GIA

PHẢ

TỘC

Nguyễn
Phước,
Hệ
7
Phòng
24
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ GIA SỬ CỦA DÒNG HỌ
NGUYỄN PHƯỚC
TẦM NGUYÊN
Dòng họ Nguyễn chúng ta nguyên quán ở làng Gia Miêu ngoại trang, tổng Thượng Ban, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung tỉnh Thanh Hoá . Đến triều Gia Long (1803), làng Gia Miêu ngoại trang đổi thành Quý Hương, huyện Tống Sơn đổi thành Quý Huyện .
Từ tiền bán thế kỷ 16 (1563) về trước, họ Nguyễn chúng ta là Nguyễn Văn, minh chứng bằng ngài Trình Quốc Công thân sinh ra Đức Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế Nguuyễn Kim huý là Nguyễn Văn Lưu .
Đến hậu bán thế kỷ 16 (1563) đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng Thái Tổ Gia Dủ Hoàng Đế , thế truyền rằng Hoàng Hậu Gia Dủ Hoàng Đế thụ thai gần đến ngày khai hoa nở nhuỵ, đêm ấy bà mộng thấy có một vị thần oai vệ đem đến tặng bà một tờ giấy điều lớn trong đó có rất nhiều chữ Phước . Sáng hôm sau, bà đem điềm chiêm bao ấy tâu lên Chúa thượng và chiều ấy, bà sinh được một hoàng nam (con thứ 6). Ý của Chúa thượng muốn dùng chữ Phước ấy đặt tên cho vị hoàng tử, nhưng triều thần nghị luận rằng : “Nếu Chúa thượng đặt tên là Phước sao hợp ý vị Thần kia, nên dùng chữ Phước lót vào giữa, tức Nguyễn Phước.... là đúng nhất, như thế sẽ có triệu triệu chữ Phước về sau”. Lời tâu ấy được Chúa Thượng chuẩn tấu và cho đặt tên hoàng tử đó là Nguyễn Phước Nguyên (Nguyên có nghĩa là nguồn). Và cũng bắt đầu từ đấy họ Nguyễn Văn đổi thành Nguyễn Phước. Sau này vị Hoàng tử Nguyễn Phước Nguyên tuy là con thứ sáu nhưng lại được kế vị Hoàng đế Đức Hy Tôn Hiếu Văn Hoàng Đế Nguyễn Phước Nguyên .
Đến hậu bán thế kỷ 16, Chúa Minh Nguyễn Phước Chu, Đức Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng Đế, cháu 6 đời của Chúa Sải Nguyễn Phước Nguyên, sinh hạ được 38 hoàng tử và 4 hoàng nữ.
Trong cuộc Nam tiến bình Chiêm, có 2 vị hoàng tử là:
Hoàng tử thứ 22: Nguyễn Phước Luân
Hoàng tử thứ 24: Nguyễn Phước Tôn
đến trấn nhiệm tại huyện Duy Xuyên (Quế Sơn), tỉnh Quảng Nam. Ngài Nguyễn Phước Lành là con trưởng của hoàng tử Nguyễn Phước Tôn đã đến quy dân lập ấp tại làng Phước Yên Hạ, tổng Phú Trung, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Sau này, đến triều vua Minh Mạng, làng Phước Yên Hạ đổi thành làng Phước Ninh, còn huyện Duy Xuyên tách phía Nam từ cầu Bà Rén vào lập ra huyện Quế Sơn bây giờ.
Do đó, tộc Nguyễn Phước tại Phước Ninh khởi nguồn từ thế kỷ 17 do vị tiền hiền Nguyễn Phước Lành, trưởng tử của hoàng tử Nguyễn Phước Tôn lập ra từ đấy và Đệ Nhất Thế Tông của chúng ta chính là ngài Hoàng tử Nguyễn Phước Tôn.
Đến đầu thế kỷ 18, ngài đệ thất thế tổ Nguyễn Phước Soạn (Phái Nhất Chi Nhì) sinh hạ được 6 nam và 11 nữ, 2 ngài trai 1 và 2 vô tự, các ngài trai ở giữa vẫn ở lại Phước Ninh riêng có 2 ngài là Nguyễn Phước Thỉnh thường gọi là Bái và ngài Nguyễn Phước Cót, thường gọi là ông Trùm Khâm đến khai hoang qui dân lập ấp phía Đông Bắc huyện Quế Sơn đặt xã hiệu là An Lộc. Hai ngài này là nhị vị tiền hiền của Nguyễn Phước An Lộc. Hiện nay con cháu ở đó rất đông, lập nên 2 Chi và có tông đồ phổ hệ đầy đủ.
Như trên đã nói, tổ tiên của chúng ta ngày xưa rất oai hùng, đã viết nên lịch sử cho cả đất nước, từ những bậc công thần qua các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, hậu Lê tiến đến tột đỉnh quyền uy là Hoàng Đế trị vì cả nước, đuổi Chiêm Thành, mở mang bờ cõi rộng thênh thang từ Thanh Hóa đến tận Cà Mau xa thẳm.
