GIA

PHẢ

TỘC

Nguyễn
Đăng,
Hương
Ngải
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
TÀI SẢN, HƯƠNG HỎA, GHI CHÚ
Bài viết “Kẻ hàn sĩ xưa” được trích trong cuốn sách “Trường huyện ngày ấy”, xuất bản năm 2009 do cô Khuất Thị Mai người xã Đại Đồng – huyện Thạch Thất – TP Hà Nội viết. Xin được trích dẫn nguyên văn như sau:
Khuất Thị Mai
Khóa: 1959 – 1962
Quê: Đại Đồng – Thạch Thất – Hà Nội

--------------------------------------------------
KẺ HÀN SĨ XƯA

Tôi nhớ trong một bài hát có câu: “Quê hương ơi! Biết mấy tự hào”.
Vâng! Tự hào vì quê hương ta đẹp, lại giàu truyền thống cách mạng. Tự hào vì quê hương có những người con biết tô thắm thêm truyền thống, làm đẹp trang sử quê hương.
Một người bạn thân thiết của chúng tôi, cũng là niềm tự hào cho nhà trường, cho quê hương đó là anh Nguyễn Hữu Khải xã Hương Ngải.
Trong số các bạn học, có học vị cao làm rạng danh cho nhà trường và cho quê hương phải kể đến anh Phan Trung Điền và Nguyễn Hữu Khải.
Khải là học sinh cấp 2 Thạch Thất khóa 59-62 với chúng tôi, rồi lại cấp 3 Quốc Oai. Sau nhiều năm xa cách nhưng mười mấy năm gần đây lại sinh hoạt với nhau trong hội Đồng môn 59-62 nên chúng tôi càng hiểu Khải hơn.

Để có được những thành quả như ngày hôm nay Khải đã vô cùng kiên trì, không ngừng phấn đấu, vượt lên vô vàn khó khăn gian khổ.
Những năm học cấp 2 Thạch Thất và cấp 3 Quốc Oai năm nào Khải cũng đạt học sinh giỏi và hàng năm đều được khen thưởng. Thời học cấp 3 Quốc Oai bọn học sinh Thạch Thất đều phải trọ học. Cách nhà trên dưới 10km nhưng phần lớn chúng tôi phải cuốc bộ. Hoàn cảnh gia đình, đất nước đang có chiến tranh rất nghèo nàn, cơm ăn áo mặc đều thiếu thốn. Năm học lớp 8 Khải được nhận một phần thưởng đáng nhớ, đó là được mua một chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô (vành 580). Phần thưởng đó đã giúp cho Khải phần nào được giải phóng đôi chân và khích lệ tinh thần học tập.
Với kết quả học tập như vậy Khải sẽ đương nhiên được đi du học nước ngoài. Nhưng vì quan điểm còn nặng về lý lịch nên Khải đã ở lại và vào Đại học Thủy Lợi từ 1965-1970.
Trong những năm đó, cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc của Đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt. Cả nước dốc sức cho tiền tuyến miền Nam. Hầu hết các cơ quan, trường học phải sơ tán về các tỉnh xa. Điều kiện đi lại, ăn ở, học tập lại gặp nhiều khó khăn mới. Trong hoàn cảnh ấy, Khải đã vượt lên để đạt danh hiệu sinh viên giỏi. Khi anh ra trường, do nhiều nguyên nhân nên đã lên nhận công tác tại Ty Thủy lợi sau đó chuyển sang Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Lai Châu.
Đây là thời kỳ đầy thử thách với một sinh viên mới ra trường như anh. Khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Rồi tư tưởng nảy sinh mà mình lại phải đấu tranh với chính mình. Có những người không vượt qua được. Trong số 6 người lên Tây Bắc cùng đợt thì có tới 4 người bỏ cuộc và một người xin chuyển vùng. Duy nhất còn mình anh. Anh đã kiên cường trụ lại được và đã chiến thắng.
Hầu hết các huyện vùng cao, biên giới của Lai Châu đã in dấu chân chàng kỹ sư trẻ và đến cả nơi mà một con gà gáy ba nước cùng nghe thấy (Xã Sín Thầu huyện Mường Tè).
Tây Bắc xa xôi, đời sống của đồng bào các dân tộc còn nghèo nàn, lạc hậu lại bị chiến tranh phá hoại. Tất cả những khó khăn ấy không ngăn nổi tuổi trẻ anh tiến quân vào khoa học. Cuốc sách: “Đặc điểm thủy văn Lai Châu” là công trình khoa học đầu tiên của anh được UBND tỉnh Lai Châu khen thưởng. Vừa lo công tác tốt anh vẫn tích cực tham gia các hoạt động khoa học và được đánh giá cao trong ngành Khí tượng Thủy văn toàn quốc. Đồng thời anh vẫn tích cực ôn tập để dự thi nghiên cứu sinh đi nước ngoài.
Trí chẳng uổng công. Năm 1980 lần đầu tiên từ Lai Châu về Hà Nội dự thi và trúng tuyển ngay. Là người đầu tiên của ngành Khí tượng Thủy văn ở địa phương, cũng là một trong số ba người của các ngành trong toàn quốc đang công tác tại miền núi thi đỗ nghiên cứu sinh, trong khi đó rất nhiều người công tác tại Hà Nội lại thi không đỗ. Kết quả thi môn cơ sở là môn Thủy lực đạt 9,5 điểm. Là điểm cao thứ hai trong tất cả các thí sinh dự thi môn này trên cả nước từ trước đến nay.
Cái gì đến sẽ phải đến và thế là niềm mong ước bấy lâu đã thành hiện thực. Năm 1982 anh đã được lên đường tới đất nước của Lê-Nin để học tập.
Với truyền thống hiếu học của quê hương nói chung và của bản thân nói riêng nên năm 1986 anh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ.

Sau khi về nước anh được điều về Trường cán bộ Thủy văn Sơn Tây. Dần dần do năng lực công tác anh được bầu làm Bí thư Đảng ủy trường và được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng. Sau đó anh đảm nhận Phó hiệu trưởng phụ trách chung (Công việc của một hiệu trưởng). Sau 10 năm gắn bó với trường, khi trường chuyển về Hà Nội thì anh lại chuyển sang giảng dạy tại Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 1998 đến nay anh đã được Nhà nước phong chức danh Phó giáo sư. Hiện nay anh là Phó giáo sư - tiến sỹ, giảng viên chính, chủ nhiệm Bộ môn Thủy văn.

Sau gần 40 năm gắn bó với ngành Thủy văn, anh đã biên soạn và tham gia biên soạn 5 giáo trình đại học và nhiều bài giảng sau đại học. Ngoài ra anh còn viết trên 30 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học.
Anh Khải cũng đã từng chủ trì và tham gia 10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và Nhà nước. Anh đã hướng dẫn thành công 5 thạc sỹ và hiện đang hướng dẫn một nghiên cứu sinh để bảo vệ luận án Tiến sỹ vào năm 2009.

Một chặng đường dài khó khăn anh đã vượt qua và anh cũng làm được thật nhiều việc. Nay anh đã có một gia đình hạnh phúc. Vợ anh là giáo viên đã nghỉ hưu. Con cái (3 trai, 1 gái) của anh đều tốt nghiệp đại học và công tác tại các cơ quan Nhà nước. Riêng con trai đầu lại nối chí anh, đã tốt nghiệp Thạc sỹ và hiện là Nghiên cứu sinh bảo vệ luận án Tiến sỹ vào năm 2009.
Bạn bè nghĩ về anh ai cũng nói: “Công tư vẹn cả hai bề” đúng thế với xã hội với gia đình anh đã được như vậy nhưng anh vẫn sống giản dị, mộc mạc như kẻ Hàn sĩ ngày nào. Bạn bè từ thời để chỏm, thời đi học cấp 2, cấp 3, đại học và cả hội nghiên cứu sinh ở Liên Xô, anh chẳng quên ai. Các hội học sinh đó tổ chức họp thì anh không vắng bao giờ, thật là thủy chung tình nghĩa.
----------
Khuất Thị Mai


=======================


Bài số 12

KHOA THI TIẾN SĨ NĂM MINH MỆNH THỨ MƯỜI (1829)
ĐỆ NHỊ GIÁP TIẾN SĨ XUẤT THÂN

ĐÌNH NGUYÊN HOÀNG GIÁP NGUYỄN ĐĂNG HUÂN

Nguyễn Đăng Huân (1805-1838), tên tự là Hy Khiêm, người xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, nay là thôn Hương Ngải, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
Ông đỗ Cử nhân khoa Mậu Tý (1828). Năm 25 tuổi, ông đỗ Đình nguyên, Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Mệnh thứ mười (1829).
Sau khi thi đỗ, ông được bổ chức Tri phủ Điện Bàn (Bình Định), rồi được điều về kinh thăng Lễ bộ Lang trung. Ông lâm bệnh mất năm mới 34 tuổi.
Nguyễn Đăng Huân làm quan thanh liêm, giản dị, gần gũi với dân. Giữ chức quan địa phương mấy năm, được dân yêu như cha mẹ. Khi có tang cha xin về, dân đưa đồ tiễn biếu đều từ chối không nhận. Đại Nam liệt truyện chép: “Khi ông mất, túi làm quan rỗng không, duy chỉ có một cái áo mùa đông mới được ban để khâm liệm. Ngự sử đài đem việc tâu lên, vua rất tiếc, nói rằng: Đáng giận là lúc Nguyễn Đăng Huân còn sống không có ai đề cử đến. Rồi vua cho truy thụ hàm Lang trung, hậu cấp cho gia đình, sai quan địa phương phải thường xuyên thăm hỏi bà mẹ của ông. Sau dân Điện Bàn quý mến, thờ phụng ông ở Văn từ của phủ”.
* Bài đối sách của Nguyễn Đăng Huân được phiên âm, dịch nghĩa từ văn bản chữ Hán trong Lịch khoa Hội Đình văn tuyển, ký hiệu A.1759/2 (Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm). Bản chữ Hán được in kèm theo.

