GIA

PHẢ

TỘC

NGÔ
ĐÌNH
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ GIA SỬ CỦA DÒNG HỌ
HỌ NGÔ VIỆT NAM
I LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN
(Lược ghi khái quát)

Họ Ngô xuất hiện rất sớm ở Việt Nam nhưng căn cứ vào tộc phả họ Ngô do Hán quốc công Ngô Lan biên sọan năm Đinh Dậu triều Lê Thánh Tông (1477) thì vị tổ xa nhất mà chúng ta biết được là ngài Ngô Nhật Đại quê ở Châu Ái (tức Thanh Hóa ngày nay). Ngài sinh con là Ngô Nhật Dụ giỏi Nho học được người Trung Quốc bổ làm quan Liêu tá trong phủ đô hộ (thuộc đời Đường).Cũng có thuyết nói Ngài Ngô Nhật Đại vốn là một hào trưởng châu Phúc Lộc (đất thuộc huyện Thạch Hà và Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Ngài tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan chống lại nhà Đường. Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế) thất trận, nghĩa quân tan vỡ, Ngài phải rời vùng Châu Ái sinh sống bằng nghề nông.

Từ Ngài Ngô Nhật Dụ trải đến Ngài Ngô Đình Thực rồi kế tiếp Ngô Đình Mân cha Ngô Quyền và Ngô Tịnh. Ngài Ngô Quyền sinh năm 897 tại Dường Lâm, năm 939 lên ngôi vua, ở ngôi được 6 năm. Ngô Quyền có hai bà vợ sinh được 4 người con trai là Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn, Ngô Nam Hưng, và Ngô Càn Hưng. Khi Ngô Quyền mất, người con trưởng là Ngô Xương Ngập lên nối ngôi nhưng bị cậu là Dương Tam Kha cướp ngôi, phải chạy trốn về Nam Sách. Năm 951 em trai là Ngô Xương Văn lấy lại được ngôi vua d0ón Ngô Xương Ngập về cùng trông coi triều chính nhưng chỉ được ít năm bi bệnh qua đời. Ngô Xương Văn sau đi dẹp lọan tử trận (965). Liền ngay sau đó trong nước nổi lên lọan 12 sứ quân.

Hai con trai của Ngô Xương Ngập la Ngô Xương Xý và Ngô Xương Tỷ; hai con trai của Ngô Xương Văn và Ngô Nhật Khánh và Ngô Nhật Chung (đời thứ 7).

Về Ngài Ngô Tịnh đời thứ 5 (em ruột Ngô Quyền), sau ngày Ngô Quyền lên ngôi vua, Ngài làm trấn thủ vùng Kỳ Hòa, sinh được 5 người con trai: Ngô Tiến, Ngô Hoán, Ngô Vy, Ngô Ngân, Ngô Mục (2 người đi tu, 3 người làm hào mục). Đến đây bị thất truyền.

Trở lại các con trai của Ngài Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn thì sau khi Ngô Xương Văn tử trận, Ngô Xương Xý xưng là Bình Kiều sứ quân giữ vùng Bình Kiều (thuộc huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa ngày nay) em là Ngô Xương Tỷ đi tu lấy đạo hiệu Ngô Chân Lưu. Ngô Nhật Khánh xưng là Đường Lâm sứ quân giữ vùng Đường Lâm, sau bị Đinh Bộ Lĩnh bức hang, uất hận tìm cách phục thù nhưng bất thành bị chết. Em trai Ngô Nhật Khánh là Ngô Nhật Chung lui về vùng Đỗ Động trở thành điền chủ, sau nổi dậy chống Lê Đại Hành bất thành. Đến đời con là Ngô Nhật Minh thì thất truyền.

Sang đời thứ 8, sau khi Ngô Xương Xý thất bại, con trai trưởng là Ngô Xương Sắc lưu lạc về Châu Ái sinh 2 con trai là Ngô Tử Án và Ngô Tử Canh. Người con trai thứ là Ngô Ích Vệ đổi tên là Ngô An Ngữ chạy vào vùng Châu Hoan (Nghệ Tĩnh) lam nghề dạy học, sau ra làm quan dưới triều Lý Thái Tổ, sinh 2 con trai là Ngô Tuấn và Ngô Chương.

Đến đời thứ 9, Ngô Tử Canh làm quan đại thần dưới triều Lê Hoàn, không rõ con cháu kế tiếp gồm những ai. Ngô Tử Án lớn lên ra làm quan triều Lý và tiền Lê. Ngô Tử Án sinh Ngô Tử Úy (đời thứ 10). Ngô Tử Úy sinh Ngô Tử Vĩnh (đời thứ 11). Ngô Tử Vĩnh sinh Ngô Đắc Dũng (đời thứ 12). Ngô Đắc Dũng sinh Ngô Đấu Lăng (đời thứ 13). Kế tiếp là Ngô Hữu Liêu (đời thứ 14), Ngô Mã Lư (đời thứ 15), Ngô Rô (đời thứ 16).

Về Ngô Tuấn và Ngô Chương, hai Ngài đều là đại thần triều Lý, Ngô Tuấn (Lý Thường Kiệt) không có con. Ngô Chương ( Lý Thường Hiến) con cháu kế tiếp các đời có Ngô Khảo Tích (đời thứ 10), Ngô Tịnh (đời thứ 11), Ngô Thực Đại (đời thứ 12), Ngô Giáo (đời thứ 13) đều là công thần triều Lý.

Ngài Ngô Giáo sinh 3 con trai la Ngô Minh Đức (sinh Ngô Phúc, Ngô Hậu, Ngô Sinh), Ngô Minh Hiếu (sinh Ngô Tự Viện, Ngô Tự Lạc), Ngô Minh Nghĩa (sinh Ngô Bệ, Ngô Giám Công, Ngô Diệu Tế).

Ngô Bệ nổi dậy khởi nghĩa (1344-1360) chống triều Trần bất thành, bi kết tội tru di. Ba an hem Minh Đức, Minh Hiếu, Minh Nghĩa cùng con cháu phải đổi tên họ đi lánh nạn ở khắp nơi nên bị gián đoạn phả hệ. Mãi đến gần đây mới chắp nối được một số chi họ như: Họ Ngô ở thôn Bắc Biên, huyên Gia Lâm (Hà Nội) trực tiếp hương khói từ đường Ngô Tuấn - Lý Thường Kiệt; họ Ngô ở phường Ngọc Hà (Hà Nội); họ Ngô ở làng Vân Động (Thái Bình); họ Ngô ở xã Đông Cao (Thái Bình).

Trở lại Ngài Ngô Rô và con trai là Ngô Tây, cả hai cha con đều lần lượt coi chùa Thiên Phúc ở làng Đồng Phan (Thanh Hóa) Ngô Rô sinh Ngô Huỳnh (thất truyền) và Ngô Kinh. Ngô Kinh (đời thứ 18) lúc nhỏ nghèo khổ phải đi làm gia nô cho tù trưởng Lê Khoáng, có 4 con trai và 1 con gái la Ngô Từ, Ngô Đức, Ngô Khiêm, Ngô Đam, và Ngô Thị Ngọc Lan. Gặp lúc Lê Lợi khởi nghĩa, cả cha con ông cháu đều tham gia lập nhiều công đầu được triều Lê liệt vào hang khai quốc công thần. Tiếp đến, một trong số những người con trai của Ngài Ngô Kinh là Ngài Ngô Từ (đời thứ 14) sinh 11 con trai đều là công thần của triều hậu Lê và 8 con gái đều lấy chồng có công danh sự nghiệp.

Do có những biến động chính trị dưới triều Lê (các vụ án Lệ Chi Viên Nguyễn Trãi bị kết tội tru di, Lê Nghi Dân giết vua và thái hậu giành ngôi…) khiến cho những người họ Ngô (đời thứ 20) là quan đại thần không khỏi bị lien lụy, phải cho con đi lánh nạn khắp nơi. Mỗi người đi lánh nạn trở thành tổ một phương, hình thành các chi họ ở phía Bắc như Ngô Tam Sơn, Ngô Vọng Nguyệt, Ngô Tả Thanh Oai, Ngô Lâm Thao, Ngô Bách Tính, Ngô Trảo Nha, Ngô Địch Lễ (Họ Ngô ghép với tên làng).

