GIA

PHẢ

TỘC

TRẦN
CÔNG
-
CÁT
VĂN
-
CHI
2
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
TÀI SẢN, HƯƠNG HỎA, GHI CHÚ
HỌ ƯỚC CHI HAI (TRUNG TÔN) HỌ TRẦN CÔNG.
Tại xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

LỜI GIỚI THIỆU.
Dòng họ là một kết cấu xã hội dựa theo huyết thống của nhiều thế hệ, kế tiếp nhau trong một cộng đồng góp phần hình thành nên các làng xã, vùng miền. Thông qua cuốn gia phả, sổ họ được chép lại qua nhiều đời, nhiều năm, qua từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Sự trường tồn, hưng thịnh của mỗi dòng họ đều gắn liền với sự phát triển của quốc gia, dân tộc.
Họ TRẦN CÔNG chúng ta là một trong những dòng họ như thế. Theo gia phả của họ ta do Cụ Tú tài Trần Ngọc Phiên (1880 - 1932) chép vào năm Bảo Đại thứ 6 (1931) thì Thủy Tổ họ Trần Công có cội nguồn ở Yên Bái, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã ba bốn đời, đến cụ Trần Công Luận và Cụ Bà Nguyễn Thị Ngôn đến sinh cơ lập nghiệp ở thôn Bài Thiên, xã Cát Ngạn đến nay đã 13 - 14 đời, do di chuyển nhiều lần nên hiện nay nhà thờ đặt gần nhà anh Trần Công Cường ở xóm 7 xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Đó là nhà thờ đại tôn họ Trần Công.
Họ ta là chi thứ, theo gia phả thì Cụ Trần Công Du thuộc đời thứ năm, là con cả cụ Trần Công Phó xin biệt lập Từ đường từ năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), về xứ Bãi Cồn, thôn Đạo Ngạn. Theo đó thì cụ Tổ họ ta là Cụ Trần Công Phó và hai Cụ Bà là Nguyễn Thị Ái và Nguyễn Thị Hải. Phần mộ cát táng tại Eo Tréo, núi Hòn Yên. Đến năm 1968 họ ta chuyển nhà thờ về xứ Phủ Nghinh nay thuộc xóm 6A xã Cát Văn. Tộc trưởng của họ là bác Trần Ngọc Liêm, hậu duệ đời thứ 10 của chi thứ Trung tôn.
Nhìn lại quá trình phát triển của chi họ ta nay đã 11 - 12 đời, thưở trước có lúc gián đoạn, còn sau này nhìn chung là hưng thịnh. Con cháu trong họ, người người, nhà nhà đều an cư lạc nghiệp. Hàng năm đến kỳ giỗ tổ con cháu về dự lễ tế tổ đều vui mừng phấn khởi về sự trưởng thành mọi mặt của họ ta. Với mong muốn không ngừng củng cố và phát triển họ ta ngày càng lớn mạnh góp phần vào sự phát triển của đất nước, quê hương trong giai đoạn mới. Những thay đổi tiến bộ của dòng họ không chỉ bằng lời nói, tương truyền mà phải có sự gắn kết bằng văn bản. Vì vậy con cháu nhất trí phải xây dựng một quy chế hoạt động của Họ để các thế hệ con cháu tiếp tục kế thừa truyền thống dòng họ TRẦN CÔNG, đó là Họ ước.
NỘI DUNG HỌ ƯỚC.
Để phát huy truyền thống của dòng họ, xây dựng họ ta ngày càng vững mạnh, con cháu chi II, họ Trần Công thống nhất xây dựng bản HỌ ƯỚC gồm những nội dung sau đây:
I.CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ NHIỆM VỤ:
Thay vì trước đây Hiệp trưởng được bầu hàng năm giúp tộc trưởng quán xuyến công việc của họ. Nay để phát huy tính dân chủ, phát huy được sức mạnh vật chất và tinh thần của con cháu trong họ. Họ quyết định thành lập Ban họ và Ban khuyến học.
Ban Họ gồm:
Trưởng ban do Tộc trưởng kiêm nhiệm, 2 phó ban đại diện cho 2 chi và 9 ban viên. Theo đó:
Trưởng ban là Bác Trần Ngọc Khiêm (em ruột Bác Trần Ngọc Liêm).
Phó ban 1: Trần Văn Ngọ - Chi I - kiêm thủ quỹ.
Phó ban 2: Trần Ngọc Hà - Chi II - Kiêm giám sát viên.
Các ban viên gồm: Trần Văn Đồng, Trần Ngọc Ân, Trần Văn Hiền, Trần Văn Bình, Trần Thanh Lịch, Trần Văn Nghi, Trần Văn Luyện, Trần Văn Liên.
Để giúp họ quán xuyến công việc trong năm, họ bầu một người làm cố vấn giúp ban họ thực hiện các công việc đối nội, đối ngoại đó là Bác Trần Ngọc Mỹ.
(Các chi 3 và chi 4 không giới thiệu người tham gia vì ở xa nhà thờ không tiện cho các hoạt động).
Ban khuyến học gồm:
Trưởng ban: Trần Ngọc Mỹ.
Thư kí, Kiêm thủ quỹ: Trần Văn Đồng.
