GIA SỬ DÒNG HỌ HOÀNG KIM – THƯỢNG NGHĨA
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, từ đời nọ đến đời kia, nhân dân ta đã lớp lớp kế tục nhau lao động, chiến đấu, mở mang bờ cõi, khai phá, thục hóa ruộng đồng, phát triển nông lâm ngư nghiệp từ đất liền đến hải đảo. Nhờ công ơn trời biển đó của ông cha bao đời trước, non sông gấm vóc đất Việt mới có ngày nay. Đó là sự nghiệp vĩ đại của cả trăm họ.
Theo dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, từ hàng thế kỷ, qua hàng bao thế hệ luôn luôn sáng ngời văn hóa, truyền thống vô cùng tốt đẹp và đậm đà bản sắc dân tộc:
-Truyền thống ghi nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những tầng lớp tiền bối đã có công lao trong công cuộc xây dựng và giữ gìn quê hương, đất nước.
-Trong mỗi gia đình, mỗi một dòng họ, mỗi một làng quê cũng như toàn quốc… trong đời sống văn hóa, tư tưởng, tinh thần và tình cảm của mỗi người con đều gắn liền quá khứ – hiện tại – tương lai của quê hương và đất nước, đó là lòng yêu nước thương nòi, yêu quê hương dòng họ, đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Trong hoàn cảnh lịch sử của gần 500 năm về trước, đến nay dù nhiều cứ liệu sử sách ghi chép dưới nhiều hình thức khác nhau. Gia phả của một số dòng tộc cho biết lớp cư dân đến sớm lập cư trên mãnh đất Đông Hà / Quảng Trị kể từ thế kỷ 15 – 16 phần lớn là nhân dân lao động vùng Thanh Hóa, Nghệ An theo quy luật phát triển tất yếu của lịch sử - xã hội đi tìm vùng đất mới lập nghiệp, hoặc đi theo tiếng gọi của các Triều đại phong kiến vào khai phá vùng đất mới phía Nam. Đến thế kỷ 16, đã hình thành nhiều làng, xã. Trong Ô châu Cận Lục (1) cho biết Huyện Vũ Xương có 59 đơn vị làng xã, thì trên đất Đông Hà có 14 làng (2).
Đối chiếu theo Tộc phả dòng Họ Hoàng Kim lưu giữ, thì sự hình thành dòng họ, làng mạc của chúng ta cũng từ thời gian và bối cảnh lịch sử đó. Bản tộc gia phả chữ Hán đã ghi: “Chính nhất thượng cao cao chi thủy tổ Hoàng Kim Đạt đại lang do tiền gian lưu tích vị nhập Thuận Hóa xứ… Hoàng Kim Giám Lê Chính Trị nguyên niên (3) tùng quốc triều tiên thánh nhập Thuận Hóa nhơn tích kiến xã cư giên thị vị bổn xã tiền khai khẩn” (Ngài thủy tổ đời đầu Hoàng Kim Đạt lưu lại khi nhập xứ Thuận Hóa là Hoàng Kim Giám – thời Lê, niên hiệu Chính Trị (3) liên tiếp kế tục và gìn giữ công đức khai khẩn của tiền nhân). Mộ phần song hồn táng tại Thượng Nghĩa – Vĩnh Ninh, Phường Đông Giang, Thành phố Đông Hà (16.840902, 107.101517)(11).
Như vậy, chúng ta có thể phỏng định vị khai khẩn đầu tiên của dòng Họ Hoàng Kim cùng các vị khai khẩn của các Họ bạn đã vào sinh cơ lập nghiệp tại Làng/xã Thượng Đô, Huyện Vũ Xương, Phủ Triệu Phong (1) trước kia – nay là Làng Thượng Nghĩa chúng ta vào khoảng thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17 (1558 - 1625).
Thời kỳ Lê Trung Hưng (4) đến nay hơn 4 thế kỷ với biết bao biến thiên của lịch sử quê hương, đất nước… Tổ tiên của chúng ta đã kề vai, sát cánh cùng các vị tiền bối đồng hội đồng thuyền trong cộng đồng dân cư lúc sơ khai. Làng – Họ Hoàng Kim với sức sống mãnh liệt, tinh thần gang thép, đã vượt qua bao cam go, gian truân, nghịch cảnh đầy thử thách của tự nhiên và thời cuộc để có được cơ nghiệp ngày nay:
-Từ đời thứ Nhất – Ngài cao cao chi thủy tổ Hoàng Kim Đạt sinh nam tử nhất nhơn Ngài Hoàng Kim Giám.