Cũng từ thời Lê Thánh Tông trở đi cho mãi đến thời Nguyễn, nhiều người họ Ngô thiên cư vào vùng đất phía Nam hình thành nên các chi họ Ngô ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, … Trong đó ở Quảng Nam, Đà Nẵng ngoài Chi họ Ngô Đình làng Thanh Châu còn có các chi họ như:

- Họ Ngô ở Phước Mỹ quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng.
- Họ Ngô ở Tam Xuân, Tam Hiệp, Tam Quang huyện Núi Thành.
- Họ Ngô ở Tam An, Tam Kỳ. - Họ Ngô ở Kế Xuyên, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình
- Họ Ngô ở Mông Lãnh, huyện Quế Sơn.
- Họ Ngô ở Bảo An, huyện Điện Bàn.
- Họ Ngô ở Cẩm Hà, thị xã Hội An.
- Họ Ngô ở Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.
- Họ Ngô ở Hòa Liên, huyện Hòa Vang.
- Họ Ngô ở Ấp Trung, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc.
- Họ Ngô ở Nham Đông, Nham Tây xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên.
- Họ Ngô ở Phú Lạc, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên.
- Họ Ngô Văn ở Thanh Châu, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên.
- …

Đến nay ban liên lạc họ Ngô Việt Nam đã liên lạc được hơn hai trăm chi họ Ngô thuộc dòng dõi Ngô Vương Quyền cư trú khắp mọi miền đất nước. Như vậy, từ một gốc nảy hang trăm cành, nhân khẩu họ Ngô ngày một đông trở thành một tộc lớn lâu đời của Việt Nam, trãi mỗi đời lại có them nhiều người trong họ đóng góp cho lịch sử nước nhà. Đấy là một niềm vinh dự, tự hào của đại tộc Ngô Việt Nam chúng ta.

II. MỘT SỐ NHÂN VẬT TIÊU BIỂU
1. VỀ CHÍNH TRỊ VÀ QUÂN SỰ

Trải qua các triều đại phong kiến, họ Ngô Việt Nam có trên 200 vị quốc công, quận công, và hầu tước, trên 600 vị cả nam và nữ được nhân dân lập đền thờ, có sắc phong ghi nhận công lao đối với dân với nước, tiêu biểu nhất là hai vị anh hung dân tộc:

NGÀI NGÔ VƯƠNG QUYỀN
(897-944)

Ngài sinh tại Đường Lâm (Nay là xã Cam Lâm, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây).

Ngài thuộc đời thứ 5 họ Ngô Việt Nam, là con của Ngô Đình Mân. Dưới thời Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ, Ngô Đình Mân làm thứ sử Châu Ái.

Năm 20 tuổi, Ngài về Thanh Hóa làm nha tướng và là con rể của Dương Đình Nghệ. Năm 930 nhà Nam Hán đưa quân sang đánh nước ta, Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ (con của Khúc Hạo) chống không nổi, bị giặc bắt. Chỉ một năm sau, Ngài cùng cha vợ dấy binh đánh bại quân giặc. Sau hi thắng lợi, Dương Đình Nghệ tiếp tục xây nền tự chủ đã mở ra từ thời Khúc Thừa Dụ. Ngô Quyền được Dương Đình Nghệ cử trông coi Châu Ái (Thanh Hóa).

Năm 937, Dương Đình Nghệ bị một viên tướng của mình là Kiều Công Tiễn hào trưởng Châu Phong giết chết để cướp lấy quyền bính. Tháng 11 năm 938 Ngô Quyền đem quân từ Châu Ái ra trị tội tên phản bội. Kiều Công Tiễn đê hèn cử người sang xin vua Nam Hán cứu viện nhưng viện binh chưa sang Kiều Công Tiễn đã bị Ngô Quyền tiêu diệt. Liền sau đó, Ngài gấp rút tổ chức cho toàn quân dân chuẩn bị kháng chiến.

Nhận định của Ngô Quyền là địch sẽ đưa quân tiến vào đất liền theo đường song Bạch Đằng. Ngài huy động dân quân dồn sức đẵn gỗ đẽo cọc bịt sắt nhọn, nhân lúc thủy triều xuống đem cắm đầy lòng sông ở những nơi hiểm yếu và bố trí các thủy binh mai phục đợi giặc. Nước thủy triều từ từ dâng, chiến thuyền của giặc do chủ tướng Hoằng Tháo chỉ huy ồ ạt kéo từ biển vào. Thực hiện đúng kế hoạch dụ địch vào sâu bên troing, một thuyền nhẹ của ta lao về phía giặc khiệu chiến. Giặc đánh trả, quân ta giả thua bằng cách tháo chạy. Giặc được thế hô quân đuổi gấp, chèo thuyền vượt qua chỗ cọc ngầm mà không hề hay biết. Nước bắt đầu rút, Ngô Quyền trực tiếp chỉ huy dội thủy binh tinh nhuệ xông ra đánh chặn, dồn chiến thuyền của quân địch vào bãi cọc nhọn để tiêu duyệt. Giặc hốt hoảng, chạy tán loạn, chỉ trong chốc lát tất cả đoàn thuyền chiến hùng hậu của chúng bị đánh tan tác. Vạn thắng vương Hoàng Tháo (con của Lưu Cung – Vua Nam Hán) bị bắt giết ngay trong trận.

Lưu Cung tự mình đem một cánh quân đóng ở Hải Môn (Quảng Đông) để chờ dip kéo quân vào nước ta tiếp viện cho Hoàng Tháo. Tin thua lớn báo đến, y khóc lóc thảm thiết đành bỏ mông xâm lăng kéo quân về.

Chiến thắng trên song Bạch Đằng mùa đông năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo là một trận quyết chiến chiến lược của quân dân ta với chiến lược đánh nhanh diệt gọn ngay từ đầu đội quân xâm lược phương Bắc, diễn ra trong một không gian hẹp (trong cửa sông Bạch Đằng) và trong một thời gian kỷ lục giữa hai con nước thủy triều, lưu lại một kinh nghiệm để 43 năm sau cũng trên dòng sông này Lê Hoàn lại vận dụng chiến thuật của Ngài đánh bại quân Tống xâm lược.

Sau chiến thắng, mùa xuân năm 939 Ngô quyền bỏ chức Tiết độ sứ của phong kiến phương Bắc, tự xưng vương đóng đô ở Cổ Loa, lập thành một vương quốc độc lập. Tiếc rằng, Ngài ở ngôi chỉ được 6 năm đã từ trần do bị bệnh.

Bàn về chiến công và nền dộc lập do Ngài khai mở, giữa thế kỷ 18, Ngô Thì Sĩ nhận xét” “Thắng lợi trên song Bạch Đằng là cơ sở sau này cho việc phục lại quốc thống. Những chiến công các thời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào uy thanh lẫm liệt để lại ấy. Trận Bạch Đằng là vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu!”

Ở thế kỷ thứ 20 này, giới sử học Việt Nam ghi nhận: “Vua Hùng, Ngô Vương Quyền, và chủ tịch Hồ Chí Minh là ba nhân vật vĩ đại của lịch sử dân tộc, tiêu biểu cho ba chặng đường dựng nước và giữ nước của Việt Nam:

- Vua Hùng là Tổ dựng nước của Việt Nam cổ đại;
- Ngô Quyền Vương la Tổ dựng nước của Việt Nam trung đại;
- Chủ tịch Hồ Chí Minh là Tổ dựng nước Việt Nam hiện đại xã hội chủ nghĩa”

Về mặt nghệ thuật quân sự “Chiến thắng Bạch Đằng nói lên sự lớn mạnh của nhân dân ta về trí tuệ và khả năng đánh bại kẻ địch không những chỉ bằng du kích mà cả bằng chính quy, không những chỉ ở trên bộ mà cả bằng thiuy3 chiến. Chiến dịch Bạch Đằng là một thí dụ điển hình về tinh thần mưu trí và có tính toán một cách chính xác trong nghệ thuật chiến dịch của lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc ta.”
NGÀI NGÔ TUẤN – LÝ THƯỜNG KIỆT
(1019 – 1105)

Dòng Ngô Ích Vệ -Anh hùng Dân tộc Lý Thường KiệtNgô Ích Vệ là con thứ Ngô Xương Xý và bà Lý Thị Khoan Dung,em Ngô Xương Sắc, đi lánh nạn đổi tên Ngô An Ngữ. Năm 1010 ra làm một chức võ quan nhỏ với nhà Lý,theo vua Lý ra Thăng Long,ở phưòng Thái Hoà (Khán Sơn).Bà họ Hàn sinh hai con trai Ngô Tuấn,Ngô Chương.

Ông từ trần trong một đợt đi công cán vào châu Hoan.

Ngô Tuấn tức Lý Thường Kiệt không có con trai nối dõi,các dòng họ Ngô nối đến ngày nay là con cháu Ngô Chương tức Lý Thường Hiến.Kể từ đời thứ 9,kế thế đến đời thứ 15,sau khi Ngô Bệ khởi nghĩa thất bại,bị tru di tam tộc nên thất truyền,mất liên lạc gia tộc mấy trăm năm.

Xuất thân

Ngô Tuấn Lý Thường Kiệt (đời thứ 9) sinh năm Kỷ Mùi 1019 tại phường Thái Hòa thành Thăng Long (nay là khu vực thuộc làng Ngọc Hà quận Ba Đình ,Hà Nội),mất năm Ất Dậu 1105,thọ 87 tuổi ,tài kiêm văn võ,là một danh tướng triều Lý,có công lớn trong việc giữ nước,mở nước là đánh Tống,bình Chiêm.

