HỌ LÊ LIÊU XÁ
LỜI NÓI ĐẦU
Nước có quốc sử, nhà có gia phả.Mục đích của việc viết gia phả là ghi chép lại nguồn gốc của tổ tiên và lịch sử của dòng họ để con cháu đời sau được rõ.
Cây sinh từ gốc, nước chảy từ nguồn
Cây nhờ gốc mà sinh ra vạn cành muôn lá.
Nước từ nguồn mà tỏa ra trăm suối ngàn sông
Gốc nguồn tiên tổ cha ông.
Nếu ai không nhớ thì không nên người.
Tiên tổ, dòng tộc chính là khí thiêng hun đúc nhân tài.Họ Lê ta là một dòng họ lớn, nhiều đời khoa bảng, việc chép gia phả của dòng họ đã được tổ tiên rất quan tâm, các thế hệ nối tiếp nhau ghi chép đầy đủ.Trước đây các chi phái trong dòng họ, chi nào cũng có gia phả riêng của chi họ mình, như ở Liêu Xá thì hầu như nhà nào cũng có. Nhưng sau hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ trong đó có cuộc cải cách ruộng đất và một số nguyên nhân khác đã làm cho nhiều gia đình và chi họ không còn giữ được gia phả nữa dẫn đến tình trạng nhiều người không còn biết được nguồn gốc tổ tiên.
Gia phả là tài liệu cũ từ xưa để lại thì ngày càng mai một, tài liệu mới thì tam sao thất bản không còn chính xác thậm chí có nhiều chỗ người viết tự tiện viết sai đi cả nguồn gốc tổ tiên và lịch sử của dòng họ khiến đời sau không còn biết đâu là thật đâu là giả.
Để khắc phục tình trạng trên, với mong muốn có một quyển gia phả chính thống trong dòng họ. Cuộc họp đại diện các chi phái trong dòng họ tổ chức vào ngày 29 tháng 8 năm 2004 đã thống nhất và quyết định cử tôi đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức và lo việc làm gia phả cho toàn dòng họ.
Đây là công việc không dễ chút nào vì từ trước tới nay chưa có một tài liệu nào viết chung về toàn thể và đầy đủ các chi phái trong dòng họ.
Với một dòng họ có chiều dày lịch sử gần 600 năm đã phát triển trên 20 thế hệ gồm 24 chi phái đã tỏa ra sinh sống ở nhiều miền đất nước từ hàng trăm năm nay thì việc sưu tầm được tài liệu để viết ra một cuốn gia phả chung cho toàn dòng họ cũng là một điều rất khó.
Song cũng may là từ nhiều năm nay tôi đã rất quan tâm đến công việc của họ nên đã tích lũy được một số kiến thức nhất định về lịch sử tổ tiên và cũng đã giữ gìn, thu thập được một số tài liệu viết về dòng họ, trong đó quan trọng nhất là quyển gia phả gốc của tổ tiên từ xưa để lại vẫn còn lưu giữ được nên việc tra cứu cũng có nhiều thuận lợi.Tôi viết ra quyển gia phả này với mục đích khi đọc bà con các chi phái trong dòng họ Lê ta hiện nay cũng như các thế hệ sau này biết rõ được chính xác về nguồn gốc tổ tiên và lịch sử của dòng họ, đồng thời tất cả những ai dù là ở đâu sinh trước những năm 1980 nếu là hậu duệ của cụ tổ Lê Phúc Tiên ở Liêu Xá khi đọc đều có thể hiểu được mình ở đời thứ mấy, thuộc chi phái nào ông cha cụ kỵ là ai đều có để mà tra cứu.
Tuy nhiên đây là quyển gia phả đầu tiên viết chung về toàn thể các chi phái trong dòng họ với một phạm vi quá lớn cả về thời gian, không gian và lịch sử cho nên tôi đã hết sức cố gắng sưu tập để viết cho đầy đủ và chính xác, song chắc rằng còn có chỗ sai sót, mong rằng bà con phát hiện và góp ý để làm cho quyển gia phả của dòng họ ta được hoàn hảo hơn.
Riêng về phần tiểu sử cũng như chức tước, học vị, bằng cấp trong gia phả này chủ yếu chỉ ghi ở phần thứ nhất là phần viết về tổ tiên từ cụ thủy tổ đến các cụ tổ các chi, về học vị bằng cấp cũng chỉ ghi các cụ đỗ đạt thời nho học.