-Đến đời thứ Hai – đã sinh ra 4 phái: Phái Nhất - Ngài Hoàng Kim Tạo; Phái Nhì - Ngài Hoàng Kim Thạnh; Phái Ba – (Ngài Hoàng Kim Nại) / Ngài Hoàng Kim Khương; Phái Bốn - Ngài Hoàng Kim Nại / (Ngài Hoàng Kim Khương).
-Đời thứ Ba – kế tục Phái Nhất: Ngài Hoàng Kim Sức, Hoàng Kim Lực; Kế tục Phái Nhì: Ngài Hoàng Kim Thiết; Kế tục Phái Ba – đến đời thứ 11; Kế tục Phái Bốn – sinh hạ con, cháu tại Cùa.
-Từ đời thứ Tư, dòng họ sinh ra nhiều Chi; Nhánh. Nay đã đến đời thứ 12, 13, 14, 15, 16, 17… sáu thế hệ cùng chung dưới mái Từ đường – Hoàng Kim tộc. Mỗi thế hệ, trãi qua một thử thách lịch sử, Tổ tiên chúng ta vẫn nêu cao truyền thống cần mẫn, kiên trung. Tiền nhân chúng ta cùng chung lưng đấu cật, đoàn kết vượt qua mọi nghiệt ngã thiên nhiên, vun đắp cuộc sống, trải qua thời cuộc Nam – Bắc phân tranh hơn 250 năm dai dẵng… Đến khi vận nước lâm nguy, bị xâm lăng dày xéo thì cùng nhau, già cũng như trẻ, gái cũng như trai đứng lên giành độc lập theo tiếng gọi của Non song đất nước.
Tự hào về dòng họ Hoàng Kim chúng ta (đời thứ 7) có danh tướng Hoàng Kim Lan (Chú ruột của Trung lang tướng Hoàng Kim Hùng), tục gọi Ông Quỳnh, từ trần ngày 27/11, mộ táng tại Lâm Cấm (16.811699386597475, 107.02162629323207)(11) là cựu tòng quân Tây triều (Tây Sơn – Nguyễn Huệ) Ngũ Bảo Hữu Châu sắc: Đô ty (5),(10).
Đến đời thứ 8, dòng họ Hoàng Kim có những danh tướng mà tộc phả cũng như sử sách của dân tộc đã ghi chép lại (6): Ngài Hoàng Kim Hùng, tự là Ông Khoáng, hiệu là Thiền, sinh ngày 12/02-Giáp Thân (1764), từ trần ngày 07/3-Ất Mùi (1834, Thọ 71 tuổi), mộ táng tại Đùng Lau (16.807279, 107.017184)(11), đã tòng quân Tây triều Châu sắc Trung lang tướng (7),(8),(9) khi Nguyễn Huệ xuất quân diệt giặc Thanh (1789). Tộc phả còn ghi: Hoàng Kim Táo – Tây triều vệ/đô úy (10); Hoàng Kim Lâm – tòng quân Tây triều, mất tích; Hoàng Kim Thạch – tòng quân Tây triều, tử trận; Hoàng Kim Thuyết – tòng quân Tây triều, tử trận tại Hải Phòng…
Như vậy, trong thời Tây Sơn – Nguyễn Huệ, bên cạnh Đô ty Hoàng Kim Lan; Trung lang tướng Hoàng Kim Hùng;… còn nhiều thanh niên trong dòng họ tham gia, có vị đảm trách chức Đô ty; Vệ úy cùng với đông đảo thanh niên quê nhà tham gia đội quân thần tốc chiến thắng giặc Thanh (Trung Quốc) tại Đống Đa – mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), đây là một trang sử vàng của dòng Họ Hoàng Kim trong lịch sử vinh quang của dân tộc Việt Nam thời kỳ đó.