----------------0o0-----------------

ĐỆ NHỊ GIÁP TIẾN SĨ XUẤT THÂN

NGUYỄN ĐĂNG HUÂN

Hoàng đế ban Chế sách rằng:
Hữu vi là gốc để đạt đến vô vi, vô vi là để thu hiệu quả hữu vi. Xét đời thượng cổ, thuận việc để trị. Nghiêu, Thuấn bắt đầu có đạo trị, công tích rõ rệt, có thể làm phép thường. Không có gì khác, chỉ là trời đất dần dần mở, thánh nhân theo lời chế tác. Phu tử san định Kinh Thư, bắt đầu từ Đường, Ngu là vốn có cớ vậy. 1 Người bàn lại nói rằng “vô vi mà trị”, thực có biết được khí tượng đương thời không? Thánh nhân trị thiên hạ, có chế độ ruộng đất, có thiết lập trường học, có lễ để tiết chế, có nhạc để hài hòa, cái đó gọi là “không thể hiện mà rõ, không động mà biến, không làm mà thành” 2, quả có chung cái dụng với trời đất không? Ký có viết rằng: “Tâm vô vi vậy” 3. Kinh dịch có viết rằng: “Vô tư vô vi” 4. Nếu vậy thì cái học của thánh hiền chỉ lấy vô vi làm tông chỉ sao? Việc chia ruộng, ban lộc, triều sính, tuần thú, dùng quan, chọn tài, pháp độ giảng bàn quy hoạch. Lưới, cày, bừa, thuyền, chèo, xiêm, áo, chợ búa, xe cộ, làm ra các đồ dùng để thích nghi cho dân, sao lại làm ra như thế? 5. Để Chính, để Đốc, để Mục, để Tề, 6, trước sửa sang việc người. Rõ Vật, rõ Văn, rõ Độ, rõ Số, tỏ rõ cho cháu con. Vậy thì đủ phẩm vật, trọn lễ tiết 8 không đủ để nhận phúc trời; tỏ rõ đức, chặn tà nghịch 9 chưa đủ để truyền đời sau chăng? Triều nghi, quân pháp, quy mô xa rộng; phủ vệ, tô dung 10, quy hoạch có pháp độ. Cùng là trọng nho, dùng sĩ, chế binh, lo của, một triều đại ắt có chế độ của một triều đại. Theo thời gìn giữ, không cần hữu vi, nho gia các đời đại khái cũng có bàn bạc, luận thuyết có thể suy xét được chăng? Pháp chế không có gì thay đổi, đó là nguyên nhân mà nền trị đời Hán không được tốt, nhưng mà việc làm đời Nguyên Thú 11 lại là gây mối hư hao. Thuận theo không có thay đổi, đó là nguyên nhân mà sự thế đời Tống rút cục hư hỏng, nhưng mà việc làm đời Hy, Phong lại mở mối tệ lung lay. Thế thì sao mà hữu vi vô vi đều vô bổ với trị đạo vậy?
Sự hưng thịnh của các triều Đinh, Lý, Trần, Lê nước Việt ta, trong đó há không có các bậc vua sáng tôi hiền, làm được các việc, nhưng trị hiệu cuối cùng cũng không bằng thời cổ, vậy thì tại sao?
Trẫm kế thừa nghiệp lớn, kính tuân đạo xưa, quy củ noi theo, luôn nghĩ đến trọng trách to lớn gian nan mà tổ tiên giao phó; đổi mới phấn sức 12, luôn xét suy, chấn chỉnh. Giảng luận nơi miếu đường, trù tính trong sớm tối, luôn mong làm những điều chưa làm được. Kính trời, theo phép tổ tiên, yêu dân, cầu hiền, tức là điều mà Kinh Thi nói là “noi theo phép cũ” 13 vậy. Rất muốn ngày ngày mới mẻ không ngừng để đạt công hữu vi, ắt là có gốc. Dựng kỷ bày cương, ban bố vương chính, thi hành nhân nghĩa, tức là điều mà Kinh Thư gọi là “quản lĩnh trăm quan chấn hưng công việc” 14 vậy. Rất muốn chắp tay rủ áo mà thành công để được hưởng nền trị vô vi, ắt là có nguyên do. Giảng bàn kỹ mưu quân kế nước, làm trong sạch công việc quan viên sửa sang trị lý ắt có đạo. Việc lớn việc nhỏ đều được thi hành, quan lớn theo phép mà quan nhỏ liêm chính, làm gì để có thể đạt được thế? Chấn hưng văn giáo vũ vệ 15; mở rộng sửa trong, chống ngoài, quy hoạch sắp xếp, ắt có thứ tự. Nghỉ việc võ mà sửa việc văn, làm người gần yên mà người xa đến, theo đạo gì để có thể đạt đến thế? Tựu trung hữu vi vô vi, không gì không ổn đáng, để kéo lại nền thịnh thái hòa thiên cổ, để kéo dài cơ nghiệp thịnh lớn muôn năm, gốc rễ ở đâu?
Các ngươi hiểu kinh đợi hỏi, bái lạy dâng lời, hãy phô bày ý nghĩa, đừng phù phiếm, chớ giản lược, ngõ hầu có ích cho thực dụng, trẫm sẽ đích thân xem xét.
--------0o0--------
Chú thích:
1 Khổng Tử san định Kinh Thư: Khi san định Kinh Thư, Khổng Tử cắt giữ đoạn từ Đường Nghiêu cho đến Tần Mục Công. Kinh Thư mở đầu là thiên Nghiêu điển, kết thúc là thiên Tần thệ.
2 Trích dẫn từ Trung dung: Đoạn này nói về đạo “chí thành”, thánh nhân hợp một thể với trời đất cho nên có thể “bất hiện nhi chương, bất động nhi biến, vô vi nhi thành” (không thể hiện mà rõ, không động mà biến, không làm mà thành).
3 Trích dẫn từ “Lễ vận” – Lễ ký: “Tâm vô vi dã, dĩ thủ chí chính” (Tâm vô vi vậy để giữ chí chính).
4 Trích dẫn từ “Hệ từ thượng truyện” – Kinh dịch: “Dịch, vô tư dã, vô vi dã, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố” (Dịch, không nghĩ vậy, không làm vậy, tịch nhiên không động, cảm mà thông suốt việc thiên hạ).
5 Làm các đồ dùng để thích nghi cho dân …: Đoạn này dùng ý từ Hệ từ hạ chuyện – Kinh dịch. Theo sách này, thánh nhân chế ra lưới đánh cá là theo tượng quẻ Ly; làm ra cầy bừa là theo tượng quẻ Ích; đặt ra chợ búa để buôn bán trao đổi là theo tượng quẻ Phệ hạp; rủ áo xiêm mà thiên hạ trị là theo tượng quẻ Càn, quẻ Khôn; chế ra thuyền, chèo là theo tượng quẻ Hoán; thuần dưỡng trâu ngựa là theo tượng quẻ Tùy; đóng cửa, gõ mõ báo hiệu cảnh giác kẻ gian là theo tượng quẻ Dự; làm ra chày cối là theo tượng quẻ Tiểu quá; làm ra cung tên là theo tượng quẻ Khuê; làm ra nhà cửa là theo tượng quẻ Đại tráng; chế ra quan quách để mai táng là theo tượng quẻ Đại quá; chế ra nét khắc vạch văn tự là theo tượng quẻ Quải.
6 Chính, Đốc, Mục, Tề: Dùng chữ trong “Lễ vận” – Lễ ký: ”Dĩ chính quân thần, dĩ đốc phụ tử, dĩ mục huynh đệ, dĩ tề thượng hạ, phu phụ hữu sơ, thị vị thừa thiên chi hỗ” (Để chính đạo vua tôi, để vun đắp đạo cha con, để hòa thuận đạo anh em, chỉnh tề trên dưới, vợ chồng có phận vị, gọi là được nhận phúc trời).
7 Văn, Vật, Độ, Số: Chỉ những phép tắc, chế độ đầy đủ, cụ thể, chi tiết.
8 Đủ phẩm vật, trọn lễ tiết (Bị vật tận lễ): Chú giải cho “Lễ vận” – Lễ ký, tiên nho Chu Diên Bình có nói: “Đủ phẩm vật, trọn lễ tiết không đủ để được nhận phúc trời, mà được nhận phúc trời là ở chỗ tu sửa việc người” (Dẫn theo Lễ ký tập thuyết của Vệ Thực đời Tống).
9 Tỏ rõ đức, chặn tà nghịch (Chiêu đức tắc vi): Dùng chữ trong Hoàn Công năm thứ hai – Tả truyện, Sách đoạn này có viết: “Quân nhân giả tương chiêu đức tắc vi dĩ lâm chiếu bách quan” (Người làm vua cần phải tỏ rõ đức, chặn tà nghịch để soi xét trăm quan).
10 Phủ vệ, tô dung:
* Phủ vệ là binh chế thời Tùy, Đường, Thời Đường Thái Tông kiện toàn chế độ Phủ binh, toàn quốc thiết lập 643 Phủ, lệ thuộc 16 Vệ, đứng đầu Phủ là Chiết xung Đô úy, Phủ binh chia ba loại: Thượng phủ có 1200 quân, Trung phủ có 1000 quân, Hạ phủ có 800 quân. Phủ binh được trang bị cả vũ khí và nông cụ, vừa cày cấy, vừa luyện tập chiến đấu.
* Tô dung là phép thuế thời Đường. Tô là thuế ruộng, mỗi đinh nam và trung nam được nhận một khoảnh ruộng, mỗi năm thu hai thạch thóc. Dung là sưu dịch. Đinh nam mỗi năm phải đi sưu dịch 20 ngày, nếu không đi sưu dịch thì mỗi ngày phải nộp ba thước vải.
11 Nguyên Thú: Niên hiệu của Hán Vũ Đế từ 122 – 117 TrCN. Đoạn này có ý nói vào đầu các triều Hán, Tống giữ nguyên phép cũ không thay đổi là không đúng, nhưng những thi hành cải cách của Hán Vũ Đế, Tống Thần Tông thì cũng không có hiệu quả,lại thêm mối tệ.
12 Đổi mới phấn sức (Nguyên văn “Đỉnh tân Bí sức”): Ý nói là đổi mới như nghĩa quẻ Đỉnh, phấn sức như nghĩa quẻ Bí trong Kinh dịch.
13 Trích dẫn từ thơ “Gia lạc – Đại nhã” – Kinh Thi: “Bất khiên bất vương (vong), suất do cựu chương” (Không lỗi, không quên, noi theo phép cũ).
14 Trích dẫn từ “Ích tắc” – Kinh Thư: “Suất tác hưng sự, thận nãi hiến, khâm tai” (Quản lĩnh trăm quan chấn hưng công việc, thận trọng phép tắc, kính thay!)
15 Chấn hưng văn giáo vũ vệ (Văn giáo vũ vệ chi phấn quỹ): Dùng chữ trong “Vũ cống” – Kinh thư. Thiên sách có ghi: “Ngũ bách lý Tuy phục. Tam bách lý quỹ văn giáo, nhị bách lý phấn vũ vệ” (Cõi Tuy năm trăm dặm. Ba trăm dặm thi hành văn giáo, hai trăm dặm chấn chỉnh võ vệ).

