GIA

PHẢ

TỘC

Họ
Nguyễn
Cao
Điền
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
TÀI SẢN, HƯƠNG HỎA, GHI CHÚ
TỘC ƯỚC HỌ NGUYỄN - CAO ĐIỀN
THANH LIÊN – THANH CHƯƠNG – NGHỆ AN

PHẦN MỞ ĐẦU
Dòng họ Nguyễn – xã Cao Điền – Thanh Liên – Thanh Chương – Nghệ An nguyên có nguồn gốc từ Huyện La Sơn tỉnh Hà Tĩnh ( nay thuộc Đức Thọ và một số xã ở Can Lộc - Hà Tĩnh - ND). Dưới thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) gặp loạn lạc, Triệu tổ ta tìm tới đất này lập ấp. Đến nay đã gần ba trăm năm.
Con cháu trong họ luôn tự hào, giữ gìn và phát huy truyền thống Tổ tông dòng họ. Từ xưa dòng họ ta đã có tiếng hiếu học, nhiều người đỗ đạt, làm quan như cụ Nguyễn Văn Khóa ( tự Huy Châu) làm quan lục phẩm ( Sắc phong vua ban tại từ đường chi Thanh Lĩnh), cụ Nguyễn Huy Điển ( Bang Hồ) làm bang tá Tỉnh, cụ Hàn Hai – tự Nguyễn Chúc Long, cụ Bang Viêng – tức Nguyễn Huy Viêng….. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước có nhiều con em của dòng họ tình nguyện lên đường chiến đấu và có nhiều người anh dũng hy sinh.
Càng tự hào, chúng ta càng phải có ý thức bảo vệ và phát huy về truyền thống Tổ tông, dòng tộc.
Dòng họ ta từ xưa đã duy trì hoạt động việc họ khá chu đáo nhưng trong một giai đoạn sai lầm lịch sử của đất nước – thời kỳ cải cách ruộng đất – dòng họ đã có nhiều người con ưu tú bị hàm oan, bị đấu tố địa chủ, thậm chí bị giết hại. Nhà thờ họ hoang lạnh – anh em xa lánh nhau, hoạt động của họ đương đình trệ thật là bi thảm. Mãi đến những năm cuối của thập kỷ 70 thế kỷ 20 thì mới tạm thời được khôi phục và đến nay đã tương đối hoàn thiện.
Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ một Quy ước thành văn về lề lối, quy tắc hoạt động. Chính vì vậy, hoạt động việc họ vẫn chưa thật nề nếp, vẫn còn những điều cần phải chấn chỉnh để giữ gìn gia phong, phát huy truyền thống Tổ tông, cho Họ ta ngày càng rạng danh với trăm họ.
Nay chúng ta xây dựng Tộc ước này nhằm đưa việc họ vào nề nếp thống nhất, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” theo lời dạy của Tiên tổ “Cành lá trên cây vốn ở gốc rễ; Nước trong sông lạch vốn ở ngọn nguồn; Con cháu loài người vốn ở Tổ Tông; Người thân không thể để mất sự thân ái”, để xây dựng toàn họ ngày càng đoàn kết, thương yêu nhau, giữ gìn những tinh hoa, tập quán tốt đẹp của dòng họ, của tổ tiên di huấn lại.
Với lịch sử hào hùng lâu đời của các bậc tiền nhân dòng Họ ta đã gầy dựng, Ban biên soạn mạn phép lấy tôn chỉ : “Đoàn kết, Tương thân, Tương ái” cho anh em, con cháu hiện nay và đời đời sau làm tiên chỉ thực hiện.
Theo đề xuất của Hội đồng Gia tộc, với bổn phận một hậu duệ thành kính Tổ tiên và lòng nhiệt thành muốn góp phần thiết thực cùng Gia tộc giữ gìn và phát huy truyền thống dòng họ, Thạc sĩ Nguyễn An Hòa – kế thế Trưởng tộc đời thứ 10 đã sưu tầm, tham khảo Tộc ước của nhiều dòng họ khác nhau ở Việt Nam để thảo ra bản Tộc ước này.
Tộc ước gồm phần Mở đầu và 5 chương 21 điều:
Chương I. Tổng quan Dòng họ Nguyễn Cao Điền
Chương II. Quyền và bổn phận của các thành viên trong họ
Chương III. Quản lý tài sản của dòng họ; lập và sử dụng quỹ họ
Chương IV. Lễ Tế Tổ và hiếu, hỷ
Chương V. Khuyến học – Khuyến tài, khen thưởng và kỷ luật.
Bản thảo Tộc ước đã được các chi và các thành viên trong Hội đồng Gia tộc nghiên cứu kỹ, bàn thảo và chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần.
Tộc ước đã được thông qua lần cuối tại Hội nghị Hội đồng Gia tộc, có sự tham gia của đại diện Hội đồng các Chi, dưới sự chủ trì của ông Chủ tịch Hội đồng Gia tộc Nguyễn Cao Điền (tổ chức tại Nhà thờ họ ngày 12 tháng Giêng năm 201….),
Tộc ước được in phát cho các Chi thực hiện từ ngày … tháng … năm 20… . Mọi thành viên trong Nguyễn tộc Cao Điền có bổn phận thực hiện nghiêm các quy định của Tộc ước này. Trong quá trình thực hiện, nếu có điểm nào chưa thật phù hợp, Hội đồng Gia tộc sẽ xem xét bổ sung hoàn thiện tiếp.

