GIA

PHẢ

TỘC

HẬU
DUỆ
VUA
MINH
MẠNG
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
TỘC ƯỚC - GIA PHÁP

LỜI NÓI ĐẦU


 


AI SINH RA TA??                       CHA & MẸ


AI SINH RA CHA ME TA??          ÔNG & BÀ


Cứ thế chúng ta truy tầm mãi lên thì đến gốc, đó là TỔ TIÊN của một GIÒNG TỘC


 


Bởi vậy:                 Cây thì phải có gốc


                             Người thì phải có TỔ TIÊN


Cây được nhiều cành lắm lá, đó là nhờ gốc tốt.


Một GIÒNG TỘC lắm con, nhiều cháu cũng nhờ PHÚC ĐỨC của TỔ TIÊN


Tục ngữ có câu:      Uống nước nhớ nguồn


                             Ăn trái nhớ kẻ trồng cây


Con người được đề cao và tôn trọng hơn muôn loài là nhờ có  L‎ý trí, Danh dự, và biết Tự trọng, biết Bảo tồn cùng việc THỜ PHỤNG TỔ TIÊN.


Vả lại chúng ta là Hậu duệ thuộc GIÒNG TỘC ĐẾ VƯƠNG, chúng ta nên theo gương Trung hiếu của TỔ TIÊN, đó mới thật xứng đáng là Con Giòng Cháu Giống, đồng thời chúng ta nên sống làm sao để không tủi thẹn với lương tâm, hầu noi gương tốt cho Hậu duệ sau này noi theo.


Có như thế mới khỏi bị đời mai mĩa, VONG TỔ , MẤT GỐC.


                   Trăm năm bia đá thì mòn.


                   Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ


                                      Mong thay và mong lắm thay


 


                             oooooooooOOoooooooo


 


 


 


Ngài THỌ XUÂN VƯƠNG là con thứ ba của ĐỨC THÁNH TỔ NHÂN HOÀNG ĐẾ, Cuộc đời và sự nghiệp của Ngài gắn liền với lịch sử nước nhà  và Giòng Tộc.


Ngài đã gánh vác những trọng trách vào những giai đoạn vẻ vang cũng như đen tối nhất của LỊCH SỬ NHÀ NGUYỄN.


 


Nhờ đức độ lớn lao, không những Ngài đã chu toàn trách nhiệm mà khiến cho mọi việc trở nên tốt đẹp, trăm họ an vui.


 


Lúc sống được mọi người ngưỡng mộ, lúc mất đi đầy nỗi mến thương, luyến tiếc. Ngài là biểu hiện cho sự phúc lành của Đất nước.


 


Sinh được 78 Công Tử, 66 Công Nữ, số con cái đã vượt trội Đức Thánh Tổ, và chẳng trái với ĐỨC HIẾN TỔ khi ban cho BỘ THUỶ để đặt tên cho con cháu cũng như nước của Bể cả.


 


Ngài HƯỜNG CÁC, là con thứ 7 được Tập Tước THỌ XUÂN QUẬN CÔNG, kế đến con là ƯNG HÀO đã thay nhau giữ quyền CHỦ TỰ, đồng thời đều giữ những chức vụ quan trọng trong TÔN NHƠN PHỦ.


Đến đời thứ 4, ông BỬU LỘC, tập tước KỲ NGOẠI HẦU, nhưng không có con nối dõi, anh em lại ly tán, Đến năm Ất Dậu 1945, bán căn nhà đang ở cho ông Ưng Giáp, đồng thời xin trả lại chức CHỦ TỰ cho PHÒNG, rồi tha phương lập nghiệp.


 


Các Chi khác ngự trong phủ, qua đến đời thứ 4 chẳng còn lại là bao, một phần không có thừa kế, một phần vì chiến tranh ly tán, kẻ NAM, người BẮC, sống thác chẳng hay, số còn lại tại HUẾ, tìm cách sinh sống ngoài phủ. Con cháu còn lại trong phủ phần nhiều thuộc chi 3 và chi này thay nhau nắm việc quản lý Phủ thờ.


 


Đến năm 1992, Phủ Thờ bị sập đổ hòan toàn vì cơn bão. Đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của Dượng PHẠM HỮU QUẾ chồng cô CÔNG TẰNG TN NGHIÊM HÒA. Chú BỬU THÙ và cô Công Tằng TN CẨM THƯỢNG thuộc chi 61 Nhánh 3 của ông ƯNG KHƯƠNG, đạ mạnh dạn đứng ra đóng góp tài lực gởi về để Dưọng QUẾ cùng bà con phục hồi tạm thời nơi THỜ PHỤNG TỔ TIÊN năm 1993 và kế tiếp Sùng tu lăng Ngài THỌ XUÂN VƯƠNG, tại CẦU LIM, đang bị xuống cấp trầm trọng vào năm 1994. Đến năm 1996, một lần nữa Cô CẨM THƯỢNG lại động viên con cháu thuộc nhánh 3 đóng góp công cũng như của để sung tu đợt 2 với những công trình như sau: Tu sửa Chánh Điện, nhà Võ Cua, Thượng Tứ Linh, làm thêm mái hiên, thay 3 bộ cửa, đúc 4 trụ trước Chánh Điện bằng ximăng cốt sắt có chạm rồng nổi, tu sửa Tam Quan và làm mới 4 câu đối, làm mới Lưỡng Long Cầu Nhật trên bức bình phong, có sự hổ trđắt lực của:


VĨNH ĐÀO, VĨNH TÙNG (con chú BỬU THÙ). Riêng ở Huế thì có sự đóng góp cuả cô CTTN CHÁNH THÀNH (em chú THÙ): 1.000.000đ – Chú BỬU TRÍ Chi 54: 1.000.000đ – chị CHTN THỊ TUỆ và BẢO MỄ chi 3 : 1.000.000đ – BẢO LỰC chi 3: 200.000đ – TÔN NỮ THIỆN CHI Chi 3: 200.000Đ,  tiếp theo là sung tu Lăng đức


Tổng chi phí cho 2 lần sung tu Phủ Thờ và trùng tu 2 Lăng của Chi 61, nhánh 3 đã đóng góp trên ba chục triệu đồng.