Còn ở phần thứ hai, chủ yếu dựa vào tài liệu thống kê ở các chi từ những năm 1980 để viết. Bản thân các tài liệu này đã có sai sót, khi biên soạn phát hiện được tôi đã sửa lại và những chỗ nghi ngờ tôi đã đi xác minh lại một số trường hợp nhưng cũng còn nhiều nơi không có điều kiện để điều tra lại do đó sự sai sót về tên tuổi trong danh sách ở các chi trong phần hai là không thể tránh khỏi, chủ yếu là từ đời thứ 17, 18 trở đi.
Khi sử dụng gia phả này, các chi hoặc các gia đình cần bổ xung tên các cháu mới sinh thêm vào danh sách và sửa lại những chỗ thấy có sai sót ở gia đình và chi mình.(Cột số ở đầu dòng bên trái mỗi trang là cột ghi các thành viên trong gia phả thuộc đời thứ mấy được tính từ cụ thủy tổ Lê Phúc Tiên là đời thứ nhất).
Trong quá trình biên soạn có sự tham gia của Lê Hữu Trí và Lê Trọng Tuấn đời thứ 17.
Người biên soạn gia phả. Lê Hữu Châu Đời thứ 16
VÀI NÉT TÓM TẮT VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ LÊ GÔC LIÊU XÁ
Tiên tổ ta xưa đến lập nghiệp tại đất Cổ Liêu tức Liêu Xá từ giữa thế kỷ 15 vào đời Hồng Đức Nhà Lê. Trải qua khoảng thời gian hơn 500 năm đã phát triển đến đời thứ 22,23. Nguyên làng Liêu Xá ta tọa lạc trên mảnh đất có con sông Hồ Lô uốn lượn bao bọc ba mặt, tạo nên thế đất hình cái bầu. Liêu Xá ta ở giữa cái bầu nơi phình ra to nhất. Tương truyền rằng ông Tả Ao, một nhà địa lý nổi danh thời xưa đã có lần qua đây, nhìn thế đất ông đã nói rằng : “ Liêu Xá cái bầu, Thiên kim nan cầu “ có nghĩa là Kiểu đất hình cái bầu ở làng Liêu Xá dẫu có nghìn vàng cũng khó mà tìm được. Làng Liêu Xá xưa thuộc huyện Đường Hào, Phủ Thượng Hồng, Trấn Hải Dương nay là huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên. Trong giai đoạn Việt nam dân chủ cộng hòa có đổi tên thành xã Hoàng Hữu Nam một thời gian ngắn, sau lại đổi thành Liêu Xá như cũ.
Từ thời Lê rồi trải qua suốt thời Nguyễn, xã Liêu Xá cũng chỉ có ba thôn Nhất xã tam thôn gồm các thôn Văn xá, Vũ xá, Ông Hảo. Về quan hệ trong xã thì thôn Văn và thôn Vũ gắn bó nhau hơn, thường là có bà con họ hàng với nhau, lại cùng chung một vị Thành hoàng và chung Văn chỉ thờ đức Khổng Tử nên tuy hai thôn nhưng cũng như một. Giữa thôn Văn và thôn Vũ thì thôn Văn to hơn, nhiều nhân khẩu hơn nên tất cả mọi thứ như việc sưu, thuế, đi phu , đi lính, đóng góp với tổng với huyện... cứ phân bổ theo tỷ lệ Văn tam, Vũ nhất. Ngay cả việc không nằm trong quy định như việc sinh tử cũng thường diễn ra như vậy. Nên ngày xưa cứ làng Văn có ba người qua đời thì làng Vũ có một người và ngược lại cho đủ Văn ba, Vũ một.
Người đứng đầu chính quyền xã được gọi là Lý trưởng. Ngày xưa vì xã nhỏ như vậy nên trên cấp xã còn có cấp Tổng. Các xã Liêu Xá, Liêu Thượng, Liêu Hạ, Liêu Trung , Liêu Thụy...hợp lại thành một Tổng gọi là Tổng Liêu Xá.
Người đứng đầu một Tổng gọi là Chánh tổng, nhiều Tổng hợp lại mới thành một Huyện.
Liêu Xá cách kinh thành Thăng Long xưa, Thủ đô hà Nội ngày nay 30 Km về phía Đông. Từ Hà Nội đi theo Quốc lộ 5 đến phố Nối thì rẽ phải theo đường 39 đi Hưng Yên hơn 01Km thì đến nơi. Về vị trí địa lý Làng Văn Xá giáp thôn Ông Hảo, Đông giáp thôn Liêu Thượng, Tây là sông Hồ Lô và thôn Vũ Xá còn phía nam là cánh đồng Mốt rồi đến thôn Liêu Trung.