***
















Chương I
TỔNG QUAN DÒNG HỌ NGUYỄN CAO ĐIỀN

Điều 1. Tổng quan tộc Nguyễn Cao Điền
1. Nguồn gốc và gia phả Họ Nguyễn xã Cao Điền
- Nguồn gốc Họ Nguyễn xã Cao Điền
Ban biên soạn xin trích một phần bản dịch quốc ngữ trong gia phả ghi về nguồn gốc, lịch sử dòng họ Nguyễn Cao Điền để thay lời giới thiệu :
“ ..Phả ký Họ Nguyễn xã Cao Điền do Tú tài Nguyễn Chúc Long bái soạn ( Gia phả cũ bị cháy mất do nhà thờ bị đốt thời loạn Giáo – Lương )
Nhà có phả như nước có sử, sử chép việc một nước, phả ghi việc một nhà (một dòng họ). Thời vận có lúc thịnh lúc suy, nhân sự không thể không thay đổi. Vậy nên theo đó mà ghi chép rõ để con cháu về sau được tỏ.
Được biết tiền nhân có công "đè tạo" dựng mối nhân duyên để ngày sau theo đó con cháu có đất sinh cơ.
Tông chi, thế thứ, húy hiệu, kỵ thì,... đều viết lên đây.
Họ ta nguyên trước là người Huyện La Sơn tỉnh Hà Tĩnh ( nay thuộc Đức Thọ và một số xã ở Can Lộc - Hà Tĩnh - ND). Dưới thời Lê Cảnh Hưng ( 1740 - 1786) gặp loạn lạc, Triệu tổ ta tìm tới đất này lập ấp.
Thuở ấy, nơi đây đất rộng người thưa, bụi bờ rậm rạp, Triệu tổ phát sạch gai gốc, dựng nhà, chiêu tập dân cư, khai khẩn ruộng hoang, gia nghiệp ngày càng hưng thịnh.
Triệu tổ siêng năng cần cù thật thà hòa nhã được mọi người kính mến. Thời ấy, trong xã có nhà Họ Phan là một dòng họ lớn, vui vẻ kết hôn nhân không kỳ thị Triệu tổ ta là dân ngụ cư.
Triệu tổ ta có bảy người con bốn trai và ba gái, nhập bộ tịch bản xã. Về sau con cháu ngày càng đông, văn võ kế phát, họ ta trở thành cùng vai cùng vế với các dòng họ lớn trong vùng, kể đến nay đã hơn trăm năm.
Đã có thời gặp loạn gia phả bị mất, tên tuổi thất thoát, song nhờ nhân hậu triệu bồi, giúp người tai mắt thu thập những điều đã nghe được, dùng tiêu đề phổ chí để con cháu biết, lấy đó làm bằng cứ.
Tộc nội nhĩ tôn Hàn lâm viện Tú tài Nguyễn chúc Long húy Quang bái soạn.
…..
Gia phả họ Nguyễn bằng chữ Nôm do cụ Nguyễn Huy Hiển dịch và chú ngày 20 tháng 02 năm Bảo Đại thứ 17 (1942)
Trong gia đình phải có gia phả như nước nhà có sử sách vậy. Sử chép việc trong nước, Phả chép việc trong gia đình. Bởi thời vận có thịnh có suy, người đời khi sống khi chết. Cho nên ghi chép lại, ngày sau con cháu xem đó mới biết công đức tiền nhân gây dựng cho con cháu đến đời nay vậy.
Ôi!
Tôn chi thế thứ, tên húy cùng ngày kỵ, phần mộ lâu dài ... sợ có khi sai lạc, xin kể sau đây :
Triệu tổ họ ta chính ở Tỉnh Hà Tĩnh, Huyện La Sơn, còn tổng xã thì không được rõ, bởi do năm Cảnh Hưng nhà Lê tao loạn, triệu tổ ta lánh nạn sang Tỉnh Nghệ An, huyện Thanh Chương, tổng Cát Ngạn, xã Cao Điền.
Buổi ấy, xã này người ít, ruộng đất rộng nhiều nhưng còn hoang vu. Ngài đến dựng nên nhà cửa, mở mang ruộng vườn, yên ủy láng giềng, chuyên cần dựng nghiệp. Càng ngày càng thịnh và sẵn lòng trung hậu, ai nấy yêu vì.
Đương lúc ấy, trong xã, Họ Phan là họ lớn, vui lòng kết thông gia, chặng xem là người ngụ khách. Ngài sinh được bốn trai, ba gái. Khi ấy mới nhập tịch xã, rồi con cháu đông, văn võ đều phát, sánh cùng mấy họ lớn trong xã, đến nay đã hơn hai trăm năm. vậy xin tiêu đề phổ chí, gầy dựng nền nhân, đặt bày sự tích diễn ca, (theo thể) "thượng lục hạ bát", để ngày sau con cháu dễ nhớ thuộc lòng mà xem xét vậy.
BÀI DIỄN CA CỦA DÒNG HỌ
Đạo con nhớ đức tiên khai
Vậy nên tôi phải đặt bài diễn ca
Tích xưa Hà Tĩnh tỉnh nhà
La Sơn huyện ấy chính là quê hương
Còn về tổng xã không tường
Bởi vì nhân lúc nhiễu nhương bất thường
Xem trong Nam sử bạt chương
Lê Cảnh Hưng hiệu nhiều đường loạn li
Tổ ta mới phải ra đi
Tìm nơi nhàn địa có khi tự cường
Sang đến Tỉnh Nghệ, Thanh Chương
Lên chơi Cát Ngạn tìm đường xã Cao
Xã này ruộng đất biết bao
Người thời còn ít tìm vào khai hoang
Dụ bàn những kẻ trong làng
Dựng nên nhà cửa mở đường trị sinh
Đàn anh trong xã cũng tinh
Chưa cho nhập xã xem hình khôi ngô
Sợ khi ngài lên làm to
Khi ấy trong xã hằng lo mọi bề
*
* *
Họ ta sự việc có lề
Ngoại xã lục nguyệt tổ về kỳ yên
Đặt lễ tế giữa thanh thiên
cầu cho con cháu diên niên thọ trường
Chuyên nghề cày cấy thường thường
Trên cho thịnh vượng khang cường phú gia
Bẩm sinh ngài vốn thật thà
Người dân ai nấy đều là kính thêm
Ông bà vốn tính thật nghiêm
Bôn trai ba gái ngày đêm chuyên cần
Họ Phan là họ công thần
Bằng lòng làm bạn hôn nhân giao hòa
Chẳng xem là người ở xa
Gả cho hôn trưởng tên là Thị Chân
Khi ấy sum họp mười phân
Mới nhập bộ xã, dần dần giàu sang
đời con phát đạt đàng hoàng
Sánh cùng mấy họ trong làng kém chi
Văn võ kế phát tức thì
Trăm năm đức Tổ duy trì đến nay
*
* *
Việc lễ nay đã đổi thay
Đặt lễ tỉnh mộ cứ ngày thanh minh
Đồng họ hợp tế tiên linh
Tháng Giêng, mười sáu, bình minh lễ thành
Con cháu phải nghĩ hiếu tình
Giữ cho tròn vẹn thái bình thảnh thơi
Diễn ca kể rõ mấy lời. »
( Bài ca về tên húy, mộ phần, ngày kỵ trang 26 -31, xin lược ).
( Trích trong bản dịch gia phả Họ Nguyễn - Chi Trưởng).
- Về gia phả ………………….( phần này nhờ Ông Nghiệm và các ông, cha, chú trong Hội đồng gia tộc thảo giúp ).
2. Nhà thờ họ
Nhà thờ Tổ họ Nguyễn ta được xây dựng từ rất lâu ( khoảng cuối thế kỉ 18 ) ở làng ….., xã Cao Điền, huyện Thanh Chương, Tỉnh Nghệ Tĩnh ( nay là xã Thanh Liên- Huyện Thanh Chương – tỉnh Nghệ An), trải qua rất nhiều thời kỳ lịch sử của đất nước, có lúc nhà thờ họ bị đốt phá, cháy mất cả Gia phả, có lúc bị bom đánh sập .v.v… Tuy vậy con cháu lúc nào cũng luôn chăm lo gìn giữ, tu sửa và bảo tồn nhà thờ họ tính đến nay đã hơn 250 năm.
