Câu hò chuyển tải cả một trời tâm sự đầy nước mắt về một vị vua trẻ tuổi, sẵn sàng từ bỏ cung vàng điện ngọc, dấn thân vào chốn hiểm nguy để mong cứu lấy giang sơn gấm vóc đang đọa đày dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Vị vua trẻ tuổi đó là Duy Tân. Và , tác giả câu hò bất hủ đó là cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, ‘ Một Thi Ông có tiếng của làng Nho nước nhà’, mà trong giới tao nhân mặc khách từ trong Nam cho đến tận ngoài Bắc không ai là không nghe danh và biết tiếng. Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một đấng vương tôn, con cụ Hiệp Tú Tiểu Thảo Hường Thiết, cháu nội ngài Tuy Lý Vương Miên Trinh, đã đỗ cử nhân Hán học (1909) , được bổ làm tri huyện, rồi tri phủ, bố chánh Hà Tĩnh. Khi về hưu được phong hàm Thượng Thư, Hiệp Tá Đại Học Sĩ, từng giữ chức Viện Trưởng Viện Dân Biểu Trung Kỳ (1940-1945). (Giáo sư Bửu Cầm, người bảo trợ luận án cao học cho tôi ở đại học văn khoa Sài Gòn, cũng thuộc dòng dõi Tuy Lý Vương, cháu gọi cụ Ưng Bình bằng chú ruột). Cuộc đời hoạn lộ của cụ khá dài nhưng mục đích đời cụ lại là con đường nghệ thuật thi ca: ‘ Vỹ Dạ thôn có lão vương tôn là Thúc Giạ Ưng ca, ưng hát, ưng giã gạo hò khoan Ham vui điệu cổ thi đàn Nghe câu tuyệt xướng muôn vàng cũng mua’ (Ưng Bình Thúc Giạ Thị) ‘Ông sở trường về nhiều thể loại: thơ chữ Hán và quốc ngữ, tuồng và hò Huế, thể loại nào cũng nhuần nhị yếu tố nghệ thuật bác học với dân gian. Nhiều câu hò của ông đã thấm sâu vào lòng người một cách tự nhiên và trở thành câu hò dân gian phổ biến cả trong lẫn ngoài nước. Thơ chữ Việt của Ưng Bình Thúc Giạ Thị có trên ngàn bài, thơ chữ Hán có ‘Lộc Minh thi tập’ gồm 227 bài, hát bội có tuồng ‘Lộ Địch’. Một số tác phẩm của ông đã được xuất bản gồm: ‘Tình Thúc Giạ’ (1942), ‘Bán Buồn Mua Vui’ (1954), ‘Đời Thúc Giạ’ (1961), ‘Tiếng Hát Sông Hương’ (1972), ‘Thơ Ca Tuyển’ (1992). Trong số các tác phẩm đã xuất bản của ông , đáng chú ý có tuồng ‘Lộ Địch’ xuất bản lần đầu năm 1936, tái bản năm 1959. Cốt truyện dựa theo tác phẩm ‘Le Cid’ của nhà văn Pháp P. Corneille. Tuồng ‘Lộ Địch’ được công diễn từ những năm 1928, đã gây tiếng vang trên sân khấu miền Trung và miền Nam một thời. Điểm đặc sắc ở tuồng ‘Lộ Địch’ khác hẳn với nguyên tác ‘Le Cid’ là kết cuộc, tác giả đã để nhân vật nữ chính Chi Manh đi tu để giữ được trọn vẹn phẩm giá người phụ nữ theo tinh thần Á Đông. Ngoài tuồng ‘Lộ Địch’, ông còn viết tuồng ‘Tào Lao’ dựa theo một chuyện xưa. Trong vở tuồng này, ông đã sử dụng tới 21 làn điệu dân ca xứ Huế...’ (Tôn Nữ Hỷ Khương , Hồi Ức Về Cha Tôi ... , nxb Văn Nghệ , Sài Gòn , 2002 , tr. 14) Ưng Bình Thúc Giạ Thị với sự nghiệp văn chương đồ sộ, nhất là công lao trong việc hình thành bộ môn nghệ thuật ca trù của Huế, quả thực đã đi vào trái tim của nhiều thế hệ qua dòng lịch sử văn học Việt Nam từ buổi giao thời tân cựu cho đến ngày nay. Điều may mắn hơn nữa là gia tài văn học quý giá đó của cụ lại được người con gái mà cụ hết lòng yêu quý, Tôn Nữ Hỷ Khương, chắt chiu gìn giữ qua bao thăng trầm của đời người và bao đổi thay của thời thế. Nhờ vậy, mà các thế hệ sau này, trong nước và hải ngoại, vẫn dễ dàng tìm gặp lại các điệu hát, câu hò mà chính cụ đã từng sáng tác. Cuộc đời và thi ca của cụ, chắc chắn cũng như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, sẽ trở thành những đề tài nghiên cứu hàn lâm cho các sinh viên ngành văn chương và sử học để được cấp học vị Cao học hay Tiến sĩ ... Trở lại với cuốn sách ‘Hồi Ức Về Cha Tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị’ của Tôn Nữ Hỷ Khương. Tác phẩm này đã ấn hành vào năm 1996 và đã được tái bản vào năm 2002 với nhiều phần bổ sung . Sách chia làm nhiều phần: phần hồi ức của chính tác giả , phần ghi nhận cảm nghĩ của các bậc thức giả về nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, và phần trình bày một số thi ca mà chị Tôn Nữ Hỷ Khương đã sáng tác lấy từ nguồn hứng liên hệ đến người cha yêu quý và người mẹ thân thương. Thực ra, chị Hỷ Khương đã đi theo con đường thi ca của cha mình từ lâu rồi, ngay khi chị còn là đứa bé lên mười! Bóng dáng người cha đã ảnh hưởng lớn lao trên đường hướng sáng tác của chị. Từ ‘Đợi Mùa Trăng’ (1964) đến ‘Mộng Thanh Bình’ (1970) cho đến về sau này ‘Còn Gặp Nhau’ (1999), rồi mới đây ‘Bâng Khuâng Tình Khúc’ (2001), người đọc đều thấy rõ hình ảnh trùm phủ trên dòng thơ của chị là vị tiên ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Vì thế, không ai ngạc nhiên khi bắt gặp được trong ‘Hồi Ức Về Cha Tôi ...’ biết bao hình tượng đầy xúc động và biết bao hồi tưởng ngọt ngào, đọc lên thấy cái gì đó cay cay trong lòng mắt: ‘Trăng vẫn sáng, tình trăng gợn sóng Nước vẫn vàng, xao động nước Hương Giang Ngự Bình mộng vẫn chứa chan Trăng xưa, nước cũ, mơ màng bóng ai ... Mấy chục năm qua vẫn nhớ Người Dáng hình từ phụ chẳng hề phai Lời xưa di huấn thời son trẻ Con vẫn mang theo suốt cuộc đời’ (Tôn Nữ Hỷ Khương , Hồi Ức Về Cha Tôi ... , sđd , trang 303) Chị đã học được từ cụ Ưng Bình lòng khoan dung, tính giản dị, chân thật, lòng yêu thương con người, thiên nhiên và cây cỏ ... Tất cả đã khắc ghi trong lòng chị, trên suốt cuộc hành trình của cả một đời người: ‘Lời xưa di huấn thời son trẻ Con vẫn mang theo suốt cuộc đời’ (Tôn Nữ Hỷ Khương , sđd , tr. 303) Đời dù nhuốm sắc phù vân Thi ca cha vẫn trong ngần bóng gương Giở từng trang luật Thịnh Đường Tuồng xưa tích cũ từ chương sáng ngời Nhớ thương thấm nhập đầy vơi Bao nhiêu năm vẫn ghi lời huấn xưa: ‘Mặc đời sớm nắng chiều mưa Mặc ai sau trước, lọc lừa cạnh tranh Tìm trong cuộc sống an lành Yêu thương, nhân ái, chân thành, vị tha’ (Tôn Nữ Hỷ Khương , sđd , tr. 325) Trong cuốn ‘Hồi Ức Về Cha Tôi : Ưng Bình Thúc Giạ Thị’, từ trang 29 đến trang 120, chị Hỷ Khương đã kể lại những mẩu chuyện nho nhỏ, những công việc nổi bật, những người thân mà cụ Ưng Bình đã giao tiếp và nhất là lối sống giản dị nhưng đầy nhân bản trong cuộc sống hàng ngày của cụ. Bốn mươi ba mẩu chuyện trong phần hồi ức mà chị Hỷ Khương ghi lại với lối văn trong sáng, đầy xúc động đã dẫn dắt người đọc đi từ thú vị này đến thú vị khác và tưởng như mình đang đọc lại những câu chuyện kể trong ‘Cổ Học Tinh Hoa’ của một thời thơ ấu. Câu chuyện mà chị Hỷ Khương kể lại trong ‘Cái Bến Sông’ thật là xúc động, tuy đơn giản nhưng thể hiện rõ nét về tấm lòng thương người trong triết lý sống của cụ: ‘Nhà tôi ở phía bờ sông Hương, có một cái bến xây rất đẹp, có tầng cấp xi măng, hai bên có cây cừa rợp bóng mát mẻ, bà con trong làng thường qua bến nhà tôi tắm giặt, gánh nước. Suốt mấy mươi năm cái bến riêng của nhà tôi trở thành cái bến công cộng. Trước cửa nhà tôi có miếu Ngũ Hành, mà con đường đi xuống bến sông phải đi qua trước cửa ngôi miếu. Nhiều người trong nhà thường phàn nàn về sự việc này. Đó là chưa kể trường hợp người lớn đi ngang về tắt, ồn ào, trẻ con đùa nghịch phá phách, hái các thứ trái cây trong vườn mỗi khi xuống bến. Thỉnh thoảng lại còn có người chở những vật liệu nặng ghé qua bến làm sập các tầng cấp v. v. ... Một hôm bà mẹ đích của tôi nói