GIA

PHẢ

TỘC

Bùi

Thôn
Kim
Hoàng,
Vân
Canh,
Hoài
Đức
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
Chi tiết gia đình
Là con của: Đăng Đàn
Đời thứ: 12
Người trong gia đình
Tên Bùi Xuân Nghi (cụ Đốc) 1822-1891 (Nam)
Tên thường Bùi Xuân Nghi
Tên Tự Canh Đình
Là con thứ 2
Ngày sinh 29/10 năm
Thụy hiệu Ước trai  
Hưởng thọ: 70  
Ngày mất 13 tháng giêng năm Tân mão  
Nơi an táng phía sau chợ Canh Kim Hoàng (ngay ngã tư canh với đường 70).  
Sự nghiệp, công đức, ghi chú
Cụ Bùi Xuân Nghi: Cụ là con thứ cụ Đăng Đàn do cụ thứ thất sinh ra Vì khó khăn về đời sống, cụ thân sinh và thân mẫu phải dời làng sang Đôn Lương buôn bán nhỏ, ở Đôn Lương làm ăn cũng không được thuận lợi nên 2 cụ đã phải đổi nơi ở mấy lần, tuy gia cảnh khó khăn nhưng 2 cụ quyết nuôi con ăn học nên người. Năm 11, 12 tuổi cụ Đốc theo học chú ruột cụ Đăng Đài ở xã Thần Quy, huyện Phú Xuyên, cụ Đài làm thuốc ở đây. Năm 13 tuổi, cụ lại theo học cụ Đồ họ Vũ ở làng Đại Kiều. Năm 14 tuổi cụ về quê Canh, ở với cụ Tổ cô ở thôn Hậu Ái (1835). Ngày ngày cùng bạn cắp sách đi học cụ đồ họ Lý Trần ở thôn Kim Hoàng Năm 17 tuổi, cụ lại theo học cụ nguyên Giáo thụ phủ Tiên Hưng là cụ Lê Hoàng Đàm (cụ về hưu mở trường tư dạy học ở Hội Vũ Hà Nội). Trong hoàn cảnh khó khăn, đi học các nơi có ngày đói, đêm đến thiếu dầu thắp phải bắt đom đóm thay đèn Năm thứ 3 đời vua Thiệu Trị, cụ đã 22 tuổi, sau khi trúng 2 kỳ thi khảo sát, cụ được dự khóa thi Hương đầu tiên, lần đầu cụ đỗ Tú tài, cũng năm này cụ kết duyên với cụ bà là con gái thứ 2 Thày dạy học (cụ Lê Hoàng Đàm), cụ nhạc không có con trai, 3 năm sau cụ nhạc mất, cụ bà mở cửa hàng bán thuốc lào, trầu, cau ở Hàng Bông. Cụ ông bắt đầu dậy học tư, chưa bao lâu sau cụ bà thân mẫu ở Đôn Lương ốm, cụ vội về đón mẹ lên Hà Nội để trông nom thuốc men và phụng dưỡng mẹ già, không được bao lâu cụ thân mẫu mất, cụ vẫn dậy học và tiếp tục học thêm để thi nữa. Năm 27 tuổi cụ dự thi lại đỗ Tú tài. Tới đây, được tin thâm phụ ở quê, đời sống thiếu thốn do anh cả gặp khó khăn không thể nuôi nổi bố, cụ liền đón thân phụ ra Hà Nội để phụng dưỡng. Cụ ông vừa dậy vừa học, cụ bà bán hàng mà gia đình vẫn túng, con còn nhỏ, cụ bà lại hay yếu đau Năm cụ 31 tuổi (1852) cụ lại dự thi lần thứ 3, lần này trong 3 bài đầu được điểm cao, bài thứ 4 hơi kém lại chỉ được đỗ tú tài, tuy nhiên tiếng tăm đã nổi trong hàng khoa mục Năm 33 tuổi cụ thân sinh mất (1854), hồi này về kinh tế gia đình đã hơi khá hơn một chút Năm 37 tuổi cụ lại đi thi, kỳ này lại bị phạm trường quy (bỏ sót 2 chữ đầu bài), lại phải đứng xuống tú tài, các Quan trường đều tiếc Năm 38 tuổi, cụ mở trường dậy học, đông tới mấy trăm học trò Năm 40 tuổi cụ lại đi thi, lần này hỏng ngay kỳ đầu Năm 43 tuổi đi thi lại đỗ tú tài, như vậy trước sau là 5 lần đỗ tú tài Năm 47 tuổi, năm Đinh mão (1867), đời vua Tự Đức thứ 20, cụ đỗ cử nhân thứ 2, tức Á nguyên, lần này nếu không gặp Quan trường phúc khảo là tay học rộng thì cụ lại chỉ đỗ tú tài và xếp thứ 2 Cụ cũng dự mấy kỳ thi hội nhưng không đỗ, tuy chỉ đỗ cử nhân, tiếng tăm cụ cũng đã nổi lắm, Quan án sát bản tỉnh Vũ Lập đón cụ về dậy học cho các con. Quan tổng đốc, tuần thủ bố chánh cũng cho con tới theo học cụ. Vốn học rộng, dậy giỏi và chăm, người lại có đạo đứcm không cầu cạnh việc gì nên các Quan bản tỉnh quý mến lắm. Có lần 1 chân Tri huyện khuyết, các Quan Tỉnh muốn cho cụ đi Tri huyện, cụ không nhận, vì cụ không ưa làm chính Quan, về sau chân giáo thụ phủ Thường Tín khuyết, quan trên cử cụ đi, cụ xin nhận. Trong khi làm Giáo thụ phủ Thường, cụ được cử đi chấm sơ khảo khóa thi Hương, Quan chánh chủ khảo khoa thi này là quan Tỉnh, đỗ tiến sỹ, đầu bài thi do chủ khảo ra, nhưng kỳ này quan chánh chủ khảo mời cụ ra đầu bài thi, các vị đi chấm thi đều lấy làm ngạc nhiên, vì từ trước tới nay chưa hề có, thật là 1 điều vinh dự cho cụ. Ông Nguyễn Hữu Độ. lúc đó cũng làm Giáo thụ sau khi thi xong tìm đến chơi và kết bạn với cụ. Ở phủ Thường, trong những buổi giảng bài, quan phủ thường sang nghe giảng, ông Phủ này người Nghệ An, đỗ thủ khoa là tay học giỏi. Một hôm giảng xong, ông đứng dậy nói trước mặt học trò: “ Quan giáo thụ giảng bài, không những học trò được nhiều điều bổ ích, ngay như tôi cũng được ôn tập lại” Cụ tiến sỹ Dương Khuê, người Vân Đình không ngớt lời khen ngợi cụ: “Về văn sách, được lời thì hỏng ý, được ý thì hỏng lời, chỉ có văn sách của cụ Canh Đình được cả lời và ý” Coi những lời phát biểu trên nhận thấy sức học của cụ Đốc ít người sánh kịp Năm 1879, cụ 58 tuổi, chân đốc học Sơn Tây khuyết, thường ra các Quan tỉnh phải đề cử 5 người đều là tiến sỹ để chọn, lần này cụ Trần Minh Tăng là nhà Đại khoa có tiếng giỏi cử cụ nhà ta xung chức ấy. Danh sách đề cử đệ vào kinh, vua Tự Đức xem xét và phê: “Người mà Trần Minh Tăng đề cử, tuy chỉ có cử nhân, tất phải là người có đủ sức đảm nhiệm chức ấy”. Thế là cụ được cử vào chức Đốc học Sơn Tây, tuy làm đốc học, năm nào cụ cũng phải khảo sát lại, năm nào cụ cũng được ưu hạng. Trong khi đó thì giặc Pháp xâm chiếm miền Bắc, các Quan tỉnh cử cụ chống giữ cửa Tây, là 1 cửa trọng yếu, đương thời kỳ chuẩn bị cụ lại nhận được lịnh ở Huế đòi vào kinh tu thư Biết tin cụ có lịnh gọi về Huế, 600 sỹ tử làm đơn xin lưu cụ lại vì tin phục cụ, song không được. Làm việc ở Huế ít lâu, cụ thấy yếu, đệ đơn xin về nghỉ hưu trí. Cũng là lúc nhà Nguyễn ký hòa ước với Pháp. Ông Nguyễn Hữu Độ được cử làm kinh lược Bắc Kỳ, các hàng Tổng đốc, tuần phủ tới lễ mừng đều bỏ giầy ngoài xa, đi chân đất tới lạy mừng trước mặt. Một hôm tình bạn cũ, cụ cùng con thứ hai tới mừng, ông Độ cùng mời ngồi sập bên và trò chuyện ít câu, một lúc sau