Phát huy truyền thống của Tổ tiên, suốt 80 năm dưới ách đô hộ của Thực dân Pháp, bà con chúng ta luôn quây quần cùng cộng đồng làng xã, đồng cam cộng khổ, đoàn kết đùm bọc lẫn nhau, vun đắp thuần phong mỹ tục, góp phần gìn giữ, tô đẹp quê hương đất nước… Cuộc sống phải phân tán ăn ở 5 thôn, 4 chốn, có bà con phải tha hương cầu thực nhưng “Ly hương bất ly Tổ” (Xa quê hương nhưng không rời xa Tổ tiên). Họ hàng trên dưới đồng lòng, giữ nếp tôn ty trật tự, nghĩa tình keo sơn trọn vẹn, nội – ngoại thủy chung.
Nhìn lại chặng đường đầy thăng trầm, cam go đó, bà con dòng Họ Hoàng Kim chúng ta thật tự hào: “Gia bần tri hiếu tử, Quốc nạn thức trung dân” (Gia đình gặp khó mới biết con hiếu thảo, Tổ quốc lâm nguy mới thấy được lòng trung của dân). Trong kháng chiến chống Pháp, cùng với cả nước, cả làng, con cháu Họ Hoàng Kim đã kế tiếp thoát ly gia đình tham gia mọi mặt trận chiến đấu khắp mọi miền Tổ quốc. Từ bộ đội chính quy, bộ đội địa phương, dân quân du kích, dân công hỏa tuyến đã cùng quê hương chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, không kể máu xương, không nề của cải, nhân tài, vật lực, có người đã hy sinh trên những mặt trận xa xôi như Hoàng Kim Trí, Hoàng Kim Nghẹng, Hoàng Kim Phù, Hoàng Kim Chửng, Hoàng Kim Phiệt… có liệt sỹ mãi cho đến hôm nay vẫn chưa có được mộ phần!…
Năm 1954, hòa bình lập lại chưa được bao lâu thì cả Miền Nam chìm trong máu lữa của Đế quốc Mỹ. Nhiều nhà thờ Họ trong làng Thượng Nghĩa trở thành nơi ẩn náu của những người con bám trụ phong trào cách mạng, từ đó con cháu – lớp thì tham gia quân giải phóng, lớp thì bám đất, bám làng để ủng hộ, nuôi dưỡng cách mạng. Những liệt sỹ tuổi còn rất trẻ đã hy sinh vì quê hương như Hoàng Kim Tế, Hoàng Kim Tặng… Đã có hàng trăm con cháu bị quân địch bắt giam, đày ải trong những địa ngục trần gian của chế độ thực dân và đế quốc. Có thể nói hầu hết con cháu trong Họ Hoàng Kim đã tham gia kháng chiến cứu nước dưới mọi hình thức và đã không thẹn với sơn hà – xã tắc trong ngày hoàn toàn chiến thắng, thống nhất Nước nhà (1975).
Qua 2 cuộc kháng chiến cứu quốc, con cháu thoát ly tham gia các lực lượng vũ trang, cũng như hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội từ thôn – xã trở lên có trên 100 người. Trong đó: Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Cân; Chiến sỹ thi đua toàn quốc như Cụ Hoàng Dốc (Hoàng Kim Yêm – thời kỳ chống Pháp); Gần 40 con cháu là cán bộ Trung cao cấp trong quân đội và các ngành dân chính. Họ Hoàng Kim vô cùng thương tiếc, nhớ ơn 20 người con yêu quý của dòng họ đã chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc trên mọi miền đất nước. Những liệt sỹ đã góp phần xương máu trong lịch sử vinh quang của dân tộc, làm rạng rỡ thêm cho làng xã và dòng họ chúng ta. Những người còn sống vẫn luôn giữ vững và phát huy truyền thống quý báu của tiên tổ, góp phần công lao trong công cuộc kháng chiến thống nhất quê hương, đất nước. Hàng chục con cháu đã được Tổ quốc ghi công, Nhà nước tặng thưởng Huân huy chương.
