1. Nén hương trầm dâng lên Tổ phụ:
Nhiều lần đọc, bổ sung, chỉnh sửa những trang vừa viết, khi soát lại tôi thấy mặc dù chưa được viên mãn, song cũng rất vui là mình đã cơ bản hoàn thành được dự định, thực hiện được di nguyện của phụ thân.
Tôi đã tìm hiểu học hỏi và sắp xếp, lược chép lại những nhận thức về Gia đình 家, Gia tộc 家族, về Việc họ 族事, về Dư địa chí 舆地志 những vùng đất liên quan, sự tụ lập, phiêu tán hay phát triển của dòng Lương Đức gốc Cao Mật. Đây là những kiến thức mà tôi chắt lọc được qua đọc sách, tích tụ được qua nghe, học nhiều nơi, hỏi nhiều người và chiêm nghiệm bằng thực tế. Tôi viết ra đây không phải để dạy đời, khoe chữ mà để lưu lại cho con cháu cùng biết.
Nhưng nội dung chính, quan trọng hơn là tôi đã sưu tầm, ghi lại được việc Cụ Tổ 7 đời từ Tiên Minh sang khẩn hoang, biến vùng lăn lác ven sông Úc thành ruộng đồng, lập xóm tại Tổng Cao Mật từ Thế kỉ XVIII mà nay là xã Chiến Thắng ở Hải Phòng. Cùng chuyện những năm 60 của Thế kỷ XX, bác, cha, chú tôi đưa con cháu vượt 400 km lên Lào Cai phát rừng, vỡ ruộng, bạt núi, lập nên thôn An Phong ở nơi quan ải cũng như việc mở mang vùng này và sự khơi mào, duy trì việc họ tại đây. Đồng thời tôi cũng đã ghi lại những điều còn trống hay chưa rõ; những điểm chưa thống nhất và quá trình sưu tầm tư liệu, cách xây dựng, soạn thảo cuốn Gia phả này 老街梁德家譜 của bản thân.
Những điều hay, dở thu thập được, tôi không hề tô hồng cũng chẳng dám bới lông tìm vết để sáng tác thêm ra, mà chỉ trung thực sắp xếp, chép lại, soạn ra để suy ngẫm, rút kinh nghiệm cho mình, truyền cho con, cho cháu. Dù đã rất cố gắng, song vẫn có chỗ chắc chắn sẽ không tránh khỏi sơ xuất, lồng ý cá nhân. Trong thâm tâm tôi luôn cầu mong: Điều hay, lẽ phải cần được lan tỏa, con cháu gắng noi theo và phát huy; Điều xấu, cái dở nên bó hẹp lại, hậu duệ phải biết mà tránh, đừng dẫm lại bước sai của tiền nhân. Xin đừng vì những nóng giận nhất thời mà buông lời nguyền độc địa, để lại tâm lý nặng nề cho đời sau. Những điều phiền giận nên sớm được giải tỏa, những tị hiềm cần được san lấp. Hãy sống vì mọi người, vì tương lai và nhớ rằng: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”.
