LỊCH SỬ TỘC NGUYỄN ĐỖ
(1481-2009)
(ĐỀ NGHỊ LƯU TRỮ NƠI TÔN NGHIÊM)
PHẦN I/ CỘI NGUỒN DÂN TỘC
Theo văn tự để lại
NGUYỄN ĐỖ TỘC gốc xứ làng Chỉ Châu, huyện Hà Ba, phủ Thừa Tuyên, tỉnh Nghệ An. (theo Viện Sử học Việt Nam cung cấp thông tin thì nay thuộc xã Thanh Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh)
Trước đây là họ Đỗ
Thuỷ tổ là ông: ĐỖ VĂN LỮ
Ông Đỗ Văn Lữ sinh năm Mậu Thìn (1448) tại làng Chỉ Châu, huyện Hà Ba, phủ Thừa Tuyên, tỉnh Nghệ An. Ông là một người thông minh, hiếu học có tài thao lược về quân sự.
Dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ông được tấn phong đến chức: “Hùng Thắng Hầu Đại Tướng Quân” làm việc trong điện Lam Kinh; quản lĩnh một đạo quân tại Thanh Hoá.
Năm Canh Thìn (1470) là năm Hồng Đức nguyên niên, ở phương Nam vua Chiêm Thành là: Bàn La Trà Toàn là một tên vua hung bạo dối thần ngược dân, muốn sinh sự với nước ta nên thường hay đem quân sang quấy nhiễu từ Thuận Hoá trở ra làm dân tình hai bên khổ sở, để giữ yên bờ cõi và mở mang đất nước, triều đình nhà Lê mà trực tiếp là vua Lê Thánh Tôn đã thân chinh đem 20 vạn quân sang đánh chiếm Chiêm Thành với nhiều vị tướng tài ba thống lĩnh đoàn quân Nam tiến trong đó có ông Đỗ Văn Lữ.
Sau khi dẹp được loạn Chiêm Thành chiếm vùng đất Vigar, nhà Lê đã buộc vua Chiêm phải nhượng vùng đất từ đèo Cù Mông (Bình Định ngày nay) trở ra đèo Hải Vân (Đà Nẵng) và thành lập đạo thứ 13 của Đại Việt {tức đất Đồ Bàn, đất Đại Chiêm và đất Cỗ Luỹ thành đạo Quảng Nam bao gồm 3 phủ, 9 huyện} (Theo Hoàng Việt Hưng long chí của Ngô Giáp Dậu trang thứ 124)
Năm Tân Sửu (1481) triều đình nhà Lê đã ban chiếu chỉ cho các quan tướng ở lại đất phương nam để dẹp yên bá tánh, đặt quan cai trị và chọn dân đinh từ 15 tuổi trở lên, ai là người thông minh có học thức thì cho làm sinh đồ để dạy kinh thư lễ nghĩa, ai mạnh khỏe thì cho khai hoang lập đồn điền phát triển kinh tế với mục đích mong muốn mở rộng biên cương để bảo vệ bờ cõi và đem lại bình yên cho nước nhà.
Ông Đỗ Văn Lữ cùng vợ là bà Nguyễn Thị Phóng (người Nghệ An) đến xứ Đồng Ỷ, phủ Thăng Ba, tỉnh Quảng Nam để xây dựng Đỗ Gia Trang và lập làng Đồng Đức (nay thuộc xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Ngày nay dân làng còn lập đền thờ gọi ông là: “Tiền hiền Đồng Đức” và để nhớ ơn những người có công trong việc khởi tổ lập Tân ấp.
Năm Bính Thân (1896) Vua Thành Thái đã phong cho ông tước hiệu “Đại thần khai Quốc công” và suy tôn ông làm “Tiền hiền khai lập Đồng Đức xã”, hiện vật vẫn còn lưu giữ tại nhà thờ tộc Đỗ thuộc xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. (Hiện mộ bia của đệ nhất thuỷ tổ Đỗ Văn Lữ táng tại làng Đồng Đức, xã Bình Định Nam , huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, ngôi mộ của thủy tổ đã xây dựng cách đây hơn 500 năm, lần trùng tu mới đây nhất vào năm 1944 Giáp thân (đời vua Bảo Đại) và được con cháu trùng tu lại vào năm Bính Tuất 2006)
Như vây, qua các mốc lịch sử và gia phả văn bia lưu truyền lại, Nguyễn Đỗ Tộc là dòng dõi lâu đời, nhưng tiếc thay chúng ta chưa có điều kiện tìm hiểu rõ nguồn gốc tiên tổ tại xứ Nghệ An - Hà Tĩnh. (Qua 1 lần ông Nguyễn Đỗ Chiến đã nhờ Viện sử học Việt Nam giúp đở về địa danh làng Chỉ Châu huyện Hà Ba, phủ Thừa tuyên, tỉnh Nghệ An ngày xưa, qua sưu tầmtừ Viện sử họcđịa danh trên nay chính là xã Thanh Châu huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh - Tại đây vẫn còn tồn tại con cháu họ Đỗ, nhưng rất tiếc chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn). Đây là một thiệt thòi lớn, chúng ta cần phải cố công nghiên cứu tìm hiểu để biết gốc tích dòng tộc và có thể tổ chức cuộc hành hương về lại cội nguồn tổ tiên xưa.