Những hình ảnh mà 50 – 60 năm về trước rất hiếm có trong làng xóm, họ hàng chúng ta. Thế hệ trước mở đường cho thế hệ sau; Thế hệ sau tiếp bước, noi gương thế hệ trước trên con đường đổi mới cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh – dân chủ… con cháu Họ Hoàng Kim đã tỏ ra chăm lo lao động, sản xuất, học tập ngày càng tiến bộ. Đại đa số con cháu đều được học hành từ bậc Đại học, Sau đại học, đổ đạt trong các kỳ thi Quốc gia. Một tương lai tươi sáng và phồn vinh của dòng Họ Hoàng Kim…
Gia sử dòng Họ Hoàng Kim – Thượng Nghĩa, Tỉnh Quảng Trị phần nào ghi chép lại quá trình phát triển, cũng như phấn khởi tự hào về công đức của dòng họ nhằm bảo ban con cháu không ngừng học tập, rèn luyện tư cách đạo đức, lao động cống hiến thật nhiều cho dòng Họ Hoàng Kim và Quê hương, Đất nước. Đó chính là cách ghi nhớ, đền ơn Tiên tổ cụ thể và thiết thực nhất./.
Chấp bút: Hoàng Kim Kỳ (Tên tự: Hoàng Phương Kỳ) - Hậu duệ Đời thứ 14, Năm 2022.
(1): Tiến sung Nham hầu Dương Văn An (Nguyễn Khắc Thuần dịch), NXB Giáo dục VN (2009), Ô Châu Cận Lục – Quyển 3, Trang 35.
(2): Lịch sử Đảng bộ Đông Hà, NXB Thuận Hóa (1988), trang 1516.
(3): Hoàng Cao Khải (Hồng Liên Lê Xuân Giáo dịch), NXB Hồng Đức (2021), Việt Sử Yếu, Trang 285: Lê Chính Trị: Năm 1558 (tức năm Mậu Ngọ, năm đầu Niên hiệu Chính Trị vua Lê Anh Tông), đức Gia Dụ đế (Tên húy Nguyễn Hoàng vào làm chức trấn thủ Thuận Hóa và chiếm cứ đất đai từ Hoành Sơn trở vào Nam).
(4): Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh Niên (2001), Các Triều Đại Việt Nam, Trang 221: Lê Trung Hưng: Lê Trang Tông (1533 - 1548) niên hiệu Nguyên Hòa. Năm năm sau, kể từ ngày Mạc Đăng Dung giành ngôi vua, đến năm Quý Tỵ (1533) nhà Lê lại được khôi phục, mặc dù vua ở đất Lào nhưng đã có niên hiệu, các nhà chép sử gọi đó là thời Lê Trung Hưng (Hậu Lê).
Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh Niên (2001), Các Triều Đại Việt Nam, Trang 224: Lê Anh Tông (1556 – 1573) có 3 Niên hiệu: Thiên Hữu (1557); Chính Trị (1558 - 1571); Hồng Phúc (1572 - 1573).
(5): (Xem 10): Đô ty là cơ quan quân đội cấp Trấn của Tây Sơn – Chức Đô ty tương đương với Tỉnh đội trưởng hiện nay.
(6): Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử của Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam, số 1, tháng 1+2 năm 1979, trang 54.
(7): Trung lang tướng – Tương đương cấp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hiện nay (???).
(8): Đổ Bang, Tạp chí Cửa Việt – số 14, Tháng 12/1995.
(9): Hoàng Nghĩa Lược, NXB Văn hóa Thông tin, Nhân vật lịch sử Họ Hoàng – Huỳnh Việt Nam, trang 211.
(10): Trần Thanh Tâm, NXB Thuận Hóa,(Năm… ), Quan chức Nhà Nguyễn, trang 120, 330: Đô Ty là Chức quan đứng đầu Ty Xá Sai của các chúa Nguyễn. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi chức này thành người đứng đầu Bộ Hình; Xá Sai Ty là một trong Tam Ty quan trọng nhất của chúa Nguyễn ở Đàng Trong chuyên lo việc tự tụng, văn án, tư pháp do viên Đô Ty và viên Ký Lục đứng đầu. Thuộc viên có: 3 Câu Kê, 7 Cai Hợp, 10 Thủ Hợp, 40 Ty Lại giúp việc; Đô Úy là Võ quan cấp úy (hàm Ngũ phẩm Võ ban) cáo thụ Võ Công Đô Úy.
(11): Tọa độ Google Map.
|