GIA

PHẢ

TỘC


-
BẾN
TRE
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
TỘC ƯỚC - GIA PHÁP

Để tỏ lòng tôn kính Tổ Tiên, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tăng cường mối quan hệ tình cảm huyết thống, thế thứ họ hàng của dòng VÕ tộc đại tôn, phù hợp với xã hội mới, nền văn hóa mới của đất nước. Đồng thời để kết hợp hài hòa giữa việc tổ chức sinh hoạt dòng họ với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống trong địa bàn dân cư”, “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Xoá đói giảm nghèo”,...do Đảng, Nhà nước và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, v.v..., ngày 25 tháng 12 âl năm 2007, đại biểu các Chi họ VÕ tại Bến Tre, Tiềng Giang, Long An (Kể cả đại diện một số tiểu chi họ VÕ thuộc dòng huyết tộc ở các tỉnh và ngoài nước) về họp tại nhà ông VÕ VĂN KHOÁNH, Ấp 3, Xã Bình Thới, Huyện Bình Đại, Tỉnh Bến Tre, dưới sự chủ tọa của ông VÕ VĂN KHUYNH (Trưởng tộc) đã thảo luận và thông qua Tộc Phả và biểu quyết nhất trí một số quy định về Tộc ước của dòng họ VÕ gốc Bến Tre do cụ Thượng thượng thuỷ tổ VÕ VĂN LANG, hiệu Nhân Lão đứng đầu, như sau:


I. Quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của những người trong họ


1. Tất cả mọi người trong từng gia đình, từng Chi và Tiểu chi thuộc dòng họ VÕ chúng ta đều thờ chung một thuỷ tổ, cùng có mối quan hệ tình cảm huyết thống, có trách nhiệm giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của cả họ.
Con dâu và con nuôi trong gia đình họ VÕ đã được pháp luật công nhận, đều có quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm thờ phụng Tổ Tiên, chăm lo việc họ như mọi thành viên khác trong gia đình.

2. Những người là nam giới từ trẻ đến già thuộc nội tộc (kể cả con nuôi hợp pháp) đều có nghiã vụ đóng góp kinh phí, công sức góp phần xây dựng, tu bổ Nhà Thờ, Mộ Tổ,... đúng với quy định của họ, của Hội đồng VÕ đại tộc. Con gái, con rể và các cháu, chắt bên ngoại gần , xa có lòng hiếu nghĩa, tự nguyện đóng góp, cung tiến xây dựng Nhà Thờ, Mộ Tổ và dâng hương,... phụng sự Tổ Tiên, đều được ghi nhận vào Sổ vàng công đức như mọi thành viên trong họ.

3. Họ có Trưởng tộc, Chi có Chi trưởng và các Tiểu chi, các Nhánh trưởng trực thuộc. Bởi vậy, xưng hô phải theo đúng trật tự trên dưới, thế thứ họ hàng.
Trưởng tộc chịu trách nhiệm chung trước Tổ Tiên và Dòng Họ, bảo đảm tổ chức thực hiện tốt Tộc ước, quản lý và bổ sung Tộc phả, duy trì thờ cúng Tổ Tiên của toàn dòng họ tại Nhà Thờ họ theo đúng lệ ngạch.
Chi trưởng, các Trưởng tiểu chi, các Ngành trưởng chịu trách nhiệm bảo đảm tổ chức thực hiện tốt Tộc ước, quản lý và bổ sung gia phả, tộc phả và thờ cúng Tổ Tiên, ông bà, cha mẹ mình được chu đáo.

