GIA

PHẢ

TỘC

Tạ
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ THUỶ TỔ CỦA DÒNG HỌ
Nguồn gốc, truyền thống dòng họ

Căn cứ vào bút tích và lời truyền lại qua các đời cho biết nguồn gốc xa xưa của Tổ tiên ta là từ vùng Lạng Sơn di cư vào Thanh Hóa lập ấp. Theo sử sách ghi được thì từ thời Lý đã có những cuộc di dân xuống các vùng ven biển khai khẩn đất hoang phát triển nông nghiệp, bảo vệ bờ cõi. Lúc đó ở vùng ven biển thuộc Trấn sơn Nam hạ (thuộc các làng Trình Phố : Công Bồi, Phương Trạch, Diêm Điền, Tiểu Hoàng ngày nay) là những bãi cát hoang vu.
Vào khoảng thế kỷ thứ XVI có các cụ ở các dòng họ về lập ấp tại các nơi trên. Trong đó có cụ Tạ Đình Ninh và cụ Lê Lang về lập ấp ở vùng ven biển quận Chân Định. Hai cụ thân kết thành đôi bạn cố tri. Tục truyền có câu : “Ông Nỉnh, ông Ninh ra đến đầu đình thì gặp ông Lang. Ông Lảng, ông Lang ra đến đầu làng lại gặp ông Ninh”.
Cụ Ninh khoẻ giỏi nghề làm ruộng. Cụ Lang tên huý là Lê Phúc Khiên, tên hiệu là Lê Phúc Diễn. Cụ học được nghề làm thuốc của thày Tầu về chữa bệnh cho dân nên gọi là cụ Lê Lang (lang thuốc). Nhân dân nhiều nơi nghe tiếng tăm đức độ của cụ nên theo về đông. Một phần do có chính sách khuyến khích khai khẩn đất hoang của nhà vua, một phần do đức tính cần cù, dũng cảm khắc phục khó khăn, các cụ đã cùng dân đến lập ấp đắp một con đê ngăn nước mặn từ Ngoại đê ra cầu Các Già, ra cánh đồng Phương Trạch, cải tạo bãi hoang vu thành cánh đồng muối và cấy lúa. Khi dân đã đông đúc lập thành làng. Các cụ đề nghị đặt tên làng là Diêm Điền với ý nghĩa là các cụ từ làng Diêm Phố tỉnh Thanh Hóa đến và là nơi vừa làm muối vừa làm ruộng. Cụ tổ họ Tạ được dân làng tín nhiệm cử đứng đầu làng xã với chức “Thập lý hầu” (người đứng đầu dân xã).
Chính hai ngôi từ đường họ Tạ và từ đường họ Lê hiện nay là hai nơi ở của hai cụ khi về đất Diêm Điền và khi hai cụ mất thì hai ngôi mộ cũng được đặt bên nhau (tại xứ Đông Lang). Nhà tướng địa hồi bấy giờ xem đất nói rằng : “Diêm Điền huyệt tại Bến Sặt” và có câu ca truyền miệng : “An Khang hữu thị, Tạ thi hữu quan. Đông Hướng hữu chung, Lê thi anh hùng”, nghĩa là : “Đất An Khang có chợ thì họ Tạ có quan, Đông Hướng có chuông thì họ Lê anh hùng” phải chăng do đất cát hay do có chí học hành thành đạt mà làm nên.
Cụ Tạ Đình Ninh sinh được một người con trai là : Tạ Đình Đô.
Đời thứ 2 : Cụ Tạ Đình Đô vẫn nối nghiệp cha làm nghề ruộng, nuôi con ăn học, được phong chức : quan viên phụ (có con làm quan to).
Đời thứ 3 : Có hai cụ (con của cụ Đô) : cụ Tạ Đình Đoan nối nghiệp ông, cha chăm lo việc đồng ruộng. Lúc này ở đất Diêm Điền đã nổi lên cụ Tạ Đình Chiêm (còn tên là Đồng) con thứ hai của cụ Đô là người hiếu học, có đức, có tài lại có sức khỏe, gặp lúc đất nước có giặc ngoại xâm, cụ được nhà vua tín cử để dẹp giặc ở Tây vực với chức Đô chỉ huy xứ. Do có công được nhà vua phong tước Đồng khê hầu và tặng thưởng bốn chữ : “Dực Bảo Trung Hưng”. Cụ là một vị tướng văn võ kiêm toàn, có công cứu dân lúc gian nguy và có chức tước cao nhất ở địa phương thời bấy giờ, nên khi cụ mất được triều đình công nhận và dân làng suy tôn là Thành Hoàng và thờ ở Đình Làng. Khi làm lại đình làng còn giữ được tấm bia gỗ có ghi rõ : “Điện tiền đô chỉ huy xứ Tạ Quốc Công” Đến đời vua Khải Định đã ban sắc chuẩn y việc thờ phụng đức thần Tạ Quốc Công và cho phép dân làng mở hội hàng năm.
Đời thứ 4 : có 3 cụ.
Cụ Tạ Đình Thiều (con cụ Đoan).
Cụ Tạ Ngọc Quỳnh và Tạ Ngọc Lưu (con cụ Chiêm) đều có chức tước và được phong hầu. Cụ Thiều và cụ Quỳnh thuộc hệ quan văn, cụ Lưu thuộc hệ quan võ.
Đời thứ 5 : có 4 cụ.
Hai cụ làm chánh đội trưởng, đều được phong hầu (cụ Lạng và cụ Thống con cụ Quỳnh), cụ Lập đỗ khóa sinh và cụ Hiến làm cai xã.
Đời thứ 6 : có 9 cụ.
