc bấy giờ đều do tay Ông thảo ra tất cả. Ông lại thông thuộc tiếng nói của các giống người Phiên, và khi tiếp người Tống thì có thể ngồi nói chuyện cả ngày mà không cần đến người phiên dịch. Sứ giã từ Chiêm Thành, từ Sách_Mã_Tích (tên một đảo quốc cổ ở vùng Nam Dương_NKT) hay các giống người Man (ý nói các giống người thuộc dân tộc thiểu số) đến nước ta, Ông đều có thể nói chuyện và tiếp đãi theo tục của họ. Vua Trần Nhân Tông thường nói rằng: Ông là hiện thân của các bộ tộc phiên di.
Ông (Trần Nhật Duật) là đấng thân vương quý hiếm, làm quan trải thờ bốn đời Vua, ba lần lãnh chức đứng đầu các trấn lớn. Nhà Ông không ngày nào mà lại không có cuộc hát xướng. Người ta ví Ông với Quách Từ Nghi( ) đời nhà Đường bên Trung Quốc vậy”.

Thuở còn bé, Trần Nhật Duật nổi tiếng là Ông Hoàng “Hiếu học và sớm lộ thiên tri, ham thích hiểu biết về các tiếng nói của các giống người. Có thể nói tuổi trẻ của Trần Nhật Duật là những năm tháng miệt mài rèn luyện, học tập để trở thành nhân tài.
Năm Đinh mão (1267), lúc Trần Nhật Duật ở tuổi 12, được triều đình phong tước Chiêu Văn Vương; năm Nhâm Dần - 1302 ông Trần Nhật Duật được phong: Thái Uý Quốc Công; năm Kỷ Tỵ (1329) Ông được gia phong Chiêu Văn Đại Vương.
Ông Trần Nhật Duật bị bệnh và mất vào năm Canh Ngọ (1330), hưởng thọ 75 tuổi.
Sinh thời, Ông Trần Nhật Duật là bậc văn võ toàn tài, ngoài kiến thức nho học uyên bác, ông Trần Nhật Duật còn hiểu biết một cách sâu sắc về phong tục, tập quán và đặc biệt là tiếng nói của nhiều nước, nhiều dân tộc khác nhau. Ngoài chuyện tiếp Sứ thần nhiều nước và nhiều bộ tộc chung quanh, khi mới ngoài 20 tuổi, Ông được triều đình giao đặc trách những công việc về các dân tộc có liên quan mà không cần có người phiên dịch. Nhiều Sử cũ còn ghi chép lại chuyện Trần Nhật Duật đi dẹp loạn Trịnh Giác Mật ở Đà Giang vùng Tây Bắc của Tổ Quốc bằng một biện pháp rất độc đáo và giành được thắng lợi.
Trịnh Giác Mật, chúa đạo( ) Đà Giang làm phản, chống lại triều đình cùng với lúc bọn nhà Nguyên đang sửa soạn đại binh đánh vào Đại Việt, nên triều đình thấy cần phải dẹp ngay mối bất hoà trong nước. Vua Trần Nhân Tông chọn và cử Trần Nhật Duật đi dụ hàng; Trịnh Giác Mật nghe tin, liền họp ngay đám đầu mục bàn kế cự chiến và ám hại Trần Nhật Duật. Y sai người đến doanh trại của ông Trần Nhật Duật để đưa thư bày tỏ lòng thành và nói rằng: “Giác Mật này không dám trái mệnh lệnh, nếu Ân Chúa đây dám một mình, một ngựa đến thì Mật xin hàng”.
Ông Trần Nhật Duật đã nhận lời và chỉ đem theo 6 người lính hầu nhỏ tuổi mà thôi. Nhiều người lo sợ sự phản trắc của Trịnh Giác Mật, nên có lời khuyên can, nhưng ông Trần Nhật Duật vẫn không nghe. Khi Ông đến trại của Giác Mật, người Man xúm lại vây kín Ông, gươm giáo chỉa thẳng vào người Ông. Nhưng ông Trần Nhật Duật vẫn thản nhiên và đi thẳng vào, trèo lên trại chúng và nói:
“Lũ tiểu đồng của ta khi đi đường thì nóng tai trái, vào đây lại nóng tai phải”. Từ Trịnh Giác Mật cho đến các đầu mục đều sửng sốt kinh ngạc trước sự am tường tiếng nói và tục lệ của người dân tộc Đà Giang của tướng Trần Nhật Duật. Trịnh Giác Mật liền cho người bưng rượu ra tiếp. Trịnh Giác Mật nheo mắt có vẻ thách thức, đưa tay mời Trần Nhật Duật chỉ có vỏ quả bầu khô cưa đôi, sóng sánh rượu. Ông Trần Nhật Duật không chút ngần ngại, lấy tay cùng ăn bốc và cầm gáo bầu rượu ngửa mũi trốc vào một cách thành thạo. Người Man thấy vậy thích lắm. Trịnh Giác Mật liền đem gia thuộc ra xin hàng ông Trần Nhật Duật. Mọi người thấy vậy đều kính phục, vui mừng, vì không hề mất một mũi tên mà vẫn dẹp yên được sự phản loạn ở vùng núi Đà Giang... (“Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” bản kỷ, quyển 5, tờ 40 a-b do “Danh Tướng Việt Nam” tập I trang 151 và 152 trích dẫn).