Từ nhỏ đã tỏ ra có tài năng,chuyên cần học tập,ngày luyện võ đêm ôn văn,theo học một thân vương nhà Lý,lại được ông chú truyền thụ võ nghệ gia truyền.Lúc còn đi học là bạn thân của Lý Phật Mã.Vua Lý mở rộng kinh thành,dân các phường phải ra ở bãi Cơ Xá,anh em Ngô Tuấn được ở lại Khán Sơn.Năm 13 tuổi bố chết,20 tuổi làm chức Kỵ mã Hiệu uý.

Sau khi Lý Phật Mã lên làm vua,mến tài đức, muốn được luôn gần gũi, khuyên Ngô Tuấn tự yểm làm quan hoạn. Năm 23 tuổi Ngô Tuấn tự yểm,khi đó đã có vợ nhưng chưa có con.Phả cũ chép bà Lý Thị Duy Mỹ và hai con gái Duyên Lương và Mỹ Lương,không rõ là con đẻ hay con nuôi. Bia chùa Linh Xứng chép khi ông chết không có con,nên vua phong Lý Thường Hiến tước Hầu.

Ngô Tuấn có bộ mặt khôi ngô,đi đứng đàng hoàng,tính tình nhã nhặn khiêm tốn thận trọng,tài kiêm văn võ, là một nhân vật toàn năng,có tài kinh bang tế thế,từ an dân đến bình Chiêm ngự Tống,không chỉ lỗi lạc về chiến lược chiến thuật, tổ chức chỉ huy,mà còn điều khiển cả một mạng lưới tình báo, phản gián trong và ngoài nước.Suốt cuộc đời trung thành một dạ,hết lòng vì dân vì nước được triều đình và toàn dân tin cậy,nước ngoài kính sợ.

Thời nhà Tiền Lê,Lê Hoàn,Lê Long Đỉnh luôn luôn mang quân đi đàn áp các cuộc nổi dậy chống đối của nhân dân.Ở miền thượng du các tù trưởng không phục, nổi lên chống lại,dẹp được chổ này chổ khác lại nổi lên.

Sang triều Lý, tù trưởng các miền thượng du vẫn không phục,thường xuyên đánh phá xưng hùng xưng bá, Lý Công Uẩn phải đi đánh dẹp ở châu Hoan,Phật Mã Nhật Tôn thân chinh đánh dẹp họ Nùng ở phía bắc,phải dùng đến các chính sách phong đất phong tước,kết hiếu (gả công chúa cho các tù trưởng) lấy lòng họ mà giữ vững biên cương.

Các tù trưởng miền thượng du phía nam vẫn không thần phục,luôn luôn cướp phá giết hại người miền xuôi,nhân dân nơm nớp lo sợ,thường phải chạy giặc không được yên ổn làm ăn.Nhật Tôn cử Lý Thường Kiệt làm Kinh phòng sứ, đi kinh lý hai châu Hoan,Ái và 5 huyện Man Liêu (tộc Mường), trao cho toàn quyền định đoạt.

Là người có đức độ,một lòng vì dân, Lý Thường Kiệt vừa dùng uy vừa dùng ân, bắt rồi lại thả,phủ dụ nhân dân miền núi,uý lạo dân các bộ lạc,quên thân mình vì mục đích đoàn kết các dân tộc,tay không vào động Man phủ dụ các chúa Mường,có lần suýt bỏ mạng ở động Lữ Long (Cẩm Thuỷ) vì mũi tên độc bố trí bắn ngầm.Tuy biết chúa động Lữ Long có ý ám hại,cũng không ngần ngại đi vào phủ dụ,cuối cùng người ngang ngạnh nhất ấy cũng cảm uy đức mà quy phục.Trong vài năm không tốn xương máu, các động đều quy thuận phục tùng chính lệnh,đem lại an hưởng thái bình cho nhân dân cả ở miền xuôi lẫn miền thượng.Nhân dân hai châu Hoan ,Ái nhớ công ơn Ông, lập đền thờ ở nhiều nơi.

Bình Chiêm Thành

Nước Chiêm Thành ở phía nam,trước đây đã bị Lê Hoàn đánh cho đại bại.Đến triều Lý, nhà Tống bên Trung Quốc có âm mưu thôn tính Đại Việt,ngầm xui dục Chiêm Thành quấy rối,thỉnh thoảng cho quân ra cướp phá vùng duyên hải và biên giới phía nam.Lúc bấy giờ trong nước đã ổn định,nhà Lý sung sức,vừa để ngăn chặn âm mưu của nhà Tống,vừa để mở rộng cõi bờ, lấy cớ Chiêm Thành bỏ triều cống,quấy rối biên thuỳ,năm 1044 Nhật Tôn thân chinh đi đánh,giết vua Chiêm Sạ Đẩu,tiến thẳng vào kinh đô Phật Thệ, lập vua mới bắt triều cống.Bắt hàng ngàn tù binh,thu hết châu báu trong kho của vua Chiêm rồi về,đem theo nhiều cung nhân,thợ khéo.Trong số cung nhân có nàng Mỹ Ê rất đẹp,khi thuyền nhà vua về đến hải phận Đại Việt, nhà vua sai triệu Mỹ Ê sang thuyền ngự hầu vua.Nghĩ mình là vợ vua Chiêm,vua Lý là thù địch,không chịu thất tiết với kẻ thù đã giết chồng cướp đất, Mỹ Ê đâm đầu xuống biển tự tử,về sau có nhiều thơ ca ngợi phẩm tiết.

Năm 1061 Chế Củ lên ngôi ở Chiêm Thành,sửa sang võ bị quyết chí trả thù,sang thần phục nhà Tống,dựa thế nhà Tống,bỏ triều cống,chống lại nhà Lý.Nhật Tôn lại quyết định thân chinh,sai Lý Thường Kiệt chuẩn bị cho cuộc viễn chinh đánh Chiêm Thành.

Lý Thường Kiệt biết rằng vua Chiêm Thành đang xây dựng một lực lượng khá mạnh lo việc phục thù, không chỉ bộ binh mạnh, thuỷ binh mạnh, mà còn có đội tượng binh lớn đào luyện chu đáo không thể coi thường.

Lý Thường Kiệt chủ trương vừa dùng uy,vừa dùng đức,không chỉ làm cho người Chiêm sợ mà còn hàm ơn.Muốn thực hiện được yêu cầu đó, phải có lực lượng thật tinh nhuệ thiện chiến,cả trên bộ dưới nước và trong rừng,lại phải nắm thật chắc địch tình,thiên thời địa thế nơi tác chiến, nên rải thám tử giả làm dân chài đi sâu đánh cá dọc ven biển Chiêm Thành,điều tra luồng lạch,tình hình bố phòng,chổ mạnh yếu của các tướng chỉ huy.Mặt khác huấn luyện binh sỹ cách đánh thuỷ,đánh bộ, đánh trong rừng núi, đánh tượng binh, đặc biệt huấn luyện cách chèo thuyền khi xung trận,dự trữ lương thực vũ khí,đóng thêm hàng trăm chiến thuyền để đủ chở quân,đóng thuyền rồng cho nhà vua ngự thân chinh.

Ngày 8 tháng 3 năm 1069, tức là ngày đầu xuân năm Kỷ Dậu,vừa ăn tết xong,thuận gió mùa,Vua Lý Nhật Tôn xuống thuyền hạ lệnh xuất quân,giao việc nước cho Nguyên phi Ỷ Lan và Thái sư Lý Đạo Thành trông coi,cử Lý Thường Kiệt làm Nguyên soái.

Về phía Chiêm Thành, lực lượng thuỷ quân mạnh tập trung ở cửa Nhật Lễ, bộ binh ở Địa Ly, Ma Linh yếu không đáng kể.Bộ binh lớn đóng cả ở Trà Bàn. Lý Thường Kiệt đánh tan thuỷ quân Chiêm Thành ở cửa Nhật Lễ,theo đường biển tiến vào hướng nam đổ bộ lên cửa Thị Nại (Quy Nhơn).Vua Chiêm dốc hết lực lượng dàn trận ngăn chặn ở bờ sông Tu Mao có tượng binh trợ chiến.Lý Thường Kiệt, Lý Thường Hiến chia quân làm hai cánh đánh tạt sườn vào tuyến phòng thủ của quân Chiêm, giết mấy vạn người.

