HỘI ĐỒNG GIA TỘC
Thôn Lộc Tây, Xã Quế Lộc, Huyện Nông Sơn, Tỉnh Quảng Nam
QUI ƯỚC
XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA GIA TỘC
Để kế thừa và phát huy truyền thống gia tộc, thờ phụng Tổ tiên, ông bà và tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền bối của Tộc Nguyễn Đỗ tại xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Đồng thời giáo dục cho con cháu thực hiện “Nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”, giữ gìn kỷ cương gia Tộc.
Quy ước xây dựng đời sống văn hóa gia tộc gồm có các Chương, Điều như sau:
CHƯƠNG MỞ ĐẦU
Lịch sử cội nguồn dòng tộc
CHƯƠNG II
Cơ cấu tổ chức nhiệm vụ- quyền hạn
CHƯƠNG III
Nội dung quy ước gia tộc
CHƯƠNG IV
Học hành- Lập thân- Lập nghiệp
CHƯƠNG V
Chính sách Dân số- Gia đình- Trẻ em
CHƯƠNG VI
Điều khoản thi hành
CHƯƠNG MỞ ĐẦU
LỊCH SỬ CỘI NGUỒN DÒNG TỘC
Theo văn tự để lại: Nguyễn Đỗ Tộc gốc xứ làng Chỉ châu , huyện Hà Ba, phủ Thừa Tuyên, tỉnh Nghệ An. (theo Viện Sử học Việt Nam cung cấp thông tin thì nay thuộc xã Thanh Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh)
Trước đây là họ Đỗ
Thuỷ tổ là ông: ĐỖ VĂN LỮ
Ông Đỗ Văn Lữ sinh năm Mậu Thìn (1448) tại làng Chỉ Châu, huyện Hà Ba, phủ Thừa Tuyên, tỉnh Nghệ An. Ông là một người thông minh, hiếu học có tài thao lược về quân sự.
Dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ông được tấn phong đến chức: “Hùng Thắng Hầu Đại Tướng Quân” làm việc trong điện Lam Kinh; quản lĩnh một đạo quân tại Thanh Hoá.
Năm Canh Thìn (1470) là năm Hồng Đức nguyên niên, ở phương Nam vua Chiêm Thành là: Bàn La Trà Toàn là một tên vua hung bạo dối thần ngược dân, muốn sinh sự với nước ta nên thường hay đem quân sang quấy nhiễu từ Thuận Hoá trở ra làm dân tình hai bên khổ sở, để giữ yên bờ cõi và mở mang đất nước, triều đình nhà Lê mà trực tiếp là vua Lê Thánh Tôn đã thân chinh đem 20 vạn quân sang đánh chiếm Chiêm Thành với nhiều vị tướng tài ba thống lĩnh đoàn quân Nam tiến trong đó có ông Đỗ Văn Lữ.
Sau khi dẹp được loạn Chiêm Thành, Triều đình Nhà Lê đã ban chiếu chỉ cho các quan tướng ở lại để phục yên bá tánh, khai hoang lập đồn điền phát triển kinh tế, bảo vệ bờ cỏi. Ông Đỗ Văn Lữ cùng với vợ là bà Nguyễn Thị Phóng (người Nghệ An) đến xứ Đồng Ỷ, phủ Thăng Ba, tỉnh Quảng Nam để xây dựng Đỗ gia trang và làng Đồng Đức (nay là Thôn Đồng Đức- xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Ngày nay dân làng ở đây gọi ông là “Tiền hiền Đồng Đức”. Hiện bia mộ của Đệ nhất thỉ tổ Đỗ Văn Lữ mai táng tại thôn Đồng Đức, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Tại đây ông đã sinh hạ được một người con trai nối dõi tông đường, đó là ông Đỗ Văn Bản sinh vào năm Quý Mẹo (1483) Đời vua Lê Hiến Tông niên hiệu Cảnh Thống {1498-1504}. Nối nghiệp cha, ông Đỗ Văn Bản xây dựng cơ đồ tại làng Đồng Đức, ông cùng với bà Lê Thị Lễ (người làng Đồng Đức) sinh đặng hai người con trai là: Ông Đỗ Văn Thái và Ông Đỗ Văn Minh. Mộ của đệ nhị thuỷ tổ Đỗ Văn Bản tán tại xứ Gò Da, làng Điện An, xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam
Ông Đỗ Văn Thái (đệ tam thế tổ) là con trưởng sống trong một gia đình gia phong lễ giáo, ngay từ thuở nhỏ ông đã tỏ ra xuất chúng hơn người, thông minh hiếu học, giỏi cầm kì thi hoạ, đặc biệt môn địa lý y khoa, ông thường đi chu du khắp thâm sơn-cùng thuỷ, lúc tìm thuốc trên núi cao, lúc mài mò dưới bể cạn, quyết chí tìm được loại thuốc hay về chữa bệnh cho dân nghèo. Là người học nhiều hiểu rộng, nhìn quê hương Đồng Đức không thể khởi tổ khai cơ để mưu cầu cho đời đời cho con cháu nối dòng mãi mãi, nên ông có ý định đi tìm một vùng đất thích hợp hơn, bước chân ông đã qua nhiều nơi như: Minh Huy, Tân An, Nghi Thượng, Gia Cát, An Long, Châu Sơn, Thuận Long…nhưng khi đặt chân đến Tây Viên - Trung Lộc, nhìn cây cỏ tốt tươi, đồng lúa mượt mà xanh tốt, núi bao bọc, mây vây phủ trùng trùng hùng vĩ, thế đất ngoạ hổ tìm long, vùng trũng chảo như gom tụ lại cả một vũ trụ bao la, thật là âm dương đồng nhất, khí thiên của đất trời sẽ hun đúc và sinh ra những anh kiệt nhân tài, tạo nên phúc ấm nối đời cho con cháu trường tồn vĩnh cửu.