2. Chuyện dở hay đúc thành bài học:
Như lời tựa đã viết: Họ Lương Cao Mật 皋密梁族 ta dẫu không thuộc “Cao môn lệnh tộc”, không có mấy “bí truyền”, “Di ngôn”, “Di cảo” nhưng cũng xứng dòng “Tiêu biểu hương thôn”. Trong họ tuy chưa có ai được lưu danh sử sách nhưng cũng có nhiều người đỗ đạt, trưởng thành ra làm việc cho thôn, cho xã; có người đã bỏ mình vì nước, để lại bao mồ hôi, xương máu mở đất, lập làng, giữ yên xóm bản. Mang sẵn dòng máu cải cách, mở mang của tiền nhân, Thuỷ Tổ ta đã rời bản quán 本貫 bên Tiên Minh (nay là huyện Tiên Lãng) sang khai cơ đất Cao Mật và từ đó nhiều gia đình lại tiếp rời quê vì mưu sinh, vì công việc đã lập ra những làng ấp mới, có khi lên tận nơi “rừng thiêng nước độc”. Thành viên trong tộc họ nhanh chóng hoà đồng với dân cũ 舊民 để ghé vai góp sức xây nên quê mới nơi 他鄉異域 tha hương dị vực (đất khách quê người). Trong hoàn cảnh đó nên tuy chưa có ai đủ mức Dương danh hiển Gia 揚名显家 nhưng nhiều người vì vị trí công tác, ảnh hưởng trong xã hội mà con cháu họ mạc đã được nhờ cậy. Trong họ không ai nợ máu, phản dân, làm tổn thương đến thanh danh dòng tộc, quê hương. Người chăm lo sản xuất, kinh doanh có của ăn, của để biết san sẻ, chu cấp cho bà con nội tộc, trong thôn, ngoài tổng, công đức cho việc họ, việc làng. Theo thời gian, họ ngày một đông, Ngành, Chi nào cũng muốn trở nên Hoàn mĩ 完媺 hơn, gắng giữ lấy cái Nhân 仁, cái Đức 德. Điều đó sẽ để lại ân đức, bài học bổ ích cho con cháu và cho cả xóm, thôn, xã, huyện…đóng góp xứng đáng vào sự hình thành, đổi mới của diện mạo quê hương, đất nước. Tạo dựng, vun đắp nên Gia phong 家风 thuộc về mọi thành viên, mọi gia đình, mọi chi phái trong Gia tộc, tất nhiên, mỗi người mỗi mức độ khác nhau.
Ngót 300 năm qua chưa thấy nhà nào có cảnh Ngũ Đại đồng đường 五代同堂 hay Tứ Đại đồng đường 四代同堂 mà chủ yếu là các gia đình hai, ba thế hệ. Các cụ xưa ngoài vợ cả 正室 còn có thêm một hay nhiều vợ thứ 側室 để mong đông con, nhiều cháu, mạnh thế lực. Phần lớn đó là những cụ giầu có, thuộc giới chức dịch làng tổng. Thời dân chủ cũng có vài người đa mang, đèo bòng nhưng không được pháp luật thừa nhận và hầu hết đều lâm vào cảnh túng bấn, sút sa. Thế hệ nào cũng thấy có chuyện con rơi, con vãi hay cá vào ao nhà nhưng thảy đều có lý do và chưa từng gặp cảnh loạn luân do điều trắc ẩn đó gây ra.
Không hiểu các dòng họ khác ra sao, nhưng riêng Lương tộc, cái “Đức” của người Mẹ rất quan trọng, ứng với câu “Phúc tại Mẫu” 福在母 , con nhờ Đức mẹ! Nhiều bà nhanh nhẹn, giỏi thu vén nhưng lại hiếu thắng, khinh miệt chị em, “đâm thùng, tháo đáy” thì chỉ hưng thịnh tạm thời. Ngược lại có những bà thủa trẻ luôn vất vả hết lòng lo toan cho chồng con, gánh việc nhà chồng, không màng danh lợi, chú ý tích thiện, giữ nền nếp gia phong thì con cháu trưởng thành và bản thân cuối đời được nhờ cậy, đáp đền. Đó là bởi họ đã tạo ra được “Gia hòa vạn sự hưng” (家和萬事興, Gia đình hòa thuận thì muôn việc đều thịnh) nên có “tử vinh mẫu quý” 子榮母貴, “Phúc chí tâm linh” 福至心靈. Cái Đức 德, sự nhẫn nhịn 忍 của người vợ, người mẹ còn giúp cho gia cảnh ấm êm, anh em hòa thuận, mọi việc hanh thông. Đó thực là những người vợ, người mẹ “Vượng phu, ích tử” 旺夫益子.