4. Trưởng tộc, Trưởng chi phải chú ý phát huy vai trò của các cụ Trùm và các bậc cao niên trong họ;  cùng bàn bạc để tổ chức chỉ đạo duy trì tốt yêu cầu nội dung kế hoạch triển khai việc lễ Tổ trong những dịp Tết, Thanh minh, Chạp Tổ Họ, Tổ Chi,... phù hợp với khả năng và điều kiện, mọi người đoàn kết, vui vẻ, phấn khởi.
Ngày Rằm, Mùng Một âm lịch hàng tháng, đều tiến hành hương đăng, trầu nước nơi thờ Tổ Họ, Tổ Chi.
Trước ngày Tết Nguyên đán, trước Thanh Minh, bộ phận quản lý Nhà Thờ Họ và Tổ Chi phải có kế hoạch sửa sang bồi đắp Mộ Tổ, quét dọn trong ngoài Nhà Thờ, bày biện lễ vật, phân công đón tiếp đại diện các Chi và các gia đình đến dâng hương lễ Tổ. Sau khi lễ Nhà Thờ Họ, viếng Mộ Tổ xong, từng chi mới về Mộ Tổ Chi và lễ Tổ Chi.

Tối ngày Mùng 2 tháng 3 âm lịch, hai năm một lần, tất cả đại biểu mở rộng ở các Chi, các Tiểu Chi đều tề tựu về Nhà Thờ Họ tại Ấp 3, Xã Bình Thới, Huyện Bình Đại, Tỉnh Bến Tre để sáng sớm ngày Mùng 25 tháng 12 cùng nhau ra thắp hương Mộ Tổ Họ. Sau đó về Nhà Thờ Họ giỗ Tổ và họp  mặt, nghe Trưởng tộc báo cáo tổng quát về sự chuyển biến, tiến bộ cũng như các điểm cần ưốn nắn, bổ khuyết; những điểm cần bổ sung vào Tộc Phả; biểu dương khen thưởng người tốt, việc tốt, kể cả những con cháu học giỏi, thi đạt cao ở cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế. Đây cũng là dịp để mọi người thể hiện tình đoàn kết giữa các chi trong họ, là dịp toạ đàm thân mật bàn biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết nhược điểm và thống nhất kế hoạch tổ chức thực hiện việc họ 2 năm  kế tiếp.

5. Việc thăm hỏi, ốm đau, hiếu hỉ, mừng thọ, đỗ đạt, thăng tiến,...chủ yếu tiến hành trong Chi họ. Những trường hợp sau đây thì áp dụng chung trong cả họ:
Ốm đau do thời tiết, cảm cúm thông thường, điều trị ở nhà dăm ba hôm thì các gia đình ruột thịt và các gia đình trong họ gần kề sẽ qua lại thăm hỏi động viên. Nếu phải điều trị tại bệnh viện thì Hội đồng gia tộc trong Chi tổ chức đến thăm hỏi (Kèm một cân đường và một hộp sữa nước).

Khi gia đình nào trong Chi gặp rủi ro, hoạn nạn thì Hội đồng gia tộc vận động các gia đình trong Chi đến thăm hỏi, giúp đỡ. Nếu cần thì vận động quyên góp trợ cấp, giúp đỡ kịp thời.

Những gia đình có đám hiếu (người quá cố là ông bà, cha mẹ, hoặc chủ sự của gia đình) thì cần báo ngay để Chi trưởng cùng Hội đồng gia tộc đến nhà có việc hiếu để trao đổi về kế hoạch tổ chức tang lễ và phân công hỗ trợ chủ nhà ngay từ buổi đầu lễ tang. Tuỳ theo hoàn cảnh của từng gia đình có việc hiếu mà phúng viếng bằng vòng hoa, trướng, hay bằng tiền mặt ( Giá trị lễ viếng khoảng 100.000 đồng). Hội đồng gia tộc cần phối hợp với cơ quan đoàn thể sở tại, với tang quyến và Chính quyền địa phương thành lập Ban tang lễ, tổ chức phúng viếng và truy điệu, tổ chức đưa tang chu đáo. Nếu người quá cố thuộc diện con cháu trẻ tuổi thì đến chia buồn với gia đình.
Những người đến độ tuổi từ 70 trở lên thì cứ 5 năm một lần, đều được gia đình và Chi họ tiến hành lễ mừng thọ, tặng một bức trướng thêu với nội dung thích hợp (Trị giá bức trướng khoảng 150.000 đồng). Việc mừng thọ có thể kết hợp trong buổi họp mặt toàn Chi. Nếu gia đình có nguyện vọng tự tổ chức mừng thọ thì Hội đồng gia tộc đến gia đình mừng thọ, tặng quà.