Lòng đã quyết, ông về xin phép cha mẹ già và giã từ em thơ, một mình, một thân đi lập nghiệp, dẫu biết rằng từ thuở nhỏ đến tuổi trưởng thành ông đã sống trong một gia đình danh gia vọng tộc, được ăn sung mặc sướng, được kẻ hầu người hạ nhưng đối với ông vật chất, quyền uy chỉ là phù du, khoảnh chốc rồi cũng tan thành theo mây khói, cái lý tưởng lớn lao nhất của ông là phải tìm một vùng đất tốt để cho con cháu đời đời trường tồn vững mạnh. Do đó ông để lại tất cả cơ nghiệp cho em mình là ông Đỗ Văn Minh ở lại quê nhà để chăm sóc cha mẹ già và phụng thờ tổ tiên.
Với một thân cô độc, vượt núi băng đèo dãi nắng dầm sương, ông đã đến lập nghiệp tại làng Trung Lộc (nay là thôn 3 xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) bước đầu ông đã chống chọi với bao nỗi khắc nghiệt của thiên nhiên, chịu đựng gian khổ truân chuyên, nhưng ông vẫn không lùi bước. Năm Bính Thìn (1556) {Thời Lê Anh Tông - chúa Trịnh Kiểm} ông đã kết nghĩa trăm năm cùng bà Lê Thị Phúng (chưa rõ người làng nào) sinh hạ được một người con trai duy nhất là Đỗ Văn An.
Hiện bia mộ của ông Đỗ Văn Thái táng tại gò Đỗ thôn 3 xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, Tỉnh Quảng Nam) trên bia mộ chí có nghi: “Thuỷ tổ Đỗ công hiệu Dương Khai được tộc tái tu tảo phần mộ năm Giáp Thân (1944) đời Bảo Đại thứ XIX và trùng tu xây dựng lại năm 2007- năm Đinh Hợi
Ông Đỗ Văn An sinh năm Nhâm Thìn (1592) {Đời vua Lê Thánh Tông - Hiệu Quang Hưng và chúa Trịnh Tùng} tại làng Trung Lộc (nay là thôn 3, xã Quế Lộc) từ nhỏ ông được cha truyền nghề y lý và cho ăn học ở xa, tuy là con một nhưng ông vẫn thích phóng túng, ngao du, đi đó đây để hưởng ngoạn non nước hữu tình, ông là một trong những người sáng lập hội thơ xướng qui tụ các bậc thi nhân ở 3 làng: Nghi Sơn, Gia Cát, Trung lộc, theo gia phả để lại ông là người hiếu học, giỏi địa lý nhân văn, thích kết bạn kết bè để ngâm thơ, hát xướng, những năm tháng cuối đời ông xây dựng được một vườn thuốc nam {ngày nay dân làng hay truyền tụng là vườn thuốc họ Đỗ (hoặc gò Đỗ) tại xóm 1 thôn 3 xã Quế Lộc} trong đó có nhiều loại linh dược quí hiếm dùng để chữa bệnh cho nhân dân. Năm Kỷ Mùi (1619) {Đời vua Lê Thần Tông - niên hiệu là Vĩnh Tộ, đàng Ngoài có chúa Trịnh Tráng và đàng Trong có chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên} ông kết hôn cùng với bà Nguyễn Thị Hằng một phụ nữ duyên dáng nết na con nhà quyền thế thuộc dòng tộc Nguyễn Chúa sinh hạ được 2 trai và 3 gái là:
1. Ông: Đỗ Văn Nho .
2. Ông: Đỗ Văn Siêu .