Bảy cụ có chức tước ở làng, tổng, huyện trong đó có 3 con của cụ Lạng (hai người được phong tước Nam - cụ Hân và cụ Trọng). Một người thi đỗ tú tài đầu tiên của họ được gọi là cụ Phát Khoa (cụ Trân) nhưng cụ không ra làm quan mà về quê làm nghề dạy học để truyền bá kiến thức và dạy bảo con cháu. Cụ lấy niên hiệu là : Thanh Điền tiên sinh, cụ sinh 5 trai, 5 gái, con cháu cụ sau này phát triển đông, nhiều người có học thức và địa vị trong xã hội. Hai con cụ Thống có cụ Vỹ làm Điển mục sở xứ Hưng Yên, cụ Sách làm chánh tổng An Bồi. Hai con cụ Hiến có cụ Tùng làm cai xã, cụ Tài làm phó đội trưởng và được phong hầu.
Đời thứ 7 : có 25 cụ.
Trong số này có 2 cụ mất sớm (cụ Tế và cụ Thức), 2 cụ không có con (cụ Man, cụ Bút).
Thời kỳ này dân cư làng Diêm Điền phát triển ngày một đông thêm, mặt khác do sự bồi đắp phù sa của 2 cửa sông Lân và sông Trà Lý, bãi biển được bồi rộng ra, nhân dân các làng phía trong lại di cư ra vùng bãi biển lập ấp. Vốn thuộc dòng dõi có truyền thống di dân lập ấp nên hai con cụ Vỹ lại đi nơi khác xây dựng cơ đồ. Cụ Nhân sang làng Diêm Điền lẻ thuộc tổng Hà Cát, cụ Nhượng sang vùng Thanh Châu – Châu Nhai thuộc huyện Giao Thủy, Nam Định (nay là xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải). Về văn học và địa vị, cụ Tạ Đình Du được phong tước Nam, cụ Tạ Đình Thụy được phong Bá hộ, Phấn dũng tướng quân, cụ Lộc làm Huyện thừa. Đặc biệt nổi lên có cụ Tạ Đình Trật được vua Lê Cảnh Hưng năm thứ ba phong sắc giữ chức Tiến công thứ lang – Thuý Vân huyện thừa. Về con cái có cụ Tạ Ngọc Ruyến là người đông con trai nhất (7 người). Con cháu cụ hiện nay cũng là chi đông nhất (chi 4).
Đời thứ 8 : có 42 cụ.
Cùng với cụ Nhân và cụ Nhượng đã di dân lập ấp, đời thứ 8 có hai cụ Tạ Đình Liễn, Tạ Đình Liên (con cụ Khoá) ra lập ấp ở Diêm Trì.
Về văn học và địa vị xã hội : có các cụ Tạ Đình Hiệu, Tạ Ngọc Hạo, Tạ Ngọc Toản (con cụ Ruyến) thi đỗ tú tài. Cụ Mạo (con cụ Trật) cụ Vĩnh, cụ Đoán (con cụ Duyến) cụ Khang (con cụ Can) làm huyện thừa. Cụ Kiêu (con cụ Nhâm) làm chánh đội trưởng được phong Bá hộ, Phấn lực tướng quân. Cụ Thuần (con cụ Khóa) làm Chánh đội trưởng được vua Lê Cảnh Hưng năm thứ 16 phong sắc Phấn lực tướng quân mệnh tư tráng sĩ. Đặc biệt nổi lên có cụ Tạ Đình Liên tức Sen (con cụ Rộng) nhà nghèo, mồ côi cha từ nhỏ ít học, nhưng có trí thông minh, đức tính tốt và có sức khỏe được cử làm Chánh tổng, do có công được trọng thưởng và được phong tước “Liên hoa nam”. Cụ Tạ Đình Xuân (con thứ hai của cụ Trật) là thày thuốc giỏi, lại có sức khỏe khác thường. Có lần đi chữa bệnh trên đường về qua nơi có hội vật ở cửa Trà, cụ xin vào dự vật, cụ đã thắng đô vật to béo và nổi tiếng ở vùng duyên hải lúc bấy giờ. Bị thua, toán đô vật đuổi theo định đánh trả thù. Tới gốc cây đa bên đường, cụ nhổ đứt rễ cây đa nổi trên mặt đất và nói : “Ai muốn về với vợ con thì lui, muốn chết thì tới đây”, thấy vậy những người kia phải tháo lui. Tiếng đồn cụ có xương sống liền vừa là thày thuốc giỏi lại có sức khỏe lạ thường, cụ được cụ Lân dương hầu Bắc trạch rất yêu mến. Cụ Khuê (con cụ Trật) làm nghề dạy học, sau được giữ chức Thập lý hầu có tín nhiệm với dân. Về con cái có 5 cụ (đời thứ 8) không có con trai. Trong đó đáng tiếc là cả 3 con của cụ Tạ Đình Côn (trưởng tộc đời thứ 7) đều không còn con cháu để nối nghiệp phụng sự tổ tiên.
Phân ra các chi, ngành
Đến đời thứ 7, thứ 8 đã có nhiều cụ ra đi lập ấp nơi khác, con cháu phát triển ngày càng đông, các cụ đã phân ra thành từng chi, ngành. Việc phân ra các chi được lập ra từ các cụ đời thứ 7, những chi đông người có thể chia ra nhiều ngành và lập ra từ các cụ đời thứ 8, thứ 9.
Theo gia phả ghi lại thì từ đời thứ 7, họ Tạ có 12 chi. Cụ thể như sau :
Chi 1 gồm con cháu cụ Tạ Đình Nhậm. Chi 1 có 2 ngành : con cháu cụ Tạ Đình Toán và con cháu cụ Tạ Đình Kiêu ;
Chi Tiểu Hoàng (nay là khu 4 Thị trấn) gồm con cháu cụ Tạ Đình Trì (tức cụ Quất).