 


Người chịu trách nhiệm thi công đợt 2 là Ông PHẠM HỮU QUẾ Chi 61 và Ông VĨNH TÙNG Chi 37


Liên tiếp 2 lần sung tu Phủ Thờ, tu sửa Lăng mộ vào năm 1993, 1994 và năm 1996 tốn kém như thế, nhưng cũng chỉ là đóng góp nhỏ nhoi đối với quy mô của Phủ Thờ cũ.


 


Với ước muốn của người viết Phả cũng như tâm nguyện của đa số Bà con có định đem người tốt việc tốt lên giấy trắng mực đen, không ngoài mục đích nêu gương HIẾU THUẬN của những Bà con, Hậu duệ thuộc THỌ XUÂN VƯƠNG Phòng đã phát huy tinh thần Uống nước Nhớ nguồn, Chim có Tổ  - Người có Tông, đồng thời là Ngọn Đuốc Soi Sáng Lương Tri cho những Thế hệ hiện nay và mai sau tiếp bước noi theo (trong khi đó người xấu việc xấu cũng không ít, nhưng người viết phả chỉ mong muốn thể hiện Tinh Thần Huyết Tộc để cùng nhau Đoàn kết chung lo Hiếu sự nên không ghi vào).


Việc lập lại Phả Hệ của Phòng THỌ XUÂN VƯƠNG  là việc làm hết sức cần thiết, mục đích là thắt chắt Tình Huyết Thống giữa các Chi để cùng nhau giữ gìn những gì còn lại của TỔ TIÊN.


Tuy nhiên việc này cũng hết sức nan giải:


Thứ nhất: Là không thể tìm lại hết những bà con trong các chi, có một số chi không biết có còn lại Hậu Duệ hay không.


Thứ Hai: Là Một số Chi, hoặc không muốn cung cấp những Tư liệu Gia đình, hoặc vì dễ phát giác ra điều không hay thộc đời trước, hoặc vì không có tấm lòng muốn quay về cội nguồn, hoặc vì có những bất đồng khó hàn gắn.


Thứ Ba: Tuy có nhiếu Chi lập Phả riêng, nhưng chỉ rời rạc khó nối kết, những tài liệu khác về Phòng Thọ Xuân Vương, qua thời gian dài đã mất gần hết,


Thứ Tư: Dù đông người nhưng chưa tập họp thành nhóm, để những người có tâm huyết cùng khả năng lập chung một cuốn Phả của Phòng.


 


Tuy khó khăn và phức tạp như thế, nhưng ước nguyện của người lập Phả cũng phải hòan thành, dù đơn sơ một cuốn Phả của Phòng, Tự đi tìm hiểu liên hệ, biết đến đâu thì ghi đến đấy. Trong thời gian từ 1994 đến 1999 mục đích là để lại cho những bà con, hậu duệ có nhiều Tâm huyết, có thể dựa vào đó làm sườn mà soạn cho kỹ càng hơn.


 


Đồng thời cũng là điều mong muốn sau cùngcủa người viết là mong sao cuốn Phả này đến tay bà con hậu duệ thì xin bà con bổ sung những phần thiếu sót ngoài ‎ý muốn của tác giả đến Ban Điều hành Phủ Thờ Thọ Xuân Vương, để nơi đây gom góp những tư liệu để ghi tiếp vào cuốn Phả cho được đầy đủ và hoàn chỉnh hơn.


Là một phòng lớn trong HOÀNG TỘC NGUYỄN PHƯỚC , cộng thêm vào đấy Danh Vọng của NGÀI THỌ XUÂN VƯƠNG vượt trội đương thời, chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm làm cho con cháu hiểu rõ mà giữ lấy Nề Nếp, Gia Phong, để Ân đức Ngài thấm nhuần trong mọi tầng lớp , các thế hệ về sau.


 


Riêng người viết phả, xin chân thành cảm ơn chú VĨNH ĐÀO đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi thực hiện cuốn Phả theo như mong ước từ nhiều năm nay.


 


Việc làm Phả của Phòng chẳng ngoài mong ước này.


 


Viết xong mùa Xuân năm Kỷ Mão


 


Sài gòn, ngày 01 tháng 04 năm 1999


Người viết Phả:


 


VĨNH TÙNG


Chi 37 Nhánh 2







Tiểu Sử   NGÀI THỌ XUÂN VƯƠNG


 


          TUỔI TRẺ VÀ TÀI NĂNG


 


Thọ Xuân Vương tự MINH TỈNH, Hiệu Đông Trì ban đầu được Thế Tổ Cao Hoàng Đế (Vua Gia Long) ban cho tên YẾN. Năm Minh Mạng thứ 4 có Ngự chế Kim sách về Đế Hệ Thi, nên được ban cho tên như hiện nay là MIÊN ĐỊNH.


 


Vương là con trai thứ ba của Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế (Minh Mạng). Mẹ là gia phi họ Phạm (Đức từ Phạm Thị Tuyết), người huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định, là con gái của Truy Thự Quang Lộc, tự Thiếu Khanh Phạm Văn Chấn. Vương sinh ra vào tháng 7, mùa thu năm Gia Long thứ 9 (1810), gia phi mất lúc Vương vừa 3 tuổi. Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu (Mẹ Vua Minh Mạng) đem Vương vào nuôi trong cung.


 


Thuở bé Vương yếu đuối nhưng thông minh, được học ở chái tây Điện Cần Chánh. Thế Tổ Cao Hoàng Đế thường thấy Vương mang hòm sách đi nghe giảng, rất ngợi khen. Lúc lớn lên, Vương có dáng người to lớn, tư chất hơn người. Đầu triều Minh Mạng, Vương cùng Hoàng tử (Hiến Tổ Chương Hoàng Đế Thiệu Trị) được xuất các (1). Vương càng tinh thông mọi sách, nổi danh về thơ, càng giỏi về ứng chế (2). Khi phụng chiếu họa bài thơ “Cấm trung tử quí hoa” (Hoa quí trong cung cấm), Vương có câu:


         


“TỰ TÙNG DUỆ TẢO LƯU ĐỀ VỊNH


          QUAN CHIẾM QUẦN PHƯƠNG ĐỘC ĐÀN DANH”


Dịch:  TỪ KHI ĐƯỢC ĐẾ VƯƠNG ĐỀ VỊNH


          CHIẾM LẤY QUẦN HOA ĐỆ NHẤT DANH


 


Đế hết long khen ngợi, Tuy Thánh Quận Công Trương Đăng Quế suy tôn Vương là bậc ứng chế nổi danh đương thời. Vì thế Tùng Thiện Quận Vương Miên Thẩm, trong cung từ (3) có câu:


 


          TẤT CÁNH TRẦM TAM HOÀN ĐỆ NHẦT


          ĐƯƠNG GIA THIÊN THỦ THỌ XUÂN CÔNG


Dịch:  TUY Ở HẠNG BA NHƯNG THÀNH NHẤT


          NỔI TIẾNG ĐƯƠNG THỜI THỌ XUÂN CÔNG


 


 


CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP


 


1:/ DƯỚI TRIỀU VUA MINH MẠNG


 


Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), Vương được lệnh lập phủ ở phía trái kinh thành để tiện việc phụng hầu.