Song thực tế cho thấy “Hoa khai bất trạch bần gia địa” (花開不擇貧家地 , hoa nở chẳng lựa đất nhà nghèo) và con cái muốn trưởng thành rất cần cái uy của người cha, đúng như cổ nhân đã nói: “Mẹ đánh ba năm, không bằng cha hăm một tiếng”. Người cha (“嚴父 Nghiêm đường”) cổ vũ, động viên và luôn răn đe, giáo dục vợ, con. Nhưng nếu quá lạm dụng điều đó thì cũng sẽ tạo ra một hệ lụy không hay bởi “Giáo đa thành oán” (教多成怨, Dạy nhiều thành ra thù giận). Mặt khác điều may khó đến thường xuyên (Phúc vô song chí 福無雙至 hay Họa Phúc không cửa 禍福無門). Một số người, cả trai lẫn gái, dâu hay rể trót mắc sai nếu sớm biết lỗi và sám hối thì đều được họ mạc thứ tha và hậu vận cũng được tốt đẹp. Đó chính là “Giáo nhi hậu thiện” (教而後善, Nhờ nghe lời dạy bảo mà sau đó trở nên lành) do đó đã 換惡成仁 Hoán ác thành nhân. Nhưng trong việc này cần nhớ : “Giáo tử anh hài, Giáo phụ sơ lai” (教婦初來,教子嬰孩: Dạy con từ thuở còn thơ, Dạy vợ từ thuở ban sơ mới về) mới có hiệu quả tốt, bền.
Máu cờ bạc đã hại nhiều người đến khuynh gia bại sản; tính gia trưởng thích lên mặt dạy người, tính ích kỉ nặng tâm lí Chi ta, Ngành lớn của trai đinh, hay tính lăng loàn, đưa chuyện, tham lam, cậy thế ngoại tộc của dâu, của gái đã dẫn đến huynh đệ tương tàn, anh em cách mặt để gương xấu cho đời sau, có lấy lại được cũng gượng gạo lắm. Đúng là: “Phúc thủy nan thu” (覆難水收, nước đổ khó hút lại). Đó còn là lỗi lầm lớn, khôn chuộc lại : “Hoạch tội ư Thiên vô sở đảo dã” (獲罪於天無所禱也, Mắc tội với Trời thì không cầu cúng vào đâu được).
Tính ưa ổn định, giữ nếp nhà, tâm lí làng xã có những điều hay, phát huy tác dụng tốt trong một số trường hợp, nhất là những ngày đầu gian khó mở đất, lập làng, trong chiến tranh bảo vệ xóm quê. Song đó lại là rào cản cho sự đột phá trong phát triển kinh tế thời xây dựng hòa bình. Cho nên nhìn chung toàn họ chẳng mấy người giầu, bứt vượt lên hẳn so với mặt bằng chung. Những người tha phương và hậu duệ Cụ Đồ Thiệu thì kinh tế và quan lộ có khá hơn chút ít.
Họ ta từ xưa đã biết và thực hiện theo lẽ sống: người có điều kiện học hành, công tác thì gắng công trau dồi, mang hiểu biết và trí thức ra giúp quê, giúp đời, vì dân, vì nước. Người kinh doanh làm nghề có thu nhập nhiều phải nêu cao tính trung thực, hiệu quả. Người làm ruộng, làm vườn chăm chỉ, làm ăn có kế hoạch, biết tính toán. Người giầu sang không lấy thế làm kiêu mạn, người nghèo thấp không lấy đó làm điều mặc cảm hay sinh ra đạo tặc. Ai ai cũng phải nên làm việc nghĩa, việc nhân, ghi nhớ công đức tổ tiên, phấn đấu tô điểm thêm cho truyền thống gia tộc, họ hàng. Tất cả mong cho họ mãi trường tồn, phát triển, càng ngày càng có đóng góp nhiều cho quê hương, đất nước. Trong họ, tuy chưa có thành viên nào mắc trọng tội nhưng cũng có một vài “con sâu” hư hỏng, mắc vòng lao lý. Đó là do cha mẹ mải làm ăn, sao nhãng việc kèm cặp, dũa rèn hoặc quá lành không kiểm soát nổi con; gia cảnh túng bấn không cho con cái học hành; cha mẹ chia lìa, bỏ mặc đàn con hay làm ăn dễ dãi nuông con quá mức. Hoặc có tuy thuận đủ điều nhưng cách giáo dục con sai lầm, quên đi đạo lý, truyền thống, quên điều : gia đình hòa thuận thì muôn việc đều hưng thịnh (家和萬事興, Gia hòa vạn sự hưng). Đa phần, mọi thế hệ đều có những người, tuy khó khăn về nhiều mặt nhưng rất tâm huyết với việc họ. Đặc biệt là trong việc tạo dựng Từ đường, duy trì cúng giỗ, tưởng niệm Tổ tiên, soạn thảo Gia phả, chắp nối nhận họ. Nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề lực bất tòng tâm 力不從心 và có thành viên còn tỏ ra miễn cưỡng, tự ti, tự ái lẫn nhau đứng ngoài nên việc họ dễ bị đứt quãng.
