GIA

PHẢ

TỘC

LƯU
DANH
-
huyện
Gia
Viễn
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ GIA SỬ CỦA DÒNG HỌ

Thủy tổ họ LƯU DANH tại xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình là cụ: LƯU DANH QUÁN, tại xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

GIỚI THIỆU CHUNG

Thôn Uy Viễn, xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình có từ bao giờ thì chưa có tài liệu nào ghi rõ, chỉ biết huyện Gia Viễn được các triều đại phong kiến lập ra vào năm 669 với tên gọi là huyện Như Viễn, sau đổi thành huyện An Viễn. Đến đời nhà Trần đổi thành huyện Gia Viễn và tên gọi đó được duy trì đến nay. Trong các tài liệu lưu trữ đều thấy nói có Tổng Uy Viễn và trong Tổng Uy Viễn có thôn Uy Viễn. Chánh Tổng Uy Viễn đều là người ở thôn Uy Viễn và hầu hết đều là con cháu Họ Lưu Danh và con rể họ Lưu Danh.

Theo tài liệu mới nhất là năm 1802 huyện Gia Viễn có 12 Tổng (Kỳ Vỹ, Trường Yên, Lê Xá, Đa Giá, Tri Hối, Đại Hữu, La Mai, Thanh Quyết, Vân Trình, Quán Vinh, Uy Viễn, Viên Đăng). Tổng Uy Viễn có 13 thôn (Mai Phương, Uy Tế, Uy Viễn, Sơn Dương, Cẩu Lân, Giá Sơn, Bích Sơn, Bình Khang, Vô Giá, Hoàng Quyền, Thanh Uy, Trung Chính, Yên Ninh). Tên gọi Uy Viễn vừa là thôn, vừa là Tổng, còn địa danh Uy Viễn được nhắc đến trong lịch sử như một vùng đất rộng nằm dọc theo ven sông Bôi, còn tại sao thôn Uy Viễn lại được đặt tên cho Tổng Uy Viễn thì chưa có lời đáp.

Theo tài liệu năm 1949 cho thấy, huyện Gia Viễn khi đó chưa có xã Liên Sơn, chỉ có 11 xã trong đó có xã Gia Hưng bao gồm thôn Uy Viễn. Mãi đến năm 1953-1954 từ 11 xã được tách thành 28 xã (Gia Phong, Gia Minh, Gia Lạc, Gia Sinh, Gia Hòa, Gia Vân, Gia Hưng, Gia Trấn, Gia Thanh, Gia Xuân, Gia Thắng, Gia Tiến, Gia Phương, Gia Thịnh, Gia Phú, Gia Vượng, Gia Tân, Gia Lập, Gia Lâm, Gia Sơn, Gia Thủy, Gia Tường, Gia Trường, Gia Ninh, Gia Trung, Trường Yên, Xích Thổ, Liên Sơn), khi đó mới chính thức có xã Liên Sơn.

Trong gia phả có nói đến một số địa danh con cháu họ Lưu Danh cư trú như xã Gia Lâm, Gia Sơn, Gia Tường, Gia Thủy, Xích Thổ, những xã này trước đều thuộc huyện Gia Viễn, nhưng đến tháng 4-1981 thì các xã đó được sát nhập vào huyện Nho Quan.

Trước cách mạng tháng 8-1945, dân cư trong họ chủ yếu sống tập trung trong xã Liên Sơn, nghề nghiệp chủ yếu là làm ruộng, cấy một vụ chiêm. Từ tháng 7 tháng 8 trở đi nước ngập nên làm nghề cá, bắt cua, mò ốc, vào rừng kiếm củi, trồng ngô, khoai, sắn để sinh sống.

Tên gọi sông Hoàng Long như ngày nay là từ truyền thuyết của vua Đinh Bộ Lĩnh. Khi còn nhỏ vua Đinh Bộ Lĩnh đã tự xưng vương, hai bên có Đinh Điền và Nguyễn Bậc đứng hầu. Ông chú nghe tin, thất kinh cầm dao đuổi đánh, do đó vua Đinh Bộ Lĩnh phải chạy trốn ông chú từ thôn Mai Phương, xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình sang bến đò Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Khi đến đó Đinh Bộ Lĩnh kêu rồng vàng trợ giúp, rồng vàng nổi lên đưa Đinh Bộ Lĩnh qua sông, người chú thấy rồng vàng thất kinh ném dao quay trở lại. Từ đó, con sông được mang tên Hoàng Long, còn nơi người chú Đinh Bộ Lĩnh ném dao mọc lên ngọn núi, ngọn núi đó được mang tên “núi cắm Gươm” (nay thuộc xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).