 


Mùa hạ năm Minh Mạng thứ 6, Đế đi Quảng Nam, sai vương lưu giữ kinh đô, dụ rằng: “Phải phụng theo từ chỉ (4), định mọi việc trong cung, sắp xếp để tâu lại”. Mùa hạ năm thứ 7 Đế đi Quảng Bình, lại lệnh cho vương giữ Kinh đô. Mù thu năm thứ 9, Đế se mình, Vương cùng Hoàng trưởng tử thay phiên túc trực nơi đế nghỉ. Lúc thái y dâng thuốc, Đế không uống vì thấy không hiệu quả. Vương và hoàng tử trưởng dâng sớ nhẹ nhàng can ngăn, Đế mới ra lệnh dâng thuốc uống, mấy ngày thì lành. Khi Đế ra Điện Cần Chánh nhận lời chúc mừng, cho triệu Vương lên Điện, ban trả rồi cho lui.


 


Mùa xuân năm Minh Mạng thứ 11, sách phong làm THỌ XUÂN CÔNG. Mùa xuân năm thứ 16, Vương và Hoàng trưởng tử vào hầu ở Điện Đông Các, Đế ban cho mỗi người một lư hương và một cây đàn quí mà dụ rằng: “Lư là để truyền hương thơm, đàn là để vang tiếng. Đây là lúc các con cần có hương danh truyền khắp nơi, phải gắng sức lên”. Mùa hạ năm đó, Đế đi Quảng Trị, lệnh cho Vương lưu giữ Kinh đô và dụ rằng: “Kinh đô là nơi căn bản, lệnh cho con lưu giữ. Mỗi ngày phải đến Điện Cần Chánh để cùng các quan bàn bạc”. Lại cấp cho một Nha đồ k‎ý để ghi những chuyện gì nghe được trong cung mà tâu lên.


 


Mùa thu cùng năm, bắt đầu đặt các quan chức tại Tôn Nhơn Phủ. Đế lệnh cho Vương kiêm nhiếp Tôn Nhơn Phủ Hữu Tôn Chính, ghi tên tất cả bà con xa gần để cai quản. Vương liền xin lập điều lệ và dâng sớ cử Tôn Thất Lương, là quan thanh bạch, làm tư vụ, đồng thời xin cấp tinh biểu (5) để tỏ sự vui mừng. Đế chấp nhận. Năm Minh Mạng thứ 19. Đế lệnh cho Vương cùng các quan  bộ Lễ tiếp tục bàn bạc chương trình để thi hành ở Tôn Nhơn Phủ.


 


          Mùa đông năm thứ 21, gặp lúc Đế không được khỏe, khi xét các án tử hình, Đế lệnh cho Vương & Hoàng tử trưởng đọc lại. Thấy việc trọng đại, Vương nhường cho Hòang tử trưởng quyết đoán. Đế ngợi khen rồi ban cho Diễm Lộc Viên để nghỉ ngơi và đọc sách, đồng thời dạy: nên lưu tâm đến việc bút mực và hàng ngày cần để sửa mình.


 


         


          2:/ DƯỚI TRIỀU VUA THIỆU TRỊ


 


Thiệu Trị nguyên niên (1841), khi làm lễ Ninh Lăng (6) Vương theo hầu, tất cả việc lễ lược cho đến việc đề chủ (7), Vương đều được sung vào giúp đỡ. Mùa xuân năm Thiệu Trị thứ 2, Đế ra Bắc  làm lễ bang giao, Vương được phong làm Ngự tiền Thân thần. Ngày tuyên phong, sứ nhà Thanh là Bửu Thanh cưỡi kiệu vào thẳng cửa Chu tước (8), quan đón tiếp không thể can ngăn. Vương nghiêm nét mặt quát mắng. Sứ Thanh liền xuống ngựa, thong thả mà đi. Khi xong lễ Đế ngợi khen. Lúc trở về, Đế thưởng cho một viên ngọc trắng để đeo, có khắc 4 chữ “Đặc nghị quyền hưu” (nghĩa là đặt biệt mãi yêu thương).


 


          Mùa hạ năm thứ 3, sau khi làm lễ thăng phối (9). Đế ngự triều làm lễ chúc mừng, Vương dâng lễ thượng thọ. Đế tự rót Ngự tửu ban cho Vương với Ngự tứ thi rằng:


         


BẬT DỊ ĐƯƠNG NIÊN CỌNG ĐIỂN BÍ


THÀNH KHAM LƯU LÃM HẢO TƯ VĂN


ÍCH ĐÔNG THÂN ÁI, LONG PHAN BÍNH


VẬT NGẠI QUÂN THẦN, PHẬN SỰ PHÂN


Dịch:  CHẲNG KHÁC LÚC CÒN HỌC VỚI NHAU,


          VĂN CHƯƠNG CHẤP NHẬN ĐỨNG HÀNG ĐẦU,


CÀNG THÊM THÂN ÁI TÌNH PHÊN DẬU,


CHỚ NGẠI VÌ THAN PHẬN QUÂN THẦN.


 


Mùa hạ năm Thiệu Trị thứ 5, Ngự chế ban bộ chữ chia cho các phòng của các Hoàng tử để định rõ sự kế tục, Vương được ban bộ THỦY. lại được ban một bài Ngự chế theo chính hệ (dòng chính) để rõ sự hay truyền thế, đó là một đặc ân. Rồi Đế lệnh cho Vương làm Tổng l‎ý coi sóc sửa chữa Đại Nam hội điển (10), Năm Thiệu Trị thứ 7 , Vương dâng sớ xin theo lệ, thôi việc ở Tôn Nhơn Phủ để nhường chức vụ cho các Hoàng tử khác, Đế ưu ái không chấp nhận.


 


3:/ DƯỚI TRIỀU VUA TỰ ĐỨC.