ông nói: “ tôi với ông là bạn cũ, nay tôi có thể bổ ông đi làm tổng đốc cũng được, làm như thế người ta sẽ dị nghị, vậy ông hãy nhận tạm chức tuần phủ, sang năm sẽ đi tổng đốc cũng chưa muộn” Cụ nhà ta đứng dậy nói: “ Chúng tôi già yếu, không đủ sức đảm nhiệm trọng trách ấy, xin quan kinh lược miễn cho”, ép mãi không được, ông Độ liền chỉ vào cụ con và bảo: “ông không nhận vậy tôi cho cậu này đi làm Tán tường quân vụ ngay”, cụ nhà ta lại từ chối, lấy cớ cháu còn ít tuổi, việc nước là việc lớn, e cháu làm lỡ việc của nhà nước. Chẳng hiểu ai dèm pha gì, một lần ông gập cụ Đốc, ông liền nói : tôi vì nước phải ra cáng đáng, không phải vì lợi riêng” Tới khi ông Nguyễn Trọng Hợp làm kinh lược lại cho mời cụ Đốc đến làm thương biện tòa Kinh lược, cụ từ chối ngay Làm Quan thì không làm, về lại dậy học tư ở bên Đình Bảng, sau ở quê nhà, trong khi đó biết bao nhiêu người cầu cạnh làm quan không được, có thể nói cụ nhà ta là một nhà nho đạo đức, cụ không muốn cho cả con cháu làm việc với giặc. Cũng vì có tiết tháo như vậy, trong hàng quan lại và khoa cử thời ấy đều biết tiếng cụ, hàng các cháu về sau vào chơi trong vùng quê ở Sơn Tây, Hà Đông cứ tự giới thiệu là cháu cụ Đốc Canh là được tiếp đãi rất tử tế. Cụ sống rất đơn giản, ăn cũng như mặc, việc họ, việc làng, việc xã hội cụ rất tích cực tham gia, cụ thể như: Cụ bỏ hàng trăm quan tiền để giúp đỡ dân công đi làm công việc tải lương. Nhà thờ Đại tôn bị mất, cụ bỏ hàng trăm quan tiền và hô hào trong họ góp tiền, góp sức xây dựng lại nhà thờ. Cụ bỏ hàng ngìn quan tiền để xây dựng nhà thờ Tiểu tôn, nhà Bái đường xây gạch lợp ngói do sự đóng góp của hàng các cụ đời thứ 15 về sau. Cụ nhạc không có con trai, cụ bỏ tiền ra và hô hào đồng môn đóng góp, tu bổ sửa sang nhà thờ, đặt các giỗ, tứ thời bát triết đèn nhang, hương khói. Cụ cúng ruộng vào nhà thờ Yên Thọ, cũng gần 100 quan tiền để tu sửa Đình làng Tiền ở đâu ra, xin mời xem tiểu sử cụ bà sẽ rõ. Mộ cụ để ở Mỏ Sẻ giáp hàng rào thôn An Trai, xây gạch có bia, hàng năm cụ Thuần bà (Bùi Thị Trang) vẫn về thăm. Khoảng năm 1972, khu ấy có người làm nhà và rào lại, nơi có mộ cụ đào rãnh dài. Năm sau về thăm không thấy đâu nữa, họ đem đi đâu hay vẫn để ở đấy không rõ. Trong vườn nhà mà họ rào lại cũng còn một số mộ khác. Nông thôn ngày một mở mang, con cxháu không có ai ở nhà, nhất là mộ lại ở các thôn khác, có thông báo cũng không hay biết Nhà thờ Tiểu tôn, trải qua bao nhiêu kỳ loạn vẫn còn nguyên vì có người trông coi. Nhà ở cụ Đốc ở Hàng Bông, năm 1873, tỉnh thành có loạn, gia đình chyạ về quê, khi quay về đồ đạc mất sạch, nhà thờ cụ có gần 100 câu đối hoành phi, năm loạn cờ đen bỏ đi lánh nạ, cờ đen phá, đun hàng 50 đôi câu đối. Năm 1954, nhà trưởng (Cụ Chánh hội Tiềm) bỏ đi Nam hết chẳng có coi sóc, đồ đạc, câu đối, đồ thờ mất hết.