Vào những năm cuối thập kỷ 70 ( năm 1977 ) nhà thờ họ lại bị di dời vào thôn Liên Sơn – Xã Thanh Liên – Huyện Thanh Chương – Tỉnh Nghệ An cho đến ngày nay.
Qua nhiều biến cố lịch sử, nhiều lần bị đốt phá, di dời nên mặc dù con cháu đã hết sức cố gắng giữ gìn, nhà thờ tổ hiện không còn được nguyên trạng hùng vĩ với đầy đủ Thượng đường, Hạ đường như ngày xưa Cha, Ông ta để lại.
Hiện tại cụm nhà thờ họ gồm có nhà thờ Thượng đường còn giữ nguyên trạng được 70% và nhà thờ Hạ đường con cháu làm mới vào năm 2010 – 2011. Và con cháu đang tiếp tục tôn tạo và tu sửa để cố gắng khôi phục lại phần nào di sản của cha ông đã dày công tạo dựng nên và để lại cho con cháu ngày nay.
Ngoài nhà thờ Tổ thì tại các chi, nhánh cũng đã xây dựng các nhà thờ bao gồm :
- Nhà thờ chi Thanh La ( Thanh Lĩnh )
- Nhà thờ chi Liên Khai
- Nhà thờ chi Thanh Mỹ
- Nhà thờ nhánh .............
3. Phần mộ Ông tổ, của chi Trưởng và các chi họ:
3.1. Phần mộ Tổ và chi Trưởng:
Phần mộ Tổ và các mộ phần của các bậc tiền bối thuộc chi Trưởng được đặt tại nhiều nơi như : Hồ Cơn, Hồ Mơng,……….. sau đó ( năm ……) con cháu tìm và di dời hết vào ngọn đồi thường được gọi là Rú Răm – Xã Thanh Liên – Huyện Thanh Chương – Tỉnh Nghệ An.
Năm 1994? con cháu đã xây dựng thành khuôn viên nghĩa trang dòng họ với diện tích khoảng 400 m2 và xây mộ Ông Tổ khang trang.
3.2. Phần mộ các chi
Phần mộ các chi nằm ở nhiều nơi bao gồm :
- Thanh La ( Thanh Lĩnh – TC –NA ) thuộc chi Thanh La
- Thanh Hương ( TC- NA) thuộc chi Thanh La nhánh Thanh Hương
- Đồi Lối Nu – (TC – NA ) thuộc chi Liên Khai
- Thanh Mỹ ( TC – NA ) thuộc chi Thanh Mỹ
- Đồi Rú Đồn - Xã Thanh Liên – Huyện Thanh Chương – Tỉnh Nghệ An thuộc một nhánh của chi Trưởng.
Điều 2. Tổ chức họ Nguyễn Cao Điền
1. Gia tộc
Toàn họ Nguyễn Cao Điền ta có 4 chi, thứ tự (ngôi thứ ):
- Chi Trưởng, Chi Liên Khai, Chi Thanh La ( Thanh Lĩnh), Chi Thanh Mỹ.
2. Thế tự trong Gia tộc
Họ có Trưởng họ, Chi có Trưởng chi, Nhánh có Trưởng nhánh.
Trưởng họ, Trưởng chi, Trưởng Nhánh trưởng được suy tôn theo thứ tự gia phong:
- Trưởng họ là con trai trưởng của Chi đầu ( Tộc Trưởng );
- Chi trưởng là con trai trưởng của đầu Chi ( Trưởng Chi );
- Cành trưởng là con trai trưởng của đầu nhánh ( Trưởng Nhánh ).
Tuy nhiên, khi một trong những người này vì điều kiện đặc biệt (lập nghiệp xa quê, bệnh nặng, mất trí, ý thức đạo đức kém dù dòng họ và đoàn thể xã hội đã góp ý giáo dục nhiều lần, hay phạm pháp mất quyền công dân …) thì Hội đồng Gia tộc bàn bạc, suy tôn người con trai thứ hoặc con trai trưởng của chú em liền kề làm Trưởng họ (hoặc chi, nhánh…).
3. Hội đồng Gia tộc
Hội đồng Gia tộc và Hội đồng Chi tộc là tập thể lãnh đạo cao nhất điều hành mọi việc họ của Gia tộc hay của Chi tộc. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc dân chủ tập trung: dân chủ bàn bạc, tập thể lãnh đạo, Chủ tịch quyết định cuối cùng theo ý kiến đa số.
Các vị Trưởng họ, Trưởng chi cũng là những thành viên của Hội đồng Gia tộc hoặc Hội đồng Chi tộc, vì vậy có trách nhiệm điều hành việc họ với tư cách uỷ viên Hội đồng và thực hiện phần việc được Hội đồng phân công..
a. Toàn Họ Nguyễn Cao Điền có Hội đồng gia tộc, từng Chi có Hội đồng Chi tộc, do toàn họ hoặc toàn Chi bầu ra để điều hành mọi việc họ.
b. Hội đồng Gia tộc gồm: 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và 6 - 8 uỷ viên (mỗi chi có ít nhất 2 người).
- Hội đồng Gia tộc gồm Trưởng họ, Trưởng các chi và những người có vai vế, đức độ, từ 25 tuổi trở lên và có ý thức chăm lo việc họ, do các Hội đồng Chi họ tiến cử, được mọi người trong họ tín nhiệm. Chủ tịch, Phó Chủ tịch do các uỷ viên Hội đồng Gia tộc bầu ra. Nếu Trưởng họ đạt được các yêu cầu trên làm Chủ tịch thì càng tốt.
- Hội đồng Gia tộc có nhiệm kỳ 5 năm. Những uỷ viên có uy tín, sức khoẻ tốt, chăm lo việc họ có thể được tín nhiệm nhiều nhiệm kỳ.
- Uỷ viên Hội đồng sẽ bị bãi nhiệm nếu mất uy tín do kém đức độ và thiếu ý thức chăm lo việc họ.
- Trong mỗi nhiệm kỳ, khi có uỷ viên Hội đồng qua đời, sức khoẻ suy giảm nhiều hay chuyển đi xa lập nghiệp, hoặc bị bãi chức, nếu cần thì có thể bổ sung người khác vào thay (tốt nhất là người cùng chi đó).
- Hàng năm, vào dịp chuẩn bị Tế Tổ, Hội đồng Gia tộc cần họp tổng kết hoạt động trong năm của họ, bàn về phương hướng hoạt động năm tới. Hội đồng có thể họp mặt bất thường khi có việc quan trọng đột xuất cần giải quyết.
c. Các ban
Hội đồng Gia tộc lập các Ban và phân công một số uỷ viên có năng lực phù hợp phụ trách ban đó để đảm trách từng phần việc cho hiệu quả:
- Ban Trị sự: phụ trách chung việc thực hiện Tộc ước, quản lý và tu tạo Nhà Thờ, Mộ Tổ, lo Tế Tổ, khánh tiết …
- Ban Tư liệu – Thông tin, Khuyến học – Khuyến tài: Quản lý và hoàn thiện Gia phả, tìm hiểu thông tin dòng họ, giao lưu kết nối dòng họ; phụ trách động viên con cháu trong họ học tập nâng cao kiến thức văn hoá, trình độ chuyên môn……
- Ban tài chính: gây và quản lý quỹ họ.
- Ban Tu tạo: thực hiện tu tạo, chỉnh trang Nhà thờ, Mộ Tổ (chỉ lập khi có đợt tu tạo, xong việc sẽ giải thể).
- Ban kiểm tra: thực hiện việc kiểm tra việc thực hiện quản lý và sử dụng quỹ Họ.
d. Con dấu của Hội đồng gia tộc (HĐGT)
- Con dấu của HĐGT do một ủy viên được HĐGT tín nhiệm chỉ định lưu giữ, bảo quản và sử dụng.
- Con dấu sử dụng trong các trường hợp khi có sự đồng ý của HĐGT hoặc của có chữ ký của Chủ tịch, các P. Chủ tịch HĐGT.

