GIA

PHẢ

TỘC

Họ

Đột
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ GIA SỬ CỦA DÒNG HỌ
I. Cụ Tổ Lê Đột khai phá ở thôn Phong Mỹ
1- Vài nét về thôn Phong Mỹ
Thôn phong Mỹ (còn có tên là Kẻ Mía, Thuần Mỹ) thuộc xã Xuân Tân, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Làng Phong Mỹ nằm ven sông Cầu Chày (còn có tên là Chùy Giang) mở rộng ra tận sông Chu (còn có tên là Lường Giang).
Làng Phong Mỹ khi cụ Lê Đột đến khai phá còn là bìa rừng (từ Phúc địa theo sông Cầu Chày kéo dài cho đến Mả lớn).
Làng Mía là một làng rất cổ: Ven sông Cầu Chày còn tìm thấy các mảnh gốm thời đồ đồng, trong làng đào được trống đồng Đông Sơn. Ngoài ra làng còn có ngôi mộ cổ người Hán hoặc quý tộc Việt cổ có phong cách sống như người Hán (1).
Sông Cầu Chày được các nhà phong thủy (người Trung Quốc) cho là Tổ long. Tồn tại câu sấm ký: “ Chùy Giang nhất khúc, nhất công hầu”. Làng Phong Mỹ có dòng họ Lê Đột mà hậu duệ có đến 2 nhà vua: là nhà vua Lê Hoàn (Tiền Lê) và nhà vua Lê Lợi (Hậu Lê). Làng có các điền chủ rất giàu như Hào Trung, Hào Lăng, giàu đến mức là “phú gia địch quốc”.
Ở nhà thờ cụ Lê Đột có vế câu đối nói về làng Phong Mỹ:
“ Hữu nhân tự cổ cư thành trụ
Trích ngưỡng kim cương trạch sở lưu.”
( Ý nói: vùng đất này từ xưa đã có người ở. Tích tụ từ đây nền văn hóa quý) (1).
2- Tổ tiên dòng họ Lê Đột
Tổ tiên dòng họ Lê Đột có đến 3 giả thuyết:
a- Tổ tiên dòng họ từ ngoài Bắc di cư vào Thọ Xuân, Thanh Hóa. Theo tài liệu (4) : từ thời Hai Bà Trưng có tướng quân Lê Hiệp (Căn kỷ Công chúa) thuộc tổ tiên dòng họ Lê Đột ( có đến thờ ở thôn Thượng Mạo –Phú Lương – Thanh Oai-Hà Đông cũ).
b- Tổ tiên dòng họ Lê Đột xa xưa định cư ở Đông Sơn, Thanh Hóa di cư dần về phía tây Thanh Hóa theo sông Chu, sông Cầu chày. Trước thời Ngô Quyền ở Đông Sơn đã có dòng họ Lê Sương (dân bản địa) và họ Lê Ngọc di cư từ Trung Quốc đến (đời Tùy) (7).
c- Tổ tiên dòng họ Lê Đột là dân bản địa thuộc dòng Việt cổ có quan hệ khá gần gũi với người Mường bản địa (cụ Lê Luyến có hai người con được phong tước hiệu là Đạo Lương, Đạo Lường theo tước hiệu Lang đạo thuộc xứ Mường Phúc địa cổ).
Cụ tổ Lê Đột định cư ở thôn Phong Mỹ vào khoảng thế kỷ thứ 9. Ông là người đầu tiên khai phá, lập làng, sắc phong thời Hậu Lê có câu: “...Lê Quan Sát quản cư thử ấp Thuần Mỹ thôn” (1)
3- Các di tích liên quan đến dòng họ Lê Đột (ở làng Phong Mỹ và Trung Lập)
3.1- Nhà thờ họ Lê Đột
Nhà thờ họ Lê Đột xây dựng tại xóm Đình (xóm giữa) của thôn Phong Mỹ. Nhà thờ gồm một nhà cổ 5 gian và một khuôn viên nhỏ, tổng diện tích khoảng 250m2.
Hằng năm vào ngày 16 tháng giêng con cháu trong họ Lê Đột tập trung về nhà thờ họ để làm giỗ tổ. Vào những ngày tuần tiết lớn nhân dân Trung Lập (thờ nhà vua Lê Hoàn) đều có tục đi chạ, kính viếng đến nhà thờ họ Lê (và ngược lại: con cháu họ Lê ở Phong Mỹ cũng đi chạ kính viếng đến nhà thờ vua Lê Hoàn). Sau Cách mạng Tháng 8 nhà thờ họ Lê đã hủy bỏ. Năm 2004 con cháu họ Lê đã đóng góp công sức tiền của, xây nhà thờ mới, đặt ở khu Mả lớn.
Nhà thờ họ Lê thờ cụ tổ Lê Đột và các hậu duệ. Về hậu duệ, có hai tài liệu ghi chép khác nhau:
a- Theo tài liệu viết về di tích Mả lớn (3): Cụ Lê Đột sinh nhất nam Lê Luyến. Lê Luyến sinh ba con trai là Đạo Lương, Đạo Lường và Nhân Đức.