Chi 2A gồm con cháu cụ Tạ Đình Kỳ ;
Chi 2B gồm con cháu cụ Tạ Ngọc Uyển, ở Diêm Trì ;
Chi 3 gồm con cháu cụ Tạ Đình Trật, có 3 ngành : con cháu cụ Tạ Ngọc Mạo ; con cháu cụ Tạ Đình Xuân và con cháu cụ Tạ Đình Khuê ở Diêm Trì ;
Chi 4 gồm con cháu cụ Tạ Ngọc Ruyến, có 6 ngành : con cháu cụ Tạ Đình Hiệu ; con cháu cụ Tạ Đình Tuần ; con cháu cụ Tạ Ngọc Vĩnh ; con cháu cụ Tạ Ngọc Đoán ; con cháu cụ Tạ Ngọc Hạo ở Lũ Phong ; con cháu cụ Tạ Ngọc Toản (tức Đức) ;
Chi 5 gồm con cháu cụ Tạ Ngọc Quyền, có 3 ngành : con cháu cụ Tạ Đình Thưởng ; con cháu cụ Tạ Minh và con cháu cụ Tạ Đình Miện ;
Chi 6A gồm con cháu cụ Tạ Đình Nhân, có 2 ngành : con cháu cụ Tạ Chức (ở xã Giao Lâm và Giao Xuân) ; con cháu cụ Tạ Còn (ở Giao Phong) ;
Chi 6B gồm con cháu cụ Tạ Đình Nhượng, có 3 ngành : con cháu cụ Tạ Đình Nhương (ở Nam Thanh) ; con cháu cụ Tạ Đình Nhâm (ở Nam Hồng) ; con cháu cụ Tạ Đình Nhu ( ở Nam Trung) ;
Chi 7 gồm con cháu cụ Tạ Đình Lộc, có 2 ngành : con cháu cụ Tạ Đình Nhạ (ở Đông Hoàng) ; con cháu cụ Tạ Đình Nghinh ;
Chi 8 gồm con cháu cụ Tạ Đình Khóa, có 2 ngành : con cháu cụ Tạ Đình Thuần ; con cháu cụ Tạ Đình Liên (ở Diêm Trì, Tây Phong) ;
Chi 9 gồm con cháu cụ Tạ Đình Rộng.
Ngoài ra, còn có 11 cụ không còn con cháu kế tiếp.
Đời thứ 9 : Có 74 cụ
Đời thứ 9 có cụ Tạ Trường Tú (chi 2A), cụ Tạ Nhiên (chi 2B), cụ Tạ Chinh (ngành 3, Chi 3) ra lập ấp ở làng Diêm Trì ; cụ Tạ Khuông (ngành 4, Chi 5) ra làng Lũ Phong (thuộc xã Tây Phong hiện nay).
Trong bài vị có cụ Tạ Công Trinh là trưởng họ nhưng gia phả không ghi tên.
Về văn học và địa vị xã hội có cụ Tạ Ngọc Thiệu (ngành 1, Chi 3), Tạ Đình Nham (ngành 2, Chi 3) thi đỗ tú tài. Cụ Tạ Đình Duyên (con cụ Cầu), Tạ Đình Thí (con cụ Hiểu) làm huyện thừa, cụ Duyên làm huyện thừa huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình được vua Lê Cảnh Hưng năm thứ 16 phong sắc. Cụ Tạ Xưng (ngành 3, Chi 4) làm cai tổng đã đấu tranh với lý lẽ xác đáng giữ lại cánh đồng đò cho làng Diêm Điền khi được yêu cầu chuyển cho xã bên. Cụ Tạ Ngọc Dư (ngành 6, Chi 4) tiến cúng tiền và đảm nhiệm việc đốc công khi họ xây từ đường, được họ bầu làm tộc hậu. Khi đương chức xã trưởng, cụ đã có công trong việc đứng ra xây chùa Diêm Điền.
Đặc biệt có cụ Tạ Đình Tước (ngành 1, Chi 3) là người thông minh, uyên bác được tiến cử giữ chức “Lại bộ thượng thư quốc lão”. Cụ được quyền tham dự công việc của triều đình, được vua Lê Cảnh Hưng năm thứ 16 phong sắc, cụ là cháu 6 đời nối nghiệp cụ Tạ Đình Chiêm được giữ chức vụ quan trọng trong triều thời bấy giờ.
Về con cái đời thứ 9 có cụ Tạ Thanh Văn (Chi 9) là người đông con (7 con trai) và có 4 cụ không có con.
Đời thứ 10 : có 148 cụ
Trong đó có 1 cụ mất sớm và 29 cụ không có con hoặc không ghi con cháu. Có 8 cụ theo đạo giáo.
Sau cuộc khẩn hoang ở đất Tiền Châu lập ra huyện Tiền Hải của nhà dinh điền Nguyễn Công Trứ, con cháu họ Tạ lại phát triển ra vùng ven biển như cụ Tạ Thân và cụ Tạ Dân (con cụ Xưởng) tiếp tục di cư : cụ Thân ra Tân Lạc xã Đông Hoàng ngày nay, cụ Dân sang Nam Định, cụ Thảng (con cụ Thực) ra Diêm Trì và cụ Bằng lại từ Diêm Trì trở về Diêm Điền. Một số cụ do nhà nghèo, đi làm con nuôi người họ khác như cụ Mão làm con nuôi người làng Tiểu Hoàng, cụ Tùy làm con nuôi người họ Phạm (thôn Đông), cả hai là con cụ Thông. Cụ Tạ Lập (con cụ Quyển) làm con nuôi người họ Nguyễn ở thôn Hanh Cù, làng Động Trung (nay là xã Vũ Quý, Kiến Xương).