------------------------0o0-------------------------

Thần xin thưa, Thần nghe:

Có công hữu vi thì được hưởng hiệu quả vô vi, cho nên “không dám phóng túng rỗi nhàn” mà hiệu quả đạt đến “trị yên”16; “không rỗi rãi ăn cơm” mà hiệu quả đạt đến “đều hòa”17. Từ xưa đạt đến thịnh trị là có nguyên do vậy.
Kính nghĩ: Hoàng đế Bệ hạ, thông minh làm phép, khoan hòa làm giềng. Lấy tư chất sáng suốt văn minh 18 để thi hành vào trị lý. Các bề tôi lớn nhỏ không ai không kính cẩn, bốn bể trong ngoài đều yên ổn thịnh giàu. Nhưng lòng vua khiêm nhún, không bỏ rau phỉ rau phong, thể nhận chí thiện vô cùng, lời nói tầm thường cũng xét. Nhân lúc nhàn rỗi trong muôn việc bận, cho chúng thần vào điện đình, hỏi về hữu vi vô vi cùng những việc làm của các đời và nguyên nhân đạt đến thịnh trị đời nay. Xét thần ngu muội, đâu đủ để biết những điều đó. Nhưng dâng lòng thành của kẻ quê mùa là nghĩa của kẻ làm tôi, nay đã thẹn vâng ban hỏi, dám chẳng dốc hết kiến thức cạn nông để gắng một lời của kẻ hái rau kiếm củi hay sao?
Thần cúi đọc Chế sách có hỏi: Hữu vi là gốc để đạt đến vô vi, vô vi là để thu hiệu quả hữu vi, cùng với trị đạo xưa nay như thế nào. Lớn lao thay lời nói của nhà vua. Thực đã hiểu sâu sắc yếu lĩnh của việc trị vậy.
Thần trộm nghĩ: Có rõ ở hữu vi thì mới có thể hưởng vô vi. Làm vua thiên hạ có biết bao việc, cho nên ắt phải lấy gốc ở sự chăm chỉ “đặt mình vào chỗ không nhàn rỗi”, rồi phát huy đến “việc chấn hưng tạo dựng”, rồi sau mới đạt đến hiệu quả “lập chính trí trị”. Cái đó gọi là công hiệu dựa vào nhau vậy. Từ xưa trị nước, có ai không thế? Thời thượng cổ ở vào lúc đời thuần người phác, thuận việc mà trị. Đến Nghiêu, Thuấn gặp hội văn minh, chân nguyên hội hợp, nhân đó mà khởi đầu trị đạo, tự có thể làm phép thường muôn đời. Không gì khác, trời đất dần dần mở, thánh nhân theo lời mà chế tác. Phu tử san định Kinh Thư, năm điển mà bỏ ba19, chỉ lấy từ Đường, Ngu trở xuống, ý là vì thế vậy. Nhưng Nghiêu, Thuấn sở dĩ sáng tỏ ở trị đạo đâu từng có nhiều việc vất vả đâu. Co duỗi tác dụng gốc ở tự nhiên, “chương, dung, đôn, dụng” dựa vào lý trời20, đạt đến mức cực điểm lê dân biến đổi tốt đẹp, bách tính hợp về trung đạo21, cũng ngầm ngụ trong phong thái không lời không giận22. Người bàn nói rằng “vô vi mà trị”, thực quả đã thấy được nền trị đời Đường, Ngu vậy.
Ôi! Nền trị của hai đế23 chỉ thế mà thôi. Từ xưa thánh nhân trị thiên hạ, có ai không theo đạo đó đâu. Ruộng đất xóm làng là để định dân cư nên nhân đó mà chế điền, lập ấp. Trường học là để làm mới đức dân nên nhân đó mà dựng nhà học. “Trời cao đất thấp, muôn vật phân tán khác nhau mà lễ hưng”24, rồi sau mới có lễ tiết lên xuống, lui nhường. “Lưu hành không nghỉ, hợp đồng mà hóa mà nhạc hưng”25, rồi sau mới có tiếng trống, chuông, tiêu, sáo. Thánh nhân trị thiên hạ, tuy như có làm nhưng cốt yếu đều căn cứ vào sự lý đương nhiên để ứng phó với mọi việc trong thiên hạ, tận tính bản nhiên của ta để tận tính người, tính vật26. Có lẽ cũng là trời đất phổ vật vô tâm cùng cực đến mức như “không thể hiện mà rõ, không động mà biến, không làm mà thành”(2). Vậy thì cùng Dụng với trời đất vậy. Xem Chu Tử Tập chú chương này mà lấy điều đó để nói thì có thể biết được vậy27. Lễ ký viết rằng: “Tâm vô vi vậy”(3). Hệ từ của Kinh dịch viết rằng: “Vô tư vô vi”(4). Đại khái ý nói tâm vô vi mà giữ chí chính để chính những điều bất chính của người khác, tâm vô tư mà lấy tĩnh để chế động để ứng phó với các việc trong thiên hạ; đương nhiên là không giống với họ Lão28 lấy “vô vi” làm tông chỉ vậy. Có thể thấy được cái học của thánh hiền lấy chính tâm làm gốc mà suy ra phép trị, cho nên một triều đại dấy lên ắt có chế độ của một triều đại. Chia ruộng, ban lộc, triều sính, tuần thú, dùng quan, chọn tài, phàm thấy ở hữu vi chế tác kỹ càng, pháp độ giảng bàn quy hoạch, tiên vương lấy đó để kinh luân thiên hạ. Có đạo hình nhi thượng ắt có khí hình nhi hạ29. Lưới, cày, bừa, thuyền, chèo, xiêm, áo, chợ búa, xe cộ lấy ở tượng quẻ Ly, quẻ Ích, quẻ Phệ Hạp, quẻ Tùy, làm ra khí cụ để thích nghi cho dân, thánh nhân lấy đó để sinh nuôi dân chúng(5). Làm ra như thế đều là thấy rõ lý mà làm vậy. Vậy thì có gì nghi ngờ không giống yếu chỉ của Lễ ký và Kinh Dịch đâu?
Ôi! Trị thiên hạ không thể không có pháp độ, nhưng mà trị phải có gốc. Cho nên các đấng tiên vương trị thiên hạ, đủ phẩm vật, trọn lễ tiết(8) để tế hưởng quỷ thần, không phải là không đủ để nhận phúc trời, nhưng ắt phải chính đạo vua tôi, dốc đạo cha con, hài hòa anh em, chỉnh tề lớn bé, cực vui hòa nghiêm kính rồi sau mới thấy được chỗ tột cùng của phúc trời. Tỏ rõ đức, chặn tà nghịch (9), trị xét trăm quan cố nhiên là đủ để truyền hậu thế, nhưng ắt phải xe áo để rõ vật, cờ miện để rõ văn, ngọc bội để rõ độ, cân đấu để rõ số, đầy đủ văn vật nghi dung rồi sau mới thấy được mưu kế để lại yên con cháu 30. Xem đó thì biết trước phải làm việc chính, đốc, mục, tề(6); phải tỏ rõ văn, vật, độ, số (7) là vì thế. Há đủ phẩm vật, trọn lễ tiết không đủ để nhận phúc trời; tỏ rõ đức, chặn tà nghịch không đủ để truyền đời sau hay sao?
Ôi! Phép trị của tiên vương, đời sau ít người biết khôi phục được. Nhà Hán triều nghi có chế độ, quân pháp có tỏ bày, quy mô dường như là xa rộng, nhưng đại để là noi theo nhà Tần, vậy thì quy chế nhà Hán không phục cổ. Nhà Đường việc quân có phủ vệ, việc dân có tô dung (10), quy hoạch dường như có pháp độ, nhưng chỉ làm như Tấn, Ngụy, vậy thì pháp độ nhà Đường không thuần nhất vương đạo. Cùng đời Tống trọng nho, chọn sĩ, chế binh, lo của, nhưng điều mục phần nhiều theo thời Ngũ quý, không phải là quy mô có thể lâu dài, có thể noi theo. Tóm lại, Hán, Đường về sau, theo thời duy trì, không trở lại hữu vi, là không biết cái nghĩa “lai phục”31. Cho nên tiên nho Trình Tử vì thế mà có lời bàn bạc. Suy từ đó thì các vua nhà Hán, nhà Tống không biết sửa sang khôi phục trị đạo, những người nối tiếp thì hoặc theo, hoặc đổi, đều không thích đáng, vậy lấy gì để nói về trị đây?
Lễ cổ không khôi phục, nhạc cổ không chấn hưng, vì thế pháp độ đầu đời Hán phải thay đổi, thế mà Huệ Đế chỉ giữ không thay, vì thế mà nền trị chưa được tốt. Còn như coi nhẹ chế độ nhà Hán mà thay đổi, nhưng nhận thức phóng túng, chỉ dụng công ở hình pháp hẹp hòi, sự thay đổi thời Nguyên Thú(11) bị sai lầm ở chỗ thái quá, há lại không thành mối hư hao? Kế nước chưa tốt, mưu quân chưa tinh, vì thế pháp chế đầu đời Tống nên sửa đổi, thế nhưng Thái Tông chỉ giữ mà không sửa, vì thế mà thế nước rút cục hỏng. Còn như coi thường quy chế trước mà bỏ cả, thiết lập mới mà phép Thanh miêu, Miễn dịch23 chỉ lý hội về mặt pháp độ, vậy thì sự sáng chế thời Hy, Phong bị sai lầm, há lại không thành tệ lung lay? Vậy nên vô vi hữu vi mà đều vô bổ với trị đạo là thế.
Sách trời đã định, Dực Chẩn cương vực đã chia33. Nước Việt ta dựng nước, nhà Đinh thì đặt triều nghi, định quân lữ, làm việc dường như khả quan, nhưng trường học không sửa thì trái với đạo làm chính trị của tiên vương. Nhà Lý tha thuế dân, lập quốc học, chế tác cũng có thể cao, nhưng đam mê kinh Phật thì trái với gốc làm chính phong tục của cổ nhân. Nhà Trần quy mô khai sáng nhưng khuê môn đáng thẹn, không thể đoan chính tiêu chuẩn lập giáo. Nhà Lê văn chương thịnh vượng nhưng quyền bính về tay kẻ dưới, không đủ để làm phép giữ nước. Trị hiệu rút cục không bằng thời cổ là vì thế vậy.
Chế sách lại lấy việc Trẫm kế thừa nghiệp lớn, kính tuân đạo xưa, quy củ noi theo, luôn nghĩ đến trọng trách to lớn gian nan mà tổ tiên giao phó; đổi mới phấn sức, luôn luôn xét suy, chấn chỉnh; cùng là kính trời, theo phép tổ tông, yêu dân, cầu hiền, dựng kỷ, bày cương, ban bố vương chính, thi hành nhân nghĩa; giảng bàn kỹ mưu quân kế nước, làm trong sạch công việc quan viên chấn hưng văn giáo vũ vệ, mở rộng yên trong chống ngoài mà hỏi.
Thần qua đây có thể kính thấy Hoàng đế Bệ hạ mong trị sâu sắc, cầu trị thiết tha vậy, chỉ đem những việc ấy để thi chúng thần mà thôi.
Thần kính nghĩ: Hoàng đế Bệ hạ lấy đức Càn mạnh mẽ, chăm vận Thái hanh thông. Ở ngôi trên nắm đại quyền mà kế thừa nghiệp lớn, ở trung tâm mưu việc lớn mà kính tuân đạo xưa. Quy củ noi theo, luôn nghĩ đến trọng trách to lớn gian nan mà tổ tông giao phó. Đổi mới phấn sức(12), thường hết sức suy tư xét mức độ, răn công việc. Giảng bàn nơi miếu đường, trù tính trong sớm tối, luôn mong làm những điều chưa làm được.
Kính trời thì thấy ở việc kính tế đàn Nam giao, theo phép tổ tông thì thấy ở việc biên soạn sách Thực lục. Chăm dân khốn khổ, lòng yêu dân sâu sắc. Rộng mở khoa thi, ý cầu hiền thiết tha, tức là điều mà Đại nhã gọi là “noi theo phép cũ”(13) vậy. Ngửa trông nền chính trị trong sáng buổi đầu của thánh thượng thì những việc mà cổ nhân dùng để đạt đến hữu vi cũng không ngoài thế. Nay chỉ khuếch sung lòng thành kính, chú trọng ý kế thừa34. Dân chúng đã yên mà vẫn thêm lòng chăm lo ấp ủ, người hiền được tiến mà vẫn mở rộng đường thu hút sử dụng35. Vậy thì người hiền cùng tiến, muôn nước đều yên, đạt đến công nghiệp hữu vi ắt có gốc từ đó. Dựng kỷ cương thì thấy ở việc ban bố giáo điều, lập phép tắc thì thấy ở việc thi hành điều lệ. Tha tô giảm thuế, mở rộng nhân ân; thương hoạn cứu tai, ban nhiều nhân chính, tức là điều mà Ngu điển của Kinh thư gọi là “quản lĩnh trăm quan chấn hưng công việc”(14) vậy. Ngửa trông quy mô bình trị của thánh triều, tuy cổ nhân được hưởng hiệu quả vô vi cũng không hơn thế. Nay chỉ cần thêm kỹ càng phẩm tiết, trọn đạo sửa sang. Nhân đã ban mà càng nghĩ mở rộng thêm Nhân, Chính đã hành mà càng nghĩ làm tốt thêm Chính. Vậy thì chính trị sửa sang, muôn dân hưởng phúc, đưa đến chính trị vô vi thực là từ đó vậy. Giảng bàn mưu quân kế nước thì lựa chọn kẻ mạnh mẽ, tính toán số thu chi. Làm trong sạch công việc quan viên thì khảo xét hơn kém, sắp xếp ưu bình. Sửa sang tiết lý đã có đạo rồi. Theo đạo ấy mà thi hành lâu dài thì của nhiều quân mạnh, quan lại thanh liêm, việc lớn việc nhỏ đều cử hành, quan lớn theo phép, quan nhỏ liêm chính có thể đạt được vậy. Chấn hưng văn giáo vũ vệ(15) thì rèn rũa anh tài, chọn nghiêm quân sĩ. Mở rộng yên trong chống ngoài thì gắng gỏi tự trị, thận trọng mưu tính lâu dài. Quy hoạch sắp xếp đã có thứ tự. Theo thứ tự mà thi hành thì việc võ nghỉ, việc văn hưng, trong yên ngoài tĩnh, nghỉ võ sửa văn, người gần yên mà người xa theo đến, tự có thể đạt đến vậy.
Những việc nêu trên, hữu vi vô vi khiến cho đều được thỏa đáng, để kéo dài nền thịnh lớn thái hòa, gốc rễ vốn đã ở trong lòng vua sâu sắc ngầm định, không phải đợi thần điều trần sơ lược. Nhưng đã đội ơn che chở thì lại muốn trời càng thêm cao, chịu ơn sáng lớn36 thì lại muốn đất càng thêm dày. Thần nay đã may được vào nơi điện đình, thân vâng ban hỏi, vả lại ở cuối Chế sách lại khuyến khích thần rằng bái lạy dâng lời, mong thần rằng ngõ hầu có ích cho thực dụng. Cúi lạy đọc, cảm kích càng sâu sắc, dám không gắng lòng thành quỳ hoắc37 nhỏ mọn hay sao?
Thần rất mong Hoàng đế Bệ hạ thông minh theo phép trời38, ngày càng cao thánh kính39, vận lòng thành thuần nhất không nghỉ, giúp đỡ hóa dục chí thành của trời đất. Thế thì trị công lâu dài, hòa khí sinh ra, vãn hồi nền thịnh thái hòa thiên cổ, kéo dài cơ nghiệp thịnh lớn muôn năm. Quốc gia muôn vạn năm có đạo lâu dài, gốc nền ở đó vậy.
Thần là kẻ sơ học tân tiến, không biết những điều cấm kỵ, mạo phạm uy nghiêm nhà vua, run sợ khôn xiết.

