Tư liệu dòng họ
1. Sơ lược lịch sử quê hương và dòng họ.
Mảnh đất ấp Diêm Điền ngày xưa cách đây hơn 500 năm, nay là xã Tây Giang, huyện Tiền Hải trù phú xinh đẹp nằm ở phía Tây của huyện, Bắc giáp thị trấn, Đông giáp xã Tây Sơn, Nam giáp xã Tây Tiến và xã Tây Phong, Tây giáp xã Phương Công và xã An Ninh.
Theo lịch sử đất Thái Bình và Tiền Hải là đất biển bồi, ở đâu có đất có thể khai phá trồng trọt sinh sống được là có người. Giồng đất từ Cồn trắng Quân bắc qua Công Bồi, Cổ Rồng, Trình Nhì, thôn Bắc, Tiểu Hoàng, Đại Hoàng đã có từ thế kỷ XII, XIII. Ngày ấy dân ở còn lác đác. Các địa danh này chưa có tên. Cuối thế kỷ XIII, quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ II năm 1285, đạo quân của Trần Hưng Đạo do tướng Yết Kiêu chặn thuyền địch không cho ngược đường sông Hồng về Thăng Long. Nghĩa quân đi qua thấy vùng đất rộng, có cây quế lớn đã dừng lại nghỉ chân. Chỗ đó thuộc khu vực thôn Bắc hiện nay. Sau để ghi nhớ công lao to lớn của đức Trần Hưng Đạo, nhân dân Diêm Điền đã dựng ngôi đền thờ gọi là đền Bắc hay đền Quế (vì có cây quế lớn). Trong đền có tấm bia đá “Linh từ bi ký” (Bia ghi ở đền thiêng).
Buổi ban đầu, dân ấp Diêm Điền cùng với dân ấp Tiểu Hoàng, Phương Trạch, Công Bồi đắp con đê ngăn nước mặn từ Ngoại đê ra cầu Các Già, ra cánh đồng Phương Trạch. Có đắp được đê, dân trong đê mới yên ổn làm ăn, cày cấy. Dân cư các dòng họ từ Thanh Hoá, Nghệ An, Nam Định, La Điền, Bổng Điền, … lại tiếp tục đổ về tìm nơi có đất để khai phá. Theo gia phả các dòng họ và tấm bia đá còn lại ở chùa Thư Điền hiện nay thì cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII ở Diêm Điền có 13 dòng họ là : họ Tạ, họ Lê, họ Phạm, họ Hà, họ Tô, họ Lương, họ Đỗ, họ Nguyễn, họ Trần, họ Chu, họ Vi, họ Cao, họ Bùi.
Năm 1831, đời vua Minh Mạng đặt lại địa giới hành chính, đổi ấp Diêm Điền thành xã Diêm Điền thuộc tổng An Bồi, huyện Chân Định phủ Kiến Xương tỉnh Nam Định. Thời Pháp thuộc, ngày 28/11/1894, Toàn quyền Đông Dương sắp xếp lại các đơn vị hành chính, tỉnh Thái Bình (được lập từ ngày 21/3/1890) có 12 phủ huyện, tên của xã Diêm Điền thuộc phủ Kiến Xương. Thời kỳ này, biển đã lùi xa và nhân dân không còn làm muối, mặt khác trùng tên với xã Diêm Điền của Thuỵ Anh, hơn nữa trong xã có nhiều người học hành giỏi đỗ cao được triều đình nhà Nguyễn phong Tước hầu, Tước bá có danh tiếng. Năm 1910, các cụ xin đổi tên xã Diêm Điền thành làng Thư Điền (nghĩa là sách và ruộng) gồm có 4 thôn : thôn Đông, thôn Nam, thôn Đoài, thôn Bắc thuộc tổng An Bồi, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Sau cách mạng tháng Tám 1945, làng Thư Điền thuộc xã Công Trứ huyện Tiền Hải (tháng 3/1949), rồi thuộc xã Tây Giang (năm 1956).
Thư Điền cũng là đất “Địa linh nhân kiệt”, thời kỳ nào cũng có nhiều người có công với dân với nước và được Nhà nước phong tặng khen thưởng.
Thư Điền có ba di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng, đó là :
- Đình Làng (còn gọi là Đình Chính hay là Đình Tổ) thờ Thuỷ Đức Tôn thần hiệu Quảng Lợi Đại vương và Điện tiền đô chỉ huy sứ Tạ Quốc Công là di tích kiến trúc nghệ thuật xây dựng thời Nguyễn năm 1915. Trong Đình còn lưu giữ 11 sắc phong (Triều Lê có 5, Triều Nguyễn có 6), trong đó có 3 sắc tặng phong đức Tạ Quốc Công.