Quân thua,đang đêm vua Chiêm Thành Chế Củ đem gia đinh, cung nữ cùng 5 vạn cấm binh chạy vào phía Nam.Vua Lý vào thành Trà Bàn.Ngày 10 tháng 4 hai anh em Lý Thường Kiệt chia đường đuổi theo Chế Củ:Lý Thường Hiến chỉ huy thuỷ quân đuổi theo đường biển phòng đón đường Chế Củ chạy ra biển tẩu thoát,Lý Thường Kiệt chỉ huy bộ binh đuổi theo đường bộ,vượt đèo lội suối,hành quân truy kích kéo dài gần tháng,cuối cùng đuổi kịp Chế Củ tận biên giới Chân Lạp.Vốn thù địch với Chân Lạp,Chế Củ không dám vượt biên giới,đem 5 vạn quân ra đầu hàng(tháng 4 năm 1069).Lý Thường Kiệt phủ dụ hàng binh:”Vì Chế Củ chuẩn bị xâm lược Đại Việt đẩy quân dân hai nước Đại Việt và Chiêm Thành vào cảnh đầu rơi máu chảy,vì sự yên ổn của nhân dân hai nước,vua Đại Việt phải bắt Chế Củ để trị tội,còn binh sỹ đã tỉnh ngộ cho về xum họp với gia đình làm ăn”.Binh sỹ Chiêm Thành tạ ơn rồi ai về quê nấy.

Chờ lâu ở Trà Bàn,vua Lý sốt ruột,lại được tin trong nước mất mùa đói kém sợ sinh biến,bèn quay về nước.Về đến vùng châu Cự Liêm (đất nhà) được biết Nguyên phi Ỷ Lan lo việc nội trị được lòng dân,đã vượt qua khó khăn, trong nước yên ổn.Nhà vua nghĩ rằng mình là đàn ông không lẻ thua đàn bà, bèn quay thuyền trở vào Trà Bàn,thì cũng vừa lúc Lý Thường Kiệt dẫn Chế Củ về dâng công,bèn tổ chức ăn mừng chiến thắng.Ngày 14 tháng 6,từ cửa Thị Nại,nổi trống hồi binh, dẫn theo Chế Củ,nhiều cung nữ,ca nữ,thợ khéo và nhiều tù binh,ngày 17 tháng 7 về đến bến Tiêu Dương trên sông Hồng,tính ra vừa hết 4 tháng 9 ngày.Chế Củ cắt đất nhường ba châu Bố Chính,Địa Ly,Ma Linh, vua Lý thả cho trở về nước.

Triều đình luận công khen thưởng,Lý Thường Kiệt vừa là Tổng chỉ huy,vừa là Quân sư, được công đầu phong Phụ quốc Thái phó giao thụ Lâm Bình Tiết độ sứ phụ quốc Thượng tướng quân thượng trụ quốc,Khai quốc công thần,Thiên tử nghĩa đệ (lúc này ông 41 tuổi,tuy làm Tiết độ sứ Lâm Bình nhưng vẫn ở Thăng Long).

Tháng 4 năm 1072 được phong Kiểm hiệu Thái úy.Ít lâu sau phong Thái uý Đông Trung thư môn hạ (8.1075),Đồng Bình chương quân quốc trọng sự (chức thứ hai trong triều,đứng sau Lý Đạo Thành).

Ông đề xuất với nhà vua tiến hành một số cải cách,mở khoa thi chọn người hiền tài giúp nước.Thi cử theo Nho học bắt đầu ở nước ta từ đó.Khoa thi đầu tiên Lý Đạo Thành làm Chánh Chủ khảo lấy tên là khoa Minh kinh bác học năm Ất Mão niên hiệu Thái Ninh thứ 4(1075) lấy Lê Văn Thịnh đỗ đầu.(Chú thích:Ma Linh là tên một địa danh lịch sử của Việt Nam gồm các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ thuộc Quảng Trị ngày nay. Sau khi sát nhập Ma Linh vào lãnh thổ Đại Việt, đến năm 1074 nhà Lý đã đổi tên Ma Linh thành châu Minh Linh.

Ngự Tống
(Kháng chiến chống quân nhà Tống xâm lược)

Thời vua Thần Tôn, nhà Tống bên Trung Quốc Vương An Thạch làm Tể tướng, muốn thi hành Tân pháp,bị các cựu thần trong triều phản đối cần có một chiến công lớn làm hậu thuẫn.Lúc bấy giờ ở phía bắc Trung Quốc các nước Liêu Hạ đang mạnh,bèn chọn hướng xâm lược phía nam nhằm vào Việt Nam.Với chủ trương”cận công viễn chinh”(đánh nước gần,ngoại giao nước xa),tăng cường quan lại cho Lưỡng Quảng.Thấy Kinh lược sứ Tiêu Chú chần chừ không quyết tâm,liền đưa Thẩm Khởi thay thế.Thẩm Khởi xây thành đắp luỹ ở châu Dung, châu Nghi (Quảng Châu).Vua Tống cấp tiền tuyển quân trong 51 động thuộc Ung Châu,cấm người Giao Châu không được qua biên giới để giữ bí mật,tiến hành mua chuộc các tù trưởng miền thượng của nước ta.Vương An Thạch thấy Thẩm Khởi làm quá lộ liễu,bèn sai Lưu Di thay thế.Sau đó vì ở trong triều bị cô lập nên Vương An Thạch phải từ chức Tể tướng (tháng 4 năm Giáp Dần 1074).

Đầu năm 1075 vua Tống lại mời Vương An Thạch ra làm Tể tướng để đối phó với tình hình quá khó khăn.Vương An Thạch chủ trương nhượng bộ Liêu Hạ ở phía Bắc tập trung lực lượng vào phía Nam,điều quân bắt lính Quảng Đông, Quảng tTây được hơn 10 vạn,điều động quân đồn trú các nơi đến đóng ở vùng biên giới Tống Việt,thiết lập 5 trại quân lớn ở Hoành Sơn,Thái Bình,Thiên Long,Tư Minh và Cổ Vạn làm căn cứ tiến quân sang Giao Châu,củng cố thành trì và lực lượng Ung ,Khâm và Liêm Châu,xây dựng nhiều kho tàng tích trữ lương thực vũ khí.Ung Châu được chọn làm căn cứ chính,chọn tướng lão luyện là Tô Giám chỉ huy.Khâm Châu,Liêm Châu thành hai căn cứ thuỷ quân mạnh,chọn tướng giỏi Trần Vĩnh Thực, Lê Thành Tôn chỉ huy.

Từ đầu năm 1072 nhà Lý đã tập trung một số quân đồn trú ở biên giới Việt Tống đề phòng quân Tống bất ngờ tấn công.Các tướng giỏi đuợc đưa trấn giữ các cửa ải và các cửa biển,tung nhiều thám tử sang đất Tống để thám sát tình hình.Để chuẩn bị cho việc chống quân Tống xâm lược, bãi bỏ chế độ “ngụ binh ư nông”,tổ chức huấn luyện các đội quân thường trực,xây dựng củng cố các đội quân thượng du,tích trữ lương thực,quần áo ấm cho binh sỹ,sản xuất thêm vũ khí, xây dựng đội tượng binh mạnh,lại liên kết với nước Nam Chiếu cùng nhau chống quân Tống.

Công việc chuẩn bị đã kéo dài 3 năm (1072-1075).Lý thường Kiệt đề xuất chủ trương”Tiên phát chế nhân”,nếu chỉ ngồi chờ giặc đến mà đánh thì sẽ bị động,dễ tổn thất nhiều,địch sẽ khinh thường,tốt hơn là đem quân đánh trước vào nơi địch tập trung chuẩn bị cho cuộc hành quân xâm lược.Một đội quân lớn sắp xuất chinh mà bị đánh tổn hại nặng trên đất nhà, sẽ mất nhuệ khí,ta nên vận dụng chiến sách tấn công để phòng ngự.Chủ trương được nhà vua và triều đình nhất trí tán thành,với yêu cầu là phá tan căn cứ hậu cần của quân Tống ở ba châu Ung,Khâm,Liêm, làm chậm cuộc xuất quân của nhà Tống,làm cho quân Tống yếu bớt đi,mà ta có thêm thì giờ chuẩn bị cho cuộc kháng chiến vững vàng hơn.

Ung Châu ở sâu trong nội địa Trung Quốc.Muốn tiến quân sang đó có ba con đường:qua Quảng Nguyên Cao Bằng;qua Lạng Sơn; hoặc vượt biển đánh chiếm Khâm Liêm, rồi từ Liêm Châu theo đường bộ đi Ung Châu,trên dưới 200 dặm,đường dễ đi hơn,vả lại trên đất Tống không có đồn luỹ án giữ.

Lý Thường Kiệt dùng tất cả các đường chia quân cùng tiến.Đoàn quân chủ lực theo đường Khâm Liêm, ông thân chỉ huy,Tôn Đản chỉ huy các đội quân thượng du,tự mình chỉ huy trực tiếp một cánh đánh các đồn Hoành Sơn, Cổ Vạn mở đường tới Ung Châu, các cánh quân thượng du khác tiến nhiều ngả,đầu tiên là quấy rối đánh lạc hướng quân Tống.