3. Trọng trách này giao lại cháu con:
Ở nước ta, họ Hồ đã chứng minh được Trạng nguyên Hồ Hưng Dật là Đức Nguyên tổ của các dòng họ Hồ trên toàn cõi Việt Nam (từ TQ sang vào đời Hậu Hán, 974-950) và những người họ Hồ đều coi Quỳnh Đôi, Nghệ An là nơi khởi nguồn của họ. Hay họ Phạm toàn quốc đều coi Danh tướng Phạm Tu (476-545), người làng Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội - một công thần bậc nhất của nhà Tiền Lý (Vạn Xuân) là Thượng Thuỷ tổ và được cúng giỗ vào 20 tháng 7 âm.
Nhưng họ Lương ta chưa làm được việc đó . Không phải thiếu người xứng đáng (xem lại phần: Lương tộc mưu sinh khắp mọi miền ở Lời mào đầu) mà chủ yếu chưa có người đứng ra tổ chức, khảo cứu, minh chứng. Việc tìm về cội nguồn và chắp nối dòng tộc mới có vài người chú tâm, nhiệt thành còn một số chưa thấu hiểu, hưởng ứng đạo lý này. Chưa có ai đủ Lực, có Tâm đứng ra làm Mạnh Thường Quân cho Việc Họ. Ngay cả việc xác định, suy tôn Đức Thái Thủy tổ 太始祖, Đức Thủy tổ 始祖 Lương tộc 梁族 ở Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng là ai đến lập nghiệp tại Hải Phòng năm nào, mất năm nào vẫn chưa xác định được . Trong hoàn cảnh đó, Từ đường 祠堂 còn khiêm nhường, Gia phả 家譜 còn chưa đầy đủ, tản mát và chưa tương xứng, chưa định ra được cấp các kỳ giỗ . Âu cũng là một day dứt lớn ! Con cháu nên thấy điều đó mà cảm thông cho tiền nhân và gắng sửa chữa, bổ sung khi có điều kiện.
Đọc kĩ Gia phả mà tôi đã gắng công biên soạn, thì dù ít hay nhiều cũng sẽ hiểu thêm về dư địa chí 地誌 mỗi vùng, từng thời điểm mà mỗi người trong họ sinh sống, cống hiến hay những nét cơ bản nhất về tập tục, lễ nghi, kinh nghiệm canh tác, học vấn thời đó. Cũng từ đó càng thấm thía rằng: mỗi người sinh ra đều đã mang sẵn dòng máu Tổ tiên. Cũng 天時 Thiên thời, 地利 Địa lợi ấy và cùng 本源 gốc sinh ra nhưng người thì trưởng thành, mát mặt, người lại lận đận, thăng trầm. Đó là bởi tại yếu tố 人和 Nhân hòa trong mỗi người, mỗi nhà, mỗi chi, mỗi phái ở từng 時 Thời khác nhau. Mặt khác: “Địa linh sinh nhân kiệt” 地靈生人傑, không có sai. Nhưng chỉ là tiềm năng và cổ nhân đã từng dạy: “Tiên tích Đức, hậu tầm Long” 先積德後尋龍 nên sự phấn đấu cá nhân rất quan trọng. Mỗi thành viên phải tự cố gắng mới phát huy được cái thế mà tiền nhân đã tạo ra, trao gửi và cần sự quyết chí từng bước đi lên bằng đôi chân của mình trong sự phù hộ của tổ tiên, trong vòng tay họ mạc sẽ tạo dựng được cuộc sống tốt đẹp. Vì thế mới có cảnh: “Chú, cháu cùng một ngày sinh, Chú nên quan tỉnh, cháu thành tù nhân”.