Những người là Trưởng Chi, Trưởng Họ, Trùm Họ, khi đến tuổi được mừng thọ hoặc khi ốm đau phải  điều trị ở bệnh viện, khi tạ thế,...thì ngoài Chi sở tại, các Chi khác và Hội đồng VÕ đại tộc đều có trách nhiệm tổ chức chúc mừng, thăm hỏi, phúng viếng, tiễn đưa về nơi an nghỉ cuối cùng (Trị giá lễ mừng, quà thăm hỏi, phúng viếng của Hội đồng VÕ đại tộc, cao hơn Chi họ VÕ sở tại 40%).

Các gia đình khánh thành nhà mới, nhà có đám cưới hỏi,..thì việc đi dự và chúc mừng là do sự tự nguyện của các thành viên trong họ. Nếu có giấy mời Hội đồng gia tộc thì Hội đồng phân công đại biểu đến dự, với quà chúc mừng ở nông thôn là 100.000 đồng, ở thành thị là 200.000 đồng.

Trai gái trong họ khi tổ chức lễ thành hôn thì gia đình ấy tổ chức cho cặp vợ chồng mới cưới đó đến Nhà Thờ họ lễ Tổ để tỏ lòng hiểu nghĩa của mình. Nếu có tiền công đức tại Nhà Thờ Họ thì được ghi tên vào Sổ Vàng tại Nhà Thờ Họ.

Trai gái trong Chi Họ đang chung dòng huyết tộc thì không được lấy nhau, theo đúng pháp luật quy định.
Những thanh thiếu niên, sinh viên học giỏi, được Nhà nước cho đi học nước ngoài, tốt nghiệp đại học và trên đại học; những Nhà giáo, Thày thuốc, những nhà khoa học, các sĩ quan quân đội nhân dân và công an nhân dân được Nhà nước phong hàm, phong cấp ( Bên quân đội và Công an thì từ Trung uý trở lên, bên dân sự thì từ cẩp phó trưởng ngành huyện và tương đương trở lên); những người được Nhà nước tặng huân huy chương các loại; những người được tặng danh hiệu anh hùng, được tặng huy hiệu 40 năm tuổi Đảng trở lên, được đến Nhà Thờ Họ dâng lễ cẩn cáo Tổ Tiên và được ghi tên vào Sổ Vàng danh dự; nếu có tiền công đức thì được ghi thêm vào Sổ Vàng công đức.

Tất cả các gia đình thành viên trong họ, kể cả người ngụ cư ở tỉnh ngoài hay ở nước ngoài, đều được đến dâng hương lễ Tổ, được cung tiến tiền của tại Nhà Thờ Họ. Những trường hợp cung tiến tiền của trị giá từ 200.000 đồng trở lên để xây dựng Nhà Thờ họ đều được ghi tên vào Sổ Vàng công đức và sẽ được khắc tên vào bia đá tại Nhà Thờ họ. Trong cuộc họp mặt hàng năm, danh sách người tham gia công đức sẽ được thông báo trong dòng họ.