Liên quan (chồng, vợ) trong gia đình
Tên Lệ Miên (cụ bà chính thất) (Nữ)
Tên thường
Tên tự
Ngày sinh tháng 9 năm Mậu Tý 18
Thụy hiệu Từ Đoan  
Hưởng thọ 48  
Ngày mất 10/5 năm Ất Hợi  
Nơi an táng xứ Ba Cây bên cạnh thôn Kim Hoàng  
Sự nghiệp, công đức, ghi chú

Quê ở Mọc Hà Trì, là con gái thứ hai của cụ Giáo thụ Lê Hoàng Đàm

Cụ Đốc bà sinh được 3 người con trai là:

- Cụ Bùi Xuân Tế, năm Tân Hợi 1851

- Cụ Bùi Xuân Độ, năm ... Mão 1855

- Cụ Bùi Xuân Thiếp, năm 1857

Cụ sinh thời người nhỏ nhắn, giản dị, sức khỏe kém, hay yếu đau. Người trung hậu. Cụ xây dựng với cụ ông từ năm 16 tuổi năm 1843.

Cụ mở cửa hàng bán thuốc lào, trầu cau ở phố Hàng Bông, cụ ông dạy học trường tư do đó làm gì có lương tháng, ngày tết nhất học trò biêý thứ gì thì nhật thứ ấy tùy theo khả năng. Việc chi tiêu trông vào tay cụ bà là chính, nhà thì 6-7 miệng ăn, lại khi bố mẹ yếu đau, bố mẹ qua đời nhiều phen túng thiếu.

May thay, 1 năm có bọn lái buôntrầu không ở xa mang đến Hà Nội bán, họ mang nhiều quá, bán buôn không chạy, họ bảo nhau đem đến nói khó với cụ, cụ mua giúp1 phần họ nài mãi “mẹ thương các con, mua cho các con, thế là giúp đỡ các con, chúng con không bao giờ quên ơn mẹ” vốn tính hay thương người gặp khó khăn, cụ đành phải mua tất cả, chất đầy cả nhà. Vận hay đã đến với cụ, mấy hôm sau trời đổ mưa đá, trầu các nơi hỏng nhiều, giá trầu cứ mỗi ngày một lên cao, hồi đó tiêu bằng tiền đem đến mỏi tay

Lái trầu vừa ra về, ít lâu sau, bọn lái thuốc lào đem hàng đến Hà Nội. Hàng hóa bán khó khăn, họ xoay ra rủ nhau đánh bạc với nhau, anh thua anh được, ở mãi ăn uống tốn kém, hàng thì ế, họ rủ nhau đem đến cụ, xin cụ ứng cho mỗi người 1 số tiền sấp sỷ giá trị khối lượng thuốc lào của họ gửi, họ xin hứa một ngày kia họ sẽ đến chuộc, quá hạn đó họ không đến thì cụ cứ bán, không dám kêu ca. Mua nhiều không khéo giữ thuốc mà mốc thì vứt đi, cho họ mượn biết họ có đến đúng hạn không? Tụi lái cứ vật nài yêu cầu cụ, sau cụ cũng cho họ vay như ý họ muốn. Đến hạn chẳng thấy họ tới, để lâu quá không được, sắp bỏ ra bán thì trời đổ sương muối rất nhiều, cây thuốc bị sương làm hỏng nhiều, do đó giá thuốc cứ lên vùn vụt, bán xong thì bọn lái cũng đến, cụ tính toán trả thêm tiền cho họ. Không ngờ hàng kỳ này họ mang lên bán dễ, họ cũng thu được nhiều lời họ đã cam kết “quá hạn cụ cứ bán, may mà có lãi đó là Trời cho cụ, nếu lỗ thì sao??” Cụ tính trả thêm họ đã là quân tử, họ không dám nhận, họ cũng là người biết điều lắm, việc này thật là đáng hoan nghênh

Nhờ được 2 chuyến lời này, nhất là trầu chuyến trước, gia đình trở nên phong túc, cụ làm được nhà gạch ở quê, tậu được ruộng, làm được nhiều việc có ích như đa kể ở phần cụ ông.

 

Tên Nguyễn Sâm (bà thứ hai) (Nữ)
Tên thường
Tên tự
Ngày sinh 1846
Thụy hiệu Từ Nhung  
Ngày mất 29 tháng giêng khoảng n  
Sự nghiệp, công đức, ghi chú

Được cụ Chính thất lấy cụ về năm cụ ông 42 tuổi (1863). Cụ trông có phúc có tướng, tính nết hiền hòa, ít nói, ăn nói khoan thai.

năm 1875, cụ sinh được cụ con gái là cụ Bùi Thị Thiềm (cụ lấ chông người Hậu Ái, con quan ngự y, cụ có con trai tên là Đức, cụ mất khoảng 1935) 

Cụ còn sinh được 1 người con trai tên là Minh, mất lúc còn nhỏ

Tên Trần Thị Thiện (bà thứ ba) (Nữ)
Tên thường
Tên tự
Ngày sinh
Sự nghiệp, công đức, ghi chú

Cụ ông lấy cụ khi cụ 55 tuổi, sau ngày cụ cả mất được 1 năm (khoảng 1876). Cụ sinh năm nào không nói rõ, cụ mất khảng 1920-1925

Cụ sinh được 2 người con trai là

Cụ Bùi Xuân Thấu, năm Mậu Dần 1878

Cụ Bùi Xuân Hồ, năm Canh Thình 1880


Các anh em, dâu rể:
   Đình Tấu
Con cái:
       Bùi XuânTế (con trưởng)
       Bùi Xuân Độ
       Bùi Xuân Thiếp
       Bùi Xuân Thấu
       Bùi Xuân Hồ
Gia Phả; Bùi ở Thôn Kim Hoàng, Vân Canh, Hoài Đức
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Bùi ở Thôn Kim Hoàng, Vân Canh, Hoài Đức.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Bùi ở Thôn Kim Hoàng, Vân Canh, Hoài Đức
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.