Theo Gia phả Lương Cao Hương và Lương Hội Triều thì: tương truyền, vào thế kỷ thứ 14, khi người Mông Cổ (元朝, 1271-1368) diệt nhà Tống (宋朝, 960-1279), cai trị Trung Quốc, một số quan lại nhà Tống và con cháu họ chạy sang Việt Nam, trong số đó có anh em nhà họ Lương ở tỉnh Chiết Giang 浙江 nam du và sang Đại Việt sinh sống, lập nghiệp. Điều này phù hợp với truyền ngôn đã chép trong Gia phả của nhiều chi phái; đúng với tấm biển ghi trong đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh ở làng Cao Hương: “Bản chi bách thế tương truyền văn phái Chiết Giang lai” dịch nghĩa: Tương truyền chi họ ta đến từ văn phái tỉnh Chiết Giang.
Điều đó cũng có nghĩa là một số dòng họ Lương khác trên đất Việt không cùng chung Thủy tổ với hai dòng này. Bởi lịch sử còn ghi nhiều người làm quan thời Lý, Trần, trước khi họ Lương khai cơ ở Cao Hương và Hội Triều. Ví dụ Lương Nguyên Bưu 梁元厖 làm tới chức Hành khiển thời Trần là người gốc Tuyên Quang, tiên tổ là Thế Sung làm Toát Thông Vương kiêm phụ đạo ở triều Lý. Lại có Lương Nhậm Văn 梁任文 làm tới Thái sư hay Lương Mậu Tài 梁茂才 giữ chức Ngoại lang thời Lý Thái Tôn (太宗, 1028-1054). Thời Trần tại Lạng Sơn có Lương Uất là trấn thủ châu Lạng Giang đã có công cấp báo tình hình quân Nguyên (8/1282) về triều....
Gia phả chép: người anh định cư ở làng Cao Hương huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, là tổ của trạng nguyên Lương Thế Vinh (梁世榮, 1441 – 1495 ). Các chi phái của ngành này nay có mặt trên mọi miền nhưng không liên quan đến dòng Lương Đức ở Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng và cũng từng đã có chuyên mục riêng nên lần này tôi không đi sâu tìm hiểu.
Còn người em vào Thanh Hóa, đến đời thứ ba, thì lập ấp ở làng Hội Triều huyện Hoằng Hóa, là tổ của bảng nhãn Lương Đắc Bằng (梁得朋, 1472 – 1516). Từ đây xuất phát ra nhiều chi phái, trong đó theo truyền ngôn thì có nhánh sang Tiên Lãng, từ đó lại có nhánh vượt sông Văn Úc sang Cao Mật bên An Lão. Đây chính là nhánh nhà tôi, để 2/1964 tiếp tục lập một chi phái nữa ở tận vùng biên: Lào Cai!
Tôi sẽ tập trung tìm tư liệu và nghiên cứu về con, cháu cụ Bảng nhãn để hầu tìm ra được Tổ tiên trực hệ của dòng họ nhà mình.
Họ và tên: LƯƠNG ĐẮC BẰNG (Chữ Hán: 梁得朋)
Năm sinh: 1472? năm mất : 1576?
Quê quán: xã Hội Triều, tổng Bái Cầu, huyện Cổ Đằng, trấn Thanh Đô (nay là thôn Hội Triều, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Học vấn: Bảng nhãn 榜眼 Khoa thi Kỷ Mùi, 1499.
Chức vụ: Tả thị lang Bộ Lễ 禮部左侍郎 (như Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin-Giáo dục nay), Tả thị lang Bộ Lại 吏部左侍郎 (như Thứ trưởng Bộ Nội vụ nay), sau gia phong Thượng thư Bộ Lại 吏部尚書 (như Bộ trưởng Nội vụ nay) kiêm Học sĩ Đông các coi sóc tòa Kinh Diên (nơi Vua đọc sách)東閣學士入侍經筵.
Tác phẩm nổi tiếng:
- Hịch dụ đại thần và các quan 檄諭大臣百官, viết tháng 11 Kỷ Tỵ 1509;
- Sách “Trị Bình” 14 mục 治平十四策, viết tháng 10 Canh Ngọ, 1510.
Học trò nổi tiếng: Nguyễn Bỉnh Khiêm (阮秉謙,1491-1585, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng) đỗ Trạng nguyên 狀元 (khóa thi năm Đại Chính thứ sáu đời Mạc Thái Tông, 1535), làm quan đến chức Lại bộ Thượng Thư 吏部尚書, tước Trình Quốc Công, người đời thường gọi là Trạng Trình, cụ có truyền lại cuốn “sấm Trạng Trình” 狀程讖 tiên đoán việc đời sau.
Thế kỷ 15 xuất hiện một nhân vật nổi tiếng thần đồng, đỗ cao, làm quan thanh liêm, từng có những tư tưởng canh tân lớn, đào tạo ra nhân tài cho đất nước, lo trước chuyện tiến thân của con...được nhiều chi họ lương Việt Nam suy tôn là Thủy tổ. Đó là Bảng nhãn Lương Đắc Bằng.
1. Tiên tổ xưa vốn đi lánh nạn:
Theo Gia phả Lương Cao Hương và Lương Hội Triều thì: tương truyền, vào thế kỷ thứ 14, khi người Mông Cổ (元朝, 1271-1368) diệt nhà Tống (宋朝, 960-1279), cai trị Trung Quốc, một số quan lại nhà Tống và con cháu họ chạy sang Việt Nam, trong số đó có anh em nhà họ Lương ở tỉnh Chiết Giang 浙江 nam du và sang Đại Việt sinh sống, lập nghiệp. Điều này phù hợp với truyền ngôn đã chép trong Gia phả của nhiều chi phái; đúng với tấm biển ghi trong đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh ở làng Cao Hương: “Bản chi bách thế tương truyền văn phái Chiết Giang lai” dịch nghĩa: Tương truyền chi họ ta đến từ văn phái tỉnh Chiết Giang.
Gia phả chép: người anh định cư ở làng Cao Hương huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, là tổ của trạng nguyên Lương Thế Vinh (梁世榮, 1441 – 1495 ). Các chi phái của ngành này nay có mặt trên mọi. Còn người em vào Thanh Hóa, đến đời thứ ba, thì lập ấp ở làng Hội Triều huyện Hoằng Hóa, là tổ của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng (梁得朋, 1472 – 1516). Từ đây xuất phát ra nhiều chi phái, trong đó theo truyền ngôn thì có nhánh sang Tiên Lãng, từ đó lại có nhánh sang Cao Mật bên An Lão. Đây chính là nhánh nhà tôi, để 2/1964 tiếp tục lập một chi phái nữa ở tận vùng biên: Lào Cai!
2. Cha hiền chọn được đất lành:
Dựa theo mục 12 giới thiệu sơ lược về họ Lường Phủ làng Hội Triều, mục 16 giới thiệu về họ Lương làng Luật Ngoại trong cuốn "GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ 30 HỌ LƯƠNG" do Lương Phương Hậu và Hoàng Đình Khảm sưu tầm, biên soạn vào tháng 4 năm 2011 và Phổ ký họ Lương xã Thuận An, tổng Hành Thiện, phủ Xuân trường, tỉnh Nam Định do cụ Lương Hữu Văn soạn, Lương Ngọc Châu sao, bổ sung năm Quý Mùi 1943, Họ Lương Hội triều Bổn đường gia phổ do Đệ tam phái, Thứ chi soạn tháng chín năm Quý Tỵ 1893 cùng các tư liệu lịch sử đã in thành sách hay trên mạng Internet thì các bậc sinh thành ra Bảng nhãn còn ghi được là:
Theo Phổ ký họ Lương xã Thuận An, tổng Hành Thiện, phủ Xuân trường, tỉnh Nam Định thì: Thỉ tổ Lương Thế Nghệ - Lương Thế Triệu - Lương Thế Vinh - Trinh Túc tự Thế Cốc và Thế Khôi tự Chiêu Trưng - Con Chiêu Trưng là Thế Khải khởi dòng Lương Hội Triều - Đắc Bằng.
Như thế Lương Đắc Bằng (đời thứ 6) là đích tôn của Đô đốc Chiêu Trưng.
