Của cụ Nguyễn Huy Tiết
Đệ
nhất trưởng tràng chấp bút ghi gia phả
Nhận thấy xã hội ngày càng văn minh, mừng rằng họ hàng ta
ngày càng phát đạt, việc làm gia phả đoán biết được con cháu hẳn có công danh
sự nghiệp.Đó là nhờ có công tích đức của người xưa mà các bậc cha ông ta từng
thành tâm cầu mong. Thế ất tiên tổ cũng thoả lòng thế mới biết công đức của tổ
tiên mà muôn đời không thể phai mờ được. Nguyên vì trước kia loạn lạc nhiều lần
gia phả bị thất lạc không còn sổ sách nào rõ ràng để khảo cứu, chỉ còn những
lời cha ông truyền miệng kể lại và chỉ từ đời thứ năm trở lại đây thì tên tuổi
các cụ ông, cụ bà cùng các chú, các bác, các anh em đến cả các phần mộ ngày giỗ
đều được ghi chép vào gia phả này để làm rõ cho con cháu lưu truyền mãi mãi,
trước sau vâng lời dậy của người xưa, giữ gìn lấy nề nếp gia phong của tổ tiên.
Trước hết là phải hiếu thuận với cha
mẹ, sống với anh em họ hàng phải có tình có nghĩa, ở với dân làng phải có lòng
giúp đỡ cưu mang. Nhớ lấy câu “ mở đầu
bằng một việc làm hại người, thì bao giờ cũng trở lại hại ngay chính mình”
Cho nên ở đời phải ăn ở cho có nhân
có đức, nếu có điều kiện được học hành thì phải kiên nhẫn và khiêm tốn để không
ngừng tiến tới.
Phải biết rằng: Để lại cho con đầy
một hòm vàng bạc châu báu không bằng cho con học hành trọn vẹn một quyển sách
hay. Nếu may mắn thành đạt trở nên chức dịch, phải sống thật thanh liêm, yêu
thương kẻ khó, bênh vực người nghèo, không được làm quan bất minh, nhưng cũng
không được làm dân bất trị. Thấy việc nghĩa thì làm tránh điều nghịch lý. Làm
việc gì cũng phải giữ lấy nghiệp nhà:
thật thà chất phác, lấy cần kiệm làm gốc, giữ được những điều này sẽ
làm nên cảnh nhà thịnh vượng, rạng rỡ tổ
tiên, phúc đức truyền mãi, càng truyền càng thịnh, cây có cội, nước có nguồn,
làm người phải có tổ tiên cho nên phải lấy chữ đức, chữ hiếu để nhận chữ nghĩa
mà nhờ và giữ được truyền thống nông gia vi bản.
Cũng chớ quên “ Sinh vì dân, tử cũng vì dân” sống được dân
yêu thì chết cũng sẽ được dân thương.
Tên tôi là Nguyễn Huy Tiết, dựa vào
công đức của tổ tông cộng với lòng nhiệt thành hiếu học cha tôi cũng đỗ Tú Tài
năm Bính tuất (1886), người đã truyền dạy kèm cặp cho tôi được học hành
viết được dăm mười chữ đọc thông được vài bản văn tự.
Mùa xuân năm Nhâm Tý (1912), nhân
ngày giỗ cụ tổ năm đời về trước, tôi được cụ tiền tam đại tức là ông đẻ ra bố
tôi là Nguyễn Huy Cương sai ghi chép lại lịch sử tổ tiên như sau:
Cách đây 290 năm (kể từ năm1912) Cụ
Hoàng khởi Tổ họ Nguyễn Huy ta ra đời khoảng ( 1682 -1722)
Hoàng khởi tổ tới đây sinh nghiệp
tên chính là Nguyễn Huy Công tự là Nguyễn Phúc Thuận, Cụ có vóc người mảnh mai
thuần tú tính tình hiền dịu, nói ít nghe nhiều,
phong thái ung dung điềm tĩnh. Cụ sinh ở xứ Kim Đôi - Cầu Bờ huyện Tứ Kỳ
tỉnh Hải Dương, ra đời ở một vùng quê nghèo không được sự ưu đãi của thiên
nhiên một năm hai mùa hết hạn hán rồi tiếp liền bão lụt, lại sinh ra ở một gia
đình đông con may mắn là thứ út cho nên mới được học hành đôi chút. Song lớn
lên vào giữa thời gạo chậu củi quế, tô thuế nặng nề, phu phen lao dịch thường
xuyên, giặc ngoại xâm loạn lạc khắp nơi, bệnh hoạn hoành hành, quan quân nhiêu
sách. Nhìn lại bạn bè kẻ còn người mất, đồng môn, đồng đẳng, kẻ vắng người xa,
người sẵn gạo nhiều tiền thì bước bước công thành danh toại như ông tiến sỹ ở
Xuân Ô “ ông Nguyễn Huy Hữu” - Kẻ nghèo khó thì tìm theo dấu chân của Nguyễn
Tuyển - Nguyễn Cừ, còn lại mình cụ như thuyền trôi đến ngã ba sông chưa tìm
được nơi bến đậu. Nhân một chuyến đến phủ Nam sách gặp một ông bạn
đồng niên họ Nguyễn Đình, tính tình cởi mở sôi nổi thành tâm, mến bạn tính nết
hiền từ, chín chắn đã giữ cụ lưu chân tạm trú. Bởi tứ cố vô thân, nhớ câu: “Bán
anh em xa mua láng giềng gần” thấy bạn nhà nghèo nhưng giàu lòng nhân ái cụ bèn
ở lại mở sách thánh hiền dạy dăm bẩy trẻ làm vui. Và cũng tại đây cụ kết duyên
với cụ bà một người con gái họ Lê sinh ra trong một gia đình một mẹ một con côi
cút, tên bà là Lê Thị Từ Tốn, tính tình chất phác hiền từ chỉ biết có lam làm
và thuỷ chung nhất mực, hai cụ sinh hạ được ba người con: hai gái, một trai.