Sông Hoàng Long là hợp lưu của sông Lạng và sông Bôi tại Kênh Gà (xã Gia Thịnh) đổ ra sông Đáy (trước kia gọi là sông Thanh Quyết) tại ngã ba Gián Khẩu.

LỊCH SỬ DÒNG HỌ

Thôn Uy Viễn, xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình là mảnh đất mà Thủy tổ Lưu Danh Quán chọn làm nơi dừng chân cư trú, sinh cơ lập nghiệp. Đó là một ngôi làng nhỏ với nhiều xóm nhằm dọc bờ Bắc sông Bôi. Thế đất ven sông là đất phù sa màu mỡ, phía Đông- Bắc dựa lưng vào dãy núi đá vôi trải dài từ xã Gia Hưng đến xã Gia Thanh, xen kẽ là những đồi gò thấp như Đồi Cốc, Đồi Sa. Theo đường chim bay, thôn Uy Viễn, xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình cách thị trấn Me của huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình khoảng 2km, cách thành phố Ninh Bình khoảng 15km.
Ngày xưa, phương tiện đi lại chủ yếu là đường sông. Từ thôn Uy Viễn có thể đi đến các vùng khác và từ nơi khác có thể dễ dàng đến được thôn Uy Viễn bằng thuyền bè. Từ những lý do đó, chúng ta có thể phần nào hiểu được tại sao Thủy tổ họ Lưu Danh đến đây và chọn mảnh đất này và sinh sống ổn định từ đó đến nay.

Thủy tổ cùng con cháu đã sinh sống ở ven sông Bôi, lợi dụng dòng nước để đi lại và lấy nước tưới tiêu. Con sông cũng đem lại phù sa màu mỡ cho đất đai sau mỗi mùa mưa lũ nhưng cũng gây ra lụt lội khi đê vỡ.

Xa xưa cụ Tổ sinh sống bằng nghề trồng lúa ở chân ruộng thấp, trồng ngô, khoai, sắn ở đồi cao và các thung lũng trong núi, đốn củi trong rừng sâu, trên gò đồi, bắt cua cá nơi đầm ao, trồng dâu nuôi tằm ở các bãi ven sông, kéo tơ dệt vải, đan lát, làm thuyền nan, khai thác đá, nung vôi,…
Để lập nghiệp và tồn tại, cụ Tổ và các con cháu họ Lưu Danh đã chống chọi với thiên nhiên, giặc cướp, nối tiếp các triều đại, bao năm sống trong chế độ thực dân nên đời sống của con cháu họ Lưu Danh vô cùng khổ cực.

Trước năm 1945, do đói kém nên nhiều con cháu họ Lưu Danh phải rời bỏ quê hương đi làm phu đồn điền ở Nam Kỳ, đi Tân Đảo ở New Caledonia (Nouvelle-Calédonie, còn có tên thông dụng là Kanaky và Le caillou, là lãnh thổ phụ thuộc của Pháp tại châu Đại Dương. Đối với người Việt, từ thời Pháp thuộc, Nouvelle-Calédonie còn được gọi với tên là Tân Thế giới, hầu hết người Việt thời đó sang đây là những người chân đăng. Lãnh thổ này nằm trong khu vực tây nam Thái Bình Dương, vùng Melanesia, gồm đảo chính (Grand Terre), quần đảo Loyauté và một số đảo nhỏ). Phần lớn những người ra đi đói khổ cơ cực không có ngày trở về. Đến nay, nhiều người không có thông tin, không biết phần mộ ở đâu, người về được thì sức khỏe ảnh hưởng, mang thương tật suốt đời.

Đê điều không có nên khi nắng thì hạn hán, khi mưa bão thì lũ lụt, cấy cày không được, đói kém triền miên, dịch bệnh hoành hành. Đói khổ, ốm đau, mù chữ làm cho con cháu họ Lưu Danh bần hàn cơ cực. Năm 1945, nhiều người trong họ Lưu Danh bị chết vì đói.

Họ Lưu Danh ta từ đời Thủy tổ Lưu Danh Quán đến nay đã hơn 200 năm tiếp nối các thế hệ tính đến nay đã có 13 đời. Theo thống kê:

Tổng quan gia phả:

Số đời từ thuỷ tổ tới con cháu: 13 đời
Số lượng gia đình: 1281 gia đình
Số người: 2037 người

Thời gian tuy chưa lâu, nhưng tư liệu để lại cho con cháu không đầy đủ, năm sinh năm mất của Thủy tổ không rõ, chỉ để lại ngày mất theo âm lịch làm ngày giỗ Tổ hàng năm (20-12 âm lịch).