Trong Họ Lương Hội triều Bổn đường gia phổ thì: Thỉ tổ khảo: Hiệu: Mộ đô phủ quân - Lương Đại Đồng - Lương Nhữ Hốt - Lương Thế Vĩnh – Lương Tiệm Giác - Lương Danh Luật - Lương Tông Huệ - Lương Hay - Lương Đắc Bằng.
Theo đó ông nội Lương Đắc Bằng (đời thứ 9) lại là Lương Tông Huệ. Phả còn chép chuyện có thấy tướng nói về gia trạch của cụ Mộ đô phủ quân là: “Nhà ông có âm chất, nguyện vì ông (thỉ tổ) lựa cho một cát địa, bèn di táng tổ tỷ tại Sơn trang Ngọc tôn sơn trên chóp nhỏ, Thái âm kim tinh, Dậu sơn Mẹo hướng và họa đồ trang lập địa cảo và nói với ông: Nghe ông nhà thịnh đức có thể ví với họ Đậu, bèn tìm cho ông một kế thất. ... kế thất sinh được 3 trai, sang Trung quốc 1 trai còn lại 2 trai. Đồng thời du học, đời Trần Dụ tông chú cháu 5 người đều đậu tiến sĩ (?) đương thời hiệu xưng: “Ngũ tử đồng khoa”.
Còn theo Giới thiệu sơ lược về họ Lương làng Luật Ngoại (Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định) thì thế thứ là: Lương Văn Trường - Lương Phong Lộc – Lương Thế Vinh và người con thứ hai của Thái tổ là Lương Phong Phú có con cháu là: Lương Phong Thái – Lương Dung – Lương Đắc Bằng.
Như thế ông nội Lương Đắc Bằng (đời thứ 5) lại là Lương Phong Thái.
Như vậy người sinh ra Mộ đô phủ quân, Lương Thế Nghệ (Ngại), Lương Văn Trường là ai thì chưa tìm thấy tài liệu nào đề cập đủ để kê cứu ngược lên được. Do vậy chưa thể xác định được người từ Chiết Giang sang lánh nạn tại Hội Triều là ai, từ năm nào và vì sao lại chọn đất này mà không phải nơi khác?
Đa phần các tài liệu tôi tìm thấy đều ghi cha Lương Đắc Bằng là Lương Hay như Họ Lương Hội triều Bổn đường gia phổ. Do vậy tôi đi theo hướng này.
3. Người con thông tuệ sáng danh giống dòng:
Lương Đắc Bằng (梁得朋, 1472 – 1516) tên khi nhỏ là Tử Ngạn (Ngạn Ích) theo học ở cha là Giải nguyên Lương Hay . Mới 8 tuổi khi đi chơi ở Lam Sơn, qua bến đò Từ Minh, gặp một vị Sư, đã cùng nhau làm thơ, khiến vị Sư kia rất khâm phục. Năm 12 tuổi, theo lời cha dặn đã thọ nghiệp Trạng nguyên Lương Thế Vinh ở Cao Hương.
Khi Ngạn Ích trưởng thành cũng là thời mà vào năm Hồng Đức thứ 15 (洪德苐十五年,1484), Bộ Lễ trình và được vị vua Trung hưng 中興 là Lê Thánh Tông (黎聖宗思誠, 1460-1497) chuẩn tấu đem danh hiệu Trạng nguyên 狀元, Bảng nhãn 榜眼, Thám hoa lang 探花郎 làm thành Tiến sĩ cập đệ 進士及第, người đỗ Phụ bảng đổi gọi là đồng Tiến sĩ xuất thân 同進士出身 . Đồng thời nhà vua sai Phụng trực đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ Đông các Đại học sĩ 奉直大夫翰林院承旨東閣大學士 Thân Nhân Trung 申仁忠 soạn, mấy bậc kỳ tài khác viết chữ, khắc văn bia tiến sĩ đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đó là bia ghi danh những Tiến sĩ đầu tiên khoa thi Nhâm Tuất 1442 大寶三年壬戌科進士題名記. Cũng chính tại văn bia này đã có câu nổi tiếng: “…Hiền tài là nguyên khí của quốc gia...” 贤材國家之元气 và có tên người họ Lương đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ là Lương Như Hộc (梁如鵠, ?-?) .
Năm 1495 trong kỳ thi Hương 乡试/秋闈 Lương Ngạn Ích đỗ đầu, tức Giải nguyên 解元. Ngày 09 tháng 4 năm Cảnh Thống thứ hai (景統苐二年, Kỷ Mùi, 1499) đời vua Lê Hiến Tông (黎憲宗, 1498-1504) khi Lương Ngạn Ích thi Hội 會試 (春闈會試) kinh nghĩa, thơ phú đều đậu đầu. Bắc quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc Hoa Lâm hầu Trịnh Tốn và Lại bộ Thượng thư Trần Cận làm Đề điệu ; Hình bộ Thượng thư Đinh Bô Cương làm Giám thí; Đông các học sĩ Nguyễn Bảo, Hàn làm viện thị giảng Tham chưởng hàn lâm viện sự Lê Ngạn Tuấn làm Độc quyển đã lấy ba người là Đỗ Lý Khiêm, Lương Ngạn Ích, Nguyễn Khắc Kiệm đỗ Đệ Nhất giáp tiến sĩ cập đệ 第一甲三名賜進士及第; Hoàng Trưng, Nguyễn Hằng… người đỗ Đệ Nhị giáp tiến sĩ xuất thân; Trần Bá Lương, Lê Tự …đỗ Đệ Tam giáp tiến sĩ xuất thân, tất cả 55 người. Việc truyền loa xướng danh diễn ra tại điện Kính Thiên, bảng vàng treo cửa Đông Hoa được thực hiện vào ngày 16.
Kỳ thi này do có nhiều điều dị nghị về thứ bậc Tam khôi, để thử tài thật sự của các vị tân khoa, ngày 10 tháng 7 vua tuyên triệu số tiến sĩ vừa đỗ vào làm bài thi ứng chế ngay tại sân rồng 賜對于廷, do đích thân nhà vua ra đề, tức thi Đình 殿试. Khi hỏi về nhân tài, vương chính với đề 五王帐 “Ngũ Vương trướng” Lương Ngạn Ích được ưu hạng, Hiến Tông Hoàng đế cho tên ông là Đắc Bằng, thuỵ Đạm Hiên tiên sinh. Nhưng theo ý hoàng hậu thì Trạng nguyên 狀元 phải là người trọng trấn, vì ông còn trẻ nên vua hạ bảng cho đỗ Đệ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ Nhị danh 第一甲進士及第第二名 (tức Bảng nhản 榜眼), lấy Đỗ Lý Khiêm đậu Trạng nguyên. Vua Hiến Tông có ngự chế tặng hai vị Tiến sĩ đệ nhất giáp (Đắc Bằng, Lý Khiêm) 2 bài thơ.
4. Làm quan mấy bận long đong:
Sau khi thi đỗ, Lương Đắc Bằng được bổ nhiệm làm Hàn lâm học sĩ 翰林學士, từng cùng các đại nho: Đông các học sĩ Nguyễn Nhân Thiếp, Lê Ngạn Tuấn, Lê Mậu Thưởng, Nguyễn Xung Xác, Hàn lâm viện thị thư Nguyễn Tôn Miệt, Đông các hiệu thư Đặng Tòng Củ, Đặng Minh Khiêm, Hàn lâm viện hiệu lý Nguyễn Viên, Vũ Châu, Hiệu thảo Nguyễn Mẫn hoạ lại bài thơ ngự chế: 觀架亭中秋玩月 Quan Giá đình trung thu ngoạn nguyệt 15 vần của Vua vào Rằm tháng Tám năm Cảnh Thống thứ 2 (Canh Thân, 1500). Được vua yêu, Đắc Bằng lĩnh chức Tả thị lang Bộ Lễ 禮部左侍郎 (như Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin-Giáo dục nay), sau làm Tả thị lang Bộ Lại 吏部左侍郎 (như Thứ trưởng Bộ Nội vụ nay) và có nhiều đóng góp và công cuộc phát triển văn hóa, cất nhắc quan lại của triều đại.