Dù trong thời nào, chiến tranh hay hòa bình vai trò của người Gia trưởng 長族 rất quan trọng. Nếu người đó hội đủ các yếu tố: Tâm (心 Hiếu đễ, Hòa kính, trách nhiệm…), Tài (財 khả năng tài chính đủ ăn, đủ chi), Trí (智 hiểu biết về xã hội, về lệ tục, có trình độ, có vị thế trong xã hội, biết sắp xếp công việc), Thể (體 có sức khỏe, xốc vác, minh mẫn) thì gia đình đó hay Chi, Phái đó hoặc toàn Gia tộc sẽ vững vàng đi vào hưng thịnh. Đây là người Thiên định 天定, không phải do bầu, do cử hay tranh mà được. Nhưng khó ai hội đủ 4T (心財智體) đó nên căn bản nhất vẫn là cái Tâm 心. Tâm sáng, lòng trong thì có thể vượt qua được, xứng là ngọn cờ tập hợp toàn gia, dù có nhiều khó khăn trắc trở. Kéo theo đó, vai trò của Dâu trưởng lại càng quan trọng ở tính Nhẫn, Hiếu, Đễ. Nếu gặp bậc gia trưởng 族長,兄長 chưa được như ý mà người nào trong họ, trong nhà tỏ ý khinh nhờn thì người đó, nhà đó sớm muộn gì cũng không có hậu vận hanh thông. Ngược lại, có người tuy thuộc Chi thứ, Ngành thứ, là con thứ, thậm chí là Rể nhưng nếu hội đủ hay đáp ứng phần nào 4T mà thực sự có Tâm thì rất có vai trò, ảnh hưởng trong dòng họ và khi đó gia trưởng mà biết lắng nghe, tận dụng thì gia tộc sẽ hưng thịnh. Đó là do Đời định 人定! Nếu Thiên định và Nhân định hài hòa thì thật toàn vẹn!.
Người ta có thể thực hiện việc ly khai, tách, hợp một vùng đất, chia phái trong một tôn giáo nhưng không ai bỏ được họ (trừ những trường hợp phải thay, cải họ như đã viết ở điểm 1 phần Mở đầu). Việc thờ cúng Thần 神, Thánh 聖, Phật 佛, Chúa 教主... là đi theo cái tưởng tượng, nó sẽ biến đổi theo thời cuộc và sự nhận thức của mỗi người, của xã hội. Còn việc thờ cúng Tổ tiên là tâm linh tưởng niệm về cái có thực, ghi nhớ đấng sinh thành. Đồng thời suy cho cùng thì các bậc được tôn xưng là Thánh, Thần, Phật, Chúa đều được gắn với những gương Hiếu thảo. Do đó việc “Họ” sẽ trường tồn, tất nhiên mỗi thời sẽ mỗi khác. Trong việc này vai trò của Gia trưởng rất quan trọng, quan viên họ phải theo. Song người Trưởng tộc chỉ cần giữ vai trò cố vấn và quyết định những vấn đề thuộc về Việc họ còn mọi việc khác nên tôn trọng tự do của các thành viên. Trong thời hiện đại, không còn ruộng hương hỏa, Trưởng họ nhiều khi lại không sinh sống ở quê, đòi hỏi mỗi Gia tộc cần có Từ đường, Tộc ước, Ban liên lạc hay Hội đồng gia tộc.