Các ban viên gồm: Trần Ngọc Thi, Trần Văn Hà, Trần Công Phú.
Thời gian đảm nhiệm công việc của hai ban này là liên tục, hàng năm không phải bầu lại, trừ khi có người già yếu, hoặc di chuyển chỗ ở xa thì họ sẽ cử người thay thế.
Nhiệm vụ của Ban họ là:
- Cùng tộc trưởng chăm lo công việc hàng năm của họ, gồm: lập và theo dõi sổ họ, quản lí và bổ sung Gia phả của họ.
- Quán xuyến các công việc tại nhà thờ trong các ngày lễ hội. Tổ chức tu bổ tôn tạo nhà thờ, đại diện cho con cháu đi thăm viếng mồ mả của họ Trần Công. Tổ chức thăm hỏi anh em trong họ khi ốm đau nặng và phúng viếng, tổ chức tiễn đưa khi có người qua đời. Xây dựng và sử dụng quỹ họ phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch
II.CÁC CÔNG VIỆC CHỦ YẾU CỦA HỌ:
Hàng năm ban họ cùng tộc trưởng tổ chức cho con cháu nội ngoại tham gia chu đáo các ngày lễ hội của họ đó là:
1. Tổ chức vui xuân đón tết Nguyên đán:
Tết Nguyên đán được tổ chức hai ngày tại nhà thờ họ là ngày 30 và mồng một tết.
Ban họ cùng Tộc trưởng huy động con cháu đến làm vệ sinh trong và ngoài khuôn viên nhà thờ, treo cờ Tổ Quốc và cờ hội trước một buổi; tổ chức đi tảo mộ Tổ và phần mộ các chi trong họ.
Lễ Tất niên được tổ chức tại nhà thờ vào chiều 30 và vui Xuân đón tết trong cả ngày mồng Một, chiều ngày Mồng Một tết làm lễ tiễn đưa các vong hồn trở về phần mộ và bàn bạc một số công việc đầu năm. Nhà thờ mở cửa đến hết này mồng hai cho con cháu về thắp hương phúng viếng Tổ Tiên.
Lễ tất niên do Tộc trưởng biện lễ gồm hương, hoa, trà, rượu, quả phẩm; còn các gia đình tùy tâm biện lễ, không tổ chức tiệc mặn tại nhà thờ.
2. Tổ chức lễ giổ Tổ vào ngày Rằm tháng giêng:
Cụ Tổ họ ta tạ thế vào ngày 13 tháng 4 năm Bính Ngọ, nhưng từ xưa họ ta đã kết hợp giỗ Tổ vào tết Thượng nguyên, vì vậy hiện tại và sau này vẫn lấy ngày Rằm tháng giêng là ngày giỗ Tổ Chi II họ Trần Công.
Để tiến hành chu đáo và trọng thể lễ hội này, ban họ cùng Tộc trưởng tiến hành các công việc sau đây:
Ngày 14 tổ chức làm vệ sinh trong và ngoài khuôn viên nhà thờ họ; đi thăm và thắp hương mộ Tổ và các phần mộ khác của họ; chuẩn bị cho lễ dự cáo vào tối 14; chuẩn bị các công việc cho lễ giỗ Tổ và liên hoan đầu xuân vào ngày hôm sau.
Lễ giỗ Tổ do Tộc trưởng và ban họ chuẩn bị, các con cháu trong họ về dự lễ tùy tâm biện lễ. Riêng lễ mừng thọ các cụ Đáo tuế và vào họ cho các cháu trai, gái sinh trong năm do gia đình biện lễ. Tộc trưởng yết cáo Tổ Tiên sau lễ tế Tổ.
3. Lễ mừng thọ:
Việc tổ chức mừng thọ các Cụ trong họ đáo tuế 70, 80, 90, 100,… tuổi được ban họ cùng con cháu tổ chức tại nhà thờ, sau lễ tế Tổ. Họ có quà biếu các cụ đáo tuế trích trong quỹ công đức của họ.
4. Lễ tuyên dương khuyến học:
Để động viên con cháu trong họ thi đua học tập tốt, trở thành những người thành đạt nhờ học giỏi. Họ tổ chức biểu dương khen thưởng các cháu đạt học sinh giỏi từ cấp huyện trở lên và các cháu đậu vào các trường cao đẳng, đại học. Phần thưởng hàng năm tùy vào khả năng tài chính của họ, kèm theo một thư biểu dương (mức thưởng không thấp hơn phần thưởng của huyện).
Họ cũng động viên khuyến khích các cháu sau khi học tập và công tác tiếp tục học thêm để đạt được các học hàm, học vị cao hơn về báo cáo với Tổ Tiên và họ vào dịp tế Tổ.
III. TÀI CHÍNH CỦA HỌ:
Tài chính của họ gồm các nguồn thu do con cháu nội ngoại tự nguyện đóng góp và phần họ huy động vào những lúc cần khoản chi lớn để xây dựng cơ bản đã được ban họ và con cháu nhất trí mức thu từ đầu năm. Cụ thể như sau:
- Phần thu: Quỹ họ do con cháu nội, ngoại đóng góp gồm thu quỹ công đức, quỹ vào họ, tiền phúng viếng Tổ tiên nhân các ngày lễ tết.
