Lời nói đầu
Sách có câu : "Nhân bản hồ tổ"
Mọi vật gốc tự đất trời mà hóa sinh không dứt, người ta gốc tự tổ tôn mà sinh hóa khôn cùng. Tôn phái của người ta cũng như mọi vật của trời đất vậy.
Họ Tạ từ khi gây dựng đến nay, con con cháu cháu như cây có ngàn cành muôn lá, như nước có lắm lạch nhiều sông. Sự phát triển không ngừng đó nên ghi chép lại để lưu truyền mãi mãi về sau.
Dòng họ có bản gia phả cũng như trời có nhật nguyệt tinh tú, như đất có sông núi cỏ cây để muôn đời mai sau khi trông thấy hình ảnh trăng sao, sông núi cỏ cây thì biết nguyên lưu dòng họ còn mãi mãi ở đó.
(Trích lời tựa quyển gia phả do cụ Tạ Ngọc Súy biên soạn lần thứ nhất).
Dân tộc Việt Nam đã trải qua hơn 4000 năm lịch sử mà ngày nay ai cũng hiểu mình là con cháu Đức Tổ Hùng Vương là do có sử sách truyền lại.
Họ Tạ kể từ khi cụ Sơ Hoàng Thủy tổ cùng với cụ tổ họ Lê về vùng ven biển quận Chân Định lập ấp đến nay đã hơn 400 năm, con cháu đã đến đời thứ 17, 18 mà vẫn nhận biết được nhau, vẫn quy tụ về cùng dòng họ là do họ Tạ có gia phả và giữ được gia phả.
Ngày nay họ Tạ có được di sản quý giá này của tổ tiên để lại thì con cháu trong họ mãi mãi ghi ơn cụ Tạ Ngọc Súy đời thứ 10 đã dày công truy tìm nguồn gốc trên 10 đời về trước viết nên cuốn gia phả đầu tiên vào năm 1841 (năm Tân Sửu). Bốn mươi năm sau, cụ Tạ Ngọc Tiệp kế tục sự nghiệp của anh bổ sung và chép lại lần thứ hai. Đến năm 1910, cụ Tạ Ngọc Điến nối nghiệp cha, chú bổ sung viết tiếp lần thứ ba. Năm 1958, cụ Tạ Ngọc Lân kế tiếp cha, bổ sung viết lại lần thứ tư và trước khi qua đời, cụ đã giành thời gian dịch từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ. Cụ Tạ Đức Bản dùng văn thơ miêu tả nguồn gốc, công lao khí phách của Tổ tiên. Năm 1989, cụ Tạ Ngọc Phách đã biên soạn và cho in nhiều bản Cây gia hệ họ Tạ. Công lao của các cụ trong quá trình xây dựng, bổ sung cho cuốn gia phả tạo điều kiện thuận lợi cho việc bổ sung viết tiếp gia phả lần này.
Song tiếc rằng trước đây các cụ chịu ảnh hưởng của chế độ phong kiến thực dân với khuynh hướng trọng nam, khinh nữ nên gia phả cũ không ghi tên các cụ bà, con gái, con dâu. Mặt khác việc lưu truyền gia phả cũng chỉ hạn chế trong phạm vi cha truyền con nối, không mở rộng cho con cháu trong họ biết nên hiện nay có những ngành, những người đã phát hiện ra nhưng chưa đủ cơ sở để xác minh kết luận.
Nghiên cứu gia phả họ Tạ cho thấy từ đời này qua đời khác có nhiều người có học thức, có cống hiến công sức vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, quê hương, có người lập công lớn được trọng thưởng.
Trong cách mạng giải phóng dân tộc có người sớm giác ngộ hoạt động trong thời kỳ bí mật, có người bị tù đày, có người hy sinh trong nhà tù của thực dân Pháp. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có hàng trăm con cháu họ Tạ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc hoặc còn mang trong người những vết thương chiến tranh. Nhiều người trở thành cán bộ trung cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay nhiều người là bác sĩ, kỹ sư, là cán bộ khoa học kỹ thuật, … đang mang tài năng trí tuệ của mình góp phần vào việc xây dựng đất nước, quê hương.
Hiện nay, con cháu họ Tạ đang tồn tại từ đời thứ 12 đến đời thứ 17, 18 và đang sinh sôi nẩy nở theo từng chi, ngành ở các làng : Thư Điền (xã Tây Giang), Diêm Trì, Lũ Phong (xã Tây Phong), Thanh Châu, Châu Nhai (xã Nam Thanh), Trung Đồng (xã Nam Trung), xã Nam Hồng, Tân Lạc (xã Đông Hoàng), xã Nam Cường, Thị trấn Tiền Hải và ở các nơi khác trên khắp đất nước Việt Nam … vẫn luôn luôn hướng về dòng họ, vẫn nhớ về quê hương đất tổ Thư Điền.