Sự kiện trên đây, xảy ra vào cuối năm 1280, khi đó ông Trần Nhật Duật mới ở tuổi 25. Thật khó mà tưởng tượng nổi một chàng trai 25 tuổi ở thế kỷ thứ XIII lại dũng cảm, tự tin, tài ba và bản lĩnh cao cường đến thế. Ông Trần Nhật Duật trị dân bằng cách tự mình khiến cho dân tin và kính phục vui lòng làm theo, chứ không phải bằng cách thị uy sức mạnh của người nắm quyền lực trong tay để khiến cho người dân phải khiếp sợ mà vâng lời. Chính sau khi thu phục Trịnh Giác Mật ở Đà Giang đã tạo nên sức mạnh của đất nước, để rồi sau đó đánh thắng đạo quân xâm lược của Nguyên Mông năm 1285.
Tài năng của ông Trần Nhật Duật trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau; Ông rất giỏi về âm nhạc, có những sáng tác cả bằng chữ Nôm. Tuy nhiên, tài năng nổi bậc nhất, cống hiến lớn lao nhất cho đất nước của ông Trần Nhật Duật vẫn thuộc về lĩnh vực quân sự.
Khi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất (1258) ông Trần Nhật Duật chỉ còn là một cậu bé ba tuổi. Nhưng trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai(1285) và lần thứ ba (1288) ông Trần Nhật Duật đã thật sự trở thành một vị danh tướng kiệt xuất.
Năm 1285, ông Trần Nhật Duật được Vua Trần giao cho trọng trách chỉ huy một cánh quân lớn đóng giữ vùng Tuyên Quang, chặn đánh để cản bước tiến quân ào ạt của 50 vạn quân Nguyên Mông. Ông và tướng sĩ dưới quyền đã đánh nhiều trận xuất sắc gây cho giặc nhiều tổn thất lớn.
Trước sức mạnh tấn công áp đảo của quân Nguyên Mông, thi hành mệnh lệnh của triều đình, ông Trần Nhật Duật đã đem quân vào chi viện cho cha con ông Trần Quốc Khang đang đóng giữ và chặn đánh 10 vạn quân của Toa Đô ở Châu Hoan và Châu ái (Nghệ An, Thanh Hoá); Tiếc rằng khi Ông chưa vào đến nơi thì Trần Kiện (con trai của ông Trần Quốc Khang) đã chạy đi đầu hàng giặc, khiến cho mặt trận này trở nên khó khăn; sau nhờ có viện binh của tướng Trần Quang Khải, khiến cho cục diện chiến trường thay đổi có lợi cho quân ta.
Mùa hè năm 1285, quân ta tổ chức phản công địch. Ông Trần Nhật Duật được nhà Vua và Tiết Chế Hưng Đạo Vương cử đi chỉ huy chiến dịch Hàm Tử (thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên ngày nay), một chiến dịch lớn, nhưng được tiến hành một cách táo bạo và bất ngờ khiến cho quân giặc không trở tay kịp. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông Trần Nhật Duật đã cả phá được quân giặc ở Hàm Tử, lực lượng chúng bị chia cắt, bị tiến công và bị tiêu diệt. Với chiến thắng của chiến dịch Hàm Tử có ý nghĩa vô cùng to lớn góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ hai.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba (1287-1288), lúc này, ông Trần Nhật Duật đã ở tuổi 33. Một lần nữa, Ông lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần to lớn vào thắng lợi trọn vẹn của cả dân tộc ta.
Sau ngày đại thắng, đất nước sạch bóng quân thù xâm lược, ông Trần Nhật Duật tiếp tục làm quan và được Triều đình tin cậy giao phó cho Ông giữ những chức vụ quan trọng. Bình sinh, ông Trần Nhật Duật là một người tài ba, nhưng xét việc rất cẩn trọng, nghiêm nghị nhưng rất dễ gần, liêm khiết và nhân hậu. Ông là cha nuôi của Hoàng tử Mạnh, con của Vua Trần Nhân Tông, người về sau lên ngôi Vua, lấy miếu hiệu là Trần Anh Tông.
(Lược trích “Các Triều đại Việt Nam” từ trang 109, 110, 111 và “Danh Tướng Việt Nam” tập I từ trang 150, 151, 152, 153 & 154).

Liên quan (chồng, vợ) trong gia đình

Các anh em, dâu rể:
   Thái Tử Hoảng
   Trần Quang Khải
   Trần Ích Tắc
   Thiều Dương
   Thuỵ Bảo
   An Tư
   Trần Quốc Khang
Con cái:
       Văn Hiền Hầu
       Trần Trực Định
       Trần Trực Ninh
Gia Phả; Trần Phước (陳 福 - 富霑)
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Trần Phước (陳 福 - 富霑).
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Trần Phước (陳 福 - 富霑)
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.