Tổ tiên ta từ cụ thủy tổ là Lê Phúc Tiên, cụ tổ đời thứ hai là Lê Chính Tín, cụ tổ đời thứ ba là Lê Chính Lộ, cụ tổ đời thứ tư là Lê Chính Đạo đều ở Liêu Xá. Sang đến đời thứ năm thì chia thành hai ngành lớn
Ngành trưởng cụ tổ là Lê Quang Nghi ở lại Liêu Xá phát triển thành 18 chi.
Ngành thứ cụ tổ là Lê Ly tức Lê Lội vào ở Diễn Châu Nghệ An phát triển thành 6 chi.
Tổng cộng toàn dòng họ là 24 chi sau đây :
1. PHÂN DÒNG CỤ LÊ QUANG NGHI
a. Ngành cụ Lê Hữu Toán (Thời).
a.1 Chi cụ Lê Hữu Đức Ở Yên Hưng Quảng Ninh.
a.2 Chi cụ Lê Hữu Ân Ở Yên Hưng Quảng Ninh.
b. Ngành cụ Lê Hữu Vinh.
b.1 Chi cụ Lê Hữu Tăng Ở Liêu Xá Hưng Yên.
b.2 Chi cụ Lê Hữu Nhuyễn Ở Liêu Xá Hưng Yên.
b.3 Chi cụ Lê Hữu Ngật Ở Liêu Thượng Hưng Yên.
c. Ngành cụ Lê Hữu Danh
c.1. Chi cụ Lê Hữu Thự Ở Đình Tổ Bình Giang Hải Dương.
c.2. Chi cụ Lê Hữu Hộ Ở Đình Tổ Bình Giang Hải Dương.
c.3. Chi cụ Lê Hữu Huệ Ở Đình Tổ Bình Giang Hải Dương.
c.4. Chi cụ Lê Hữu Hứa Ở Hương Sơn Hà Tĩnh.
c.5. Chi cụ Lê Hữu Ngự Ở Hương Sơn Hà Tĩnh.
c.6. Chi cụ Lê Hữu Chích ở Nam Kim Nam Đàn Nghệ An.
c.7. Chi cụ Lê Hữu Đỏ ở Hương Sơn Hà Tĩnh.
c.8. Chi cụ Lê Hữu Chù ở Liêu Xá Hưng Yên.
c.9. Chi cụ Lê Hữu Tuấn ở Lamn Đình Khoái Châu Hưng Yên.
c.10. Chi cụ Lê Hữu Trác ở Hương Sơn Hà Tĩnh.
c.11. Chi cụ Lê Hữu Cẩn Ở Liêu xá Hưng Yên.
c.12. Chi cụ Lê Hữu Nột ở Mọc Quan Nhân Hà Nội.
c.13.1. Chi cụ Lê Hữu Dung ở Phương Triện Gia Bình Bắc Ninh
c.13.2. Tiểu Chi cụ Lê Hữu Kiệm ở Nghĩa Lương Lục Nam Bắc giang.
2.PHÂN DÒNG CỤ LÊ LY (LÊ LỘI).
d.1. Chi cụ Lê trọng Châu ở Diễn Châu Nghệ An.
d.2. Chi cụ Lê Lâm Điền ở Diễn Châu Nghệ An.
d.3. Chi cụ Lê Thạc Phụ ở Diễn Cát Diễn Châu Nghệ An.
d.4. Chi cụ Lê Văn Rượu ở Diễn Châu Nghệ An.
d.5 .Chi cụ Lê Mạc (Đạo Cao ) ở Vân Tập Diễn Châu Nghệ An.
d.6. Chi cụ Lê Huy Tám ở Hậu Luật Diễn Châu Nghệ An.
PHẦN NGUỒN GÔC VÀ MỐI LIÊN HỆ TỪ CỤ THỦY TỔ LÊ PHÚC TIÊN ĐẾN CÁC CHI CÁC PHÁI DÒNG HỌ LÊ GỐC Ở LIÊU XÁ, YÊN MỸ, HƯNG YÊN.