3. Bà : Đỗ Thị Lớn.
4. Bà : Đỗ Thị Bạc.
5. Bà : Đỗ Thị Lạnh.
TÙNG MẪU TÁNH CẢI NGUYỄN
Thời bấy giờ, xã hội ta chia ra làm nhiều thành phần, nhiều giai cấp, chế độ phong kiến ban hành những quy luật để bảo vệ quyền lợi cho các tầng lớp quan tướng đương triều, ở tại làng xã nông thôn, những kẻ có quyền là các địa chủ, bá hộ, tri phủ, tri huyện, các chức sắc trong cửu phẩm triều đình, giai cấp nông dân bị tước đoạt hết ruộng đất, hầu hết những người này đều lâm vào cảnh nghèo khổ bần cùng, phải đi phục dịch làm phu phen, xây dựng cung điện thành luỹ, sung quân, đi lính… Nhân dân rất khốn khổ vì phải một cổ mà bị 2 tròng. Trước tình cảnh đó, để con cháu có điều kiện vươn mình trong xã hội, sau khi cân nhắc kĩ lưỡng, ông Đỗ Văn An và bà Nguyễn Thị Hằng đã quyết định đổi học cho các con, từ họ cha thành họ mẹ (một dòng tộc có quan hệ với nhà Nguyễn đương thời) cho cả 5 đứa con của mình. Trong di chúc để lại, ông nhắc nhở các thế hệ con cháu đời sau phải dùng chữ Đỗ lót giữa tên để nhớ mãi rằng dòng tộc của chúng ta xuất thân từ họ Đỗ. Như vậy, dòng tộc Nguyễn - Đỗ thực hiện việc tùng mẫu cải Nguyễn từ những năm 1620-1634 dưới thời vua Lê Thánh Tông - niên hiệu Vĩnh Tộ rồi niên hiệu Đức Long (1619-1662) và dưới sự cai trị của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đang là tổng quản trấn giữ 2 đạo Thuận - Quảng (1613-1635).
KẾT LUẬN
Kể từ khi Thỉ tổ Đỗ Văn Lữ rời quê hương Nghệ An vào lập nghiệp tại làng Đồng Đức, lập nên Đỗ Gia trang uy nghi lộng lẫy, đến một thân cô độc, bước chân lạ lẫm đến vùng Trung Lộc. Tổ tiên chúng ta đã sống và đương đầu với bao gian khổ để chăm lo cho dòng tộc được trường tồn vĩnh cửu, đời nối đời con cháu sinh sôi, nẫy nở, phát triển và lưu truyền cho đến ngày nay là 16 đời với hơn 520 năm.
Trong quá trình tồn tại và phát triển trên 520 năm qua, thế hệ nào của Tộc Nguyễn Đỗ cũng xuất hiện những người có tên tuổi, thông minh, trí tuệ, có đức hi sinh và lòng yêu nước, thương nòi, đậm đà nhân nghĩa với dòng tộc.
Trải qua hai cuộc chiến tranh giành và giữ nước, tộc Nguyễn Đỗ có nhiều cống hiến về sức người, của cải và thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn trong đại đa số các dòng tộc, góp phần xứng đáng trong công cuộc kháng chiến cứu nước và xây dựng đất nước, quê hương. Toàn tộc có 10 liệt sỹ 15 thương- bệnh binh có công cách mạng đặc biệt có hai bà mẹ được nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ việt nam anh hùng đó là bà Nguyễn Thị Hiên đã có chồng cùng 4 người con, bà Đặng Thị Ta có một con độc nhất đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng và một điều không thể quên được là có trên 20 người con của dòng tộc của chúng ta đã ngã xuống trong chiến tranh.
Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, con cháu tộc Nguyễn Đỗ lưu lạc bốn phương trở về tại quê hương, làng củ sinh sống làm ăn. Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, hậu quả chiến tranh để lại quá nặng nề, việc xây dựng lại ngôi từ đường chưa thể làm được nên con cháu trong tộc thống nhất tạm thời thờ tự tiên linh tại nhà riêng của ông Tộc trưởng. Với ý thức nhà thờ tộc là nơi tôn nghiêm để con cháu nội ngoại hội tụ về đây tỏ lòng tôn kính hướng về cội nguồn, năm 1995 với sự góp sức của con cháu nội ngoại, ngôi Tự đường Nguyễn Đỗ Tộc được xây dựng với quy mô nhà cấp 4 gồm 3 gian diện tích 30m2 tọa lạc tại xóm 4, thôn Lộc Tây, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Ngày nay con cháu Nguyễn Đỗ Tộc nội ngoại phát triển sum suê, đùm đuề, có hơn 100 hộ thành viên với hơn 500 người sinh sống, làm ăn trong xã Quế Lộc và vùng lân cận, gần 100 người do điều kiện kinh tế nên phải làm ắn, sinh sống xa quê hương nhưng lòng vẫn luôn hướng về quê hương và cội nguồn dòng Tộc.