4. Hội đồng Chi tộc
a. Tổ chức Hội đồng Chi tộc :
Hội đồng Chi tộc gồm: 1 Chủ tịch, 1- 2 Phó Chủ tịch và 2– 4 uỷ viên (tuỳ số thành viên và số nhánh ở mỗi chi, mỗi nhánh nên có ít nhất 1 người).
- Hội Đồng Chi tộc gồm Trưởng chi, các Trưởng cành và những người có vai về, đức độ và có ý thức chăm lo việc họ, từ 23 tuổi trở lên, được các nhánh tiến cử và mọi người trong Chi tín nhiệm. Chủ tịch và Phó Chủ tịch do các uỷ viên Hội đồng Chi tộc bầu ra. Nếu Trưởng Chi đạt được các yêu cầu trên làm Chủ tịch thì càng tốt. Uỷ viên Hội đồng Chi tộc cũng bị bãi chức nếu mất uy tín do kém đức độ và thiếu ý thức chăm lo việc họ.
- Hội đồng Chi tộc cũng có nhiệm kỳ 5 năm. Việc kéo dài, bãi chức, bổ sung uỷ viên Hội đồng cũng áp dụng như của Hội đồng Gia tộc.
- Hàng năm, vào dịp chuẩn bị Tế Tổ chi, Hội đồng Chi tộc cần hội ý, chuẩn bị nội dung, phân công chuẩn bị cho ngày tế, thống nhất về đánh giá hoạt động trong năm của chi họ, phương hướng hoạt động năm tới để báo cáo toàn chi họ. Hội đồng cũng có thể hội ý bất thường khi có việc quan trọng đột xuất cần giải quyết.
b. Hội đồng Chi tộc lập các ban ( nếu cần thiết hoặc do Hội đồng Chi tộc chỉ định một Ủy viên kiêm nhiệm):
- Ban Trị sự: phụ trách chung việc thực hiện Tộc ước, quản lý và tu tạo Nhà Thờ Chi, Mộ Tổ Chi, lo Tế Tổ Chi, khánh tiết … Quản lý và hoàn thiện Gia phả Chi, tìm hiểu thông tin dòng họ, giao lưu kết nối dòng họ và phụ trách động viên học tập nâng cao kiến thức văn hoá, trình độ chuyên môn…
- Ban tài chính: gây dựng và quản lý quỹ Chi.
- Ban Tu tạo: thực hiện tu tạo, chỉnh trang Nhà thờ Chi , Mộ Tổ Chi (chỉ lập khi có đợt tu tạo, xong việc sẽ giải thể).
- Ban kiểm tra : thực hiện việc kiểm tra việc thực hiện quản lý và sử dụng quỹ Chi.