Theo suy luận thì cụ Thủy tổ về sinh cơ lập nghiệp khai sáng dòng họ Lưu Danh tại vùng đất thôn Uy Viễn, xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình là vào khoảng những năm 1770- 1780 - tức là vào những năm Cảnh Hưng thứ 30, thứ 40 đời các vua nhà Lê Mạt: Hiển Tông Vĩnh hoàng đế (Cảnh Hưng Lê Duy Diêu) và những năm đầu của triều Mẫn Hoàng đế (Chiêu Thống Lê Duy Khiêm), tương đương với những năm thứ 35-45 đời vua Càn Long, vương triều nhà Thanh ở Trung Quốc.

Đời trước truyền miệng lại, họ Lưu Danh đã có gia phả nhưng do binh hỏa thất lạc nên việc xa xưa khó tra cứu. Những năm thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XX. Các cụ, các ông trong họ như: cụ Lưu Danh Uy, ông Lưu Danh Hải, ông Lưu Danh Khôi, bác Lưu Danh Quý, bác Lưu Danh Tuyến đã sưu tầm, ghi lại song chưa đầy đủ. Những năm 90 của thế kỷ XX, họ Lưu Danh đã thành lập một nhóm với nhiệm vụ để hoàn thiện phả hệ gồm các ông: ông Lưu Danh Mục, ông Lưu Danh Ấm, ông Lưu Danh Thêu, ông Lưu Danh Hiền, ông Lưu Danh Niệm, ông Lưu Danh Liệu.

Căn cứ vào bản sao của cụ Lưu Danh Phan năm Duy Tân thứ 7 (1913), nhóm được giao tiếp tục sưu tầm các tư liệu, đến từng gia đình ghi chép các thông tin, tập hợp lại, chỉnh sửa và hoàn thành bản thảo vào tháng 12-2003, sau đó được đại diện các gia đình kiểm tra lại vào dịp giỗ Họ Lưu Danh và lễ thanh minh đầu năm 2004.

Cuối cùng được con trai ông Lưu Danh Liệu là Lưu Danh Doanh biên tập phần lời, lập phả ký, phả hệ, phả đồ trên máy tính và tài trợ cho việc in ấn. Cuốn gia phả này tạm gọi là hoàn tất, tuy còn nhiều chỗ chưa đủ thông tin do nhiều gia đình cung cấp chưa đầy đủ, chưa đúng, cần phải điều tra bổ sung của mọi người trong họ.

VINH DANH DÒNG HỌ

Thời phong kiến, họ Lưu Danh đã có người được sắc phong của vua ban như cụ Lưu Danh Khang, dân làng gọi là Cụ Lý Khang. Cụ là người sống có đạo đức, học hành nho giáo uyên sâu. Cụ làm Lý trưởng nhiều năm, được sắc phong của Vua ban tặng “Bỉnh trực, Trung hiền, Trùm lý trưởng, Kiêm kỳ Văn Á” khi về già cụ nhường chức cho con trưởng là cụ Lý Tình. Cụ Lý Khang có nhiều câu đối và đó cũng là lời dăn dạy của cụ với con cháu họ Lưu Danh từ trước đến nay. Xin trích 01 câu đối:

“Đi lên vẫn thấy trời trông lại
Vận đến xem ra đất có tuần”.

Cụ Bà Cựu Hưởng, có chồng là cụ Cựu Hưởng làm Lý trưởng lâu nên gọi là Cựu. Bà là con gái út của cụ Lưu Danh Ba. Tuy là con gái họ Lưu Danh nhưng Bà là người có công rất lớn trong việc góp công, góp sức xây dựng nhà thờ ngành 2.

Cách mạng tháng 8-1945 thành công, chấm dứt thời kỳ phong kiến. Nhưng không bao lâu sau, đất nước lại lâm vào cảnh chiến tranh. Họ Lưu Danh cùng trăm họ lên đường tham gia 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Theo thống kê, con cháu họ Lưu Danh hiện có 69 người tham gia quân đội, 08 người là thương binh, 21 người là liệt sĩ.