- Nhà thờ họ Tạ thờ các vị có công với làng với nước, gắn với dòng họ Tạ. Họ Tạ là dòng họ sớm khai khẩn mở ấp ở làng Thư Điền, cụ Tạ Đình Ninh có công xây dựng lập ấp Diêm Điền. Họ Tạ qua các thời đại có nhiều người có công với nước, với dân được nhà vua phong sắc. Cụ Tạ Đình Chiêm (đời thứ 3 họ Tạ) có công dẹp giặc được phong chức Điện tiền đô chỉ huy xứ, tước Đông Khê hầu cùng 4 chữ “Dực Bảo Trung Hưng”, khi mất được suy tôn là “Thành Hoàng làng” và được thờ ở Đình Làng. Trong nhà thờ họ Tạ còn có các hoành phi, câu đối có nội dung giáo dục các thế hệ con cháu về tinh thần đạo đức làm người và học tập nâng cao kiến thức. Họ Tạ sớm có Gia phả và giữ được Gia phả qua nhiều đời.
Hình 1. Nhà thờ họ Tạ được xây dựng lại từ năm 1936 được tôn tạo lại năm 2007.
- Chùa Thư Điền : Cây đa ở chùa ngày 01/5/1930 treo cờ đỏ búa liềm kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động và tuyên truyền cho sự ra đời của Đảng. Chùa còn là nơi hội họp của cán bộ cách mạng thời kỳ bí mật.
Từ những căn cứ trên, ngày 30/10/1990, Bộ Văn hoá Thông tin đã ra quyết định số 1214/VHQĐ công nhận : “Đình Chính, Nhà thờ họ Tạ, chùa Thư Điền là cụm di tích lịch sử văn hoá”.
Lại nói thêm về Nhà thờ họ Tạ. Nhà thờ họ Tạ được cụ Trưởng tộc đời thứ 7 cho xây dựng (khoảng cuối thế kỷ XVIII) trên đất cụ Sơ Hoàng khi mới về lập ấp. Đến giữa thế kỷ XIX, khoảng 80 năm sau đó, Nhà thờ họ được tôn tạo lại. Người bỏ tiền của trợ giúp là cụ Tạ Ngọc Rư (đời thứ 9). Từ năm 1934 đến năm 1936, cụ Tạ Xuân Mậu (đời thứ 11) là người đứng ra tổ chức quy lăng mộ Tổ và xây dựng lại Nhà thờ họ (mở rộng thành 3 cung như hiện nay), sắm sanh đồ thờ tự (khám thờ, các bài vị, long đình, bát bửu, v.v...). Từ năm 1985 đến năm 2010, các thế hệ con cháu họ Tạ đã tiến cúng, đóng góp tiền của, từng bước tu sửa lăng mộ Tổ, Nhà thờ họ, dựng đài tưởng niệm các liệt sĩ của dòng họ, phục chế lại các sắc phong.
Trong nhà thờ họ Tạ Thư Điền còn lưu giữ được một số sắc phong chức tước cho các cụ họ Tạ, dưới đây chúng tôi giới thiệu nội dung bản dịch 4 trong số các sắc phong đó. Các bản dịch này do nhà Hán học Ngô Thế Long phiên âm và dịch nghĩa.
1- Sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742)
“Sắc cho ông Tạ Đình Trật, chức Tiến công thứ lang, làm Huyện thừa huyện Thần Khê, đã có công lãnh đạo các đinh phu đi theo quan phủ dụ để đánh bọn giặc, chém đầu giặc tại trận. Quan Phủ dụ đề nghị lên triều đình cho thăng chức. Đáng thăng chức Tiến Công thứ lang, Điền tiền tư (ty)… … … Nay ban sắc”.
Ngày 10 tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742).
2- Sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755)
“Sắc cho ông Tạ Đình Duyên, quán xã Diêm Điền, huyện Chân Định, là người đã lãnh đạo đội Tứ Nghĩa cùng với Cung Thọ bá theo Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc, theo chúa đi đánh giặc ở Tây đạo, có được dự ban thưởng nhiều lần làm đệ tử. Đã có chỉ chuẩn ban cho chức Huyện thừa.
Đáng ban cho làm chức Huyện thừa huyện Kim Sơn, hàm Tiến công thứ lang. Hạ chế. Nay ban sắc”.
Ngày 22 tháng 12 năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755).
3- Sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783)
“Sắc cho ông Tạ Đình Thuần, chức Đội trưởng, quán xã Diêm Điền, huyện Chân Định, trong năm Nhâm Dần (1782) Triều đình có việc phong tước vương. Ông đã theo chư quân làm việc phò lập, trong đó đơn vị Trung Nhuệ quân doanh thuộc quân chủ lực làm việc bảo vệ kinh đô lập công giữ yên xã tắc. Đã có chỉ chuẩn y thăng cấp một bậc, nên thăng chức Bá hộ ... Đáng thăng chức làm Phấn lực tướng quân mệnh tư Tráng sĩ, Bá hộ. Hạ chế. Nay ban sắc”.
Ngày 26 tháng 2 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783).