 


          Năm TỰ ĐỨC thứ 2 cử hành lễ bang giao, Vương được sung làm Ngự Tiền Thân thần. Năm thứ 11 có biến ở Nam kỳ, Vương được trù liệu việc biên giới, thấy hao phí việc quân quá nhiều, Vương dâng sớ xin bớt lương bổng để giúp quân, Đế không chấp nhận. Qua đầu năm sau, Vương được 50 tuổi, Đế ban cho phẩm vật cùng câu đối:


 


          DỮ QUỐC ĐỒNG HƯU, TÌNH ÂN BÁO QUỐC


          HÀ THIÊN TÍCH HỰU, THỌ KHẮP TRI THIÊN.


Dịch:            GIÚP NƯỚC AN LÀNH, ĐEM ÂN TÌNH MÀ BÁO QUÔC


                   NHỜ TRỜI BAN PHÚC HƯỞNG NIÊN THỌ ĐÊN TRI THIÊN (11)


 


          Vương bái nhận, dâng biểu cảm tạ, biểu viết rằng:


 


          TRUNG VỚI NƯỚC, ĐEM SỨC CHƯA CÓ TÀI CƠ ĐÁN (12)


          THIỆN TẠI NHÀ, LÀM VUI CHẲNG ĐÁNG ĐƯỢC CHÍ ĐÔNG BÌNH (13)


          VƯƠNG TRIỀU THĂM HỎI PHỦ ĐỆ AN NHÀN,


          ĐƯỢC BẢO BỌC CUỘC SỐNG VÀO NƠI NHÂN THỌ.


          NHUẦN ƠN TRẠCH, CÕI ĐỜI MỚI GIỮ ĐƯỢC AN KHANG,


          HIỆN BIÊN THÙY CÓ BIẾN, NAY XÍCH THỐI (14) KHÔNG CÔNG.


          NIÊN LÃO ĐÃ SUY, THẸN NĂM MƯƠI TRIỀU CHÍNH,


          THÙ ÂN (15) QUÁ THẤM NHỤC, BA TIRỀU ĐẠI CÁO HƯU.


 


          Mùa xuân năm Tự Đức 13, nhân lễ Nam Giao, Vương được sung làm Nhiếp hiến (16). Mùa xuân năm thứ 18, Đế cho rằng Vương tuổi cao, đức trọng, gặp triều yến đều được ban cấp, hỏi han, cho ngồi tại chỗ hoặc dúng chấp tay ở trán, để tỏ chí tình. Rồi phụng thư sắc cho phép khi đến triều, Vương được dung nhuyễn dự (17) đến thẳng cửa Nhật Tinh. Để tỏ lòng ưu ái của Đế đối với Vương, năm đó Vương được cải làm Tả Tôn Chính ở Tôn Nhơn Phủ , Vương bái mạng. Đế ban: “Người lớn tuổi chân thật chẳng có mấy, chiến khanh gắng sức để giữ gìn khuôn phép thay mệnh của Trẫm”. Vương bèn mời trong phiên hệ những người thận trọng, trung hậu để sung làm Tư giáo trông coi mọi việc.


 


          Mùa thu năm Tự Đức 18, Vương tiến triều, Đế bảo: “Từ xưa đến nay có nhiều người trong Tôn Nhơn Phủ đức hạnh cao, địa vị lớn, đáng nêu danh. Nay ta muốn con cháu họ mài dũa thành tài để có lúc dùng đến, đó là mong ước của Trẫm. Nhưng gần đây sao thấy việc học tập chẳng kết quả gì”. Vưong thưa rằng: “Những người trợ giúp phẩm trật thấp kém, không thể hoàn thành trọn vẹn chức năng của bậc thầy. Nay xin lập trường học, đặt một người chưởng giáo trong hạng khoa giáp là kẻ sỹ, biết dạy dỗ thì mới thành tựu được”. Đế khen ngợi ra lệnh lập trường, dung Đặng Văn Kiều là kẻ sỹ thanh nhã sung làm Chưởng giáo. Vương lại cho mời các Công tử, Công tôn theo các Nha, Bộ để học tập chính sự. Đế bảo: “Ngành gốc của dòng họ trăm đời, cần có chủ trương sớm mới có thể thành hữu dụng. Nếu không thì tuổi lớn mà càng ngày con cháu càng đông, thì chẳng ra thể thống gì”. Bèn khiến Vương cùng các Hoàng tử châm chước, chọn phép tắc hay, thích hợp, xét kỹ mà thi hành. Vì thế Vương tâu lên: “Tất cả những Công tử, Công tôn, ngoại trừ người có văn học được xét bổ dụng, còn ra bất kỳ hệ nào học hành không tiến bộ mà có sức vóc thì cho bổ vào võ học. Các Công nữ không có vốn liếng, sung vào phụng trực ở các Tôn Lăng, Tôn Điện, khiến có nơi nương tựa”. Đế chuẩn theo lời tâu cho thi hành.


 


          Mùa thu năm Tự Đức 22 (1860), Vương mừng thọ 60 tuổi, Đế ban cho áo bào, trượng, các phẩm vật cùng bài thơ:


 


                   GIỚI ĐỆ TÍCH VƯU CHÍ


TÔN PHAN KIM THỊ BỈ


                   VÔ TRƯƠNG NĂNG TỰ ỨC


                   NAM LÃO KHỞI DUY KỲ


                   DĨ TRỰC TRIỀU KIẾN TƯỚC


                   NINH VỌNG TỰ TỤC QUI


                   TẤT NHÂN PHƯƠNG ĐẮC THỌ


                   LƯƠNG HỮU NHẤT KINH DI.


Dịch: 


                   TRƯỚC ĐÂY LÀ EM QUÍ


                   MÀ NAY CHÍNH TÔI HIỀN


                   KHÓ KHĂN LÒNG TỰ GẮN


                   TUỔI ĐÃ SÁU MƯƠI LIỀN


                   TRIỀU ĐÌNH CHỨC TƯỚC LỚN


                   PHÉP TẮC GIỮ TRƯỚC TIÊN


                   NHỜ NHÂN MÀ ĐƯỢC THỌ


                   ĐẠO HAY LẠI ĐƯỢC TRUYỀN.