Thần kính cẩn thưa.

------------------------0o0-----------------------

Chú thích:
16 “Không dám phóng túng rỗi nhàn” (Võng cảm hoang ninh, kỳ hiệu chí vu gia tĩnh): Dùng chữ trong “vô dật” - Kinh Thư. Thiên này nói về vua Cao Tông nhà Ân, viết: “Bất cảm hoang ninh, gia tĩnh Ân bang” (Không dám phóng túng ở yên, trị yên được nước Ân).
17 “Không rỗi rãi ăn cơm” mà hiệu quả đạt đến “đều hòa” (bất hoàng hạ thực, kỳ hiệu chí vu hàm hòa): Dùng chữ trong “vô dật” – Kinh Thư; để nói về Chu Văn vương. Về “bất hoàng hạ thực”, xem …; về “hàm hòa” xem ….
18 Sáng suốt văn minh (văn minh tuấn triết): Dùng chữ trong “Thuấn điển” – Kinh Thư, nguyên để ca ngợi đức của Đế Thuấn.
19 Năm điển mà bỏ ba: Sách của Ngũ đế gọi là Ngũ điển (năm điển), nói về đạo thường. Khổng Tử khi san định Kinh Thư, chỉ lấy Nghiêu điển và Thuấn điển mở đầu, còn bỏ đi ba điển.
20 Chương, dung, đôn, dụng: Dùng chữ trong ”Cao Dao mô” – Kinh Thư. Cũng như nói “Sùng điển, dùng lễ, rõ lễ phục, dùng hình pháp” (xem …)
21 Lê dân biến đổi tốt đẹp, bách tính hợp về trung đạo (Lê dân ô biến, bách tính hiệp trung): Dùng chữ trong Kinh Thư. Thiên “Nghiêu điển” – Kinh Thư có câu: “Lê dân ô biến thời ung” (Lê dân biến đổi, rất hòa). Thiên “Đại Vũ mô” – Kinh Thư có câu: “Dân hiệp vu trung” (Dân hợp theo Trung đạo).
22 Không lời không giận (bất nộ bất ngôn): Dùng chữ trong Trung dung, chỉ đức hóa tự nhiên, không lộ hình tích. Sách này có câu: “Quân tử bất ngôn nhi tín … bất nộ nhi dân uy ư phủ việt” (Quân tử không cần nói mà tin, không cần giận mà dân sợ hơn rìu búa).
23 Hai đế: Chỉ Đế Nghiêu và Đế Thuấn.
24 Trích dẫn từ “Nhạc ký” – Kinh Lễ: “Thiên cao địa hạ, vạn vật tán thù, nhi lễ hưng yên”. Lễ chủ phân biệt đẳng cấp, trật tự, vốn bắt nguồn từ thiên đạo tự nhiên như trời cao đất thấp, muôn vật phô bày khác nhau.
25 Trích dẫn từ “Nhạc ký” – Kinh Lễ: “Lưu hành bất tức, hợp đồng nhi hóa nhi nhạc hưng yên”. Nhạc chủ hài hòa, vốn có gốc từ thiên đạo thái hòa, âm dương hai khí lưu hành, hòa hợp mà hóa sinh vạn vật.
26 Tận tính bản nhiên của ta để tận tính người, tính vật (thuận ngô tính chi bản nhiên dĩ tận nhân vật chi tính): Dùng chữ trong Trung dung. Sách này có viết: “Duy thiên hạ chí thành vi năng tận kỳ tính. Năng tận kỳ tính tắc năng tận nhân chi tính, năng tận nhân chi tính tắc năng tận vật chi tính, năng tận vật chi tính tắc khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục, khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục tắc khả dĩ dữ thiên địa tham hỹ” (Chỉ có bậc chí thành trong thiên hạ là trọn vẹn được tính mình, trọn vẹn được tính mình thì trọn vẹn được tính người, trọn vẹn được tính người thì trọn vẹn được tính vật, trọn vẹn được tính vật thì có thể giúp đỡ hóa dục của trời đất, giúp đỡ hóa dục của trời đất thì có thể tham dự với trời đất thành ba ngôi).
27 Chu Tử Tập chú chương này …: Đây nói về chú giải của Chu Tử (xem …) trong Trung dung chương cú cho câu “bất hiện nhi chương, bất động nhi biến, vô vi nhi thành” (không thể hiện mà rõ, không động mà biến, không làm mà thành).
28 Họ Lão: Tức Lão Tử. Trong sách Đạo đức kinh, Lão Tử đề cao vô vi, tức thuận theo quy luật tự nhiên.
29 Đạo hình nhi thượng, khí hình nhi hạ: “Hệ từ thượng chuyện” – Kinh dịch viết: “Hình nhi thượng giả vị chi Đạo, hình nhi hạ giả vị chi Khí”. (Hình nhi thượng [cái ở trên hình thể, siêu hình] gọi là Đạo; Hình nhi hạ [cái ở dưới hình thể, có tính vật chất] gọi là Khí.
30 Mưu kế để lại yên cho con cháu (yếu dực chi mưu): Dùng chữ trong thơ “Văn vương hữu thanh – Đại nhã” – Kinh Thi. Thơ này có câu: “Di quyết tôn mưu, dĩ yến dực tử” (Để lại mưu cho cháu, để giúp cho con được yên).
31 Lai phục: Dùng chữ trong Thoán từ quẻ Phục – Kinh dịch. Lời Thoán từ có câu: ”Phản phúc kỳ đạo, thất nhật lai phục” (Trở đi trở lại đạo, bảy ngày lại trở lại). Trong Kinh dịch, từ quẻ Cấu là dương bắt đầu tiêu, qua bảy lần biến mà thành quẻ Phục, dương lại sinh trở lại, nên gọi là “Bảy ngày lại trở lại”. Âm dương tiêu trưởng, đến quẻ Phục dương bắt đầu sinh, dương dần trưởng, đạo quân tử lớn dần, có thể hữu vi.
32 Thanh miêu, Miễn dịch: Hai biện pháp trong tân pháp của Vương An Thạch được thi hành vào thời Tống Thần Tông. Phép Thanh miêu là khi dân cấy lúa, triều đình cho dân vay, đến khi thu hoạch phải trả với lãi hai phân. Phép Miễn dịch là những người phải đi sưu dịch thì theo thứ bậc nộp tiền thay cho sưu dịch.
33 Dực, Chẩn: Tên hai ngôi sao trong chùm Chu tước, chùm sao phía nam trong Nhị thập bát tú. Thời cổ quan niệm bờ cõi dưới đất tương ứng với tinh phận các sao trên trời, nước Nam ta tương ứng vào tinh phận của sao Dực, sao Chẩn.
34 Kế thừa (Dịch thoát chữ “ký đồ”): Dùng chữ trong “Tử tài” – Kinh Thư. Thiên sách có câu: “Nhược tác thất gia, ký cần viên dung, duy kỳ đồ ký từ” (Như xây nhà, đã dựng tường, phải tiếp tục sơn trát lợp).
35 Thu hút sử dụng (phu thi): Dùng chữ trong “Cao Dao mô” – Kinh Thư. Thiên này có câu: “Hấp thụ phu thi” (Thu hút sử dụng hiền tài).
36 Sáng lớn (quang đại): Dùng chữ trong Thoán truyện quẻ Khôn – Kinh Dịch, chỉ đức của đất. Thoán truyện có câu: “Hàm hoằng quang đại” (To rộng sáng lớn).
37 Quỳ hoắc: Loại cây hướng về phía mặt trời; chỉ lòng thành của kẻ dưới hướng về quân vương.
38 Thông minh theo phép trời (thiên thông thời hiến): Dùng chữ trong “Duyệt mệnh trung” – Kinh Thư. Thiên sách có câu: “Duy thiên thông minh, duy thánh thời hiến” (Chỉ trời thông minh, chỉ thánh theo phép trời).
39 Ngày càng cao thánh kính (thánh kính nhật tê): Dùng chữ trong thơ “Trường phát – Thương tụng” – Kinh Thi. Thơ này ca ngợi Thành Thang có câu: “Thánh kính nhật tê” (Thánh kính ngày càng cao).