Về văn học và địa vị xã hội có 24 cụ làm hương lý, 1 cụ làm tuần huyện thăng thơ lại (cụ Trinh), 2 cụ làm chánh đội trưởng (cụ Sùng và cụ Tuyết), cụ Tạ Bằng thi đỗ tú tài, 4 cụ thi đỗ nhất trường. Trong đó nổi lên có cụ Tạ Ngọc Súy là người hiếu học thông minh, khi vua Tự Đức ban ra 10 điều khuyên dụ dân, mỗi tổng phải chọn cử ra 1 người làm tổng giảng để truyền bá, cụ đã được chọn giữ chức đó. Cụ là người sớm nghĩ tới việc duy trì lịch sử dòng họ và đã dày công nghiên cứu, sưu tầm 10 đời về trước, viết lên quyển Gia phả đầu tiên của họ ta. Nhờ được quyển gia phả đó mà các thế hệ tiếp sau có cơ sở tra cứu, bổ sung quy tụ được con cháu, giữ được thứ bậc. Cụ Tạ Ngọc Tiệp là một nhà giáo có khoa sư phạm tốt, đức tính trung chính được cử giữ chức văn hội trưởng. Cụ kế tục sự nghiệp của anh viết tiếp gia phả lần thứ hai.
Đời thứ 11 : có 244 cụ
Trong đó có 2 cụ mất sớm, 30 cụ không có con trai và 12 cụ không ghi con cái. Có 17 cụ theo đạo giáo.
Về văn học và địa vị xã hội có 71 cụ làm hương lý như lý trưởng, phó lý, cai tổng, 8 cụ đi lính thời Pháp thuộc. Đời thứ 11 nổi lên có cụ Tạ Bồi (gọi là cụ Mền), ba lần thi đỗ tú tài, là người thông minh, tài hoa được bổ nhiệm giữ chức Bang biện bộ cống. Song tiếc là cụ không có con trai nối nghiệp. Cụ Tạ Ngọc Điến học giỏi thi đỗ bát khoa và được cử giữ các chức vụ : văn hội trưởng, hương giáp chỉ, lý trưởng rồi chánh tổng. Khi làm lý trưởng cụ bàn bạc với hương lý trong làng đề xuất đổi tên làng là Thư Điền với ý nghĩa dân làng không còn làm muối nữa và nền văn học đã phát triển, có nền văn hiến (làng đã có văn chỉ) và được chấp nhận làng Diêm Điền đổi là Thư Điền từ đó (năm 1910). Kế tục sự nghiệp của cha và chú, cụ viết tiếp gia phả lần thứ ba. Cụ cũng là người đông con trai nhất ở đời thứ 11 (8 con đẻ và 2 con nuôi). Cụ Tạ Xuân Mậu xuất phát từ lòng hiếu thảo với tổ tiên và điều kiện kinh tế gia đình khá giả cụ đã góp thêm tiền và đứng ra tổ chức xây lại từ đường mở rộng thành 3 cung, sắm sửa thêm đồ thờ. Năm 1936 khánh thành nhà thờ họ mở hội tế, rước, chèo hát, vui chơi 3, 4 ngày. Cụ còn đứng ra tổ chức quy mộ tổ tiên về một khu để tiện cho con cháu về thăm viếng mộ tổ hàng năm, cụ bỏ tiền, gạo nuôi cụ Tạ Đức Bản ba tháng ở tại nhà để chép lại gia phả và soạn các bài diễn ca ghi nhớ công đức tổ tiên, cụ Mậu là người có nhiều công đối với họ. Cụ Tạ Xuân Đán với chức lý trưởng đã góp phần vào việc tu sửa lại đình làng. Cụ bỏ tiền ra nộp thuế đinh cho dân thôn Đoài một năm trong lúc dân làng gặp khó khăn thiếu thốn.
Đời thứ 12 : có 405 cụ.
Trong đó 9 cụ mất sớm, 45 cụ không có con trai và có 16 người theo đạo giáo. Các cụ di cư đi nơi khác sinh cơ lập nghiệp như cụ Tạ Xuân Tuy tức Chi di cư vào xã Tân Lập, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Cụ Tạ Phúc tức Đản chuyển lên Vĩnh Yên, cụ Tạ Thủy sang làng Châu Nhai (theo đạo thiên chúa). Các cụ đi làm con nuôi như cụ Tạ Lật làm con nuôi người họ Lê ở huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Cụ Tạ Sản làm con nuôi người họ Phạm ở làng Phú Nghĩa, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Cụ Tạ Lai làm con nuôi người họ Nguyễn ở Hải Phòng (đổi tên là Được). Cụ Tạ Oản, Tạ Đài lên vùng Hà Đông và làm con nuôi người họ Vũ (con cháu cụ hiện nay ở làng Thủ Lệ, Cầu Giấy, quận Ba Đình, Hà Nội).