Hình 2. Một trong những sắc phong lưu giữ trong Nhà thờ họ Tạ
4- Sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 46 (1785)
“Sắc cho ông Tạ Đình Tước, Nho sinh, quê xã Diêm Điền, huyện Chân Định, là người đã được quan Thượng thư Bộ Lại, Phụ quốc công thần, gia Tá lý công thần, nhập thị Tham tụng, Quốc lão tham dự triều chính, Đại tư không viện, tước Quận công Hoàng Ngũ Phúc tiến cử lên triều đình làm quan, lại xin tặng cho chức. Đáng chuẩn cho chức Thiếu khanh. Vậy nên cho làm chức Thiếu khanh ở điện Kim Long, hàm Mậu lâm tá lang. Hạ chế. Nay ban sắc”.
Ngày 27 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 46 (1785).
Hình 3. Khu lăng mộ tổ họ Tạ được tôn tạo lại năm 2007.
Khu lăng mộ Tổ được quy tập lại từ năm 1934 bao gồm các cụ từ đời thứ nhất đến đời thứ 6 tại nghĩa trang thôn Đoài do công lao của cụ Tạ Xuân Mậu đời thứ 11.
2. Diễn ca kỷ niệm
Phần này do cụ Tạ Đức Bản (đời thứ 12) vâng mệnh tôn trưởng trong họ soạn ra. Khi chép lại, cụ Tạ Ngọc Lân (đời thứ 12 viết lại gia phả lần thứ Tư) có mạn phép sửa chữa, bớt bỏ một số chỗ để trọng vẻ tôn nghiêm và có phần thực tế hơn.
Thời kỳ cụ Bản và cụ Lân biên soạn mới có bài ca ngợi công đức của các cụ từ đời thứ 11 về trước, đời thứ 12 mới có bài văn về cụ Tạ Quốc Thưởng.
Nay nhân khi tu chỉnh, bổ sung gia phả, Tổ gia phả xin ghi lại các bài văn kỷ niệm đó. Để con cháu hiện nay và sau này dễ hiểu hơn, để hài hoà công đức của các cụ trước đây với hiện nay, chúng tôi chỉnh sửa, bổ sung một số câu, chữ trong một số bài cho phù hợp. Hương hồn các cụ ở cõi vĩnh hằng xin chứng giám và chắc các cụ cũng vui dạ vì con cháu kế tục các cụ về sự nghiệp tổ tiên để lại.
* * *
Văn kỷ niệm Cụ Sơ Hoàng Thuỷ Tổ
Sách có câu : “Nhân bản hồ tổ”
Công gây dựng muôn thuở còn truyền
Thái bình hương hoả vạn niên
Diễn bài kỷ niệm một thiên lưu đề
Đức tổ xưa vốn quê Giang tả
Tiếng “Ô Y” Vương, Tạ, Nguyễn, Đào
Á Đông lừng lẫy xiết bao
Hai nhà Vương, Tạ giá cao quý quyền
(Họ Vương sau đổi là họ Lê)
Cờ Đô hộ một phen thống trị
Xứ An Nam phải lệ thuộc Tàu
Hai ông thâm kết cùng nhau
Phất cờ “Chiêu mộ” bắc cầu Lĩnh Nam
Đường Thái, Lạng quan san chẳng ngại
Chí tang bồng hồ hải xông pha
Trúc mai sum họp một nhà
Cửa Sung khẩn trị sơn hà tỉnh Thanh
Làng Diêm Phố nổi danh từ đó
Áng tử phần hoa có tốt tươi
Nhà liền nóc, chợ đông người
Nước non mới mẻ muôn đời thêm xuân
Trải năm tháng sinh lan đẻ huệ
Chen chúc nhau ai dễ đo lường
Đất đai nguyên cũ ruộng nương có ngần
Dân đông đúc có phần chật hẹp
Cách sinh nhai nghề nghiệp quan hoài
Ngư ông mượn thú cõi ngoài
Tìm nơi phong cảnh ươm nòi văn minh
Lê Lang với Tạ Ninh hai cụ
Lại nối theo chí cũ ông cha
Di dân lập ấp vùng xa
Vì con, vì cháu mưu cơ lâu dài
Miền Lân hải là nơi rộng rãi
Cờ Chiêu mộ cứng cỏi ra tay
Hai ông nào ngại chông gai
Đào sông, lấn biển dùi mài tấm thân
Trải mưa nắng bao phần mỏi mệt
Cách vun trồng chẳng tiếc công phu
Chăng dây cắm mốc trì khu
Đắp đê giữ nước phá gò bồi sa
Nhà nổi nóc hàng ba hàng bẩy
Ruộng thành bờ từng dãy từng khu
Bao la ruộng đất mịt mù
Cỏ hoa đua nở, giang hồ thông lưu
Đường thuỷ đạo đã tiêu chua chát
Lúa hai mùa lại được phong niên
Cồn ngoài bãi muối trắng tinh
Có muối, có gạo dân tình đội ơn
Diêm Điền xin được đặt tên
Cõi hoang vu đã dựng lên xóm làng
Cụ Lê dòng dõi “ấm lang”
Cụ Tạ nông giới giỏi giang ruộng đồng
Lòng hai cụ Tấn - Tần hợp một
Nguyện muôn đời tầm cốt tương thân
Ca dao bình phẩm mấy vần
Ninh, Lang hai cụ lần lần gặp nhau (1)
Đức tổ ta đứng đầu dân tráng
Việc binh lương giữ khoán đình, điền
Hương thôn kính ái một niềm
Quan trên cũng chuộng dân em cũng vì
Giòng tử đệ nhiều bề tế mỹ
Thềm chí lan lắm vẻ phi phương
Cháu con tỏ mặt phi thường
Chói chang Hầu Bá rỡ ràng non sông
Cụ trăm tuổi đèn hồng rực rỡ
Xứ Đông Lang long mã tàng hình
Mới hay sơn thuỷ hữu tình
Phần phong chính bắc rành rành chân long
Huyệt Bến Sặt trùng trùng sơn thuỷ (2)
Mộ tổ bà đất để Hậu Lang
Hình ô hướng bắc rõ ràng
Tạ, Lê hai mộ một hàng thanh thanh
Câu ngạn ngữ : “An Ninh họp chợ
Đất Diêm Điền họ Tạ có quan” (3)
Mới hay sơn thuỷ bão hoàn
Tạ, Lê hai họ sánh hàng cùng nhau
(1) Tục truyền có câu : “Ông Nỉnh ông Ninh ra đến đầu đình thì gặp ông Lang, Ông Lảng ông Lang, ra đến đầu làng thì gặp ông Ninh”.
