GIA

PHẢ

TỘC

Nguyễn

Hán
-
Nguyễn
Văn
Dụ
(Đời
thứ
9)
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ THUỶ TỔ CỦA DÒNG HỌ
VIẾT VỀ THUỶ TỔ CỦA DÒNG HỌ
QUÊ CHA ĐẤT TỔ ***LÀNG xưa gọi là Kẻ Đồng, có từ thời Lê tuy các ông tiền khai khẩn họ Dương đi theo Nguyễn Hòang vào phía Nam núi “Hòanh sơn nhất đái” mưu đồ lập riêng bờ cõi chống Chúa Trịnh, phụng vua Lê (Lê mạt)! Mãi đến đời chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (cháu nội Nguyễn Hòang) năm Quý Sửu 1613 thì tiền khai khẩn họ Dương được cấp ruộng đất ở phía Bắc phá Hạc Hải thuộc phủ Khương Lộc, trấn Tân Bình, xứ Thuận Hóa. Sơ khai một nhóm độ mươi gia đình lập ấp ở trên bờ phá Hạc Hải, theo Ông Trùm chuyên khai phá ruộng hoang hướng về phía Tây, đóng góp quân lương cho Chúa Nguyễn, góp công phục dịch đào cống, đắp đập nhất là đào kênh chuyển lương nối liền phá Hạc Hải đến nhà Tràn (Trần Xá) tức là sông Kiến Giang ngày nay (xưa là 1 sông đào hẹp nhưng khi bị bão lớn cát bay lấp cửa bể Hòa Luật thì kênh nầy bị xé phá rộng ra thành sông- nước Lệ Thủy – Quảng Ninh nhập về 1 cửa bể : Nhật Lệ), đắp đường quan lộ từ Kẻ Vạn (Vạn Xuân) đến Kẻ Trường (Trường Dục) nơi tiếp quân giao lương của đầu lũy Trường Dục – Đào Duy Từ thời bấy giờ.

Đến năm Canh Thân 1620 các ông tiền khai khẩn Họ Nguyễn mới từ Thanh Hóa vào phò Nguyễn đánh Trịnh – nhập xóm Kẻ Đồng được cấp ruộng đất cày cấy ở Bồn Y (Nương Bòn), lập miếu đền thờ tạm cư tiếp tục khai khẩn huyền vũ có nhiều cây cổ thụ để tránh lụt bão mùa mưa, hạn hán mùa nắng.Tình nghĩa thông gia ngày càng phát triển giữa 2 họ Nguyễn – Dương. Tòan dân 2 họ quyết định dời bỏ 3 cả xóm cũ: Theo Ông Trùm xóm Mã Ca, Thầy Giác về nơi chung cư tức là làng mới ngày nay, lấy tên là làng Đặng Xá, nhưng thổ âm tục danh vẫn gọi là Kẻ Đồng; chữ Đặng Xá chỉ dùng trong các văn tự.

