CUNG DUY BỔN TỘC TIÊN TỔ
Lời nói đầu và tiểu dẫn
LỊCH SỬ TỘC TRẦN ĐẮC
CẨM PHÔ – HỘI AN
Kính thưa quí vị, cùng toàn thể Con, Cháu, Dâu, Rễ trong bổn tộc!
Mảnh đất Cẩm Nam yêu dấu hôm nay nằm trong địa giới làng Cẩm Phô xưa, nơi mà hơn 400 năm qua, cụ Tổ chúng tôi từ Thanh Hóa vào đây đã dừng chân, mở đất, xây ấp, lập làng, khai phát giòng tộc Trần Đắc tại Thành Phố Hội An này.
Ngôi Từ Đường Gia Tộc đã hơn trăm năm tuổi, lại nằm vào vị trí thấp trũng, hằng năm phải gánh chịu bão, lũ liên miên nên phổ hệ gia tộc chúng tôi không còn nguyên vẹn, do đó, không thể tra cứu một cách chính xác và đầy đủ về sự hình thành và phát triển của Tộc Họ.
Tuy vậy với nổ lực không ngừng của con cháu và hội đồng gia tộc, và bằng nhiều cách khác nhau, chúng tôi đã từng bước truy tìm tư liệu nhằm bù đắp phần thiếu sót trong phổ hệ.Từ những thông tin khẩu truyền qua nhiều thế hệ đến việc tra cứu các gia phả của các phái, các chi trong bổn tộc, đặc biệt, chúng tôi được hai tộc Trần Đắc định cư trên đất Quãng Nam , cung cấp cho một số tư liệu khá phong phú về giòng tộc :
- Một là tộc Trần Đắc ở xã Quế Hiệp, Quế Long, huyện Quế Sơn
- Hai là tộc Trần Đắc ở xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc.
Hai tộc trên đã từ Thanh Hóa vào Nam lập nghiệp đầu thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17. Từ những dữ liệu trên, cùng với việc sắp xếp, liên kết lại cùng tư liệu của bổn tộc, chúng tôi đã hệ thống được quá trình hình thành và phát triển của tộc Trần Đắc như sau :
Cụ Tổ chúng tôi tên thật là Trần Đắc Đợi, bậc tiền hiền mà mỗi lần nhắc đến, con cháu trong gia tộc lại thấy lòng mình dấy lên niềm tự hào, tôn kính và đầy ngưỡng vọng về công đức sâu dày của Tiền Nhân qua truyền thuyết mở đầu – lập làng trong buổi đầu khởi nghiệp .
Chuyện xưa kể rằng : Với tâm nguyện phải xây dựng cho hậu thế một nền tảng vững bền trong quá trình dựng nghiệp, từ buổi lập làng không quản nắng mưa, cụ Tổ chúng tôi luôn đồng hành với con trâu, cái cày, chỉ làm một việc là khai hoang vỡ đất. Hình ảnh đó thân quen đến nổi thế nhân gọi cụ là Trần Đắc Cày. Rồi trong một lần đi cày trưng đất tại ấp Chương Phô – nay thuộc xã Điện Nam, huyện Điện Bàn. Cụ Tổ chúng tôi làm việc ngày đêm không nghĩ với quyết tâm đến khi nào đỏi cày bị đứt mới thôi. Qủa nhiên qua nhiều ngày đêm miệt mài công việc, đến đường cày cuối cùng cũng là lúc đỏi cày bị đứt, và cũng từ đó, Cụ Tổ chúng tôi lại được gọi là Ông Trần Đứt Đỏi.
Trần Đắc Đợi, Trần Đắc Cày, Trần Đứt Đỏi, những tên gọi đó truyền thuyết đó vẫn mãi được ghi nhớ trong lòng con cháu Trần Đắc Tộc mỗi khi tưởng niệm, nhớ về cội nguồn của mình.
Thưa quí vị ! gốc quê Thanh Hóa, trước khi vào Nam lập nghiệp, Tổ Tiên chúng tôi đã từng làm Quan đời nhà Trần, do vậy đã nhiều lần cùng đoàn quân nam tiến, bình Chiêm. Khi dừng quân nghĩ chân tại xứ này, ông cha chúng tôi đã xem xét về địa lý, phong thủy và thấy rằng nơi này có thể an cư lập nghiệp.
Đất lành chim đậu,
Bến hiền thuyền neo.
Thực hiện tâm ý của Tiền Nhân, vào cuối thế kỷ 16 – khoảng năm 1580, đến đầu thế kỷ 17 – khoảng năm 1600, cụ Tổ chúng tôi đã vào đây dựng liều , mở đất, lập ấp, xây làng.
