GIA

PHẢ

TỘC

HỌ

PHƯỚC
HIỆP
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ GIA SỬ CỦA DÒNG HỌ
1. LỊCH SỬ HÀNH CHÁNH VÙNG ĐẤT CỦ CHI
(Theo Đại Nam Nhất Thống Chí)
Kể từ khi Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu (Chúa Sãi) vào Nam làm Kinh Lược, lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, vào mùa Xuân năm Mậu Dần (1698) thì vùng đất Củ Chi cũng chính thức thuộc về Việt Nam. Củ Chi lúc bấy giờ còn đầy rừng rậm với các loài thú dữ, cảnh vật hoang sơ. Mỗi xóm làng khoảng vài chục nóc gia, quần tụ trên những mảnh đất mới khai phá nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng bạt ngàn. Cho đến cuối thế kỷ 18, nhà bác học Lê Quý Đôn viết về vùng đất Gia Định như sau: “Đất Đồng Nai thuộc phủ Gia Định, từ các cửa biển lớn nhỏ như Cần Giờ, Soài Rạp đi vào toàn là những cánh rừng hoang vu đầy cỏ rậm, mỗi cánh đồng có thể rộng hơn nghìn dặm”. Thời điểm nầy, vùng đất Củ Chi thuộc tổng Bình Dương, huyện Tân Bình, phủ Gia Định. Đến năm Gia Long thứ 7 (1808), phủ Gia Định được đổi thành Gia Định Thành, Dinh Phiên Trấn được đổi thành trấn Phiên An, huyện Tân Bình được nâng lên thành phủ Tân Bình, tổng Bình Dương được nâng lên thành huyện. Huyện Bình Dương được chia làm 2 tổng là Bình Trị và Dương Hoà, lấy hai chữ tên huyện cũ đặt tên đầu 2 tổng.Sang đến triều Minh Mạng, dân số tăng lên rất nhiều, đất ruộng cũng được khai phá thêm, thôn ấp được thành lập thêm, nên địa bàn 2 tổng nói trên thuộc huyện Bình Dương được chia làm 6 tổng mới, được đặt tên theo cách thêm vào sau tên tổng cũ các chữ Thượng, Trung, Hạ để giữ được nguyên gốc. Do đó, 6 tổng mới mang tên : Bình Trị Thượng, Bình Trị Trung, Bình Trị Hạ ; Dương Hoà Thượng, Dương Hoà Trung, Dương Hoà Hạ. Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) tách phần đất phía tây bắc huyện Bình Dương, gồm một số thôn thuộc 3 tổng Bình Trị Trung, Bình Trị Hạ, Dương Hoà Thượng để thành lập huyện mới, đặt tên là huyện Bình Long. Huyện Bình Long là địa bàn 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi ngày nay. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí (1820--Trịnh Hoài Đức) thì danh mục phân ranh hành chánh là: Thành Gia Định, trấn Phiên An, phủ Tân Bình, có 4 huyện: 1/-Huyện Bình Dương, tổng Bình Trị, 76 xã thôn. 2/-Huyện Tân Long, tổng Dương Hoà,74 xã thôn. 3/-Huyện Phước Lộc. 4/-Huyện Thuận An.

*Tổng Bình Trị Hạ khá rộng, từ Phú Nhuận lên Hạnh Thông, An Nhơn, An Lộc, Bình Nhan, Bình Lý, Tân Mỹ, Thạnh Hoà, Thạnh Phú cho đến Tân Thạnh (Đông+Tây), tổng cộng có 22 thôn, 4 xã.