Viện nghiên cứu Hán Nôm dịch
----------------------------------------0o0------------------------------------------

TRÍCH BIA VĂN CHỈ

Phiên âm:
Nguyễn Đăng Huân: Minh Mệnh kỷ sửu khoa trúng nhị thập lục tuế “đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân, hương hội giai đệ nhị. Đình đệ nhất, sỹ chí Thự Lễ bộ Lang Trung. Tam thập tứ tuế tốt vu quan. Khâm phụng chỉ dụ: “Thanh bạch tự trì, thế chi liêm lại”. Thưởng tiền nhị bách quan, tặng thực thụ, phản chước địa phương quan tồn vấn lão mẫu.
Dịch:
Trích Bia Hương hiền ở văn chỉ xã phần “Lịch đại đại khoa” (Người đỗ đại khoa các triều đại)
Nguyễn Đăng Huân: Khoa Kỷ Sửu đời vua Minh Mạng, năm 26 tuổi đỗ đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân. Thi Hương thi Hội đều đỗ thứ 2, thi Đình đỗ thứ nhất, làm quan đến chức “Thự Lễ bộ Lang Trung”. Năm 34 tuổi mất ở nơi làm quan. Được Hoàng đế ban khen: “Giữ gìn trong sạch, là một quan liêm ở đời”. Thưởng 200 quan tiền, tặng hàm thực thụ, lại sai quan địa phương đến thăm hỏi mẹ già.

--------0o0--------

TRÍCH SÁCH “SƠN TÂY ĐỊA DƯ NHÂN VẬT TOÀN THƯ”

Phiên âm: Án Sơn Tây địa dư nhân vật toàn thư. Hoàng triều đại khoa thứ mục
Nguyễn Đăng Huân:
Thach Thất Hương Ngải nhân, Minh Mệnh Kỷ Sửu khoa đệ nhị giáp tiến sỹ sơ tri Điện Bàn phủ, thanh ước tự trì bình dị cận đân, sử dân ái chi như phụ mẫu. Tầm dĩ phụ tang quy, quỹ tống giai bất thụ, hậu thăng Lễ bộ Thị Lang, hỗ giá nam tuần, quá cựu hạt, dân giá đạo uý vấn, đa dĩ kim tiền quỹ chi, việc bất thụ. Tốt vu quan nang thác sướng nhiên, duy đông y nhất lĩnh tùng liệm. Bộ quan dĩ văn Thánh tổ nhân Hoàng đế tham gai mẫn tích, vị thị thần viết: Triều đình thất thử hiền lương kim đắc tác chi cửu nguyên hồ ? Truy tặng Lang Trung hậu cấp kỳ gia, linh sở tại tồn vấn kỳ mẫu.
Dịch:
Nguyễn Đăng Huân:
Người làng Hương Ngải huyện Thạch Thất, đỗ tiến sỹ đệ nhị giáp khoa Kỷ Sửu. Bắt đầu làm Tri phủ Điện Bàn, giữ nếp thanh liêm tiết kiệm, sống bình dị gần gũi nhân dân, nên được dân yêu như cha mẹ. Khi về lo việc tang cha, nhiều người đưa tặng vật đều không nhận, sau thăng làm Lễ bộ Thị Lang. Thường hộ giá đi tuần thú phía Nam, đến hạt cũ dân chúng đón đường thăm hỏi, hòm túi trống không chỉ có một cái áo bông duy nhất để khâm liệm. Các quan tâu lên vua. Thánh tổ nhân Hoàng đế (1) vô cùng thương tiếc, báo cáo thị thần rằng: “Triều đình mất người hiền lương này thật đáng tiếc chẳng hay giờ đây có còn được làm việc ở nơi chín suối nữa không? “ Truy tặng chức Lang Trung hậu đãi gia đình, lại sai quan địa phương thăm hỏi mẹ già khi còn sống.
(1) Tức vua Minh Mạng

