GIA

PHẢ

TỘC

Phạm
Phú
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ THUỶ TỔ CỦA DÒNG HỌ
THỦY TỔ CỦA DÒNG HỌ PHẠM PHÚ LÀNG CỔ MÂN

Lai lịch một ngôi làng


Cổ Mân là một trong số ít những làng cũ trên đất Đà Nẵng hiện nay còn bảo lưu nhiều gia phả của các dòng họ. Đặc biệt, làng còn giữ được nhiều tư liệu liên quan đến lịch sử văn hóa của làng dưới thời nhà Nguyễn, nhất là giai đoạn Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp. Theo gia phả tộc Phạm, tổ tiên của tộc Phạm đã rời xã Cổ Mân, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương vào vùng đất phía hữu ngạn sông Hàn này khai canh, khai cư từ năm Cảnh Trị thứ 3 (Lê Huyền Tông - 1665); xong đâu đấy đặt tên làng nơi sinh sống theo tên làng cũ để lưu nỗi nhớ cố hương.Nhánh Phạm Phú chúng tôi ở thôn Hưởng Phước, xã Hoà Liên là do Tổ khảo chúng tôi Cụ Phạm Phú Hảo ly hương rời làng Cổ mân xuôi theo dòng sông Cái ra cửa sông Hàn rồi ngược sông Trường Định, Sông Thủy Tú sau đó xuống thôn Vân Dương rồi đến thôn Hưởng Phước. Cụ chọn nơi đây làm chốn lập nghiệp. Hiện nay, gia phả gốc của gia tộc vẫn được giữ tại Nhà thờ họ Phạm Phú ở làng Cổ Mân. Phả ký này sơ thảo trên cơ sở những tư liệu được sưu tầm và viết lại từ đời của Ông Phạm Phú Luông - là con cháu của Ông Phạm Phú Hảo- có tham khảo ý kiến từ các vị tiền bối, các Ông Phạm Phú Sau, Phạm Phú Điềm, Phạm Phú Tiến, Phạm Phú Trưng kể lại và có sưu tầm bổ sung thêm những tư liệu mới cho đến nay.Trong quá trình làm gia phả tôi cũng sưu tầm được một số bài viết có liên quan đến dòng họ Phạm Phú, xin mạo muội trích đăng lên gia phả Phạm phú để mọi người trong dòng họ cùng xem và đóng góp ý kiến bài vở.