*Tổng Dương Hoà Trung có 1 xã, 20 thôn, bao gồm từ Tân Phú Trung lên Tân Thông, Mỹ Khánh lên một phần Trảng Bàng, qua Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây, Nhuận Đức, Trung Lập, Phú Hoà Đông. Đến năm 1841, huyện Bình Dương tăng thiết thêm huyện Bình Long như đã nói trên. Đến thời Pháp cai trị (1862), có 5 tổng là Bình Thạnh Thượng, Bình Thạnh Trung, Bình Thạnh Hạ, Cầu An Hạ và Long Tuy Thượng. Năm 1867 huyện Bình Long còn 4 tổng là : Long Tuy Thượng, Bình Thạnh Thượng, Bình Thạnh Trung và Bình Thạnh Hạ. Năm 1872, huyện Bình Long còn 3 tổng là : Long Tuy Thượng, Bình Thạnh Trung và Bình Thạnh Hạ. Năm 1900, tổng Long Tuy Thượng chia thêm 2 tổng Long Tuy Trung và Long Tuy Hạ. Những năm đầu thế kỷ XX , tỉnh Gia Định được chia làm 4 quận là : Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức và Nhà Bè. Địa bàn huyện Củ Chi này nay thuộc quận Hóc Môn. Quận Hóc Môn có 5 tổng và 65 xã. Tổng Bình Thạnh Trung có 7 làng. Tổng Long Tuy Thượng có 6 làng. Tổng Long Tuy Hạ có 16 xã, tổng Long Tuy Trung có 18 xã đều nằm gọn trên địa bàn ngày nay của huyện Củ Chi. Còn tổng Long Tuy Thượng và tổng Bình Thạnh Trung chỉ có một số xã, thôn nay thuộc Củ Chi. Cuối đời Pháp thuộc, chính quyền Pháp sáp nhập một số xã , thôn ít dân lại thành những xã mới rộng hơn, đông dân hơn. Vì thế, quận Hóc Môn vào năm 1944 chỉ còn 28 xã. Tổng Long Tuy Hạ còn 4 xã là: Thái Mỹ, Trung Lập, Phước Hiệp và Tân An Hội. Tổng Long Tuy Trung còn lại 4 xã là: Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây, Nhuận Đức, Phú Hoà Đông. Tám xã của hai tổng nói trên cộng thêm các xã Tân Phú Trung, Phước Vĩnh Ninh của Long Tuy Thượng; Tân Hoà, Tân Thạnh Đông của tổng Bình Thạnh Trung là thuộc địa bàn huyện Củ Chi ngày nay.

*Ngày 29-04-1957 , chính quyền Sài Gòn ban hành Nghị Định số 138-BNV-HC-NĐ qui định địa bàn các tổng Long Tuy Thượng, Long Tuy Trung, Long Tuy Hạ được tách khỏi tỉnh Gia Định, để đến ngày 30-8-1957, lập thành quận Củ Chi trực thuộc tỉnh Bình Dương. Từ đó đến nay, tên Củ Chi chính thức được công nhận là địa danh hành chánh cấp huyện. *Đến năm 1963, chính quyền Sài Gòn chia quận Củ Chi thành hai quận : quận Củ Chi thuộc tỉnh Hậu Nghĩa và quận Phú Hoà thuộc tỉnh Bình Dương. Quận Củ Chi gồm các xã : Phước Hiệp, Phước Vĩnh Ninh, Tân An Hội, Tân Phú Trung, Thái Mỹ và Trung Lập. Quận Phú Hoà có các xã An Nhơn Tây, Bình Mỹ, Nhuận Đức, Phú Hoà Đông, Phú Mỹ Hưng, Tân Hoà, Tân Thạnh Đông và Trung An. Năm 1973, thành lập thêm xã Tân Thông Hội. *Sau ngày 30-4-1975, quận Củ Chi thuộc tỉnh Hậu Nghĩa và quận Phú Hoà của tỉnh Bình Dương được nhập chung lại thành Huyện Củ Chi, Thành Phố Hồ Chí Minh. -Năm 1977, thành lập xã Phạm Văn Cội. -Quyết định số 70/HĐBT ngày 11-7-1983 của Hội Đồng Bộ Trưởng, chia xã Trung Lập thành 2 xã : Trung Lập Thượng và Trung Lập Hạ; chia xã Phước Hiệp thành 2 xã Phước Thạnh và Phước Hiệp; giải thể xã Phạm Văn Cội 2 và tách Ấp Phú Trung, Ấp Phú Bình khỏi xã Phú Mỹ Hưng; Ấp Xóm Chùa, Ấp Xóm Thuốc khỏi xã An Nhơn Tây để thành lập xã mới lấy tên là xã An Phú. -Năm 1985, thành lập Thị Trấn Củ Chi theo Quyết Định số 25/HĐBT ngày 01-02-1985 của Hội Đồng Bộ Trưởng. -Hiện nay, huyện Củ Chi có Thị Trấn Củ Chi và 20 xã là : Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân An Hội, Phước Hiệp, Phước Thạnh, Thái Mỹ, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ, An Nhơn Tây, An Phú, Phú Mỹ Hưng, Nhuận Đức, Phạm Văn Cội, Phú Hoà Đông, Tân Thạnh Tây, Trung An, Hoà Phú, Bình Mỹ, Tân Thạnh Đông và Phước Vĩnh An.