--------0o0--------

NGUYỄN ĐÌNH NGUYÊN BI KÝ

Phiên âm:
Thạch Am tiên sinh thần đạo bi
Tiên sinh tính Nguyễn, huý Đăng Huân, ấu danh Hưng tự Hy Khiêm, hiệu Thạch Am, Hương Đình hựu kỳ biệt hiệu. Tiên thế nghiệp nho, ngụ Phúc Lộc, Kim Thọ Lộc chi Hat Môn. Hương Ngải kỳ cố lý giã. Tự thuỷ tổ Ngôn Phục chí cao tổ dĩ nông khởi gia, hiếu đạo vưu đốc. Tộc thuỷ đại tăng tổ Năng Nhẫn tiên sinh hương thí trúng, sinh tam nam đệ nhị, đệ tam tịnh hương thí trúng hiệu sinh. Tổ Năng Quyết tiên sinh, huý Hoán, khảo Đạt Đạo tiên sinh- Giải, Quốc Tử Giám khoá trúng, giai dĩ nho thế kỳ nghiệp, tuy phất đại hiển, nhân giai viết: Hậu thế tất hữu hiền tử tôn. Sỉ: Cao, Tằng Tịnh Vương Thị; tổ Nguyễn Thị; lệnh từ tắc kim Dương thị giã. Tiên sinh kỳ thừa dẫn, Gia Long tam niên giáp tý, thập nguyệt Ất Hợi, nhị thập ngũ nhật Canh Thìn, Quý Mùi thời sinh hữu dị chất, gia nghiêm giáo chi cũ lực vu học, thường dĩ “trung – hiếu” nhị tự kết ư yêu đái gian, hậu tắc cải vi chi văn tác quân tử châm dĩ tự tỉnh kỳ lệ chí giã, như thử tam ứng hương thí bất lợi, học bất chuyết. Mậu thí nhất cử hương, hội giai đệ nhị, điện thí đệ nhất, khâm phụng.
Sắc tứ: “Nhị giáp tiến sỹ xuất thân nhất danh”, thời Minh Mệnh thập niên giã, tiên sinh phương nhị thập lục thiếu niên cao khao nhân mạc bất dĩ vi vinh. Tiên sinh vị Hường thúc nhiên giã lạc, tối do phù bình tích nhi cử động ích gia cẩn mục, mục thân dĩ kế tiền nhân, chính hương đảng dĩ thừa tiên tiến. Nhập sĩ chi thuỷ sơ thụ Hàn lâm Viện tu soạn, thăng Điện Bàn tri phủ, than bạch tự trì, minh đoán bất nhiều, thạm vi lại dân sở thụ. Hạn mãn do Bộ điều Hàn Lâm thị giảng, nhưng sung thực lục sở biên tu tầm thự Lễ bộ Lang Trung thường tuỳ giá hạt Quảng Nam. Cựu phủ hạt dân tranh bái yết quỹ giả vô toán, tận khước chi chí đễ khấp tương tuỳ tống chi chi cảnh thương. Tiên sinh chí đạo dũ, thâm xử kỷ, tiếp vật dũ bối dư dụ, thức giả mạc bất tín phục nhi hâm mộ yên. Minh Mệnh thập bát niên Đinh Dậu vĩ tật tốt vu quan, giáp vô dư vật, liêm thì sĩ tân ban đông nhất lĩnh minh chương, mạc bất thán tích. Danh công, đại nhân đa sĩ văn tặng điếu.
Ngự sử Viện dĩ tiên sinh thanh tiết tấu văn phụng châu phê đỗng tích chi chí khả hậu sinh tiễn cánh vô đề cập, nhưng truy tặng thực thụ, chiếu phẩm cấp tuất, tái thưởng tiền bách quán vi thân hậu chi nhu, lánh thưởng bách quán bảo dưỡng thiệm kỳ thê tử, tái thưởng kỳ mẫu tiền nhất bách quán, phản trước địa phương quan dĩ thời tồn vấn. Quan cữu hồi quán thời, chước lo Thừa Thiên bát thuyền sưu tống quy an thố. Tiên sinh một thời niên tam thập tứ,cát vu bản hương Đồng Gai xứ chi.
Nguyên phu nhân Nguyễn Thị Chuyên, tử nam nhị, trưởng Điện, thứ Hương thương ấu, giai tiên sinh sở mệnh danh vân.
Ta phù! Mỹ nhân, quân tử, dục sử hạnh nhi cửu tại cư thế việc bất khả tắc, cổ nhân chi sở thán vi Tiên sinh chi vị dư? Nhiên Tiên Sinh chi sở cữu ư thế cố tự hữu tại phụng ngã thiên tử bao biểu chi, thanh sử thư chi, tứ hải công chi, bách thế truyền chi diệc hề sĩ phù minh tử chi tai! Tiên sinh ấp nghị Nguyễn Sắt phủ dục tồn Tiên sinh chi đại khái vu kỳ hương nhĩ. Dư bất năng văn, quý mất đắc từ toại vi chi minh viết: “Lai giả hà tùng? Khứ giả hà quy? Hà thọ? Hà yểu? Hà long? Hà suy? Dã nhân hà tri? Quân tử hà bi!”
Thiệu Trị lục niên, thập nhất nguyệt sơ cửu nhật Hương niên: Cổ Hiên Diệp Huyên di trượng bái cung đoạn
Dịch: Bia kỷ niệm quan Đình Nguyên họ Nguyễn
Bia mộ Thạch Am tiên sinh:
Tiên sinh họ Nguyễn, huý Đăng Huân, lúc nhỏ tên Hưng, tự Hy Khiêm, hiệu Thạch Am, biệt hiệu Hương Đình. Đời trước theo đuổi nghiệp nho, ngụ ở Phúc Lộc, nay là xã Hát Môn huyện Phúc Thọ. Còn Hương Ngải vốn là làng cũ của tiên sinh vậy.
Từ cụ thuỷ tổ là Ngôn Phục đến cụ Cao tổ (5 đời) lấy nghề nông để dựng nghiệp, song vẫn dốc lòng yêu đạo học. Mở đầu học nghiệp cho cả dòng họ, cụ Đại tằng tổ (4 đời) là Năng Nhẫn tiên sinh trúng kỳ thi Hương. Cụ sinh hạ được 3 con trai, con trai thứ hai và thứ ba đều dự thi Hương và trúng hiệu sinh. Tổ phụ (3 đời) là Năng Quyết tiên sinh, huý là Hoán, thân phụ là Đạt Đạo tiên sinh, huý là Giải đều trúng khảo trường Quốc Tử Giám, các cụ đều lấy nghiệp nho để nối nghiệp nhà, tuy chưa hiển đạt lớn, nhưng ai cũng bảo sau này sẽ có con cháu làm nên. Về các cụ bà: Cao tổ (5 đời) và tằng tổ (4 đời) đều là người họ Vương, bà là người họ Nguyễn, còn lệnh từ (mẹ) hiện nay là người họ Dương. Nối tiếp dòng dõi, năm Giáp Tý niên hiệu Gia Long thứ ba (1804) tháng 10 (Ất Hợi) ngày 25 (Canh Thìn) giờ Mùi (Quý Mùi) tiên sinh ra đời đã mang tư chất lạ. Nhờ được cha dạy dỗ, tiên sinh cần cù dốc sức vào việc học, thường kết 2 chữ “Trung hiếu” gài ở thắt lưng, rồi lại viết thành văn, làm lời châm cảnh để hàng ngày tự xem xét mình mà mài rũa chí lớn. Cứ như vậy trải qua 3 kỳ thi Hương, kết quả bất lợi. Tiên sinh càng gắng học không ngừng. Do vậy đến khoa Mậu Tý, thi Hương thi Hội đều đỗ thứ 2, tiếp đó lại đỗ đầu thi Đình được sắc vua ban: “Nhị giáp tiến sỹ xuất thân nhất danh” (Đứng đầu Hoàng giáp). Năm đó là năm Minh Mênh thứ 10 (1829) tiên sinh mới 26 tuổi, còn thiếu niên mà đã sớm đỗ cao, ai cũng cho là vẻ vang rất mực; riêng mình, tiên sinh chưa hề tỏ ra vui mừng, mà vẫn sống hết sức tự nhiên như những ngày trước đó, nhất cử, nhất động càng tỏ ra cẩn thận, quý trọng mọi người. Ở trong nhà cung kính thờ cha mẹ để nối nghiệp tổ tiên, ở ngoài đường thì trung thực giữ làng xóm mong nối bước những người đi trước. Khi mới đi làm quan nhận chức Hàm lâm viện tu soạn. Sau thăng làm Tri phủ Điện Bàn (Quảng Nam) xét việc thường quyết đoán không hề phiền nhiễu, nên rất được người dưới quyền và dân chúng tin yêu. Khi về quê lo việc ma và để tang cha, tặng vật được đưa đến rất nhiều song tiên sinh nhất thiết không nhận. Khi mãn phép được Bộ điều giữ chức Hần Lâm Viện thị giảng, lại sung vào chức Biên Tu Sở thực lục, rồi thự(1) Lễ bộ Lang Trung. Thường tuỳ giá (đi theo vua) vào Quảng Nam, qua phủ cũ dân chúng trong hạt tranh nhau đến yết kiến và đưa tặng phẩm nhiều vô kể, song đều từ chối khiến cho dân chúng thảy đều rơi nước mắt chỉ còn biết lưu luyến tiễn đưa ra phỏi địa phận. Chí đạo của tiên sinh càng sâu thì cách “Xử lý tiếp vật” của tiên sinh càng hiếm thấy, kẻ thức giả không ai là không tin phục và hâm mộ. Năm Đinh Dậu Minh Mệnh thứ 18 (1837) ngày 12 tháng 10 tiên sinh lâm bệnh rồi mất ở nơi làm quan. Hòm giương riêng không có gì đáng giá, bằng chứng là chỉ còn một chiếc áo rét mới được ban cấp dùng để khâm liệm, khiến cho mọi người đều than tiếc. Rất nhiều bậc danh công, đại thần đều có thơ văn tặng điếu. Viên ngự sử đại nhân đem thanh tiết của Tiên sinh tâu lên, vua ngự phê vào tấu văn tỏ niềm thương xót tới mức ân hận rằng lúc sinh tiền đã bỏ quên không đề cập tới, liền truy tặng hàm thực thụ(2) , chiếu theo phẩm bậc mà cấp tuất. Thưởng thêm 100 quan lo việc hậu sự, thưởng 100 quan khác chu cấp cho vợ con, ngoài ra còn thưởng cho mẹ già 100 quan và sai quan địa phương tới thăm hỏi khi còn sống. Riêng việc chôn cất Tiên sinh, lệnh cho phủ Thừa Thiên phải điều thuyền bè hộ tống linh cữu về quê hương an táng tại xứ Đồng Gai, năm ấy tiên sinh mới vừa 34 tuổi. Nguyễn phu nhân là Nguyễn Thị Chuyên, 2 con trai còn nhỏ trưởng là Điện, thứ là Hương đều do Tiên sinh dặn người nhà mà đặt tên cho.
Than ôi! “Các bậc mỹ nhân(3) quan tử dù muốn lưu lại lâu ở trên đời này cũng không thể được”, người xưa thường than vãn như vậy, có phải tiên sinh là trường hợp như thế đó chăng? Song cái mà Tiên sinh lưu mãi lại ở trên đời này là người đã được Vua ta khen ngợi, nêu gương, khiến cho sử xanh chép để bốn bể đều nghe, trăm đời truyền tụng, há cần gì phải đợi được khắc được ghi! Bạn đồng Hương của Tiên sinh là Nguyễn Sắt phủ muốn nhờ tôi ghi lại đôi điều sơ lược về Tiên sinh để lưu lại lâu dài ở nơi quê quán. Tôi không biết viết văn, thật là xấu hổ nhưng không từ chối được, đành đánh báo viết lời mình rằng:

“Từ đâu mà đến?

Dễ đâu mà đi?

Thế nào là Thọ?

Thế nào là Yểu?

Thế nào là Thịnh?

Thế nào là Suy?

Người đời ai biết!

Lòng ai thương bi!”

Niên hiệu Thiệu Trị thứ 6, ngày 9 tháng 11 năm 1846
Người cùng khoa thi Hương: Cổ Hiên Diệp Huyên vui lòng thượng bái
Kính soạn
MINH TOÀN kính dịch

--------0o0--------

THƯỢNG PHÚC TỰ “GIÁC” TRUNG KÝ

Phiên âm:
Chung chi vị ngôn “không” giã, nội tâm “hư” nhi phát thanh đại. Cổ nhân học vấn, ngữ đạo cái thường dĩ chung phát chi, nhi thiền gia diệc tá thử dĩ hành kỳ thuật giã. Tuế ất mùi dư ấp thân mục kỳ lão tập chư hiện tín dĩ tam nguyệt thập cửu nhật khởi chú Thượng Phúc tự chung, chung thành thời dư tại kinh để sử nhân trưng ngôn ư dư. Dư học ngô Phu Tử chỉ đạo, tố bất đàm thiền, nhiên thử diệc khuyên nhân vi thiện chi nhất đoan giã, nãi mệnh “Chung hà dĩ giác danh giã?” viết: “Nhân thụ ư thiên địa chi trung nhi sinh, tính bản thiện bỉnh di, hiếu đức thuỳ vô thị tâm, tự kỳ câu ư khí bẩm, dục thắng lý vi thế lực dĩ tương cao, nhiên nhược mộng, năng hưởng thiện giả tiễn hĩ. Dư ấp kim thân mục kỳ lão nãi năng hứng khởi thiện tâm, lạc vi thiện sự; khứ niên chú Đại phúc tự chung, kim niên chú Thượng Phúc tự chung, thị diệc mộng nhi giác giã, thả Thượng Phúc tự cổ hĩ, tiên ngã dân nhân kỳ Thổ tinh lạc hạ địa, tả hữu Phượng trì, hữu hữu ngọc tĩn, thành kỳ khánh phá nhi hoà bình chi thanh hy, kim hữu chung tắc kỳ văn chung thanh nhi tẩy tâm địch lự dĩ dẫn ư thiện, thị do giác nhi khởi giã, dư chi lạc vi hà như!”. Khánh viết: “Nhược thị hồ việc thâm hữu thủ ư tư giã, độc bất kiến quan nam tự bi minh hồ?” Viết: “Thăng Phủ thị ngô tư giã. Thăng Phủ dĩ bi giác thế, kim dục dĩ chung giác tâm, nhi hựu bất độc tự gia tâm sự giã, cổ chi nhân dữ nhân ngữ giả, đa nhân kỳ cận tự nhi phát huy chi, khia đạo dự căn dĩ tiên ư thiện, dư ấp kim chi nhân khởi thiện tâm, vi thiện sự, nhi hựu khuếch nhi sung chi, khắc khứ kỷ tư, lạc đạo trung tín, phụ từ nhi tử hiếu, huynh hữu nhi đệ cung, phu xướng nhi phụ thuận, hương tắc nhượng trưởng, hành tắc nhượng lộ, canh tắc nhượng bạn, thị tắc nhượng chiền, sĩ tắc nhượng đại phu, đại phu tắc nhượng khanh, cùng tắc nhượng tương inh, đạt tắc tương thôi, tuất nhân chĩ tai, lạc nhân chi thiện, pham sự thiện giả tri vô bất vi dũng, vãng hưởng tiến nhi bất tri quyện, bất diệc giác khởi nhi chỉ ự chí thiện giã dư?” Khách viết: “Văn tư ngôn nhị kim giác hĩ, đan thiết hữu vị du giả, chung di “giác” danh, khủng thiệp “đốn giác” “siêu giác” tự sao?” Viết: “Thị tha đào nhập ngã giã, Thi bất vân hồ? Hữu giác đức hành Trâu ngưu bất vân hồ? Tiên tri giác hậu tri, tiên giác giác hậu giác, thử giác tự thị Thánh Hiền chính đại văn tự giã, cố di độc tự quý đức hành vị giác an năng giác nhân nhĩ, nhi lương tri, lương năng nhân cố hữu chim dư cố lại nhân chi tiên ngã nhi xúc, thử chung chi sở dĩ “giác” danh, diệc khuyến nhân vi thiện chi nhất đoan giã” Kỳ nhân khởi ấp nhi ngôn viết: “Lung nhược tư danh chi tất khả ngôn giã, thỉnh đăng vu chung dĩ đại phương chư quân tử thủ tài giả chung vân hồ tai!”
Thời:
Minh Mệnh vạn vạn niên chi thập lục mạnh hạ cát nhật chú (1835)
Tứ Kỷ Sửu khoa đệ nhị giáp tiến sỹ Thạch Am Hy Khiêm phủ bái thư
Chủ hành sự, tự Pháp Chính hiệu Tiên Thành phụng tả
Nhất: Bản xã quan viên:
Tứ Kỷ Sửu khoa tiến sỹ Nguyễn Đăng Huân, Kỷ Mão khoa cử nhân Cấn Công Nguyên, Ất Dậu khoa cử nhân Nguyễn Huy Diễn, Tân Sửu khoa cử nhân Nguyễn Huy Phan, tú tài Nguyễn Văn Thức, tú tài Nguyễn Đình Diên
Thượng cương giáp, Phụng ngoại giáp, Phụng nội giáp:
Nhất hội chủ dĩ hạ
Cấn Kim Bảng thê Đặng Thị Tấn, hiệu Từ Thái; Nguyễn Thời Phùng thê Nguyễn Thị Điền; Nguyễn Tuấn Đức thê Nguyễn Thị Phách; Cấn Năng Sỹ thê Nguyễn Thị Âu; Nguyễn Văn Đường thê Nguyễn Thị Bằng; Nguyễn Văn Nhiên thê Nguyễn Thị Thắng, thiếp Nguyễn Thị Thất; Nguyễn Đình Lân thê Vương Thị Vinh;
thê Nguyễn Thị Việt
Chủ trì bản tự Pháp ứng hiệu Huyền Trinh thê Phí Thị Niệm, tự Pháp Dũng. Nguyễn Văn Giám tự Pháp Thống, thê Nguyễn Thị Nhuận
Thiệu Trị nhị niên cửu nguyệt cán cát nhật khắc
Khắc công: Nguyễn Văn Khoáng