Cuối thế kỷ XV triều Lê đã có dấu hiệu đi xuống. Khởi đầu là việc Lê Uy Mục (黎威穆, 1488 – 1509, húy là Lê Tuấn 黎濬) ăn chơi vô độ, ham rượu chè, gái đẹp, tàn bạo giết hại nhiều người vô tội. Vì vậy Phó sứ thần Trung Quốc là Hứa Thiên Tích mới gọi là vua quỷ 鬼王. Thêm vào đó, bọn hoạn quan thọc vào chính sự, kẻ ngoại thích (Khương Chủng, Nguyễn Bá Tuấn) mặc sức chuyên quyền, pháp lệnh phiền hà, kỷ cương rối loạn, nông tang tiêu tàn mất nghiệp, phong tục ngày một suy đồi, người trong nước điêu linh, dân không chịu đựng nổi.
Trong bối cảnh đó, tháng 11 Kỷ Tỵ 1509, Lương Đắc Bằng được Giản Tu công Óanh 簡修公瀠 (trá xưng là Cẩm Giang Vương) thăng là Lại Bộ Thương thư, sai viết Hịch dụ đại thần và các quan 檄諭大臣百官 tố cáo Đoan Khánh Uy Mục và kêu gọi mọi người khởi binh đánh Uy Mục. Là người thức thời, đặt chữ Trung đúng chỗ, ông đã chấp bút viết với những lời lẽ sâu sắc, chặt chẽ: "Bạo chúa Lê Tuấn, phận con thứ hèn kém, làm nhơ bẩn nghiệp lớn, lần lữa mới gần 5 năm mà tội ác đã đủ muôn khoé. Giết hại người cốt nhục, dìm hãm các thần liêu. Bọn ngoại thích được tin dùng mà phường đuôi chó ngang ngược làm bậy, người cứng cỏi bị ruồng bỏ mà kẻ đầu cá ẩn nấp nẻo xa. Quan tước đã hết rồi vẫn thưởng tràn không ngớt, dân chúng đã cùng khốn còn vơ vét chẳng thôi. Vét thuế khoá từng cân lạng, tiêu tiền của như đất bùn, bạo ngược ngang với Tần Chính. Đãi bề tôi như chó ngựa, coi dân chúng tựa cỏ rác ngạo mạn quá cả Nguỵ Oanh. Huống chi lại xây cung thất to, làm vườn hoa rộng. Xua dân đi trồng cây, giẫm theo vết xe đổ chất gò Hoa Cương đời Tống; lấp biển xây cung điện, nối gót thói u mê xây cung A Phòng nhà Tần. Công trình thổ mộc xây lên rồi thay đổi, thay đổi rồi xây lên, dân Hải Dương, Kinh Bắc mệt mỏi, lao đao; tông thất xa hoa, kiêu căng lại ngang ngược, ngang ngược lại kiêu căng, cõi tứ tuyên phiên trấn xôn xao, rối loạn. Cư dân nhức óc, cả nước đau lòng".
Giản Tu công Oánh cùng những người theo kéo lá cờ chiêu an, tiến quân đến sát Đông Kinh. Thất thế, Uy Mục chạy ra phường Nhật Chiêu (nay là Nhật Tân, Hà Nội) rồi bị bắt, trói ở cửa Lộc (Lệ) Cảnh và đã uống thuốc độc tự tử. Kinh thành yên, Lương Đắc Bằng cùng Lê Quảng Thọ và các đại thần tôn Giản Tu công tự Oánh là Hoàng đế tức vua Tương Dực (黎襄翼, 1495 – 1516). Lên ngôi, Oánh giáng Uy Mục làm Mẫu Lệ Công 閔勵公, ân xá trong nước, đổi niên hiệu là Hồng Thuận (洪 順, 1509-1516). Tháng Giêng năm sau, Tương Dực luận công ban thưởng cho những người ứng nghĩa: “lấy Nghĩa quận công Nguyễn Văn Lang làm Nghĩa quốc công; gia phong Thiệu quận công Lê Quảng Độ là Thiệu quốc công, Lượng quốc công Lê Phụ làm Thượng quốc công, Uy quận công Lê Bá Lân làm Uy quốc công, Hộ bộ thượng thư Trịnh Duy Đại làm Văn quận công, Điện tiền tô kiểm điểm Thuỵ Dương hầu Trịnh Hựu làm Thọ quận công, Phò mã đô uý Lê Mậu Chiêu làm Diên quận công; con Văn Lang là Nguyễn Hoằng Dụ làm Yên Hoà hầu; Trịnh Duy Sản làm Mỹ Huệ hầu; Tổng binh thiêm sự Thanh Hoa Nguyễn Bá Tuấn (Bá Thuyên) làm Lễ bộ thượng thư, Do Lễ bá; Thừa tuyên sứ Thanh Hoa Lê Tung làm Lại bộ thượng thư, Đôn Thư bá; Tham chính Thanh Hoa Nguyễn Thì Ung làm ngự sử đài đô ngự sử Lương Văn bá; Đàm Thận Huy làm Hình bộ thượng thư; Hàn lâm viện thị độc tham chưởng Hàn lâm viện sự Lương Đắc Bằng làm Lại bộ Tả thị lang”.
Sau ông được Tương Dực gia phong Thượng thư Bộ Lại 吏部尚書 (như Bộ trưởng Nội vụ nay), tước Đôn trung bá.
Nhưng về sau Lê Tương Dực lại đi theo vết xe đổ đời trước, cho xây Cửu Trùng Đài, đóng chiến thuyền bắt con gái khỏa thân chèo chơi ở Hồ Tây, giết chết 15 vương công, gian dâm với các cung nhân của triều trước… Vì vậy lòng người oán thán và dân chúng gọi là vua lợn 豬王. Trước tình cảnh đó Lương Đắc Bằng hết lòng can gián, Tương Dực biếm ông xuống Lại bộ Tả thị lang. Nhân mẹ mất, ông xin về cư tang.
5. Dâng lên sách quý hết lòng vì vua:
Đến tháng 10 năm Hồng thuận thứ 2 (Canh Ngọ, 1510), được Lê Tương Dực triệu về triều phục chức Lại bộ Thượng thư kiêm Học sĩ Đông các coi sóc tòa Kinh Diên (nơi Vua đọc sách)東閣學士入侍經筵. Thấy tình hình đất nước trong cảnh rối ren, giặc bên ngoài chưa yên, quyền thần đánh, chém giết nhau, chốn Kinh sư đẫm máu, cái điềm vận nước ngày một suy đã xuất hiện, ông không nhận chức mà nhân đó Lương Đắc Bằng đã dâng bài sách “Trị Bình” 14 mục 治平十四策 lên vua Lê Tương Dực.
Mở đầu Trị bình thập tứ sách, Lương Đắc Bằng chỉ rõ “Thánh quân ngày xưa không cho thiên hạ thịnh trị mà quên lòng răn ngừa; hiền thần ngày xưa không thấy vui thành công mà quên lòng can gián. Vì thế thời Ngu Thuấn đã thịnh trị mà Bá Ích vẫn can vua: “Chớ ham nhàn rỗi, chớ đắm vui chơi, không trễ không lười, để công việc quốc gia bê trễ”. Đế Thuấn nghe lời mà ngăn ngừa những việc đáng răn, do đó đã trở thành bậc thánh lớn. Đời Văn Hán Đế (179-163 tCn) dân đã giàu có đông đúc rồi mà Giả Nghị vẫn dâng kế sách nói rằng đất nước đang ở trong tình trạng “để lửa gần củi” Văn Đế nghe lời can này mà lo nghĩ việc đáng lo, do đó nên bậc vua hiền”. Lương Đắc Bằng chỉ rõ tình hình đất nước từ khi vua lên ngôi: “Khí hòa thuận chưa điều tiết, việc binh đao chưa dẹp yên, triều cương chưa cất nhấc, quân chính chưa sửa sang, tai dị thường xuất hiện, đạo trời chưa được thuận, đạo đất chưa được yên, kẻ gian phi lén phát, bọn nghịch tặc manh lòng, lòng người chưa yên ổn...”. Từ thực tế đó, Lương Đắc Bằng đã dâng lên vua 14 kế sách như sau:
“1. Hết lòng răn sợ để dập tắt biến cố tai dị.
