GIA

PHẢ

TỘC

Nguyễn
Đăng,
Hương
Ngải
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ GIA SỬ CỦA DÒNG HỌ
NGUYỄN ĐĂNG TỘC PHỔ
(Trích dịch)
I. MỞ ĐẦU
Nói đến Tộc phổ của họ Nguyễn Đăng, đã được ghi chép cẩn thận qua nhiều quyển, qua các Cụ Tiên tổ để lại từ lâu đời; cho đến các cụ sau này như cụ Đình nguyên Hoàng Giáp Tiến sỹ Nguyễn Đăng Huân; các cụ Tri châu Mai Đà (con đầu cụ Đình nguyên), cụ Chiêu (Con thứ cụ Đình nguyên); cụ Nguyễn Lân Đính (Cháu nội cụ Đình nguyên); cụ Nguyễn Lân Giốc (Chắt nội cụ Đình nguyên) đều đã có tiếp bút ghi chép. Song qua những thời gian bị thiên tai, địch hoạ, ít nhiều thất tán, cần được sưu tập lại,...
Cuốn tộc phả viết bằng chữ Hán – “Mỹ ngọc quỹ tàng thư” do cụ Nguyễn Lân Đính biên tập, để trên bàn thờ gia tiên bị tàn hương rơi vào và bị cháy, nay chỉ còn lại phần nhỏ, chỗ đọc được, chỗ bị mất. Cụ Nguyễn Đăng An (Đời thứ 12) đã chuyển dịch sang Quốc ngữ; sau đó ông Nguyễn Hữu Khải (đời thứ 13) cùng con là Nguyễn Mạnh Cường bổ sung biên soạn lại, để cho mọi người trong họ và chi phái đều có thể hiểu và đọc được. Qua đó để con cháu nhận biết dòng tộc của mình; thấy được công đức của các vị Tiên tổ và ông cha đã có công xây đắp nền móng và duy trì phát triển cho đến ngày nay. Cuốc Tộc phả được biên soạn lại dựa trên các ghi chép của cụ Nguyễn Lân Đính, cụ Nguyễn Lân Giốc và các sách báo khác viết về cụ Đình nguyên Nguyễn Đăng Huân và truyền thống xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Đây là cuốn biên soạn lại lần đầu nên không tránh khỏi thiếu sót, rất mong nhận được sự bổ khuyết
Mở đầu cuốc Tộc phả chỉ còn đọc được một số chi tiết là: Tờ 3 có ghi Tự Đức; “...lâu đời, song...Triều Lý, do...Trạng nguyên...chưa rõ...1.000 năm nay...Hiển tích tướng công. Tiên triều Giáp Thìn khoa (1304) niên hiệu Hưng Long Triều Trần Anh Tông làm quan đến chức Tả Bộc Xạ...”. Như vậy là nói về Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi là cháu của Mạc Hiển Tích. Mạc Đĩnh Chi đỗ khoa Giáp Thìn năm Hưng Long 12 (1304) triều Trần, chức quan Tả Bộc Xạ. Bạn cũng có thể đọc được tư liệu này trong cuốn “Hợp biên thế phả họ Mạc” trang 307, do Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hữu Khải (cháu đời thứ 6 của cụ Đình nguyên) cung cấp.
Cụ Trần Đăng Nguyên (em cụ Trần Đăng Tích), khi chưa đỗ đạt đã cư trú ở Triền Dương (Chí Linh, Hải Dương). Cụ đỗ Thái học sinh khoa ………. Mùi (1127), niên hiệu Bảo ứng triều Lý Nhân Tông, làm quan đến Thượng trụ quốc chính, được phong tước Công (quận công).
Cụ Trần Đăng Nguyên có con là Nhữ Thính, đỗ Hoàng giáp tiến sỹ khoa Bính Ngọ (1146), niên hiệu Kiến Trung triều Trần Thái Tông. Cụ Nhữ Thính không ra làm quan, thi đỗ xong trở về nhà mở trường dạy học, học trò rất đông và có nhiều người thành tài. Khi cụ Nhữ Thính mất, học trò cụ đã cứng tế và đặt tên Huý riêng của cụ là Văn Khang tiên sinh để thờ phụng cụ.
Sau đó, con cháu cụ Nhữ Thính vẫn giữ nguyên là họ Trần và ở lại Triền Dương (Chí Linh, Hải Dương). Còn con cháu cụ Đĩnh Tiết đã đổi họ thành họ Mạc và thiên chuyển chỗ ở về Cổ Trai (Nghi Dương, Kiến An). Người con trưởng của cụ Đĩnh Tiết là cụ Trực đã được tập công phong ấm, làm quan đến Lại bộ Thượng thư triều vua nhà Trần.
Thời kỳ trung gian (khoảng giữa) của dòng Họ, họ đã có một chi ở Cao Bằng (do cụ Kính Cung)
Một chi ở Thanh Hoá (do cụ Kính Vũ) (Đoạn sau bị cháy mất)
Tiếp theo có thể tóm lược như sau: Cụ thân sinh ra hai cụ Phúc Tín và Phúc Trung ở làng Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, mai danh ẩn tích không ghi lại tên tuổi, chỉ lưu truyền lại cho con cháu là thuộc dòng họ Mạc. Sau này con cháu thấy trong mộ có nhiều di vật của bậc vương giả như lọng, quạt, cờ,... Nhưng hiện nay các di vật này không còn nữa.
Cụ Phúc Trung là em ở lại Hát Môn, lấy họ là Trần Đăng; còn cụ Phúc Tín là anh di chuyển về làng Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội và lấy họ là Nguyễn Đăng. Những thế hệ đầu vẫn chưa lấy chính thức họ Nguyễn Đăng mà chỉ di chúc để con cháu đời sau thực hiện.
Từ đây bắt đầu tộc Nguyễn Đăng ở Hương Ngải và mối liên hệ với tộc họ Trần Đăng ở Hát Môn vẫn chặt chẽ cho đến tận bây giờ.
Như vậy họ Nguyễn Đăng (Hương Ngải) cùng với tiên tổ ở Hát Môn (Phúc Thọ) ở vào thời gian Triều Lê Trung Hưng, Thế Tông, niên hiệu Quang Hưng năm thứ 16(1593) đã lưu truyền dòng dõi cho đến tận ngày nay và cho mai sau.

Sao theo bản Hán nôm của cụ Ấm.
Hà Nội, 15/01/2009.
Gia Phả Nguyễn Đăng, Hương Ngải
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Nguyễn Đăng, Hương Ngải.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Nguyễn Đăng, Hương Ngải
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.