***

Chương II
QUYỀN VÀ BỔN PHẬN
CỦA CÁC THÀNH VIÊN TRONG HỌ

Điều 3. Quyền và bổn phận của Hội đồng Gia tộc, Chi tộc
1. Quyền của Hội đồng Gia tộc và Hội đồng Chi tộc:
- Hội đồng Gia tộc có quyền yêu cầu Hội đồng Chi tộc hoặc các chi, nhánh báo cáo định kỳ về tình hình và kết quả hoạt động của chi và các nhánh, những vấn đề cần xử lý…
- Hội đồng Chi tộc, Trưởng chi có quyền đề nghị Hội đồng Gia tộc cung cấp thông tin về hoạt động dòng họ, kế hoạch hoạt động các năm tới, phát triển và quản lý tài sản, gây dựng và sử dụng quỹ họ…Có quyền đề xuất ý kiến và tham gia vào các hoạt động việc họ.
- Hội đồng Gia tộc và Hội đồng Chi tộc có quyền triệu tập bất thường các thành viên trong Hội đồng hoặc những gia đình, cá nhân liên quan để họp bàn giải quyết những vấn đề quan trọng như đầu tư tu tạo Nhà thờ, mộ Tổ hoặc giải quyết những tiêu cực…
2. Bổn phận (nghĩa vụ)/ Trách nhiệm của Hội đồng Gia tộc và Hội đồng Chi tộc:
Hội đồng Gia tộc cùng Trưởng họ, Hội đồng Chi tộc cùng Trưởng chi và các Nhánh trưởng chịu trách nhiệm chung trước Tổ Tiên và toàn Họ, bảo đảm tổ chức thực hiện tốt việc họ theo Tộc ước, cụ thể là:
- Tu tạo, quản lý Từ đường, Mộ Tổ;
- Tổ chức họp mặt, dâng hương Tế Tổ hàng năm;
- Quản lý và phát triển Gia Phả;
- Giữ gìn nề nếp, gia phong, tuân thủ luật pháp;
- Thăm hỏi, quan tâm đùm bọc lẫn nhau, mừng thọ, lo việc hiếu, hỷ;
- Khuyến học, khuyến tài, khen thưởng, kỷ luật;
- Gây dựng, phát triển và quản lý Quỹ họ;
- Giao lưu, kết nối dòng họ: Vạch kế hoạch và thực hiện việc tìm lại cội nguồn ở Hà Tĩnh nhằm phát triển mối quan hệ dòng tộc và quảng bá hình ảnh Dòng họ ta… phù hợp với phong tục tập quán của địa phương và tuân thủ Luật pháp.
Điều 4. Quyền và bổn phận của trưởng họ, trưởng chi, nhánh
1. Quyền của Trưởng họ, Trưởng chi, nhánh :
- Ứng cử Hội đồng Gia tộc và Hội đồng Chi tộc.
- Chất vấn Hội đồng Gia tộc, Hội đồng Chi tộc về những vấn đề trong họ đang quan tâm.
- Triệu tập, giáo dục các thành viên trong nhánh, chi, họ tiến bộ.
2. Trách nhiệm của Trưởng họ, Trưởng chi, nhánh:
- Thực hiện tốt phần việc được Hội đồng gia tộc giao.
- Thường xuyên tu dưỡng, giữ gìn đức độ, làm gương tốt cho mọi người trong gia đình, cành, nhánh, chi, họ noi theo: từ việc chăm lo gia đình, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, học hành nâng cao kiến thức, chuyên môn nghề nghiệp và phải có ý thức chăm lo việc họ. Chấp hành nghiêm Luật pháp, không vướng vào các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, yêu đương bất chính…
- Khi có người trong chi, họ chấp hành Luật pháp không nghiêm, mắc phải những tệ nạn xã hội và không nghiêm túc thực hiện Tộc ước thì Trưởng họ, Trưởng chi, Trưởng cành, nhánh cần chủ động bàn bạc với Hội đồng Gia tộc và Hội đồng Chi tộc có biện pháp thích hợp, kiên trì giáo dục, tạo điều kiện để người đó tiến bộ.
Điều 5. Quyền và bổn phận của mọi thành viên trong họ
1. Mọi thành viên trong gia tộc đều có quyền:
- Thừa hưởng truyền thống dòng họ, thăm viếng và dâng hương lễ Tổ họ, Tổ chi và mộ Tổ theo ý nguyện.
- Mọi thứ tài sản, di sản thuộc văn hoá vật thể và phi vật thể hiện có là thành quả của bao thế hệ đã tạo ra đều là của chung, là quyền lợi vật chất và tinh thần mà mọi thành viên gia tộc đều có quyền thừa hưởng vào việc chung của dòng họ.
- Được tìm hiểu và nắm bắt các thông tin tư liệu, số liệu về truyền thống, về các hoạt động của họ Nguyễn Cao Điền ta.
- Được trực tiếp hoặc gián tiếp ứng cử, đề cử, bầu chọn người vào Hội đồng Gia tộc, Hội đồng Chi tộc. Có quyền bầy tỏ ý nguyện và tham gia góp ý kiến về những vấn đề có liên quan đến việc họ.
- Được yêu cầu Hội đồng Gia tộc và Hội đồng Chi tộc công khai tình hình hoạt động, quản lý và phát triển tài sản, gầy dựng và sử dụng quỹ họ. Được đề xuất các hoạt động, các biện pháp giữ gìn và phát huy truyền thống gia tộc; đề xuất yêu cầu xử lý những ngưới không nghiêm chỉnh thực hiện tộc ước…
- Được đề nghị Gia tộc giúp đỡ khi gặp khó khăn, tang tóc, hoạn nạn, tạo điều kiện phát triển về thể chất và tinh thần
2. Mọi thành viên trong gia tộc đều có Bổn phận:
a. Chăm lo việc Họ
- Tất cả mọi người trong từng gia đình, từng Chi, Nhánh thuộc dòng họ Nguyễn Cao Điền chúng ta đều thờ chung một Cụ Thuỷ tổ Nguyễn Văn Cập, cùng có mối quan hệ huyết thống, không phân biệt già, trẻ, giai, gái, con dâu, con nuôi, kể cả con rể và cháu chắt ngoại (nếu tự nguyện) đều có quyền và bổn phận thực hiện Tộc ước, phát huy truyền thống Tổ tông, thờ phụng Tổ Tiên, chăm lo việc họ.
- Con trai từ trẻ đến già trong họ (kể cả con nuôi hợp pháp) đều có bổn phận đóng góp tộc phí và công sức để duy trì việc họ, xây dựng, tu tạo Nhà Thờ, Mộ Tổ họ và Tổ chi …theo quy định của Hội đồng Gia tộc và Chi tộc.
- Con gái, con rể và các cháu, chắt bên ngoại gần, xa có lòng hiếu nghĩa, tự nguyện cung tiến tiền của, công sức để duy trì việc họ, xây dựng Nhà Thờ, Mộ Tổ và dâng hương phụng thờ Tổ Tiên đều được hoan nghênh và ghi nhận công đức vào Sổ vàng của Dòng họ.
- Mọi người trong toàn dòng họ cần tìm hiểu nắm rõ thứ tự các Chi, các đời để giữ gia phong và xưng hô theo đúng trật tự trên dưới, thế thứ họ hàng.
- Mọi người phải có ý thức tìm hiểu về cội nguồn, Tổ tiên để tiếp tục bổ sung Tộc phả, kết nối dòng họ.
- Mọi người cần bố trí công việc về dự lễ Tế Tổ đông đủ, ăn mặc chỉnh tề, giao tiếp lịch sự theo đúng thế tự gia phong, có ý thức tổ chức và tham gia mọi việc họ.
- Những người được Hội đồng Gia tộc hay Hội đồng Chi tộc giao đảm trách phần việc gì (như gây dựng và quản lý quỹ họ; trông nom nhà thờ và mộ Tổ, tu tạo nhà thờ – mộ Tổ…) phải có ý thực trách nhiệm trước Tổ Tiên, dòng họ thực hiện tốt phần việc được giao, không được tư lợi.
b. Phấn đấu, học tập, giữ gìn gia phong và phát huy truyền thống dòng họ.
- Tất cả các chi, nhánh và từng gia đình, từng thành viên trong họ thực hiện các cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hoá”, “Xoá đói giảm nghèo”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”…bài trừ mọi tệ nạn xã hội: mê tín dị đoan, cờ bạc, rượu chè, hút chích, mại dâm…
- Phấn đấu làm ăn chính đáng, chấp hành pháp luật, sống có kỷ cương, trên kính – dưới nhường; giao tiếp phải theo phép tắc trên dưới, vai thứ họ hàng, chan hoà đoàn kết với dân làng.
- Các vị cao niên, Trưởng họ, Trưởng chi, Trưởng Nhánh, các uỷ viên trong Hội đồng Gia tộc, Hội Đồng Chi tộc phải luôn gương mẫu và giáo dục, động viên con cháu trong dòng họ thực hiện Tộc ước: giữ gìn nề nếp gia phong – thuần phong mỹ tục, học tập nâng cao trình độ hiểu biết, tuân thủ Pháp luật, phụng dưỡng cha mẹ chu đáo, chăm nuôi con cháu học hành, công tác tốt, tránh xa các tệ nạn cờ bạc, rượu chè, nghiện hút…
- Những người là cán bộ, công nhân viên chức hoặc tham gia công tác (kể cả lực lượng vũ trang) phải phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khắc phục khó khăn tiếp tục học tập nâng cao trình độ văn hoá, ngoại ngữ, chính trị, nghiệp vụ.
- Lớp thanh thiếu niên (con cháu nội ngoại) phải tích cực tu dưỡng đạo đức, chăm học để trở thành con ngoan trò giỏi, đỗ đạt cao. Đặc biệt là những cháu có năng khiếu, có biệt tài thì gia đình và chi họ, dòng họ cần quan tâm tạo điều kiện, để các cháu thành tài, xứng đáng với truyền thống dòng họ.