Càng hiểu càng phải thấm thía và mong muốn rằng: Tổ mở mang, dựng nghiệp, đời sau vun đắp, giữ gìn và phát triển. Như thế theo mạch nguồn và lẽ tự nhiên dòng chẩy ngày càng xa rộng, cành lá càng xum xuê xanh tốt. Qua đây cũng có thể dự đoán được tương lai con cháu mỗi nhà, từng chi, từng phái. Nếu nghiên cứu kĩ Gia phả nhiều nhà, nhiều họ sẽ biết được lịch sử một làng, một vùng và rộng hơn là cả nước. Nghiệm ra được như vậy tức là tâm nguyện của người soạn ra cuốn này đã được thỏa mãn. Đó là ý nghĩa sâu xa của Gia phả vậy.
4. Tiếp việc Họ trong thời đại mới:
Trong xã hội hiện đại, các mặt kinh tế, chính trị, xã hội có nhiều biến động. Kéo theo nó là nhiều chuẩn mực đạo đức, nếp sống đã thay đổi, thậm chí trái ngược và sẽ còn đổi thay nữa. Trong điêù kiện đó, nhiều gia đình, một số dòng họ, chi họ bị tan vỡ, lỏng lẻo, xói mòn bởi những văn minh vật chất thời kĩ thuật số cuốn trôi những quan niệm, nếp nghĩ, cách sống cũ. Có người từng cảnh báo: Thu nhập ngày một cao hơn mà nghĩa tình ngày một thấp đi; Nhà cửa to đẹp hơn mà tính cách nhỏ nhen đi; Thuốc men, chất bổ mạnh mà sức cơ bắp yếu đi; Xe cộ, áo quần, tiện nghi ngày càng hoàn bị và tốt đẹp, mà không khí trong lành, nguồn nước tinh khiết, môi trường sinh thái ngày càng tồi tệ hơn...Trong hoàn cảnh đó, Gia đình là “pháo đài bảo đảm an toàn cho mọi thành viên trước các cám dỗ, cạm bẫy của cuộc sống đầy nghịch lý thời hiện đại” và Gia Tộc, từ tiểu chi đến đại tông, chính là phòng tuyến, tầng tầng lớp lớp, để bảo vệ nền nếp gia phong, truyền thống dòng họ, thuần phong mỹ tục, truyền thống dân tộc, … của chúng ta. Trên cơ sở đó, những giá trị truyền thống được hình thành, chắt lọc, thử thách qua bao đời, được đổi bằng mồ hôi, nước mắt, máu xương, được trải nghiệm qua những tháng năm cơ cực, nhọc nhằn đã bám rễ sâu trong lòng gia tộc, vẫn có sức sống mãnh liệt, sẽ luôn đồng hành và vẫn có ích soi rọi mỗi bước đi, cách nghĩ của hậu thế. Tuy không duy tâm nhưng tôi tin: “Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân” (皇天不負好心人, Trời không phụ người có lòng tốt):
Trung, Tín, Nghĩa, Nhân - Thiên địa thấu 忠信義仁天地曉
Hiếu, Hiền, Tâm, Lễ - Tổ tiên minh 孝賢心禮祖先銘
Lớp tiền tiêu, lớp kế tiếp và mãi về sau, những gia đình Lương tộc cùng các gia đình khác đã, đang và sẽ xây đắp nên thôn, bản đàng hoàng chốn quê gốc và nơi quê mới. Công lao đó của tiền nhân không hề nhỏ, con cháu ngày nay và mai ngày phải ghi nhớ và gắng bước noi theo, phát huy trên một tầm cao mới:
Lớp Trước khai hoang, tìm nơi Địa lợi, trải lắm gian nan, bền chí dựng Tương lai, Công Đức lưu truyền vĩnh viễn,
Người Sau chấn hưng, chớp buổi Thiên thời, qua nhiều khốn khó, quyết tâm xây Hạnh phúc, thôn xóm phát triển huy hoàng .