Trong thời giao tranh Trịnh – Nguyễn, dinh cơ tạm thời của Chúa Sãi đóng ở Dinh Mười (có lập chùa Dinh), có khi Chúa Sãi dời ra ở Dinh Ngói (có lập chùa Dinh Ngói) để đốc chiến ở bờ Nam sông Gianh – Huyện Bố Trạch ngày nay. Đóng ở Dinh Mười, Chúa Sãi sai quan quân đến Phủ Khương Lộc để thu thiế điền (Phủ đóng ở Hữu Hùng) mộ dân phu, tuyển binh và thu quân tình nguyện đánh Trịnh. Lúc ấy khi quân Trịnh tràn vào cửa Nhật Lệ để tiến vào Nam thường kêu la sợ hãi “Nhất sợ Lũy Thầy, nhì sợ lầy Võ Xá” cho nên không dám động đến Dinh Mười. Dân làng Đặng Xá vẫn an cư lạc nghiệp, dĩ nông vi bản, được mùa liên tiếp. Thừa thắng của Họ Nguyễn – các Ông tiền khai khẩn Họ Dương từ Bắc Ninh (Kinh Bắc) Họ Nguyễn và Thanh Hóa đưa anh em con cháu vào đây định canh định cư, từ đây làng thêm trù mật dần. Thời kỳ Tây Sơn, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ mộ binh để đạo quân Bắc tiến đánh quân Thanh, diệt Chúa Trịnh, vua Lê chiếm cả Thuận Hóa, Nghệ An, Thanh Hóa ra đến quốc đô tế cờ thắng trận ngày mùng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu 1789 – Dân làng lại theo quân Tây Sơn đi lính đi phu nộp thuế điền, quân lương nuôi quân Nguyễn Huệ tiến ra Bắc, lại về quê cũ Thanh Nghệ, Nam Định, Bắc Ninh rủ thân quyến, anh em họ hàng cùng vào Nam phân tán ra các làng khác ở xứ Thuận Hóa để dễ bề làm ruộng khẩn hoang nuôi sống. Lúc bấy giờ người đứng đầu dân làng gọi là Ông Trùm được đổi tên là Cai Xạ hoặc Tri Hương hoặc Xã trưởng – thuế khóa phu phen có đỡ hơn trước nhiều, dân chúng hưởng ứng theo quân Tây Sơn ngày càng đông, vì đã xóa được ranh giới Trịnh- Nguyễn là sông Gianh (Linh Giang) – Thuế giảm, diện tích canh tác tăng thêm, nghề nông tang phát đạt, thêm việc trồng bông kéo sợi, dệt vải. Tổ tiên ông bà các họ chuộng kinh sử, thi cử rước các ông Nho sĩ, Đồ Sinh từ ngòai Bắc vào dạy tư cho con cháu học chữ Nho, chữ Nôm – Có người đỗ đạt, có người làm thầy cúng, thầy địa,… dân trong làng mộ đạo Phật – Mỗi Họ dựng Đền làm Từ đường, làm chùa, lập vườn chùa…. Mỗi họ 1 chùa, giữa đồng làng có những bụi cây rậm như Bến Trùa (Chùa) – Trùa Cộ (cũ) – nền trùa (chùa) – Qua các trận bão lụt và sóng thần liên miên năm Mậu Dần 1638; Canh Thìn 1640; và Mậu Tý 1648, làng xóm tiêu hao, địa lý thay đổi, mất mùa đói kém, kênh đào phía Nam của làng đã bị bồi lấp (Kênh nầy gọi là kênh đào từ phía Nam Cổ Hiền qua Trường Dục đến Đặng Xá để vận tải quân lương cho chúa Nguyễn từ từ Phá Hạc Hải đến Lũy Trường Dục). Cửa biển Hòa Luật bị cát lấp, nước nguồn trận lụt to, nước phá Hạc Hải chảy mạnh xói lở mở rộng kênh Tùng rộng ra tức là sông Kiến Giang ngày nay (Kênh Tùng cắt ngang đất Hiển Vinh – Quảng Xá) Chúa Nguyễn cho đào để vận tải quân lương từ Phá Hạc Hải đi về Phủ Khương Lộc (đóng ở Hữu Hùng – Văn La) Dân làng ở vào vùng châu thổ tụ giang tức là Đại Giang (nguồn Trạm) và Long Giang (nguồn Côc) nước lũ thường hội tụ ở làng về mùa lụt, tạo mầu mỡ phù sa cho nông nghiệp, nhưng đến mùa khô gió Nam Lào về thì đại hạn (từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch) – Làng lại thêm tiền khai khẩn họ Trần nhập vào năm Kỷ Hợi 1719, từ Bắc vào ở Trần Xá rồi vượt sông Kiến Giang qua nhập cư ở Đặng Xá – Nối tiếp 5 đời liền lại tình nghĩa thông gia với Họ Dương – Họ Nguyễn. Sinh con đẻ cháu. Năm Nhâm Tuất – vua Gia Long ứng vị 1802, ngày mồng 2 tháng 5 âm lịch, triều Nguyễn lập chiếu phong Sắc Thần cho Làng và cả 3 họ đều được phong sắc tiền khai khẩn – Đổi tên làng Đặng Xá thành Quảng Xá năm Gia Long Bính Dần 1806, thuộc huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình. Đén đời vua Minh Mạng thứ 3, tu chỉnh hộ lại đinh điền, dựng đình Thần hòang, lập miếu vũ đồng thời thêm 1 cấp trên cấp huyện, dưới cấp tỉnh tức là Phủ Quảng Ninh, thay vì Phủ Khương Lộc trước đây thuộc xứ Thuận Hóa (Chúa Sãi).

Đến đời Thiệu Trị, mỗi họ dựng từ đường thờ Khai khẩn, mỗi chi có thờ Thủy tổ, cũng thời kỳ nầy dựng điện thờ đức Khổng Tử; dù đều là cột gỗ, mái tranh vách đất nhưng hễ xây dựng Từ đường Họ nào; xây dựng đền chùa miếu mạo nào đều phân bổ đều cho con cháu trong họ, dân làng đóng góp, việc cống thọ vừa phân chia đều vừa mở sổ lạc quyên, hằng tâm tự nguyện nên số vốn xây dựng càng lớn. Lại chia ruộng hương hỏa từ điền cho họ, cho những người ở nhà tăng, thờ cúng hàng năm giỗ kỵ, hương khói (như vuông chùa, vuông điện, ruộng họ, văn Bá để tế thánh). Lúc bấy giờ các khoa thi Hương, thi Hội đã có văn nhân của Làng, ở họ Dương giáp bảng đỗ tú tài cử nhân dưới triều Tự Đức, đã có vinh quy bái tổ.