Với quê hương Đồng Đức nơi cội nguồn của dòng tộc.
Với Đỗ Gia Trang uy nghi lộng lẫy, nơi thuỷ tổ đã lập tổ khai cơ từ những năm 1481.
Thật là "Lưu luyến giã từ nơi đất Bắc, lên đường Nam tiến, đương đầu trăm nỗi gian truân, ngỡ ngàng kiến lập Tân hương, sáng lập khai cơ nghìn phen thử thách, cùng trăm họ địa bàn hội tụ, đời nối lập nghiệp sinh cơ"
Như vậy tính đến nay (2009) tộc Nguyễn Đỗ chúng ta đã có mặt tại Quảng Nam 528 năm, kể từ ngày thuỷ tổ Đỗ Văn Lữ rời Bắc Hoành Sơn theo đoàn quân nam tiến rồi ở lại đất Quảng Nam lập nghiệp. Tại đây ông đã sinh hạ được một người con trai nối dõi tông đường, đó là ông Đỗ Văn Bản sinh vào năm Quý Mẹo (1483) Đời vua Lê Hiến Tông niên hiệu Cảnh Thống {1498-1504}
Nối nghiệp cha, ông Đỗ Văn Bản xây dựng cơ đồ tại làng Đồng Đức, thuở thiếu thời ông có tham gia việc chính sự tại huyện đường rồi phủ trường nhưng sau đó chán ngán cảnh đời ngang trái - Dưới triều Lê Chiêu Tông giặc giã nỗi lên như ong, dân tình khổ sở về cảnh loạn lạc, cha con Mạc Đăng Dung ngày càng lấn quyền bính nhà Lê và có mưu đồ soán đoạt ngôi vua năm Bính Tuất (1526) {Thời kì Mạc Đăng Dung soán ngôi vua} ông đã từ quan về quê vui thú cảnh điền viên cùng mây ngàn gió núi khi mới vừa tuổi 43, ông cùng với bà Lê Thị Lễ (người làng Đồng Đức) sinh đặng hai người con trai là:
ông Đỗ Văn Thái
ông Đỗ Văn Minh
(Mộ của đệ nhị thuỷ tổ Đỗ Văn Bản tán tại xứ Gò Da, làng Điện An, xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)
Ông Đỗ Văn Thái (đệ tam thế tổ) sinh vào năm Nhâm Ngọ (1522) {cuối triều Lê Chiêu Tông} là con trưởng sống trong một gia đình gia phong lễ giáo, ngay từ thuở nhỏ ông đã tỏ ra xuất chúng hơn người, thông minh hiếu học, giỏi cầm kì thi hoạ, đặc biệt môn địa lý y khoa, nhưng sinh ra trong thời kỳ loạn lạc, vận nhà Lê bị suy vi để nhà Mạc chiếm ngôi, dù sau này nhà Lê được phục hưng {Lê Trung Hưng} nhưng vẫn bị chúa Trịnh lộng hành thao túng triều đình, do vậy dưới thời kỳ này lòng dân không yên, muôn người tỏ ra căm phẫn, riêng tại đàng trong Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên) được triều đình nhà Lê ban chức tổng trấn quản lý luôn cả hai đạo Thuận Hoá - Quảng Nam (1570) nên ra sức cai trị bóc lột làm cho dân tình đói khổ, loạn lạc do cuộc chiến tranh triền miên của hai chúa Trịnh - Nguyễn, chán ngán cảnh đời ông thường đi chu du khắp thâm sơn-cùng thuỷ, lúc tìm thuốc trên núi cao, lúc mài mò dưới bể cạn, quyết chí tìm được loại thuốc hay về chữa bệnh cho dân nghèo. Là người học nhiều hiểu rộng, nhìn quê hương Đồng Đức không thể khởi tổ khai cơ để mưu cầu cho đời đời cho con cháu nối dòng mãi mãi, nên ông có ý định đi tìm một vùng đất thích hợp hơn, bước chân ông đã qua nhiều nơi như: Minh Huy, Tân An, Nghi Thượng, Gia Cát, An Long, Châu Sơn, Thuận Long…nhưng khi đặt chân đến Tây Viên - Trung Lộc, nhìn cây cỏ tốt tươi, đồng lúa mượt mà xanh tốt, núi bao bọc, mây vây phủ trùng trùng hùng vĩ, thế đất ngoạ hổ tìm long, vùng trũng chảo như gom tụ lại cả một vũ trụ bao la, thật là âm dương đồng nhất, khí thiên của đất trời sẽ hun đúc và sinh ra những anh kiệt nhân tài, tạo nên phúc ấm nối đời cho con cháu trường tồn vĩnh cửu.