Trong 2 cuộc kháng chiến đó họ Lưu Danh đã có nhiều người tham gia quân đội, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương như ông Lưu Danh Thêu (Đại tá Hải Quân), Lưu Danh Viêng, Lưu Danh Cẩm, Lưu Danh Mục, Lưu Danh Chính (Đại tá- chỉ huy trưởng cảnh sát biển vùng 4), …

Con cháu họ Lưu Danh tham gia kháng chiến đã anh dũng hy sinh tại chiến trường vì độc lập dân tộc được Tổ quốc ghi công, đó là 21 liệt sĩ: Lưu Danh Tữ, Lưu Danh Chiến, Lưu Danh Toán, Lưu Danh Hiếu, Lưu Danh Phong, Lưu Danh Nguyên, Lưu Danh Đóa, Lưu Danh Bằng, Lưu Danh Lập, Lưu Danh Soái, Lưu Danh Linh, Lưu Danh Duênh, Lưu Danh Đạm, Lưu Danh Giao, Lưu Danh Trình, Lưu Danh Thỏa, Lưu Danh Tứ, Lưu Danh Tước, Lưu Danh Dư, Lưu Danh Văn, Lưu Danh Luân. Tên tuổi của các liệt sĩ được ghi trong sổ vàng của dân tộc, con cháu họ Lưu Danh kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các liệt sĩ.

Có 08 người là thương bệnh binh như: Lưu Danh Mục, Lưu Danh Đức, Lưu Danh Tá, Lưu Danh Minh, Lưu Danh Trắc, Lưu Danh Thêu, Lưu Danh Thường, Lưu Danh Hiếu.

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, họ Lưu Danh có nhiều người tham gia công tác tại địa phương và các cơ quan nhà nước trên mọi miền của đất nước như: Lưu Danh Hương, Lưu Danh Uẩn, Lưu Danh Hiền, Lưu Danh Ấm, Lưu Danh Niêm, Lưu Danh Liệu, Lưu Danh Quang, Lưu Danh Dũng, Lưu Danh Hùng, Lưu Danh Tuyên, Lưu Thị Huyền, Lưu Danh Cần, Lưu Danh Thường,.…

Về học vấn theo thống kê chưa đầy đủ, con cháu họ Lưu Danh có 02 người là Tiến sĩ (Lưu Danh Doanh, Lưu Thanh Ngọc), 04 người là Thạc sĩ (Lưu Thị Thùy Vân, Lưu Thị Ngọc Thoa, Lưu Thị Hoa, Lưu Thị Huyền), 06 người là Bác sĩ, trên dưới 200 người có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.

NGÀY GIỖ HỌ VÀ NGÀY THANH MINH HỌ

* Họ Lưu Danh lấy ngày 20-12 âm lịch hàng năm (là ngày kỵ của Thủy tổ) làm ngày giỗ Tổ.

* Lấy ngày 5-3 hàng năm là ngày thanh minh Họ.

Đây là ngày gặp gỡ anh em trong họ, cúng Tổ và bàn việc họ, người góp ít người góp nhiều tùy điều kiện, mỗi gia đình cử đại diện đến để lĩnh hội ý kiến, tổng kết việc họ trong năm cũ, đề xuất việc họ trong năm mới, ăn cỗ và chia lộc cho con cháu ở nhà. Đó là truyền thống tốt của họ Lưu Danh, đáng ghi vào gia phả để đời sau lấy đó mà phát huy. Truyền thống đó còn thể hiện ở nghĩa vụ của mỗi người, con cháu hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ, vợ chồng thủy chung nuôi dạy con cái cho tốt.

THÔNG TIN VỀ NHÀ THỜ VÀ PHẦN MỘ

1/ Về nhà thờ:

Nhà thờ họ Lưu Danh từ xa xưa đã được xây dựng trên đất của ngành trưởng, trải qua cả trăm năm do gió bão, chiến tranh, thời gian bào mòn. Nhà thờ họ đã phải tu sửa nhiều lần từ nhà tranh vách đất đến khi mái ngói tường xây bằng sự đóng góp và công đức của con cháu, dâu, rể, con cháu thường xuyên đèn nhang thờ phụng, ngoài ra có việc vui buồn con cháu đều về nhà thờ dâng hương, kêu cầu để thông báo với liệt tổ liệt tông. Nhà thờ họ thực sự thành chỗ dựa về tâm linh cho con cháu trong họ và cũng là nơi đoàn kết trong Đại tộc.