--------0o0--------

Dịch văn:

BÀI KỶ CHUÔNG “GIÁC” CHÙA THƯỢNG PHÚC

Chuông vốn không nói được, bụng rỗng mà phát ra tiếng to, nhưng người xưa học vấn nói năng vẫn thường dùng chuông để phát biểu ý tưởng, nhà chùa cũng mượn chuông để thi hành pháp thuật của mình. Năm Ất Mùi các bậc thân mục kỳ lão làng ta tập hợp những người thiện tín chọn ngày 19 tháng 3 khởi công đúc chuông chùa Thượng Phúc, khi đúc xong tôi đang làm việc ở trong kinh, làng cử người vào yêu cầu tôi viết bài văn cho chuông mới. Tôi là người học đạo của Phu Tử(1) vốn không hay đàm luận về đạo Thiền, tuy nhiên đây cũng là một việc khuyên người làm việc thiện, vì thế tôi gọi chuông này là chuông “giác” Khách có người hỏi tôi” “Vì sao lại lấy chữ “giác” để đặt cho chuông?” Thưa rằng: “Người ta sinh ra ở giữa khoảng trời đất, tính vốn lành, giữ luân thường trọng đạo đức, ai mà chẳng có lòng như thế, tuy nhiên do bị trói buộc trong vòng khí bẩm(2) người đời ai cũng muốn vượt lên số mệnh mà đua ganh nhau về sự hơn kém, so đọ nhau về sự giàu nghèo, chìm đắm mơ màng như trong giấc mộng, vì vậy ít có người biết hướng lòng mình về cõi thiện. Nay các bậc thân mục kỳ lão làng ta cùng nhau hứng khởi lòng thành, vui làm việc thiện, năm trước đã đúc chuông chùa Đại Phúc, năm nay lại đúc chuông chùa Thượng Phúc (chùa trên) đó chính là đang lúc mơ màng mà giác ngộ vậy. Vả chăng Thượng Phúc vốn là chùa cổ, dân làng ta xưa nhân điềm sao Thổ sa xuống mà sùng kính dựng lên để làm nơi hướng về nghiệp thiện(3), bên tả có ao Phượng(4) bên hữu có giếng Ngọc(5), trước mặt là miếu Thành Hoàng, xưa chùa còn có khánh, từ ngày khánh vỡ, tiếng hoà bình(6) ngày một vang đi, nay có chuông thì mọi người lại được nghe chuông, mà rũ lòng tục, rửa nỗi phiền đưa mình tiến vào gốc thiện, đó cũng là từ chữ giác mà ra, khiến lòng tôi vui mừng khôn xiết”. Khách nói: “Như thế ý quả thật sâu sắc nhưng sao chẳng thấy nội dung có liên quan gì với bài minh trên bia của chùa phía nam(7)?” Tôi thưa lại rằng: “Thăng Phủ là bậc thầy của tôi. Thăng Phủ(8) dùng bia để giác ngộ người đời, nay tôi muốn dùng chuông để giác ngộ lòng mình, tuy nhiên cũng không hẳn là tâm sự của riêng mình nữa, người xưa khi nói với mọi người phần lớn đem những chuyện gần giống của lòng mà phát huy ra mở đường đi vào giảng giải tận gốc, để tiến đến cõi thiện, nay người làng ta dấy lòng lành, làm việc thiện mở rộng mà suy ra(9) có nghĩa là khắc phục thói tự kỷ noi theo đạo trung tín, cha thì hiền từ, con thì hiếu thảo, anh phải hoà thuận, em phải kính nhường, chồng nói thì vợ nghe, ở trong làng thì trọng người lớn tuổi, đi ngoài đường thì nhường bước lẫn nhau, cày ruộng thì nhường bờ, ngồi chợ thì nhường chỗ, kẻ sỹ thì nhường quan đại phu, quan đại phu thì nhường quan khanh, giúp đỡ nhau khi nghèo khó, cất nhắc nhau khi thành đạt, thương xót khi người gặp tai nạn, vui mừng thấy người làm điều lành, phàm việc thiện nếu đã biết mà không làm không thể là “dũng” được, theo tiếng chuông vang vọng mà đi lên không mỏi, chẳng phải là khởi đầu từ chữ giác mà tiến đến chỗ chí thiện đó sao?” Khách nói: “Nghe lời chỉ giáo tôi đã vỡ lẽ song trộm nghĩ, còn có chỗ chưa dám vâng lời, ấy là nếu chỉ lấy một chữ giác đặt cho chuông e rằng bỏ qua những chữ quen dùng “đốn giác” “siêu giác”. Thưa rằng: “Đó chính là vì sự giác ngộ kia đã lẩn sâu vào và hoà nhập với lòng ta vậy, điều này Kinh Thi chẳng đã nói(10) rồi sao? Sự giác ngộ về việc làm nhân đức trong câu chuyện con “Trâu” thầy Mạnh Tử(11) chẳng đã nói rồi sao? Người biết trước bảo người biết sau, người giác ngộ trước giác ngộ lại cho người giác ngộ sau(12), đó chính là câu chữ chính đại của thánh hiền, bởi thế tôi rất thẹn mình là về đức hạnh còn chưa giác ngộ làm sao có thể giác ngộ được cho người khác mà lương tri, lương năng thì ai cũng sẵn có; bản tâm tôi rất vui mừng thấy mọi người giác ngộ trước mình vì thế mà xúc cảm và lấy chữ “giác” đặt cho chuông, âu cũng chỉ là một việc khuyên người làm điều thiện mà thôi vậy”. Khách đứng dậy vái tôi mà thưa rằng: “Tên ấy đặt cho chuông thật là ý nghĩa, xin được đem khắc lên để các bậc quân tử khắp nơi(13) góp lời bàn bạc về chuông vậy”.
Ngày tốt tháng Mạnh Hạ niên hiệu Minh Mệnh thứ 16 đúc (1835)
Tiến sỹ đệ nhị giáp khoa Kỷ Sửu, Thạch Am Hy Khiêm phủ bái thư
Chủ hành pháp sự tự Pháp Chính hiệu Tiên Thành vâng viết chữ
1- Quan viên: Tiến sỹ khoa Kỷ Sửu (1829) Nguyễn Đăng Huân, cử nhân khoa Kỷ Mão (1819) Cấn Công Nguyên, cử nhân khoa Ất Dậu (1825) Nguyễn Huy Diễn, cử nhân khoa Tân Sửu (1841) Nguyễn Huy Phan, tú tài Nguyễn Văn Phức, tú tài Nguyễn Đình Diên.
Thượng cương giáp, Phụng ngoại giáp, Phụng nội giáp
2- Hội chủ: Cựu tổng trưởng Nguyễn Đình Duyệt, vợ Chu Thị Quỳnh; cựu cai tổng Nguyễn Duy Vũ, vợ Vương Thị Thản,vợ lẽ Vương Thị Kiều; cựu hương mục Nguyễn Đình Nghị, vợ Phí Thị Phiên, vợ lẽ Nguyễn Thị Phiêu.
3- Tập thiên: Cấn Kim bảng vợ Đặng Thị Tấn, hiệu Từ Thái; Nguyễn Thời Phùng vợ Nguyễn Thị Phách; Cấn Năng Sỹ vợ Nguyễn Thị Âu; Nguyễn Văn Đường vợ Nguyễn Thị Bằng, vợ lẽ Phí Thị Thất; Nguyễn Đình Lân vợ Vương Thị Linh;
vợ Nguyễn Thị Việt
Chủ trì bản tự Pháp Ứng hiệu Huyền Linh vợ Phí Thị Niệm hiệu Pháp Dũng; Nguyễn Văn Giám tự Pháp Thống vợ Nguyễn Thị Nhuận
Ngày tốt hạ tuần tháng 9 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) khắc
Thợ khắc: Nguyễn Văn Khoáng

