Gia phả họ Đỗ được các Cụ Tiên Tổ ghi chép để lại đến ngày nay gồm 7 quyển, trong đó 4 quyển viết bằng chữ Hán, 3 quyển viết bằng chữ quốc ngữ.
1/. Quyển thứ nhất: (chữ Hán) viết năm Canh Ngọ niên hiệu Tự Đức thứ 23 Triều Nguyễn (1870), do Cụ Đỗ Huy Uyển đời thứ 10 đỗ Phó Bảng khoa Tân Sửu giữ chức Thái thường Thiếu Khanh, Biện Lý Hộ Bộ Sự vụ, vâng mệnh tu soạn Gia phả, Tông đồ và kính ghi các điều lệ trong tộc họ.
2/. Quyển thứ 2: (chữ Hán) do Cụ Đỗ Công Thân đời thứ 12 thường gọi là Cụ Đồ Giáp viết năm Canh Thìn niên hiệu Tự Đức thứ 33 triều Nguyễn (năm 1880).
3/. Quyển thứ 3: (chữ Hán) do Cụ Đội Dư tức Đỗ Huy Dư đời thứ 10 sao lục lại từ cuốn Gia phả của Cụ quan Biện Lý Đỗ Huy Uyển đời thứ 10 và viết tiếp khoảng năm 1900 - 1909 triều vua Thành Thái, sau khi Cụ viết, Cụ có lời nói là:
Thường nghe nhà có phả như nước có sử để lưu truyền lâu dài cho con cháu không bao giờ quên vậy, nếu không ghi vào Gia phả cho rõ ràng thì nguồn càng chẩy ra, cây càng phân nhánh, sẽ không tránh khỏi sự chê trách về sự thiếu sót bỏ quên Tổ Tiên, trong điển tích. Tôi sợ hãi về điều đó nên mới viết Gia phả vậy.
4/. Quyển thứ 4: (chữ Hán) sao lục và viết tiếp (không rõ năm viết) vào thời triều Thành Thái.
5/. Quyển thứ 5: (chữ Quốc Ngữ) do ông Giáo Long (tức Đỗ Đức Long) đời thứ 13 sao lục và viết dưới dạng sơ đồ.
6/. Quyển thứ 6: (chữ Quốc Ngữ) do ông Đỗ Công Phan đời thứ 13 và Cụ Đỗ Công Bình đời thứ 11 viết năm Canh Tý (1960) sao lục Gia phả chữ Hán đến đời thứ 12.
7/. Quyển thứ 7: (chữ Quốc ngữ) do các Cụ trong họ viết (1971) sao lục các Gia phả và viết tiếp đến đời thứ 16.
Trong 4 quyển các Cụ viết bằng chữ Hán con cháu trong họ nhiều người chưa biết 4 quyển ấy viết những gì, nội dung ra sao, chỉ có các Cụ học chữ Hán mới đọc được. Trong số các Cụ biết về chữ Hán, biết sâu về dòng họ đến ngày nay còn lại rất ít (chỉ còn khoảng 7 - 8 Cụ)
Để sau này tộc họ có một cuốn Gia phả thông dụng tiện cho con cháu dễ xem, dễ hiểu, vâng mệnh các Cụ trong tộc họ cháu đời thứ 15 là Đỗ Công Sảo đã thuê dịch toàn bộ 4 quyển Gia phả chữ Hán ra chữ Quốc ngữ và tập hợp các tư liệu khác trong tộc họ theo nguyên bản thành một quyển chung gọi là Gia phả họ Đỗ bản dịch. Công việc tiến hành với sự giúp đỡ của Viện nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) vào năm 1992 - 1993, đồng thời đã in ấn ra thành 20 quyển, mỗi chi có 1 quyển và một số các Cụ mỗi người có 1 quyển để nghiên cứu và tìm hiểu.
Qua nghiên cứu và tìm hiểu trong cuốn Gia phả bản dịch mà con cháu đã thấy công lao to lớn, thấy được đức độ, tài năng, và sự phát triển về thân thế, sự nghiệp của Tổ Tiên ta. Tổ Tiên ta đã để lại nhiều điều tốt đẹp cho con cháu noi theo.