Tuy vậy, nhà thờ họ Lưu Danh đến nay cũng đã bắt đầu xuống cấp, cần phải tu sửa, mở đường đi, tôn tạo sân vườn,.. các đồ tế lễ từ lâu nay đã cũ và còn thiếu nhiều. Nhà thờ họ trước kia có ruộng nhưng hiện nay không có nên phải trông chờ vào sự ủng hộ đóng góp của con cháu.

Trong nhà thờ Họ Lưu Danh vẫn còn bát hương bằng đá cả trăm năm nay với câu đối ghi tại nhà thờ họ Lưu Danh mang ý nghĩa sâu sắc:

“Tổ tiên tích đức ngàn năm thịnh
Con cháu nhờ ơn vạn đại vinh”

Ngoài ra, Nhà thờ chi và phân chi cũng đã được các chi trong họ đóng góp công sức để nâng cấp tu sửa, làm mới.

2/ Về phần mộ:

Mộ Thủy tổ Lưu Danh Quán trải qua 200 năm vẫn được giữ gìn trang nghiêm tại thôn Uy Viễn, Xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình trên khu đất cao ở phía Đông của xóm Lạc Hồng. Các phần mộ của con cháu Thủy tổ một số còn giữ được, một số bị thất lạc, một phần do không được ghi trong gia phả, một phần do biến động địa hình, một phần do chiến tranh, canh tác nông nghiệp, chia cắt đất đai, con cháu đi xa lâu ngày không có điều kiện thanh minh, tảo mộ đã để thất lạc. Nay con cháu có điều kiện nên cũng đã tìm kiếm, quy tập phần mộ của Tổ tiên.

Để công việc của họ Lưu Danh được mọi người hưởng ứng, họ Lưu Danh đã phát động phong trào “Uống nước nhớ nguồn” để củng cố xây dựng nề nếp trong họ, vận động mọi người tham gia việc họ, đóng góp tiền của và công sức tu sửa nhà thờ Họ Lưu Danh và chăm lo phần mộ tổ tiên.

Con cháu trong họ Lưu Danh năm sau đông hơn năm trước, những ngày giỗ, ngày tết con cháu xa gần về quê để hướng về với cội nguồn, hăng hái trong việc giỗ tết, đóng góp việc Họ, nhiều con cháu họ Lưu Danh ở nước ngoài cũng nhớ đến tổ tiên gửi tiền về để xây dựng nhà thờ và lo việc Họ, không khí anh em trong họ ngày càng ấm cúng thắm tình đoàn kết.

Trên đây là tóm tắt diễn biến tình hình trong Họ Lưu Danh từ trước tới nay. Từ đó thấy được công đức cao dày của Tổ tiên, các thế hệ nối tiếp nhau vun đắp nên truyền thống của dòng họ. Chúng ta có quyền tự hào về Tổ tiên, về dòng họ của mình. Mọi người là con cháu họ Lưu Danh dù ở đâu, ở cương vị nào cũng đều phải phát huy truyền thống của tổ tiên, thực sự đoàn kết thương yêu và đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, làm nhiều điều tốt để đời đời làm rạng danh dòng họ.

Đó là thể hiện lòng biết ơn đến công lao của Tổ tiên. Ý thơ dưới đây phần nào nói lên công lao đó của Cha mẹ, ông bà, Tổ tiên và cũng thay cho lời kết phần giới thiệu cuốn gia phả này.

“Cây có gốc mới nảy cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta nguồn gốc nhờ đâu
Có cha có mẹ rồi sau có mình”.

Để cuốn gia phả được chính xác hơn, hoàn thiện hơn nữa. Anh em con cháu họ Lưu Danh cần phải bỏ công sức lục tìm những thông tin về Thủy tổ và con cháu, truy tìm nguồn gốc xuất xứ của Thủy tổ, năm sinh và năm mất. Cần điều tra bổ sung các thông tin chi tiết có liên quan đến tất cả các thành viên trong dòng họ Lưu Danh, bổ sung những chỗ còn thiếu, những thông tin chưa chính xác về con cháu họ Lưu Danh đang định cư ở nơi xa, ở nước ngoài như: năm sinh, năm mất, ngày giỗ, phần mộ, những đóng góp với họ Lưu Danh và với xã hội, nơi ở hiện tại, số điện thoại, …. bổ sung các thông tin về bên ngoại họ Lưu Danh,…



--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Tiến sĩ Lưu Thanh Ngọc trích lục từ cuốn gia phả họ LƯU DANH
Gia Phả LƯU DANH - huyện Gia Viễn
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc LƯU DANH - huyện Gia Viễn.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc LƯU DANH - huyện Gia Viễn
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.