TỘC ƯỚC CHI TỘC PHẠM ĐÌNH TƯ (Thế kỷ 19 - Thế kỷ 21)
Để tỏ lòng tôn kính các bậc tiền bối đã có công sinh thành nuôi dưỡng, biết được nguồn gốc thứ hệ, anh em họ hàng. Chi tộc Phạm Đình Tư (Gốc họ Đàm), nguyên quán thôn Xối Trì, Nam Long, Nam Trực, Nam Định. Quyết định: Ngoài phú húy hiện có, xây dựng Gia phả và Tộc ước của Chi tộc.
Tộc ước xây dựng trên cơ sở tham khảo các Tộc ước hiện có của các dòng họ hiện cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Những điều ước phù hợp với luật pháp nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đảm bảo tính dân tộc, truyền thống, huyết thống, phù hợp với phong tục, tập quán của làng xã Việt Nam.
Tôn chỉ của Tộc ước là: ''Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây,,. Củng cố và tăng cường nối quan hệ anh em họ hàng, đảm bảo sự tồn vong của dòng họ, lưu truyền hậu thế. Giúp đỡ tương trợ lẫn nhau trong lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Trên đà phát triển của đất nước, mỗi dòng tộc (Là cộng đồng làng xã có quan hệ đặc biệt tại Việt Nam) là một nhân tố góp phần cho cho sự phát triển chung của toàn xã hội. Để hài hoà và phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà Nước trong công cuộc xây dựng, đổi mới ''vì Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh,,.
Mọi thành viên trong Chi tộc Phạm Đình Tư quyết tâm thực hiện đầy đủ các điều ghi trong Tộc ước và các phong trào như ''Gia đình văn hoá,, '' Ông Bà Cha Mẹ mẫu mực, Con Cháu hiếu thảo,, "Xoá đói giảm nghèo,, ..v.v. Với ước muốn quê hương và gia đình ngày càng giàu đẹp hơn, tương ái và đoàn kết.
Hôm nay nhân ngày giỗ Tổ Phạm Đình Tư nhằm ngày 25/05 năm Mậu Tý tức ngày 28/06/2008. Toàn thể họ Tộc, Hội đồng Chi tộc. Uỷ quyền cho Phạm Thanh Phụng đời thứ 18 soạn thảo Tộc ước và Gia phả. Các điều trong Tộc ước đã qua tham khảo ý kiến các vị Cao niên, Trưởng tộc và họ Tộc (Có một số thành viên xa quê đã lâu không tham khảo được, rất mong có sự liên lạc tham gia đóng góp ý kiến). Những điều ước được thể hiện với nội dung như sau:
A. Quyền lợi và trách nhiệm:
1 - Quyền lợi: Tất cả mọi thành viên và Gia đình trong Chi tộc đều thờ chung một Thuỷ Tổ và Cụ Tổ Phạm Đình Tư. Đều thừa hưởng ân đức của Tổ tiên, Ông bà, Cha mẹ để lại dù nhiều hay ít, dù ở gần hay ở xa. Mọi người đều có quyền được đóng góp công sức, tiền của, hương khói theo lòng thành tuỳ tâm cho việc phụng sự Tổ tiên. Không phân biệt thứ hệ, giàu nghèo, nội ngoại, con Dâu, con Nuôi nếu đã được Gia đình và luật pháp công nhận đều có quyền và nghĩa vụ như mọi thành viên.
2 - Trách nhiệm:
a. Đóng góp:
Tất cả các đinh nam không phân biệt già trẻ (Kể cả con nuôi là nam) đều có trách nhiệm đóng góp kinh phí theo đinh cho các hoạt động bắt buộc trong Chi tộc. Những đinh vì điều kiện ở xa chưa kịp đóng góp có thể đóng chậm hoặc đóng gộp. Nếu những đinh quá hai năm cố tình không tham gia đóng góp theo nghĩa vụ, Chi tộc quyết định gạch tên khỏi Gia phả Chi tộc và các hoạt động của Chi tộc.
Trách nhiệm thu kinh phí đóng góp bắt buộc được giao cho các Trưởng Tiểu chi. Mức đóng góp theo quy định hàng năm được ấn định bằng quyết định của Hội đồng Chi tộc (Hội đồng bao gồm: Các Cao niên, Trưởng Chi tộc, Trưởng Tiểu chi). Kinh phí đóng góp đủ cho hoạt động của Chi tộc sao cho nghiêm túc và phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Chi tộc thành lập ra ban biên lạc bao gồm:
Trưởng ban - Trưởng Chi tộc Phạm Thanh Phụng
Uỷ viên các trưởng tiểu Chi - Phạm Văn Hiển, Phạm Văn Sắn, Phạm Văn Thuỵ
Thư ký - Phạm Thành Công.
Thủ quỹ - Phạm Thị Huấn.
Biên tập và soạn thảo gia phả - Phạm Thanh Phụng.