6. Mọi người phải có ý thức tìm hiểu về cội nguồn, Tổ tiên để tiếp tục bổ sung đầy đủ Tộc phả, chấp hành nghiêm những quy định trong Tộc ước, phải có trách nhiệm bảo vệ danh dự, uy tín của dòng họ.
Mỗi khi tổ chức sinh hoạt, giỗ Tổ, Thanh minh, Mừng thọ, Hiếu, Hỉ,... trong các gia đình, các Chi và dòng họ, đều cần phải có sự bàn bạc, phân công chuẩn bị chu đáo, đến họp đông đủ, đúng thành phần quy định và ăn mặc lịch sự. Mọi việc tổ chức cần bảo đảm yêu cầu về nội dung và hình thức đạt chất lượng cao, phù hợp với đường lối chung của Nhà nước và những quy định của địa phương. Nghiêm cấm tổ chức tuỳ tiện, xa hoa lãng phí, ăn uống quá chén, nói năng thiếu văn hoá ảnh hưởng đến tình đoàn kết và an ninh trật tự tại địa phương.


II. Tiếp tục phấn đấu học tập, giữ  gìn phẩm chất đạo đức và nâng cao uy tin dòng họ.


Chúng ta đều biết, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, Họ VÕ đã từng có nhiều Danh nhân, Danh tướng cùng trăm họ góp phần bảo vệ, xây dựng và tô điểm cho non sông đất nước, đã được lưu danh trong sử sách, do đó bổn phận những người thuộc dòng họ VÕ, dù bất cứ nơi đâu cũng phải tích cực học tập, tu dưỡng, nâng cao trình độ kiến thức, giữ gìn phẩm chất đạo đức và phát huy vai trò, vị thế của dòng họ, bằng cách:

1.Tất cả các chi , các tiểu chi và từng gia đình, từng thành viên trong họ đều có trách nhiệm đăng ký với họ, với cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội nơi mình công tác và sinh sống thực hiện nội dung của các cuộc vận động do Chính phủ và UBMTTQVN phát động như: “ Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hoá trên địa bàn dân cư”, “ăn tiêu, sinh đẻ có kế hoạch”, “Xoá đói  giảm nghèo”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”... Kiên quyết không để thói hư tật xấu và các tệ nạn xã hội len lỏi vào gia đình mình, Chi Họ mình.

2. Những người lớn tuổi như các cụ Trùm họ, Trưởng tộc, Chi Trưởng và những người là chủ sự gia đình, là cán bộ, bộ đội và thanh niên nam nữ trong gia đình phải là đầu tầu, gương mẫu, đoàn kết, quyết tâm xây dựng nếp sống mẫu mực. Luôn luôn nêu gương sáng về phẩm chất và đạo đức trong gia đình và xã hội. Phải có trách nhiệm nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ, chăm sóc giáo dục con em, cháu chắt mạnh khoẻ, chăm ngoan, học hành tiến bộ. Gia đình nào cũng có biện pháp thực hiện tốt cuộc vận động “ăn tiêu, sinh đẻ có kế hoạch”, “Xoá đói giảm nghèo”, làm ăn chính đáng, nói và làm đúng pháp luật, sống có kỷ cương, trên kính dưới nhường; xưng hô phải theo đúng phép tắc trên dưới, thế thứ họ hàng; nói năng, chào hỏi phải nhẹ nhàng lịch sự (Không nói trống không, không nói mày tao chi tớ); thái độ giao tiếp với dân làng, xóm phố cũng phải chan hoà, đúng mực.

3. Những người là cán bộ, đảng viên, công nhân thoát ly hoặc tham gia công tác ở địa phương (kể cả lực lượng vũ trang) vừa phải phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vừa phải ra sức khắc phục khó khăn tiếp tục học tập nâng cao trình độ văn hoá, ngoại ngữ, chính trị, nghiệp vụ hoặc nâng cao trình độ tay nghề, tăng tiến về các mặt để theo kịp với đà phát triển của xã hội.

Đối với lớp tuổi trẻ (con cháu nội ngoại trong họ) dù ở đâu cũng phải tích cực học tập văn hoá, khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ,...ở các cấp học để trở thành con ngoan trò giỏi, đỗ đạt cao. Đặc biệt là những cháu có năng khiếu, có biệt tài thì gia đình và chi họ, dòng họ cần quan tâm tạo điều kiện, động viên, giúp đỡ để các cháu đó được học đến nơi đến chốn để xứng đáng với truyền thống hiếu học và đỗ đạt cao của dòng họ VÕ Việt Nam.