2. Dốc lòng làm điều hiếu thảo để khuyến khích lòng trung hậu.
3. Xa bỏ con hát, sắc đẹp để giữ vững căn bản lòng người.
4. Trừ bỏ gian nịnh để nguồn gốc phong hóa được trong sạch.
5. Dè sẻn trong việc ban đặt quan chức để cẩn thận việc khuyên răn.
6. Công bằng trong việc bổ dụng để trong sạch đường làm quan.
7. Tiết độ trong việc dùng tiền tài để khuyến khích thói kiệm phác.
8. Khen thưởng người tiết nghĩa để trọng đạo cương thường.
9. Cấm ăn của đút để trừ bỏ thói tham ô.
10. Sửa võ bị để nước mạnh thế chống giữ.
11. Lựa chọn người can ngăn ở Ngự sử đài để cổ vũ chí khí người mạnh dạn dám nói lời ngay thẳng.
12. Giảm nhẹ việc lực dịch để nuôi dưỡng sức dân.
13. Ban hành pháp luật đúng đắn để thống nhất tâm chí bốn phương.
14. Cẩn thận pháp độ để mở đời thịnh trị thái bình”.
Ông còn viết: Các chước trên đây dâng lên mong bệ hạ soi xét. Thần lại nghe cổ ngữ có câu: “Lời nói của người cắt cỏ kiếm củi, thánh nhân cũng có thể chọn lấy”. Kinh thư có câu : “Biết không khó, làm mới khó”. Vậy xin bệ hạ chớ cho lời thần là viển vông, nên lựa chọn mà làm, răn điều nên răn, lo điều nên lo thì đạo trời được thuận, đạo đất được yên, đạo người được hoa, mới đến thái bình được”.
Với tất cả tài trí, tâm huyết của mình, Lương Đắc Bằng đã khái quát được tất cả các việc cần làm để ổn định triều chính, ổn định xã tắc, quan tâm đến dân tình. Tuy kế sách trên không thể thực hiện đầy đủ do hạn chế của thời cuộc, song lịch sử vẫn ghi nhận Lương Đắc Bằng là một nhà cải cách xuất sắc gần hồi thế kỷ XVI. Những đề xuất của Lương Đắc Bằng mà ngày nay suy ngẫm ta vẫn thấy nhiều điều còn mang tính thời sự nóng hổi. Vua xem khen nhưng không dùng.
Đến năm Hồng Thuận thứ 3 (Tân Mùi, 1511), Hoàng đế Minh Chính Đức sai Trạm Nhược Thuỷ Hàn Lâm viện biên tu làm Chánh sứ, Hình khoa cấp sự trung Phan Hy Tăng, làm phó sứ, mang sách thư phong nhà vua tước An Nam quốc vương và ban cho một cỗ mũ bì biền, một cặp áo thường phục. Sau khi Hi Tăng đã yết kiến nhà vua rồi, ra bảo với Nhược Thủy rằng: "Quốc vương dung mạo đẹp nhưng lệch mình, tính đa dâm, trông như tướng con lợn, chả bao lâu nữa sẽ bị loạn vong" . Khi sứ thần ra về, nhà vua tiễn đưa hành lý khá hậu, nhưng họ đều không nhận.
Vua Tương Dực triệu ông làm Lạn sứ, tiếp sứ bộ thiên triều. Ông phụng chỉ làm ngự chế thi để tiễn đoàn sứ bộ. Tại dịch quán ở Lạng Sơn, Trạm, Phan đưa cho ông một tập 100 bài thơ, bảo ông hoạ lại. Chỉ một đêm, sáng hôm sau ông đã họa xong. Hai sứ bộ khen là kỳ tài. Khi qua ải, sứ bộ còn tặng ông một áo bông, một mũ thanh chiên để biểu tấm lòng. Trạm, Phan về đến Trung quốc đem thơ xướng hoạ khi đi sứ Việt Nam đi in . Đến đời Hồng võ, sắc phụng kê An Nam hào kiệt 12 người, ông đứng thứ nhì.
Lúc này, loạn lạc nổi khắp nơi: Trần Duy Nhạc và Ngô Văn Tổng dấy quân ở Kinh Bắc; Trần Tuân đánh phá Sơn Tây; Phùng Chương quấy miền Tam Đảo; Trần Công Ninh chiếm giữ Phúc Yên; Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Văn Triệt tung hoành ở Nghệ An; Trần Cao mạo xưng con cháu họ Trần cùng con là Thăng, tướng là Phạm Ất cùng với đồ đảng dấy quân ở Hải Dương...Vua tôi nhà Lê chẳng lo chấn chỉnh, dẹp loạn mà Tương Dực ngày càng hoang dâm, nghe lời siểm nịnh; các đại thần chia bè, đem quân đánh lẫn nhau, ai cũng vỗ ngực phò vua, giúp nước, an dân...
Ông nói “ tôi thà chịu chết vì chức vụ, không chịu chết dưới loạn quân”. Ông bị bọn quyền thần dùng gạch đá đả thương nặng, nhờ có Đại thần Văn Quân, Công Trinh, Duy Nhạc và rể là Tự Khanh Ngô Văn Dũ thỉnh thầy thuốc chữa trị cả tháng mới phục hồi được. Đắc Bằng tập trung tâm trí soạn tập “Vịnh sử” kể từ thánh quân, hiền thần, trung thần cho đến hôn quân, gian thần... hơn 20 quyển; lại soạn “Cung trung bửu huấn”, “thập quy” để răn dạy, nhưng trên chẳng dụng, quan chẳng nghe. Nhận thấy dù đem hết tâm sức ra giúp nước cũng không thể vãn hồi được tình thế ông cáo quan.
6. Làm Thầy xứng với gương xưa:
Khi về nhà, Lương Đắc Bằng mở trường dạy học và nghiên cứu lý số. Nguyên khi làm quan, Cụ thường được vua cử đi sứ Trung Hoa và làm tròn sứ mệnh ngoại giao và trong một dịp đi sứ, cụ có mang về bộ Thái Ất Thần Kinh để tham khảo. Cụ rất thanh liêm và trọng đạo đức, dù làm quan mà gia cảnh rất nghèo, con phải đi gặt thuê để sống. Vừa dạy học, Cụ vừa tiếp tục nghiên cứu cuốn sách trên cho nên tinh nghề lý số, việc gì cũng tính biết được trước. Nghe tiếng và mến mộ Cụ nên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng) tìm vào Thanh Hóa theo học. Nhận thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm tính tình khoáng đạt và thích lý số, nên Cụ truyền dạy và trao cho toàn bộ Thái Ất Thần Kinh. Sau này cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên 狀元, làm quan đến chức Lại bộ Thượng Thư 吏部尚書, tước Trình Quốc Công, người đời thường gọi là Trạng Trình, cụ có truyền lại cuốn “sấm Trạng Trình” 狀程讖 tiên đoán việc đời sau.
Đến ngày 6 tháng 4 năm Hồng thuận thứ 7 (1516), Trịnh Duy Sản 原郡公鄭惟產 vì khuyên vua, trái ý bị phạt tượng, nên đã cùng Lê Quảng Độ đang đêm đem 3000 lính Kim ngô qua cửa Bắc thần, giết vua ở cửa Nam Huân trước điện Bảo Khánh, giáng làm Linh Ẩn Vương 靈隱王. Khi đó triều đình chạy tán loạn, không ai dám đến. Chỉ một mình ông đến khóc và làm lễ chôn cất .
Cũng năm đó Trần Cảo 陳高 dấy quân ở chùa Quỳnh Lâm, chiếm cứ các huyện Thủy Đường và Đông Triều thuộc Hải Dương, tự xưng là vua “Đế Thích giáng sinh” rồi kéo về vây hãm kinh thành. Lương Đắc bằng thống lĩnh các dinh đem quân đánh Trần Cảo thu phục kinh thành, cùng các quần thần lập Lê Y 黎椅, 黎譓 lên làm vua. Dưới thời Lê Chiêu Tông (黎昭宗, 1506 – 1526) ông làm Ngự Dinh Tổng ký lục, nội Tri Kinh Diên, ngoại tham triều chính, thiên hạ có cơ phục hưng. Trong khi đó một lực lượng mới tập trung quanh Mạc Đăng Dung trỗi dậy và quyền bính dần sang tay họ Mạc. Vào tháng 12 năm 1526, Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung (莫登庸莫太祖, 1483 ? – 1541) giết tại phường Đông Hà và đưa Lê Xuân 椿 lên làm vua, tức Lê Cung Hoàng (黎恭皇, 1507 – 1527). Song đó chỉ là con bài nên sau khi Chiêu Tông bị giết, Đăng Dung giả cách lui về quê ở Cổ Trai (Hải Phòng) nhưng thực tế vẫn nắm triều đình. Triều Lê Sơ (黎初,1428-1527) đến hồi mạt.