(2) Nhà Tương Địa có câu : “Diêm Điền huyệt tại Bến Sặt”
(3) Tục truyền câu : “An Ninh hữu thị, Tạ thị hữu quan. Đông Hướng hữu chung, Lê thị anh hùng”.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 2 Tạ Đình Đô
Thừa phúc tổ cụ nhì nối nghiệp
Gánh giang sơn giữ việc nhà nông
Dấu son óng ánh điểm hồng
Tước “Quan viên phụ”, sắc phong một hàng
Ngoài viện sách thanh đan hai chữ
Sắc phong Hầu con thứ bảnh bao
Nền phúc hậu, bậc tài cao
Thơm tho hoa nở, ngọt ngào hương đưa.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 3 Tạ Đình Đoan
Nối gót cha móc mùa nhuần thấm
Tổ ba đời phúc ấm hà sa
Đèn trời sáng rực cỏ hoa
Con hiền, cháu thảo một nhà cân đai
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 3 Tạ Đình Chiêm
Nhờ tài đức quan giai nhẹ bước
Nên phấn vua lộc nước dồi dào
Đô chỉ huy xứ đương trào
Đường đường chức cả quyền cao rõ ràng
Phụng sứ mệnh đi sang Tây Vực
Lại có công nên được phong Hầu
Còn nhiều hưởng thụ về sau
Móc mưa tưới rộng thấm sâu một nhà
Đã gia tặng mẹ cha quan tước
Lại hai con cũng được tập phong
Một nhà mũ tía đai hồng
Bóng linh rợp đất, tiếng đồng dậy sân
Hoa kiều mộc hương lân thơm nức
Phấn Hoàng ân trang sức mặn mà
Nghìn năm danh tiết chẳng nhoà
Cỏ cây tươi tốt sơn hà vẻ vang
Hình mãnh hổ Đoài Lang tiếp phúc
Đất chính long khô mộc nẩy chồi
Chanh vanh sơn bão thuỷ hồi
Án coi chính án, đường coi chính đường
Bài ca “Đức Thánh cậu”
Cơn sóng bạc Cần vương thống tiễn
Lĩnh gươm vàng “Đức cậu Tạ Công” (1)
Bụi trần quét sạch như không
Chức phong Đại tướng sân rồng sắc ban
Tài thao lược đảm đang mọi nhẽ
Khí anh hùng sức khoẻ ai đang
Ném trâu qua róng lạ thường
Câu văn chầu hát một phương tụng truyền
Sống, anh hùng dẹp yên lũ thỏ
Thác, thần thiêng ủng hộ muôn dân
Khí thiêng khi đã về thần
Sắc phong bản xã phúc thần anh linh
Vua Khải Định tứ tuần đại khánh
Sắc bách thần đế mệnh ban ra
Tặng phong Đức tổ họ nhà
“Trung, Hưng, Dực, Bảo” quốc gia tôn thần
Ngôi đình Chính đồng dân bái ngưỡng
Người bốn thôn vui hưởng ngàn xuân
Sinh vi Tướng, tử vi Thần
Vậy trong tộc phả muôn phần kính tôn
(1) Sau khi cụ Tạ Đình Chiêm mất được phong là Thành Hoàng làng và có bài ca về Đức Thánh Cậu, đó là cụ Đô Chỉ huy xứ Tạ Quốc Công.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 4 Tạ Đình Thiều
Quyền thống lĩnh mầu son phê phó
Hầu Thiều dương cụ tổ thứ tư
Sơn hà rạng vẻ đế cư
Đỉnh Hồng gió mát, sông Lô sóng bằng
Cây ngọc thụ nẩy măng tươi tốt
Giữ nghiệp nhà nối gót ông cha
Cành vàng lá ngọc rườm rà
Môn lư phiệt duyệt, sơn hà phong quang
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 4 Tạ Ngọc Quỳnh
Cụ Ngọc Quỳnh cũng hàng tứ thế
Tước phong hầu nghiệp kế gia thanh
Lý, đào hai vẻ đua xanh
Một nhà Hầu tước thanh danh trên đời
Lăng phần cụ phong nơi cát địa
Đất Thánh từ tỏ vẻ anh linh
Lý, ngư hý thuỷ hữu tình
Văn chương hoành phát tài đinh rành rành.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 4 Tạ Ngọc Lưu
Nền thế đức theo anh dóng dả
Hầu lưu long chức cả quyền long
Vẻ vang con cháu tiên rồng
Xôn xao ty trúc hội đồng quân quan
Nhà Khanh tướng vinh quang mọi nhẽ
Cội chi lan lắm vẻ phân phương
Mầm hồng một đoá kinh hương
Xênh xang ngọc bội, rỡ ràng kim môn.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 5 Tạ Đình Lượng
Cung long mã bước dồn từng bước
Sắc vua phong Hầu tước Lượng Hoàng
Đường mây nhẹ bước thung thăng
Toàn gia thực lộc đẩu thăng vững vàng
Trên gác tía giang san rạng vẻ
Dưới thềm lan thi lễ đêm ngày
Ba cành đan quế xinh thay !