 


          Mùa hạ năm thứ 27, Vương được tấn phong Quận Vương. Đế dụ: “ Vương với Ninh Thuận Quận Công MIÊN NGHI đều là chú của Trẫm, nay tuổi gần thất tuần, giỏi giang, trung hậu, càng lớn tuổi càng gắng sức, là Trọng thần của Trẫm, Trẫm rất thương mến, rất kính trọng. Mỗi khi muốn đặc cách gia ân để tỏ lòng thành của Trẫm, nhưng vật thì chẳng quí, chỉ có danh mới quí, chẳng có gì xứng với tình của Trẫm, truy khen lúc quá vãng sao bằng lúc còn sống, vì thế mới thực. Chuẩn phong làm Quận Vương để tỏ rõ tình thân, tuổi lớn đức cao chẳng có gì trái lẽ mà lại an ủi được tình thương của Tiên đế dành cho Vương, lại bày tỏ của Trẫm hết lòng với người thân. nhờ đức lớn của Vương mà tạo được phong thái tốt đẹp, khiến Trẫm càng thêm tin tưởng”.


 


          Vương và Ninh Thuận Quận Công dâng sớ khẩn khoản từ chối, lấy cớ: “Bản triều từ xưa đến nay, những người thân thuộc chưa hề được phong Vương, huống gì vùng biên cương rối ren, tâm Đế chẳng an, đội ân được dự vào việc nước nhưng chẳng giúp ích đựợc chút nào, cảm thấy không công lao mà hưởng được lộc lớn, thật chẳng an tâm, chứ chẳng phải nói bậy mà từ chối”. Đế phán: “Bản triều vốn định không phong tước Vương là vì không có người xứng đáng, chưa có lúc thích hợp, nên còn chờ đó thôi. Nay hai chú chớ có từ chối để an ủi lòng tôn thân, kính lão của Trẫm”. Vương mới nhận phong.


 


          Mùa đông năm thứ 29, Đế ban dụ rằng: “Vương tuổi quá nhĩ thuận (18), triều đình cậy nhờ, vả lại trung thành chăm lo việc không hề giảm, chuẩn cho khi điện kiến, yến tiệc hoặc bình thường, lúc ban thưởng, thăm hỏi, chỉ xá ba xá là đủ tỏ long cung kính, miễn quì lạy”.


 


          Mùa xuân năm thứ 30, Đế thấy vương đức lớn va rất trung thành, chăm lo công việc không sút giảm, nên lệnh cho quan ở phủ Thừa Thiên chọn 15 mẫu quan điền màu mỡ ban cho trọn đời để cúng cho Tiên Phi (19) cùng dùng việc hương hoả cho vương sau này.


 


          Mùa xuân năm thứ 31, gặp Ngũ tuần Vạn Thọ đại khánh tiết, được tân phong THỌ XUÂN VƯƠNG. Dụ viết: “Có lẽ mừng ban ân huệ, tất từ người gần, đó là sự khởi đầu của nghĩa làm thân với người thân. Thọ Xuân Vương tuổi gần 70, kiêm đủ phúc, thọ, phú, qúi, mà biết lo lắng trung thành, hết lòng với triều đình đã lâu, Đức tốt đó, chẳng phải do riêng Trẫm kính yêu, mà đủ để mọi người ngưỡng vọng. Tấn phong làm THỌ XUÂN VƯƠNG để tỏ sự quan tâm đến những điều ưu việt”.


 


          Mùa thu năm Tự Đức thứ 32, Vương mừng thọ 70 tuổi, Đế xuất kho ban các phẩm vật, cùng làm bài tự bài ca để ban cho. Bài tự về thọ ghi sơ lược rằng:


 


“Việc ở đời khó được là Phúc với Thọ. Có người thọ mà không phúc, Được phúc thì trăm ngàn người chỉ có một, hai người; được thọ thì chỉ được một hai trong vạn ức người. Huống hồ gì được cả hai điều, mà lại đầy đủ, chẳng thiếu sót chút nào, thì trong trăm ngàn vạn ức tuyệt không có. Ít như vậy mà ta lại có, ta có được một người.


          “Vương là con của Văn Vương (20), em của Vũ Vương, chú của Thành Vương, luôn giữ phận bề tôi. Đến nay nhiều lần đuợc phong địa vị dưới Thiên tử một bậc, thật là phú quí, mà quí thêm nữa. Làm việc trải qua bốn triều, bổng lộc ngàn chung, phẩm vật được ban không kể xiết, phú lại càng phú thêm. Nhưng đạt được những điều nói trên chưa đủ là khó. Chỉ nghe rằng Vương thuở nhỏ rất yếu, lại nhiều bệnh, mà lúc ln lên cường tráng sung mãn, con cái quá một trăm người, tức là hơn con số một trăm, trong Kinh thi còn kém (21). Những điều tốt đẹp, chẳng có gì đáng nghi ngờ. Huống gì gần đây, tinh thần minh mẫn, tuổi càng lớn càng bệ vệ. Nay tuổi đã bảy mươi, râu tóc trắng xoá, mà ăn uống, nhìn ngắm, suy nghĩ nói năng chẳng suy, khiến mọi người càng kính yêu, mong muốn giống như thế mà chẳng được.


          “Lại bảo Lương Hiếu (22) giàu to nhưng không nói giàu và thọ, và nhiều con trai. Trung Sơn (23) có nhiều con trai, nhưng không nghe nói giàu và thọ. An Bình (24) thì tuổi thọ cao, nhiều con trai, nhưng không nghe nói giàu. Vương, thanh danh không bằng Tùng, Tuy (25), hào hùng không như Ninh Thuận, giàu chẳng bằng Định Viễn (27), nhưng các bậc Vương từ xưa đến nay đều có chỗ bất túc, chỉ có một mình Vương là đầy đủ cả, thật làm sang tỏ Đức hạnh của Triều đình ta; trong sách vở chưa có nơi nào, chuyện nào như vậy. Ta nghe Mục Thúc nói bất hủ có ba điều mà không nói đến bổng lộc ở đời”.


 


          Bây giờ hãy nói chuyện tuổi thọ của Vương, mà làm bài ca tỏ tình cảm, Ca rằng:


 


THẦN CHÂN TAM ĐẢO CÓ TIÊN (28)


CHẲNG HỀ ĐƯỢC THẤY, CHỈ RIÊNG NGHE NHIỀU.