- Phần chi: Bao gồm chi tu bổ, mua sắm các đồ tế khí trong nhà thờ; chi tôn tạo mộ Tổ, chi tảo mộ; chi thăm hỏi người ốm đau nặng, chi phúng viếng người quá cố trong họ; chi 3 ngày lễ chính tại nhà thờ gồm: hương hoa, trà rượu, quả phẩm, điện nước vào ngày tết nguyên đán, ngày rằm tháng giêng, ngày rằm tháng 7, chi biện lễ giỗ Tổ tại nhà thờ Đại tôn và chi đi dự lễ giỗ tổ Em ở các chi 2,3,4 mỗi năm một lần; chi chè nước khi có hội họp. Mức chi các khoản trên do Tộc trưởng và ban họ quyết định vào đầu năm và quyết toán vào cuối năm trong dịp giỗ Tổ.
- Quản lí quỹ họ: Quỹ họ được quản lí chặt chẽ có sổ sách theo dõi trên nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch. Quỹ được quản lí theo một đầu mối là thủ quỹ, để đảm bảo an toàn sau khi quyết toán công khai đầu năm và sẽ trừ một số đủ để chi tiêu trong năm như quy định, phần kết dư sẽ gửi vào quỹ tín dụng ngân hàng.
IV. NHỮNG ĐIỀU KHÔNG ĐƯỢC LÀM VÀ CẦN LÀM:
1.Những điều không được làm:
Con cháu trong họ cấm gây bè kéo cánh, chia rẽ làm mất đoàn kết trong nội tộc và làng xóm. Tuyết đối không có những cử chỉ, hành động, việc làm vô lương tâm, mất nhân phẩm, trái với luân thường đạo lí, đồi phong bại tục. Con cháu trong họ không có người vi phạm chủ trương chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước, không cờ bạc, nghiện ngập làm mất danh dự của bản thân gia đình và họ tộc, ảnh hưởng đến uy danh của Tổ Tiên.
Các gia đình có cháu mới sinh hoặc đến tuổi thành niên cần đặt tên, đổi tên thì không được đặt tên trùng với các vị tiền bối của họ.
2.Những việc cần làm:
Con cháu nội ngoại thuộc Chi II họ Trần Công phải luôn luôn tự giác học tập rèn luyện và công tác để phát huy truyền thống của dòng họ. Tăng cường đoàn kết, làm tốt công tác đối nội và đối ngoại; gương mẫu trong lời nói và việc làm. Để cùng nhau xây dựng gia đình và dòng họ không ngừng phát triển về mọi mặt .
Nếu trong họ có người vi phạm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hương ước của địa phương thì ban họ có trách nhiệm nhắc nhở, thuyết phục, phối hợp với gia đình để giáo dục, thuyết phục để sửa chữa, không để ảnh hưởng đến uy tín của dòng họ Trần Công.
Mọi người phải có trách nhiệm giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp trong và ngoài khuôn viên nhà thờ Họ; giữ gìn an ninh trật tự, nếp sống văn hóa nơi thờ phụng Tổ tiên.
Các cháu trai gái đến tuổi trưởng thành, trước khi kết hôn nên đến nhà thờ Họ làm lễ báo cáo với Tổ tiên để thể hiện tấm lòng “Phụng tiên tư hiếu”.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Bản quy chế (Họ ước) này được ban họ và con cháu trong họ nhất trí thông qua vào dịp lễ tế Tổ Rằm tháng giêng năm Ất Dậu - 2005.
Để thực hiện tốt Họ ước mỗi thành viên trong ban họ và các bậc cao niên phải gương mẫu đi đầu cùng con cháu và mỗi gia đình tự giác thực hiện. Tuyệt đối không để bản Họ ước này làm hình thức. Để họ ta sớm trở thành dòng họ văn hóa, có uy tín trong địa phương, góp phần xây dựng phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong làng xã và xây dựng nông thôn mới.
Bản Họ ước này sẽ được gửi tới các Chi của họ để các Chi nhắc nhở con cháu thực hiện. Hàng năm nếu cần bổ sung hoặc sửa đổi thì sẽ có trù bị trước vào dịp giỗ Tổ hàng năm để điều chỉnh.

T/M BAN HỌ THUỘC CHI II HỌ TRẦN CÔNG.
Nơi gửi: TỘC TRƯỞNG
- Các thành viên Ban họ, Ban khuyến học.
- Các chi trưởng.
- UBND xã Cát Văn (để biết).
- Ban chỉ huy xóm 6A (để biết).
- Nhà thờ Đại Tôn ( xóm 7). Trần Ngọc Liêm
- Lưu tại Tộc trưởng.

Gia Phả TRẦN CÔNG - CÁT VĂN - CHI 2
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc TRẦN CÔNG - CÁT VĂN - CHI 2.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc TRẦN CÔNG - CÁT VĂN - CHI 2
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.