***

Chương III
QUẢN LÝ TÀI SẢN CỦA DÒNG HỌ,
GÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG QUỸ HỌ

Điều 6. Tài sản của dòng họ
Tài sản chung của toàn gia tộc gồm bất động sản, đồ thờ, trang bị nội thất trong nhà thờ, mộ Tổ, các khu nghĩa trang và tiền bạc, do tiên tổ đã gây dựng và các thế hệ con cháu tu tạo, mở mang phát triển.
1- Bất động sản
Bất động sản của Gia tộc gồm đất nhà thờ, nhà thờ Tổ Họ, Tổ Chi, đất và mộ Tổ họ, Tổ Chi.
a- Đất nhà thờ: gồm toàn bộ diện tích đất đai, trên đó có nhà thờ, cổng và tường bao quanh (nếu có). Nhà thờ Tổ họ ở Thôn Liên Sơn, xã Thanh Liên, Huyện Thanh Chương, Tỉnh Nghệ An có diện tích khoảng 200m2. Nhà thờ chi Thanh Lĩnh…., Nhà thờ chi Liên Khai ….., Nhà thờ Chi Thanh Mỹ….., Nhà thờ nhánh …..,
b- Mộ Tổ họ đặt tại ngọn đồi thường được gọi là Rú Răm – Xã Thanh Liên – Huyện Thanh Chương – Tỉnh Nghệ An ( Điều 2, mục 3).
2. Trang bị nội thất
Trang bị nội thất nhà thờ là toàn bộ đồ thờ bao gồm: tủ, kệ thờ, lư hương, đỉnh …hoành phi, câu đối, cờ, kiệu, lễ phục, trống, chiêng, nhạc cụ …và bàn ghế, ấm chén…
3. Tiền bạc
Là tiền Quỹ họ, Quỹ Chi được gây dựng từ các nguồn như nêu ở Điều 9.
Điều 7. Trách nhiệm bảo vệ tài sản của gia tộc
Mọi thành viên trong họ đều phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ và phát triển, không được cố ý lấn chiếm, để thất thoát tài sản Họ, Chi họ.
1. Hội đồng Gia tộc, Hội đồng Chi tộc có trách nhiệm tổ chức quản lý.
Tuỳ từng thời kỳ, Hội đồng lựa chọn giao cho người có tuổi, đức độ và có có ý thức trách nhiệm với việc họ, trực tiếp trông coi, dọn dẹp Nhà thờ và Mộ Tổ.
Mọi thành viên trong Hội đồng Gia tộc, Hội đồng Chi tộc và các vị Trưởng họ, Trưởng chi có trách nhiệm chỉ đạo người trông coi Nhà thờ, Mộ Tổ thực hiện tốt trách nhiệm được giao như ở điểm 2 (dưới đây), giám sát thường xuyên việc bảo vệ và phát hiện những vấn đề cần uốn nắn, xử lý. Đồng thời phát hiện tình trạng xuống cấp của Nhà Thờ, Mộ Tổ để có kế hoạch tu tạo, nâng cấp cho ngày càng khang trang.
2. Trách nhiệm của người trông coi Nhà thờ:
a- Phải có đức độ, có ý thức giữ gìn toàn vẹn tài sản của Gia tộc, không được lợi dụng tài sản của Gia tộc để làm lợi cho các nhân mình. Không được lấn chiếm đất đai và gây cản trở cho các hoạt động việc họ. Không được để người khác lợi dụng tài sản Nhà thờ, sân vườn Nhà thờ vào mục đích riêng tư.
b- Giữ vệ sinh môi trường, sự tôn nghiêm của Nhà thờ, không để cho mọi sinh hoạt bình thường làm ảnh hưởng đến nơi thờ tự. Không để cho trẻ con vào nô đùa, nghịch phá trong khuôn viên Nhà thờ khi không có công việc.
c- Hương khói theo quy định và mở cửa cho các con cháu ở nơi xa về dâng hương Tiên Tổ:
- Mở cửa thắp hương Nhà thờ ngày Mồng Một và Ngày Rằm âm lịch hàng tháng.
- Mở cửa vào các ngày Tết, ngày Tế Tổ và các ngày Giỗ, kỵ.
- Mở cửa cho con cháu ở nơi xa về thắp hương Tiên Tổ vào bất kỳ thời gian nào.
3. Tiền hương khói trích từ Quỹ dòng họ do Hội đồng Gia tộc quản lý ( Điều 8).
4. Hàng năm, người trông coi Nhà thờ, Mộ Tổ được hưởng mọi khoản thù lao (nếu có ), do Hội đồng Gia tộc bàn bạc quyết định trích chi từ Quỹ họ.
Điều 8. Mục đích gây dựng và sử dụng quỹ Họ, quỹ Chi :
Gây quỹ họ nhằm duy trì các hoạt động việc họ:
- Tu tạo Nhà thờ Tổ, Chi, Mộ Tổ, Chi, trang bị nội thất, …;
- Chăm sóc, trông coi Nhà thờ Tổ, Chi, Mộ Tổ, Chi ( nếu có);
- Hương, đèn, cau, trầu, nước tại Nhà thờ Tổ, nhà thờ Chi, nghĩa trang Mộ Tổ, Lễ Tế Tổ và các lễ giỗ chạp khác;
- Thăm hỏi người bệnh, mừng thọ, hiếu, hỷ;
- Giúp người trong họ gặp khó khăn;
- Hoàn chỉnh và phát triển gia phả của dòng họ;
- Khuyến học – khuyến tài, khen thưởng;
- Thu thập thông tin tư liệu nhằm tìm lại nguồn gốc và kết nối dòng họ…
Điều 9. Huy động và Nguồn gây quỹ Họ, quỹ Chi :
Quỹ họ (chi) được gây dựng từ các nguồn:
- Đóng góp của các thành viên là con trai ( đinh ) trong họ theo quy định: … nghìn đồng/ năm/người cho Quỹ họ
- Cung tiến của con cháu làm ăn phát đạt, đi xa trở về;
- Cung tiến của con gái, con rể, cháu chắt bên ngoại;
- Cung tiến của các thành viên trong họ vào dâng hương lễ Tế Tổ, vào các dịp Lễ Tết, Mồng Một, ngày Răm, thành hôn, thành đạt trong học hành, làm ăn, thăng tiến về công danh…
- Cung tiến của các thành viên gia tộc khi làm Lễ vào họ cho con cháu….
- Và từ các nguồn thu khác.
Điều 10. Quản lý, thu, chi quỹ Họ
1- Quỹ Họ
- Việc huy động, thu, quản lý quỹ Họ do Hội đồng gia tộc và Ban Tài chính đảm nhiệm.
- Ban Tài chính đảm nhiệm việc chi quỹ Họ theo mức quy định cho từng công việc:
+ Với những khoản chi nhỏ, thường xuyên như hương khói, thăm hỏi, mừng thọ, hiếu, hỷ, khuyến học…Ban Tài chính chi theo quy định,
+ Với những khoản chi khác, nhiều và đột xuất, như tổ chức ngày Tế Tổ (riêng khoản liên hoan các thành viên tham dự đóng góp theo trù tính ngoài quỹ họ), trợ cấp đột xuất… trước khi chi, Ban Tài chính phải trình, thông qua Hội đồng Gia tộc duyệt, nêu rõ: mục đích, nội dung, mức chi, tổng số chi, ngày tháng năm chi. Tờ trình được duyệt chi phải có chữ ký của Trưởng ban tài chính ký trình và Chủ tịch (P.Chủ tịch) ký duyệt.
- Với những khoản chi rất lớn nhằm tu tạo, sửa chữa, xây dựng mới các công trình như Nhà thờ Tổ nghĩa trang Mộ Tổ ….nằm ngoài thu, chi của quỹ Họ được tiến hành theo trình tự các bước như sau:
+ Ban tài chính phải lập dự toán kinh phí, phương án xây dựng trình Hội đồng gia tộc.
+ Hội đồng gia tộc họp bàn và quyết định duyệt kinh phí, phương án và quy định mức thu sau đó thông qua toàn thể thành viên dòng họ vào ngày lễ Tế Tổ để đóng góp ý kiến và thống nhất.
+ Thành lập Ban quản lý xây dựng ( sẽ giải thể sau khi hoàn thành công việc ) và tiến hành xây dựng.
- Ban tài chính phải lập sổ theo dõi thu chi và các Tờ trình duyệt chi, hàng năm tính toán đầy đủ, chính xác, báo cáo Hội đồng Gia tộc, thông báo cho các Hội đồng Chi tộc và báo cáo Toàn họ trong đợt họp mặt toàn thể ở kỳ Tế Tổ.
2- Quỹ Chi họ
- Việc huy động, thu, quản lý quỹ Chi họ do một Uỷ viên Hội đồng Chi họ đảm nhiệm.
– Việc chi quỹ Chi họ cũng thực hiện theo nguyên tắc chi quỹ họ, do Hội đồng Chi họ xem xét, quyết định.
Hàng năm uỷ viên phụ trách tài chính phải lập sổ theo dõi thu chi và các Tờ trình duyệt chi, hàng năm tính toán đầy đủ, chính xác, báo cáo Hội đồng Chi tộc và báo cáo toàn chi họ trong đợt họp mặt toàn thể ở kỳ Tế Tổ Chi.
Điều 11. Kiểm tra, giám sát việc phát triển và sử dụng quỹ họ
Ban Kiểm tra có quyển yêu cầu Hội đồng Gia tộc và Ban Tài chính cung cấp mọi thông tin và số liệu để thực hiện kiểm tra, giám sát các mặt:
- Phương thức và kết quả phát triển quỹ họ;
- Tình hình quản lý quỹ họ: có lập sổ thu, chi và có ghi chép đầy đủ, rõ ràng không, có thực hiện tổng hợp số liệu thu chi từng việc và định kỳ hàng năm không;
- Phát hiện những tồn tại trong quản lý, sử dụng quỹ họ;
- Lập báo cáo kiểm tra và kiến nghi Hội đồng Gia tộc, Chi tộc hình thức xử lý các vụ việc xẩy ra ( nếu có) trong quản lý và sử dụng quỹ họ.