Lòng đã quyết, ông về xin phép cha mẹ già và giã từ em thơ, một mình, một thân đi lập nghiệp, dẫu biết rằng từ thuở nhỏ đến tuổi trưởng thành ông đã sống trong một gia đình danh gia vọng tộc, được ăn sung mặc sướng, được kẻ hầu người hạ nhưng đối với ông vật chất, quyền uy chỉ là phù du, khoảnh chốc rồi cũng tan thành theo mây khói, cái lý tưởng lớn lao nhất của ông là phải tìm một vùng đất tốt để cho con cháu đời đời trường tồn vững mạnh. Do đó ông để lại tất cả cơ nghiệp cho em mình là ông Đỗ Văn Minh ở lại quê nhà để chăm sóc cha mẹ già và phụng thờ tổ tiên.
Do vậy, hiện nay dòng tộc của chúng ta còn lại ở làng Đồng Đức (tức xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình) khoảng 10 hộ và sau đó một nhánh tộc chuyển về xã Quế Tân, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam khoảng 10 hộ và một số con cháu chuyển về làng Địch Yên để làm ăn (nay là thành phố Tam Kỳ và huyện Phú Ninh) nhưng tại đây do quy hoạch để xây dựng đại công trình thủy lợi Phú Ninh nên làng Địch Yên không còn dấu vết nữa và nhánh tộc tại đây cũng đã mất liên lạc kể từ năm ( 1959-1960); ( một thông tin duy nhất để lại trên văn bia của thủy tổ là con cháu tộc Đỗ tại làng Địch Yên có đóng góp vào việc xây dựng Mộ thủy tổ vào năm 1944, người thường xuyên giữ mối liên lạc là ông Đỗ Rô, nhưng từ năm 1960 đến nay cũng mất liên lạc) đó là con cháu của ông Đỗ Văn Minh em ruột của ông Đỗ Văn Thái.
Với một thân cô độc, vượt núi băng đèo dãi nắng dầm sương, ông đã đến lập nghiệp tại làng Trung Lộc (nay là thôn 3 xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) bước đầu ông đã chống chọi với bao nỗi khắc nghiệt của thiên nhiên, chịu đựng gian khổ truân chuyên, nhưng ông vẫn không lùi bước. Năm Bính Thìn (1556) {Thời Lê Anh Tông - chúa Trịnh Kiểm} ông đã kết nghĩa trăm năm cùng bà Lê Thị Phúng (chưa rõ người làng nào) sinh hạ được một người con trai duy nhất là Đỗ Văn An.
(Hiện bia mộ của ông Đỗ Văn Thái táng tại gò Đỗ thôn 3 xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, Tỉnh Quảng Nam) trên bia mộ chí có nghi: “Thuỷ tổ Đỗ công hiệu Dương Khai được tộc tái tu tảo phần mộ năm Giáp Thân (1944) đời Bảo Đại thứ XIX và trùng tu xây dựng lại năm 2007- năm Đinh Hợi”
Ông Đỗ Văn An sinh năm Nhâm Thìn (1592) {Đời vua Lê Thánh Tông - Hiệu Quang Hưng và chúa Trịnh Tùng} tại làng Trung Lộc (nay là thôn 3, xã Quế Lộc) từ nhỏ ông được cha truyền nghề y lý và cho ăn học ở xa, tuy là con một nhưng ông vẫn thích phóng túng, ngao du, đi đó đây để hưởng ngoạn non nước hữu tình, ông là một trong những người sáng lập hội thơ xướng qui tụ các bậc thi nhân ở 3 làng: Nghi Sơn, Gia Cát, Trung lộc, theo gia phả để lại ông là người hiếu học, giỏi địa lý nhân văn, thích kết bạn kết bè để ngâm thơ, hát xướng, những năm tháng cuối đời ông xây dựng được một vườn thuốc nam {ngày nay dân làng hay truyền tụng là vườn thuốc họ Đỗ (hoặc gò Đỗ) tại xóm 1 thôn 3 xã Quế Lộc} trong đó có nhiều loại linh dược quí hiếm dùng để chữa bệnh cho nhân dân.