b- Theo tài liệu của Lê Túc (hậu duệ dòng Lê Lợi) (4): Cụ Lê Đột sinh Lê Lộ. Lê Lộ sinh hai con trai là Lê Thái Vương (sinh Lê Hoàn) và Lê Luyến ( Lê Quan Sát). Lê Luyến sinh ba con trai: Lê Đại Lương (Đạo Lương), Lê Đức (tự là Nhân Đức) phát triển thành dòng họ Lê ở Phong Mỹ và Lê Nhân Lương (Đạo Lường).
Tài liệu phả hệ Lê Đại Tộc (Kinh Triệu Quận cũng ghi: Lê Đột – Lê Lộ - Lê Thái Công – Lê Hoàn...(6).
Tài liệu của Lê Túc phù hợp với thực tế hơn vì các lý do sau:
Ngoài tài liệu của Lê Túc, các tài liệu khác viết về xuất thân của vua Lê Hoàn đều “không rõ ràng”. Theo tài liệu của Lê Túc: Vua Lê Hoàn là con ông bác Lê Thái Vương mất sớm được ông chú Lê Luyến nhận làm con nuôi (sự kiện này phù hợp với gia phả của chi Lê Văn)
Theo tài liệu di tích Mả lớn: Lê Quan Sát không phải là Lê Đột (như nhiều tài liệu lịch sử vẫn thường ghi) mà Lê Quan Sát là Lê Luyến như tài liệu của Lê Túc.
Tài liệu của Lê Túc đã ghi rõ họ tên ba con trai của Lê Luyến và cả tước hiệu rất phù hợp với tài liệu (3).
3.2- Di tích Mả lớn (Mả tổ)
Khu mả tổ nằm ở phía Bắc thôn Phong Mỹ (giáp danh với thôn Xuân Phổ nội cũ) khu Mả tổ có diện tích khoảng 15 mẫu (3). Trước Cách mạng tháng 8 nó là khu di tích với “khu rừng” rậm rạp có nhiều cây cao bóng cả, được nhân dân thôn Phong Mỹ và con cháu họ Lê bảo quản có đến ngàn năm tuổi.
(Mả lớn có những cây cổ thụ đường kính tới vài mét như cây đa Mả lớn được xếp hàng về chiều cao trong vùng: “Thứ nhất cây cáo Yên Trung, thứ nhì cây sung Yên Trường, thứ ba cây đa Mả lớn”. Mả lớn rậm rạp tới mức có lần hùm từ rừng Phúc địa “mò” về. Trong dân gian có câu: “Ầm ầm như hầm-hùm-về Mả lớn”.)
Lúc đầu nhà vua Lê Hoàn định chọn làm phủ miếu, nhưng có khiếm khuyết (theo thuyết phong thủy) nên Phủ miếu được chuyển về Trung lập. Mả lớn được để lại làm sinh phần cho cụ Lê Đột và con cháu (3). Ông bà cụ Lê Đột đồng táng tại Mả lớn (tọa Cấn hướng Khôn).
Con cụ Lê Đột là Lê Luyến sinh tam nam: Đạo Lương, Đạo Lường, Nhân Đức cùng chung lập phần mộ tại Mả Tổ (3). Năm 1991 nhà nước đã cho tôn tạo lại lăng mộ cụ tổ Lê Đột. Năm 2000 nhà nước cho tiếp kinh phí hoàn chỉnh tu bổ lại khu lăng mộ.
Năm 1991 lăng mộ cụ Lê Đột được công nhận là di tích lịch sử.
3.3- Đền thờ vua Lê Hoàn
Đền thờ lập tại thôn Trung Lập xã Xuân Minh, (cách thôn Phong Mỹ độ 3 km). Đền có diện tích 7 mẫu 5 sào. Đền có hai bia (dựng thời Hồng Đức năm 1484, và dựng thời Vĩnh Tộ – 1624). Trong đền thờ có nhiều đồ thờ quý bằng bạc, bằng đồng, bằng đất nung. Đặc biệt có chiếc đĩa bằng đá ngọc thạch trắng do vua Tống tặng, trong lòng đĩa có khắc chữ:
“Giang nam nhất phiến tuyết
Trác khí vạn niên trân”
Đó là chứng tích ghi lại mối bang giao rất khôn khéo của nhà vua Lê Hoàn (2).
Đền đã được nhà nước trùng tu lại và đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Ghi chú 1 có thêm tài liệu: ông Lê Văn Nguyện (Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam, Nghệ An) cho biết ông có cuốn sách Lê tộc sinh hạ. Lê tộc sinh hạ do Đức Lê Lợi cùng anh là Lê Trừ và các cháu: Lê Khôi, Lê Sao, Lê Khang, Lê Tư Tề, Lê Nguyên Long, Lê Thánh tông cùng biên soạn. Trong cuốn này có nói đến sự tiếp nối từ Lê Hoàn truyền nhiều đời đến Lê Lợi.
Gia Phả Họ Lê Đột
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Họ Lê Đột.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Họ Lê Đột
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.