Hoa chào ngõ hạnh, hương bay dặm phần
Tôn lăng Cụ phong phần Đại hiếu
Phương triều dương ấy kiểu hướng Nam
Tằng phong điệp hiến kỳ quan
Án tiền thuỷ nhiễu, sơn hoàn bao la.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 5 Tạ Chính Thống
Theo gót anh, em đà có chí
Sắc phong Hầu Thống lý bảnh bao
Lầu hoa ty trúc xôn xao
Anh em tán tía, võng đào nghênh ngang
Đường sĩ hoạn quan sang phỉ chí
Khí anh hào vó ký thẳng dong
Phong lưu phú quý một dòng
Hương bay mười dặm, nguyệt lồng ba cây.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 6 Tạ Đình Hân, Tạ Đình Trọng
Hoa lan ngọc thơm lây dòng dõi
Tổ sáu đời nghiệp nối ông cha
Son vua, phấn nước mặn mà
Cụ Hân, cụ Trọng ngọc ngà trâm anh
Sắc khâm phụng rành rành Nam tước
Phúc dồi dào lại được hai ông
Hạt thông lại nở ra thông
Bốn mùa tươi tốt trùng trùng quả hoa.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 6 Tạ Đình Trân
Trường Cử sĩ phát khoa cụ Hiệu
Bảng triều Lê quý hiệu Thanh Điền
Sôi kinh nấu, sử một niềm
Vang chuông bể học, rạng đèn làng văn
Nền giáo dục khuyên răn tự Cụ
Chốn trường văn dẫn dụ đàn con
Một nhà khoa bảng luôn luôn
Mầu lam tươi sắc, nét son đậm mùi
Vườn Đan Quế theo đòi họ Đậu
Dưới thềm lan năm cậu, năm cô
Trước đèn nghĩa huấn nhỏ to
Gương nhuần sắc nước, phấn tô vẻ trời.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 6 Tạ Ngọc Hoàn
Quan Điển mục trong coi súc mục
Sở An Hưng tiếng nức gần xa
Chăn nuôi vui cảnh, vui nhà
Vừa là ích nước, vừa là lợi dân.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 6 Tạ Trường Sách
Ngoài mười dặm vỗ yên dân chúng
Tổng An Bồi nhất thống quy mô
Anh hào lẫm liệt quyền hô
Oanh lăng líu lưỡi, yến co quẩn lời
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 6 Tạ Đình Tài
Cụ Đình Tài hơn đời thao lược
Tập tước Hầu theo được gót ông
Kiếm cung thoả chí anh hùng
Đường đường phó đội một vùng biên cương
Trên điện quế hương bay ngũ phúc
Dưới thềm lan rượu chúc tam đa
Huệ, lan sực nức một nhà
Đào vừa phai thắm, sen đà nẩy xanh.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 7 Tạ Ngọc Hồ
Khoa văn học Hiệu sinh chiếm bảng
Bẩy đời truyền khoa hoạn thơm danh
Đuốc hồng rạng vẻ trâm anh
Mày râu tỏ mặt thư sinh trên đời.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 7 Tạ Ngọc Du
Đường hoan lộ thảnh thơi nhẹ bước
Du đường Nam phong tước sĩ lang
Lam bào đượm vẻ phi phương
Nho y sở xứ tứ phương thỉnh cầu.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 7 Tạ Đình Trật
Nhà khoa hoạn vẻ vang Cụ bẩy
Chức Huyện thừa lừng lẫy Thuý Vân
Cầm đường ngày lại thêm xuân
Dưới đèn giãi tỏ trước sân tam hoè.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 7 Tạ Đình Thụy
Quyền Bá hộ thêm bề phấn lực
Sức Cửu trùng lĩnh chức Tướng quân
Một đời dễ có mấy thân
Cờ đào chỉ giáo ba quân trong ngoài.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 7 Tạ Ngọc Ruyến
Phó thủ hợp - tổng tài - sự vụ