Trên tinh thần đó, mỗi gia đình trong họ cần nhớ và luôn phấn đấu đạt tiêu chí “Gia đình văn hoá” mà biểu hiện tập trung là:
- Gia đình thời Công nghiệp hoá là gia đình hạt nhân 2 thế hệ. Song dù thế nào điều cốt lõi cũng phải xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và tiến bộ trong đó ông bà cha mẹ được chăm sóc chu đáo, con cái được học hành dạy bảo đến nơi đến chốn; vợ chồng hoà thuận, anh em hiếu đễ.
- Đoàn kết tương trợ làng xóm, khối phố và họ mạc giúp nhau cùng tiến bộ. Đây không chỉ là truyền thống mà còn là yêu cầu bức thiết của thời chuyên môn hoá cao trong lao động và sinh hoạt.
- Thực hiện tốt, đầy đủ các nghĩa vụ công dân. Nêu cao vai trò cá nhân, tôn trọng nhân quyền nhưng trong gia đình, dòng họ chớ quên cái tình, cái nghĩa.
- Chấp hành pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương, quy ước thôn, phố để điều chỉnh mọi hoạt động cho phù hợp, đạt hiệu quả cao.
- Xác định việc Họ là việc làm tự nguyện, công tâm hướng về cội nguồn và là trách nhiệm chung. Mọi quyết định cần bàn bạc dân chủ trên cơ sở thỏa hiệp, tôn trọng ý kiến các bậc Trưởng lão.
- Trong hoàn cảnh ít ai quần cư nơi quê gốc, mọi thành viên đều hối hả trong việc mưu sinh, hưởng thụ thì vấn đề duy trì Việc họ đòi hỏi phải nỗ lực hơn và trong họ cần có những quy ước mới về cúng giỗ cho thích hợp.
Từng cá nhân phấn đấu, mỗi gia đình phấn đấu sẽ tạo dựng được dòng họ văn hoá, góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội
Cùng với việc đó là việc thường xuyên, liên tục duy trì việc lập Gia phả. Ngày sinh, ngày mất, mộ phần, những công tích của các thành viên trong Họ phải được chép, bổ xung thường xuyên. Việc chắp nối nhận họ, nhận chi trong tông tộc cũng cần được chú trọng. Những điều hay, lẽ phải, việc tốt phải ghi lại, lưu truyền làm gương cho đời sau. Đồng thời việc dở, điều xấu cũng phải chép ra để đời sau thấy thế mà sợ, mà tránh và mỗi thành viên, mỗi đời trong họ đều được hưởng Phúc Mãn Đường 福滿堂, góp phần để cho Đức Lưu Quang 德流光.
Nếu người nào, gia đình nào thấy ở đây thông tin bổ ích mà soạn ra Gia phả nhà mình hay dùng để chắp nối họ thì tôi sẵn sàng trao đổi và cùng bổ khuyết.
Theo trào lưu chung và để việc lưu giữ được lâu dài, phổ biến rộng rãi để nhiều người biết, bổ cứu, đồng thời với việc soạn trên Word, in dâng lên yết cáo Từ đường, cung cấp cho các Trưởng Chi, tôi đưa Gia phả lên mạng ở trang http//:www.vietnamgiapha.com.vn, http//:www.Phahe.com, http//:Holuong.org. Đồng thời mở hẳn một Blog riêng: http://holuongduclaocai.blogspot.com/ để quan viên họ và ai quan tâm cùng nghiên cứu, trao đổi.
Xin cảm tạ Tiền nhân, đặc biệt là thân phụ đã để lại những tư liệu, bản ghi mà tôi được tiếp thu, nghiên cứu, có cơ sở gợi ý mà sưu tầm, bổ sung và phát triển thêm; cảm ơn các bậc cao niên trong họ và anh em, con cháu đã cung cấp tư liệu; tham gia, góp ý; động viên, khuyến khích tôi hoàn thành cuốn Gia phả này.
