GIA

PHẢ

TỘC


VĂN
THỌ
XUYÊN
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
TỘC ƯỚC - GIA PHÁP

A.-MỤC ĐÍCH LẬP TỘC ƯỚC:


Để giữ gìn quan hệ huyết thống, phát huy truyền thống và bản sắc của họ Lê Văn làng Thọ Xuyên, các thành viên họ tộc thống nhất lập TỘC ƯỚC họ LÊ VĂN Thọ Xuyên với mục đích cơ bản:

Lập tộc ước là phù hợp với hiến pháp, pháp luật, chính sách và những quy định của chính thể Nhà nước và địa phương nơi họ tộc sinh sống. Từ ngày thủy tổ khởi sinh đến nay đã trên 250 năm, vậy tộc ước là nguyện vọng các con cháu họ Lê Văn.


Lập tộc ước là đưa ra những quy ước nhằm bảo tồn và phát triển họ tộc:

Tri ân Tổ Tiên, tiền linh;

Giữ gìn và quan hệ huyết thống, thân tộc;

Bảo đảm tính bền vững của dòng họ. Lập tộc ước là xây dựng nếp văn hóa nhằm bảo vệ và phát huy truyền thống gia tộc;

Giáo dục con cháu ý thức hướng về cội nguồn;

Sống theo đạo lý gia phong, có nghĩa tình, tôn trọng thứ bậc trên dưới, tuổi tác trong họ tộc;

Giữ mỗi quan hệ tốt đẹp với cộng đồng xã hội;

Tránh những việc nhầm lẫn giữa dòng họ, đời thứ bậc.



B.-NỘI DUNG TỘC ƯỚC



Chương 1: TỔ CHỨC HỌ TỘC

    

Điều 1: Thành viên họ tộc: Mọi người công dân, không phân biệt con gái, trai, dâu rể, cháu nội ngoại, có chung Thuỷ Tổ ông Lê Văn Rồng ở làng Thọ Xuyên đều là thành viên họ tộc Lê Văn. Thứ bậc trong họ tộc theo Phả hệ của Phả tộc Lê Văn Thọ Xuyên .

    

Điều 2:
Nhập họ: Khi thành viên trai của họ tộc sinh con trai hay gái và khi con trai cưới vợ, con gái cưới (gả) chồng đều phải có lễ thắp hương tại bàn thờ gia tiên, vào ngày sinh, ngày cưới, có thẻ hương đến Nhà thờ họ (Đại tôn, Trung Tôn, Chi họ) vào dịp Tết Nguyên Đán hoặc giỗ hội trong năm để kính báo và cầu mong tổ tiên chứng giám, phù hộ.
Trường hợp con ngoài giá thú, con nuôi, con riêng nếu gia đình chấp thuận làm con, cho nhập và ghi tên họ Lê trong giấy khai sinh, chứng sinh làm lễ nhập họ trong năm nhận con. Nhập họ có ý nghĩa giáo dục ý thức đạo hiếu, biết cội nguồn và nhớ đến tổ tiên, giáo dục ý thức sống có bổn phận với dòng họ, với mọi người.Trưởng chi và Trưởng tộc ghi bổ sung các trường hợp nhập họ vào phả hệ.

    
Điều 3:
Khai tử: Khi thành viên họ tộc mất (già trẻ, trai gái, dâu rể) thì tang chủ báo cho Trưởng chi và Trưởng chi báo cho Trưởng tộc để ghi chú vào phả hệ.

    

Điều 4:
Đại tôn, Trung tôn, chi tôn
Tiền thế Tộc lê Văn làng Thọ Xuyên gồm 09 cụ là anh em (thành viên đầu tiên của họ tộc);
Thủy Tổ hậu hiền là cụ Lê Văn Rồng; đứng đầu Đại tôn là Tộc trưởng. Đại tôn thờ cúng các bậc tiền linh của dòng họ Lê Văn.
Trung tôn ( thế hệ thứ II ) bao gồm các thành viên trực hệ thờ cúng các bậc tiền linh từ 7 (bảy) đời trở xuống. Vào đầu thế kỷ 21, họ Lê Văn có 02 trung tôn : Trung tôn Đầu Phái nhất ông Lê Văn Các và trung tôn phái nhì đầu phái ông Lê Văn Chỉnh ( là 02 người con của thủy Tổ Lê Văn Rồng )
Thế hệ dưới Trung tôn ( mỗi phái có 04 chi ) nên Tộc Lê Văn làng Thọ Xuyên hiện nay có 08 chi họ (đã xác định trong phả hệ).