Với công đức lớn lao ấy, với lịch sử vẽ vang ấy, dĩ nhiên tổ tiên chúng ta phải trải qua nhiều bước thăng trầm theo định luật Thành……... Toại ... Hoại……...Không…... và Dinh – Hư – Tiêu - Trưởng
Qua nhiều diển biến của lịch sử, từ hậu bán thế kỷ 16, để tránh phiền phức nên tiền nhân của chúng ta, từ đệ lục thế tổ đã phải đổi họ, kẻ Nguyễn Văn người Nguyễn Đức theo kiểu sinh Văn tử Phước.
Khúc quanh lịch sử đã qua, Vua Gia Long phục quốc (1803), tất cả con cháu thuộc dòng Nguyễn Phước được cải lại là Tôn Thất nhưng vì ở xa, không có điều kiện nên tổ tiên chúng ta không cải đổi thành Tôn Thất như các hệ phái tiền biên khác.
Nay đất nước hoàn toàn thống nhất, chúng ta không còn ngại ngùng gì nữa trong việc cải phục dòng họ của mình, dòng Nguyễn Phước với một lịch sử oai hùng và một truyền thống vô cùng tốt đẹp.
Qua các cuộc chiến tranh dai dẳng, đa số con cháu trong tộc được sống yên lành nhờ hồng phúc tổ tiên che chở. Tuy nhiên với định luật hữu hình hữu hoại, do đó tông đồ phổ hệ của tộc bị thất thoát, hư hỏng ít nhiều. Nhờ ông bà chúng ta trước đây có sao lục mỗi chi phái một bản phổ hệ của mình để cất giữ và ghi chép thêm phần của chi phái mình vào. Chính nhờ những bản sao này cùng với bút tích ở các bài văn cầu siêu, làm chay trước đây để lại, chúng ta đã đúc kết lại được phổ hệ chung cho cả tộc nhưng dẫu sao vẫn không thể tránh khỏi thiếu sót nhất là những vị tiền bối tảo vong.
Nay con cháu toàn tộc đồng lòng đại biên tu toàn bộ tông đồ phổ hệ Nguyễn Phước Tộc tại làng Phước Ninh để lưu truyền hậu thế. Do đó chúng tôi tập hợp tất cả tài liệu sưu tầm do con cháu các chi phái lưu giữ, dựa vào các bút tích (phổ hệ, văn sớ cầu siêu, ma chay...) để viết nên cuốn phổ hệ này.
Về Phái Nhất Chi Nhất thì phổ hệ bị thất lạc, chỉ còn lại 3 tập văn cầu siêu trong đó có ghi đầy đủ tên từ đời theo thứ tự, tuy nhiên về phần con cháu từng đời thì lại khó phân biệt, người nào con của ông nào nên ghi chép lại rất khó khăn, những vị chúng tôi không phân biệt được con ai thì sẽ được liệt biên vào phần cuối mỗi đời của chi phái đó.
Về Phái Nhất Chi Nhì, nhánh về An Lộc đã có phổ hệ riêng đầy đủ. Con cháu ông Nguyễn Phước Ngữ là ông Thơ nhưng ông ta cũng không được khẩu truyền từ ông Nội trở lên. Phần ông Nguyễn Phước Cận, đến đời thứ 12 có ông Nguyễn Phước Mương tức Sang, đã qua đời, đến nay thì không còn ai. Bởi thế phần của ông Nguyễn Phước Ngữ và Nguyễn Phước Cận thì từ đời thứ 8 đến đời thứ 11 phải chừa trống.
Riêng về Phái Nhì, cả 2 chi 1 và 2 còn bản sao phổ hệ đầy đủ nên phần con cháu của Phái Nhì rất chính xác.
Như đã trình bày ở trên, chắc chắn rằng công việc biên tu này dĩ nhiên có những thiếu sót đáng kể, phần thì những bản chữ Nôm quá cũ, có chổ rách mất chữ , phần do ý người viết ban đầu chọn chữ dễ hiểu ví dụ chữ đọc “đưa” hoặc “đừa” cũng được. Do đó gặp những chữ nghi ngờ như thế thì chúng tôi ghi thêm chữ Nôm ấy vào.
NGƯỠNG VỌNG TIÊN LINH GIÁM THỨ CHO
Như đã trình bày ở trên, trong biến cố của lịch sử, từ đời thứ 6 trở xuống, có người cải Nguyễn Văn (Phái Nhất), có kẻ cải Nguyễn Đức (Phái Nhì)... có người đổi chữ lót linh tinh. Để thống nhất, chúng tôi ghi toàn thể là Nguyễn Phước đúng theo nguồn gốc của tộc, phần dưới chúng tôi ghi thêm nếu có. Ví dụ: ông Nguyễn Phước A (Đức A) để con cháu về sau đặng biết.
Theo quy định của tộc, từ đây về sau, con cháu trong tộc phải đặt đúng họ Nguyễn Phước để sau này khỏi thất lạc.
Công tác đại biên tu này khởi sự lúc 10 giờ sáng ngày 10 tháng 6 năm Giáp Tý, tức ngày 8 tháng 7 năm 1984 tại Phước Ninh và được sao ra 5 quyển để giao cho các chi phái phụng sự