Đạo quân chủ lực vượt biển,ngày 20 tháng 11(30 tháng 12 năm 1075) đánh úp Khâm Châu,Tướng giữ thành được tin cấp báo mới rời mâm rượu huy động quân ra chống đỡ, liền bị bắt sống,8000 quân giữ thành tan vỡ,thành bị chiếm.Quân ta tiến đánh Liêm Châu,Liêm Châu đã được tin cấp báo, bố phòng nghiêm ngặt,Tướng giữ thành Lê Khánh cùng Tri huyện Hợp Phố Lương Sở Giám,Giám áp Ngô Tòng Tích,Chỉ huy sứ Ngô Tòng Luật đem cả 8000 quân chống trả quyết liệt nhưng vẫn thua nhanh,các tướng trên đều tử trận,Liêm Châu bị chiếm vào ngày 2-1-1076.Lý Thường Kiệt sai một đạo quân tiến theo hướng đông bắc đánh chiếm Bạch Châu, Dương Châu,vừa chặn quân viện vừa nghi binh tiến đánh Quảng Châu , đội chủ lực tiến hướng Ung Châu.

Trên đường tiến quân,Lý Thường Kiệt phát “Lộ Bố” để an dân Tống.Lộ Bố có đoạn: “Trời sinh ra dân chúng,vua hiền tất được hoà mục.Đạo làm chủ dân cốt ở nuôi dân.Nay nghe vua Tống ngu hèn chẳng theo phép thánh nhân,lại tin theo kế tham tàn của Vuơng An Thạch,lấy phép “Thanh miêu trợ dịch”,khiến trăm họ mệt nhọc lầm than, mà riêng thoả cái mưu nuôi mình béo mập.Bởi tính mệnh muôn dân đều phú bẩm từ trên,bổng sa vào cảnh éo le độc hại,lượng kẻ ở trên phải xét,những việc trước còn nói lại làm gì… Nay bản chức vâng mệnh Quốc vương,chỉ đường tiến quân lên bắc,muốn dẹp làn sóng yêu nghiệt,chỉ có ý phân biệt quốc thổ,không phân biệt chúng dân,phải quét sạch nhơ bẩn hôi tanh,để đến thuở ca ngày thanh bình Nghiêu Thuấn.Ta nay ra quân để cứu vớt muôn dân ra khỏi nơi chìm đắm,hịch văn truyền tới để mọi người cùng nghe, ai nấy hãy đắn đo chớ mang lòng sợ hãi…”.

(Khâm định Việt sử thông giám cương mục)

Nhân dân Trung Quốc tiếp được lời hịch đều mừng rỡ đem trâu bò khao quân,thấy ngọn cờ từ xa thì bảo nhau quân của cha Lý nước Việt,bày hương án bái lạy hai bên vệ đường.Nhờ vậy mà hành quân từ Liêm Châu đến Ung Châu không gặp một sự chống cự nào đáng kể của người dân Trung Quốc.

Về phía Tống,15 ngày sau khi Khâm Châu thất thủ,Lưu Di mới biết. Ngày 20 tháng 1 năm 1076 vua Tống mới nhận được giấy xin viện binh của Lưu Di,mới biết việc mất Khâm Châu.Vua Tống hoang mang,trong triều Tống xôn xao, bèn ra lệnh cho Quảng Châu đề phòng quân Giao Châu đánh Quảng Châu,các tướng ở Quảng Tây phải cố thủ không được khinh địch.Hai ngày sau lại được tin mất Liêm Châu, lại ra tiếp lệnh hễ quân Giao Châu đến đâu nếu không đủ sức giữ, thì chỉ giữ nơi hiểm yếu,bỏ thành chở theo lương thực vũ khí không được để lọt vào tay địch.Ngay sau đó lại nghĩ rằng nếu quân đội bỏ thành,lòng dân sẽ rối, lại xuống lệnh mới bảo quan quân phải trở về thành.

Trong khi vua tôi nhà Tống đang hoang mang chưa nghĩ được cách đối phó,thì đạo quân của Lý Thường Kiệt đã vượt qua Thập Vạn Đại Sơn đến bên thành Ung Châu hội quân với Tôn Đản cũng vừa đến đó,bao vây thành Ung Châu.

Ung Châu thành cao hào sâu xây dựng kiên cố,tướng giữ thành Tô Giám là một tướng lão luyện thông minh,nên Vương An Thạch rất tin tưởng,cho rằng không lực lượng nào có thể hạ nổi thành Ung Châu.

Tô Giám tin chắc rằng thế nào cũng có viện binh đến,đóng chặt cửa thành cố thủ không cho một ai lọt ra ngoài.Chờ mãi không thấy viện binh,Tô Giám sai tướng cải trang vượt thành đi cầu viện.Trong lúc đó Quế Châu đã gửi viện binh,tướng chỉ huy Trương Thủ Tiết nghe tin quân Giao Chỉ đông, thiện chiến quyết tử, ngần ngại chần chừ,tiếp được Lạp thư cầu viện(Lạp thư là thư bọc sáp khi cần thì huỷ ngay), mới từ từ tiến đến ải Côn Luân (cách Ung Châu 40 km) định tập kích bất ngờ quân Giao Châu.Lý Thường Kiệt biết tin, đem quân đón đánh tiêu diệt,Thủ Tiết tử trận cùng nhiều tuỳ tướng.Tô Giám được tin,tuy phút đầu có hoang mang,nhưng trấn tỉnh được ngay,đốc quân giữ thành chiến đấu đến cùng.

Cuộc bao vây kéo dài,quân ta tổn thất nhiều,mất 15000 người,dùng hết kế hoả công đến đào địa đạo,làm thang mây,đều bị Tô Giám phá.Lý Thường Kiệt bèn dùng bao đất chồng lên thành bậc thang để leo vào thành,một mặt chất củi khô xung quanh thành đốt,kết hợp bắn hoả tiễn trước đây lấy được của quân Tống trong trận đánh viện binh ở ải Côn Luân vào thành,trong thành bốc cháy,thiếu nước không cứu được,cuối cùng quân ta leo được vào thành.Tô Giám đốc quân sỹ chống trả quyết liệt,đến khi đã kiệt sức quay về dinh giết hết vợ con gia đinh rồi tự thiêu để khỏi bị bắt làm tù binh.Lý Thường Kiệt sai phá thành Ung Châu lấy đá lấp một khúc sông để chặn viện binh,sai một cánh quân tiến lên phía bắc nghi binh đánh lên,toàn quân chia làm hai đường thuỷ bộ lui quân an toàn,các cánh quân đi sau cũng rút dần về an toàn vô sự.

Phía nhà Tống ,Vương An Thạch bỏ kế hoạch đánh Giao Chỉ,tổ chức phòng thủ các nơi phòng Giao Chỉ lại sang đánh. Triều đình nổ ra những cuộc tranh luận gay gắt về chủ trương phục thù.Phái chủ chiến thắng,vua Tống quyết định đánh,đích thân chỉ đạo việc chọn quân chọn tướng chuẩn bị khí giới lương thực và chiến lược chiến thuật,lấy Quách Quỳ làm Chánh tướng,Triệu Tiết và Yên Đạt làm Phó tướng, dẫn hai chục vạn quân có ba vạn dân phu vận chuyển lương thực vũ khí.

Quách Quỳ hội quân ở Tư Minh theo các đường Quảng Nguyên,Lạng Châu và Vĩnh An tiến sang đất Việt,mưu đồ tiến thẳng Thăng Long. Thuỷ quân do Dương Tùng Tiên chỉ huy,xuất phát từ Hợp Phố vượt biển,một bộ phận nhỏ tiến vào phương Nam phối hợp với quân Chiêm Thành, Chân Lạp đánh từ trong ra.Bộ phận chính sẽ vào sông Bạch Đằng qua Lục Đầu Giang vào sông Cầu phối hợp với bộ binh,đưa bộ binh sang sông.

Với chủ trương đánh chiếm đất nước Đại Việt,tạo thế mạnh bình định các nước phương bắc,hậu thuẫn cho việc thực hành Tân pháp,phương lược của vua Tống và Vương An Thạch là:Dùng lực lượng hùng mạnh kết hợp với nội ứng, liên kết Chiêm Thành,Chân Lạp phối hợp chiến trường Bắc Nam,đánh mạnh thắng nhanh,đồng thời đề phòng Giao Chỉ luồn đánh sau lưng.Giữ tuyệt mật công cuộc Nam chinh, canh phòng cẩn mật biên giới phía Bắc,sợ Liêu Hạ gây sự khi đang bận Nam chinh.Vua Tống dặn đi dặn lại Quách Quỳ là phải đánh mạnh kết thúc nhanh,khi chiếm được Đại Việt rồi,bắt sống cho được vua Càn Đức,bới quật hết mồ mả nhà họ Lý,chia ngay Giao Châu thành quận huyện đặt quan cai trị như trong nội địa.

Về phía ta,sau ngày chiến thắng rút quân an toàn về nước,biết rằng quân Tống sẽ đến,Lý Thường Kiệt ra sức huấn luyện quân sỹ, xây dựng phòng tuyến ngăn chặn quân địch.Tranh thủ đi kinh lý phía Nam, bố phòng chu đáo,để khi quân Tống đến được rảnh tay đối phó.