    

Điều 5:
Trưởng tộc.Tuân theo phong tục truyền ngôi, kế vị của Tổ Tiên quy định: Người con trai mang tên dòng họ Lê đứng đầu chi họ trưởng (Chi Cả) là Trưởng tộc (Tộc trưởng), nếu người đó mất thì con trai trưởng của người đó được kế vị Trưởng tộc.

    
Điều 6:
Trách nhiệm của Trưởng tộc.


1) Chủ lễ cúng tế của họ tộc: ngày Tế Tổ, ngày lễ, tết.


2) Thắp hương, đèn, khấn Tổ tiên trong ngày sóc, vọng (Mồng Một, Rằm) hàng tháng.


3) Trông coi bảo quản hàng ngày Nhà Thờ (Từ đường) của họ tộc.


4) Thay mặt họ tộc, Hội đồng họ tộc thăm viếng hiếu hỷ đối với trưởng các chi họ và các bậc lão thành.

    

Điều 7: Hội đồng gia tộc: Hội đồng gia tộc gồm thành viên hiển nhiên và thành viên bầu chọn của họ tộc. Thành viên hiển nhiên gồm: Trưởng tộc, trưởng các phái, chi tôn. Thành viên bầu chọn gồm: Lão thành am hiểu họ tộc, người có tín nhiệm của họ tộc. Số lượng thành viên của Hội đồng gia tộc tuỳ từng thời điểm để chọn.

    

Điều 8:
Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng gia tộc: Chức năng: Thay mặt họ tộc điều hành hoạt động, chấn chỉnh, giáo dục lớp con cháu của họ tộc.
Nhiệm vụ:

1) Chuẩn bị nội dung, chương trình họp họ tộc và kế hoạch hoạt động trong 03 năm của họ tộc ( vào ngày tế xuân 03 năm liền ).


2) Nắm tình hình thực tế của họ tộc: lão, sinh, tử, di chuyển chỗ ở, thuận lợi, khó khăn của các thành viên họ tộc trong cuộc sống và xử lý theo tộc ước.


3) Chỉ đạo và giám sát các ban: Tài chính, Biện lý, lễ tang.


4) Đề xuất khen thưởng gương tốt trong họ tộc (học giỏi, làm ăn giỏi, v.v…); khuyên, hòa giải đối với cá nhân, nhóm cá nhân có nhiều thiết sót.


5) Có trách nhiệm thu thập thông tin, chuẩn bị cho bổ sung gia phả họ Lê văn đợt sau (tiếp)

    

Điều 9:
Các ban của họ tộc.
Ban Tài chính: Ban tài chính có nhiệm vụ quản lý, đề xuất mức góp và quyết toán công khai tài chính của họ tộc hàng năm. Ban Tài chính do họ tộc lựa chọn.
Ban Biện lý: Hội đồng gia tộc cắt cử Ban Biện lý, luân phiên hàng năm để quét dọn nhà thờ vào dịp cúng tế; chuẩn bị lễ vật: hương, đèn, hoa quả, trầu, rượu để thờ cúng tại Nhà thờ Tộc, chuẩn bị bữa ăn sau buổi cúng tế cho con cháu họ tộc về dự lễ. Đề xuất những vấn đề sửa chữa nhà thờ, đề xuất khen thưởng lớp con cháu.
Ban lễ tang: Khi có thành viên họ tộc mất, chi họ trực hệ cửa ban lễ tang họ tộc để phối hợp với ban lễ tang địa phương, tổ chức mai táng theo tục lễ. Ban lễ tang có trách nhiệm thông báo cho các thành viên trong các chi họ và các thành viên chi họ khác lân cận dự lễ tang và đưa tang.