Trải qua hơn 5 thế kỷ , từ đời Hồng Đức nhà Lê đến nay, dòng họ Lê ta đã phát triển ra khắp mọi miền đất nước Việt Nam và một số nước trên thế giới với hơn hai mươi thế hệ, có nơi đã phát triển đến đời thứ 22 với số lượng đến trên 3000 người. Thời gian bà con họ Lê tỏa đi sinh sống và định cư ở khắp mọi nơi chủ yếu là vào giữa và cuối thế kỷ thứ 20. Cụ thể vào thời gian kết thúc chiến tranh chống Pháp và tiếp đó thời gian chống Mỹ thắng lợi, nước nhà được thống nhất và hòa bình. Trước thời gian đó, từ khoảng năm 1945 trở về trước thì họ Lê ta chỉ tập trung ở một số nơi sau đây
1. Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên nơi gốc tổ.
2. Diễn Châu - Nghệ An.
3. Hương Sơn - Hà Tĩnh.
4. Yên Hưng- Quảng Ninh.
5. Bảo Triện - Bắc Ninh.
6. Khoái Châu - Hưng yên.
7. Đình Tổ - Hải Dương.
8. Quan Nhân - Hà Nội.
Trước đó người đầu tiên rời quê tổ đi lập nghiệp nơi khác là cụ Lê Ly đời thứ 5 (Em cụ Lê Quang Nghi) vào lập nghiệp tại thôn Hậu Luật xã Nguyên Xá, Diễn châu, Nghệ An vào cuối đời Lê Cung Hoàng ( Khoảng năm 1527) còn lại hầu hết ra đi vào thời Cảnh Hưng nhà Lê (1740-1786). Các cụ Lê Hữu Tán, Lê Hữu Đề, Lê Hữu Trác vào Hương Sơn Hà Tĩnh từ đời đầu Cảnh Hưng. Cụ Lê Công Bồi ra Quảng Ninh. Cụ Lê Hữu Thư đến Bảo Triện Bắc Ninh. Cụ Lê Hữu Tuấn đến Lan Đình Quan Xuyên. Cụ Lê Hữu Trung đến Đình Tổ Hải Dương. Đều vào thời Cảnh Hưng nhà Lê. Các cụ tổ tiên khi xưa ra đi lập nghiệp ở nơi khác có vài lý do khác nhau. Người thì về quê mẹ ở như cụ Tán, cụ Đề , cụ Trác, người thì về quê vợ lập nghiệp như cụ Lê Công Bồi, Lê Hữu Thuấn , Lê Hữu Thư...nhưng đều có một lý do chung, đó là vào thời Hậu Lê vùng Hải Dương, Liêu Xá luôn luôn loạn lạc, giặc cướp liên miên khiến các cụ ta phải tìm đi nơi khác, việc này đã được chép trong gia phả và văn bia.
Cụ thể gia phả chi Diễn Châu có ghi Cụ Lê Ly ra đi với lý do Tổ tiên họ Lê Huy ta phát nguồn từ trấn Hải Dương, huyện Đường Hào, Làng Liêu Xá, Tổ lánh nạn loạn nhà Mạc Thác tính vào Hoan Châu, huyện Đông Thành xã Nguyên Xá làng Hậu Luật vào năm 1527 triều Lê Cung Hoàng bị nhà Mạc chiếm ngôi.
Thời cụ Lê Hữu Kiều, vùng Liêu Xá cũng có loạn. Trong quyển văn bia họ Lê trang 37 có ghi Năm Canh Thân ( 1740) có loạn, vâng lệnh rước Thần chủ về kinh. Tức là vì ở quê có loạn phải rước bài vị cụ Hoàng Giáp Lê Hữu Danh về kinh để thờ mãi đến năm Quý Dậu 1753 địa phương mới dần yên bèn rời nhà thờ Từ đường vào xóm giữa trong thôn, rước đặt Thần vị Tiên khảo ( Cụ Danh) về thờ ở đó. Bài vị cụ Danh ở giữa, thờ cụ Bà bên tả, bên hữu thờ ông bà tổ tiên các đời trước.
Thời cụ Kiển Liêu Xá cũng có loạn nên đến năm Mậu Thìn , niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 cụ Kiển tức Lê Trọng Tín đỗ Tiến sĩ . Vì quê có loạn nên phải làm lễ vinh quy bái tổ ở dinh cụ Thượng thư Lê Hữu Kiều là chú ruột ở Kinh thành.