Năm Kỷ Mùi (1619) {Đời vua Lê Thần Tông - niên hiệu là Vĩnh Tộ, đàng Ngoài có chúa Trịnh Tráng và đàng Trong có chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên} ông kết hôn cùng với bà Nguyễn Thị Hằng một phụ nữ duyên dáng nết na con nhà quyền thế thuộc dòng tộc Nguyễn Chúa sinh hạ được 2 trai và 3 gái là:
Ông: Đỗ Văn Nho .
Ông: Đỗ Văn Siêu .
Bà : Đỗ Thị Lớn.
Bà : Đỗ Thị Bạc.
Bà : Đỗ Thị Lạnh.
PHẦN 2: TÙNG MẪU CẢI NGUYỄN
Thời bấy giờ, xã hội ta chia ra làm nhiều thành phần, nhiều giai cấp, chế độ phong kiến ban hành những quy luật để bảo vệ quyền lợi cho các tầng lớp quan tướng đương triều, ở tại làng xã nông thôn, những kẻ có quyền là các địa chủ, bá hộ, tri phủ, tri huyện, các chức sắc trong cửu phẩm triều đình, giai cấp nông dân bị tước đoạt hết ruộng đất, hầu hết những người này đều lâm vào cảnh nghèo khổ bần cùng, phải đi phục dịch làm phu phen, xây dựng cung điện thành luỹ, sung quân, đi lính… Nhân dân rất khốn khổ vì phải một cổ mà bị 2 tròng. Trước tình cảnh đó, để con cháu có điều kiện vươn mình trong xã hội, sau khi cân nhắc kĩ lưỡng, ông Đỗ Văn An và bà Nguyễn Thị Hằng đã quyết định đổi học cho các con, từ họ cha thành họ mẹ (một dòng tộc có quan hệ với nhà Nguyễn đương thời) cho cả 5 đứa con của mình.
Trong di chúc để lại, ông nhắc nhở các thế hệ con cháu đời sau phải dùng chữ Đỗ lót giữa tên để nhớ mãi rằng dòng tộc của chúng ta xuất thân từ họ Đỗ.
Như vậy, dòng tộc Nguyễn - Đỗ thực hiện việc tùng mẫu cải Nguyễn từ những năm 1620-1634 dưới thời vua Lê Thánh Tông - niên hiệu Vĩnh Tộ rồi niên hiệu Đức Long (1619-1662) và dưới sự cai trị của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đang là tổng quản trấn giữ 2 đạo Thuận - Quảng (1613-1635).
Nếu tính cả thuỷ tổ ở Đồng Đức thì ông Nguyễn Đỗ Nho, ông Nguyễn Đỗ Siêu là đệ ngũ thế tổ, nhưng chỉ tính Nguyễn Đỗ tộc tại Trung Lộc thì hai ông là đệ tam thế tổ, sau thuỷ tổ Đỗ Văn Thái và đệ nhị thế tổ Đỗ Văn An.
Ông Đỗ Văn An đã quyết định cải mẫu tùng Nguyễn cho các con từ họ Đỗ thành họ Nguyễn Đỗ gồm:
Ông: Đỗ Văn Nho thành Nguyễn Đỗ Nho
Ông: Đỗ Văn Siêu thành Nguyễn Đỗ Siêu
Bà : Đỗ Thị Lớn. thành Nguyễn thị Lớn
Bà : Đỗ Thị Bạc. thành Nguyễn thị Bạc
Bà : Đỗ Thị Lạnh thành Nguyễn thị Lạnh
Nếu tính theo phổ hệ của Nguyễn Đỗ Tộc tại Quế Lộc gọi 2 ông Nguyễn Đỗ Nho và Ông Nguyễn Đỗ Siêu là Đệ tam thế tổ mới trùng khớp với nội dung văn tự đã đề trên bia mộ. Tuy nhiên từ khi tu chỉnh lại tông đồ lần thứ 6 (năm 2009) cùng Đồng Đức- Tân An và Quế Lộc thành chung một tông đồ của cả dòng Tộc Đỗ, do đó thống nhất chuyển hai ông thành Đệ ngũ thế tổ cho phù hợp với việc lập tông đồ
Cũng trong thời gian cải Nguyễn tùng mẫu, Nguyễn Đỗ tộc được chia thành 2 nhánh.