CHỐN YÊN HÀ NGƯỜI HIỀN Ở ẨN


NẾU GẶP TIÊN CHƯA HẲN LÀ HAY,


ĐÂU BẰNG TIÊN CHỐN ĐẤT NÀY


ĐÔNG TRÌ LÀ HIỆU , TRÚ NGAY ĐÔNG TRÌ (29)


VỐN GẦN CHỢ THIẾU GÌ SƠN THUỶ,


TUY CHỈ NGHE TA NGHĨ LÀ XINH.


TỪ LÂU TIÊN VỐN ẨN MÌNH


CẢNH SẮC TUYỆT ĐẸP HỮU TÌNH NƠI NƠI


Ở TRÊN CAO CÂY TO THÚ LỚN,


DƯỚI HỒ SEN CÁ LỘI THUNG THĂNG


LƯƠNG ĐÌNH, ÚC QUÁN (30) XUNG QUANH,


HƯỚNG VỀ GIÓ MÁT TRĂNG THANH MƠ MÀNG.


BƯỚC THEO CHÂN, CON CÙNG ĐÀN CHÁU,


RỒI ANH EM VUI ĐẤU CUỘC CỜ.


CHỦ NHÂN LÒNG SẴN SAY THƠ


VÌ LÒNG QUÍ KHÁCH TÙY THỜI NHẤP CHƠI.


XƯỚNG HỌA NGAY KHI ĐÀN SÁO NỔI


THỨC ĂN NGON THAY ĐỔI MANG LÊN


VUI CHƠI CHO TRỌN HẾT ĐÊM


CHỦ NHÂN NÀO MỆT, KHÁCH QUÊN CẢ VỀ.


NAY TIỆC THỌ LẠI CÀNG VUI VẺ,


LẬU (31) CHẬM HOÀI ĐỂ MÃI THÂM CANH,


CHỚ NÊN ĐỂ NGUYỆT XẾ TÀN,


TRƯỚC SÂN CHUẨN BỊ KHÊU ĐÈN THƯỞNG TRĂNG.


VƯỢT NGÂN HÀ SONG TINH (32)LẤP LÁNH,


THỌ PHÚC CẦU XỨNG ĐÁP DÀI LÂU.


MỌI NGƯỜI GIỜ QUÁ SAY SƯA,


BỒNG LAI TIÊN CẢNH CÒN THUA RẤT NHIỀU


NHƯ ĐẠO UẨN, TRẦN TƯ (33) NÀO THIẾU,


PHÚ THƠ HAY CỨ THẾ ĐUA TRANH,


MUỐN MONG ĐƯỢC TRỌN Ý LÀNH,


GIÚP TẠO NHÂN ÁI, ĐỂ DANH MUÔN ĐỜI


BIẾT NƯỚC CHẢY MÂY TRÔI KHÓ LIỆU,


ĐÀN ƯNG MÔN (34) ÂM ĐIỆU CHỢT NGHE,


TỬ KINH ĐIỀN THỊ (35) NÊN DÈ


VƯỜN THỎ AO NHẠN (36) CŨNG E HOANG TÀN.


CỐ HỔ ĐẦU CÙNG CHÀNG MA CẬT (37)


NHẮP CHÉN SAY, VẺ ĐẸP THẦN KỲ.


CHÂN DUNG TIÊN THỌ ĐÔNG TRÌ,


CHU CÔNG, CỬU LÃO (38) CÓ GÌ KÉM ĐÂU”


 


          Vương dâng biểu bái tạ, trong đó có viết: “Từ lâu đội ơn vua chiếu cố gây dựng cho. Nhưng đức kém tài chẳng đủ. Tuy suy nghĩ thật nhiều để giúp nước, nhưng cũng chỉ tuổi già vô dụng, mà được tiếng khen như Cơ Đán, e rằng để tiếng cười cho hậu thế. Vì vậy tuổi đến bảy mươi mà cảm thấy thẹn được ân sủng ban thưởng, Kính đọc Ngự chương (39) đã sang tỏ lời dạy bảo” . Đế ngợi khen.


 


          Mùa thu năm Tự Đức thứ 33, con kế tập của Vương là Quận công Hồng Cật qua đời. Vương buồn thành bệnh, dâng sớ xin thôi việc ở Tôn Nhơn Phủ. Đế bảo: “Việc tại phủ chẳng bận rộn gì nhiều. Vương lớn tuổi, thành thạo công việc điều khiển thì lấy gì làm khó mà từ chối. Nên giữ gìn mà hưởng tuổi trời. Con cái đông thì chọn đứa khác kế tập thì cũng là thường tình như mọi người, chớ thương tâm mà thành bệnh. Nên nghĩ  chuyện trọn đời giúp nước”.


 


NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI


 


          Mùa hạ năm Tự Đức 36, Dực Tông Hoàng Đế mất. di chiếu cho Cung Tông Huệ Hoàng Đế nối ngôi khiến Vương và Tuy Ly Quận Vương là hai người thân mà tuổi và đức hạnh hơn người, phàm thấy điều gì sai trái thì nên sửa cho đúng, để làm tốt.


 


          Mùa thu năm ấy, di chiếu tôn Trung Phi (là Lệ Thiên Hoàng Hậu) làm Hoàng Thái Hậu. Lúc đó quyền thần lập Lãng Quốc Công nối ngôi. Quần thần bàn bạc, lấy làm khó trong việc tôn xưng. Vương bèn xin theo lệ Hoàng Hậu đời nhà Tống (40). Vương liền họp Tôn Nhơn Phủ cùng đình thần dâng sớ, dùng chữ hay lời đẹp, tôn Trung phi làm Khiêm Hoàng Hậu. Nhờ thế nước mới được yên, mùa đông năm ấy, gặp lễ Ninh Lăng (41), Vương sung đề chủ.


 


          Mùa hạ Hàm Nghi nguyên niên, kinh thành có biến xuất đế (42) rời kinh , nước không có chủ, phụng chỉ lưỡng cung (43) Vương nhiếp chính, coi việc nước. Vương thấy nhân tâm hơi định, tâu xin cho các Vương như: Tuy Ly, Hải Ninh, Hoằng Hóa, trước kia bị lỗi, đưa đi an trí ở các tỉnh, được trở về Kinh. . Mùa Thu năm ấy Cảnh Tông Thuần Hoàng Đức tức vị, Vương xin thôi nhiếp chính, nhưng vẫn giữ việc ở Tôn Nhơn Phủ. Đế thấy Vương phẩm trật quá cao, không thể phong tước thêm nên đặt biệt ban cho 200 lượng bạc để giúp việc sinh sống.