Trong Thượng kinh ký sự cụ Lê Hữu Trác Hải Thượng Lãn Ông có câu nói rằng vì tránh loạn lạc nên phải vào quê ngoại đất Hoan Châu. Sang đến đời nhà Nguyễn thì đất Hưng Yên ta cũng chẳng được thanh bình vì nơi đó có vùng Bãi Sậy, căn cứ của nghĩa quân Tán Thuật, quân Pháp và quân triều đình nhà Nguyễn cũng về đánh dẹp liên miên, nhân dân rất là khổ sở.
TÌM LẠI CỘI NGUỒN
Tổ tiên ta xưa khi rời gốc tổ đến nơi ở mới hầu hết đều có ghi chép truyền lại cho con cháu biết nguồn gốc của mình, như trong gia phả chi Diễn Châu Nghệ An có ghi Tổ tiên họ Lê Huy ta phát nguồn từ trấn Hải Dương, huyện Đường Hào làng Liêu Xá hoặc còn khắc cả vào hoành phi câu đối như chi Yên Hưng Quảng Yên có câu đối rằng : “ Mộc bản thủy nguyên, dịch diệp Mỹ Hào chi phái “, vế sau là : “ Xuân thường thu tự, ức niên An Quảng tử tôn “ để nhắc cho con cháu mãi mãi biết rằng : Chi họ Lê ta nguồn gốc ở huyện Mỹ Hào ( có thời gian Liêu Xá ta thuộc huyện Mỹ Hào). Nhưng ngày xưa phương tiện thông tin liên lạc rất khó khăn, đường xá giao thông trắc trở nên những nơi ở xa như Nghệ An, Hà Tĩnh có khi hàng trăm năm không liên lạc gì với quê hương Liêu Xá, nhất là sau khi nhà Lê sụp đổ qua Tây Sơn rồi qua triều Nguyễn, địa danh như tỉnh huyện cũng thay đổi nên cũng chẳng biết đâu mà tìm.
TÍN HIỆU ĐẦU TIÊN.
Đầu đời Cảnh Hưng (1740-1786) cụ Lê Hữu Kiển tức Lê Trọng Tín là con trai cụ Lê Hữu Mưu sau khi đỗ tiến sĩ được bổ vào làm Đốc Đồng Thanh Hoa rồi đốc trấn Nghệ An. Trong thời gian này cụ có sai người về Diễn Châu Nghệ An để tìm chi họ Lê ở đây. Lúc đấy cụ tổ phân chi 2 Diễn Châu Nghệ An là cụ Lê Đình Viên tức cụ Lâm Điền đang đi vắng, đến học ở huyện Nam Đàn. Được tin, cụ Lâm Điền về tỉnh để yết kiến cụ Trọng Tín thì khi ấy cụ Đốc Đồng Lê Trọng Tín đã trở về Thăng Long mất rồi. Qua sự việc này, tuy chưa nhận được nhau nhưng cũng đã phát ra tín hiệu đầu tiên. Lại bẵng đi hơn trăm năm sau, trải qua triều Nguyễn mãi đến năm Duy Tân thứ 6 (1913) có ông Lê Liêm đi lính đóng ở đồn Phả Lại Hải Dương, cha là cụ Lê Xuân ra đồn Phả Lại thăm con. Biết được họ Lê phát tích ở xã Liêu Xá Đường Hào Hải Dương, cha con bàn nhau tìm đến tận nơi để hỏi cho được nguồn gốc.Tìm được đến làng Liêu Xá, họ Lê, cha con tự giới thiệu theo trong gia phả họ Lê ở Đường Hào Liêu Xá, qua phần dẫn chứng nói trên có phần đúng sự thật. Cha con cụ Xuân xin phép biện lễ bái yết các vị thần tổ, cuộc bái yết xong họ hàng chuyện trò vui vẻ. Họ Lê ở Liêu Xá biết rõ ở Nghệ An, Hạnh Lâm, Diễn Châu có một chi, đinh tài lưỡng vượng, văn học tinh thông, lại giới thiệu thêm ở Tình Diễm Hương Sơn Hà Tĩnh có một chi nữa.