1. NHÁNH NHẤT
ĐỆ NGŨ THẾ TỔ NGUYỄN ĐỖ NHO sinh hạ được một trai là ông Nguyễn Đỗ Nghị.
ĐỆ LỤC THẾ TỔ NGUYỄN ĐỖ NGHỊ phối với bà Nguyễn Thị Nhuyến sinh hạ được một trai là ông Nguyễn Đỗ Tàng.
(Hiện mộ bia của ông Nguyễn Đỗ Nghị táng tại gò cây đa - thôn 3 xã Quế Lộc)
ĐỆ THẤT THẾ TỔ NGUYỄN ĐỖ TÀNG (phối với ai chưa rõ) sinh hạ được 3 người con:
1/ Ông Nguyễn Đỗ Minh (đời thứ 8)
2/ Ông Nguyễn Đỗ Hôn (vô tự)
3/ Ông Nguyễn Đỗ Nan (đời thứ 8)
ÔNG NGUYỄN ĐỖ MINH (Đời thứ 8) (phối với ai chưa rõ) sinh hạ được 3 người con:
1/ Ông Nguyễn Đỗ Linh (đến đời thứ 11 thì vô tự)
2/ Ông Nguyễn Đỗ Mái (vô tự).
3/ Ông Nguyễn Đỗ Hột.
Ông NGUYỄN ĐỖ HỘT (Đời thứ 9) sinh hạ được một con trai là ông Nguyễn Đỗ Tán
ĐỜI THỨ MƯỜI ông NGUYỄN ĐỖ TÁN sinh hạ được một trai là Ông Nguyễn Đỗ Tý
ĐỜI THỨ MƯỜI MỘT ông NGUYỄN ĐỖ TÝ sinh hạ được một trai là ông Nguyễn Đỗ Diêm (đời thứ 12) hiện nay ông Nguyễn Đỗ Diêm là Chủ tịch Hội Đồng Gia Tộc
ÔNG NGUYỄN ĐỖ NAN (Đời thứ 8) (Phối với ai chưa rõ) sinh hạ 1 người con trai là ông Nguyễn Đỗ Đắng
ÔNG NGUYỄN ĐỖ ĐẮNG (Đời thứ 9) sinh hạ 1 người con trai là Ông Nguyễn Đỗ Hôi
ÔNG NGUYỄN ĐỖ HÔI (Đời thứ 10) sinh hạ 3 trai gồm :
1. Ông Nguyễn Đỗ Xây (Đời thứ 11) vô tự
2. Ông Nguyễn Đỗ Núi (Đời thứ 11) vô tự
3. Ông Nguyễn Đỗ Thân (Đời thứ 11) phối với ai chưa rõ sinh hạ 1 trai là Ông Nguyễn Đỗ Thích (Đời thứ 12) trong thời gian nầy, Ông Nguyễn Đỗ Thích đã chuyển gia đình về sinh sống tại Xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, phối với ai chưa rõ, sinh hạ 2 người con (1 trai và 1 gái) là Ông Nguyễn Đỗ Phòng và Bà Nguyễn Đỗ Mỹ Hạnh, hiện nay theo số liệu thống kê thì Ông Nguyễn Đỗ Thích còn các con cháu kế thừa đến đời thứ 13,14,15 gồm:
1. Ông Nguyễn Đỗ Phòng (Đời thứ 13) phối với bà Trần thị Huệ sinh hạ 4 người con (3 trai và 1 gái ) gồm :
1. Ông Nguyễn Đỗ Văn Hoa
2. Ông Nguyễn Đỗ Văn Xuân
3. Ông Nguyễn Đỗ Văn Nhàn
4. Bà Nguyễn Đỗ Minh Nhạn
Và các con cháu rất đông đời thứ 14 và 15 vẫn đang sinh sống tại xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn và Thành phố Đà Nẵng (xin theo dõi tông đồ Tộc đính kèm trong phần phụ lục)
2. NHÁNH NHÌ
ĐỆ NGŨ THẾ TỔ NGUYỄN ĐỖ SIÊU (phối với ai chưa rõ) sinh hạ được 4 người con trai gồm:
1/ Ông Nguyễn Đỗ Tìm ( vô tự) .
2/ Ông Nguyễn Đỗ Thông (sinh thêm được đời thứ 7 thì vô tự ).
3/ Ông Nguyễn Đỗ Luật.
4/ Ông Ngưyễn Đỗ Tố (sinh hạ đuợc đời thứ 7 thì vô tự )
{hiện mộ bia của ông Nguyễn Đỗ Siêu an táng tại vườn ông Đồng, thôn 3 xã Quế Lộc trên bia có ghi có ghi “ Đệ tam thế tổ tùng mẫu cái Nguyễn Tiên công tự là là Cao Thăng”, được tu sửa lại phần mộ năm Ất Dậu (1945) } .