Trong họ, người đứng đầu gọi là Tộc trưởng, là người cao tuổi nhất. Ra làng thì được ngồi ghế cao trước các vị khoa cử mà là vế con cháu các cụ Tộc trưởng. Mỗi họ đều có Lễ tế Xuân – Thu (1 năm 2 lần vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch) và Cầu yên tế thần 1 năm 1 lần (tháng 6 âm lịch sát đủ tam sanh từ ngày trước đến ngày sau chính lễ: 1 bò, 1 gà, 1 lợn) – Làng có Tiên chỉ, Lý trưởng sống vui vầy sung túc, tòan dân vẫn làm nông nghiệp thêm nghề canh cửi dệt vải, lo việc kiều lương, đạo lộ, cấu trúc nông giang đê điều, dân làng chung lo việc canh điều nạp tô! Đi lính đi phu theo lệnh nhà vua- đóng góp sức người sức của càng thêm nặng nề - Góp người đi lính (tứ như nhất, tam như nhất binh, ngũ như nhị binh có nghĩa là 4 trai lấy 1, 3 trai lấy 1, 5 trai lấy 2 đi lính chống Pháp xâm lược cuối đời Tự Đức Năm Giáp Tuất Hòa ước đầu hàng Pháp, vua ra chỉ dụ thừa nhận cai trị của nước Pháp (1874) – Triều đình nhà Nguyễn vẫn tồn tại để trị nước an dân nhưng nhà nho sĩ sinh đồ trong làng và sinh đồ trong huyện bất khuất đi theo Cần Vương chống Pháp gọi là Văn Thân!.

Dân làng vẫn yên ổn, nhưng bộ máy cai trị các cấp từ tỉnh xuống xã đều thay đổi- kẻ xin bãi chức về làng, người trao ấn từ quan, kẻ đi theo Pháp về làm tân quan, kẻ bỏ quê phát vãng. Từ đây các bộ đinh điền địa bạ phải tu chỉnh lại để bắt lính bắt phu và thu thuế điền, thuế thổ sản. Lý trưởng có quyền lớn nhất trong làng thay mặt nhà nước để trị dân – các làng nhập lại thành Tổng, Chánh tổng thay mặt Tri Huyện, Tri Phủ để đốc việc cai trị từng vùng. Theo đinh điền bạ năm Kỷ Mão (1879) thì ruộng của Ba họ khai khẩn đều bị xóa tạo thành công điền có tất cà là 204 mẫu (không kể thổ cư, nghĩa địa, từ điền, hương hỏa ruộng, chùa ruộng đình) dùng lệ quân cấp cho dân từ 18 tuổi trở lên là 108 nam dân đinh! Các văn tự khế ước trong làng chỉ dành riêng cho 6 sinh đồ mô tả (6 người biết chữ nho là học sinh và đồ sinh thí sinh) – Dân làm vẫn dĩ nông vi nghiệp học và làm thêm nhiều lọai thợ: thợ rèn, thợ mộc, thợ cối xay, thợ chạm, thợ rừng, thợ đan, thợ may,…nghề dệt vẫn càng phát triển thêm – ruộng cấp cho dân có dành riêng ruộng tốt cho binh điền (đi lính cho Pháp) học điền cho những người trúng khoa cử và lương điền (cấp cho những người làm công không lương cho Pháp) ***********************************************************

Đại Nam Thành Thái thập ngũ niên tuế thứ Canh Tý (1900) chính nguyệt sơ thập nhật tự tôn Thí sinh NGUYỄN VĂN CHẤN phụng sao bản chữ Nôm trên đây lưu tại Tộc Nguyễn từ đường, Quảng Xá xã, Trung Quán tổng, Phong Lộc huyện, Quảng Ninh phủ, Quảng Bình tỉnh! Sơ lược dịch là: Cháu là thí sinh NGUYỄN VĂN CHẤN phụng sao bản chữ nôm trên đây lưu tại Nhà thờ họ Nguyễn ở làng Quảng xá, tổng Trung Quán, huyện Phong Lộc, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; năm vua Thành Thái thứ 5 ngày 10 tháng giêng năm Canh Tý