4. Những con cháu học văn hoá từ trường tiểu học đến trung học phổ thông và đại học, trên đại học có thành tích vượt khó học giỏi xuất sắc liên tục được Nhà trường cấp bằng khen hằng năm thì các Chi họ tổ chức tiếp xúc biểu dương tặng quà lưu niệm động viên kịp thời.

Những gia đình trong họ được cơ quan, đoàn thể, từ xã phường trở lên khen thưởng gia đình “ Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hoá trong địa bàn dân cư” 3 năm liền, những người đạt danh hiệu sản xuất giỏi cấp quận huyện 4 năm liền trở lên, những người được bầu là Chiến sĩ thi đua 3 năm liền trở lên; những con em học tập thi học sinh giỏi cấp III trong tỉnh, thành phố đạt giải nhất, nhì, và từ giải 3 trở lên ở cấp quốc gia, quốc tế, hoặc thi đỗ cùng lúc vào cả 3 trường đại học đều được ghi tên vào Sổ Vàng danh dự, được cẩn cáo Tổ Tiên trong Chi, trong Họ tại kỳ họp Chạp Tổ Họ ngày 25 tháng 12 âm lịch (hai năm một lần), Họ có quà tặng lưu niệm.

5. Những gia đình và cá nhân nào trong các chi và Tiểu chi không tỏ rõ lời nói, việc làm tôn kính Tổ Tiên, không có ý thức thực hiện Tộc ước, không chung sức, chung lòng lo toan việc họ, hoặc gây mất đoàn kết trong gia đình, trong Chi, trong Họ, có những hành động xấu trái với đường lối chính sách, pháp luật của Nhà nước thì các Chi và Hội đồng gia tộc phải dùng mọi biện pháp, mọi hình thức, kiên trì giúp đỡ, giáo dục. Nếu người đó không chịu lắng nghe, không tu chí sửa chữa khắc phục, dần đến tù tội, làm ảnh hưởng đến thanh danh dòng họ “Con sâu để rầu nồi canh” thì họ phải xử lý cảnh cáo, thông báo trong Chi, trong Họ. Khi mãn hạn trở về thì gia đình và Chi họ sẵn sàng gần gũi , giúp đỡ phấn đấu tiến bộ. Nếu lại tiếp tục sai VÕ phải xử lý theo pháp luật, gây nhiều dư âm xấu ở địa phương thì Hội đồng gia tộc trong Chi họp lại xem xét, báo cáo lên Hội đồng VÕ Tộc đại Tôn xem xét. Nếu cần thì coi như người đó không có trong Họ. Tuy nhiên, sau khi thi hành án, xét thấy người đó có thái độ cải tạo tốt, sớm hoà nhập với gia đình và cộng đồng, làm ăn chính đáng,...được gia đình đề đạt, có đơn hứa hẹn phấn đấu trở thành người tốt thì Hội đồng gia tộc và đại tộc cho được dâng lễ cẩn cáo Tổ Tiên đại xá, sau đó được thông báo để mọi người trong họ biết rằng người đó đã tiến bộ, đã được trở lại tiếp tục sinh hoạt Họ.


 


 


Con cháu ở xa thì nên lập bàn thờ vọng:

