I- NGÀY LỄ TỔ :
1- Ngày 16 tháng chạp hàng năm là ngày giỗ Tổ họ. Đó là ngày lễ thiêng liêng đối với tất cả con cháu muôn đời. Với mỗi người luôn luôn tâm khảm một điều : Không có gốc thì không có ngọn – Để hành động cho đúng.
2- Đối tượng thăm mộ Tổ là con cháu trong họ từ 16 tuổi trở lên. Những người cao tuổi từ 50 tuổi trở lên và các trưởng chi hãy gương mẫu thực hiện để con cháu noi theo.
3- Nghi lễ ngày giỗ tô:
- Những năm lẻ 5, chẵn 10 cả họ từ 16 tuổi trở lên phải có trách nhiệm đóng góp theo quy định của Ban lễ nghi để lễ tổ, và sau đó mọi người đều chung vui sinh hoạt với tinh thần đoàn kết trong họ.
- Ngoài những năm lẻ 5, chẵn 10, hằng năm họ sắp 1 cái lễ làm theo lễ tổ thật sự trang trọng. Sau khi thăm mộ tổ về mọi người cùng nhau thụ nước. Đồng thời nghe ban lễ nghi thông báo những việc cần triển khai cho năm sau.
4- Ban khánh tiết, ban lễ nghi do họ cử ra dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông trưởng họ. Ông trưởng họ có trách nhiệm điều hành các ban này hoàn thành công việc của họ đề ra.
II- HIẾU NGHĨA :
1- Thăm hỏi :
Những người trong dòng họ bị ốm đau hoặc gặp hoạn nạn, mọi người hãy quan tâm, thường xuyên lui tới thăm hỏi động viên để chia sẻ nỗi đau buồn cùng gia đình và người gặp nạn.
2- Để tang :
Những người con trong dòng họ qua đời (trừ nữ đã lấy chồng) mọi người đều để tang từ 3 tháng trở lên (Khăn tang tự túc).
3- Thăm viếng :
Trong họ có người mất, họ sẽ tổ chức thăm viếng theo nghi lễ quy định ( có văn bản hường dẫn kèm theo).
III- Hỷ :
1- Mừng thọ :
Các cụ 70 tuổi (với nam), 80 tuổi (với nữ) trở lên và đến khi ở khung tuổi lẻ 5, chẵn 10 sẽ được họ tổ chức đến gia đình mừng thọ. Việc mừng thọ sẽ được tiến hành vào chiều 2 tết sau lễ dâng hương và lễ phát thưởng cho học sinh.
2- Cưới gả :
- Các gia đình tổ chức cưới theo phong tục tập quán của địa phương với tinh thần tiết kiệm tránh phô trương hình thức.
- Khi con em mình tìm hiểu người ngoài họ cần chú ý đến tình tiết “Mẹ đi con về” có ngang vai hay lệch vai . Nếu lệch vai thì cha mẹ cần khuyên bảo và tranh thủ ý kiến của ông trưởng họ, trưởng chi và những người cao tuổi để có một lời khuyên kịp thời tránh tình trạng đảo lộn ngôi thứ dẫn đến xích mích đố kỵ gây mất đoàn kết.
IV- VĂN HÓA GIÁO DỤC :
1- Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, của dòng họ đã có từ lâu, các gia đình hãy cố gắng tạo điều kiện thuận lợi về vật chất cũng như tinh thần để cho con em học tập ngày một tiến bộ. Các cháu học sinh thi đua học tập phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ kính yêu, tiến tới lập nghiệp có việc làm và thành đạt. Giáo dục và rèn luyện cho con em tinh thần kiên trì bền bỉ siêng năng học tập không bỏ học giữa chừng, chí ít cũng hết chương trình trung học cơ sở. Đồng thời giáo dục các cháu ra sức tu dưỡng đạo đức biết tôn trọng lẽ phải, kính trọng bề trên, nhường nhịn bề dưới. Mọi người phải đoàn kết thuận hòa trong gia đình, trong dòng họ, trên dưới phân minh rõ ràng, thực hiện nếp sống văn minh ở mọi nơi, mọi lúc, tránh xa những tệ nạn xã hội làm băng hoại phẩm chất đạo đức.
* Quyết tâm phấn đấu cho con em học tập nên người. Đầu tư cho con học tập, nâng cao tri thức tức là cho con một tài sản vô giá.
2- Khuyến học :
Để động viên con cháu trong họ học tập tiến bộ, họ lập ra ban khuyến học để giúp họ làm công việc này.
Quỹ khuyến học do con em trong họ đóng góp. Hàng năm họ tổ chức lễ khen thưởng học sinh học giỏi, học sinh đỗ trung học chuyên nghiệp, học sinh đỗ Cao đẳng, học sinh đỗ Đại học, học sinh đạt giải qua các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, học sinh đạt giải tài năng. Lễ trao giải tiến hành vào chiều 2 tết cùng với lễ dâng hương Tổ và mừng thọ. Phần thưởng được trao trực tiếp tới các cháu theo mức đã quy định ( có hướng dẫn kèm theo).
3- Đối nhân xử thế :
Trong họ luôn luôn đoàn kết gắn bó mật thiết, phải thật sự "Tôn chung kính lẫn" tránh tình trạng xưng hô xô bồ thiếu văn minh lễ độ, phải trên ra trên, dưới ra dưới có tôn ty trật tự từ trong gia đình đến dòng họ. Nghiêm cấm đánh cãi chửi nhau. Đánh cãi chửi nhau là hành vi thiếu xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong họ, và bị mọi người phê phán. Đối nhân xử thế phải kết hợp hài hòa và nhuần nhuyễn ở mọi nơi, mọi lúc, sao cho thật tế nhị, lịch sự.
4- Đặt tên :
Để giữ nguyên bản sắc của dòng họ, từ nay trở đi, khi khai sinh đặt tên cho con cháu nhất thiết phải có chữ Sỹ. Vì nếu không có chữ Sỹ họ Lê ở ta có họ Lê Sỹ, Lê Tuấn, Lê Đăng dẫn đến nhầm lẫn giữa các họ Lê với nhau. Đây là một nguyên tắc có tính chất bắt buộc mọi người trong dòng họ phải thực hiện.
V- TÀI CHÍNH :
TÀI CHÍNH CỦA DÒNG HỌ BAO GỒM CÁC KHOẢN:
1- Do các xuất đinh đóng góp theo định kỳ hàng năm trong tháng giêng. Mức đóng góp bao nhiêu do ban lễ nghi thông báo trong dịp tết lễ Tổ (16 chạp).
2- Do lòng hảo tâm của con em trong họ ủng hộ.
3- Ban tài vụ của họ gồm ông trưởng họ, 1 thủ quỹ kiêm kế toán theo dõi và quản lý việc thu chi quỹ và thông báo quyết toán vào dịp lễ tổ.
4- Không ai có quyền tự ý phân tán hoặc làm thất thoát quỹ họ. Phải coi quỹ họ là tài sản quý báu và là động lực, là sức mạnh để duy trì sự đoàn kết thống nhất trong dòng họ. Cần phải nghiêm khắc xử lý những trường hợp vi phạm đến quỹ họ.
|