Chương 2: THỜ PHỤNG, LỄ NGHI CỦA HỌ TỘC



    Điều 10: Nhà thờ họ, bàn thờ gia tiên.
Nhà thờ họ (từ đường) là nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà. Nơi xây cất nhà thờ phải chọn nơi cao ráo, xa đường sá để tránh ồn ào. Kết cấu nhà thờ vững chắc, hình thức trang nghiêm, cổ kính, 3 gian (gồm: 1 gian chính và 2 gian phụ). Trong nhà thờ thiết lập 3 dòng, một dòng chính và hai dòng phụ. Bàn thờ và các đồ thờ trang nghiêm, sạch sẽ, bền lâu.
Bàn thờ ông bà, cha mẹ đã mất được thiết lập ở nhà con trai trưởng, trong trường hợp các con trai ở xa cách nhau, đi lại khó khăn thì các con trai thứ có thể lập bàn thờ vọng. Nơi đặt bàn thờ là gian (phòng) chính, nghiêm trang, sạch sẽ.

    

Điều 11: Thờ phụng.
Chết chưa phải là hết, thể xác tiêu tan nhưng linh hồn thì bất diệt, linh hồn vẫn còn, vẫn hằng lui tới với gia đình, với người thân. Linh hồn người đã mất luôn gần gũi, theo dõi, nâng đỡ con cháu hàng hàng ngày. Con cháu thờ cúng Tổ tiên, ông bà, cho mẹ và những người đã mất là thực hiện mỗi giao lưu giữa cõi dương và cõi âm, mỗi giao lưu giữa con cháu hậu duệ đương thời với Thủy Tổ, Tổ Tiên, tiền linh, ông bà, cha mẹ đã quá cố. Thờ cúng Tổ tiên là Đạo Hiếu, uống nước nhớ nguồn. Họ tộc còn tồn tại chỉ khi hậu duệ còn thờ cúng Tổ Tiên; gia đình được vững bền chỉ khi con cháu biết thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Thờ cúng là một lễ vô cùng quan trọng, bởi qua đó, con cháu nhớ đến ông bà tổ tiên bởi tấm lòng thành kính đối với linh hồn người đã khuất. Tấm lòng thành kính không phụ thuộc vào việc làm giỗ lớn hay nhỏ, những lúc khó khăn, thờ cúng chỉ với nén hương, chén nước, quả trứng cũng giữ được đạo hiếu.Trải qua bao thế hệ các vị Tiên tổ của dòng họ chúng ta đã dày công vun đắp, xây dựng gia tộc lớn mạnh đến ngày hôm nay. Vì vậy con cháu Tộc Lê Văn phải luôn hướng về cội nguồn; dù cho sinh sống, làm ăn muôn phương, đến ngày Tế Tổ hãy quy tụ về nơi thờ phụng Tổ tiên, nơi mai táng thi hài người đã khuất với tấm lòng thành, nén hương thơm, hoa trái tươi lành, chén nước trong sạch để dâng lên linh hồn Tổ tiên chứng giám và phù hộ, độ trì cho thế hệ con cháu đương thời. Đó là đạo hiếu mà dòng họ Lê Văn gìn giữ bao đời nay; đó là phúc đức cho con cháu để lưu truyền nòi giống muôn đời sau; đó là sự trường tồn của họ tộc.


    1)Tế tổ: Ngày mà cả họ tộc tập trung về Nhà thờ Tộc để Tế Thủy tổ, Tiên tổ, tiên linh và tất cả linh hồn người của họ tộc đã mất. Ngày Tế Tổ là ngày mà con cháu hậu duệ trên dương thế tri ân Tiên Tổ, tưởng nhớ người đã khuất.



    2)Ngày giỗ: Ngày giỗ là ngày cúng vào ngày mất (âm lịch) của người trong chi họ. Trường hợp con cháu ở phân tán thì có thể hợp tự về ngày giỗ của người đầu chi đã mất.
Giỗ cha me: Cha, mẹ đã mất thì con trai, con gái phải làm giỗ cha mẹ hàng năm vào ngày mất (ngày âm lịch).Mục đích giỗ kỵ là để tưởng nhớ công ơn ông bà cha mẹ, ôn lại cuộc đời, ân đức để nhắc nhở con cháu nhớ và noi gương, đó là “Phúc Đức lưu Tử Tôn”.