Chữ Duyên Bình hiệu cụ Thanh Đan
Bộ đường bút án thảnh thơi
Trung thành một mực trong ngoài như in
Lòng tử ái Hoàng thiên chẳng phụ
Phúc hà sa thuỳ dụ hậu nhân
Cỏ hoa tươi tốt muôn phần
Vườn xuân đầm ấm bẩy cành nở nang.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 7 Tạ Đình Lộc
Huyện Khang Lộc vẻ vang trọng nhiệm
Chức Huyện thừa nức tiếng thanh liêm
Lòng băng, dạ tuyết còn truyền
Cũng là phúc trạch gia tiên dồi dào.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 8 Tạ Đình Kiêu
Chánh Đội trưởng quyền trao Bá hộ
Từng ghi công Trướng hổ bao lần
Sắc phong Phấn dũng tướng quân
Xứng danh dòng dõi Hầu quân tám đời.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 8 Tạ Đình Mạo
Nhà quý hiển thảnh thơi ấm thụ
Bậc hào hoa con cụ Thuý Vân
Đường mây nhẹ bước thanh tân
Huyện thừa nối gót nghiêm quân sẵn sàng
Chuông bể hoạn khua vang thôn dã
Trống làng văn gióng giả ba Hầu
Quản huyền vang dậy trước sau
Khoa danh nổi tiếng, Khanh Hầu vinh thân.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 8 Tạ Đình Xuân
Triều Mẫn đế xuất thân Lang tướng
Chí phò vua khí tượng hơn đời
Gặp cơn sóng gió tơi bời
Trèo non, vượt bể xa xôi quản gì
Cụ Lân dương yêu vì sức khoẻ
Hội cửa Trà phò đế xuất bôn
Đường cù, dặm liễu nước non
Trung trinh một dạ sắt son tấc lòng.
Văn kỷ niệm các cụ tổ đời thứ 8
Hiệu sinh : Tạ Đình Hiệu, Tạ Đình Hạo, Tạ Đình Đức,
Cai hợp : Tạ Đình Tuần,
Huyện thừa : Tạ Đình Vĩnh, Tạ Đình Đoán
(Các cụ con cụ Tạ Ngọc Ruyến)
Nhà cụ Quế vốn dòng khoa hoạn
Khoa Mậu tài chiếm bảng ba ông
Văn chương thanh giá lạ lùng
Đăng khoa ba cháu với ông một nhà
Nhờ phúc ấm toàn gia vô bạch
Lại Huyện thừa đặc cách ba ông
Thênh thang võng tía ngựa hồng
Hoa tươi giắt mũ sắc lồng màu lam
Lầu hoa ngọc văn chương đàm tiếu
Trật thăng quan chẳng thiếu trong ngoài
Cụ Thừa, cụ Thiếu, cụ Cai
Một nhà sáu cụ quan giai lần lần.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 8 Tạ Đình Khang
Liền gốc quế nẩy mầm tuấn tú
Cũng một dòng cháu cụ Phát Khoa
Huyện thừa lựa khúc cầm ca
Đèn trời giãi tỏ một nha dân tình.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 8 Tạ Đình Sen
Triều Minh mạng ông Vành lấn cõi
Cụ Tiền cai cứng cỏi ra tay
Mai đình mười dặm hương bay
Lòng dân uy phục gót mây nhẹ nhàng
Cửa Ba Lạt âm vang sóng vỗ
Bãi Cồn Tiền súng nổ âm vang
Mưu sâu tài nghệ ai đang
Ngoài thông cùng giặc, trong toan với Triều
Chước trá hàng toan mưu cùng giặc
Giặc tin lòng nên mắc mưu thần
Triều đình khao thưởng ban ân
Liễu hoa Nam tước thêm phần bảnh bao.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 9 Tạ Đình Duyên
Tiến công lang Huyện thừa chức vụ
Chức đời truyền cháu cụ Ngọc Du
Kim Sơn huyện thự chu du
Giãi đèn bút án, thuận thu dân tình.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 9 Tạ Đình Tước
Kim long điện Thiếu Khanh bổ dụng
Chức thượng thư danh vọng một thời
Ân nhờ tiên tổ tài bồi
Nêu gương con cháu đời đời vinh hoa.