Một người con gái lấy chồng ở họ Nguyễn Đình, cả hai bà sau này đều có con trai
kế thế là các ông Nguyễn Đình Hương và Mạc Viết Lũng. “ Mạc Viết Lũng người
Tống xá, còn ông Nguyễn Đình Hương có lẽ người làng ( N.V) chỉ mới gả chồng
song được cho hai người con gái thì ngày 3/3/1722, cụ trút hơi thở cuối cùng
bao nỗi ưu tư phiền muộn chứa chất trong lòng hơn 40 năm để lại người con trai
côi cút là Nguyễn Phúc Thông. Nguyễn Phúc Thông cha mất sớm hai
chị thì đã lấy chồng, mẹ goá con côi một đêm một bóng cần cù phá hoang, bè đắp sình lầy chặt sú vẹt quây bờ làm
ruộng, nhận được sự hỗ trợ của người anh rể họ Nguyễn Đình, mẹ con anh em đùm
bọc năm tháng tảo tần sinh cơ lập
nghiệp. Sau này cụ kết duyên với
Bà Vũ Thị Từ Duyên sinh hạ được 1 trai, một gái con gái cụ là Nguyễn Thị Viễn
lấy chồng họ Lương, con trai là Nguyễn Phúc Nhậm, còn lại những đốt trước sau
đều đẻ non chết yểu cả. Cuộc đời cụ đã nghèo của lại nghèo con, anh em ít người
nương tựa, hai cụ đã cần mẫn lao động đến hết sức mình mà trước khi nhắm mắt
không để lại cho con được gì ngoài sức khỏe và tấm thân cường tráng và có lẽ đó
là của để dành quý nhất. Trước lúc tạ thế cụ gọi Nguyễn Phúc Nhậm đến bên
giường cầm tay con, nước mắt lưng tròng nhỏ vào bàn tay con nóng bỏng mà không
nói nên lời. Cụ ra đi vào ngày 13/8/1730 trong lúc trời nặng nước, mây đen mù
mịt, sấm chớp nhằng nhịt xé toạc bầu trời, Nguyễn Phúc Nhậm âm thầm sầu tủi đưa
tiễn cha đi giữa ngày giông bão đó. Ông vốn là người cường tráng tính tình
cương trực trọng lễ công bằng và đã sống trong một giai đoạn sóng gió, nhiều
biến cố kinh thiên động địa nhất trong lịch sử chế độ phong kiến nước ta. Đó là
giai đoạn nông dân khởi nghĩa từ Nam chí Bắc mong đi đến lật đổ những triều đại
thối nát bạo tàn và đặt lên ngai vàng một lãnh tụ “ áo vải” hằng mong ước. Bạn
bè cũng tuổi Nhậm rủ nhau vượt đồng lội bãi tìm sang xứ Lôi Động-Thanh Hà xin
đứng dưới cờ “ Đông đạo tổng quốc bảo dân Đại tướng quân”. Nhậm rất buồn vì thương cha lại nhớ bạn, càng
đau lòng khi thấy cảnh dân bỏ cả cày cấy, thóc lúa dành dụm trong xóm làng đều
hết sạch, lưu vong, bồng bế, dắt dìu nhau đi xin ăn đầy đường. Phủ chúa Trịnh
đã ra lệnh cấm bỏ làng nhưng đâu cấm được giá thóc gạo cao vọt hàng trăm đồng
không đổi được bữa ăn, dân phần nhiều sống bằng rau cỏ (thông sử). Mỗi khi
tin tức sôi động truyền qua dân lưu tán từ kinh Bắc hoặc từ trấn Sơn Nam dội về
lại bị nỗi ức ép phu phen lao dịch đi khai hào sâu đắp đồn binh thành phủ, cộng
với nỗi buồn thương hai người con gái lâm bệnh qua đời phần vì đói rách, phần
vì ốm đau không có thuốc men cứu chữa.