Bài 1: Phạm Phú Thứ với hoài bão canh tân đất nước

-Hòa Văn

- Phạm Phú Thứ hiệu Trúc Đường sinh ngày 24 tháng chạp năm Canh Thìn (27.01.1821) người con ưu tú của làng Đông Bàn (nay là xã Điện Trung, H. Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam) là người sớm thành danh: đỗ Tiến sĩ năm 1843 lúc vừa tròn 22 tuổi, từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng từ Tri phủ, Án sát... đến Thượng thư các bộ Lễ (1855), bộ Hộ (1865), bộ Binh (1873), từng sang Trung Quốc (Quảng Châu –1851), đi sứ sang Pháp – Tây Ban Nha (1863-1864) sống trong giai đoạn lịch sử nửa sau thế kỷ 19 lúc nhà Nguyễn suy đồi. Giặc Pháp và các nước phương tây tranh giành thuộc địa tìm cớ gây hấn xâm lược nước ta, tư tưởng trung quân phong kiến còn hạn chế. Nhưng vượt lên trên mọi trở lực đương thời sự nghiệp của Trúc Đường Phạm Phú Thứ sáng trong nỗi niềm yêu nước thương dân với hoài bão lớn canh tân đất nước. Đúng như lịch sử đánh giá qua nhận định khách quan của nhiều Giáo sư sử học, nhà nghiên cứu lịch sử có tiếng trong nước như GS sử học Đinh Xuân Lâm, Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, PGS-PTS Nguyễn Phan Quang, PGS Lê Văn Sáu... “Trúc Đường Phạm Phú Thứ là nhà canh tân hàng đầu trong số nhà canh tân thời ấy và là người tiên phong để sau này phong trào Duy Tân đạt kết quả tích cực”. Trong đó đáng chú ý nhận định của PGS Huỳnh Lứa nguyên Giám đốc trung tâm nghiên cứu lịch sử - Viện khoa học Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh: “Trong số các đại thần triều Tự Đức, Phạm Phú Thứ là đại thần nổi bậc về hai phương diện : Một là ông rất cương trực dám nói thẳng quan điểm của mình, dám phê phán cả nhà Vua mà không sợ trù dập, thậm chí khi bị trù dập, bị giáng chức nhiều lần vẫn không nản chí không sợ hãi, vẫn kiên trì những ý kiến của mình cho là đúng đắn – Hai là ông không thủ cựu không cố chấp, hơn thế bằng sự quan sát hết sức tinh tế và đọc nhiều sách tân học ông ra sức phát hiện những cái mới để học tập và tiếp thu làm phong phú thêm kiến thức của mình đồng thời mạnh dạn đề xuất những phương sách canh tân đất nước nhằm cứư vản tình thế nguy cấp của nước nhà trước sự xâm lăng của thực dân Pháp. Rõ ràng hai đức tính cao đẹp đó của ông mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ sau ông kể cả ngày nay”. Có một điều đáng tiếc nhà Nguyễn bấy giờ thủ cựu đã để lỡ cơ hội, các nhà canh tân như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch không có điều kiện đem đức – tài – tâm ra kinh bang tế thế giúp nước giúp dân. Tuy vậy trong cương vị đại thần khi đương chức Tổng đốc ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Hưng, Hải Dương, Hải Yên ông đã có nhiều quyết sách hợp lòng dân như thi hành các chính sách chống đói một cách cơ bản bằng cách khai hoang trồng cây lương thực, mở thuỷ lợi ở Đông Triều (QuảngYên) Nam Sách (Hải Dương) mở cảng ngoại thương Hải Hưng (1874), khuyến khích nhà giàu bỏ vốn mở mang công nghệ, đánh thuế nhẹ hộ sản xuất tiểu thủ công nghiêp, hỗ trợ dân nghèo khai thác than đá ở Quảng Yên. Ở mạn Đông Bắc ông chú trọng phục hồi sản xuất nông nghiệp phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tỉnh lỵ, phố phường, làng xã qui củ lập cảng ngoại thương Hải Phòng, chăm lo đời sống dân nghèo, quan tâm canh phòng biển, biên giới, thực hiện mở mang trường học truyền bá kiến thức khoa học kỹ thuật phương tây cho dân chúng, khôi phục nhà xuất bản Hải học đường - vốn có từ đời Gia Long 1802-1805 - xuất bản bốn cuốn sách dịch từ tiếng Anh ra chữ Hán: Bác vật tân biên (nói về khoa học), Khai môi yếu pháp (nói về khai mỏ), Hàng hải kim châm (nói về cách đi biển), Vạn công pháp (phép giao thiệp quốc tế) cùng với xuất bản sách ông còn đề cập tới một số vấn đề như đúc súng, chế biến thuỷ tinh, ứng dụng hoá học vào đời sống sản xuất...

Đối với quê hương Quảng Nam, nhân chuyến về thăm nhà (1859) qua tìm hiểu thấy rõ dân tình cơ cực khó khăn ông dâng sớ xin Vua đắp đê Câu Nhí - Điện Bàn, đào sông Ái Nghĩa - Đại Lộc phục vụ sản xuất dân sinh thuận lợi. Riêng qua đi sứ cùng phái bộ triều đình (Phan Thanh Giản, Nguỵ Khắc Đản) đến Pháp – Tây Ban Nha điều đình chuộc lại ba tỉnh Đông Nam kỳ theo hòa ước Nhâm Tuất (1862) trên đường công du ông học mô hình xe gió của Ai Cập khi về nước hướng dẫn nông dân làng Đông Bàn quê ông làm thành xe đạp nước sau cải tiến thành xe trâu dùng để đưa nước từ ao đìa lên tưới ruộng đây là công cụ thuỷ lợi đầu tiên du nhập vào Quảng Nam mang lại hiệu quả kinh tế cải thiện đời sống nông dân thời ấy, đến năm 1965 tại làng Đông Bàn (Điện Bàn) có 17 xe đạp nước xe trâu tưới nước cho hàng trăm mẫu ruộng, về sau nhiều nơi trong ngoài tỉnh làm theo trở thành công cụ thuỷ lợi phổ biến... Canh tân đất nước đi đôi với lòng thương dân yêu nước gắn với tự cường độc lập tự chủ dân tộc là hai giềng mối Trúc Đường - Phạm Phú Thứ trước sau như một, điều nầy thể hiện qua hành động khi tàu chiến thực dân Pháp – Tây Ban Nha đổ quân lên bán đảo Sơn Trà xâm lược Đà Nẵng ngày 19.9.1859 ông đã dâng sớ thỉnh nguyện triều Tự Đức xin cho dân viên quê quán Quảng Nam tòng sự tại Kinh đô được về quê nhà chống quân xâm lược lời thỉnh nguyện được cư dân quê nhà đồng tình. Lúc 60 tuổi Phạm Phú Thứ về quê tĩnh dưỡng sau đó vì tuổi già sức yếu ông mất ngày 17 tháng chạp năm Tân Tỵ (5.2.1882) lăng mộ ông là di tích Lịch sử - Văn hoá hiện toạ lạc tại làng Đông Bàn, xã Điện Trung. Trúc Đường - Phạm Phú Thứ để lại tư tưởng canh tân đất nước đáng quí và phù hợp với mọi thời đại, ngoài ra ông còn để lại nhiều áng văn chương thi phú, nhật ký... mang tính nhân văn sâu sắc thể hiện hoài bão lớn lao: Dân giàu - nước mạnh, đất nước độc lập - tự do. H.V(Tham khảo nhiều tài liệu, sách về Phạm Phú Thứ)