Văn kỷ niệm các cụ tổ đời thứ 9 Tạ Đình Thiệu, Tạ Đình Nham
Vốn dòng dõi văn chương xuất thế
Nghiệp thi thư kế thế khoa trường
Vườn nho rạng vẻ phi phương
Mậu tài đắc chiếm bảng vàng hai ông.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 9 Tạ Xưng
Quyền Cai tổng san Khê nhất thống
Hội Thái Bình dân tổng yên vui
Sân mai vóc tuyết đượm mùi
Hơi đồng chẳng nhuộm tanh hôi tấc lòng
Tính cương trực được lòng dân chúng
Với quan trên không chút vấn vương
Công minh quyết đoán nhẽ thường
Giữ sao trọn nghĩa mọi đường mới nên
Cánh đồng Đò quan trên bắt nhượng
Cụ khăng khăng giữ ruộng cho làng
Lý rằng mốc cắm, giây chăng
Đồng điền ranh giới ngàn năm vững bền.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 9 Tạ Ngọc Dư
Đời cụ Hậu gây nền ấm phúc
Giữ quyền dân gặp lúc thăng bình
Hương bay ngào ngạt dặm phần
Bốn mùa hoa quả một sân lý đào
Ngoài hương lý công lao xiết kể
Trong họ hàng tỏ vẻ tôn nghiêm
Góp công sức, góp bạc tiền
Từ đường kính phụng Tổ tiên một toà.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 10 Tạ Bằng
Trường hương thí mở khoa cống tuyển
Chốn rừng nho nổi tiếng văn chương
Câu văn nét bút lạ thường
Tình thâm một cửa bảng vàng chiếm khoa.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 10 Tạ Ngọc Suý
Con cụ hậu tài hoa xuất thế
Chốn khoa trường kế thế nghiệp ông
Văn chương uyên bác lạ thường
Đức, tài nổi tiếng giảng đường tổng ta
Vua Tự Đức ban ra điều dụ
Khuyên dân lành tập tục dân gian
Đội ơn Thánh trạch chứa chan
Văn phong đâu đấy mở mang dần dần
Dòng nội tộc xa gần ai biết
Sưu tầm ra ghi chép lại ngay
Lập nên gia phả từ đây.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 11 Tạ Bồi
Tài học hải xa gần nức tiếng
Kế ba khoa liền chiếm tú tài
Bộ Công bang biện đặc sai
Đời truyền mười một anh tài có ông.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 11 Tạ Tất Đạt
Chí cả ép trong vòng tài đức
Đường công danh chen bước gian nan
Âu đành Hương lý tiến thân
Anh hùng tuỳ với giang sơn của mình
Trên việc quan thừa hành đắc lực
Việc trong làng cốt được dân ưa
Bao lần tắm gội móc mưa
Hàm Bát phẩm sánh vừa công lao
Chức tiên chỉ ngồi chiếu cao
Quê nhà đã có ai đâu sánh bằng.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 11 Tạ Xuân Mậu
Được bổ dụng Thái Bình thơ lại
Nhưng ít lâu nghĩ lại chán chường
Công danh ngại bước đường trường
Trở về vườn cũ tìm đường doanh sinh
Giỏi tính toán quen nghề đồng ruộng
Cấy lúa gặp thời, buôn bán gặp may
Cơ đồ nổi dậy từ đây
Dựng nên cơ nghiệp sân xây, nhà lầu
Nhân cơ hội thóc nhiều, bạc lắm
Lại sẵn lòng tôn kính tổ tiên
Góp phần cùng với họ đường
Xây từ đường họ cho đường hoàng hơn
Sắm đồ thờ sơn son xếp bạc
Xây nhà ngang, đĩa bát sắm sanh
Lại xây nghĩa địa quy làng
Khỏi phần thất lạc, trọn tình truy tư.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 11 Tạ Quang
Ngoài dặm liễu dân cu vui vẻ
Dưới Tụng đường lời lẽ công minh
An Bồi một giải thênh thênh
Móc mưa đầm ấm trước sân Mai đình.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 11 Tạ Ngọc Điến
Tài Tú sĩ nổi danh học rộng
Dương tôn sư cũng trọng vì tài
Bao năm đèn sách miệt mài
Mong chờ khoa cử mậu tài có tên
Nào ngờ đâu tới phen thi cử
Chốn trường văn lại lỡ thời cơ
Vốn là dòng dõi ông cha
Quay về Tổng lý ắt là thành công
Xem chiều hướng văn chương phát triển
Chốn đình chung luận điểm đề ra
Sĩ nông nay đà hài hoà
Diêm Điền xin được đổi ra Thư Điền
Nhân cơ hội có chiều thư thả
Lại tục biên gia phả họ nhà
Cũng là nối chí chú, cha
Cũng là công sức đậm đà tình quê.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 11 Tạ Xuân Đán
Hiệu liêm chính cũng hàng vai cánh
Giữ quyền dân sẵn tính thanh liêm
Lòng phiếm ái, dạ trung kiên
Dân thôn kính nể, quan trên cũng vì