CHƯƠNG II
CƠ CẤU TỔ CHỨC-NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN
1.Cơ cấu tổ chức:
Hiện nay Nguyễn Đỗ Tộc có hơn 60 hộ đang sinh sống tại xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam và có khoảng hơn 50 hộ đang sống rãi rác trên khắp mọi miền đất nước, tâp trung nhiều nhất là khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Để quản lý chỉ đạo và điều hành công việc của dòng Tộc, các hộ thuộc Tộc đã thống nhất thành lập Hội Đồng Gia Tộc và Ban Chấp Hành với cơ cấu như sau:
a, Hội Đồng Gia Tộc (HĐGT):
Gồm có từ 9-11 người, các thành viên là những người đứng tuổi, có uy tín cao, có sức khỏe trí tuệ và lòng nhiệt thành, có khả năng tập hợp và đoàn kết các thế hệ con cháu ở tất cả các chi phái và được toàn thể các thành viên trong tộc cử lên.
HĐGT có 1 chủ tịch và 2 phó chủ tịch, chủ tịch HĐGT do vị trưởng Tộc đảm nhiệm, 2 phó chủ tịch do trưởng chi nhánh đảm nhiệm, nhiệm kỳ của HĐGT là 5 năm, riêng chủ tịch HĐ nhiệm kỳ vô thời hạn.
b, Ban Chấp Hành: Hội nghị con cháu trong Tộc hàng năm vào ngày tu tảo phần mộ Tiên linh (11/01 /âm lịch) sẽ cử BCH Tộc gồm có 3 người để lo công việc cho ngày 11/01/al và các việc khác của Tộc dưới sự chỉ đạo của HĐGT, nhiệm kỳ của BCH là 2 năm.
c, Các Tiểu Ban:
Ngoài BCH Tộc dưới HĐGT có các tiểu ban phục vụ như: Tiểu ban lễ nghi, Tiểu ban xây dựng, tổ chức và lễ tân, Tiểu ban tài chính, khuyến học và tương hổ, Tiểu ban liên lạc con cháu dòng Tộc ở ngoài địa phương. Mỗi tiểu ban có 3 người và được HĐGT đề cử. Nhiệm kỳ của các tiểu ban khi cần thiết mới thay đổi.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn:
a, Đối với HĐGT:
Quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến nội bộ gia tộc, xây dựng nội quy, quy ước để con cháu trong tộc có nghĩa vụ trách nhiệm thi hành.
Cố vấn cho BCH, các Tiểu ban xử lý các tình huống phát sinh về nhân sự và công việc của BCH, các Tiểu ban.
Giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các chi phái với nhau và giữa các chi phái với Tộc họ.
Thay mặt Tộc họ quan hệ với chính quyền, đoàn thể và các Tộc phái khác.
Đoàn kết và liên lạc thường xuyên với các chi, phái con cháu trong gia tộc, động viên con cháu giữ mối quan hệ huyết thống dòng Tộc và tình cảm quê hương, xứ sở.
b, Đối với BCH và các tiểu ban:
Triển khai thực hiện các quyết định của HĐGT hằng năm.
Liên lạc, vận động con cháu nội ngoại tham dự các ngày Tế lễ của Tộc đông đủ, tham gia đóng góp công, của để xây dựng Tộc ngày càng phát triển.
Quản lý, điều hành công việc tài chính của Tộc như: thu, chi quỹ xây dựng, quỹ đời sống các ngày tế lễ và báo cáo công khai tài chính hàng năm.
Chủ trì các cuộc họp của BCH, của các Tiểu ban mở rộng, phân công các thành viên trong BCH, các Tiểu ban thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Động viên con cháu tham gia các hoạt động của Tộc.
BCH, các Tiểu ban có nhiệm vụ tham gia bảo quản, gìn giữ tu bổ nhà thờ, tài sản của Tộc.
CHƯƠNG III
NỘI DUNG QUY ƯỚC CỦA GIA TỘC
Kế thừa và phát huy truyền thống gia tộc, ra sứa học tập trao dồi đạo đức, giữ vững kỹ cương gia Tộc.Truyền thống gia Tộc là tài sản quý giá về công tích sự nghiệp, tinh hoa văn hóa tốt đẹp mà tiền nhân để lại cho con cháu, con cháu chúng ta hiện giờ và các thế hệ mai sau phải có trách nhiệm tôn trọng, giữ gìn để lưu truyền tiếng thơm cho gia Tộc. Để thực hiện điều đó, con cháu chúng ta phải thực hiện tốt các điều khoản sau đây:
Điều 1: Đối với con cháu trong gia Tộc
Phải có trách nhiệm cùng nhau đoàn kết, tôn trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia Tộc, noi dấu hiền nhân, thấm nhuần và giữ gìn đạo lý “Chim có tổ người có tông”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Yêu thương đùm bọc lẫn nhau kính trên nhường dưới, trên thuận dưới hòa, thủy chung nhắc nhở nhau làm tròn nghĩa vụ với gia đình, gia Tộc và xã hội.
Luôn tu tâm, dưỡng tánh, siêng năng làm ăn, sống lương thiện, giản dị, đóng góp công sức xứng đáng cho cộng đồng xã hội, cơ quan đoàn thể, tôn giáo(nếu có) của mình.
Phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, dạy bảo con cháu và lo cho con học hành chu đáo tiến bộ.
Phải làm tốt bổn phận chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ lúc khỏe mạnh cũng như già yếu, ốm đau.
Điều 2: Đối với các gia đình là thành viên gia Tộc
Thực hiện xây dựng gia đình văn hóa theo nếp sống văn minh, gia đình hòa thuận, hạnh phúc tiến bộ.
Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật, nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương.
Tổ chức lao động, sản xuất kinh doanh đạt năng suất chất lượng và hiệu quả.
Giáo dục con cái biết hiếu thảo, sống nhân ái và làm nhiều việc thiện, tìm hiểu quan hệ bà con nội ngoại qua nhiều đời để tránh kết hôn với người cùng huyết thống.
Các thành viên trong gia đình sống có trách nhiệm với nhau, mọi bất hòa nên lấy nghĩa tình để giải quyết, lấy lòng hiếu thảo, thương yêu, nhường nhịn mà cư xử với nhau, tránh xãy ra xô xát.
Đoàn kết tương trợ, thân thiện với xóm giềng, cộng đồng dân cư, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân, không mê tín dị đoan, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi, tang lễ. Nhà cửa luôn sạch sẽ, gọn gàng ngăn nắp, nơi thờ tự phải nghiêm trang, thực hiện phương châm ”ăn sạch, ở sạch, uống sạch”.
Tất cả các chi nhánh và từng gia đình là thành viên trong Tộc họ điều phải đăng ký với Tộc, với cơ quan đoàn thể chính quyền nơi mình công tác và sinh sống thực hiện các nội dung của các cuộc vận động xây đựng gia đình văn hóa...
Những người lớn tuổi, những người là chủ của gia đình phải là đầu tàu gương mẫu, luôn nêu gương sáng về phẩm chất, đạo đức, con cháu phải có trách nhiệm phụng dưỡng ông bà cha mẹ. Từng gia đình phải chăm sóc giáo dục con cháu sống kỹ cương, kính trên nhường dưới xưng hô đúng phép tắc, nói năng chào hỏi phải nhẹ nhàng lịch sự, giao tiếp với xóm làng cũng phải chan hòa đúng mực.
Phấn đấu hàng năm toàn Tộc đạt 80% trở lên hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Tích cực phòng chống các tệ nạn xã hội.
Điều 3: Đối với gia Tộc:
Các bậc cao niên, trưởng thương, thành viên HĐGT, các trưởng chi nhánh phải thực sự sống mẩu mực về đạo đức, phẩm chất để làm gương cho con cháu noi theo.
Thường xuyên giáo dục, dạy bảo con cháu bằng điều hay lẽ phải, làm việc tốt nhằm bảo vệ nâng cao uy tín, thanh danh dòng Tộc. Khi con cháu làm được việc tốt thì Tộc kịp thời biểu dương, khi có điều sai trái thì lấy khoan dung, nhân ái mà dạy bảo.
Những gia đình và cá nhân nào trong dòng Tộc Nguyễn Đỗ không tỏ rõ lời nói việc làm tôn kính tổ tiên, không có ý thức thực hiện Tộc Ước, không chung sức chung lòng lo toan việc Tộc hộ hoặc gây mất đoàn kết trong gia đình, trong chi nhánh, trong Tộc hoặc có những lời nói và hành động xấu trái với đường lối, chính sách của Tộc họ thì các chi nhánh HĐGT phải có biện pháp giáo dục giúp đỡ, nếu ai không chịu lắng nghe không tu chí sửa chữa khắc phục thì Tộc họ có biện pháp xử lý nghiêm minh và yêu cầu pháp luật can thiệp.
Thường xuyên chăm lo giữ gìn kỹ cương gia tộc, giữ mối quan hệ tốt đẹp giữa các chi phái trong Tộc họ với tình cảm huyết thống đoàn kết nhân ái và tôn trọng đối với các tộc họ khác.Tộc họ không phân biệt nội ngoại, trai gái, dâu rễ với quan niệm “Bách thế vân ưng khí huyết tương thân đồng nội ngoại”
II. Thờ phụng tổ tiên và những việc công ích:
Thờ phụng tổ tiên là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện đạo lý “Chim có tổ, người có tông”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là lòng tôn kính, vinh danh của con cháu đối với tổ tiên.
Điều 4: Đối với việc Tộc:
Hằng năm vào ngày 11 tháng giêng âm lịch đầu xuân là ngày Đại lễ của gia tộc nhằm:
Tu tảo mộ phần tổ tiên
Tế xuân và họp mặt toàn thể con cháu nội ngoại, dâu rễ.
Cử lại BCH tộc nếu hết nhiệm kỳ
Công khai các khoản thu, chi và kết quả việc xây dựng cơ bản trong năm, đề ra kế hoạch cho năm tiếp theo.