Đúng dịp đó, ngày 5 tháng 7 (năm ?) vào thời Lê Cung Hoàng (1522-1527) ông bị bệnh nặng mất, thọ 59 tuổi . Biết tin dữ đó, thiên hạ đều tiếc, Đô Ngự sử Đỗ Cang khóc rằng: “Triết nhân sao nỡ chết, nước mắt còn huyết vây”…”Người trung nghĩa như Lương Đắc Bằng đã qua đời thì vận mệnh nước nhà sắp mất đến nơi rồi”. Nhận được tin, học trò về chịu tang thầy rất đông, riêng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã về Hội Triều chịu tang thầy ba năm. Lúc ấy kinh sư bị loạn không có ván gỗ, vua mới cho gỗ cấm trong cung làm quan tài, đưa về quê nhà ở Hội Triều mai táng . Nhà Lê Trung hưng (1533-1789) luận ông trung nghĩa hơn người, đức vọng cái thế, tặng ông: Thái bảo đôn trung Văn phái hầu, thuỵ Đạm Hiên tiên sinh. Năm Quý Dậu dời chôn ở Tây trì Khái xứ, Tý Sơn Ngọ Hướng.
7. Làm người tiếng đẹp để cho muôn đời:
Về tiểu sử Lương Đắc Bằng, nghiên cứu kỹ thấy có sự không nhất quán về năm sinh, năm mất cũng như công trạng của ông. Cụ thể:
Theo “Giới thiệu sơ lược về họ Lường Phủ làng Hội Triều” thì Lương Đắc Bằng sinh năm 1472, năm 12 tuổi thì cha mất và theo lời cha dặn, ông ra Cao Phương học trạng nguyên Lương Thế Vinh. Năm 24 tuổi đậu Giải Nguyên. Năm 28 tuổi đậu Bảng nhãn khoa Kỷ Mùi (1499) đời Lê Cảnh Thống. Dịp này vua ban tên mới là Lương Đắc Bằng.
Ông mất ngày 5 tháng 7 năm Bính Tý (1516) tại quê nhà
Còn “Họ Lương Hội triều Bổn đường gia phổ” lại chép về Lương Đắc Bằng hơi khác: Năm 22 tuổi đậu Giải nguyên, Năm Kỷ Mùi (1499) niên hiệu Cảnh thống vua Lê Hiến Tông, thi Hội đậu Tiến sĩ...., nhưng khi vào chầu tạ ơn vua, theo ý hoàng hậu trì Trạng nguyên phải là người trọng trấn, vì ông mới 22 tuổi nên vua mới khiến hạ bảng cho đậu Bảng nhãn, lấy ông Đỗ lý Khiêm ở xã Ngoại lãng huyện Thơ trì đậu Trạng nguyên...
Đến năm Bính Tý (1516) Trần Cảo giết Trịnh Duy Sản đem quân hãm kinh thành. Ông thống lãnh các dinh đem quân đánh Trần Cảo thu phục kinh thành, cùng các quần thần lập vua Chiêu tông. Trong những năm Quang Thiện (1516- 1522) Ông khiến các tướng truy bắt đảng giặc, Trần tướng, Hà Phi Cao bắt được Lê Quảng Độ tướng của Trần Cảo, đóng cũi giải về kinh sư. Lúc này ông làm Ngự Dinh Tổng ký lục, nội Tri kinh diên, ngoại tham triều chính, thiên hạ có cơ phục hưng, nhưng ngày 5 tháng 7 ông bị bệnh nặng mất 59 tuổi, thiên hạ đều tiếc.
Theo suy đoán của tôi:
Như ta đã biết danh hiệu Giải nguyên là giành cho người đỗ đầu kỳ thi Hương. Mà, học theo quy chế thi cử của nhà Minh, nhà Lê quy định kỳ thi sơ khởi này thường tổ chức vào mùa Thu các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, ai đỗ gọi là Cử nhân. Người đó tới mùa Xuân năm sau (Sửu, Mùi, Thìn, Tuất) mới được dự thi kỳ thi Hội ở bộ Lễ giành danh hiệu Hội nguyên. Ai đỗ kỳ này vào tiếp thi Đình ở sân rồng giành danh hiệu Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Mặt khác, từ năm Thuận Thiên thứ 6 (順天第六年,1433), Lê Thái Tổ (黎太祖, 1428-1433) quy định 6 năm một khoa, năm trước thi Hương, năm sau thi Hội. Tới tháng 2 năm Quý Mùi 1463 bắt đầu định ba năm thi đại tị một lần vào những năm Sửu, Mùi, Thìn và Tuất. Như vậy, Lương Đắc Bằng thi Hội khoa Kỷ Mùi 1499 thì ông phải dự kỳ thi Hương trước đó 1 năm hoặc trước đó 4 năm chứ không có chuyện 22 tuổi cùng đỗ cả 2 kỳ được!
Do đó có thể Lương Đắc Bằng sinh năm 1472, năm 24 tuổi đỗ Giải nguyên, năm 28 tuổi đỗ Bảng nhãn. Đồng thời: Cụ không thể thọ 59 tuổi được. Bởi nếu vậy thì năm mất của cụ là 1472+59=1531, khi đó đã hết thời Lê Sơ (1428-1527) sang nhà Mạc (莫朝,1527-1592) rồi. Kết hợp lại có thể nhận xét Cụ thọ hơn 50 tuổi nên mất Bính Tý 1516 hay Bính Tuất 1526 hoặc khoảng giữa 2 mốc đó!
Trước khi mất, Lương Ðắc Bằng dặn lại Nguyễn Bỉnh Khiêm về sau phải trông nom con mình là Lương Hữu Khánh (梁有慶,1517 – 1590). Cụ Trạng đã làm theo lời dặn của thầy mà dạy Lương Hữu Khánh thành tài và về sau còn cưu mang hậu duệ của thầy học là cụ Lương Đắc Cam. Chính cụ Cam là Thủy tổ dòng họ Lương ở Tiên Lãng và An Lão thuộc Hải Phòng nay.
Tuy không thọ nhiều, thời gian ông làm quan trải bốn triều vua thời Lê Sơ (Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục, Tương Dực) đã từng nhiều phen giúp mấy Vua giành, giữ ngai vàng; được trao nhiều chức vụ quan trọng, được thăng đến Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, tước Văn phái Hầu. Quan trường của ông không mấy hanh thông. Nhưng ông nổi tiếng bới từng can gián Vua, dâng kế sách cải cách, sống cuộc sống thanh liêm, có uy tín lớn trong lớp nho sĩ danh thần. Đặc biệt ông đã đào tạo nhiều học trò trở thành người tài ; tính kế lâu dài cho con sau là Danh thần Hữu Khánh, để đích tôn Khiêm Hanh cũng không hổ danh . Như thế ông đã để lại cho hậu thế nhiều bài học quý, xứng danh đại diện cho một dòng họ Khoa bảng .
Quê ông, làng Hội Triều có 14 dòng họ cộng cư chung sống. Làng chia làm 7 xóm: xóm Nghè, xóm Trường, xóm Trung Lương, xóm Quán, xóm Đá, xóm Đình và xóm Sau và họ Lương là dòng họ đến đầu tiên, là họ có nhiều vị đỗ đạt nhất và cũng là họ danh giá nhất làng. Tiếp theo là họ Trương, họ Lường, họ Hoàng Đình.
Họ Lương Hội Triều nổi tiếng với Lương Đắc Bằng, Lương Hữu Khánh, Lương Khiêm Hanh, Lương Đạt đều là Tiến sĩ. Đồng thời dòng họ này còn nổi danh với 2 cha con là thầy dậy của 2 Trạng nguyên tài giỏi của nước Nam. Đó là người cha - Giải nguyên Lương Hay là thầy học của Trạng lường Lương Thế Vinh và người con - Bảng nhãn Lương Thế Vinh là thầy học của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đến lượt mình các ông Trạng này, theo di huấn và để trả ơn, họ lại rèn cặp con thầy nên người: Lương Thế Vinh dạy con Lương Hay là Lương Đắc Bằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy con Lương Đắc Bằng là Lương Hữu Khánh. Quả là thầy giỏi rèn nên trò tài và đạo thầy trò xưa quả sâu sắc!