Mức đóng góp mỗi đinh được tạm quyết như sau:
* 5000VNĐ/năm. Dùng trong việc hương khói tại từ đường Tổ Phạm Đình Tư và khu Lăng mộ trong các ngày lễ tết, ngày rằm mồng một và các ngày giỗ những người đã mất không còn con cháu (Chỉ hương hoa). * 10.000VNĐ/năm. Dùng cho ngày giỗ Tổ 25/05 lịch âm (Làm cỗ tất cả con cháu tới dự không chia phần).
* Khi cần tu sửa Từ đường Tổ hay khu Lăng mộ. Hội đồng Chi tộc sẽ họp bàn đưa ra kế hoạch và dự trù kinh phí. Sau đó sẽ bổ đinh đóng góp và quyên góp công đức. Những đóng góp công đức của con cháu nội ngoại từ 100.000VNĐ trở lên được ghi sổ vàng công đức.
Để đảm bảo tính tập trung, hài hoà và đoàn kết. Trưởng Chi tộc tập hợp ý kiến và ra quyết định cuối cùng.
b. Hoạt động:
Căn cứ vào tình hình thực tế. Để đền đáp công ơn Tổ tiên. Tạo điều kiện cho các thành viên trong Chi tộc có thể gặp gỡ giao lưu, trao đổi học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau. Hội đồng Chi tộc quyết định:
- Lấy ngày Giỗ Tổ 25/05 lịch âm hàng năm là ngày hội Chi tộc (Không phải thông báo lại).
- Ngày 28 tháng chạp là ngày Tất niên các Tiểu chi cử con cháu đến nhà Trưởng chi tộc theo phân công dọn dẹp Từ đường Tổ và lên khu Lăng mộ làm vệ sinh thắp hương mời Tổ tiênmời gia tiên về hưởng lộc ngày xuân (Thực hiện xong công việc tại Chi tộc sau mới đến các Tiểu chi hoặc Gia đình).
- Ngày 01 tháng giêng, các Tiểu chi về Từ đường Tổ cúng đầu năm vào sáng ngày 01/01 (Lịch âm). - Ngày 07 tháng Giêng là tế xuân cũng là ngày hoá vàng và giỗ Cụ Tổ Bà (Nếu ai có điều kiện thì đến dự không bắt buộc).
- Ngày 20 tháng 5 hàng năm, vào 19 giờ họp Hội đồng Chi tộc và các thành viên liên quan tại nhà Trưởng Chi tộc. Tổng kết các hoạt động và đóng góp trong năm (Lấy mốc này là thời điểm kết thúc năm kế hoạch). Lên kế hoạch cho ngày Giỗ tổ. Quyết định kinh phí đóng góp cho năm tiếp theo và giao cho các Trưởng Tiểu chi thu.
- Ngày 23 tháng 5 các Trưởng Tiểu chi báo cáo đóng góp thực tế.
- Ngày 24 tháng 5 chuẩn bị cơ sở vật chất và các đồ tế lễ.
- Ngày 25 tháng 5 tất cả con cháu trai gái, nội ngoại xa gần đến Từ đường chuẩn bị lễ vật cúng tế Tổ. Sau đó nghe báo cáo của Trưởng Chi tộc về công tác hoạt động trong năm. Những ưu khuyết điểm, những tồn tại và cách khắc phục, kế hoạch năm tới. Thông báo tổng thu chi ngân sách. Biểu dương những cá nhân và Gia đình đã đóng góp công sức và tiền của trong việc tri ân Tổ tiên. Biểu dương những gương tốt trong học tập công tác và lao động sản xuất. Thông báo những thành viên mới trong Chi tộc và những người đã khuất. Nhắc nhở những cá nhân, Gia đình chưa thực hiện tốt các điều ghi trong tộc ước, trong sinh hoạt cộng đồng và chấp hành luật pháp hiện hành. Sau đó mọi người thụ hưởng lộc (Những người già yếu hay bệnh tật sẽ có lộc Tổ gửi). c. Trách nhiệm của Trưởng Chi tộc: Trưởng tộc có trách nhiệm duy trì thực hiện đầy đủ các hoạt động tín ngưỡng trong Chi tộc cũng như các điều ghi trong tộc ước. Hương khói phụng thờ Tổ tiên tại Từ đường, chăm lo phần mộ tại khu Lăng. Quản lý và bổ xung thường xuyên Gia phả. Duy trì phát huy vai trò của các cao niên trong Chi tộc. Là trung tâm đoàn kết và liên lạc của Chi tộc. Cùng bàn bạc với Hội đồng chi tộc đưa ra các dự thảo, triển khai tổ chức thực hiện mọi hoạt động liên quan đến Chi tộc. Phân công đón tiếp con cháu về cúng viếng Tổ tiên. Quản lý các khoản thu chi minh bạch hợp lý. Là tấm gương sáng về đạo đức, lao động, cần kiệm đoàn kết tương ái, cho họ tộc noi theo.
d. Trách nhiêm các thành viên trong Chi tộc:
Tất cả mọi thành viên trong Chi tộc đều cùng chung huyết thống, có trách nhiệm trong việc giữ gìn phát huy truyền thống tốt đẹp mà Gia tiên để lại.