--------0o0--------

Chú thích:
(1) Phu Tử - đây chỉ Khổng Tử
(2) Khí bẩm: Nguyên khí bẩm sinh của con người
(3) Nghiệp thiện: Nguyên văn “bạch nghiệp” theo quan niệm nhà Phật gọi nghiệp thiện là bạch (trắng) nghiệp, nghiệp ác là hắc (đen) nghiệp
(4) Ao Phượng: Nay đã bị lấp, vị trí ở giáp đường cái lớn bên tả tam quan chùa xưa
(5) Giếng Ngọc: Đây chỉ giếng chùa, có tiếng ngon nước
(6) Tiếng hoà bình, ý muốn nói nhắc lại một thời chiến tranh chống Lê Trịnh của nhà Tây Sơn và chống quân xâm lược Mãn Thanh và các cuộc nổi dậy chống triều đình
(7) Xin đọc chú thích số (8)
Như chú thích số 1 đã nói làng ta xưa có 5 ngôi chùa, 4 ngôi chùa kia đều ở phía nam chùa Thượng Phúc, đây không rõ tác giả nói bia của chùa nào, có lẽ vì một lý do gì đó mà tác giả không muốn đề cập một cách cụ thể
(8) Thăng Phủ tên tự của Trương Hán Siêu (...- 1354) người viết văn bia chùa Khai Nghiêm, bia Tháp Linh tế núi Dục Thuý, phú sông Bạch Đằng ... “Dùng bia giác ngộ người đời”, ý muốn nhắc đến nội dung tư tưởng của bài ký về Tháp Linh tế ở núi Dục Thuý (Ninh Bình) và bia ký chùa Khai Nghiêm ở Bắc Giang (Xây từ đời Lý) của Trương Hán Siêu, cả hai bài đều có nội dung bài bác đạo Phật; tuy nhiên không hề có ý định bài bác giáo lý của đạo Phật, mà chỉ là đả kích bọn sư sãi xảo quyệt đã bỏ mất lời dạy của Phật, đặc biệt đã đánh rơi mất cái ý nghĩa gốc của chữ “khổ” chữ “không” chỉ lo việc xây chùa tạc tượng rồi dựa vào đó để “không làm mà ăn, không dệt mà mặc”, lôi kéo nhân dân vào con đường mê tín dị đoan, khiến cho nhiều người mê muội làm theo cứ “ngơ ngơ mà đi, ngẩn ngẩn mà theo (ngư ngư nhi du, si si nhi tùng)”, quên mất cái gốc của điều thiện là đạo đức làm người (Đương nhiên là đạo đức của đạo Nho)
(9) Mở rộng mà suy ra: Nguyên văn: Khuếch nhi cung chỉ chữ trong sách Mạnh Tử
(10) Đây định nhắc đến câu trong kinh thi: “tha nhân hữu tâm dư thổn đạc chi” nghĩa là: “Người khác có ý nghĩ việc làm tốt, do tính thiện đã ăn sâu nên người ấy không tự biết là việc làm, ý nghĩ tốt. Ta phải phân tích rõ cho thấy”. Ở đây nói sự giác ngộ đã ăn sâu vào lòng, không cần phải chia ra cung bậc “đốn giác” “siêu giác” gì nữa.
(11) Trâu ngưu: Trâu nước Trâu quê hương của Mạnh Tử nên khi nói tới Mạnh Tử chỉ cần dùng chữ Trâu là đủ, cũng như quê hương Khổng Tử là nước Lỗ nên khi nói đến Lỗ cũng có nghĩa là chỉ Khổng Tử. Vì thế thơ Lê Quý Đôn có câu: “Từ nay Trâu, Lỗ (Khổng, Mạnh) xin siêng học”, và cũng như thế Trâu ngưu ở đây là con Trâu thầy Mạnh Tử, lấy ở tích Mạnh Tử đang ngồi hầu chuyện thì có người dắt trâu đi qua, dáng vẻ của nó rất sợ hãi, vua hỏi dắt trâu đi đâu, người ấy thưa là đưa đi giết lấy máu để tôi chuông, vua động lòng bèn hạ lệnh lấy con dê thay vào. Mạnh Tử khen là vua có lòng nhân đức (hữu giác đức hành). Vua làm việc ấy như một phản ứng tự nhiên, không tự hiểu mình làm việc ấy thì tốt ở chỗ nào. Mạnh Tử mới giảng giải cho vua rõ, lòng nhân đức ấy bắt nguồn từ chỗ vua trực tiếp nhìn thấy con trâu sợ hãi (còn dê có sợ hay không thì chưa trông thấy) nên mới sai lấy con dê thay vào, chứ tuyệt nhiên không phải dùng con dê bé hơn cho đỡ tốn kém, nhờ vậy mà vua mới vỡ lẽ và tỏ ý vui mừng mà nhắc lại câu trong kinh thi: “Tha nhân hữu tâm dư thổn đạc chi” như đã nói ở chú thích số 10 ở trên.
(12) “Người biết trước bảo người biết sau, người giác ngộ trước giác ngộ cho người giác ngộ sau”. Nguyên văn: “Tiên tri giác hậu tri, tiên giác giác hậu giác” chữ trong sách Mạnh Tử
(13) Khắp nơi: Nguyên văn “đại phương” là người rộng rãi, người có danh tiếng cũng có nghĩa là khắp nơi, cũng có thể dịch: “Để các bậc quân tử có danh tiếng ... “

Tháng 4 năm 1997

Nguyễn Mạnh Toàn dịch

----------------------------0o0--------------------------------


NGUYỄN ĐÌNH NGUYÊN BI KÝ

(Diễn ca)

Sống làm người, chết làm Thần

Tiên sinh họ Nguyễn, Đăng Huân, húy mà!

Hưng là tên lúc đẻ ra

Hy Khiêm tên chữ, hiệu là Thạch Am

Hương Đình biệt hiệu còn tên

Tổ tiên đời trước, lưu truyền nghiệp Nho.

Ngụ nơi Phúc Lộc huyện xưa

Nay huyện Phúc Thọ, xã là Hát Môn

Sau xã Hương Ngải tiện hơn

Sinh ra vả lại lớn lên nơi này

Từ cụ Tổ: Tín lâu đời

Đến cụ Cao tổ không dời nghề nông

Song đạo Nho vẫn dốc lòng

Họ dần dần lớn, nối dòng Thi Thư.

Cụ Năng Nhẫn đỗ Sinh đồ

Sinh ba trai ấy, cả ba trưởng thành.

Trai trưởng, trai ba hiệu sinh

Ông nội Năng Quyết tiếng lành đồn xa!

Đạt Đạo tiên sinh là cha

Tên Húy là: Giải, nghiệp Nho vang lừng

Dạy Quốc Tử Giám khóa trung

Dẫu chưa lớn lắm, thế nhưng đã truyền:

"Đời sau có con cháu hiền!!!

Xưa Bà Vương Thị đắp nền từ nhân

Nay bà Dương Thị góp phần

Quả nhiên đã thấy mười phân vẹn mười!

* *

*

Kể từ Tiên sinh chào đời

Gia Long, Giáp Tý, Tháng mười, Hai nhăm

Tiên sinh tính chất lạ lùng:

Cha trước dạy học, gắng công học hành

Đã luôn vượt mọi khó khăn

Trung Hiếu hai chữ, kết vành thắt lưng

Sau đó ghi vào Bùi châm

Để làm lệ chí khích tâm của mình

Thi Hương ba lượt chưa thành

Càng thêm nỗ lực học hành chẳng thôi!

Năm Mậu Tý đạt niềm vui

Thi Hương, thi Hội cả đôi thứ nhì

Thi Đình, thứ nhất tên đề

Năm vua Minh Mệnh, đương khi thứ mười

Tiên sinh hăm sáu tuổi đời

Tuổi tuy còn trẻ, hơn người: đỗ cao

Nhưng Tiên sinh không lúc nào

Cho là vinh hạnh, ra vào kiêu căng!

Vẫn luôn giản dị bình thường

Cẩn thân, cẩn mục theo đường người xưa.

Trong làng xóm lúc bấy giờ

Đem tâm xây dựng cơ đồ tiến lên!

Vào làm quan lúc đầu tiên:

Hàn lâm Tu soạn, rồi lên Điện Bàn

Được bổ Tri phủ chức quan

Hai chữ "Thanh bạch" lấy làm sáng soi

Dân càng tin tưởng đương thời

Cho gì chẳng nhận, kính mời chẳng ăn

Gặp khi giá họa vu oan

Hạn làm điền bộ, chức quan tạm huyền

Hàn lâm Thị giảng về bên, Sau xung Thực lục Tu biên chưa ngừng

Rồi xung Lễ Bộ Lang Trung

Nhà ..................................... cùng Quảng Nam

Dân phủ cũ nghe được tin

Tranh nhau bái yết, bạc tiền kính dâng

Không nhận một chữ một đồng

Dân theo khóc tiễn qua vùng mới thôi!

* *

*

Tiên sinh chí đạo hơn người

Xử Kỷ - tiếp vật ... Đương thời mến yêu

Minh Mệnh, mười tám đương triều

Tháng mười Đinh Dậu, hiểm nghèo bệnh lâm

Ngày mười hai đã từ trần

Ở nơi quan sở, khôn cầm tiếc thương

Hòm riêng mở thấy rõ ràng:

Không một tấm vóc, đồng vàng cho cam

Đến khi làm lễ Liệm Khâm

Đông y một bộ áo quần mới ban

Ai trông mà chẳng thương tâm

Các quan đều lấy Thơ văn viếng Người.

Viện Ngự Sử đã tâu lời...

Vua phê: "Trước đã chót ... rồi ... làm sao?

Nay đành Truy tặng như sau:

Chiểu phẩm cấp Tuất thưởng hầu Ba trăm

Một trăm chi sau việc tang

Trăm vợ con hưởng, Trăm ban mẹ già

Lệnh cho các quan ấy là:

Chuyển linh cữu đó, đi qua Hạt mình

Đặc biệt là quan Thừa Thiên

Sửa soạn đầy đủ tàu thuyền tiễn đưa

Về nơi sinh quán quê nhà

Tiên sinh khi mất tuổi ba mươi ngoài

Đến khi cát táng đồng Gai

Thị Chuyên là vợ, con trai hai chàng

Trưởng là Điện, thứ là Hương

Tiên sinh khi trước đã từng đặt tên.

* *

*

Than ôi! Quân tử người hiền

Muốn lâu tồn tại ở trên cõi đời

Nhưng mà chẳng được ai ơi!...

Tiên sinh trước đã nói lời thở than!

Song tiên sinh vẫn mãi còn

Xem như vua đã bút son ghi đề

Tiếng Thanh Liêm được truyền đi

Trăm đời bốn bể - Đợi gì đến Bia

Lấy tình làng nước bạn bè

Nên ông Nguyễn Sắt nặng vì tiên sinh

Muốn nêu những nét điển hình

Chỉ e văn lý của mình không hay

Mượn lời quê kệch sau đây

Gọi là mấy chữ tỏ bày tiếc thương

Sau này ai theo được chăng?

Tiên sinh đi đó! tìm đường về đâu?

Dù chết sớm, dù sống lâu

Hồi suy, lúc thịnh ai nào biết cho

Người quân tử có bao giờ

Nghĩ đến như vậy, sót sa tấc lòng!

Hương Ngải, mùa xuân năm Ất Sửu (1985)

Kẻ hậu sinh xin phụng dịch diễn ca

Văn Lang - Nguyễn Hữu Khác


Gia Phả Nguyễn Đăng, Hương Ngải
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Nguyễn Đăng, Hương Ngải.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Nguyễn Đăng, Hương Ngải
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.