Bài 2:LỊCH SỬ NAM TIẾN VÀ NHỮNG CUỘC DI DÂN

- Từ năm 2897 đến năm 2875 trước Công nguyên: nước Văn Lang, họ Hồng Bàng rồi Âu Lạc. Triệu Đà chiếm, khởi đầu Bắc thuộc.
- Từ năm 76 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 10: Ngô Quyền, 12 Sứ quân, đến triều Đinh (968 – 980), thời kỳ độc lập tự chủ, ranh giới phía Nam giáp Châu Hoan, Hà Tĩnh nay.
- Năm 992 Lê Đại Hành huy động 3 vạn người vào huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tỉnh, đến châu Địa Lý của Chiêm. Đây là đường bộ đầu tiên khai thông Bắc - Nam.
- Năm 1069, vua Lý Thánh Tông vào đánh Chiêm Thành, Chế Củ bị bắt, xin nộp ba châu Bố Chánh, Địa Lý và Ma Linh. Châu Bố Chánh là Nam-Bắc sông Gianh, Quảng Bình nay. Châu Địa Lý nằm giữa Quảng Bình, nay là Lệ Thủy. Châu Ma Linh nằm ở miền Bắc Quảng Trị, nay là Minh Linh, Gio Linh. Liền sau đó vua xuống chiếu chiêu mộ dân vào ở. Hưởng ứng, nhân dân Nghệ An vào thành họ tộc, lập các xóm thôn như Phan xá, Hoàng xá, Ngô xá, Vũ xá…(xin xem thêm sách “Ô Châu cận lục”)
- Thời thuộc Minh, từ năm 1407, đất Chiêm Động và Cổ Lủy lại vể lại với Chiêm Thành, do nhà Minh quản lý.
- Từ 1418 đến 1425, Lê Lợi chiếm lại Thuận Hóa. Châu huyện vẫn gọi như trước, nhưng biên cương vẫn không yên ổn.
- Năm 1471, vua Lê Thánh Tông quyết định thân chinh tiến đánh, vây hảm thành Trà Bàn (Đồ Bàn), bắt sống Trà Toàn và chiếm đất đến Thạch Bi Sơn, đặt ra phủ Hoài Nhơn. Vùng đất mới chiếm nầy đặt tên mới là Thừa Tuyên Quảng Nam, trong đó có ba phủ, phủ Hoài Nhơn có ba huyện là Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Năm 1490, đổi Thừa Tuyên thành xứ.- Ngoài việc đất Quảng Bình (Châu Bố Chính) di dân theo kiểu họ tộc, trong huyện Khang Lộc có 72 làng Mai Xá, Chu Xá, Lỗ Xá, Phan Xá, Bùi Xá, Trương Xá; ở Châu Minh Linh có 65 làng. Số quan quân đi đánh Chiêm cũng được phép ở lại. Lại khuyến khích dân Nghệ An thạo nghề sông biển, dùng thuyền vào khai thác Hòai Nhơn. Đặc biệt lại đưa phần tử tù nhân bị lưu đày, chia làm 3 bậc đi 3 nơi: lưu cận châu đi Nghê An, Hà tỉnh; lưu ngoại châu, đi Châu Bố Chánh; lưu viễn châu đi Quảng Bình
- Từ năm 1474, có đất Thăng Hoa, việc lưu đày được sửa đổi: lưu cận châu, đi Thăng Hoa; lưu ngoại châu đi Tư Nghĩa; lưu viễn châu, đi Hoài Nhơn.- Cuộc di dân thời Lê là quan trọng, người Chăm không chỗ lùi phải sống chung với người Việt, cuộc sống của dân mới yên ổn làm ăn.
- Từ năm 1558 - 1613, Nguyễn Hoàng theo sấm Trạng Trình: “Hoành sơn nhất đái vạn đâi dung thân” đã vào Thuận Hóa.- Khi Đoan quận công vào xây thành Ái Tử, đoàn tùy tùng theo ông khá đông, gồm những nhà quyền quý ở Tống Sơn, nghĩa dõng ở Thanh Hóa, Nghệ An và khá đông kiến họ ngoại của Chúa cũng theo vào.
- Nguyễn Hoàng đánh nhau với tướng nhà Mạc là Lập Bạo. Lập Bạo bị giết, quân sĩ đầu hàng, Chúa cho ở lại đất Cồn Tiên lập lên 36 phường.
- Năm 1611, quân Chiêm Thành ra đánh biên giới Hoài Nhơn, Chúa đem binh đánh trả, chiếm luôn đất Phú Yên, lập hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.
- Năm 1648 - 1687 Nguyễn Phúc Tần, chiến tranh Trịnh - Nguyễn nổ ra, trong 46 năm 7 lần đánh nhau, lần thứ 5, quân Nguyễn đánh ra chiếm 7 huyện của Nghệ An suốt 5 năm, khi rút về dắt theo 3 vạn quân dân đàng ngoài, đưa vào an trí khai hoang vùng Quảng Nam cho đến Phú Yên. Lần nầy có họ Hồ ở Hưng Nguyên (Nghệ An) đưa vào An Khê. Đây là Tổ tiên của ba anh em nhà Tây Sơn.
- Năm 1672, Trịnh Nguyễn đánh nhau lần cuối, không phân thắng bại, hai bên lấy sông Gianh làm giới tuyến, từ đó Nam Hà tách khỏi ảnh hưởng nhà Lê, hình thành một trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế mới là Tri Thiên – Huế.
- Từ năm 1691 – 1725, chúa Nguyễn Phúc Chu 3 lần mở rộng lảnh thổ về phía Nam:

1. Năm 1693 lấy nốt đất Phan Rang, Phan Thiết của Chiêm Thành.
2. Năm 1698, họp thức hóa hai vùng Đồng Nai và Bến Nghé của Thủy Chân Lạp, lâp ra Gia Định, với hai huyện Phước Long và Tân Bình và di dân miền Ngũ Quảng vào khai thác. Đó là vùng đất miền Đông Nam bô ngày nay.
3. Năm 1714, tiếp nhận vùng đất Hà Tiên do Mạc Cửu dâng cho chúa Nguyễn, gồm An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.- Sau đó, Nghi biểu hầu Nguyễn Cư Trinh can thiệp vào cuộc động binh giữa Xiêm La, Cao Miên và họ Mạc Cửu ở Hà Tiên, để tiếp quản nốt vùng Tầm Đôn- Lôi Lạp - Tầm Phong Long vào bản đồ Việt Nam.- Trong những lần vào Nam, Tây sơn bỏ ngũ lại, Nguyễn Ánh lên ngôi đã hợp thức hóa cho số người nầy, tiếp đó là tiếp nhận số “phản Thanh phục Minh”
- Năm 1954, Nam bộ có thêm dân miền Bắc di cư.
- Sau năm 1975 số cán bộ, chiến sĩ; số người thiên cư từ miền Bắc vào khá đông.
Theo VÕ VĂN SỔ
Tập hợp từ các tư liệu lịch sử
Ngoài ra có một trang web Họ phạm Việt nam: www.hopham.org rất hay và bổ ích cho tất cả con cháu họ Phạm, mời bà con viếng thăm
Gia Phả Phạm Phú
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Phạm Phú.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Phạm Phú
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.