GIA

PHẢ

TỘC

HỌ
BÙI
VĂN
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
TÀI SẢN, HƯƠNG HỎA, GHI CHÚ
CHÚ THÍCH:

1/ Tên địa phương trước đây:
Làng Lương Sơn, tổng Đặng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
2/ Đặng Sơn: là tên xã được đặt trước năm 1956, gồm các làng: Lương Sơn, Long Sơn, Đặng Thượng, Đặng Lâm, Phú Nhuận, Nhân Trung, Khả Phong. Năm 1956 chia thành 3 xã: Nam Sơn, Bắc Sơn và Đặng Sơn như ngày nay.
3/ Huyện Anh Sơn: là tên huyện được đặt trước năm 1956, huyện lỵ đóng tại Đô Lương. Năm 1956 chia thành 2 huyện: huyện Anh Sơn và huyện Đô Lương cho đến nay.
4/ Tên địa phương hiện nay: Làng Lương Sơn cũ ( trước đây gồm các xóm: Yên Sơn, Mỹ Sơn, Đường Sơn, Bình Sơn và Đông Sơn; tính từ trên xuống ). Năm 1956 thành lập Hợp tác xã nông nghiệp, các xóm được chia thành 4 đội sản xuất: đội 1, đội 2, đội 3 và đội 4.
Xã Bắc Sơn gồm 8 đội sản xuất, tính từ đầu làng Lương Sơn đến cuối làng Đặng Thượng; hiện nay gọi là xóm.
5/ "1" Hoàng Thị Hạp:
Người làng Long Sơn, xã Bắc Sơn. Nhưng chính gốc ở Tràng Thân, Diễn Châu.Bà là con nhà văn học, nên bà sẵn tính ham học. Khi sinh được 2 người con trai, Bà bàn với Ông người ta ở đời chết dốt, không ai chết đói, phải cho con học, dẫu khi cần phải bán ruộng đất đi nữa cũng bán cho con học, và thực tế đã phải bán vườn ở cho địa chủ Ý ở chợ Sỏi vì mắc nợ vay của nó để cho Con ăn học. Bà nói không lẽ cả Họ đã dốt, mình cũng để cho con dốt luôn. Được Ông nhất trí, hai con được đi học. Khi con lớn đi học thì trong gia đình Bà là một người phải nhịn đói khi có chúng bạn
của con đến ....Bà sinh hạ được 3 trai, 7 gái ( 4 người chết khi còn nhỏ ).
Ngày cúng giỗ hàng năm: 24/11 âm lịch( hợp kị 11/7 âm lịch giỗ cùng ngày giỗ ông ).
"2" Bùi Văn Thừa:
Liêt Sỹ; Ông là một hội viên của Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội từ năm 1925 đến năm 1929. Đảng viên Đảng Cộng Sản Đông Dương, là bí thư chi bộ đầu tiên của Chi bộ Đảng xã Đặng Sơn, huyện Anh Sơn. Bị thực dân Pháp bắt ngày 17/01/1930; Tòa Nam Án của bọn thực dân mở ngày 18/3/1930 kết án, bỏ tù Ông; chúng đày Ông và các Đồng chí của ông đi giam ở ngục Kon Tum. Kiên trung, Bất khuất, luôn đấu tranh chống lại, nên bị bọn giặc hành hạ, tra tấn chết trong ngục. Ông đã hy sinh anh dũng tại ngục Kon Tum. Trong tài liệu lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An còn lưu danh Ông.
"3" Bùi Văn Thại:
Tức Bùi Quang Thành( Lấy tên của người cháu: Bùi Thị Thành đã mất để dùng trong hoạt động cách mạng và công tác. Ở Thái lan các đồng chí thường gọi là Ba Lang). Ông thoát ly gia đình từ năm 1924, trốn ra nước ngoài (Thái Lan) làm cách mạng. Ông là hội viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Đến năm 1930, Ông là một đảng viên Đảng Cộng Sản Thái Lan. Ông làm Bí thư Tỉnh đảng bộ tỉnh Sakon, hoạt động ở Thái đến năm 1954, được Đảng điều về nước công tác. Tháng 02/1963, Ông được hưu trí về nhà an dưỡng. Ở quê tên thường gọi là Cố Đại.
Ngày giỗ Ông hàng năm: 16/3 âm lịch.
"4" Lê Thị Đính:
Đảng viên ĐCSVN, Huân chương kháng chiến hạng ll, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng lll. Tên thường gọi Cố Đại. Bà là người có nghĩa với chồng và thương con. Lúc thanh niên, bà lấy chồng và khi con vừa mới sinh còn nằm trong dẻ ( vải, tã ), chồng xuất dương làm cách mạng, không hề có tin tức, mãi hơn 30 năm sau, Ông mới về nước. Ở nhà, Bà ăn ở đối đãi với cha mẹ chồng một cách tôn kính. Bà tích cực làm ăn nuôi con khôn lớn, cho theo đuổi họp tập, trở thành con người hữu dụng cho xã hội. Bà cũng là một người tích cực với cách mạng trong bí mật cũng như khi công khai. Bà
luôn luôn tham gia công tác. Bà là một người có công đức với gia đình và có công với nước.
Ngày cúng giỗ bà hàng năm: 28/9 âm lịch ( hợp kị: 16/3 âm lịch giỗ cùng ngày giỗ ông ).
"5" Hồ Thị Nữ:
Bà sinh ra lớn lên ở Thái Lan, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, yêu nước.Tên là Buathien Vakulchai( Bua Thiên Va kun chai ), ( Cha của bà người họ Hồ ở Hương Khê, Hà Tĩnh, cụ là Thủ Đầu Quân nghĩa quân Cần Vương của vua Hàm Nghi. Khi cuộc khởi nghĩa bị thất thủ, Cụ cùng các nghĩa sĩ chạy sang Thái Lan cố thủ, lập làng, lập ấp chờ ngày phục quốc ). Bà Nữ lấy Ông Thành là do cách mạng ghép để hoạt động trong bí mật. Làm liên lạc, cảnh giới cho Nguyễn Ái Quốc, khi bác Hồ lưu trú trong gia đình ở bản Mạy( làng Mới ) thuộc tỉnh NaKhon Phanom( Đông Bắc Thái Lan ). Chồng thường đi công tác, một mình bà đi khắp miền bắc đất Thái, vừa đi tìm con( tìm ông thân ), vừa bươn chải với nghề hàng xáo, làm ăn, nuôi cả đàn con khôn lớn. Bà sinh 8 người con, 1 người chết khi còn nhỏ. Bà sống thọ 106 tuổi( 1900- 2006 ), tạ thế lúc 10 giờ 40 phút ngày 19/8/2006( 26/7 âm năm Bính Tuất) tức 19/8/2549 phật lịch tại Thái Lan.
Ngày cúng giỗ hàng năm 26/7 âm lịch ( hợp kị: 16/3 âm lịch giỗ cùng ngày giỗ ông ).