Cụ Tú Tài Lê Hữu Mô đời thứ 14 có gửi một bức thư về Diễn Châu mừng họ, thư viết bằng chữ Hán do cụ Lê Song Phượng dịch lại như sau:
“ Ngày 13 tháng 5 Duy Tân thứ 6 (1913) có tiếp ông Lê Xuân, Ông đưa trình giấy thông hành và trình bày gia phả của tổ tiên trước là người ở đây là dòng dõi của họ Lê ở Liêu Xá, lại nhân đi thăm con là Lê Liêm đi lính ở đồn Phả Lại, nên mới tới được xứ này đi tìm gốc tích tiên tổ nhà mình. Cũng trong ngày ấy, bà con trong họ ngoài này họp lại để bàn bạc và điều tra trong gia phả. Thêm vào có ông Xuân cho biết nên mới thấy rõ là họ Lê ở đây có một chi ở xã Hạnh Lâm thịnh vượng, đông đúc. Hiện còn có một Tú tài nối đời khoa mục làm vẻ vang tiên tổ, như thế cũng rất là vui. Hỏi đến thế hệ chi phái thì Ông Xuân không rõ, hỏi đến chi nhánh ở Tĩnh Diễm thì ông cũng không biết và ngạc nhiên. Ông chỉ có lòng thành và nghìn dặm xa xôi đi tìm nguồn gốc, dòng dõi của tổ tiên. Như vậy tấm lòng đó cũng cảm động đến tiên tổ và bà con họ hàng ở đây rất nhiều. Ngày hôm sau ông biện lế hương đăng trà tửu để bái yết nhà thờ và mời anh em trong họ đến chuyện trò vui vẻ thân mật. Sau, xin kính chúc bà con trong họ khỏe mạnh , kính chúc ông Xuân, người anh hiền , người cháu tốt của chi ta đi về được bình an vô sự “. Kính thư. Tú tài Lê Hữu Mô ký tên. Ngày 135 Duy Tân thứ 6 (1913).
Sau đó cụ Lê Hữu Dự đời thứ 15 là con của cụ Tú Tài Lê Hữu Mô đã vào thăm chi họ Lê ở Diễn Châu Nghệ An và Hương Sơn Hà Tĩnh để nối lại quan hệ họ hàng. Lại nói sau khi tìm được gốc tiên tổ ở Liêu Xá, gặp được bà con họ Lê biết rõ tình hình và nguồn gốc tổ tiên xưa cụ Lê Xuân có viết lại một bài ký với nội dung như sau :
“ Khi đi thăm con là Lê Liêm làm lính ở đồn Phả Lại, cơ vận xui khiến cụ quyết tâm nhân đi thăm con mà mang theo gia phả của chi Diễn Châu, nơi mà tổ đường có đôi câu đối ( Hải Đường phát tích, Hoan Diễn khai cơ) có nghĩa là Họ Lê nguồn gôc phát tích ở huyện Đường Hào Hái Dương và khai cơ lập nghiệp ở Hoan Châu Nghệ An để tìm về quê tổ ở Liêu Xá. Lần này đã gặp được cụ Lê Hữu Mô ở Liêu Xá, được giới thiệu họ hàng, thăm quê tổ và được biết thêm còn một chi họ Lê ta nữa ở hương Sơn. Cụ kể lại lộ trình tìm về quê tổ và tình hình ở quê tổ Liêu Xá với bài viết nhan đề LÊ TỘC TIÊN TỔ SỰ TÍCH TƯƠNG TRUYỀN KÝ như sau : “ Lê tộc tiên tổ phát tích tự Hải Dương trấn, phủ Bình Giang huyện Đường Hào , nay là tỉnh Hưng Yên huyện Mỹ Hào. Tổng và xã đều là Liêu xá. Trong xã có chia làm thôn Văn Xá, Vũ Xá, Ông Hảo. Tiên tổ nhà ta hiện nay thuộc tỉnh Hưng Yên, huyện Yên Mỹ, xã Liêu Xá thôn Văn Xá. Dân cư hợp cộng bốn thôn Liêu Thượng, Văn Xá , Vũ Xá , Ông Hảo. Ba mặt Bắc, Tây , Đông của cụm dân cư này có con sông nhỏ uốn quanh. Có một cầu bằng đá tên là cầu Văn Xá, một cầu tre tên là cầu Ông Hảo, phía Đông có một cầu gạch và đá tên là cầu Liêu Thượng, phía Tây có một cổng làng gọi là cổng Văn Xá có đề ba chữ đại tự Cổ Liêu Hương, một cổng gạch phía Bắc tên là cổng Ông Hảo, theo tra cứu