    3)Tết Nguyên Đán và ngày sóc vọng: Con người sống trong thế giới tự nhiên bị chi phối bởi quy luật của tự nhiên, trong đó ngày giờ, năm tháng là từ quy luật chuyển động của quả đất, mặt trăng và mặt trời. Trong đó, ngày Tết Nguyên Đán là ngày đầu của một vòng quay quanh mặt trời của quả đất (theo lịch âm); ngày sóc là ngày đầu của một vòng quay quanh quả đất của mặt trăng (ngày tối trăng); ngày vọng là ngày mặt trăng được mặt trời chiếu sáng trọn vẹn. Để cảm tạ trời đất, từ ngày xưa, Tổ tiên chúng ta đã bày soạn bàn thờ để cúng trời đất, các vị thần linh đã che chở, phù hộ cho cuộc sống của chúng mình. Cùng với tế trời đất và các vị thần linh, những ngày này, con cháu cũng bày soạn bàn thờ cúng Tổ tiên, ông bà, cha mẹ để tưởng nhớ người đã mất và cần sự phù hộ đối với cuộc sống gia đình.Với truyền thống văn hóa tốt đẹp đó, con cháu họ Lê Văn cần duy trì vá phát huy, làm cho con người gắn bó với thiên nhiên, tưởng nhớ tới tiên tổ, ông bà, cha mẹ và người đã khuất.

    
Điều 11a: Bài cúng bằng chữ quốc ngữ (đọc to, nói rõ); có mẫu bài cúng cho các năm sau, trưởng tộc chuẩn bị và đọc.

    
Điều 11b: Nhà thờ họ tộc phải có diện tích khuông viên bằng sổ đỏ. Chủ sở hữu lâu dài của họ.

    

Điều 12: Tang lễ
.Sinh tử là một quy luật của tự nhiên, không ai tránh khỏi.Khi người ốm yếu, già cả sắp mất, biết mình phải từ giã cuộc đời, xa lìa cuộc sống, xa lìa người thân, khi đó sự có mặt của người thân, của anh em họ hàng ở bên cạn là niềm an ủi lớn lao, giúp cho người ốm có thể nhắm mắt bình an, thanh thản ra đi.
Đối với người mất thường có các lễ: lễ mộc dục (tắm gội, thay quần áo), lễ phạm hàm (gửi gạo, muối và đồ vật), lễ hạ thổ (tiếp âm) là những lễ tẩy trần và chuẩn bị cho người mất trước khi khâm liệm; lễ khâm liệm, lễ nhập quan, lễ triệu tịch điện, lễ thiết linh, lễ thành phục là những lễ chuẩn bị trước khi đưa tang.Lễ tang cho người mất là thể hiện sự kính trọng, thương tiếc của con cháu trong gia đình, họ hàng, làng xóm. Điếu văn trong tang lễ là lần cuối ghi nhận thân thế, sự nghiệp, công lao của người đã mất đối với gia đình, họ tộc và xã hội để con cháu luôn luôn ghi nhớ, mọi người biết.Lễ yết cáo để tổ tiên biết có người mất về chầu tổ.Lễ Phát dẫn, lễ an táng (hạ huyệt) để hoàn tất chôn cất người đã mất.Lễ tế ngu (3 ngày), lễ chung thất (50 ngày), lễ tốt khốc (100 ngày) là các lễ sau khi chôn cất.Nơi an táng là nghĩa địa của địa phương hoặc của chi họ. Phần mộ có mộ chí.Tùy theo phong tục địa phương, một số lễ nghi, thủ tục có thể giảm chước.Người đời dạy: “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Việc tang ma là việc nghĩa sau cùng đối với người mất, là tình cảm tận hiếu đối với bậc con cháu, là chia sẻ đau thương của tình làng nghĩa xóm.Khi trong chi, tộc họ có người qua đời, Hội đồng gia tộc và mọi người trong họ có bổn phận phối hợp với cơ quan, đoàn thể, đơn vị, địa phương và gia đình tang chủ tổ chức phúng viếng, tiến hành tang lễ, an táng người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng chu đáo.Tùy theo phong tục truyền thống và quy định của địa phương, nhưng yêu cầu việc tang ma trong dòng họ cần tuân thủ theo nếp sống văn hóa và đảm bảo hợp vệ sinh; không tổ chức ăn uống linh đình trong các lễ mai táng, lễ ba ngày, lễ năm mươi, lễ một trăm ngày.