NGUYỄN PHƯỚC TỘC - PHƯỚC NINH Đồng kính đại tu biên






Theo thời gian, nhà thở càng ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, con chấu đồng lòng kẻ góp công người góp sức để xây dựng lại nhà thờ. Đến tháng 12 năm 2012 khánh thành nhà thờ tôc Nguyễn Phước, con cháu đã bổ sung thêm những đời sau vào gia phả.
Để có thể lưu giữ gia phả bền lâu và con cháu có điều kiện tìm hiểu về tổ tiên gia tộc nên ông Nguyễn Phước Thịnh, đời thứ 14, Phái Nhất, Chi Nhì ở An Lộc, xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đã sắp xếp, cập nhật thêm thông tin để in cuốn gia phả của Nguyễn Phước - Phước Ninh lưu tại nhà thờ đồng thời kết hợp gia phả ở Phước Ninh với An Lộc để hoàn chỉnh thành gia phả Nguyễn Phước, Hệ 7 Phòng 24 và đưa toàn bộ lên Việt Nam Gia Phả nhân ngày khánh thành nhà thờ Tộc.

Phước Ninh tháng 12 năm 2012
NGUYỄN PHƯỚC TỘC




Gia Phả Nguyễn Phước, Hệ 7 Phòng 24
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Nguyễn Phước, Hệ 7 Phòng 24.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Nguyễn Phước, Hệ 7 Phòng 24
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.