Để các công việc nói trên mang lại kết quả tốt đẹp, vào ngày mồng 10 tháng giêng tất cả con cháu nội ngoại tề tựu về nhà thờ Tộc tại thôn Lộc Tây, xã Quế Lộc để cùng nhau di tu tảo mộ phần tổ tiên và chuẩn bị mọi việc cho ngày 11. Sáng sớm ngày 11 tháng giêng con cháu cùng nhau đền viếng và dâng hương mộ ông bà Thỉ tổ tại gò Đỗ xóm 1, thôn Lộc Tây sau đó về lại nhà thờ tiến hành nghi lễ giỗ tổ và họp mặt, đồng thời nghe HĐGT báo cáo tổng quát những chuyển biến, kết quả và những điều cần uốn nắn, khắc phục, những điều cần bổ sung vào Tộc phả. Biểu dương khen thưởng những người tốt, việc tốt, những con cháu học giỏi, đỗ đạt cao. Đây cũng là dịp để con cháu nội ngoại, dâu rễ thể hiện tình đoàn kết giữa các chi nhánh và bày tỏ tình cảm, tọa đàm thân mật, bàn biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết, nhược điểm và thống nhất kế hoạch cho năm kế đến.
Nhớ lời tổ tiên ông bà dạy “Nguyễn là đây mà Đỗ cũng là đây” tất cả mọi người trong từng hộ gia đình, từng chi nhánh thuộc dòng Tộc Nguyễn Đỗ chúng ta điều thờ chung một Thỉ tổ là Ông Đỗ Văn Lữ. Do vậy ngày 12 tháng giêng hàng năm Tộc cử người về tại làng Đồng Đức, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam để viếng mộ và dâng hương ông bà Đệ Nhất Thỉ Tổ.
Về đại hội Tộc để giải quyết những vấn đề quan trọng như bổ sung thành viên HĐGT , cử lại BCH tộc và những việc quan trọng khác thống nhất 2 năm 1 lần vào đúng dịp Hội mã tháng giêng.
Các ngày tế lễ, đại hội nói trên tùy theo điều kiện kinh tế mà tổ chức cho văn hóa, văn minh không phô trương, hình thức lãng phí gây khó khăn cho con cháu trong tộc.
Hội tộc định kỳ mỗi năm một lần tổ chức vào dịp Tế xuân 11/01/ âm lịch là tổ chức quyền lực cao nhất, quyết định mọi vấn đề trọng yếu của Tộc theo nguyên tắc đồng thuận đa số. Giữa hai kỳ Hội tộc, việc điều hành do HĐGT và Tộc trưởng thực hiện.
Mọi văn bản của Tộc người ký ban hành điều lấy danh xưng “Thay mặt HĐGT Nguyễn Đỗ”.
Việc tộc là việc tình nghĩa, hiếu hỹ, thành viên HĐGT và BCH không có quyền lợi, do được tín nhiệm hoặc là con trưởng, chi trưởng, nhánh trưởng đảm nhận nên có nghĩa vụ hết lòng phục vụ lợi ích chung của gia Tộc.
Điều 5: Đối với các thành viên trong Tộc:
Có trách nhiệm bổn phận thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân đã khuất, việc giỗ chạp hàng năm tùy theo điều kiện và khả năng của từng người, từng gia đình mà tổ chức đúng nghi lễ truyền thống, trang nghiêm, thành kính tránh phô trương, lãng phí nhưng không quá đơn sơ, tẻ nhạt. Con cháu nên tự nguyện xúm xít lo cho ngày giỗ chạp được ấm cúng, đoàn kết.
Những ngày đại hội của Tộc con cháu nội ngoại, dâu rễ tự nguyện đoàn tụ đông đủ để tỏ lòng tôn kính tổ tiên với dòng tộc và để biết bà, biết con với tình cảm “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”.
Mỗi thành viên của gia tộc điều phải có trách nhiệm giữ gìn các công trình xây dựng cơ bản của Tộc như nhà thờ, lăng mộ tổ tiên, đóng góp đầy đủ các khoản thu theo quy định chung của Tộc để lo các việc như Hội mã, Tế xuân, xây dựng tu bổ nhà thờ Tộc, bia mộ, quỹ khuyến học, quỹ tương hổ…
Con cháu ngự cư ở ngoài địa phương, ngoài nước, con gái, dâu rễ, cháu chắc ngoại gần, xa có lòng hiếu nghĩa đều được đến nhà thờ dâng hương lễ Tổ, được cung tiến tiền của để xây dựng gia Tộc. Những trường hợp cung tiến tiền của có giá trị từ 500.000 đồng trở lên được ghi tên vào sổ Vàng công đức của Tộc họ. Danh sách con cháu nội ngoại, dâu rễ, cháu chắc đóng góp theo quy định chung của Tộc và công đức sẽ được thông báo công khai trong các buổi lễ hội của Tộc.