Sống đoàn kết tương ái, đạo đức, lao động chăm chỉ cần cù, tiết kiệm, có trí tiến thủ không chủ quan tự mãn ỷ lại. Khi có công việc trong làng xã hay nội tộc.
Trưởng tộc làm việc với ban liên lạc để có quyết định phù hợp. Việc thăm hỏi ốm đau, hiếu hỷ, mừng thọ, đỗ đạt thăng tiến, tân gia đầy tháng, khi tiến hành trong Chi tộc, các Gia chủ chủ động liên lạc với Trưởng tộc. Chi tộc có trách nhiệm đứng ra tổ chức sao cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình và xã hội. Những việc hệ trọng như tang gia, Chi tộc kết hợp với các cơ quan đoàn thể chính quyền địa phương tổ chức tang lễ sao cho trang nghiêm chu đáo tiết kiệm văn minh. Khi có người hay Gia đình trong Chi tộc gặp khó khăn hoạn nạm, Chi tộc cần tổ chức thăm hỏi giúp đỡ kịp thời, khi cần có thể quyên góp.
3. Những quy ước chung:
- Trai gái trong chi tộc không được lấy nhau dưới bất cứ hoàn cảnh nào.
- Con cháu trong Chi tộc khi tổ chức thành hôn, Gia đình có trách nhiệm đưa đôi tân hôn đến Từ đường Tổ, dâng hương bẩm báo Tổ tông ghi ơn công đức. Nếu có công đức được ghi vào sổ vàng công đức. Khi có ngưòi trong Chi tộc hai năm mươi về già, Gia đình tang chủ đến từ đường khẩn báo tổ tiên, gia ân quy nạp, phụng thờ hương khói.
- Những cá nhân và Gia đình thành đạt, nếu có nguyện vọng tri ân Tổ tiên cũng có quyền được dâng hương khuyến cáo vào bất cứ khi nào sau khi đã thông báo cho người chông giữ Từ đường.
- Những kỹ sư, bác sỹ, nhà giáo, nhà khoa học, các quân nhân QĐ, công an, các trưởng phó cấp xã, Trưởng phó phòng cấp huyện hoặc tương đương trở nên, các giám đốc, chủ doanh nghiệp, các đảng viên ĐCSVN được ghi tên trong sổ vàng danh dự.
4. Những điều cấm:
Để đảm bảo tính nghiêm minh công bằng đoàn kết và tỏ lòng tôn kính Tổ tiên và những người đã khuất. Răn đe những hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín thanh danh Chi tộc quy định:
- Nghiêm cấm bất cứ hành vi hay lời nói có tính báng bổ xúc phạm đến nơi thờ tự, mồ mả của những người đã khuất.- Không có những hành động hay việc làm thái quá gây mất tình đoàn kết anh em họ tộc, làm mất an ninh trật tự xã hội.
- Những mâu thuẫn hay tranh chấp trong Chi tộc hay nội bộ Gia đình, trước tiên giải quyết trên cơ sở hoà giải, lấy phương châm " Giọt máu đào hơn ao nước lã,, làm kim chỉ lam cho mọi hành động. Nếu không giải quyết được sẽ nhờ các đoàn thể, chính quyền, pháp luật can thiệp.
- Nghiêm cấm mọi thành viên trong Chi tộc dính vào các tệ nạn xã hội hay vi phạm pháp luật. Nếu bị, biết hối cải ăn năn sửa chữa, Gia đình và Chi tộc hết sức cưu mang và giúp đỡ. Nếu cố tình không hối cải Chi tộc sẽ họp quyết định khai trừ khỏi Chi tộc.
B. Định hướng phát triển:
Để không ngừng phát triển và vững mạnh, lưu truyền hậu thế, đền đáp công ơn các bậc tiền bối đã có công sinh thành nuôi dưỡng gây dựng cơ nghiệp Chi tộc.
Nay mọi thành viên trong Chi tộc xin hứa trước vong linh Tổ tiên:
Nguyện phấn đấu rèn luyện đạo đức, nhân cách sống. Chăm chỉ gương mẫu trong học tập công tác và lao động sản xuất. Không ngừng có trí tiến thủ vươn lên, nâng cao trình độ tri thức, tay nghề. Thực hành tiết kiệm. Tránh xa các tệ nạn xã hội những thói hư tật xấu.
Duy trì thường xuyên và đều đặn các hoạt động trong Chi tộc.
Những bậc cao niên, Trưởng tộc, Trưởng tiểu chi, các chủ Gia đình, phải gương mẫu là tấm gương sáng cho toàn Chi tộc noi theo.
Những người xa quê sinh sống làm ăn, phải không ngừng nhắc nhở mình và con cháu nhớ về quê hương về cội nguồn. Phấn đấu thành đạt vương trưởng, giữ gìn gia phong truyền thống Gia đình dòng Tộc. Tạo điều kiện có thể, giúp đỡ họ hàng anh em làng xóm.
Mọi thành viên trong Chi tộc sau khi đã xem xét kỹ lưỡng các điều trong Tộc ước. Nhất trí thông qua trên tinh thần tự nguyện, đoàn kết.
|