Về văn học và địa vị xã hội : từ đời thứ 12 có những nét khác với các đời trước vì sự phát triển của dòng họ qua 3, 4 thế kỷ và có nhiều sự đổi thay. Trước đây nhiều cụ đông con, ngay trong 1 gia đình từ con cả đến con út cũng chênh nhau 20, 30 tuổi. Do đó, trong họ lại càng có sự chênh lệch về tuổi đời của người cùng hàng. Có cụ ở thời trước cũng thọ trên dưới 70 tuổi mà đã quá cố cách đây hàng nửa thế kỷ, nhưng có cụ hiện nay mới trên dưới 60 tuổi và đang cùng các cháu chắt đời thứ 14, 15 tham gia công việc xã hội, gánh vác việc họ. Các cụ cao tuổi, sống dưới chế độ thực dân phong kiến thì làm hương lý kỳ hào (52 cụ làm hương lý, 9 cụ đi lính thời Pháp thuộc) trong đó có cụ Tạ Ngọc Lung (gọi là cụ Phán Long) làm thông phán. Về học hành thi cử và dạy chữ Hán có 114 cụ thi đỗ khóa sinh, 2 cụ đỗ nhất trường. Cụ Tạ Quốc Thưởng hai lần thi đỗ tú tài gọi là cụ “kép”. Cụ là người đề xuất và góp công sức để xây thêm trường tiểu học ở làng (khu văn chỉ cạnh đình tổ hiện nay). Các cụ dạy học có đông học sinh là cụ Tạ Trường Quý nhiều người là anh em con cháu trong họ. Cụ Tạ Ngọc Lân vừa dạy chữ Hán, vừa dạy chữ Quốc ngữ. Học trò hai cụ sau này có nhiều người là cán bộ trung cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Cụ Tạ Ngọc Lân còn nối nghiệp ông cha làm thư ký cho họ hơn 30 năm, viết tiếp gia phả lần thứ 4, dịch từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ. Cụ Tạ Đức Bản dùng thơ ca nói lên nguồn gốc, công lao đức độ của tổ tiên.
Các cụ ở lớp trung tuổi được ảnh hưởng của phong trào cách mạng năm 1930, nhiều cụ đã tham gia phong trào bình dân đấu tranh đòi giảm sưu thuế, chia lại công điền, … Có cụ tham gia tổ chức thanh niên cách mạng. Theo thống kê có 15 cụ là cán bộ chủ chốt xã, cán bộ huyện, tỉnh và trung ương, 11 cụ là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, 3 cụ đi bộ đội, 2 cụ là liệt sỹ (cụ Tạ Xuân Tỵ và cụ Tạ Sản). Cả 2 anh em cụ Bẩm và cụ Thiệp người làm xã đội trưởng dân quân, người làm chủ tịch liên xã.
Đời thứ 12 nổi lên có cụ Tạ Ngọc Giản tức Vũ Trọng Kiên (tên dùng trong hoạt động cách mạng) tham gia hoạt động từ năm 1937, trải qua các chức vụ Bí thư Huyện uỷ Tiền Hải, Tỉnh uỷ viên, rồi làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Trưởng Ban tổ chức – cán bộ của Chính Phủ, cụ bà cũng là cán bộ tổ chức. Cụ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều huân huy chương cao quý khác.
Về đường con cái có cụ Tạ Hữu Hãn đông con trai nhất (9 người). Có 63 cụ bà là con gái họ Tạ. Hiện nay còn 7 cụ ông, 18 cụ bà con gái, 21 cụ bà con dâu còn đang chung sống với con cháu.
Đời thứ 13 : có 709 cụ.
Trong đó có 24 cụ mất sớm, 13 cụ đến nay chưa có tin tức, 4 cụ đi làm con nuôi người họ khác như cụ Tạ Khắc Kiệm làm con nuôi người họ Ngô ở làng Đông Cao, đổi tên là Ngô Thiểm ; cụ Tạ Dân làm con nuôi người họ Nguyễn ở làng Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, đổi tên là Được ; cụ Tạ Nhẫn làm con nuôi cụ Nguyễn Nhận làng Phương Trạch. 29 cụ không có con, 19 cụ gia phả gốc không ghi con cái. Có 41 người theo đạo giáo.
Các cụ đời thứ 13 cũng có hai lớp người sống ở hai chế độ xã hội khác nhau. Tuyệt đại đa số gần nửa cuộc đời sống dưới chế độ thực dân phong kiến, nhưng chỉ có 13 cụ làm hương lý kỳ hào và cũng chỉ ở làng, xã không có ở tổng, ở huyện. 9 cụ đi lính thời Pháp thuộc. Còn đa số là những người lao động và phải trải qua thời kỳ đất nước bị thực dân phát xít thống trị. Năm 1945 (năm Ất Dậu), tỉnh Thái Bình có hơn 2 vạn người chết đói, trong đó nhiều người và một số gia đình con cháu họ Tạ ở các nơi, nhất là ở Thư Điền cũng chịu chung cảnh đau thương ấy. Có gia đình 5, 6 người con mà sau năm Ất Dậu không còn ai. Có gia đình chết hết. Các cụ ở lớp tuổi trên nhà nghèo thì đều thất học. Cả họ chỉ có 5 người đỗ xéc-ti-fi-ca (tương đương lớp 5 hiện nay). Do cuộc sống quá thiếu thốn, một số cụ đã rời quê hương đất tổ ra thành thị, vào đồn điền cao su Nam Bộ hoặc ra mỏ kiếm kế sinh nhai. Cũng do đói khổ, vất vả lại được tiếp xúc với giai cấp công nhân nên nhiều cụ được giác ngộ, tham gia phong trào mặt trận bình dân, đấu tranh chống áp bức bóc lột, có người bị đế quốc bắt bỏ tù, trong đó có cụ bà Tạ Thị Câu (con cụ Phán Long) (1919 – 1944) tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 1936, là Tỉnh uỷ viên tỉnh Thái Bình, bị thực dân Pháp bắt và đã anh dũng hy sinh trong nhà tù của đế quốc, cụ đã nêu tấm gương trung kiên bất khuất của người con gái họ Tạ.