Những điều trên đây rất cần ghi chép tập hợp lại.
Từ năm 1985, chúng tôi con cháu của Tổ tiên họ Tạ sau khi hoàn thành nhiệm vụ đối với Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước, Quân đội cho về nghỉ hưu tại địa phương, vâng lời cha bác trong họ, giao cho việc nghiên cứu bổ sung, tu chỉnh lại gia phả của họ. Đây là một việc lớn đòi hỏi phải công phu vì gia phả gốc có nhiều chỗ chưa ghi hoặc ghi sơ sài, có những điều cần tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn. Trong lần xây dựng lại gia phả lần này, chúng tôi đã cùng nhau nghiên cứu, tìm hiểu, phát hiện, bổ sung, sắp xếp, biên soạn từng nội dung. Song vì vừa thiếu tư liệu, phần vì trình độ người viết còn hạn chế, chắc chưa thể đáp ứng yêu cầu của mọi người trong họ.
Theo quy luật phát triển của xã hội ngày càng văn minh hiện đại, con cháu họ Tạ ngày càng đông lại được học hành nhiều hơn, có kiến thức văn hoá, có trình độ khoa học nhận thức về xã hội, về gia tộc tốt hơn, các thế hệ tiếp sau sẽ bổ sung, tu chỉnh cho gia phả họ Tạ đầy đủ hơn, chính xác hơn.
Như vậy, cuốn gia phả này đã được bổ sung, tu chỉnh biên soạn lại và viết lần thứ 5 (1985-2010) để mọi người trong họ khi xem thì hiểu nguồn gốc, công lao, đức độ của tổ tiên, hiểu mối quan hệ giữa các chi, ngành và thứ bậc trong họ.
Nội dung gia phả lần này được sắp xếp như sau :
Quyển 1 : Gồm các phần :
1. Lời nói đầu : nói lên ý nghĩa, mục đích và sự cần thiết của việc xây dựng gia phả dòng họ. Giới thiệu nội dung biên soạn gia phả lần này.
2. Nguồn gốc, truyền thống dòng họ nhằm làm cho các thế hệ hiểu nguồn gốc của tổ tiên từ đâu đến và từ làng Thư Điền phát triển ra các nơi khác, chắt lọc ra những nét tinh tuý qua từng đời, từng thời kỳ tổng hợp, khái quát lại thành 5 truyền thống động viên, giáo dục các thế hệ hãy giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp đó trên các lĩnh vực của cuộc sống.
3. Gia phả gốc : từ đời cụ Sơ Hoàng Thuỷ Tổ đến các cụ đời thứ Tám, bao gồm Cây phả hệ và Gia phả.
4. Các cụ đời thứ 9 đến nay không còn con cháu kế tiếp.
5. Phần tư liệu gồm các bài Diễn ca do cụ Tạ Đức Bản, đời thứ 12 biên soạn và những bổ sung của Tổ gia phả. Danh sách mẹ Việt Nam anh hùng và danh sách các liệt sĩ của dòng họ qua các cuộc kháng chiến của dân tộc.
6. Danh sách Trưởng tộc và Ban trị sự qua các thời kỳ.
Quyển 2.
1. Gia phả từng chi, ngành : viết theo thứ tự từ chi 1 đến chi 9 (mỗi chi một quyển). Trong từng chi ghi từng ngành, từng đời các cụ từ thứ 9 đến nay. Cây phả hệ biên soạn cho các đời từ thứ 9 đến thứ 13.
2. Nội dung ghi của từng người (kể cả con trai, con gái) gồm : họ tên, con ai, năm sinh, năm mất và nơi an táng, cấp chức trong xã hội, khen thưởng, công lao, đức độ đối với xã hội, với họ. Đối với vợ (con dâu họ Tạ) hoặc chồng (con rể họ Tạ) thì ghi cấp chức, quê quán, nếu đã mất thì ghi năm mất. Tên các con (kể cả con trai, con gái), năm sinh. Chỗ ở của gia đình hiện nay (đối với những người ở ngoài xã). Nội dung gia phả các ông bà từ đời thứ 14 có ghi các nội dung phù hợp với cuộc sống hiện tại. Những nội dung trên có tư liệu đến đâu, ghi đến đó, sau này phát hiện thêm sẽ ghi tiếp.
Tổ Gia phả
|