Nền tử lý gặp khi thuận lợi
Cụ ra tay xây lại đình chung
Ba cung đình Chính thong dong
Lối vào ba cửa, tam quan hai tầng
Cung trong là chốn thờ thần
Cung ngoài các cháu học hành sớm trưa
Công cụ Lý móc mưa nhuần thấm
Cảnh đình làng nay vẫn còn duyên
Còn tại thế hoa sen đang toả
Tới cảnh tiên phúc quả lại dành
Mấy lời ký chúc đinh ninh
Xuất tiền nộp cả thuế đinh thôn Đoài.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 12 Tạ Quốc Thưởng
Buổi niên thiếu ngoài hai mươi tuổi
Sóng Vũ môn đua đuổi với đời
Hai khoa thi đỗ tú tài
Sắc phô cây ngọc, hương bay dặm phần
Thấy danh lợi nhiều phần bó buộc
Nên thờ ơ chen bước cửa quyền
Bạc bài mượn thú giải phiền
Cho khuây thế sự, cho quên tháng ngày
Cũng lắm lúc cảm hoài, tức cảnh
Nhiều văn thơ ngâm vịnh còn truyền
Tiền đồ nghĩ đến thiếu niên
Trường làng có một, trẻ em thì nhiều
Khuyên dân xã mở thêm trường nữa
Để con em có chỗ học hành
Ao tù sen mọc tươi xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Lời cụ Tạ Đức Bản
Nhớ ơn nghĩa tổ tôn sâu nặng
Dựng cõi này đằng đằng ngàn thu
Có cổ thụ, có sân hồ
Có đền kỷ niệm, có chùa tụng kinh
Dân bốn thôn văn minh rực rỡ
Lúa hai mùa hoa nở tốt tươi
Phong lưu phú quý đời đời
Cành kia cội nọ xa vời biết bao
Người cố lý xôn xao oanh yến
Kẻ tha hương quyến luyến phụng hoàng
Diêm Trì, Tân Lạc, Tiểu Hoàng
Đông Thành, Hải Nhuận vẻ vang nhường nào
Những nơi ấy phong trào liền cõi
Cứ hàng năm dòng dõi tầm tông
Khắp miền Nam, Bắc, Tây, Đông
Chân trời mặt biển phái dòng xa khơi
Làng tử lý là nơi đất tổ
Gánh giang sơn đừng đổ cho ai
Bể còn rộng, sông còn dài
Soi gương để tạo kẻo hoài công phu
Nhà hợp tự mới tu rộng rãi
Lăng quy phần một dải thênh thênh
Này khám hội, này long đình
Này chuông phúc quả, này bình lư hương
Đồ bát biểu, giá gương mới chế
Cờ ngũ hành, khí tế bằng đồng
Tả, chiêu, hữu mục ung dung
Từ thời bát tiết hội đồng tế chung
Công đức ấy, giống dòng tự đấy
Non sông này lừng lẫy đã lâu
Đời đời Khanh, Tướng, Công, Hầu
Giang sơn tỏ mặt mày râu một nhà
Chữ rằng : “Phúc trạch hà sa”.
Ngày tháng trọng Xuân
Năm thứ 11 triều Bảo Đại
Cháu đời thứ 12
Tạ Đức Bản
Chi Diêm Trì vâng mệnh Tôn trưởng trong họ
Kính soạn !
Bốn bài văn kỷ niệm do ông Tạ Đình Ty biên soạn năm Canh Ngọ (1990)
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 10 Tạ Ngọc Tiệp
Cùng dòng dõi con nhà tư thế
Chốn trường văn kế nghiệp đàn anh
Thông minh tài đức rành rành
Văn chương tuyệt bút nổi danh thầy đồ
Dạ trung chính vô tư khẳng khái
Đức hiền hòa để lại đời sau
Nhân khi thanh thản bấy lâu
Viết tiếp gia phả phần sau chưa điền
Cùng góp sức bút nghiên huynh đệ
Cùng lưu truyền gia phả họ ta
Chẳng mong áo gấm thẻ ngà
Sao cho xứng đáng con nhà trâm anh.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 12 Tạ Đức Bản
Làng Diêm Trì nổi danh cụ Khoá
Áng văn chương dễ có mấy người
Thơ văn nét bút tuyệt vời
Tiếc thay tài đức không người kế ngôi
Thanh danh cụ xa xôi còn nhớ
Gia phả nay được rõ ngọn nguồn
Tổ tiên công đức lưu truyền
Diễn ca kỷ niệm một thiên lưu đề.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 12 Tạ Trường Quý
Sống thanh bạch một đời cụ Khoá
Đức hiền hoà con cháu noi gương
Họ hàng trên kính dưới nhường
Công cha nghĩa mẹ đôi đường kính tôn
Đạo đức ấy lưu truyền con cháu
Chữ Hán văn dẫn dụ môn sinh
Nghĩa đời hai chữ “Hiếu, Trung”
Giữ cho trọn vẹn ước mong của thày.
Văn kỷ niệm cụ tổ đời thứ 12 Tạ Ngọc Lân
Vốn dòng dõi nho gia kế thế
Lại gặp khi thời thế phân tranh
Ham chi một chút công danh
Vui nghề giáo huấn thanh danh một nhà
Cuốn gia phả ông, cha lưu giữ
Nay tục biên quốc ngữ dịch ra
Kế thừa sự nghiệp ông cha
Lại kiêm thư ký họ nhà bao năm
Cùng trưởng họ chăm, nom việc tổ
Ba mươi năm trọn nghĩa vẹn tình.
|