Từ ngày cách mạng tháng Tám 1945 thành công, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhất là sau công cuộc cải cách ruộng đất, cuộc sống của nhân dân nói chung, của con cháu họ Tạ nói riêng dần dần được đổi thay, tinh thần thoải mái. Vì vậy ngày nay nhiều cụ đã trên 80, 90 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, vẫn còn tham gia lao động được. Dưới chế độ mới nhiều người được học hành, có trình độ trung học, đại học. Có 15 cụ đã và đang tham gia công tác xã hội trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, … từ cấp xã, phường đến cơ quan trung ương, 43 cụ là cán bộ, chiến sỹ quân đội nhân dân, công an, bác sĩ, kỹ sư ; 50 cụ giữ cương vị chủ chốt ; 56 cụ là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ; 15 cụ là liệt sỹ.
Vinh dự cho dòng họ ở đời thứ 13 có các cụ : Tạ Ngọc Phách (con cụ Phán Long) tức Trần Độ, tham gia hoạt động từ thời kỳ bí mật, được kết nạp vào Đảng năm 1940, đã giữ các cương vị bí thư Phủ ủy Đảng Cộng sản. Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, cụ là Chính ủy sư đoàn trong kháng chiến chống Pháp, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ ; Phó Chủ tịch Quốc hội khoá VIII ; là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa III, IV, V và VI ; được tặng thưởng nhiều huân chương. Cụ Tạ Tiếu, tức Tạ Xuân Thu (con cụ Tạ Triệu, một nông dân nghèo) (1916 – 1971) cũng tham gia cách mạng từ những năm 1935 – 1940, là Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên ở làng Thư Điền và đã giữ các cương vị Bí thư Tỉnh ủy (thời kỳ bí mật) ; Chính uỷ Khu 10, phụ trách Mặt trận Tây Tiến ; Chính ủy Bộ chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam ở Lào, Tư lệnh kiêm chính ủy Bộ Tư lệnh Hải Quân, BTL Pháo binh, Học viện Quân sự cấp cao, đại biểu Quốc hội khoá I, II ; được tặng thưởng nhiều huân chương. Song rất tiếc cụ đã qua đời khi mới ở độ tuổi 55 giữa lúc đang còn phát huy tài năng và có tín nhiệm. Cụ Tạ Ngọc Lam tức Trần Văn Khiết là người cùng lứa tuổi cùng hoạt động với cụ Phách, cụ Tiếu từ những năm 1937 – 1940, cụ là Tỉnh uỷ viên, bị địch bắt và tù đầy. Sau cụ được Trung ương cử đi hoạt động ở các tỉnh khác và trưởng thành là cán bộ Thanh tra của Chính Phủ, năm 1984 cụ làm Bí thư Đảng uỷ Ủy ban Thanh tra Chính Phủ. Nhiều cụ ông, cụ bà là con trai, con gái, con dâu họ Tạ đã và đang là cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật góp phần xây dựng bảo vệ đất nước.
Đời thứ 14 : có 1139 ông bà
Trong đó 18 ông mất sớm, 7 ông không có con. Có 54 người theo đạo giáo.
Đời thứ 14 cũng có hai lớp người sinh và lớn lên ở 2 thời kỳ chế độ khác nhau. Những ông đã mất và những ông hiện nay ở độ tuổi 70 - 80 là những người trưởng thành dưới chế độ thực dân phong kiến nhưng cũng được ảnh hưởng của phong trào cách mạng, nhiều người được giác ngộ tham gia hoạt động cách mạng, chỉ có 2 ông làm hương chức cũ, 1 ông đi lính thời Pháp thuộc thì nay đều đã quá cố. Theo thống kê ở các chi, ngành có 95 ông là cán bộ, công nhân viên chức, 30 ông là cán bộ xã. 111 người là Đảng viên, trong đó có ông Tạ Đình Văn tức Ngô Đình Văn ở Đông Cao đã tham gia cách mạng từ thời kỳ bí mật, là Lão thành Cách mạng và đã qua các công tác Bí thư TNCQ huyện, trưởng ban chính trị tỉnh đội, chủ tịch rồi bí thư huyện ủy. 111 ông tham gia quân đội qua 2 thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Trong đó, 34 ông đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, 11 ông là thương binh, 5 ông đã gắn cả cuộc đời hoạt động trong lực lượng vũ trang nay là cán bộ cao cấp, ông Tạ Đình Ty người con duy nhất của gia đình cụ Tạ Quỳ đã qua 3 thời kỳ kháng chiến được tặng thưởng nhiều huân chương. Ngành 2 chi 3 có số người tham gia bộ đội tỷ lệ cao nhất của ngành, trong đó 3 là liệt sỹ, 3 là thương binh. Trên hoạt động kinh tế có nhiều ông là giám đốc, phó giám đốc và nhiều ông hoạt động trên các lĩnh vực khác. Nay có nhiều ông bà là bác sỹ, kỹ sư có trình độ Đại học, trên Đại học. Các ông bà ở đời thứ 14 tuy chưa có ai nổi hẳn lên có tiếng tăm được nhiều người biết tới như các thế hệ trước vì tuyệt đại đa số là lớp người trưởng thành từ sau cách mạng tháng Tám 1945 và trong trào lưu phát triển chung của xã hội, nhiều ông bà hiện nay còn công tác đang trên đà phát triển. Có thể nói tuyệt đại đa số các ông bà ở đời thứ 14 là những người trưởng thành dưới chế độ xã hội mới được học tập, công tác có kiến thức về xã hội, về cuộc sống, về gia đình tương đối đều nhau (ít có sự quá chênh lệch so với các thế hệ trước). Chính vì vậy mà từ khi được các cụ đời thứ 12 giao cho nhiệm vụ tu chỉnh gia phả, tu sửa lại từ đường, duy trì nề nếp dòng họ, một số ông đời thứ 13, 14 về hưu đã nhiệt tình tham gia công việc của họ đã nghiên cứu bổ sung, tu chỉnh gia phả nâng lên một bước cao hơn mang tính lịch sử của một dòng họ. Được sự ủng hộ của đông đảo con cháu gần xa về vật chất cũng như tinh thần đã từng bước tu sửa lại từ đường. Đã biết tranh thủ thời cơ, sự ủng hộ của trên, của cấp ủy, của chính quyền địa phương được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận Nhà thờ họ Tạ là “di tích lịch sử văn hóa” cùng với Đình Làng và chùa Thư Điền (năm 1990), có ý nghĩa sâu xa và vinh dự lớn đối với một dòng họ.