ĐỆ LỤC THẾ TỔ NGUYỄN ĐỖ LUẬT phối với bà Nguyễn Thị Soạn sinh hạ 2 người con :
1/ Ông Nguyễn Đỗ Tâm
2/ Ông Nguyễn Đỗ Từ
( Mộ ông Nguyễn Đỗ Luật trước đây tán tại gò sám hối thôn 2 xã Quế Lộc, nhưng sau đó HTX 2 dùng làm trụ sở của HTX nên tộc đã dời về gò cây trảy bên cạnh mộ bà Thuỷ tổ Lê Thị Phúng bia có ghi “ Nguyễn Tiên công hiệu Cao Hiên ” dựng bia năm Bính Thân (1956).
ĐỆ THẤT THẾ TỔ NGUYỄN ĐỖ TÂM sinh hạ 2 người con gồm:
1/ Ông Nguyễn Đỗ Thưởng
2/ ÔNg Nguyễn Đỗ Nhiêu
ĐỆ THẤT THẾ TỔ NGUYỄN ĐỖ TỪ sinh hạ 3 người con gồm:
1/ Ông Nguyễn Đỗ Tuy
2/ Ông Nguyễn Đỗ Huy
3/ Ông Nguyên Đỗ Huý (vô tự)
Trong thời gian này do sinh hạ quá đông nên nhánh 2 được chia làm 2 chi :
CHI THỨ NHẤT : Xuất phát từ Đệ bát thế tổ Nguyễn Đỗ Thưởng của nhánh 2
ĐỆ BÁT THẾ TỔ NGUYỄN ĐỖ THƯỞNG kết hôn với bà Ngô Thị Sách sinh hạ đuợc 3 người gồm:
1/ Ông Nguyễn Đỗ Hài
2/ Ông Nguyễn Đỗ Điều
3/ Ông Nguyễn Đỗ Cương
Theo thống kê đến thời điểm hiện nay (năm 2009) chi thứ nhất (của nhánh 2) đã phát triển đến đời thứ 16, hiện có khoảng 205 người bao gồm cả trai và gái
CHI THỨ NHÌ : Xuất phát từ Đệ bát thế tổ Nguyễn Đỗ Nhiêu của nhánh 2
ĐỆ BÁT THẾ TỔ NGUYỄN ĐỖ NHIÊU sinh hạ 3 người con
1/ Ông Nguyễn Đỗ Khoá
2/ Ông Nguyễn Đỗ Khiểng
3/ Ông Nguyễn Đỗ Tạ
Theo thống kê đến thời điểm hiện nay (năm 2009) chi thứ nhì (của nhánh 2) đã phát triển đến đời thứ 15, hiện có khoảng 130 người bao gồm cả trai và gái
CHI THỨ BA: Xuất phát từ đệ bát thế tổ Nguyễn Đỗ Tuy và Nguyễn Đỗ Huy của nhánh 2
ĐỆ BÁT THẾ TỔ NGUYỄN ĐỖ TUY sinh hạ
ông Nguyễn Đỗ Tồn (đời thứ 9) hiện nay tiếp tục kế truyền đến đời thứ 13
ĐỆ BÁT THẾ TỔ NGUYỄN ĐỖ HUY sinh hạ ông Nguyễn Đỗ Xạ (đời thứ 9) sau đó đến đời thứ 11 thì vô tự
Theo thống kê, hiện nay chi thứ ba của nhánh 2 đã phát triển đến đời thú 13, hiện có 03 người
NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LÀM RÕ HƠN VỀ CÁC TRƯỜNG HỢP VÔ TỰ CỦA DÒNG TỘC
Theo văn tự để lại:
Năm Giáp Thân (1884) nhà Nguyễn ký hoà ước pa-tơ-nốt, chia cắt đất nước Việt Nam ra làm 3 kỳ {Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ} và chịu dưới sự bảo hộ của đế quốc Pháp - Ông Nguyễn Duy Hiệu (Hường Hiệu) hưởng ứng “chiếu Cần Vương” chiêu mộ quân đánh Pháp. Ông tham gia và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Văn Thân (1885) lập căn cứ nghĩa binh tại Tân Tỉnh - Trung Lộc (nay là xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn) thanh thế của Nguyễn Duy Hiệu rất mạnh, kiểm soát các vùng rộng lớn nông thôn Quảng Nam, ông xây dựng Tân Tỉnh giống như triều đình của một quốc gia, lực lượng nghĩa binh do ông lãnh đạo rất hùng mạnh. Lúc đó nhiều thanh niên trai tráng trong dòng tộc Nguyễn Đỗ đã hưởng ứng tham gia nghĩa binh của ông Hường Hiệu
Năm Mậu Tý (1888) quân Pháp vây đánh Trung Lộc nhiều lần nhưng thất bại, sau có tên Nguyễn Thân là cận tướng của ông Hường Hiệu đã tráo trở làm phản, nên giặc Pháp chiếm được Tân Tỉnh và tàn sát hơn 1.000 nghĩa binh trong đó dòng tộc Nguyễn Đỗ đã hy sinh hơn vài chục người, họ đều là những trai tráng khoẻ mạnh.