Lương Đắc Bằng được một số chi họ suy tôn là Thượng Thủy Tổ dòng họ, trong đó có họ Lương ở Tiên Lãng và An Lão thuộc Hải Phòng nhà tôi. Nhưng việc chắp nối xem ra muôn vàn gian khó bởi tất cả chỉ là truyền ngôn.
TỪ THANH HÓA RA XỨ ĐÔNG
Phần này chép chuyện vào thế kỷ XVI, cụ Lương Đắc Cam (hậu duệ của cụ Lương Đắc Bằng) ra tránh họa truy diệt của nhà Mạc từ Thanh Hóa đã ra nương nhờ cụ Trạng Trình rồi lập nghiệp ở tại thôn Chử Khê huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là xã Hùng Thắng huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng).
Hầu như họ Lương ở Tiên Lãng đều có chung một cụ tổ Thượng là Lương Đắc Cam, cho đến nay đã được 18 đời và các chi phái vẫn theo về Từ đường ở thôn Chử Khê xã Hùng Thắng giỗ Tổ vào ngày Trung Thu. Đó là họ Lương của các xã: Hùng Thắng, Cấp Tiến, Vinh Quang, Bạch Đằng, Đại Thắng, Tự Cường, Tiên Cường… của Tiên Lãng và một số xã bên bờ sông Văn Úc thuộc huyện An Lão.
Theo truyền ngôn của các cụ trong họ: Thời Lê – Mạc tranh quyền, con cháu họ Lương Thanh Hoá (Tổ thượng Lương Đắc Cam) đã ra gặp học trò cụ Lương Đắc Bằng là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Lại xứ Đông. Trạng Trình đã đưa con cháu Lương Đắc Bằng về lập nghiệp tại thôn Chử Khê (nay thuộc xã Hùng Thắng) và đến nay (2011) đã được 18 đời.
Ngược dòng lịch sử ta biết rằng: trong thời Lê – Mạc (南北朝, 1533-1592) tranh quyền, đất nước sẻ chia, các thế lực cát cứ nên ngay trong họ Lương cũng đã có sự phân hóa: cụ Bảng Nhãn làm quan nhà Lê sơ (1428-1527) còn con là Lương Hữu Khánh học và thi đỗ dưới triều Mạc (năm 1538) nhưng lại khuông phò Lê Trang Tông Ninh (黎莊宗寧, 1533-1548) khôi phục nhà Lê.
Với bối cảnh đó, chắc lo sợ bị trả thù, cụ Lương Đắc Cam (chắt Cụ Bảng nhãn) đã ra gặp học trò cụ Lương Đắc Bằng (梁得朋, 1472 - 1516) cũng là thầy dạy Lương Hữu Khánh (1517 – 1590) là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (阮秉謙, 1491 - 1585) . Trạng Trình đã đưa cháu chắt của thày học Lương Đắc Bằng về lập nghiệp tại xã Lao Chữ 牢渚, tổng Dương Áo 陽襖, huyện Tân Minh 新縣, phủ Nam Sách 南策府, trấn Hải Dương 海陽鎭 (nay là thôn Chử Khê xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Đến nay con cháu đã được 18 đời nhất tâm xác định Lao Chữ (Chử Khê nay) được xác định là phát nguồn các chi phái với Tổ Thượng Lương Đắc Cam (giỗ ngày 15/8) và tổ đời thứ hai là Lương Đắc Nhân và gốc từ Thanh Hóa ra.
Đến đời thứ 10 cụ Lương Phú Ngân cho con cả là Lương Ngọc Củng về khai khẩn ở xã Bạch Đằng đã lập chi họ Lương ở Bạch Đằng và con út là Lương Đắc Phúc vào khoảng 1848 – 1884 ra vùng ven biển cùng tổng khai khẩn. Cùng với các cụ tổ dòng họ khác quai đê lấn biển, khẩn dân lập ấp rồi vào Huế xin được lập xã Thái Bình 太平 (nay là làng Đông Trên, xã Vinh Quang) lập chi họ Lương tại Vinh Quang đến nay đã được 8 đời. Còn với các chi họ Lương khác cùng từ Lao Chữ chia ra thì chưa khảo cứu được.
Con cháu họ Lương ở các xã: Hùng Thắng, Vinh Quang, Bạch Đằng, Đại Thắng, Tự Cường, Tiên Cường, Cấp Tiến… thuộc Tiên Lãng và Chiến Thắng thuộc An Lão cho đến nay vẫn theo về Tổ đường ở thôn Chử Khê xã Hùng Thắng giỗ Tổ vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm
Như vậy tuy đã có chỉ dẫn ban đầu nhưng chưa đủ để dựng lại quá trình hình thành chi phái họ Lương ở Tiên Lãng rồi sang An Lão như truyền ngôn. Trong cả 3 tư liệu từ họ Lương Thanh Hóa mà tôi từng được tiếp cận đều không thấy chép cụ Bảng nhãn có người con, cháu, chắt nào tên là Lương Đắc Cam và không chỗ nào nhắc tới việc ra xứ Đông, chỉ nói chuyện lên Bắc Giang. Vậy: cụ Lương Đắc Cam quan hệ với cụ Lương Đắc Bằng thế nào và sang Tiên Lãng khi nào?
Theo ngu ý của tôi:
1. Từ Hoằng Hóa ra Tiên Lãng ngày nay gần 190 km tới Vĩnh Bảo, tiếp hơn chục cây nữa mới sang đến Tiên Lãng. Ngày đó đường lớn (Quốc Lộ 1, Quốc Lộ 2, Quốc lộ 10, Tỉnh lộ 17A, Tỉnh lộ 354) chưa có; các cây cầu qua sông, qua lạch (Tào, Cừ, Tống Giang, Ghềnh, Vóa, Yên, Lim, Khuất, Họ, Mái, Lê, Dáng, Tân Đệ, Năm, Nghìn, Hàn) chưa có hoặc nếu có chắc là nhỏ. Vậy là việc đi lại rất khó khăn, lại phải lẩn trốn nên cần vài ngày đi bộ và trẻ nhỏ khó tự vượt qua.
2. Cụ Trạng Trình năm 1585 đã mất nên hậu duệ cụ Bảng nhãn phải ra trước đó vài năm, có nghĩa người này phải sinh muộn nhất là 1565. Như vậy chỉ ít hơn con Cụ Bảng Nhãn vài tuổi, vô lý! Nhớ rằng Cụ Trạng cũng lo khi “vật đổi sao dời” nên đã di chúc cho con cháu bí mật chuyển đến Ninh Bình tránh bị truy diệt khi nhà Mạc đổ đã đổi từ họ Nguyễn 阮 ra họ Giang 江 (nhớ con sông Tuyết Giang quê hương) nên cũng không đủ khả năng và dám công khai cho người giúp đưa Lương Đắc Cam từ Cổ Am, Vĩnh Lại (Vĩnh Bảo) sang Tân Minh (Tiên Lãng) được. Có thể cụ Khiêm Hanh khi đó đương chức Lễ khoa cấp sự trung trực tiếp đưa con khi đó mới mấy tuổi ra Vĩnh Lại gửi gắm thầy mình? Hay đó là một người con của một nàng hầu nào của 1 trong 3 người con trai của Lương Hữu Khánh (梁有慶,1517 – 1590)? Hoặc con của chính Danh thần này?...
3. Đoạn về họ Lương Tiên Lãng lại ghi con cháu cụ Đắc Bằng ra gặp cụ Trạng mà cụ Trạng năm 1585 đã mất nên phải ra trước đó. Trong trong thời Nam Bắc triều (南北朝, 1533-1592) từ năm 1555, nhà Mạc đã nhiều lần cất quân đánh vào bản doanh của nhà Lê ở Thanh Hoa (Thanh Hóa nay) làm dân Thanh Hóa nhiều phen chạy tứ toán. Trong đó đáng kể là các trận tấn công do Mạc Kính Điển (莫敬典, ? - 1580) cầm quân là vào: tháng 7 năm 1557, tháng 8 năm 1570, tháng 8 năm 1573, tháng 9 năm 1577, tháng 8 năm 1579 và tháng 8 năm 1583. Trong đó trận tháng 8/1573 đánh cả vào dinh Yên Trường. Như vậy nhiều khả năng hậu duệ cụ Đắc Bằng ra Bắc là vào khoảng 1583 khi đó Lương Khiêm Hanh đã 20 tuổi (sinh năm 1563) và chắc đã có con! Đến nay đã được hơn 400 năm, khoảng 18 đời là hợp lý!