Đời thứ 15 : có 923 ông bà (tính đến năm 1995)
Trong đó có nhiều ông bà đã trên 60, 70 tuổi ; 120 người đã có con cháu. Còn hầu hết đang ở độ tuổi thanh, thiếu niên, học sinh. Có 22 người là cán bộ, công nhân viên chức ; 23 người tham gia quân đội, trong đó có 6 người là liệt sỹ, 21 người là Đảng viên Đảng CSVN. Có 98 người theo đạo giáo, có 1 người được phong linh mục và có 2 người tu hành theo đạo Phật, 1 người được phong là “đại đức”. Các ông bà đời thứ 15 hầu hết là lớp người sinh ra và lớn lên dưới chế độ XHCN được học hành, được tiếp thu nhiều nét tinh hoa của xã hội, kinh tế, khoa học kỹ thuật hơn các thế hệ trước. Các ông bà đời thứ 15, 16 và các thế hệ sau sẽ còn tô thêm cho trang sử và truyền thống dòng họ vẻ vang, xúc tích hơn.
Vì con cháu trong họ đang công tác sinh sống nhiều nơi, có ngành, có người chưa liên lạc về dòng họ được. Có nơi, có chỗ chỉ mới dựa trên cơ sở gia phả cũ thiếu nhiều chi tiết nên phần tổng hợp chưa được đầy đủ. Nhưng phần tu chỉnh gia phả lần này đã gần 20 năm, chúng tôi xin kết thúc tại đây. Phần bổ sung của các chi, ngành sẽ ghi vào dịp khác.
* *
*
Trên cơ sở nghiên cứu gia phả về sự phát triển của dòng họ từ trước đến nay và qua các thời kỳ lịch sử, tổng hợp lại có thể nêu lên năm truyền thống sau đây :
- Truyền thống thứ nhất là : Cần cù, dũng cảm, lao động sáng tạo
Căn cứ vào bút tích ghi lại trong gia phả và sử sách nói về các cuộc di dân lập ấp, khai hoang lấn biển thấy rằng cụ Sơ Hoàng Thủy tổ họ Tạ về đây khai hoang lấn biển, đắp đê ngăn nước mặn, cải tạo đồng ruộng, trải qua biết bao gian nan vất vả đòi hỏi phải có đức tính kiên nhẫn, cần cù, có tinh thần dũng cảm mới vượt qua được. Trong quá trình cải tạo đồng ruộng phải thể hiện tinh thần tích cực lao động và có trí sáng tạo mới thành công. Qua bài diễn ca của cụ Tạ Đức Bản cho biết các cụ tổ xa xưa của họ Tạ đã di cư đến vùng ven biển Thanh Hóa lập ấp và sau đó cụ Sơ Hoàng Thủy tổ lại từ Thanh Hóa đến vùng duyên hải quận Trực Định lập ấp. Từ các cụ đời thứ 7 đến nay, đời nào cũng có các cụ đi lập ấp nơi khác, cũng phải trải qua bao gian truân mới ổn định được cuộc sống. Truyền thống di dân lập ấp, đức tính cần cù lao động, tinh thần khắc phục khó khăn trong sản xuất đã trở thành truyền thống của họ Tạ. Chính vì vậy mà ngày nay con cháu họ Tạ đã trở thành chi, ngành ở nhiều nơi khác.
- Truyền thống thứ hai là : Hiếu học và có trí thông minh
Họ Tạ có tên ở làng Diêm Điền này mới qua hai đời, đến đời thứ ba đã nổi lên cụ Tạ Đình Chiêm là người hiếu học và có trí thông minh, trí dũng song toàn được nhà vua trọng dụng. Tiếp đến các cụ đời thứ 4, thứ 5 đến nay đời nào cũng có người hiếu học. Có những việc làm tốt, có những ý nghĩ hay lưu truyền cho các thế hệ mai sau. Ở các thời kỳ trước tuy chưa có cụ nào đỗ Thám hoa, bảng nhãn nhưng có nhiều cụ đỗ tú tài, có cụ đỗ 2, 3 khoa nhiều cụ đỗ nhất, nhì trường. Làng Thư Điền trước đây có khu Văn chỉ thể hiện một làng có nền văn hiến, trong đó có sự đóng góp của các cụ họ Tạ. Việc xin đổi tên làng từ Diêm Điền thành Thư Điền, việc viết gia phả của họ để lưu truyền lại cho con cháu mai sau là những việc làm của các cụ có tầm suy nghĩ sâu, có trí thông minh.