 


          Mùa đông Đồng Khánh nguyên niên (1885), Vương mất thọ 77 tuổi. Đế nghe rất thương tiếc, cho nghỉ triều 3 ngày, lệnh cho các Hoàng thân đem rượu đến cấp, ban cho tên thụy là Đoan Kháp. Vào ngày táng, Đế sai quan đến cúng, lại phụng mệnh lưỡng cung ban cho một đàn cúng. Vương an táng tại vùng mộ thuộc Dương Xuân (nay thuộc xã Thủy Xuân, thành phố Huế); nhà thờ ở Đông Trì (nay thuộc khu vực 3, phường Phú Cát, Huế), do nhà cũ sửa sang lại.


 


          Tác phẩm của Vương có “Minh Mạng Cung Từ” và “Tỉnh Minh Ái Phương phi tập”.


 


          Vương có 78 con trai, 66 con gái. Con trưởng là HỒng Tuấn, được ân phong Mộng Ấn Đinh Hầu. Con thứ 7 là Hồng Cát, tập phong Đình Hầu. Năm Tự Đức thứ 21, tập phong Thọ Xuân Huyện Công và năm Tự Đức thứ 31 tập phong Quận Công. Con thứ 20 là Hồng Triêm, ân phong Trợ Quốc Khanh. Con thứ 15 là Hồng Hàm, ân phong Phụng Quốc Công. Con thứ 31 Hồng Cấn, ân phong Trợ Quốc Uy. Đích tôn Ưng Hào tập phong Thọ Xuân Hương Công, rồi nhờ tước mà kiêm nhiếp Tôn Nhơn Phủ, Hữu Tôn Khanh. Năm Thành Thái thứ 14 được cải thành Quang Lộc Tự Khanh.


 


KẾT LUẬN


 


          Vương tính có hiếu, ăn ở thuận với anh em, cung kính thận trọng, tuổi cao , đức lớn, triều đình trông cậy đã lâu, nắm trọng trách trong Công tộc. Hơn 50 năm đứng đắn dẫn dắt kẻ dưới, ôn hòa sửa trị mọi người, thiết lập điều lệ khen thưởng, chọn người hiền tài, hoàn thành được phần lớn Khánh Phả. Năm Ất Dậu, khi có biến khẩn cấp, Vương đã lấy vai trò Thân Vương Nhiếp Chính quyết đoán việc lớn, làm hết hiềm nghi, mọi việc đều trình tâu khiến lòng người có nơi nương tựa, chuyển nguy thành an. Nếu chẳng là người có Đức độ cao và lòng Trung than thì khó đạt được. Cho nên Vương được Phú quí, sống thọ nhiều con trai, các điều phúc đều đầy đủ, và từ trước đến nay trong các Vưong tước, chỉ có mình THỌ XUÂN VƯƠNG được như vậy.


 


LƯỢC GIẢI:


(1) Xuất các: ra ở riêng. TỪ xuất các được dung cho các Hoàng tử, Thái Tử hoặc các Quan ngày xưa


(2) Ứng chế: thể văn vua đề ra


(3) Cung từ: thơ văn ghi chép chuyện trong Cung cấm


(4) Từ chỉ: lời chỉ dạy của Hoàng Hậu, hoặc Hoàng thái Hậu. Ở đây chỉ lời dạy bảo của Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu.


(5) Tinh Biểu: nhà riêng Vua cho lập đối với người trung hiếu, tiết nghĩa để bày tỏ ưu đãi đặt biệt.


(6) Lễ Linh Lăng: lễ an táng vua. Năm 1841 an táng vua Minh Mạng.


(7) Đề chủ: là người viết tên vào thần chủ trong lễ tế trước khi rước Thần chủ vào miếu.


98) Chu Tước: là tên chung của 7 vì sao ở phương nam thuộc Nhị thập bát tú Cửa Chu Tước là cửa hướng về Nam, tức cửa chính.


(9) Thăng phối: lễ rước Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu thờ chung với Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế tại Thế Miếu.


(10) Đại Nam Hội Điển: là bộ sách về luật lệ phép tắc nhà Vua qui định về xây dựng Cung điện, dinh phủ, đền đài…. (và đủ mọi vấn đề). Đúng tên bộ sách là: Đại Nam Hội Điển Sử


(11) Tri thiên: Từ dùng để chỉ tuổi 50. Theo sách Luận ngữ: “ Ngũ Thập tri Thiên mệnh”, nghĩa là 50 tuổi biết mệnh trời.


(12) Cơ Đán: là Chu Công, con thứ của Văn Vương nhà Chu, em của Vũ Vương, có công xây dựng sự nghiệp nhà Chu.


(13) Đông Bình: tức Đông Bình Vương, em thứ 8 của Quang Vũ nhà Hán, có công sửa sang lễ nhạc, đã có câu nói “ Thiện Tối Lạc” Nghĩa là làm việc thiện là vui hơn  cả.


(14) Xích thối: là thước tất, nói chút ít,


(15) Thù ân: ân đặt biệt.


(16) Nhiếp hiến: công việc dâng cúng.


(17) Nhuyễn dư: là loại xe, lấy cỏ bọc bánh xe đi cho êm.


(18) Nhĩ thuận: chỉ tuổi 60, Theo sách Luận ngữ: Lục thập nhị Nhĩ thuận” nghĩa là tuổi 60 nghe gì là hiểu ngay.


(19) Tiên phi: là Đức phi, mẹ ngài Thọ Xuân Vương.


(20) Văn Vương là em của Vũ Vương, Chú của Thành Vương, so sánh với Thọ Xuân Vương là con của Thánh Tổ, em của Hiến Tổ và chú của Dực Tông.


(21) Trong kinh thi còn kém: y nói con của Văn Vương là 100 người.


(22) Lương hiếu: tứ Lương Hiếu Vương con của Hán Văn Đế, có lập diện Hoa Cung để chiêu tập hào kiệt bốn phương.


(23) Trung sơn, tức Trung Sơn Tĩnh Vương, con thứ 7 của Hiếu Cảnh nhà Hán.


(24) An Bình, tức An Bình Công, đời Chiến quốc, tên là Điền Hán, có công đánh đuổi quân Yên, khôi phục lại nước Tề.


(25) Tùng Tuy, tức Tùng Thiện Vương Miên Thẩm và Tuy L‎ý Vương Miên Trinh rất giỏi văn thơ.