Tích cực tham gia các hoạt động của Tộc và của xã hội, khi Tộc có việc cần thiết đột xuất kêu gọi thì sẳn sàng đóng góp công, của và vận động mọi người trong Tộc cùng đóng góp.Giữ gìn thuần phong, mỹ tục đóng góp ý kiến xây dựng Tộc ngày càng phát triển vững mạnh.
Điều 6: Việc hiếu, việc hỷ
Việc thăm hỏi, ốm đau, hiếu hỷ, mừng thọ, đỗ đạt thăng tiến của con cháu trong Tộc được họ Tộc quan tâm. Nếu ốm đau, rũi ro, hoạn nạn thì HĐGT cùng các gia đình trong Tộc đến thăm hỏi giúp đỡ.
Nếu có đám hiếu (có người thân trong gia đình quá cố) thì gia đình phải báo cáo với HĐGT và BCH sẽ đến trao đổi, bàn bạc với gia đình có kế hoạch tổ chức tang lễ, phúng viếng và tiễn đưa người quá cố về nơi an nghĩ cuối cùng trang nghiêm, chu đáo. Nếu con cháu trong Tộc là những vị cao niên, người có công với nước, với gia Tộc, thì Tộc sẽ có văn tế, liễng, vòng hoa đưa tiễn. Việc tang không tổ chức ăn uống linh đình vừa tốn kém vừa không hợp với không khí của một tang lễ. Tang chủ phải báo với chính quyền địa phương để xin đất, xin đội trợ tang đưa người quá cố đi mai táng.
Những người đến tuổi mừng thọ(80 tuổi trở lên), được các chi nhánh, HĐGT, BCH Tộc tổ chức mừng thọ, việc mừng thọ có kết hợp với Hội Người Cao Tuổi, thôn xã tổ chức mừng thọ ở thôn, hoặc các ngày lễ hội của Tộc, nếu gia đình có nguyện vọng tự tổ chức tại tư gia thì gia Tộc đến chúc mừng tặng quà.
Trai gái trong dòng Tộc khi tổ chức lễ thành hôn, nên vợ nên chồng thì gia đình ấy báo tin cho gia Tộc biết, HĐGT sẽ cử người đại diện đến dự lễ cáo tổ tiên, ông bà và dặn dò con cháu về lập thân, lập nghiệp. Đồng thời gia đình nên động viên cho cặp vợ chồng đó đến nhà thờ Tộc lễ Tổ tiên để tỏ lòng hiếu nghĩa của mình.
Những học sinh, sinh viên học giỏi được Nhà nước cho du học nước ngoài, tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học, những người Nhà nước tặng Huân huy chương, các loại danh hiệu anh hùng, bà mẹ VNAH, huy hiệu 30 năm tuổi đảng trở lên được đến nhà thờ cẩn cáo tổ tiên và được ghi tên vào sổ Vàng danh dự của Tộc.
CHƯƠNG IV
HỌC HÀNH –LẬP THÂN- LẬP NGHIỆP
Việc học hành-lập thân – lập nghiệp là bổn phận của mọi người nhất là lứa tuổi thanh niên, trẻ trung phải luôn luôn thể hiện truyền thống hiếu học của cha ông, chăm chỉ học hành, lao động cần cù,
________________________________________
thông minh, quyết tâm vượt khó lập thân – lập nghiệp phát triển kinh tế nâng cao đời sống.
Điều 7: Đối với mỗi gia đình trong Tộc
Từng gia đình trong Tộc phải phấn đấu cho con cháu đều được đi học và có nghề nghiệp, phấn đấu gia đình không có người bỏ học, thất học, toàn Tộc không có người mù chữ.
Mọi con cháu trong tộc phải nêu cao ý thức vượt khó tạo cho mình một việc làm một nghề nghiệp ổn định, đúng đắn luôn luôn phát huy tinh thần học hỏi, cầu tiến, giữ gìn phẩm chất đạo đức và phát huy vai trò vị thế của dòng Tộc. Người có việc làm ổn định nên dìu đắt, truyền dạy, bảo ban cho người chưa biết nghề để có việc làm. Trong trường họp phải sống xa quê hương, xa dòng Tộc thì phải luôn ý thức về cội nguồn, ra sức học hành, lập thân- lập nghiệp để xứng đáng với gia đình, gia Tộc và quê hương.
Những người là cán bộ, đảng viên, công nhân viên nhà nước thoát ly hoặc tham gia công tác ở địa phương vừa phải phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa ra sức khắc phục khó khăn tiếp tục học tập nâng cao trình độ văn hóa, ngoại ngữ, chính trị, nghiệp vụ tay nghề, thăng tiến về các mặt để theo kịp với đà phát triển của xã hội.