    

Điều 13:
Cát táng, di dời mồ mả.
Làm lễ Cải táng. Đó là việc đưa hài cốt người mất đem táng ở nơi khác. Cát táng hay cải táng phải chọn một ngày thích hợp, không nên xung khắc với người mất. Trước khi cát táng, cúng Thổ thần Thiên địa nơi đào mả lên, rồi lại cúng Thổ thần Thiện địa nơi đem chôn cất. Khi hoàn tất cát táng, thắng hương cáo khẩn tại bàn thờ gia đình và chi họ để linh hồn người được di dời mồ mả và tổ tiên, ông bà biết.Ngày nay, con cháu ở phân tán, mặt khác địa phương đã có quy hoạch, nên mỗi chi họ nên có khu mộ để cải táng về một nơi để thuận tiện cho con cháu đi thăm viếng. Các bậc tiền bối của dòng họ đã quy tập về một khu mộ Đại tộc Lê Văn ở Làng Thọ Xuyên xã Duy Châu- Duy Xuyên- Quảng Nam .Người xưa tâm niệm và giáo huấn: “Sống cái nhà, già cái mồ”. Mồ mả tổ tiên dòng họ, chi họ là nơi tôn nghiêm, bất khả xâm phạm; con cháu trong dòng họ, chi họ phải thường xuyên trông nom, chăm sóc, bảo vệ, thăm viếng.Việc cất bốc mồ mả trong chi, họ tộc rất hệ trọng. Tuyệt đối không cất bốc mồ mả khi trong chi, tộc họ chưa đoạn hết tang khó. Việc cất bốc, di dời mồ mả của tổ tiên dòng họ cần được mọi người trong chi, tộc họ đồng thuận.

    

Điều 14: Dựng vợ, gả chồng, cưới hỏi.
Mọi người nam, nữ dòng họ Lê Văn đến tuổi trưởng thành đều có bổn phận, nghĩa vụ lập gia đình riêng nhằm bảo đảm sự phát triển, duy trì nòi giống dòng họ và dân tộc.Khi yêu, chọn vợ, chồng phải thực hiện theo Luật hôn nhân; trước khi có ý định xây dựng gia đình cần xem trong phả hệ họ Lê Văn để tránh hôn nhân cùng huyết thống. Trong nội tộc không được kết duyên xây dựng vợ chồng cho dù cách xa nhau nhiều đời. Theo phong tục xưa nay, còn nhận ra có quan hệ máu mủ, họ hàng thì không xây dựng gia đình vợ chồng với nhau.Người chuẩn bị lập gia đình riêng có bổn phận đến nhà thờ chi, tộc họ làm lễ cáo trình tổ tiên về việc bản thân xin lập gia đình với người mình yêu và bày tỏ lời cầu mong tổ tiên phù trì cho vơ chồng sức khỏe, sinh co đẻ cái, gia đình hòa thuận, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.Việc tổ chức cưới cần tổ chức thật sự có ý nghĩa, trang trọng, vui vẻ, tiết kiệm, theo phong tục và quy định của chính quyền địa phương, không quá khả năng tài chính làm ảnh hưởng cuộc sống sau đó.

    

Điều 15: Tân gia, khánh tiết .
Khuyến khích mọi người trong họ tộc tích lũy tài chính để xây dựng gia đình mình căn nhà vững bền để an cư mà lạc nghiệp. Khi làm nhà mới nên báo cho anh em họ tộc biết để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Khi hoàn thành nhà mới tổ chức nhẹ nhàng để chia vui với nhau.

    

Điều 16:
Mừng thọ.
Người xưa dạy “Ngũ phúc thọ vi tiên”. Tuổi thọ là phúc đứng đầu trong năm phúc lớn của con người. Tùy theo điều kiện của mỗi gia đình và phong tục tập quán của địa phương mà gia đình cùng với Hội đồng gia tộc tổ chức mừng và chúc thọ cho những người cao tuổi từ 60, 70, 80, 90, 95, 100, thật sự chu đáo, trân trọng và tiết kiệm. Việc tổ chức mừng thọ cần thật sự có ý nghĩa giáo dục ý thức tôn trọng người cao tuổi, qua đây đồng thời xác định bổn phận của người cao tuổi sống có ích, vui vẻ và gương mẫu để con cháu noi theo.

    

Điều 17: Thăm viếng.
Thăm hỏi, chia sẻ, giúp đỡ người đau ốm, bị hoạn nạn, khó khăn là việc đạo nghĩa, là sự biểu thị tình huyết thống, tình anh em của một chi họ, họ tộc. Tùy vào điều kiện mà thăm hỏi, giúp đỡ là lời an ủi, động viên, lời khuyên chân tình, cũng có thể là sự giúp đỡ vật chất, tài chính hoàn lại hay không hoàn lại để người bị đau ốm có điều kiện chữa bệnh, người gặp hoạn nạn vượt qua được khó khăn. Hội đồng gia tộc, chi họ thông báo cho dòng họ biết và vận động hỗ trợ.