4. Quá trình hình thành các chi họ Lương gốc Lao Chữ ở Tiên Lãng và An Lão có thể được bắt đầu từ ngay thế hệ cháu Tổ Thượng Lương Đắc Cam, tức là từ thế kỷ XVII và do sinh kế, do lập nghiệp nơi quê vợ, do nhà nước điều động…Quá trình đó đến nay vẫn tiếp diễn và đưa con cháu hộ Lương đến mọi miền của đất Việt. Những địa danh thuộc Tiên Lãng liên quan đến quá trình hình thành dòng họ mà trong Gia phả nhà tôi có chép tiếc rằng do thời gian, do khoảng cách về địa lý, lại do sự tách nhập, đổi tên nên tôi chưa tìm hiểu được tận tường. Đó là: Trung Lăng 中陵, Dư Đông 余東, La Cầu 羅梂 thuộc tổng Phú Kê 富鷄 (nay là thị trấn Tiên Lãng); là: Xuân Úc 春郁, Văn Úc 文郁, Lao Chử 牢渚 thuộc tổng Dương Áo 陽襖 (nay là xã Hùng Thắng); là Đăng Lai 登來, Phương Lai 方來, Quan Bồ 關蒲 thuộc tổng Kinh Lương 涇涼 (nay là xã Cấp Tiến).
5. Từ những năm 1960 đã có nhiều gia đình họ Lương gốc Tiên Lãng đi khai hoang hoặc được điều lên công tác rồi lập nghiệp ở Lào Cai. Nhưng người tôi biết có: anh em ông Lương Hồng Cẩm ở Cốc Tủm (Phong Niên, Bảo Thắng), anh em ông Lương Văn Ngạnh ở Làng Mạ (Trì Quang, Bảo Thắng) và anh em ông Lương Văn Hoản ở Bảo Nhai (Bắc Hà). Những hộ này tuy cùng Tổ Thượng ở Lao Chữ (nay là Hùng Thắng) hay Tổ ở Đăng Lai (nay là Cấp Tiến) huyện Tiên Lãng nhưng không thuộc dòng Lương Đức và chưa chắp nối được Gia phả để rõ thế thứ nên tuy có liên hệ song tôi không chép vào các phần viết về họ Lương Đức nhà tôi. Sinh thời, phụ thân tôi từng làm lễ nhận họ và tiến hành việc giỗ Tổ chung nhưng các cụ chưa có điều kiện làm rõ mối quan hệ ra sao.
Liệu chi họ nào, gia đình nào và ai còn giữ được Gia phả hay thông tin liên quan mà chưa tham gia kết nối để góp phần làm rõ 5 điểm trên?
TỪ TIÊN LÃNG VƯỢT VĂN ÚC SANG AN LÃO
Từ Tiên Lãng tổ tiên nhà tôi vượt Văn Úc sang bên này sông (tức đất An Thọ, Chiến Thắng thuộc huyện An Lão bây giờ) từ giữa thế kỷ XVIII.
1. Bỗng đâu gặp cảnh “Gia bần niên cơ”:
Thời vua Lê chúa Trịnh, hay thời Lê mạt, trong 2 đời vua Lê là Lê Ý Tông 黎懿宗 và Lê Hiển Tông 显宗, 3 đời chúa Trịnh là Trịnh Giang 鄭江, Trịnh Doanh 瀛 và Trịnh Sâm 薓 đã tạm ngưng chiến tranh với họ Nguyễn và dứt được việc cát cứ ở Cao Bằng của họ Mạc (1667), các chúa Trịnh là Tây Định vương Trịnh Tạc và Định Nam vương Trịnh Căn ra sức củng cố thế lực ở Đàng Ngoài dẫn đến tình trạng Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài gần 200 năm. Đến chắt Trịnh Căn là Trịnh Cương tiếp tục xây dựng nền thịnh trị ở Đàng Ngoài.
Năm 1729, An Đô vương Trịnh Cương mất, con là Trịnh Giang lên thay, tức là Uy Nam vương. Từ khi Trịnh Giang cầm quyền, chính sự Bắc Hà bắt đầu suy. Giang phế bỏ vua Lê Duy Phường làm Hôn Đức công năm 1732 và sau đó giết chết, lập anh Duy Phường lên ngôi, tức là Lê Thuần Tông (1732 - 1735). Không chỉ vua Lê, các đại thần như Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn vốn có uy tín với đời trước cũng bị giết hại tình hình trở nên rối ren, chính quyền ra công chống đỡ nhưng ít hiệu quả. Tuy chăm lo đến chính sự hơn người anh nhưng Trịnh Doanh (1740-1767) lại quá tả khi cho đốt hết sách vở, thu nhặt hết chuông khánh ở các chùa chiền để đúc binh khí dẹp loạn. Điều đó đã góp phần không lấy lại được lòng dân, mặc dù trước đó quần thần và dân chúng đã ủng hộ nhiều chính sách của Chúa. Sau khi Trịnh Doanh mất, do loạn cung đình thời Trịnh Sâm (1767-1782), Trịnh Cán (2 tháng) mà đất nước càng rối ren dẫn đến việc Trịnh Khải (1783-1786) bị Tây Sơn bắt, phải tự tử. Từ đó thế lực Lê-Trịnh dần suy tàn, dẫn đến tận diệt. Về đời sống tâm linh, bên cạnh đạo Phật, đạo Nho vốn được truyền sang từ lâu đời, bắt đầu từ 1533 đời Lê Trang Tông đạo Thiên chúa giáo đã được truyền tới vùng này. Các đời Chúa Trịnh luôn cấm đoán gắt gao việc này, điển hình là Trịnh Tạc (1663), Trịnh Căn (1696), Trịnh Doanh (1754)…Do đó mâu thuẫn lương-giáo ở nhiều vùng rất căng thẳng.
Chúa tiêu dùng xa xỉ, buộc phải tăng thuế, sưu dịch. Phép “Quân điền” thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn. Nhưng từ 1699 đặt phép “Bình lệ”, đánh thuế theo xuất đinh suốt cả đời lại thêm sự chiếm đoạt ruộng đất của địa chủ; chế độ tô thuế (điền thổ, thuế thân, thuế tuần ti, thuế muối, thuế thổ sản, thuế chợ...). Rồi lại đặt ra lệ “Thông kinh”, ai cần thi chỉ nộp 3 quan không qua khảo hạch nên trường thi biến thành chợ thi. Sưu dịch nặng nề, quan lại tham nhũng và thiên tai liên miên và do hậu quả chiến tranh nên đời sống người dân rất thấp. Nông dân luôn bị thiếu đói, cực khổ, phải “tha phương cầu thực”, bỏ làng xã ra đi tìm nơi đất hoang, vắng chủ khai phá, gieo trồng. Lịch sử từng ghi nhận: Từ cuối niên hiệu Vĩnh Hựu đời Lê Hiến Tông (1735-1740), trộm giặc các nơi nổi dậy, vùng Hải Dương càng nhiều hơn, dân gian bỏ cả cấy cày, các thứ tích trữ ở làng xóm hầu như hết sạch; chỉ có vùng Sơn Nam còn hơi khá một chút. Dân phiêu tán dắt díu nhau đi kiếm ăn đầy đường. Giá gạo cao vọt, một trăm đồng tiền không được một bữa no, dân phần nhiều phải ăn rau, ăn củ, đến nổi ăn cả thịt rắn, thịt chuột, chết đói chồng chất lên nhau; số dân còn lại mười phần không được một. Những làng vốn có tiếng trù mật cũng chỉ còn lại độ năm ba hộ. Lúc ấy, làng xóm tiêu điều tan tác, tính theo số xã thì nhân dân phiêu tán nhiều nhất có đến 1.730 làng, phiêu tán vừa có đến 1.961 làng. Tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 2 (Tân Dậu 1741) đời Lê Hiển Tông (1740-1786), dân Hải Dương bị đói, triều đình bèn hạ lệnh lấy thóc trong kho chia ra phát chẩn cho dân phiêu tán ở tứ trấn; trong kinh kỳ cũng cứ 10 ngày phát chẩn một lần. Nghiêm trọng nhất trong giai đoạn này là nạn đói năm 1681. Nạn đói bắt đầu ở trấn Hải Dương sau lan dần ra khắp Đàng ngoài. Sử cũ chép: “Dân bỏ cả cày cấy, thóc lúa dành dụm trong xóm làng đều hết sạch, duy có Sơn Nam còn khá hơn. Dân lưu vong bồng bế nhau, dắt nhau đi kiếm ăn đầy đường… Dân phần nhiều sống nhờ vào rau, quả, đến nỗi ăn cả chuột, rắn”. Riêng ở vùng Hải Dương, “Ruộng, vườn đã biến thành rừng rậm, những giống gấu chó, lợn lòi…sinh tụ ra đồng. Những người dân sống sót phải bóc vỏ cây để đun, bắt chuột đồng để ăn”.