Nhận định về cuộc hành quân của quân Tống, bộ binh tất phảỉ vượt qua biên giới phía Bắc,thủy quân vượt biển sẽ phải qua Vân Đồn vào sông Bạch Đằng.Để đối phó với bộ binh, thấy con sông Cầu chảy từ Cao Bằng về Lục Đầu là cái hào thiên nhiên che chắn cho cả vùng đồng bằng mà trung tâm là Thăng Long,sai đắp phòng tuyến từ núi Tam Đảo đến núi Nam Biền,bờ nam sông.Chiến luỹ đắp bằng đất cao mấy trượng,sừng sững như bức trường thành,trên luỹ có đồn quân,phía ngoài bờ sông,đóng cọc tre nhiều tầng,rải chông chà thành một bãi chướng ngại quy mô :Luỹ cao,dậu dày,sông sâu. Rút hết quân đồn trú về nam sông Cầu,chỉ để lại các đội quân thượng du, 5000 quân do Lưu Kỷ chỉ huy cùng các tướng bộ hạ của Tôn Đản như Lư Báo,Nùng Trí Trung ở động Hữu Nông,Hoàng Lục Phần ở động Lũng Định,vừa giữ đất vừa uy hiếp sau lưng địch. Ở giữa tuyến đầu quân Phò mã Thân Cảnh Phúc đóng ở Đông Giáp giữ hai cửa ải Quyết Lý và Chi Lăng,đánh tiêu hao làm chậm bước tiến của quân Tống. Sùng Khánh Tân cùng Hoàng Kim Mãn giữ Môn Châu và con đường từ Phú Lương đến Binh Gia,Vi Thủ An giữ Tô Mậu và con đường từ Tư Lăng đến Lạng Châu.

Bên phải bộ binh đóng ở trại Ngọc Sơn,thuỷ quân mai phục ở Đông Kênh,sau Vân Đồn do Lý Kế Nguyên chỉ huy,nhiệm vụ là chận đứng thuỷ quân Tống không cho tiến vào sông Bạch Đằng phối hợp với bộ binh.Ý đồ phương lược của Lý Thường Kiệt là để quân Tống vào sâu nội địa,chặn đứng lại ở bờ bắc sông Cầu ,thực hiện vườn không nhà trống,đánh phá tuyến tiếp tế,cô lập bộ binh Tống rồi tiêu diệt toàn bộ ở phòng tuyến sông Cầu.

Ở luỹ Như Nguyệt do Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy, có cả bộ binh và thuỷ quân,bộ binh chia thành Vệ đóng dọc chiến luỹ,nơi quan trọng thì lực lượng mạnh hơn.Trên sông những đội thuyền nhỏ tuần tra phá phương tiện qua sông của địch.Phía sau bố trí một lực lượng cơ động 10 vạn quân, chia làm hai khối bộ binh và thuỷ quân,bộ binh đóng ở Tiên Du,Từ Sơn và Thăng Long.Hai vạn thuỷ quân và 400 chiến thuyền do hai Hoàng tử Hoàng Chân và Chiêu Văn chỉ huy đóng ở Vạn Xuân, Lục Đầu và Phả Lại.

Tháng 11 năm 1076 xây dựng xong luỹ Như Nguyệt,liền xây dựng cụm doanh trại ở núi Thất Diêu xã Yên Phụ,đại bản doanh ở Đông Dinh,các doanh trại ở đông cổng trại (xã Tam Giang ngày nay).Tất cả xong xuôi vào cuối năm 1076.

Phía quân Tống,tháng 5 năm 1076 Quách Quỳ sai Đèo Bật, Khúc Chẩn dẫn quân đi dọn đường, đánh dẹp các khe động vùng Tả Giang, Hữu Giang,là những vùng người dân tộc thiểu số có cảm tình với Đại Việt.Dụ dỗ được vài động, số khác không theo, có động tuyên bố hễ quân Tống đến là đánh, nhà Tống cũng phải làm ngơ,không dám sinh chuyện sợ chậm trễ cuộc hành quân. Nghe tin nhà Lý ráo riết luyện quân, sợ quân Việt lại sang đánh Ung Châu, phải chọn tướng giỏi giữ thành,thúc Quách Quỳ tiến quân sớm.Quách Quỳ hạ lệnh cho hai cánh tả hữu dực vượt biên giới tấn công Quảng Nguyên, Vĩnh An.Yên Đạt và Khúc Chẩn dẫn 11 vạn quân,từ Tư Minh chia làm hai cánh tiến đánh Lưu Kỷ ở Quảng Nguyên.Lưu Kỷ chặn đánh cả hai mũi, lợi dụng địa hình phục kich đánh tiêu hao quân Tống.Tướng Lục Phần giữ vững đất Quảng Nguyên, quân Tống không vào được,tiền quân Tống bị bao vây,8000 quân Tống bị bắt sống,Yên Đạt đem quân đến cứu, Lưu Kỷ đóng chặt cửa thành,cho các bộ tướng phục kích,tập kích.Yên Đạt bèn dùng kế ly gián,phao tin Lưu Kỷ đã nhận lời đầu hàng,bao vây chặt thành Na Lữ không cho trong ngoài thông tin được với nhau. Chỉ huy các khe động tin là thật, có người hàng Tống,có người chống lại Lưu Kỷ, có người bỏ đi nơi khác.Thế cô,thấy quân Tống có cơ phá vỡ thành, toàn bộ kể cả gia đình sẽ bị tiêu diệt,ngày1 tháng 1 năm 1077 Lưu Kỷ đầu hàng,Yên Đạt thu được vạn hộc lương,lại bắt dân nộp thêm 2 vạn hộc,quân Tống được thêm 10 ngày lương thực,lại thêm được 5000 quân của Lưu Kỷ,cùng 3000 quân bị bắt trước đây.Yên Đạt đốt phá động, đưa Lưu Kỷ và một số bộ tướng cùng gia đình về Biện Kinh,để tách Lưu Kỷ khỏi đội quân.Khúc Chẩn lãnh 3000 quân ở lại giữ Quảng Nguyên.

Cánh tả dực của Tống tiến đánh Ngọc Sơn.Ở đây quân ít, Nhâm Khởi chia quân làm ba mũi tiến sang,Ngọc Sơn nhanh chóng bị đánh chiếm.

Hai cánh quân tả hữu đã đánh chiếm xong Quảng Nguyên,Vĩnh An, hai bên sườn đã được bảo vệ, ngày 8 tháng 1 năm 1077 Quách Quỳ dẫn quân ào ạt vượt biên giới tiến theo đường Lạng Sơn, Thị Cầu,hai cánh tả hữu dực cùng tiến song song.Triệu Tiết chỉ huy kỵ binh tiến theo đường Bình Gia, Vạn Nhai, Nhã Nam đến Như Nguyệt để hợp binh cùng tiến thẳng Thăng Long.Thuỷ quân từ Hợp Phố cũng nhổ neo dương buồm tiến thẳng theo hướng sông Bạch Đằng.

Đại quân Quách Quỳ đến Quang Lăng vấp phải quân của Phò mã Thân Cảnh Phúc chặn đánh quyết liệt,dừng lại trước ải Quyết Lý(bắc Quang Lăng 15 km).Thân Cảnh Phúc cho đàn voi ra trận,tiền phương Vương Thế Cử và Tu Kỳ không tiến được, quân Tống bị tổn thất nhiều.Quân Tống dùng mũi tên sắt bắn vào đầu voi,dùng mã tấu lăn xả vào chém vào vòi voi, voi bị đau sợ,phải lui.Thân Cảnh Phúc lui giữ ải Chi Lăng.Quách Quỳ chiếm Lạng Châu,tiến đến Chi Lăng.Thế ải kiên cố hiểm trở,Thân Cảnh Phúc phục quân chờ.Nhớ lại ngày xưa Hầu Nhân Bảo đã bị chém đầu ở đây,Quách Quỳ cũng sợ,nên phải dùng mưu kế nghi binh đánh vu hồi,tiền quân đánh dứ,nghi binh chính diện,sai hai đạo quân mạnh của Yên Đạt,Trương Thế Cự và Tu Kỳ đi vòng phía tây núi Đậu Đỉnh(Bắc Sơn) theo đường tắt đến phía sau ải Chi Lăng,đường rất hẹp,chỉ vài ngàn quân án ngữ nên quân Tống vượt qua không khó khăn.Ải Chi Lăng bị đánh mạnh cả hai mặt trước và sau,hai bên xung đột quyết liệt,quân Tống tổn thất nhiều.Để mở đường tiến nhanh đến Thăng Long,Quách Quỳ quyết tâm hạ Chi Lăng bằng bất cứ giá nào,lấy thịt đè người.Lợi dụng đêm tối trời Thân Cảnh Phúc lui quân về động Giáp,các đội thổ binh rút về các động, chuyển sang đánh quấy rối phá tuyến tiếp tế của địch.