Chương 3: QUAN HỆ HỌ TỘC - XÃ HỘI.



    Điều 18: Nếp sống của họ tộc. Gia đình là nền tảng cơ bản của dòng họ, là tế bào của xã hội. Mỗi gia đình hòa thuận, tôn trọng và nhường nhịn nhau, chung sức chung lòng đắp xây hạnh phúc tốt đẹp thì cả dòng họ mới tốt đẹp.Gia đình phải có gia phong: con cháu có bổn phận hiếu thảo, kính trọng ông bà, cha mẹ, người trên; ông bà, cha mẹ phải làm người tốt để con cháu noi theo; mọi thành viên trong gia đình chăm chỉ học hành, tích lũy kiến thức, siêng năng lao động, tinh thông nghề nghiệp; rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tránh xa thói hư tật xấu. Mọi người luôn có ý thức về nhà tuân thủ gia phong, ra xã hội tuân thủ pháp luật.Anh em trong chi họ, họ tộc Lê Văn phải biết tôn trọng, thương yêu, nhường nhịn, giúp đỡ nhau. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, anh em cùng huyết thống dù trực hệ hay chi khác, nhánh khác đều là ruột thịt của nhau, phải đùm bọc, thương yêu nhau.Căn cứ vào phả hệ của dòng họ mà xác định trên dưới, ông bà, chú bác cô gì, anh chị em, cháu chắt chút chít; tôn trọng thứ bậc đồng thời tôn trọng tuổi tác.

    
Điều 19: Tình làng nghĩa xóm. Gia đình là tế bào của dòng tộc và cũng chính là tế bào của xã hội. Để có một tộc họ tốt, xã hội tốt thì trước hết phải xây dựng từng gia đình thật tốt.Trong quan hệ xã hội phải tăng cường tình làng nghĩa xóm, luôn luôn gần gũi yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau khi tối lửa tắt đèn. Người đời dạy “Bà con xa không bằng láng giềng gần”, trong cuộc sống hàng ngày sự quan tâm, giúp đỡ của láng giềng gần gũi, của bạn thân, của cộng đồng dân cư có ý nghĩa quan trọng, sâu nặng vì đó là những việc làm cần thiết, kịp thời, hiệu quả.Mỗi thành viên trong gia đình là một người dân của đất nước. Cuộc sống của một con người không thể tách rời khỏi môi trường sống thiên nhiên và xã hội. Vì vậy, con người phải chịu sự chi phối bởi quy luật tự nhiên, ràng buộc bởi pháp luật của đất nước, quy định của cộng đồng.



Chương 4: XÂY DỰNG TRUYỀN THỐNG HỌ TỘC



    Điều 20: Tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Tình yêu thương của ông bà, cha mẹ đối với con cháu là lẽ thường tình như nước trong nguồn chảy ra. Tình yêu thương không chỉ là nâng niu, chiếu chuộng, mà việc lớn hơn, sâu nặng hơn đó là nuôi lớn khôn, dạy thành người.Anh em ruột thịt “đạp đầu nhau mà ra” là huyết thống đậm đặc nhất, cùng chung cha mẹ, cùng sống trong một nhà, cùng vui, cùng buồn. Khi trưởng thành không phải mọi anh em ruột thịt đều thành đạt như nhau, vì cơ hội và sự nỗ lực của mọi người khác nhau “mỗi cây một loại hoa, mỗi nhà một hoàn cảnh”. Điều cơ bản là phải biết thương nhau, giúp đỡ nhau “em ngã chị nâng”, đó mới là ruột thịt.Anh em dòng tộc là cùng chung huyết thống, cùng chung Thủy tổ, cùng chung cội nguồn. Anh em dòng tộc thương yêu, gần gũi quây quần nhau là biểu hiện nhớ ơn tổ tiên, bảo tồn tộc họ, có như thế thì “một giọt máu đào” mới hơn “ao nước lã”.