2. BÀ ÚT HÔNG
(Tây Ninh, thứ Bảy 21/03/2015 - Ất Mùi)
Ông Út Hông (Võ Văn Hông) là người con duy nhất của ông Võ Văn Ngưu với bà vợ thứ (bà Lâm Thị Ngánh - giỗ ngày 19/10 AL). Theo lời kể của Bảy tôi (bà Võ Thị Á - là má nhưng gia đình tôi quen gọi là Bảy), ông là một người trọng danh dự, trọng lễ nghi. Trong lần giỗ cha (ông Võ Văn Ngưu), vì không được thừa nhận từ một số người trong dòng lớn (dòng vợ chánh), ông đã xin phép được thỉnh di ảnh cha về Tây Ninh để thờ và kể từ đó ông ít khi quay lại Phước Hiệp (Củ Chi). Sau này do chiến tranh loạn lạc, di ảnh của ông Võ Văn Ngưu do con cháu dòng lớn giữ đã không còn nữa. May nhờ Ông Út còn giữ di ảnh cha, truyền lại cho con trai là ông Võ Văn Hải mà di ảnh còn giữ được tới ngày nay. Tôi không biết mặt Ông Út Hông nhưng thường gặp Cậu Bảy Hải (Võ Văn Hải) và thấy cậu cũng là người trọng danh dự, sống có nghĩa tình, cậu thường nói câu ' Một giọt máu đào hơn ao nước lã', thật đúng với những thăng trầm mấy mươi năm của dòng họ Võ.
Hôm nay thứ Bảy tôi chở các con và bà nội về Củ Chi, Bảy tôi nói muốn đi thăm Bà Út Hông, là trưởng lão duy nhất còn lại trong chi của ông Võ Văn Ngưu, tôi liền gọi cho Cậu Bảy Hải và đưa hai má (Võ Thị Á và Võ Thị Thản) cùng chị Nguyễn Thị Lách đi. Chuyến đi thật viên mãn, không chỉ gặp được Bà Út mà còn gặp đầy đủ các dì: Võ Thị Thẳng (2), Võ Thị Thu (6), Võ Thị Lan (8), Võ Thị Phượng (9), Võ Thị Hòa (10), chỉ thiếu Dì út Võ Thị Hoanh là chưa gặp. Bà Út tuy hơi yếu nhưng vẫn minh mẫn và luôn tươi cười ở tuổi 90. Cuộc gặp thật thú vị với phần báo tin vui của Dì Mười Hòa, ngày 29/3/2015 tới đây là đám cưới của Dì mà Cậu Bảy Hải gọi là 'đám cưới Bà Ngoại' ! Chắc chắn là tôi sẽ lại đưa phái đoàn Phước Hiệp lên dự đám cưới này rồi, hứa hẹn cuộc hội ngộ họ Võ trong ngày vui của Dì Mười.

Chuyến đi này cũng hóa giải được mối bất hòa giữa Bảy tôi với Cậu Hai Kha (ông Võ Văn Kha, con của ông Võ Văn Nô). Chị em chú bác nhưng nhiều năm không gặp nhau, nay đề huề chị em và hẹn đám giỗ Ông Mười (Võ Văn Nô - 21/2 AL) sẽ gặp lại nhau.

Vậy là chi của người con thứ 11 của Ông Cố Võ Văn Ngưu đã có thông tin đầy đủ.
Gia Phả HỌ VÕ PHƯỚC HIỆP
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc HỌ VÕ PHƯỚC HIỆP.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc HỌ VÕ PHƯỚC HIỆP
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.