Cùng trong thời gian ấy Nhâm Khởi từ châu Vĩnh An tiến đánh, Tô Mậu,Vi Thủ An không giữ nổi,Nhâm Khởi chiếm thành,men theo hữu ngạn sông Lục Nam tiến đến Nham Biền làm nhiệm vụ bảo vệ sườn trái.Khúc Chẩn từ Quảng Nguyên đánh xuống Môn Châu,Hoàng Kim Mãn đầu hàng.Môn Châu bị chiếm,sườn phải được bảo vệ,Triệu Tiết dễ dàng tiến đến bờ sông Như Nguyệt.Trong 10 ngày quân Tống tiến sâu hơn 200 dặm,nhân dân các vùng đã thực hiện kế”thanh dã” rút hết vào rừng sâu,Quách Quỳ phải rải rất nhiều quân để bảo vệ đường vận lương,đến bờ bắc sông Cầu thì phải dừng quân trước chiến luỹ Như Nguyệt.Đại quân Quách Quỳ đóng ở Thị Cầu,Triệu Tiết đóng ở Như Nguyệt.

Thuỷ quân với vài trăm chiến thuyền lớn,cùng một số thuyền chài trưng dụng chở 5 vạn quân do Dương Tùng Tiên chỉ huy xuất phát từ Hợp Phố,theo ven biển tiến hướng cửa Nam Triệu,đến Đông Kênh.Một trăm chiến thuyền nhẹ của quân Việt bất ngờ xuất hiện,đồng loạt tấn công vào đội hình đang tiến của thuỷ quân Tống trên một trận tuyến kéo dài gần 20 dặm.Bị đánh bất thần không kịp triển khai đội hình chiến đấu, Dương Tùng Tiên và phó tướng Hà Mân lúng túng,các bộ tướng tự huy động lực lượng bản bộ ứng phó,trận thuỷ chiến diễn ra quyết liệt từ phút đầu.Bất ngờ bị tấn công,chiến thuyền lớn khó xoay xở,quân không thiện thuỷ chiến.Bên ta quân lính thiện thuỷ chiến, chủ động,chiến thuyền nhẹ linh hoạt, nhanh chóng chia cắt đội hình thuỷ quân Tống thành nhiều mảng không liên lạc được với nhau,chiến thuyền quân Tống bị đánh đắm nhiều,quân sỹ chết hàng ngàn,một số bị bắt sống.Trong thế trận bất lợi,để tránh khỏi bị bao vây tiêu diệt, Dương Tùng Tiên thu quân lui về hướng Bắc,mấy ngày sau mới tập hợp được lực lượng,cắm quân ở vùng biển Liêm Châu,chờ tin bộ binh.

Bộ phận được phái vào phương Nam do Phàn Thật và Hoành Tông chỉ huy, vào kéo được Chiêm Thành và Chân Lạp phối hợp;Chiêm Thành có đem 7000 quân ra biên giới Chiêm Việt,nhưng cắm quân không dám hành động gì.

Ý đồ chiến lược là tốc chiến tốc thắng lại bị chặn lại ở phía bắc sông Cầu,thuỷ quân không vào phối hợp đuợc,Quách Quỳ túng thế làm cầu phao qua sông,cho một lực lượng tinh nhuệ nhất vượt cầu,phá chông chà,đánh thốc vào luỹ ở bên Như Nguyệt.Mũi nhọn ấy chọc thủng được phòng tuyến, đội tiền phong tiến thẳng hướng Thăng Long. Lý Thường Kiệt tổ chức phản kích,bao vây chặn lại,quân Tống tổn hại nặng không thể tiến lên được,tướng Miêu Lý phải mở đường máu tháo chạy về bờ Bắc.Sợ quân Việt sẵn có cầu đánh sang,Quách Qùy hạ lệnh chặt phá cầu phao,một số quân Tống đang kẹt ở bờ Nam,đều hoặc bị giết hoặc đầu hàng.

Chờ lâu không thấy thuỷ quân vào, Quách Quỳ sai kết bè nứa vượt sông, mở cuộc tiến công thứ hai vào luỹ Như Nguyệt.Bè lớn mỗi chiếc chở 500 quân,đổ sang bờ Nam hết lớp này đến lớp khác,chặt phá cọc tre,bắn hoả hổ đốt chông chà.Quân ta trên luỹ cao đánh xuống, quân Tống thương vong quá nhiều không thể lên được, phải lùi về.

Quách Quỳ lại cho quân ven theo bờ sông,tìm nơi nước cạn nhất lội qua sông mở đợt tấn công thứ ba, bị quân ta chận đánh quyết liệt không qua được phải lùi,bên ta cũng bị tổn thất nhiều.

Khi đánh nhau với quân Tống,ông có làm bài thơ để khuyến khích quân sĩ,lời lẽ thật khảng khái:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà, nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Bản dịch
(Khâm dịnh Việt sử thông giám cương mục):
Nước Nam sông núi vua Nam ở,
Phận định nghìn xưa tại sách trời.
Như bọn giặc nào sang cướp lấn,
Là thua tan hết lũ bay coi.

Quân sĩ nghe đọc bài thơ tin là cái lý tự nhiên phải như thế,nghĩa là nhất định sẽ thắng quân xâm lăng,bè dốc toàn lực ra đánh.

Cầm cự kéo dài,Ông sai ca nữ ngâm hát làm công tác đich vận.Đêm đêm tiếng ngâm hát huyền ảo từ ngoài sông,từ các đền chùa xung quanh trại Tống vọng vào,quân Tống hoang mang,bồn chồn nhớ nhà,sợ chết, tưởng như tiếng thiên thần,tiên nữ trên không vọng xuống,tinh thần sa sút chán nản. Các đoàn vận lương của Tống thường xuyên bị quân của Phò mã Thân Cảnh Phúc phục kích dọc đường,hai con trai của Thân Cảnh Phúc tử trận trong các trận giao tranh.Trong trại Tống thiếu lương thực thuốc men, lại bị bệnh tật càng thêm khó khăn.

Thời cơ thuận lợi,Lý Thường Kiệt tổ chức phản công.

Phân phó hai Hoàng tử Hoàng Chân, Chiêu Văn dùng 400 chiến thuyền đổ vài vạn quân sang bờ Bắc gần núi Nham Biền,hút lực lượng quân Tống về đó rồi rút.Trong khi Quách Quỳ phải lo đối phó phía Đông, thì đại quân vượt sông đánh vào trại chính quân Tống ở Như Nguyệt.

Đang đêm hai Hoàng tử dẫn 2 vạn quân,trong đó có 500 thân quân,từ Vạn Xuân ngược dòng sông bí mật đổ bộ lên bờ Bắc từ thôn Sa Lung đến bến Thôn phía nam núi Nham Biền,tấn công vào cánh tả dực quân Tống,quân Tống đóng ở đó chống đỡ không nổi bỏ chạy.Thừa thắng, quân của hai Hoàng tử chia thành nhiều mũi đánh vào phía đông cụm quân Quách Quỳ,đánh phá một số trại ngoại vi,Quách Quỳ huy động toàn bộ lực lượng triển khai phản kích,tất cả các tướng cao cấp như Yên Đạt,Trương Thế Cự, Vương Mãn, Lý Tường,Diên Chủng đều trực tiếp cầm quân ra trận,lại gọi tướng Giới Bình dẫn quân qua núi Nham Biền đánh vào sườn quân hai Hoàng tử.Chiến trường mở rộng,hai Hoàng tử ham đánh,tướng sỹ thương vong nhiều,quân Tống đánh càng mạnh,không chống đỡ nổi,hai Hoàng tử phải rút quân xuống thuyền trở về bờ Nam.Thuyền rút phía dưới Thị Cầu,quân Tống bắn đá xuống sông như mưa, chiến thuyền trúng đá vỡ nhiều,thuyền đội thân quân chìm gần hết,hai Hoàng tử đều chết đuối.

Trong khi Quách Quỳ cùng các tướng đang tập trung đối phó phía đông,Lý Thường Kiệt dẫn quân vượt sông ở bến Như Nguyệt,đánh vào doanh trại chính quân Tống.Trại Mai Đình bị tấn công bất ngờ,lâm vào thế lúng túng bị động từ đầu,các trại ngoài bị đốt phá tan tành, phần nửa cụm quân của Triệu Tiết bị tiêu diệt.Triệu Tiết nắm lực lượng thân quân mở đường máu chạy về phía đông,đến với cụm quân Quách Quỳ. Ngày nay còn di tích trận đánh này: Đồng Bãi Xác,Gò Xác,Chùa Xác là chùa An Lạc ở thôn Mai Thượng xã Mai Đình huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh.

Bên quân ta cũng tổn thất nặng nề,hai Hoàng tử tử trận,nhưng là một đòn có tính chất quyết định.