    

Điều 21: Hiếu học, học giỏi-thành tài : Cổ nhân nói “Nhân bất học bất tri lý, ấu bất học bất thành nhân”, nghĩa là người không học thì không có lý trí, trẻ không học thì không nên người. Bậc cha mẹ phải có nghĩa vụ và trách nhiệm cho con đi học.Là con cháu họ Lê phải chăm học và cố gắng học giỏi. Chăm chỉ học tập, miệt mài học tập dù không thành vĩ nhân thì cũng thành người có nghề nghiệp, tự lập cuộc sống “có công mài sắt, có ngày nên kim”. Con người có học mới biết tạo ra cuộc sống và hưởng thụ cuộc sống, chất lượng cuộc sống được nâng cao. Không tự ti và không tự mãn trong học tập, học tập suốt đời.Họ tộc xây dựng quỹ khuyến học để khuyến khích con cháu họ Lê chăm học, học giỏi. Phả tộc Lê Văn ghi danh người học giỏi, đỗ đạt. Lập danh sách con cháu có trình độ trên đại học ( cao học ) và cứ 03 năm bổ sung vào danh sách trên đại học. Lập bảng công đức ghi tên người tài .

    

Điều 22: Giỏi tay nghề, cuộc sống ấm no: Dù lao động chân tay hay lao động trí óc điều cốt lõi là phải có chí trau dồi, chuyên tâm, tìm tòi và phát huy mặt mạnh của mình “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.Con cháu họ Lê, mỗi người tìm và chọn lấy một nghề làm ăn phù hợp với trình độ, sở thích, điều kiện của mình để xây dựng và tích lũy kinh tế cho mình và gia đình mình. Khuyến khích người ho Lê tạo lập doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ tại quê hương, ở trong nước và nước ngoài để phát triển kinh tế, thu hút và sử dụng lao động của dòng họ, làng xóm, đất nước.Họ tộc tôn vinh và ghi danh vào Phả tộc Lê Văn những người họ Lê có học hàm học vị, nghệ nhân, doanh nhân thành đạt, có tay nghề cao, làm kinh tế gia đình giỏi, thu nhập cao.



Chương 5: TÀI CHÍNH CỦA HỌ TỘC

    

Điều 23:
 Quỹ của họ tộc. Mục đích xây dựng quỹ: chi các hoạt động của dòng họ: tu sửa mua sắm nhà thờ Tộc; quy tập, tu sửa khu mộ các Bậc Tiền hiền- Hậu hiền tộc Lê Văn ở làng Thọ Xuyên Duy Châu ; để khuyến học, khen thưởng.Nguyên tắc huy động quỹ:-Đóng góp bình quân theo đinh (con trai dương thế).-Tự nguyện (con gái dương thế)-Công đức theo hảo tâm.Mức đóng góp bình quân: Hội đồng gia tộc căn cứ nhu cầu kinh phí hàng năm đề xuất mức huy động, Họ tộc quyết định vào ngày mồng mười tháng ba hàng năm, vào ngày Tế xuân hàng năm Ban tài chính có trách nhiệm báo cáo quyết toán chi tiêu tài chính năm trước và lập kế hoạch tài chính cho năm sau.



Chương 6: HIỆU LỰC THI HÀNH



    Điều 24: Sửa đổi tộc ước, hiệu lực thi hành.
Tộc ước họ Lê Văn được các đại diện chi họ, các bậc cao niên thảo luận trên cơ sở những phong tục, quy định, thực tế hoạt động của họ tộc xưa nay để hình thành nên văn bản Tộc ước này. Trong ngày Tế xuân định kỳ 03 năm , họp Hội đồng gia tộc toàn thể con cháu họ Lê Văn làng Thọ Xuyên đồng tình, nhất trí thông qua và ban hành để thục hiện.
Việc thực hiện Tộc ước là ý thức hướng về Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, ý thức bảo tồn họ tộc, ý thức xây dựng gia đình vững bền của mỗi thành viên họ tộc; là tâm nguyện của chính mình trước linh hồn Tổ tiên, là trách nhiệm với con cháu để duy trì nòi giống.Khi có điều nào không phù hợp với thực tế, Hội đồng họ tộc thảo luận và thống nhất chỉnh sửa và thông qua các chi để triển khai thực hiện .
Toàn thể gia tộc con cháu họ Lê Văn làng Thọ Xuyên phát tâm tự nguyện, đồng tâm, đồng thuận thi hành tộc ước này.

Gia Phả LÊ VĂN THỌ XUYÊN
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc LÊ VĂN THỌ XUYÊN.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc LÊ VĂN THỌ XUYÊN
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.