I. THỦY TỔ HỌ ĐỖ 5.000 NĂM TRƯỚC:
Tương truyền dòng họ Đỗ được bắt đầu từ Cụ Bà Đỗ Quý Thị (vợ cụ Đế Minh), húy là Ngoan, còn gọi là Công chúa Đoan Trang. Tục truyền Cụ là con gái cụ Long Đỗ Hải Vương trấn trị ở cửa sông Tô Lịch vùng Nghi Tàm (cụ Long Đỗ về sau còn được gọi là Thần Bạch Mã, một trong tứ trấn Thăng Long thành, thờ ở đền Bạch Mã, phố Hàng Buồm, Hà Nội).
Cụ Bà họ Đỗ tu theo đạo Sa Bà, đạo của Đế Thiên Phục Hy Hư Không giáo chủ cách đây khoảng 5.000 năm. Cụ sinh mồng 8 tháng Tư âm lịch, hoá ngày 15 tháng Bảy âm lịch ở Nội Tích, Đại Lôi (Ba La). Mộ táng ở Ba Lôi trong chùa Bồ tát Đa tát, Ba La. Tên hiệu của Cụ là Tín Thiền Sư, Hương Vân Cái bồ tát.
Cụ Đỗ Quý thị có 8 người em trai là Bát Bộ Kim Cương di tích hiện còn ở làng Cự Khê, Cự Đà, Thanh Oai, Hà Tây, sát bờ sông Nhuệ.
Tám vị Bát Bộ Kim Cương (cũng được tôn vinh thêm hai chữ Bồ Tát)(5)
- Đỗ Xương, hiệu là Thanh Trừ Tai Kim Cương; - Đỗ Tiêu, hiệu là Tịch Độc Thần Kim Cương; - Đỗ Kỹ, hiệu là Hoàng Tùy Cầu Kim Cương; - Đỗ Cương, hiệu là Bạch Tịnh Thủy Kim Cương; - Đỗ Chương, hiệu là Xích Thanh Hoả Kim Cương; - Đỗ Dũng, hiệu là Định Trừ Tai Kim Cương; - Đỗ Bích, hiệu là Từ Hiền Thần Kim Cương; - Đỗ Trọng, hiệu là Đại Lực Thần Kim Cương
Cụ được thờ ở Chùa Vân La tên chữ là Đăng Vân ở thôn Vân La, xã Văn Khê, thành phố Hà Đông. Đây là ngôi chùa cổ trong chùa hiện còn vài tấm bia đá khắc chữ hán nôm, tượng thờ Cụ và con trai trưởng là Kinh Dương Vương. Vì thế có tên gọi là họ ĐỖ THỊ.
II. DÒNG HỌ ĐỖ TRONG LỊCH SỬ:
1. Đỗ Cảnh Thạc sinh năm Nhâm Thìn(912), làm quan Thái Úy thời Ngô Quyền, sau là một trong mười hai sứ quân cùng thời Đinh Bộ Lĩnh.