Hơn 400 năm, khoảng thời gian không ngắn, với bao biến đổi thăng trầm của thời cuộc, Gia Tộc Trần Đắc vẫn tồn tại và không ngừng phát triển. Cho đến nay đã qua được 13 đời, 4 phái và nhiều chi.
Nhờ hồng phúc của Tổ Tiên, toàn thể con cháu bổn tộc tin tưởng chắc chắn rằng Trần Đắc Tộc sẽ mãi mãi trường tồn và ngày càng mở rộng vươn cao !
Kính thưa quí vị !
Làng Cẩm Phô xưa hiện nay đã thành hai phường là Cẩm Nam và Cẩm Phô, Trường Lệ nhập về xã Cẩm Châu, ấp Chương Phô nhập vào huyện Điện Bàn.
Nhưng, với con cháu Gia Tộc Trần Đắc, những địa danh tên làng, tên ấp như: Chương Phô,-Tu Lễ,-Xuân Lâm,-Xuân Mỹ,-Trường Lệ,-Xuyên Trung,-Châu Trung,-Nam Ngạn…đều là quê hương thân thương yêu dấu.
Giòng thời gian vẫn trôi theo ngày tháng
Cẩm phô xưa ghi dấu ấn đến bây giờ.
Ngoài những địa danh trên, các di tích cổ như:Tổ Đình làng Cẩm Phô, Văn Thánh Miếu, các Miếu ấp Tu Lễ, Xuân Lâm, Trường Lệ đã góp phần tăng thêm vẻ cổ kính sâu lắng cho phố cổ, đem lại cảm giác an bình, thân thiết cho du khách muôn phương khi về thăm phố Hội. Những di tích ấy không phải tự nhiên mà có, mà nó đã được dựng xây qua bàn tay, khối óc và triệu triệu giọt mồ hôi của con cháu chư phái Tộc làng Cẩm Phô xưa, và vinh dự thay, Tiền Nhân chúng tôi đã góp một phần trong đó.
Kính thưa quí vị
Cùng toàn thể con cháu, dâu, rễ trong gia tộc!
Nhà thờ Trần Đắc ( Xuyên Trung Cẩm Nam ) được ủy ban nhân dân tỉnh Quãng Nam đưa vào danh mục bảo vệ thuộc loại di tích kiến trúc của Tỉnh tại văn bản số 1353/QĐ-UB của Uỷ ban nhân dân Tỉnh Quãng Nam.
Trong thời gian tới, Hội Đồng Gia Tộc Trần Đắc sẽ tiếp tục trình đề nghị Thành Phố và các cơ quan hữu quan Hội An và Tỉnh lập hồ sơ xin cấp bằng di tích cấp tỉnh để vừa tạo cơ sở pháp lý cho di tích này, đồng thời động viên khích lệ con cháu trong Tộc càng tự hào và có trách nhiệm hơn đối với ngôi Từ Đường Tiền Nhân Tiên Tổ.
Hôm nay con cháu Trần Đắc về đây dự lễ Tế Xuân cùng mừng kỷ niệm Từ Đường. Lòng bồi hồi xúc động khôn nguôi, nhờ khói hương Trầm gợi đến Anh Linh Tổ Tiên niềm tôn kính, hoài vọng và lòng tri ân công đức vô bờ với Tiền Hiền Trần Đắc Tộc.
Ôi ! ta đã về thăm quê xưa đất Cẩm,
Thuở cha ông đã mở ấp lập làng.
Và kìa: Từ Đường ta hơn trăm năm tuổi,
Mái cổ âm dương rêu phủ tháng ngày.
Kính thưa quí vị !
Biết nói gì đây để tả hết nổi vinh dự và hạnh phúc khi được quí vị Đại Biểu đã không tiếc thời gian quí báu, quan tâm đến tham dự Lễ Tế Xuân cùng kỷ niệm 107 năm ngày xây dựng Từ Đường Gia Tộc chúng tôi.
Tôi xin đại diện Trần Đắc Tộc, kính gởi đến quí đại biểu lời chào mừng nồng nhiệt và lòng biết ơn chân thành của toàn thể cháu con bổn tộc.
Nắng xuân vẫn còn khoe sắc trên mọi miền đất nước.Một lần nữa, thay mặt hội đồng Gia Tộc, kính chúc quí vị đại biểu cùng toàn thể con, cháu, dâu, rễ trong tộc một năm mới an khang thịnh vượng ./. Trân trọng kính chào ! (Đây là bài diễn văn do Ông Trần Đắc Long, trưởng phái 1 viết, và đọc trong ngày hội lễ Tế Xuân tại nhà Thờ Tộc Trần Đắc.-phường Cẩm Nam – Thành Phố Hội An. vào ngày 20 tháng 02 âm lịch, năm Canh Dần 2010 )
________________________________
|