Thời tiết chuyển oi bức,trong trại quân Tống dịch bệnh hoành hành,thiếu lương thực thuốc men,Quách Quỳ, Triệu Tiết lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.Lý Thường Kiệt nhận định rằng,lúc này quân địch bối rối,rút lui thì bẽ mặt,lại sợ bị truy kích,nên mở lối thoát cho địch,dàn hòa để đỡ tốn công sức xương máu nhọc thêm binh sỹ,đuổi được quân Tống ra khỏi đất nước mà không lưu hận thù về sau,cần dùng biện sỹ đi dàn hoà.Chủ trương ấy được triều đình đồng ý,tướng sỹ tán thành,bèn chọn Chiêu thảo sứ Kiều Văn Ứng làm Chánh sứ,Trần Nậm làm Phó sứ sang trại quân Tống nghị hoà.

Quách Quỳ như sắp chết đuối vớ được sào,nhưng cũng còn làm ra vẻ yêu sách điều này điều nọ,Kiều Văn Ứng nói cho biết rõ là thuỷ binh Tống đã bị đánh bại ngoài khơi,bộ binh bị chặn đã tháng rồi,vua Tống cũng muốn tăng viện nhưng không phải là chuyện dễ.Điều quan trọng lúc này là phải dẹp ngay binh đao đã, Tống phải rút hết quân về nước,còn việc đất đai thì vua nước chúng tôi chưa có chủ ý gì, tôi sẽ về tâu bày có thể để đất Quảng Nguyên giàu có cho nhà Tống, để tỏ rõ lễ của nước nhỏ đối với nước lớn vậy và đó cũng là món quà cho tướng quân và tướng sỹ đã bỏ mình trong cuộc chiến này.Quách Quỳ như mở cờ trong bụng,cuộc thương lượng kết thúc nhanh chóng,quân Tống thu xếp rút quân sớm ngày nào hay ngày ấy và đã rút vào đầu tháng 2 năm Đinh Tỵ ,tức tháng 3 năm 1077.

Được tin rút quân, quân chiếm đóng các nơi hoảng hốt tháo chạy đến Quỷ Môn Quan,một cửa ải của Chí Lăng, quân Tống chen nhau qua cửa,dẫm đạp lên nhau mà chết. Quách Quỳ không cản nổi,ngồi trên ngựa đốt hương cầu khấn,xin thần núi giúp cho binh sỹ về nước được an toàn,rồi ngửa mặt lên trời than rằng”Đi mười về không được một,Quỷ môn quan thật là cửa nhà trời!”. Chỗ này ngày sau có bia kỷ niệm đề :“Quỷ môn quan ! Quỷ môn quan ! Thập nhân khứ,nhất nhân hoàn !”

Quân Tống rút đến đâu quân Việt theo thu hồi đất đai đến đó, trừ đất Quảng Nguyên.

Thuỷ quân của Dương Tùng Tiên nằm mãi ở bắc Đông Kênh, sau ngày chiến tranh kết thúc,vua Tống mới cho đi tìm gọi về.Riêng về đất Quảng Nguyên,nhà Tống sai quan quân sang khai thác mỏ vàng bạc,nhưng rồi bị bệnh tật chết nhiều,nhiều đoàn bỏ trốn về nước.Năm Kỷ Mùi (1079) vua Tống Thần tôn lại đem thưởng cho vua Lý,đất Việt lại trở về người Việt.

Mấy năm sau ngày chiến thắng quân Tống xâm lược,vua Càn Đức đã trưởng thành,bắt đầu làm quen với công việc triều chính,muốn tự mình quyết đoán việc nước.Nhân năm 1082, Càn Đức đổi Châu Ái thành trấn Thanh Hoa,có một đạo quân, bèn giao cho Lý Thường Kiệt vào coi giữ.Đang giữ chức Thái uý đầu triều nay đi làm Trấn thủ Thanh Hoa,ông không hề phản ứng,vui vẻ thoải mái chấp hành lệnh,vì là Thiên tử nghĩa đệ nên được tiện nghi hành sự trong trấn.Suốt 19 năm trấn giữ,dùng đức an dân, trăm họ được nhờ,dân kính mến, giặc sợ hãi.

Trong những năm đầu Lý Thường Kiệt mới rời triều đình vào Thanh Hoa,vua Càn Đức làm được một số việc tốt,dần sau Thái phi và nhà vua quá sùng đạo Phật xây nhiều chùa tháp(xây tất cả 15 ngôi chùa,7 năm mới xây được một ngôi tháp,nói là theo con số một Dương Hậu và 15 cung nữ cung Thượng Phương bị bức tử trước đây).Càn Đức lại làm nhiều việc thất nhân tâm khác,trong nước luôn luôn xẩy tai ương, đại hạn mất mùa đói kém,dịch bệnh,động đất,quân Tống lại thường quấy phá biên giới.Trong triều xẩy ra nhiều chuyện rối ren, như chuyện Thái sư Lê Văn Thịnh hoá hổ.

( Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa Minh kinh Bác học,làm đến chức Thái sư,năm 1096 dùng pháp thuật hoá thành con cọp,mưu giết vua cướp ngôi nhà Lý,mưu không thành, bị bắt bị cách chức đày vào Thanh Hoá.Đó là sử sách chép lại.Ngày nay có ý kiến cho là vì mâu thuẫn bên trong sinh ra mà dàn dựng ra vụ án).

Trong triều đình lủng củng ,Vua quan trong triều đều lo lắng,Càn Đức nhận ra rằng thiếu Lý Thường Kiệt là trong triều mất ổn định.Năm 1101 nhà vua triệu Lý Thường Kiệt về triều trao chức Thái uý thị thư Đô áp Nha hành điện nội ngoại đô tri sự,coi hết mọi việc trong ngoài cung điện,lúc này ông đã 84 tuổi.Sau 19 năm vắng mặt,nay về triều ,các quan trong triều và nhân dân được an tâm.

Nhân vụ Lý Giác nổi lên chống lại triều đình ở châu Hoan,(vùng huyện Quỳnh Lưu ngày nay) bị đàn áp,Lý Giác chạy vào dụ quân Chiêm Thành ra quấy phá, Lý Thường Kiệt xin đổi Châu Hoan thành phủ Nghệ An để nâng cao vị trí phòng thủ bảo vệ biên cương (1101).Tháng 2 năm 1103, được Lý Giác vào dụ,vua Chiêm Thành Chế Ma Na đem quân ra đánh chiếm lại ba châu Bố Chính,Địa Ly,Ma Linh mà Chế Củ đã cắt nhường trước đây(Lúc bấy giờ Chế Ma Na vừa dành ngôi của Chế Củ, Chế Củ dẫn gần vạn quân ra Đại Việt xin cư trú, vua Lý cho cư trú).Càn Đức muốn sai tướng giỏi đi thu phục lại ba châu,Lý Thường Kiệt đã quá già,nhà vua lưỡng lự,Lý Thường Kiệt nói:Không thể ngồi giữ chức cao hưởng bổng hậu,mà nhìn quân giặc hoành hành,thần tuy già không cưỡi được ngựa thì đi võng đi cáng.Càn Đức bèn sai đi.

Quân vừa vào đến nơi,quân Chiêm sợ uy,bỏ đất ba châu lại rút hết vào Nam,dân Chiêm cũng theo quân Chiêm vào Nam hết.Lý Thường Kiệt dời thêm người Việt vào ở,xin đổi tên ba châu ra Bố Chính,Lâm Bình,Minh linh.

Năm sau 1105 Lý Thường Kiệt từ trần. Nhà vua phong em là Lý Thường Hiến tước Trung Dũng Hầu.

Suy tôn Lý Thường Kiệt:

Suy thành hiệp mưu thủ chính tá lý dực đới công thần,thủ thượng thư lệnh,khai thủ nghị đồng tam ty,nhập nội nội thị tỉnh đô đô tri kiểm hiệu,Thái uý kiêm Ngự sử đại phu,giao thụ chư trấn Tiết độ sứ,đồng tráng thủ môn hạ,Bình chương Thượng trụ quốc,Thiên tử nghĩa đệ, Phụ quốc Thượng tướng quân, Việt Quốc công.

Thực ấp 10.000 hộ,thực phong 4000 hộ.Nhân dân lập đền thờ tại nhiều nơi.
(còn tiếp)


Đến nay ban liên lạc họ Ngô Việt Nam đã liên lạc được hơn hai trăm chi họ Ngô thuộc dòng dõi Ngô Vương Quyền cư trú khắp mọi miền đất nước. Như vậy, từ một gốc nảy hang trăm cành, nhân khẩu họ Ngô ngày một đông trở thành một tộc lớn lâu đời của Việt Nam, trãi mỗi đời lại có them nhiều người trong họ đóng góp cho lịch sử nước nhà. Đấy là một niềm vinh dự, tự hào của đại tộc Ngô Việt Nam chúng ta.

****** Cụ Ngô Đình Tẩn biên soạn ******
Gia Phả NGÔ ĐÌNH
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc NGÔ ĐÌNH.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc NGÔ ĐÌNH
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.