Để kế tiếp sự nghiệp của Tổ Tiên việc ghi chép tiếp Gia phả của tộc họ là một việc rất quan trọng và cần thiết cho thế hệ ngày nay và thế hệ mai sau, nếu thế hệ con cháu ta ngày nay không làm thì thế hệ sau chúng ta lại càng không làm được. Chính vì vậy ngày 21 tháng 01 năm ất Hợi (1995) các Cụ trong họ đã họp bàn thống nhất và quyết định thành lập ra ban nghiên cứu tìm hiểu và ban viết Gia phả của tộc họ gồm các Cụ và các ông sau:
Cụ Đỗ Công Phan
Cụ Đỗ Công Yên
Cụ Đỗ Huy Phùng
Cụ Đỗ Huy Phong
Cụ Đỗ Công Điềm
Cụ Đỗ Huy Sang
Cụ Đỗ Huy Thoan
Cụ Đỗ Công Thăng
|
Ông Đỗ Công Sắc
Ông Đỗ Huy Vy
Ông Đỗ Huy Khái
Ông Đỗ Huy Chuyện
Ông Đỗ Huy Rào
Ông Đô Huy Tư
Ông Đỗ Công Sảo
Ông Đỗ Huy Thành
|
MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU VIẾT TỘC PHẢ LẦN NÀY LÀ:
1/. Để trong Tộc họ có quyển Gia phả tổng hợp hoàn chỉnh, có hệ thống, có tính chất kế tiếp và liên tục từ Cụ Thủy Tổ đến ngày nay.
2/. Mỗi chi có 1 quyển, mỗi hộ gia đình nên có 1 quyển để làm tư liệu thông dụng trong gia đình, nhất là con cháu đi lập nghiệp ở nơi khác (trên khắp miền đất nước) để cho con cháu hiểu rõ về nguồn gốc, biết về tôn thống Tộc họ.
NỘI DUNG
1/. Tổng hợp các cuốn Gia phả bản dịch từ Cụ Thủy Tổ để lại và các tư liệu khác.
2/. Thống nhất vào 1 quyển, thống nhất một nội dung
3/. Điều chỉnh lại những nhầm lẫn trong các bản sao trước.
4/. Viết tiếp vào Gia phả mới những trường hợp trước kia chưa viết vào Gia phả.
5/. Xác minh đi lấy tư liệu của các chi, các hộ ở gần, cũng như ở nơi xa để viết vào Gia phả mới.
6/. Ghi chép tiếp về thân thế sự nghiệp phát triển từ đời thứ 14 - 15 đến nay.
- Căn cứ vào sự phát triển của dòng họ đến nay đã lên đến trên 1.000 người lại còn về sự nghiệp, ghi các liệt vị Tiên Tổ, các vị hậu Tổ, các vị Tòng tự, các vị thờ ở Từ Đường ngành, sơ đồ mộ trí các vị Tiên Tổ, sơ đồ mộ chí các Cụ ở các ngành, quy ước của tộc họ, các ngày dỗ tế Tổ trong năm, các vị đã tiến cúng vào Từ Đường từ các Cụ Tổ Tiên cho đến ngày nay: văn tế, câu đối, hoành phi, diện tích đất Từ Đường...
- Để trình bày cho mọi người dễ xem, dễ hiểu ban viết Gia phả có kẻ biểu đồ và viết thân thế sự nghiệp thành hai thời kỳ:
Thời kỳ thứ nhất: Từ Cụ Thủy Tổ đến Cụ Tổ thứ 10.
Thời kỳ thứ 2: Từ Cụ Tổ đời thứ 11 đến ngày nay và chia ra thành ngành nhỏ.
Tổng số đời thứ 11 hiện có trong Gia phả là 69 Cụ. Trừ các Cụ phạp tự, hoặc phát triển đến đời thứ 14 là không có người nối dõi và lưu lạc (25Cụ) nên thực tế hiện nay là 44 Cụ thành 44 ngành.
Gia phả này được tiến hành từ ngày 26 tháng 03 năm ất Hợi (1995), hoàn thành ngày 02 tháng 07 năm Bính Tý (1996).
Còn riêng tư liệu về Cụ Thủy Tổ Tạo Sỹ Minh Thông Công đang tiếp tục tìm, tra cứu để biết được nguồn gốc, sự nghiệp cũng như ngày sinh, ngày mất của Cụ Thủy Tổ.
Ban viết Gia phả xin chân thành cảm ơn các Cụ, các ông, các bà, các bác, các chú, các thím, các anh, các chị, các cháu trong dòng họ từ gần đến xa đã nhiệt tình giúp đỡ cổ vũ chỉ bảo, đóng góp vật chất bước đầu ít nhiều có kinh phí để hoàn thành cuốn Gia phả lịch sử này.
Chân thành cảm ơn ông Đỗ Huy Thành, Đỗ Công Sảo, Đỗ Huy Dinh, công tác tại Hà Nội đã đóng góp công sức và vật chất để hoàn thành cuốn Gia phả lịch sử này.
Công việc này còn được tiếp tục hoàn chỉnh mong được bổ sung
Còn có sai sót gì xin Tộc Họ hãy lượng thứ.
La Ngạn ngày 0 1 tháng 07 năm 1996
Vâng mệnh viết lời nói đầu
Đỗ Công Sắc (Đời thứ 14)