  Chưa phải là phong tục cổ truyền, chưa có nghi lễ nhất định, mà chỉ là kinh nghiệm truyền cho nhau khoảng đầu thế kỷ lại nay tuỳ hoàn cảnh thuận tiện mà vận dụng:
- Khi bắt đầu lập bàn thờ vọng phải về quê chính báo cáo gia tiên tại bàn thờ chính. Sau đó xin phép chuyển một lư hương phụ hoặc mấy nén hương đang cháy giở mang đến bàn thờ vọng rồi thắp tiếp.
- Nếu có nhà riêng, tương đối rộng rãi khang trang, thì bàn thờ đặt hẳn một phòng riêng chuyên để thờ cúng cho tôn nghiêm, hoặc kết hợp đặt ở phòng khách, nhưng cao hơn chỗ tiếp khách.
- Nếu đặt bàn thờ gia thần riêng, thì phải đặt thấp hơn bàn thờ gia thần một ít.
Đặt hướng nào? - Hướng về quê chính, để khi người gia trưởng thắp hương vái lạy thuận hướng vái lạy về quê.
(Thí dụ người quê miền Nam sống ở Hà Nội thì đặt bàn thờ vọng phía Nam căn phòng hay ngoài sân, ngoài hiên. Không nên đặt bàn thờ trong buồng ngủ, trừ trường hợp nhà chật hẹp quá thì phải chịu. Không nên đặt cạnh chỗ uế tạp, hoặc cạnh lối đi).
- Đối với những gia đình ở khu tập thể nhà tầng, nếu câu nệ quá thì không còn chỗ nào đặt được bàn thờ.
- Những người sống tập thể, chỉ đặt một lọ cắm hương đầu giường nằm của mình cũng đủ, miễn là có lòng thành kính, chẳng cần phải câu nệ hướng nào, cao thấp rộng hẹp ra sao.

Mấy đời tống giỗ...

Theo gia lễ: "Ngũ đại mai thần chủ", hễ đến năm đời thì lại đem chôn thần chủ của cao tổ đi mà nhấc lần tằng tổ khảo lên bậc trên rồi đem ông mới mất mà thế vào thuần chủ ông khảo.
Thực chất chỉ có bốn đời, tức là làm giỗ cha mẹ (đời 2), ông bà (đời 3), cụ ông cụ bà (hay cố 4 đời) và kỵ (hay can 5 đời). Cao hơn kỵ gọi chung là tiên tổ, thì không cúng giỗ nữa, mà rước chung tất cả thuỷ tổ, tiên tổ các đời vào chung một nhà thờ mỗi năm tế một lượt. Thần chủ con cúng cha mẹ, đề là Hiền khảo, Hiền tỷ, đến khi người con trưởng chết, cháu đích tôn cúng ông bà, đối thần chủ là Hiền tổ khảo, Hiền tổ tỷ, đến lượt cháu trưởng mất, chắt trưởng tiếp tục thờ cụ là Hiền Tằng tổ khảo (hoặc tỷ), chít (chiu) trưởng thờ kỵ là Hiền Cao tổ khảo (hoặc tỷ). Sau năm đời thì rước vào nhà thờ tổ rồi chôn thần chủ đó đi. Trong nhà thờ tổ chỉ để duy nhất có một ngôi thần chủ cao nhất (thuỷ tổ hoặc tiên tổ bậc cao nhất của nhà thờ chi đó) gọi là "Vĩnh thế thần chủ".

Theo nghĩa cửu tộc (9 đời): Cao, tằng, tổ, phụ (4 đời trên); thân mình và tử, tôn, tằng tôn, huyền tôn (4 đời dưới mình).
Như vậy là có 4 đời làm giỗ (cao , tằng, tổ, phụ) tức là kỵ (hay can), cụ (hay cố), ông bà, cha mẹ.
Từ "Cao" trở lên gọi chung là tiên tổ thì không cúng giỗ nữa mà nhập chung vào kỳ xuân tế, hoặc phụ tế vào ngày giỗ của thuỷ tổ.

Trưòng hợp chết yểu có cúng giỗ không ?