Vì vậy, cả một thế hệ đời thứ 8 thứ 9 và thứ 10 trong phổ hệ gia tộc có rất nhiều người vô tự. Đây chính là sự thiệt thòi lớn cho dòng tộc, nhưng bù lại chúng ta rất tự hào vì có các bậc cha ông ngày trước đã vì đại nghĩa mà hi sinh, ông bà chúng ta đã để lại những tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo, nhằm tiếp tục phát huy và làm rạng danh truyền thống của dòng tộc.
PHẦN III : HOÀI NIỆM CÔNG ĐỨC CỦA TỔ TIÊN
Hôm nay, chúng ta ôn lại quá trình lịch sử Tộc đã để hoài niệm và tôn kính công đức của tổ tiên xưa.
“Cờ bình nhưng theo lạc ngựa chinh Nam, gươm Triệu Vũ giã từ đất Bắc, kìa rừng thiêng nước độc, kìa thú dữ tai ương, vẫn cam khổ để ngàn năm cho dòng tộc được trường tồn vĩnh cửu.”
Qua 16 đời phát triển với ngót gần 530 năm; từ Đỗ Gia Trang uy nghi lộng lẫy tại làng Đồng Đức xa xưa, đến một thân cô độc bước chân lạ lẫm đến Trung Lộc, xứ sở mà tạo hoá đã ban cho một khu vườn phía tây rất đẹp với tên gọi hết sức thân thương “Tây Viên”
Cổ nhân đã dạy “Chim có tổ, người có tông” mỗi người sinh ra và lớn lên đều có tổ tiên, có ông bà cha mẹ, cũng như mọi dòng sông, con suối đều có ngọn nguồn xuất phát.
Với nhận thức rằng:
“Kế tục lịch sử là sự sống còn của một quốc gia, một dân tộc, truyền thống một gia tộc là sự chấn hưng của một dòng họ hay của một cộng đồng, viết lại lịch sử tộc là để lại cho con cháu các thế hệ nối tiếp hiểu biết về nguồn gốc và công lao to lớn tổ tiên đã: “Lao tâm, khổ tứ, tận lực, vun bồi, gây dựng nên cơ nghiệp… truyền lại đến đời nay.” Khi đọc lại lịch sử của dòng họ mình con cháu sẽ thấy được lẽ thịnh suy qua nhiều thế hệ.”
Ngẫm lại tổ tiên chúng ta ngày xưa, ra tay xây dựng cơ đồ không phải một sớm một chiều hoặc “Nhất đáo tạo thành” hay “Toạ hưởng kỳ thành” mà có được. Kết quả của ngày hôm nay mà chúng ta đang thụ hưởng là cả quá trình hy sinh gian khổ. Là sự tích luỹ của bao đời lao động cật lực, là sự chiến đấu chống chọi với thiên nhiên…đó là mồ hôi nước mắt, dãi nắng dầm mưa, thức khuya dậy sớm, thậm chỉ trả bằng xương trắng máu hồng.
Dòng tộc Nguyễn Đỗ chúng ta cũng đã chứng minh được rằng: Kể từ thuỷ tổ Đỗ Văn Lữ rời quê hương Nghệ An vào lập cư tại Đồng Đức và cho đến hôm nay đã hơn 5 thế kỷ, tổ tiên chúng ta đã sống với bao thảm hoạ thiên tai rồi giặc giã liên miên, ông bà chúng ta đã từng chứng kiến và tham gia nhiều sự kiện về lịch sử trọng đại của đất nước.
Đó là cuộc cát cứ phân tranh giữa 2 tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn kéo dài hàng trăm năm (1627-1786) rồi chia cắt tổ quốc, gieo rắt bao nhiêu đau thương tan tóc cho dân lành.
Đó là phong trào nông dân khởi nghĩa Tây Sơn do vị anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung lãnh đạo - diệt thù trong, chống giặc ngoài, đem giang sơn gom lại một mối.