***

Chương IV
LỄ TẾ TỔ VÀ HIẾU, HỶ

Điều 12. Mục đích, yêu cầu tổ chức Tế Tổ
- Tế Tổ Họ, Tổ Chi là dịp họp mặt các thành viên trong Gia tộc, Chi tộc để tưởng nhớ và thể hiện lòng thành kính Tổ Tiên, ý thức “uống nước nhớ nguồn”; để tăng cường và phát triển mối quan hệ dòng tộc như lời Tiên Tổ “ Người thân không thể để mất sự thân ái”; để quan tâm lẫn nhau … và để phát huy truyền thống Tổ Tông, làm rạng danh dòng họ ta trước trăm họ.
- Tổ chức Tế Tổ: Bảo đảm yêu cầu về nội dung, hình thức và có chất lượng, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể, phù hợp với phong tục địa phương và phong tục, quy củ của dòng họ ta do cha ông truyền lại, tạo không khi vui vẻ, phấn khởi, đoàn kết. Không tổ chức tuỳ tiện, xa hoa lãng phí, ăn uống quá chén, giao tiếp thiếu văn hoá, gây mất đoàn kết và an ninh trật tự tại địa phương.
- Hội đồng Gia tộc, Chi tộc cùng các Trưởng họ, Trưởng chi phải chú ý phát huy vai trò của các bậc cao niên trong họ, cùng bàn bạc để tổ chức chỉ đạo duy trì tốt yêu cầu nội dung kế hoạch triển khai việc Tế Tổ – Trước ngày Tế Tổ, Tết Nguyên đán, trước các ngày lễ của Họ, bộ phận quản lý Nhà Thờ Họ và Nhà thờ Tổ Chi phải quét dọn trong ngoài Nhà Thờ, bày biện lễ vật, phân công đón tiếp đại diện các Chi, Cành, Nhánh và các gia đình đến dâng hương lễ Tổ.
Điều 13. Ngày Tế Tổ
1. Gia tộc lấy ngày 16/giêng (ÂL) hàng năm làm ngày Tế Tổ họ. Hình thức Tế lễ sẽ do Hội đồng gia tộc quyết định tùy vào tình hình từng năm.
2. Các Chi lấy ngày 15/Giêng làm ngày Tế Tổ Chi. Mỗi năm tuỳ quyết định của Gia tộc và điều kiện cụ thể từng chi, Hội đồng chi tộc quyết định hình thức tế lễ.
3. Mọi thay đổi về ngày Tế Tổ phải do Hội đồng Gia tộc, Chi tộc và Trưởng tộc, Trưởng Chi, nhánh quyết định sau khi đã thông qua thảo luận và nhất trí của 80% trở lên thành viên của dòng họ. Được lập thành Nghị quyết của Họ, Chi.
Điều 14. Hoạt động ngày Tế Tổ, lễ,Tết.
1. Lễ Tế Tổ họ:
Hội đồng Gia tộc cần họp tổng kết hoạt động trong năm của họ, bàn về phương hướng hoạt động năm tới. Vào năm tổ chức họp mặt toàn thể trong ngày Tế Tổ họ, Hội đồng Gia tộc cần tổ chức cuộc họp trù bị (có thể mở rộng mời các vị cao niên) để chuẩn bị nội dung, phân công chuẩn bị cho ngày Tế, thống nhất về đánh giá hoạt động trong năm và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ tới của họ để báo cáo thông qua toàn dòng họ. Trong cuộc họp này Hội đồng Gia tộc cũng sẽ thông qua chương trình Tế Tổ của năm.
a. Ngày Cáo Yết Tổ họ :
Hội đồng Gia tộc cùng Trưởng họ điều động thêm một số thành viên thay mặt toàn
họ tảo mộ Tổ, quét dọn bài trí Nhà thờ và tổ chức lễ Cáo Yết. Tùy vào tình hình từng năm, Hội đồng Gia tộc quyết định hình thức Cáo Yết.
b. Ngày Tế Tổ họ:
Hội đồng Gia tộc cùng Trưởng họ thông qua các quyết định đã họp trù bị để phân công nhiệm vụ cho từng Ủy viên, thành viên bao gồm :
- Dọn dẹp bài trí nhà thờ, hương đèn, cau trầu, hoa quả, chuẩn bị đồ phục vụ Tế Tổ.
- Đón khách, tiếp nhận lễ vật do con cháu nội, ngoại mang đến góp Tế.
- Phân công nhiệm vụ trong buổi lễ gồm có : Trưởng ban hành lễ, phụ tế, đọc văn, xướng lễ, đội nhạc,…..
- Sắp xếp khách, con cháu ngồi dự liên hoan thụ lộc phù hợp vai vế, tuổi tác, địa vị trong dòng họ.
- Giữ gìn an ninh trật tự trong quá trình diễn ra lễ Tế Tổ.
2. Lễ Tế Tổ chi:
Hội đồng Chi tộc cần hội ý, chuẩn bị nội dung, phân công chuẩn bị cho ngày Giỗ, thống nhất về đánh giá hoạt động trong năm của chi họ, phương hướng hoạt động năm tới để báo cáo toàn chi họ
a. Ngày Cáo Yết Tổ Chi: Hội đồng Chi tộc cùng Trưởng chi thay mặt toàn chi dâng hương Nhà thờ Tổ Chi, tảo mộ Tổ họ, Tổ Chi, quét dọn bài trí Nhà thờ Chi, dâng hương Nhà thờ Chi và tiếp đón các nhánh và gia đình vào dâng hương.
b.. Ngày Tế Tổ chi : Hội đồng Chi tộc cùng Trưởng chi cử người quét dọn, trang hoàng Nhà thờ chi, tổ chức dâng hương lễ Tổ chi, bàn việc chi họ và liên hoan thụ lộc.
c. Vào những năm Hội đồng Gia tộc quyết định Tế Tổ họ họp mặt toàn thể thì các Chi chỉ tảo mộ Tổ chi, làm lễ dâng hương Nhà thờ chi rồi tập trung về nhà thờ Tổ họ để làm lễ Tế Tổ họ.
3. Tết Nguyên đán
Hội đồng Gia tộc, Chi tộc cùng Trưởng họ, Trưởng chi cử người quét dọn, bài trí, mở cửa nhà thờ, phân công các thành viên phù hợp đi tảo mộ.
Chiều 30/Chạp tiến hành làm lễ Tất niên, bày biện lễ vật dâng cúng Tổ Tiên, báo cáo thành tích trong năm cũ.
Sáng mồng 1/Giêng theo tục lệ con cháu đến nhà thờ Họ, Chi, Nhánh để làm lễ dâng hương. Hội đồng Gia tộc, Chi tộc cùng Trưởng họ, Trưởng chi bố trí người tiếp đón chu đáo.
Điều 15. Kết hôn
1- Trai, gái trong họ chung dòng huyết tộc không được kết hôn với nhau.
2- Gia đình cần tổ chức hôn lễ cho con, cháu trang trọng – vui vẻ – văn minh – tiết kiệm.
3- Gia đình có thể đưa con, cháu đến nhà thờ Tổ dâng hương bái lễ Tổ tiên. Nếu có tiền của công đức tại Nhà Thờ Họ thì được ghi tên vào Sổ Vàng của họ.
Điều 16. Hoạt động việc hiếu, hỷ
1. Việc thăm hỏi (thăm người ốm đau, hiếu hỉ, mừng thọ, đỗ đạt, thăng tiến,…chủ yếu tiến hành trong Chi họ. Khi có người ốm đau do thời tiết, cảm cúm thông thường, điều trị ở nhà dăm ba hôm thì các gia đình trong họ gần kề qua lại thăm hỏi động viên. Nếu có người ốm đâu nặng, phải điều trị tại bệnh viện thì Hội đồng Chi tộc tổ chức thăm hỏi.
2. Khi gia đình nào trong Chi, Họ gặp rủi ro, hoạn nạn thì Hội đồng Gia tộc vận động các gia đình trong Họ đến thăm hỏi. Nếu cần thì vận động quyên góp trợ cấp, giúp đỡ kịp thời.
3. Gia đình nào có người mất (là ông bà, cha mẹ, hoặc chủ sự gia đình) thì báo cho Trưởng họ, Chi trưởng và Chủ tịch Hội đồng Gia tộc, Chi tộc. Trưởng họ, Chi trưởng và Chủ tịch Hội đồng Gia tộc, Chi tộc sẽ đến bàn kế hoạch tổ chức tang lễ và phân công hỗ trợ gia chủ làm lễ tang chu đáo. Gia tộc và Chi có phúng viếng (bằng vòng hoa, trướng, hay bằng tiền mặt (Giá trị lễ viếng khoảng ……. nghìn đồng trích từ quỹ Họ). Các gia đình trong chi họ phúng viếng tuỳ tâm, theo điều kiện từng nhà đến thăm hỏi chia buồn với tang gia.
4. Những người từ 70 tuổi trở lên thì cứ 5 năm một lần, được làm lễ mừng thọ. Nếu gia đình tự tổ chức mừng thọ thì Hội đồng gia tộc đến gia đình mừng, tặng quà (có thể là một bức trướng thêu với nội dung thích hợp, trị giá khoảng …….. nghìn đồng trích từ quỹ Họ). Việc mừng thọ cũng có thể kết hợp trong buổi họp mặt toàn Chi nếu có yêu cầu.
5. Những người trong Hội đồng Gia tộc, Chi tộc và Trưởng chi, Trưởng họ, khi đến tuổi được mừng thọ hoặc khi ốm đau phải điều trị ở bệnh viện, khi tạ thế,…thì ngoài Chi sở tại, các Chi khác và Hội đồng Gia tộc có trách nhiệm tổ chức chúc mừng, thăm hỏi, phúng viếng (Trị giá lễ mừng, quà thăm hỏi, phúng viếng của Hội đồng Gia tộc, cao hơn Chi sở tại 30% hoặc tùy vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể).
6. Các gia đình làm lễ tân gia, tân hôn,..thì việc đi dự và chúc mừng là do sự tự nguyện của các thành viên trong họ. Nếu có giấy mời Hội đồng gia tộc thì Hội đồng phân công đại biểu đến dự, với quà chúc mừng khoảng ……… nghìn đồng trích từ quỹ Họ.
7. Con cháu nội, ngoại được đi du học, tốt nghiệp đại học và trên đại học; những Nhà giáo, Thầy thuốc, những nhà khoa học, các sĩ quan quân đội nhân dân và công an nhân dân được Nhà nước phong hàm, phong cấp ( Bên quân đội và Công an thì từ Thiếu tá trở lên, bên dân sự thì từ cấp phó trưởng ngành huyện và tương đương trở lên); những người được Nhà nước tặng huân huy chương các loại; những người được tặng danh hiệu anh hùng được đến Nhà Thờ Họ dâng lễ cẩn cáo Tổ Tiên và được ghi tên vào Trang Vàng danh dự; nếu có tiền công đức thì được ghi thêm vào Trang Vàng công đức.
***