Sau này con cháu tôi thấy điều gì các phần trên sai, chưa đủ thì viết lại gọi là Tục biên còn những sự việc xẩy ra tiếp sau thời điểm này thì vẫn là Chính biên.
Tôi mong một ngày nào đó có người đứng ra dựng lại gia phả hoàn chỉnh của dòng tộc như một số họ đã và đang tiến hành. Phần tôi vừa là hậu sinh, ngành thứ lại không ở quê nên khó bề thực hiện.Với cuốn Gia phả này tôi muốn góp một phần nào về sưu tầm, ghi chép của mình theo ý tưởng đó. Nếu ở đây còn có điều gì chưa chuẩn xác, nhận xét nào chưa khách quan thì cũng dễ hiểu và tôi luôn mong có sự trao đổi, đính chính, bổ xung. Để mọi thành viên trong họ đều hiểu rõ gốc gác, lược sử dòng họ cần được phổ biết trong mỗi dịp cúng giỗ.
Ngày trước mỗi dòng họ, dù giầu hay nghèo cũng đều có phần ruộng, đất hương hoả (嗣田, Tự Điền) để Trưởng tộc có kinh phí lo hương khói và ghi chép Sổ họ. Nay ruộng đất là “Công thổ Quốc gia” 公土國家, kinh phí duy trì việc họ 族事 do đóng góp, hảo tâm, công đức của con cháu. Nhiều con cháu, gia đình, do sinh kế, do công tác đã định cư, sinh sống trải khắp nước. Trưởng Chi, Trưởng Tộc không thể tự duy trì Sổ họ và dựa vào đó để chép Gia phả được. Tôi nghiệm ra rằng họ ta tuy không phải thuộc loại thi thư hay quan trường nhưng cũng không hẳn là thấp hèn, yếu thế. Như thế việc sọan, lưu truyền Gia phả là rất cần để ghi lại công đức tiền nhân, truyền thống gia đình, giáo dục cho hậu thế.
Tôi có lợi thế là đi nhiều, được học hành khá cơ bản, tiếp thu được lời uỷ thác của thân phụ và có khả năng khai thác tư liệu ở Thư viện, trên Internet và sử dụng được máy vi tính lại khá rảnh về thời gian. Do vậy đã quyết tâm thu thập tư liệu và soạn thảo. Những ghi chép của tôi có ích cho con cháu tôi nơi Biên thuỳ và chắc rằng cũng sẽ là tư liệu tham khảo tốt cho các Chi, Ngành, Gia đình khác. Nếu mỗi người có ý thức tục biên và ghi chép lại lịch sử của gia đình, Chi, Ngành mình thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ chắp nối và soạn lại được Gia phả Lương tộc Cao Mật một cách tương đối hoàn chỉnh.
Việc ghép nối Gia phả để kết, chắp tìm ra mối liên hệ giữa các chi phái cùng họ trong một vùng, một tỉnh đến toàn quốc là việc nên làm nhưng đòi hỏi tâm huyết, công sức, thời gian, tiền của và trí tuệ của nhiều người. Điều đó còn đang ở phía trước. Kèm theo cuốn này còn có cuốn “Một số nhân vật, địa danh, phong tục, thuật ngữ đã được và cần tìm hiểu khi soạn hay đọc Gia phả” do tôi sao lưu, biên tập lại các tư liệu mà mình tìm kiếm, khai thác được.
Trên đây là vài lời tâm huyết giãi bầy của tôi để anh em, con cháu hiểu cho và cùng chia sẻ. Tôi mong rằng con cháu tôi sẽ kế tục nhau viết tiếp, cứ sau 5 năm cần tục biên một lần, 25 năm cần tổng chỉnh rồi phổ biến để Gia Phả gia đình không có thời kì nào rơi vào tình trạng ngắt quãng.
|