gia phả thì thủy tổ tên là Lê Phúc Tiên, tộc trưởng coi giữ từ đường là Lê Hữu Hợp, Thần tổ đời thứ bảy là cụ Tả thị Lang Hồng Phái Bá Lê Hữu Dụng. Thần tổ đời thứ Tám là cụ Hoàng Giáp Lê Hữu Danh. Tổ Hoàng Giáp tướng công có ba con giai thi trúng Tiến sĩ nên người đương thời gọi là Phụ tử đăng khoa, Huynh đệ đồng khoa. Hoàng Giáp nguyên lấy vợ họ Dương sinh ba Tiến sĩ nên thần dân lại nói : “ Dương thị hữu tiến sĩ sàng “. Tức là gái họ Dương có giường tiến sĩ. Thứ đến Tiến sĩ Lê hữu Mưu hàng tổ thứ chín, đến nay có hai tòa tổ đường, một gạch ngói một phên tre, nay trưởng chi là Lê Hữu Chiểu coi giữ. Chi này có cụ Tú tài Lê Hữu Mô có con là Lê Hữu Dự. Tú tài Lê hữu Mô sau đổi là Lê Hữu Tường thi trúng tú tài năm Giáp Ngọ. Tiến sĩ Lê Hữu Kiều hàng tổ chín, nhận chức quan đến Quận Công , hiện còn sắc chỉ 14 đạo, tổ đường chi này có một tòa ba gian gạch ngói, hiện tại do chi trưởng Lê Hữu Ngân coi giữ. Lê Trọng Tín là con cụ Lê Hữu Mưu có thời gian làm quan Đốc Đồng tỉnh Nghệ An. Khu mộ tổ có mộ tổ đời thứ 6 là mộ Thiên táng phát tích theo người đời lưu truyền , bởi vậy mà họ này Thế thế xuất công hầu. Trong khu mộ có tướng công Lê Hữu Hỷ một mộ, Quận Công Lê Hữu Kiều một mộ, Tướng công Lê Trọng Tín một mộ, còn mộ cụ Hoàng Giáp Lê Hữu danh ở làng khác, đối vọng bốn mộ có thể nhìn thấy nhau “.
Thế là từ khi cụ Lê Ly đời thứ 5 ra đi từ cuối đời Lê cung Hoàng vào khoảng năm 1527 đến đời cụ Lê Xuân đời thứ 15 mới tìm được về nơi gốc tổ ở Liêu Xá vào năm 1913, xa cách nhau đã trải qua 11 đời với khoảng thời gian gần 400 năm mới tìm lại được cội nguồn. Đối với chi Hương Sơn Hà Tĩnh thì thời gian mất liên lạc với gốc tổ liêu xá ngắn hơn vì đời Cảnh Hưng các cụ Lê Hữu Tán, Lê Hữu Đề và Lê Hữu Trác mới theo mẹ về quê trong đó. Nhưng đến ngày 10 tháng 9 âm lịch năm 1782 vào cuối đời Cảnh Hưng trong dịp lên kinh chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán cụ Trác có về thăm quê hương Liêu Xá một lần. Đến tháng 3 năm 1937 chi Hương Sơn, Hà Tĩnh do cụ Lê Xuân Dư đời thứ 15 dẫn một đoàn gồm bảy người trong đó có cụ Lê Hữu Vựng, Lê Hữu Tài, ông Lê Xuân Tấn và Lê Hữu Quán...về thăm lại quê hương Liêu Xá.
Sau thời gian 156 năm, trải qua 6 đời. Việc tìm được về quê hương Liêu xá đối với chi Hương Sơn Hà tĩnh cũng không dễ dàng gì, vì sang thời Nguyễn thì tên tỉnh, tên huyện đều thay đổi cả không còn là huyện Đường Hào trấn Hải Dương như ghi trong gia phả nữa nên chăng biết ở đâu mà tìm. May mà đến năm 1936 ông Lê Xuân Tấn là con trai đầu của ông Lê Xuân Dư làm việc ở tòa Khâm sứ thành phố Vinh Nghệ An vẫn để ý tìm kiếm, có một lần thấy có một người đến trình giấy phép trong giấy ghi là người ở Hải Dương ông Tấn liền ân cần hỏi han qua ông này mới biết được rằng Đường Hào Hải Dương đến nay đã đổi thành Yên Mỹ Hưng Yên rồi và ông này còn mách giúp cho biết đường lối về Liêu Xá thì phải về Phố Nối như thế nào, qua những đâu...Nhờ đó mà mới có địa chỉ để liên hệ và tìm về được.