Chương V
KHUYẾN HỌC – KHUYẾN TÀI,
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 17. Gia tộc và mọi gia đình khuyến khích mọi thành viên trong họ học tập, nâng cao trình độ và kiến thức, tu dưỡng đạo đức xứng với lịch sử vẻ vang của dòng họ:
- Thực hiện Chương trình phổ cập giáo dục phổ thông của Nhà nước;
- Khuyến khích những người có khả năng học tập các bậc cao: đại học, trên đại học;
- Động viên và tạo điều kiện, giúp đỡ tài năng trẻ nhưng có hoàn cảnh khó khăn.
- Những người trong họ là nhà giáo cần quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho con em trong họ học tập tốt.
- Những người trong Họ có điều kiện vật chất, có địa vị xã hội …. cần quan tâm giúp đỡ con cháu trong Họ, tạo điều kiện để con cháu vươn lên trong cuộc sống nhằm xây dựng Họ ta ngày càng phát triển và giàu mạnh.
Điều 18. Hình thức khuyến học, khuyến tài
1. Hằng năm gia đình có người thi đậu vào Đại học, Cao đẳng, đạt kết quả tốt trong các đợt thi học sinh giỏi cấp Huyện trở lên, có người tốt nghiệp đại học, trên đại học…được dâng hương báo công trước Bàn thờ Tổ và nêu danh, biểu dương trong ngày Tế Tổ.
2. Lập Bảng truyền thống hiếu học tại Nhà thờ Tổ, ghi danh các bậc danh nhân tiền bối và những người có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư…
Điều 19. Lập và sử dụng quỹ khuyến học
a- Gia tộc và từng Chi lập quỹ khuyến học. Quỹ được lập từ các nguồn:
- Trích từ Tộc phí hàng năm của mọi thành viên trong họ;
- Con cháu đỗ đạt cao, đi xa về, có điều kiện kinh tế và có lòng hảo tâm đóng góp;
- Động viên mọi thành viên trong họ ( trai, gái, dâu, rể, con cháu ngoại….) có hảo tâm đóng góp theo khả năng;
b- Quỹ được dùng vào các mục đích sau:
- Thưởng động viên những người có thành tích tốt trong học tập;
- Trợ cấp trong điều kiện có thể cho những tài năng trẻ có hoàn cảnh khó khăn để hoàn thành được khoá học.
c- Mức thưởng và phụ cấp:
- Mức thưởng tuỳ thuộc vào nguồn quỹ khuyến học và kết quả học tập của học sinh:
+ Học sinh giỏi cấp Tiểu học: thưởng bằng vật phẩm và tiền trị giá 50 nghìn đồng trở lên;
+ Học sinh giỏi Trung học cơ sở: thưởng bằng vật phẩm và tiền trị giá 70 nghìn đồng trở lên;
+ Học sinh giỏi Trung học phổ thông: thưởng bằng vật phẩm và tiền trị giá 100 nghìn đồng trở lên;
+ Học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi và học sinh thi đỗ đại học: thưởng bằng hiện vật, trị giá 150 nghìn đồng trở lên.
- Mức trợ cấp học phí cho những tài năng trẻ có hoàn cảnh khó khăn tuỳ thuộc vào gia cảnh của từng người, khi gia đình có đơn xin trợ cấp, được Hội đồng Gia tộc xét và quyết định: từ ……. nghìn đến …… triệu đồng.
- Mức thưởng, trợ cấp có thể được điều chỉnh khi điều kiện kinh tế xã hội và nguồn quỹ phát triển.
Điều 20. Khen thưởng
1. Những người, những tổ chức có ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh và tích cực vận động mọi người cùng thực hiện quy chế có hiệu quả sẽ được Hội đồng gia tộc tuyên dương, khen thưởng hàng năm. Những con cháu có đóng góp lớn, những thành viên trong Hội đồng có thành tích xuất sắc, hết lòng vì gia tộc sẽ được ghi tên vào Sổ vàng Gia tộc lưu niệm tại Nhà thờ Tổ.
2- Những người có ý thức tốt chăm lo bảo vệ tài sản của Gia tộc sẽ được Hội đồng Gia tộc, Chi tộc xét khen thưởng xứng đáng với đóng góp của mình, từ biểu dương trước toàn Gia tộc, ghi danh vào Sổ vàng Gia tộc hoặc thưởng bằng tiền.
* Sổ vàng Gia tộc gồm có:
a- Các Trang vàng ghi danh: lưu tên tuổi những người trong họ từ đời cụ Thuỷ tổ đến nay học hành đỗ đạt cao, thành danh trên đường sự nghiệp.
b- Các Trang vàng Việc họ: lưu tên tuổi những người trong họ đã có tâm huyết và góp nhiều công sức gìn giữ và phát huy truyền thống tổ tông dòng họ, được Hội đồng Gia tộc suy tôn.
c- Các Trang vàng Công đức: lưu tên tuổi những người có nhiều đóng góp công sức, vật chất, tài chính cho hoạt động việc họ như: tu tạo Nhà thờ, Mộ Tổ, khuyến học – khuyến tài, Phát triển gia phả, Phát triển giao lưu liên kết dòng họ quan tâm giúp đỡ lẫn nhau…do Hội đồng Gia tộc bàn thống nhất mức đóng góp tối thiểu được lưu danh.
Điều 21. Kỷ luật
Những người vi phạm Tộc ước sẽ bị xử lý nghiêm minh.
1. Những gia đình và cá nhân không tôn kính Tổ Tiên, thiếu trách nhiệm hay cố ý không chấp hành Tộc ước, không chung sức, chung lòng lo toan việc họ, hoặc gây mất đoàn kết trong gia đình, trong Chi, trong Họ hoặc thoái hoá, biến chất, chấp hành Luật pháp không nghiêm, mắc các tệ nạm xã hội gây ảnh hưởng xấu đến truyền thống dòng họ thì sẽ bị Hội đồng gia tộc, Chi tộc cùng Trưởng họ, Trưởng chi, nhánh và các bậc cao niên giáo dục. Nếu người đó không tiếp thu, sửa chữa, dẫn đến tù tội, làm ảnh hưởng đến thanh danh dòng họ thì bị cảnh cáo trong toàn Chi, Họ. Khi mãn hạn tù trở về nếu tiếp thu sự giáo dục của gia đình, của Gia tộc thành người tốt mới được Hội đồng gia tộc xét cho được dâng lễ cẩn cáo Tổ Tiên xá tội.
2. Những người thiếu ý thức bảo vệ làm hư hỏng, mất mát tài sản, tiền của của Gia tộc sẽ bị Hội đồng Gia tộc, Hội đồng Chi tộc xem xét kỷ luật thích đáng với hậu quả họ gây ra, từ phê bình, khiển trách hoặc cảnh cáo trước toàn Gia tộc đồng thời phải bồi thường thiệt hại.
3. Người trông coi Nhà thờ, phần Mộ Tổ, Chi, Nhánh nếu thiếu ý thức bảo vệ, sa sút đức độ, quản lý không tốt, cố tình lợi dụng hoặc để người khác lợi dụng, lấn chiếm sân vườn Nhà thờ vào mục đích riêng tư, làm thất thoát tài sản thì sẽ bị Hội đồng Gia tộc, Hội đồng Chi tộc xem xét đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng, từ nhắc nhở đến phê bình, cảnh cáo trước toàn Gia tộc, đồng thời phải bồi thường thiệt hại nếu để thất thoát tài sản và không được tiếp tục trông coi tài sản của Gia tộc. Hội đồng Gia tộc bàn và giao cho cho người khác đủ điều kiện quản lý thay.
Những người là uỷ viên Hội đồng Gia tộc, Chi tộc, nếu vi phạm nặng sẽ bị Hội đồng Gia tộc, Chi tộc kiểm điểm, bãi nhiệm và cảnh cáo trước toàn Họ. Những người là Tộc trưởng, Chi trưởng, Nhánh trưởng nếu vi phạm nặng sẽ bị Hội đồng Gia tộc, Chi tộc xem xét phê bình nghiêm khắc và thông báo cho toàn họ biết./.

TM HỘI ĐỒNG GIA TỘC
Chủ tịch
Gia Phả Họ Nguyễn Cao Điền
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Họ Nguyễn Cao Điền .
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Họ Nguyễn Cao Điền
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.