Điều 8: Đối với tộc họ
Tộc luôn luôn khuyến khích con cháu học hành, lập thân – lập nghiệp coi việc có nhiều con, cháu học hành đỗ đạt thăng tiến, làm giàu chính đáng là niềm tự hào của dòng tộc. Những con cháu văn hóa từ cấp tiểu học đến trung học, đại học, trên đại học có thành tích vượt khó học giỏi xuất sắc liên tục được nhà trường biểu dương khen thưởng thì chi nhánh và Tộc tổ chức biểu dương, khen thưởng động viên kịp thời.
Những gia đình trong Tộc họ được cơ quan đoàn thể từ xã, phường trở lên khen thưởng gia đình “Ông bà cha mẹ mẩu mực, con cháu hiếu thảo”, hoặc “Tuổi cao gương sáng”, “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” 3 năm liền hoặc “Sản xuất kinh doanh giỏi” cấp huyện trở lên, “Chiến sĩ thi đua” 3 năm liền trở lên, học sinh giỏi cấp III đạt giải nhất, nhì cấp tỉnh, thành phố và giải 3 trở lên cấp quốc gia hoặc thi đỗ cùng lúc vào 3 trường đại học thì được ghi tên vào sổ vàng danh dự, được cẩn cáo tổ tiên tại các kỳ Lễ hội của Tộc.
Tộc sẽ vận động lập quỹ khuyến học, khuyến tài giúp các cháu nghèo học giỏi để có điều kiện học hành đến nơi, đến chốn, đồng thời có biện pháp dạy bảo, khuyên răn những người có địa vị tiền tài.. mà quên tình nghĩa, sống thiếu trách nhiệm và không nhớ tới cội nguồn.
CHƯƠNG V
CHÍNH SÁCH DÂN SỐ - GIA ĐÌNH – TRẺ EM
Điều 9: Về dân số
Tộc họ vận động con cháu trong tộc thực hiện KHHGĐ, mỗi cặp vợ chồng nên có từ 1-2 con, không sinh con lần thứ 3 để nuôi dạy con được chu đáo, tốt hơn.
Không phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, không chẩn đoán giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Mỗi cá nhân, cặp vợ chồng phải tự nguyện và chủ động thực hiện KHHGĐ, không kỳ thị đối với những người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại.
Khuyến khích con cháu trong Tộc không kết hôn sớm, sinh đẻ sớm, sinh dày so với mục tiêu KHHGĐ.
Điều 10: Về gia đình.
Vợ chồng các họ tộc phải bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, sống chung thủy có trách nhiệm giữ gìn gia phong, lễ giáo, truyền thống tốt đẹp của gia đình.
Các thành viên trong gia đình phải yêu thương giúp đỡ lẫn nhau để giải quyết các khó khăn, rủi ro mâu thuẩn, đồng thời giúp các gia đình nghèo về kỷ thuật, vốn liếng để phát triển sản xuất bảo đảm trong dòng tộc không có gia đình nghèo,đói.
Đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển kinh tế gia đình, thực hành tiết kiệm, chú trọng đầu tư vào việc học vấn của con cháu để con cháu thành đạt.
Điều 11: Về trẻ em.
Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy các con khỏe mạnh, được học tập đầy đủ, được khám chữa bệnh, được vui chơi giải trí để phát triển toàn diện. Không đánh đập, ngược đãi trẻ em, không để trẻ em bỏ nhà đi hoang, hút thuốc, uống rượu, đánh bạc, trộm cắp.
Cam kết ủng hộ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khuyến khích động viên trẻ em học giỏi có năng khiếu, tạo điều kiện giúp đỡ trẻ em phát triển.
CHƯƠNG VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12:
Quy ước này có 6 chương 14 điều và được trao đổi, phổ biến rộng rãi trong toàn thể con cháu trong Tộc. Gia đình và cá nhân có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh những chương, điều đã quy định.
Nếu thành viên nào vi phạm những điều khoản trong quy ước đã đề ra thì tùy mức độ vi phạm mà phải chịu các hình thức phê bình kiểm điểm:
Kiểm điểm trước chi phái
Kiểm điểm trước toàn tộc
Khấn nguyện, hối lỗi trước Tổ tiên ở từ đường.
Trường hợp sai phạm nghiêm trọng Tộc sẽ đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp xử lý.
Điều 13:
Con cháu trai gái trong Tộc đều có quyền tham gia thảo luận, bàn bạc các công việc của Tộc và phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Tộc và các hình thức xử lý kỷ luật nếu phạm quy ước.
Điều 14:
Tùy theo sự phát triển chung của xã hội, những Điều khoản đã nêu có thể được thay đổi cho phù hợp và các cấp có thẩm quyền phê duyệt mới có hiệu lực thi hành.
Hàng năm vào ngày tảo mộ ở các gia đình trong Tộc, chi phái cần phải tổ chức sinh hoạt con cháu để xem xét đánh giá việc thực hiện quy ước ./.
Quế Lộc, ngày 01 tháng 01 năm 2010
|