Phụ lục : từ đời Tây Sơn cho đến vua Gia Long lập triệu ứng vị: dân làng vẫn dĩ nông vi nghiệp nhưng người học chữ nho, chữ nôm tăng thêm nhiều, bên cạnh làng ta có lành Bình Thôn (trước là Đình thôn của Cổ Hiền) mới lập – Làng Kẻ Tùng đổi thành Hiển Vinh, làng Nguyệt Ánh đổi thành Nguyệt Áng – Thế Lộc tách ra Vinh Lộc, Hữu Lộc, Tân Thành…Từ Gia Long đến Tự Đức cuối đời, thời tiết bất hòa. Lụt bão đại hạn, mất mùa đói kém liên tiếp lại bị dịch tả, đậu mùa, bị cướp ngòai bể xông vào cướp phá (tàu ô) – Đến ngày giặc Pháp xâm lược, Nguyễn triều có vua Hàm Nghi xuất bôn – Văn Thân phò vua giúp nước; giặc giã cướp bóc luôn luôn – kẻ bỏ quê lên Lào lên mọi – kẻ đi lính Tây lính tập càng nhiều bỏ quê ra tỉnh vào kinh làm ăn! Khổ nhất là sưu cao thuê nặng; bán ruộng bán nhà mà khó sống qua các nạn đói kém – Tuy vậy tình cảm dắt dìu nuôi nấng đùm bọc lẫn nhau giữa tình ba họ, kẻ giàu giúp nghèo; người sang đỡ hèn – đến năm 1901 trở đi lại phồn vinh trù mật (Tân Sửu) ruộng lại được mùa – người bỏ học theo nông càng nhiều hoặc chuyển học từ hán tự ra học quốc ngữ để mưu cầu vinh thân càng tăng thêm – Thông thương khắp nơi có người đi lính làm to, đi học chữ Việt, chữ Pháp mà đỗ đạt – ông trợ, ông cai, ông đội đã lần lượt thêm nhiều – Tiếp tục trùng tu đền chùa miếu vũ “Chùa phát đinh, đình phát phú” là câu nhật tụng để đóng góp lạc quyên kẻ giàu sang mà xây dựng. Thương nghiệp đã bắt đầu với những gian hàng xén nhỏ - rồi lập thêm chợ cuối Làng (1931) Dân làng sống lao động nông nghiệp với tôn ti họ hàng đầm ấm xa gần đùm bọc với nhau, tuy vậy lẻ tẻ vẫn còn cạnh tranh nhau, kiện tụng lẫn nhau vì đồng tiền hột thóc, vì điền thổ, hôn nhân, vì địa vị trước sau, vì nạp nương dường trộ, vì bàn cổ cúng mời, rốt cuộc đến của quan thì bên được bên thua đều tốn kém. Đến đây tên làng : Quảng Xá – tổng Trung Quán – (không có huyện) Phủ Quảng Ninh – Tỉnh Quảng BìnhNgày 10 tháng 12 năm Mậu Thìn (1928) các sinh đồ : Nguyễn Tặng, Nguyễn Văn Thái, Dương Quyền góp ý bổ sung phần phụ lục có Viên tử Nguyễn Bát sọan thảo – NGUYỄN ĐẠI TỰ cẩn sao ! Ngày 20 tháng 12 năm Mậu Thìn (1928)
**********************************************************

Chép lại theo nguyên bản chữ nho của Tộc Nguyễn từ đường (đã dịch ra tiếng Việt năm 1906 tức năm Bính Ngọ) dưới triều Thành Thái thứ 18 do thí sinh NGUYỄN VĂN CHẤN trưởng Nam của ông NGUYỄN VĂN DIỆU đã phụng biên mục lục thế thứ kỵ nhật tường biên vụ hậu: Ngày mồng một tháng bảy năm Canh Thân (11/8/1980), Kế thừa tự Phụng sao NGUYỄN ĐẠI CƯƠNG ***********************************************************

Chép lại theo nguyên bản viết tay của Ông NGUYỄN ĐẠI CƯƠNG, trưởng Nam của Ông NGUYỄN ĐẠI TỰ, đưa vào gia phả họ NGUYỄN – QUẢNG XÁ trên website của GIA PHẢ VIỆT NAM
Gia Phả Nguyễn Bá Hán - Nguyễn Văn Dụ (Đời thứ 9)
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Nguyễn Bá Hán - Nguyễn Văn Dụ (Đời thứ 9).
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Nguyễn Bá Hán - Nguyễn Văn Dụ (Đời thứ 9)
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.