với thầy tôi: Có một thầy Tàu rất hay, tôi đã nhờ xem giúp một quẻ thì ông ấy bảo rằng nhà mình bị ông bà quở trách vì người đi lại ồn ào quấy nhiễu, vì thế mà động đất không yên . Thầy tôi cười bảo : Ông bà đâu có ác vậy. Tôi không bao giờ tin những điều như thế. Sự việc này làm cho thầy tôi suy nghĩ. Cho nên, trong di chúc thầy tôi để lại có một mục nói về chuyện cái bến sông: ‘Khi thầy mất rồi vẫn để cho bà con đi lại bình thường, không nên cấm đoán’. Tính đến nay đã mấy mươi năm, khi nào có dịp gặp lại những người hàng xóm cũ, họ còn nhắc đến sự quan tâm và tấm lòng rộng lượng của thầy tôi với niềm xúc động khác thường. Họ nhìn tôi với ánh mắt đầy tình cảm thân thương. Thốt nhiên tôi chợt tưởng nhớ đến hình ảnh yêu mến của người cha hiền. Lòng bâng khuâng nhớ lại những kỷ niệm của một thời xa lắc, đồng thời như vừa cảm nhận được một điều hạnh phúc trời ban cho. Tôi sung sướng đến ứa lệ’ (Tôn Nữ Hỷ Khương, sđd , tr. 34 - 35) . Câu chuyện ‘Gánh Chè Của Con Độ Bao Nhiêu ?’ cũng là một góc cạnh nữa để soi rọi thêm tấm lòng cao quý ấy: ‘Một hôm , trời mưa lất phất, sân nhà tôi có rêu trơn trượt. Bất ngờ có một chị gánh chè bán dạo vào sân mời . Chẳng may chị trượt chân, cả người và gánh sóng soài , chè đổ lênh láng. Hôm đó trong nhà có một cô cháu gái tới chơi , thấy cảnh như vậy, cứ đứng cười thích thú. Thầy tôi la cô cháu: Ôi, mau ra đỡ chị ấy dậy, rồi giúp dọn dẹp cho người ta, cớ sao đứng đó mà cười thế ? Ồ, con nhỏ này như vậy là không được, như vậy là ác đấy con ạ! Cô cháu gái nghe ra, đã cùng tôi chạy ra sân đỡ chị bán chè dậy và giúp chị ấy thu dọn đồ hàng. Lúc này chị bán chè rưng rưng nước mắt, bởi biết hôm nay như thế là lỗ to rồi. Thầy tôi ở trong nhà đi ra, hiền từ bảo: ‘Gánh chè của con độ bao nhiêu? Ông cho tiền, đừng khóc nữa . Sau này, càng lớn lên, để ý quan sát, tôi mới thấy trong cuộc sống thường nhật, bao giờ thầy tôi cũng chia sẻ cái vui, cái buồn với những người xung quanh .’ (Tôn Nữ Hỷ Khương , sđd , trang 36) Cuộc đời của cụ quả thật là hình ảnh của vị tiên ông đạo cốt, sống rất liêm chính dù làm quan to, sống rất bình dị và hòa đồng dù xuất thân từ chốn quyền môn cao trọng . ‘Hàng ghế trong triều đình có dịch lên năm bảy tấc hay thẻ bài thăng chức có thêm lớn một vài ly cũng chẳng có nghĩa lý gì đối với Người. Có lẽ vì Người đã nhận thức cuộc đời : Kìa, bóng bạch câu qua chẳng lại, Nọ, tranh thương cẩu có rồi không. Dở cười , dở khóc trên sân khấu, Khi nở , khi tàn mấy cụm bông.’ (Tôn Nữ Hỷ Khương , sđd , trang 109) ‘Hồi Ức Về Cha Tôi ...’ của chị Tôn Nữ Hỷ Khương là sự kết tụ thanh khí từ trái tim chân thật của một người con gái hiếu thảo đối với cha mẹ và được chuyển tải từ một tâm hồn coi thi ca là lẽ sống, thừa hưởng cả một gia tài thơ văn đồ sộ của một dòng tộc mà vua Tự Đức đã có lần hạ bút : ‘Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường’ Nhà thơ và là nhà phê bình văn học Diên Nghị trong nhóm Thi Văn Cội Nguồn đã có lần nhận xét về chị Tôn Nữ Hỷ Khương, như sau: ‘Tác giả Tôn Nữ Hỷ Khương, người con gái út hồi ức rành mạch về thân phụ, qua nhiều giai thoại, nhiều hình ảnh, nhiều kỷ niệm, với bút pháp giản dị, ngắn gọn, lại diễn đạt khá đầy đủ ý tưởng, làm sống lại chân dung và cuộc đời của một vị quan, vương giả mà bình dân. Một nhà thơ thanh cao, cảm hóa, chia sẻ lòng thương yêu con người và vạn vật thiên nhiên ...’ (Việt Nam Thời Báo , San Jose , USA , trang Văn Học Nghệ Thuật , tháng 12-2000) của đất Thần Kinh, nơi một thời đã từng là đế đô của triều Nguyễn ...
|