Đó là phong trào Cần Vương do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo, ủng hộ vua Hàm Nghi yêu nước để chống Pháp (1885) mà dòng tộc chúng ta đã anh dũng hi sinh biết bao người dưới lá cờ hiệu triệu của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Duy Hiệu tại Tân Tỉnh (1885-1888)
Đó là phong trào đấu tranh xin xâu giảm thuế năm 1908 của nhân dân miền Trung xuất phát từ huyện Đại Lộc rồi lan tỏa đến Thăng Bình - Quế Sơn.
Đó là cuộc Cách mạng tháng 8-1945 giành lấy chính quyền về tay nhân dân lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Đó là cuộc kháng chiến thần kỳ trên 20 năm với chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Có thể khẳng định được một điều, qua bao biến động của lịch sử, ông bà cha anh chúng ta đã thấm nhuần đạo lý: “Trung với nước, hiếu với dân”, đây là yếu tố cốt lõi của điều nhân nghĩa được thể hiện:
“Nước có giặc là đánh giặc, đường trường chinh tiếp bước, anh đứng lên, em ngã xuống quyết vẹn chữ hiếu trung”
“Cuộc kháng chiến trường kì, lớp cha trước, lớp con sau, nguyện trọn câu nhân nghĩa”.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dòng tộc Nguyễn Đỗ chúng ta có rất nhiều người lên đường làm nghĩa vụ cứu nước, tính đến nay đã có trên 9 liệt sĩ hi sinh, đặc biệt được Nhà Nước phong tặng một mẹ Việt Nam anh hùng (bà Nguyễn Thị Hiển đã có chồng và 4 người con hi sinh cho sự nghiệp CM) và một điều không thể quên được, qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước để giải phóng dân tộc, đã có hơn 20 người là con cháu của dòng tộc chúng ta đã ngã xuống do bom rơi, đạn lạc. Vì vậy, phổ hệ con cháu đời sau phải ghi lại để hoài niệm và tưởng nhớ những người vô tự.
Ngày nay con cháu nội ngoại sum suê, giữ vững truyền thống đoàn kết tương thân hiếu học để góp phần làm cho gia đình giàu mạnh, đất nước phồn vinh, dòng tộc thêm lớn mạnh.
Với truyền thống lá rụng về cội, uống nước nhớ nguồn, con cháu dòng tộc Nguyễn Đỗ vẫn tưởng nhớ lời dặn dò trong di chỉ của tổ tiên "chúng ta xuất phát là dòng tộc họ Đỗ" nên "Nguyễn là đây mà Đỗ cũng là đây"; vì vậy hằng năm chúng ta vẫn duy trì những cuộc hành hương về đất tổ (làng Đồng Đức ngày xưa - nay là xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình ) nhằm dâng lên Thuỷ Tổ nén hương thơm với lòng thành kính; tôn vinh đức cao dày, dẫu rằng thời gian có biến động, làm rêu phong biết bao di chỉ của cổ nhân, xáo trộn theo bước thăng trầm của lịch sử, con cháu tộc Nguyễn Đỗ của chúng ta kẻ ở lại quê nhà, người sinh sống tại phương xa (Hà Nội, Bắc Giang, Sài gòn, Tiền Giang, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Đà Nẵng, Tam kỳ...) nhưng tâm linh vẫn luôn hướng về cội nguồn của dòng tộc, để khơi động trong tâm một lời thề: “Sống làm sao cho thật xứng đáng là con cháu dòng tộc Nguyễn Đỗ ”.
Thay lời kết
Buổi sơ khai một ngôi thuỷ tổ
Đời nối đời chia hộ chia chi
Cây cao bóng cả sum suê
Lá rơi về cội- nguồn về tổ tông
Nghìn năm con cháu nối dòng
Nhớ ơn tiên tổ mười phương rạng ngời
Chúng ta phải nhủ với lòng
Vun bền tổ trạch, giữ tròn gia thanh
Hồng ân uông đúc tạo thành
Họ hàng đoàn kết gia đình yên vui
Để cho con cháu hậu lai
Nối tiếp truyên thống tự hào tộc ta
Mấy vần như một đoá hoa
Rạng danh Nguyễn Đỗ ngát xa hương đời.
Hậu duệ đời thứ 12: Nguyễn Đỗ Chiến
KHAI BÚT BÍNH TÝ NIÊN(1996)
KẾT BÚT TÂN TỴ NIÊN (2001)
HIỆU ĐÍNH KỶ SƯỦ NIÊN (2009)
|