(26) Ninh Thuận: (Quận Vương) là con thứ 4 của Thánh Tổ, em của Thọ Xuân Vương.


(27) Đinh Viễn (Quận Vương) là con thứ 6 của Thế Tổ


(28) Thần Châu tam đảo: đết Trung Hoa có 3 đảo có tiên là: Bồng Lai , Phương Trượng  và Doanh Châu.


(29) Đông Trì thuộc phường Phú Cát, Huế ngày nay trên bờ song Hương, gần bến đò Cồn.


(30) Lưong Đình: đình hóng gió mát, Úc quán: quán tránh gió lạnh.


(31) Lậu là đồng hồ nước thời xưa.


(32) Song tinh là 2 ngôi sao Khiêu Ngưu và Chức Nữ trong Nhị thập bát tú.


(33) Đạo Uẩn: tức Tạ Đạo Uẩn đời Tống học rộn giỏi thơ. Trần Tư là Tào THực, con của Tào Tháo, đời Tam Quốc, được phong Trần Tự Vương, có tài đi bảy bước làm xong một bài thơ.


(34) Ung môn, tức Ung Môn Chu, người nước Tề đờ Chiến Quốc, ở Ung Môn, lấy Ung Môn làm hiệu, giỏi đàn, đã đàn làm cho Mạnh Thường Quân khóc.


(35) Tử kinh: một loài cây có hoa thường trồng trước sân. Anh em họ Đê chia gia tài, định chặt cây Tử kinh mà chia, cây khô héo mà chết.


(36) Vườn thỏ ao nhạn dịch chữ “Thố viên nhạn trì” trong cung điện vĩ đại của Lương Hiếu Vương.


(37) Cố Đổ Hầu, người nước Tấn, giỏi về họa, nổi danh ba tuyệt: tài tuyệt, họa tuyệt và sĩ tuyệt. Ma Cật tứ Vương Duy đời Đường, tiến sĩ, làm quan đến thượng Thư giỏi thơ và hoạ.


(38) Cửu lão: 9 cụ lão vẽ chung vào một hình “Cửu Lão Đồ” gồm có: Bạch Cư Dị đời Đường. Cùng với Hồ Cảo, Cát Vân, Trịnh Cứ, Lưu Chân, Lư Chân, Lư Trinh, Trương Hồn và Địch Kim Nộ là những người sống lâu nhất thời ây.


(39) Ngự chương: là văn của nhà vua viết.


(40) Lúc này Tôn Thất Thuyết nắm quyền, đưa Lãng Quốc Công Hồng Dật lên ngôi (Vua Hiệp Hòa). Hiệp Hòa là em Tự Đức, gọi Lệ Thiên Anh Hoàng hậu là chị dâu. Nếu tôn Thái Hậu sẽ khó xưng hô. Vương lấy trường hợp đời nhà Tống, khi Thái Tổ mất, em là Triệu Quang Nghĩa nối ngôi không thể tôn chị dâu làm Thái Hậu. Do đó chỉ tôn Trung phi Lê Thiên Anh Hoàng Hậu làm Hoàng hậu.


(41) Lưỡng Cung, tức hai bà Nghi Thiên Chung Hoàng hậu và Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (vợ Vua Thiệu Trị và vợ Vua Tự Đức).


 







UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN.


 


            Nhớ xưa Ngài Thọ Xuân Vương


Minh Tánh Hoàng Tử, Trung Lương Đông Trì


Thiên tài văn  phú Đường thi


Đệ nhất ứng vịnh còn ghi bảng vàng


Cung từ Tùng Thiện đề trang:


“Thọ Xuân xướng họathơ vang lưu trường”


Vua ban đàn quí lư hương


Đàn ngân tiếng vọng, lư đường khói thơm


Hiếu ngang tầm núi Thái Sơn


Đức trọng như biến sâu hơn Thái Bình


 


Nhiếp chánh khi Vua thân chinh


Đức tài đã tạo an bình Đế đô


Sứ Thanh Bửu Thạnh hồ đồ


Thọ Xuân ngăn bước: sóng xô đá tràn


Thưởng công ngọc trắng Vua ban


Ngoại giao, phép nước vẹn toàn cương nhu


Ngự tiền thêm bạn bớt thù


Thân thần xua áng mây mù bang giao


 


Tuổi tri thiên mệnh lộc cao


Vua ban chỉ dụ xiếc bao ân tình:


“Đồng Môn, Huynh Đệ đồng sinh


Trước lòng thân ái, nay tình Vua Tôi.


Phước nhân hưởng thọ tuổi trời


Duyên lành tăng trưởng, đạo trời ngát hương…”


 


Sáu mươi phong tặng Quận Vương


Tuổi cao đức trọng vẹn đường hiếu trung


Vua Ban Vương tước Thọ Xuân


Phúc, Quy, Thọ, Thất thập xuân niên trường


Bài ca tuyệt kỷ văn chương


Tình như thấm nước, nghĩa dường đượm non


Vua tặng người: Một lòng son


Lưu truyền hậu thế hãy còn vang vang…


 


Gặp khi vận nước suy tàn


Thọ Xuân nhiếp chánh dân an, quốc bền


Tuổi thọ bảy bảu cao niên


Dương Xuân Lăng mộ, Thờ trên Đông Trì


Trai tài bảy tám Hoàng nhi


Sáu sáu khuê nữ , phương phi cát tường


Lòng từ trải khắp bốn phương


Hiếu kính cha mẹ, nhịn nhường đệ huynh


Trên trọng nghĩa , dưới thuận tình


Thọ Xuân Vương Phủ hiển vinh rõ ràng


 


Gia huy giở lại từng trang


Trang nào cũng khắc tên vàng Thọ Xuân


Dẫu rằng vận nước gian truân


Sáng ngời oanh liệt, hiếu trung vẹn toàn


Huy hoàng gắn với nước non


Phúc ấm để lại cháu con an lành


Trai thì hiển đạt công danh


Gái vun cội Phước, trổ cành hoa tươi


Lửa kia đem thử vàng mười


Thọ Xuân Nguyễn Phúc, thử người Trung Lương.


 


Vĩnh Tùng (Phòng Thọ Xuân Vương Chi 37)


Mùa Xuân năm 1999 Kỷ Hợi


Gia Phả HẬU DUỆ VUA MINH MẠNG
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc HẬU DUỆ VUA MINH MẠNG.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc HẬU DUỆ VUA MINH MẠNG
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.