CÁC LIỆT SỸ ANH DŨNG HY SINH TRONG CÁC CUỘC CHIẾN TRANH CỨU NƯỚC VÀ GIỮ NƯỚC

I/Thời kỳ 1930-1931 và trước Cách Mạng Tháng Tám:

1/ Bùi Văn Nành, Tự Vệ Đỏ, bị Pháp và bè lũ tay sai bắt và bắn tai Đình làng Lương Sơn ngày 28 tháng 4 năm 1931.
2/ Bùi Văn Dạnh, Tự Vệ Đỏ, bị Pháp và bè lũ tay sai bắt và bắn tai Đình làng Lương Sơn ngày 28 tháng 4 năm 1931.
3/ Bùi Văn Thừa, bí thư chi bộ xã Đặng Sơn, bị Pháp bắt ngày 17 tháng 1 năm 1930 và bỏ tù tại ngục Kon Tum, hy sinh trong tù...
4/ Bùi Văn Khuyền, bí thư chi bộ, bị Pháp bắt bỏ tù tại nhà tù Vinh, hy sinh trong tù ngày 5 tháng 2 năm 1942 ( 20 tháng 12 âm lịch ).

II/ Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp:

1/ Bùi Văn Yêm, hy sinh năm 1945.

III/ Thời kỳ chống Mỹ:

1/ Bùi Văn Luận, hy sinh năm 1966 tại mặt trận Lào.
Gia Phả HỌ BÙI VĂN
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc HỌ BÙI VĂN.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc HỌ BÙI VĂN
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.