Nạn đói kéo dài, khủng khiếp ấy đã làm nhiều người chết, người sống sót cũng không còn kế sinh nhai phải bỏ xóm làng, đồng ruộng đi kiếm ăn khắp nơi, cố gắng dùng sức lao động còn lại, hợp quần khai phá đất hoang, ruộng bỏ hóa ở các làng, xã cửa biển, ven sông trồng khoai, cấy lúa cứu đói. Đồng thời do “bần cùng sinh đạo tặc”, trộm cướp nổi khắp nơi, lòng dân ly tán và do “tức nước vỡ bờ” người nông dân đã đã nổi dậy khởi nghĩa, chống lại triều đình.
Trong đó đáng kể và liên quan đến xứ Đông là anh em Nguyễn Tuyển 阮選, Nguyễn Cừ 阮蘧 (là hậu duệ của họ Mạc, đã chuyển họ) phối hợp với Vũ Trác Oánh 武卓瑩 nổi dậy ở Ninh Xá (1739-1741). Đặc biệt lớn mạnh nhất là khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu (阮有求, 1741-1751), tục gọi Quận He đã từng chiếm Đồ Sơn, Vân Đồn, Trà Cổ, làm chủ cả vùng ven biển Đông Bắc, tự xưng Đông đạo Thống quốc Bảo dân Đại tướng quân. Triều đình phái Hoàng Ngũ Phúc, Phạm Đình Trọng đàn áp mãi mới yên.
Nhưng khắp nước vẫn luôn trong cảnh binh đao: họ Trịnh mất nghiệp Chúa (1786), nhà Hậu Lê 黎後 bị diệt (1788), triều Tây Sơn 阮西山 được 4 năm (1788-1802) thì thuộc về nhà Nguyễn 阮氏 (1802-1945). Những năm đầu triều Nguyễn, tuy triều đình đã làm chủ cả nước nhưng ngoài Bắc vẫn loạn lạc liên miên. Vùng ven biển Bắc Bộ có khởi nghĩa của Phan Bá Vành (1821-1827), Lê Duy Lượng (1833)...liên quan nhiều đến các bậc tiên liệt Lương tộc Chiến Thắng.
Tóm lại, lúc này thời loạn lạc Lê - Mạc (1533-1592) đã qua, nhưng cuộc tranh chấp Trịnh – Nguyễn (1570-1777) còn gay gắt. Chế độ hà khắc, thuế khóa nặng nề, sưu dịch phiền nhiễu, lòng dân ly tán và loạn đảng khắp nơi, chiến tranh liên miên, triều đình không rảnh tay lo mở mang, kiến thiết lại thiên tai liên tiếp (các trận bão, lụt giữa thế kỷ XVIII) đã đẩy dân nghèo (trong đó có Thượng tổ họ Lương Cao Mật) càng cơ cực phải phiêu cư bạt tán kiếm kế sinh nhai, trốn tránh giặc giã và quan lại.
Bối cảnh rối ren, cơ cực những năm 1730-1802, tức vào đời Lê Thuần Tông 黎純宗 đến thời Nguyễn Gia Long 阮嘉隆 là nguyên do chính dẫn đến việc Phạm Đình Khanh 范廷牼 từ Ân Thi tới (1716), Lương Công Trạch 梁公宅 từ Tiên Minh vượt Văn Úc sang Cao Mật (1740-1750? ) lánh nạn và khởi nghiệp, lập ra dòng họ Phạm 范族 và họ Lương 梁族 nơi đây. Các thế hệ con cháu của họ đã cùng với dân cũ họ Nguyễn 阮族, họ Mai 梅族 chung sức thau chua rửa mặn vợt đất lập làng lập xóm xây dựng nên khu vực Chiến Thắng bên bên sông Văn như ngày nay.
Vào khoảng thế kỷ XV, XVI vùng đất Cao Mật bên tả ngạn Văn Úc, do cách không xa cửa biển là mấy nên là bãi bồi, đầy vũng trũng, sú vẹt. Khi nhà Mạc (莫朝, 1527-1592) lập kinh đô ở Nghi Dương (nay là quận Kinh Dương) đưa tre từ Thanh Hoá về, tập hợp dân đóng kè, quai đê lấn biển, nắn sông, lập nên làng ấp, trong đó có các làng vùng Cao Mật. Lâu dần, dân khai phá bồi đắp thành đồng lúa. Nhưng vẫn còn hoang thưa lắm. Trong và ngoài đê còn nhiều chỗ trũng phù sa chưa bồi lấp đầy, nhiều bãi lăn, lác, sú vẹt chưa được cải tạo thành ruộng . Đồng thời có nhiều ruộng đã được cầy cấy rồi bỏ hoang. Vị trí khu vực lại cận sông, gần đường cái quan trở thành địa chỉ tốt để người dân quanh vùng đến khai phá ruộng, chài lưới, sinh nhai. Cư dân ngày thêm đông, lập ra tổng Cao Mật.
Các thế hệ con cháu của họ đã cùng với dân cũ họ Nguyễn 阮族, họ Mai 梅族 chung sức thau chua rửa mặn vợt đất lập làng lập xóm xây dựng nên khu vực bên bến Khuể như ngày nay. Tổ tiên, lớp con cháu sau này, khi đến đất mới đã không coi mình là dân ngụ cư 寓居 mà sớm hoà đồng chung sức xây dựng nên quê mới.
2. Tìm đất mới, dựng cơ đồ:
Tương truyền Tổ là hậu duệ của Bảng nhãn Thượng thư Lương Đắc Bằng, sinh 1 nam, 1 nữ. Thượng Tổ là Lương Công Trạch 上祖梁公宅 vốn người Đăng Lai 登來, Tiên Minh 先明, Hải Dương 海洋 (sau cải là Phương Lai 芳來, nay thuộc xã Cấp Tiến, Tiên Lãng, Hải Phòng).
Gặp năm đói kém 家貧年奇 ,Thượng Tổ cùng với vợ (là Nguyễn Thị Lã ) đem theo con gái “bên nồi, bên con” gồng gánh sang ở nhờ, làm thuê cho các gia đình họ Nguyễn, họ Mai vốn đã lập nghiệp ở Hương Hạ, Tổng Cao Mật (Chiến Thắng, An Lão ngày nay). Họ Nguyễn vô tự, Cụ nhận lời ủy thác 寄, để con trai (Nghệ) ở lại khai cơ tại đây và sinh ra dòng họ Lương ngày càng đông.
Mộ Thượng tổ táng tại Kim Đới 今帶, Tiên Lãng, Hải Phòng. Mộ Tổ tỷ táng tại Triều Đông 潮東 sau cải Trung Lăng 中陵 (nay là Khu V TT Tiên Lãng) .
Đệ Nhất đại Tổ dòng họ Lương ở Cao Mật (Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng nay) là Cụ Lương Công Nghệ 第一代祖梁公羿 sinh 6 trai (Lẫm, Tuấn, Chiêu, Tú, Thiệu, Linh) và 3 gái. Tổ mất ngày 19/5. Mộ táng tại xã Dư Đông 余東, tổng Phú Kê 富鷄 (nay thuộc Khu I thị trấn Tiên Lãng).
Tuy đã sang An lão, nhưng khi mất, Thượng tổ táng tại Trung Lăng 中陵, Kim Đới 今帶 và Đệ Nhất tổ táng tại Dư Đông 余東 đều thuộc tổng Phú Kê 富鷄, huyện Tiên Minh 先明 (nay là thị trấn huyện Tiên Lãng). Một chi tiết khác, Tổ tỷ là Lương Thị Còi |