Đối với chi họ ở Đình Tổ, Bình Giang , Hải Dương thì cách Liêu xá không xa lắm nhưng gia phả lại không ghi rõ nguồn gốc và tên họ cụ tổ đầu tiên về đấy là cụ Lê Hữu Trung cũng không có mà chỉ ghi từ đời các con của cụ Trung là các cụ Lê hữu Lễ , Lê Hữu Thọ... việc tra cứu rất khó khăn nên bẵng đi một thời gian dài không liên lạc được. Ở Liêu Xá vẫn biết có một chi họ ở Bình Giang, Hải Dương nhưng không biết rõ ở đâu nên chưa tìm được. Mãi đến khoảng 1985- 1986 có ông Lê Hữu Phác làm nghành Đông y đã về hưu ở quận Hai Bà Trưng Hà Nội, ông Lê Hữu Chân cũng là cán bộ hưu trí ở quận Hai bà Trưng. Một lần đi lĩnh lương hưu, ngồi chờ lĩnh lương mới nói chuyện rồi hỏi thăm nhau biết rằng ông Phác cũng là Lê Hữu mà quê ở Đình Tổ Cẩm Bình tức Bình Giang tỉnh Hải Dương ông Chân liền làm quen tìm hiểu, hai ông trở nên quen nhau thường xuyên đi lại thăm hỏi lẫn nhau, nhưng khi tra cứu về nguồn gôc ở gia phả thì không sao rõ được. Vì ông Phác chỉ biết gia phả ở Đình tổ chỉ ghi có cụ Thọ , cụ Lễ là các cụ đầu tiên ở Đình Tổ, mà gia phả ở Liêu Xá thì không có cụ nào là cụ Thọ và cụ Lễ cả. Phải mất đến vài ba năm quan hệ một cách mập mờ như vậy. Sau đó may mà ông Phác tìm được quyển sổ tiên hiền của làng để ở chùa làng, trong sổ tiên hiền có tên cụ Lê Hữu Trung và các con cụ là Lê hữu Lễ , Lê hữu Thọ và có ghi rõ cụ Lê Hữu Trung có vợ là Nguyễn thị Minh nữa. Khi đó mới có đủ cơ sở để kết luận chắc chăn đó chính là cụ Lê Hữu Trung con giai thứ ba cụ Lê Hữu Mưu và nối lại quan hệ họ hàng từ đó.Còn các chi họ như Bảo Triện- Bắc Ninh, Quan Xuyên- Khoái Châu, Liêu Thượng... thì vẫn giữ được liên lạc và quan hệ với gốc tổ Liêu Xá thường xuyên không bị gián đoạn mất liên lac.
TÀI LIỆU SỬ DỤNG VÀ THAM KHẢO
1.Gia phả gốc của họ Lê ( Lê Tộc phả hệ ) bản chữ Hán từ xưa truyền lại.
2.Gia phả Họ Lê ( Lê Tộc gia phả ) bản chữ Hán do cụ Lê Hữu Dự đời thứ 15 biên soạn tháng 6 năm Duy Tân thứ ba ( 1909 ).
3. Gia phả Họ Lê bản chữ quốc ngữ do cụ Lê Hữu Dự đời thứ 15 biên soạn năm Bảo Đại thứ 13 ( 1938).
4.Gia phả Họ Lê ( Lê Tộc Phả ký) bản chữ Hán do cụ Lê Hữu Dụy đời thứ 15 biên soạn tháng Ba năm Bảo Đại thứ 17 ( 1942).
5. Văn bia Họ Lê (ở Liêu Xá ) do Ông Lê Hữu Nhiệm dịch.
6. Lê triều lịch khoa Tiến sỹ quyển thứ tư lưu giữ ở Thư viện Quốc gia, bản dịch của tác giả Võ Oanh.
7.Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam do tác giả Hà Văn Thư và Trần Hồng Đức biên soạn.
8. Gia phả Họ Lê chi cụ Lê Huy Dư ở Diễn châu Nghệ An do cụ Lê Song Phượng đời thứ 16 biên soạn, in tháng 12 năm 2004.
9.Văn xá Lê tộc thế phả lưu ở Viện Hán nôm trung ương.
10.Tài liệu của ông Lê Hữu Hoài đời thứ 16 chi Hương Sơn Hà Tĩnh.
11.Truyện kể về các nhà khoa bảng Việt Nam ( Họ Lê Liêu Xá) của tác giả Việt Anh và Lê Thu Hương biên soạn lưu giũ ở thư viện Học viện Kỹ thuật quân sự.
12. Sách Trạng nguyên Tiễn sỹ Hương cống Việt Nam ( Từ thời Lý đến thời Nguyễn) của các tác giả Bùi Hạnh Cẩn, Minh Nghĩa, Việt Anh.