2. Những người đỗ đạt, làm quan trong lịch sử: Khai khoa của dòng họ là Đỗ Hân, thi đỗ Hoàng giáp khoa Quý Mùi năm Quang Thuận thứ 4 (1463) làm quan Tả thị lang. Đỗ Nhuận đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466), làm quan đến chức Thượng thư, Đông các đại học sĩ. Đỗ Thuần Nhân, tam giáp Tiến sĩ năm 1472, Đỗ Vinh, tam giáp Tiến sĩ năm 1475, Đỗ Toàn nhị giáp Tiến sĩ năm 1475, Đỗ Bá Linh tam giáp Tiến sĩ năm 1481, Đỗ Duy Kiểm nhị giáp tiến sĩ năm 1490, Đỗ Công Cẩn tam giáp Tiến sĩ năm 1490, Đỗ Nhân Cương nhị giáp Tiến sĩ năm 1493, Đỗ Toại tam giáp Tiến sĩ năm 1496, Đỗ Hoằng tam giáp Tiến sĩ năm 1496, Đỗ Túc Khang tam giáp Tiến sĩ năm 1496. Đỗ Tổng đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Sửu nhà Mạc, niên hiệu Minh Đức thứ 2 (1529), làm quan tới Hình bộ Tả thị lang, Đông các đại học sĩ. Đỗ Tấn đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1535. Đỗ Trực đỗ nhị giáp Tiến sĩ năm 1580. Đỗ Lý Khiêm quê ở xã Ngoại Lãng huyện Thư Trì (Thái Bình). thi đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Mùi Cảnh Thống thứ 2 (1499), làm quan tới chức Đô ngự sử, làm Chánh sứ sang sứ nhà Minh. Đỗ Huỳnh đỗ Hội nguyên năm Đoan Khánh thứ 4 (1508). Đỗ Bá Huân tam giáp Tiến sĩ năm 1505, Đỗ Hoàng (Miện) tam giáp Tiến sĩ năm 1505, Đỗ Văn Trung tam giáp Tiến sĩ năm 1505. Đỗ Cảnh nhị giáp Tiến sĩ ở Quỳnh Phụ Thái Bình. Đỗ Văn Hãng đỗ trong đời vua Tương Dực niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514). Đỗ Văn Quýnh thi đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1520, và Đỗ Dương thi đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1518. Đỗ Tam Cương đỗ tam giáp Tiến sĩ đời Thống Nguyên năm 1523. Đỗ Uông đi thi đỗ Bảng nhãn niên hiệu Quang Bảo thứ 2 (1556) làm quan tới chức Lại bộ Thượng thư. Đỗ Hiểu đỗ tam giáp Tiến sĩ năm Sùng Khang thứ 9 (1574). Đỗ Phi Tán đỗ tam giáp năm Quảng Hòa thứ 4 (1544), làm quan tới chức Thượng thư, Thiếu bảo. Đỗ An thi đỗ nhị giáp Tiến sĩ năm Sùng Khang thứ 3 (1568). Đỗ Tất Đại, đỗ đệ nhất giáp chế khoa năm Thuận Bình thứ 6 (1556) làm quan Đông các đại học sĩ. Đỗ Tế Mỹ cũng đỗ đệ nhất giáp Chế khoa năm Chính Trị thứ 8 (1565) làm quan tới chức Thượng thư. Đỗ Công Liêm đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1670, làm Giám sát ngự sử. Đỗ Văn Tổng đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1640, làm Hình bộ Tả thị lang. Đỗ Văn Luân 26 tuổi đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1659, làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo, Đỗ Công Toản đỗ tam giám Tiến sĩ năm 1683, làm Giám sát ngự sử đạo Sơn Nam. Đỗ Công Bật, đi thi đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1685. Đỗ Công Đĩnh đỗ Hội nguyên năm 1760. Đỗ Huy Kỳ đỗ Đình nguyên Thám hoa năm 1731, đi sứ nhà Thanh. Đỗ Công Trấn đổi họ Vũ đi thi đỗ Bảng nhãn khoa Đông các năm 1728, làm quan tới chức Thượng thư bộ Binh, Bồi tụng.
III. DÒNG HỌ ĐỖ QUÝ TẠI THÁI BÌNH:
Cách đây khoảng 350 năm, cụ ĐỖ QUÝ SINH đến thôn Phương Cáp, tổng Cự Lâm(tức xã Hiệp Hòa, Huyện Vũ Thư, Tỉnh Thái Bình ngày nay) để lập nghiệp. Cho tới nay, dòng họ Đỗ Quý đã có 13 đời, tổng số 150 gia đình và gần 400 nhân khẩu được chia thành 3 Ngành: 1, 2, 3.
Dòng họ Đỗ Quý sinh sôi phát triển rực rỡ trên khắp các tỉnh thành trong cả nước, phần lớn tại các tỉnh: Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Hà Bắc... Con cháu các đời đoàn kết hòa thuận trên dưới, hằng năm vẫn quy tụ về Thái Bình đất tổ yêu dấu để tưởng nhớ đến công ơn của Tổ Tiên, và đóng góp xây dựng quê hương.
Các thế hệ con cháu hôm nay và các thế hệ mai sau nguyện thành kính tri ân Tổ tiên, quê hương, đất nước và quyết tâm phấn đấu để dòng họ ĐỖ QUÝ mãi phồn vinh và phát triển.
|