- Truyền thống thứ ba là : Yêu Tổ quốc, mến quê hương
Cụ tổ đời thứ 3 với chức Đô chỉ huy xứ được nhà vua xác nhận là người có công giúp nước, cứu dân, được dân làng bái ngưỡng suy tôn là Thành Hoàng, cụ Tạ Đình Tước đời thứ 9 với chức Lại Bộ thượng thư được quyền tham dự công việc Triều chính cùng với ba cụ được vua Lê Cảnh Hưng phong sắc đều ghi nhận là người có công với nước, với dân. Dưới chế độ phong kiến, thực dân từ các cụ làm hương lý, kỳ hào ở thôn xã ít có biểu hiện đàn áp, ức hiếp dân, có nhiều cụ còn bênh vực quyền lợi cho dân biểu hiện trong cách mạng tháng Tám 1945 và trong cải cách ruộng đất không có ai để chính quyền cách mạng phải đưa ra xử trước pháp luật. Tinh thần yêu nước của dòng họ được thể hiện trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đã có 180 người tham gia lực lượng vũ trang, có 69 liệt sĩ và một số người là thương binh, có gia đình cả 6 anh em đều là bộ đội. Nhiều người là cán bộ hoạt động trên các lĩnh vực khác từ cơ sở đến các cơ quan trung ương, 199 người là Đảng viên ĐCSVN.
Tinh thần yêu nước của dòng họ Tạ còn được kết hợp hài hòa với lòng yêu mến quê hương. Quá trình xây dựng làng Thư Điền, các cụ họ Tạ với cương vị là người có chức trách trong làng, nhiều cụ đã góp phần vào việc quy vùng dân cư thành 4 thôn vuông vắn đẹp đẽ, có cây đa, có đình, có chùa, có phố, có chợ tôn thêm vẻ đẹp của một làng nông thôn Việt Nam. Khi xây từ đường các cụ đã có những câu đối giáo dục các thế hệ con cháu về đức độ phong cách làm người, về lòng yêu mến quê hương đất tổ. Do vậy mà thường từ trước tới nay nhiều người con của họ Tạ dù di cư đi nơi khác hoặc đi hoạt động nơi xa, đi làm con nuôi người họ ngoài vẫn luôn hướng về quê hương đất tổ Thư Điền.
- Truyền thống thứ bốn là : Đoàn kết, giàu tình cảm
Tinh thần đoàn kết và tình cảm của dòng họ ta bắt nguồn từ tình cảm gắn bó giữa hai cụ Tổ họ Tạ và họ Lê ngay từ khi các cụ về lập ấp ở đất Diêm Điền. Nay con cháu cụ đã phát triển ra nhiều chi, ngành, ở nhiều địa phương khác nhau, có phong tục tập quán khác nhau, theo các tôn giáo khác nhau, có địa vị kinh tế, chính trị khác nhau, có khi chưa hiểu về hàng bậc, về mối quan hệ gần xa nhưng đều gặp nhau về tình cảm của một dòng họ. Chính vì vậy mà hiện nay có chi, ngành, có một số người tìm về dòng họ tuy chưa có căn cứ cụ thể nhưng biết rằng các cụ trước đây đã theo về họ thì nay tiếp tục theo để được gần gũi nhau hơn. Tinh thần đoàn kết của dòng họ Tạ còn biểu hiện ở chỗ khi bàn bạc công việc của họ đều bình đẳng tôn trọng ý kiến của nhau, các cụ hàng trên không bắt hàng dưới phải theo ý kiến của mình. Việc duy trì tuần tiết trong năm để tập hợp con cháu, xây dựng việc hiếu trong họ là những việc làm nhằm tăng cường đoàn kết và tình cảm của những người trong họ. Vì những lẽ đó mà họ đã làm được việc lớn.
- Truyền thống thứ năm là : Tôn ty, trật tự
Tôn ty trật tự là sự quy định và phong cách của một dòng họ. “Họ phải theo hàng”. Họ ta đã qua nhiều đời nhưng đến nay vẫn giữ được tôn ty trật tự vì họ ta có gia phả, giữ được gia phả.
Từ trước tới nay nhiều gia đình, nhiều chi, ngành vẫn giữ được phong cách đạo đức trên kính dưới nhường, trong xưng hô đối xử với nhau. Ngày nay phong cách đạo đức đó được kết hợp hài hòa với việc đối nhân xử thế trong xã hội, người hàng dưới tuy tuổi cao vẫn tôn trọng người hàng trên và ngược lại người hàng trên lại đối xử khiêm nhường với người hàng dưới. Điều đó vừa văn minh lịch sự về phong cách, vừa giữ được trật tự trong họ. Tôn trọng nhau về tuổi tác, về kinh nghiệm trong cuộc sống về phong cách đối nhân xử thế là một điều tốt mà không nên phân biệt giàu nghèo, sang hèn, lương giáo. Điểm nổi bật của họ ta là từ trước tới nay chưa có ai người cùng dòng họ mà lại kết duyên vợ chồng. Đây là nét riêng của họ ta, là để giữ trật tự hàng bậc trong họ.
Năm truyền thống trên đây là do tổ tiên để lại và con cháu các thế hệ xây dựng nên, tổ gia phả tổng hợp đúc kết lại và đã báo cáo với các cụ, các ông trong họ nhân dịp giỗ tổ 17/2 năm Canh Ngọ (năm 1990). Mong mọi người trong họ nắm vững ghi nhớ và phát huy ngày càng tốt hơn.
Như phần “Lời nói đầu” đã nêu vì thiếu tư liệu, vì trình độ người biên soạn còn hạn chế và còn có sổ vàng ghi công người có công với nước, với họ nên ở phần tổng hợp qua từng đời chưa thể nêu hết các chi tiết (sẽ ghi từng người ở phần gia phả) hết tất cả những điển hình hay, những gương tốt mà chỉ nêu lên một số tiêu biểu, chỗ nào còn sai sót mong được miễn thứ.
Gia Phả Tạ
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Tạ.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Tạ
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.