Có hai trường hợp:
1. Những người chết đã đến tuổi thành thân, thành nhân nhưng khi chết chưa có vợ hoặc mới có con gái, chưa có con trai, hoặc đã có con trai nhưng ít lâu sau con trai cũng chết, trở thành phạp tự (không có con trai nối giòng). Những người đó có cúng giỗ. Người lo việc giỗ chạp là người cháu (con trai của anh hoặc em ruột) được lập làm thừa tự. Người cháu thừa tự được hưởng một phần hoặc toàn bộ gia tài của người đã khuất. Sau khi người thừa tự mất thì con cháu người thừa tự đó tiếp tự.
2. Những người chưa đến tuổi thành thân (dưới 16 hoặc dưới 18 tuổi, tuỳ theo tục lệ địa phương) sau khi hết lễ tang yết cáo với tổ tiên xin phụ thờ theo tiên tổ (gọi chung trong các bài văn cúng các bậc tiên gia là: Phụ vị thương vong tòng tự, không đặt linh vị từng vong hồn). Những người đó không có lễ giỗ riêng, ai có cúng giỗ chỉ là ngoại lệ. Có những gia đình bữa nào cũng xới thêm một bát cơm, một đôi đũa đặt bên cạnh mâm, coi như người thân còn sống trong gia đình. Điều này không có trong gia lễ nhưng thuộc vào tâm linh, niềm tưởng vọng đối với thân nhân đã khuất.

Lễ cúng giỗ vào ngày nào?

- Lễ cúng giỗ vào đúng ngày mất hay trước ngày mất một ngày? Có người cho rằng phải cúng vào ngày đang còn sống (tức là trước ngày mất), có người lại cho rằng "trẻ dôi ra, già rút lại", vậy nên chết trẻ thì cúng giỗ đúng ngày chết, còn người già thì cúng trước một ngày. Vậy có câu hỏi: "Người trung niên chết thì cúng vào ngày nào"?
- Ngày giỗ theo âm Hán là huý nhật hay kỵ nhật, tức là lễ kỷ niệm ngày mất của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cũng có nghĩa là ngày kiêng kỵ.
Nguyên ngày trước, "Lễ Giỗ" gọi là "Lễ chính kỵ": chiều hôm trước lễ chính kỵ có "Lễ tiên thường" (Nghĩa là nếm trước), con cháu sắm sanh một ít lễ vật, dâng lên mời gia tiên nếm trước. Ngày xưa, những nhà phú hữu mời thông gia, bà con làng xóm đến mời ăn giỗ cả hai lễ tiên thường và chính kỵ. Dần dần vì khách đông phải chia ra hai lượt; lại có những nhà hàng xóm mời cả hai vợ chồng nên luân phiên nhau, người đi lễ tiên thường, người đi lễ chính kỵ, ở nông thôn tuỳ theo thời vụ, muốn "Vừa được buổi cày vừa hay bữa giỗ", buổi chiều đi làm đồng về, sang hàng xóm ăn giỗ tiện hơn nên có nơi lễ tiên thường đông hơn là lễ chính kỵ. Dần dần hoặc vì bận việc hoặc vì kinh tế eo hẹp hoặc vì thiếu người phục dịch, người ta giản lược đi, chỉ mời khách một lần nhưng hương hoa, trầu rượu vẫn cúng cả hai lễ. Một vài nhà làm, những người khác thấy thuận tiện bắt chước, dần dần trở thành tục của địa phương.
- Việc cúng ngày sống (tức lễ tiên thường vào chiều hôm trước, nguyên xưa chỉ cúng vào buổi chiều vì buổi sáng còn phải mua sắm nấu nướng và ra khấn ở mộ yết cáo với thổ thần, long mạch xin phép cho gia tiên về nhà dự lễ giỗ). Cúng ngày sống hay cúng ngày chết, hay nói cách khác lễ tiên thường hay lễ chính kỵ, lễ nào là lễ quan trọng hơn, chẳng qua đó là cách biện hộ cho phong tục từng nơi.
- Kết luận: Nếu vận dụng đúng phong tục cổ truyền phổ biến trong cả nước thì trước ngày chết (lễ tiên thường) phải cúng chiều, cúng đúng ngày chết (lễ chính kỵ) phải cúng buổi sáng kể cả chiều hôm đó.


 


 

Gia Phả VÕ - BẾN TRE
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc VÕ - BẾN TRE.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc VÕ - BẾN TRE
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.