Nguyễn Phúc Nhậm quyết định thu
hoạch mấy vạt lúa sớm ba giăng gọn sạch, song ông gọi bà vợ là Vũ Thị Từ lúc đó
đang có mang Nguyễn Huy Bản căn dặn trông nom công việc cửa nhà, săn sóc giữ
gìn sức khoẻ để sinh nở được vuông tròn rồi cùng với một số người bạn nối thác mang liềm hái đóng giả làm thợ gặt
thuê, nhưng các ông đã tìm đến với cụ Nguyễn Hữu Cầu đầu quân. Đến khi cụ trở
về để phụng dưỡng mẹ cùng nuôi vợ con, sống niềm vui sum họp. Hạnh phúc ngắn
ngủi chẳng là bao thì bà vợ hiền là Vũ Thị Từ bao năm suốt ngày cặm cụi như
thân cò lặn lội bờ sông để nuôi con, nuôi mẹ, chờ chồng có lẽ cũng vì vậy mà bà
kiệt sức bà đã chút gánh gian lao lại cho chồng ngày 25/10/1748. Biết bao nỗi
đau thương mất mát chồng chất đổ lên đầu làm cho sức khoẻ cụ ngày càng suy giảm
và lại cái tuổi 53 là ngưỡng cửa gập ghềnh mà tạo hoá chớ trêu thường bày đặt
ra để bẫy người ta đưa người ta về chốn hư vô sớm chấm dứt cuộc đời. Vì vậy, cụ
cảm thấy không thể không nghĩ đến tương lai người con trai duy nhất của mình
lúc này cũng đã lớn. Mặc dù cảnh nhà vẫn còn túng thiếu cụ cũng phải cố lo vợ
cho con là ông Nguyễn Huy Bản được lập gia đình với người con gái họ Vũ tên là
Vũ Thị Sinh, hai gia đình vốn chung cảnh ngộ lại là chốn thân tình quen biết
cũ. Lấy vợ cho con được ít lâu, trước khi về nơi vĩnh cửu, thương hai con nghèo
cụ chỉ dặn có một điều ngày giỗ bố, mẹ nên hợp kị cúng cùng vào một giỗ. Cụ mất
ngày 9/9/1750. Lúc này, nạn đói đã qua, chính quyền Lê Trịnh một mặt ra sức đàn
áp phong trào chống đối mặt khác cũng ra nhiều chính sách mị dân giảm nhẹ tô
thuế và thực hiện một phần chính sách quân điền cho dân cầy cấy. Nhờ vậy cụ
Nguyễn Huy Bản cùng cụ bà là Vũ Thị Sinh do lao động cần cù tích cốc thành bộ,
ăn nhặt để giành của cải đã có phần dư dật nên mua thêm ruộng, vốn dĩ là một
người con gái đoan trang thuần chất, nhu mì, hiếm nỗi cụ chỉ sinh được một
người con gái, bà này sau đẻ ra ông Nguyễn Huy Khang ở Trực Trì. Do hiếm hoi
như vậy cụ đã tìm người kế thế, lấy vợ lẽ cho chồng sinh hạ được ông Nguyễn Huy
Cương thì cụ Nguyễn Huy Bản đột ngột tạ thế ngày 25/ 08/1770. Bà Vũ Thị Sinh một mình
phải nuôi con nhỏ thay chồng trong lúc bà hai lại đi tái giá, cụ trích ra một
số ruộng đất cúng vào làng mua hậu và hết lòng nuôi thầy trong nhà cho con ăn
học và dựng vợ cho con rất sớm. Ông Nguyễn Huy Cương được xây dựng với bà Trần
Thị Thời, bà tính tình thuần phác trung hậu nết na lại kế thừa được ở bà
mẹ cả của chồng tính nết đoan trang hiền hoà lịch thiệp biết cần kiệm mà rộng
rãi giàu lòng nhân ái sẵn sàng cưu mang kẻ khó. Những kẻ lang thang không nhà
không cửa hay những người hành khất đã vào nhà khi ra khỏi cổng đều không quên
ngoái lại nhìn bà rồi cung kính cúi chào từ tạ thêm một lần nữa. Bà vốn
tốt bụng từ thời con gái vì bản thân bà đã sớm nếm cảnh mồ côi sống cuộc đời dì
ghẻ con chồng lại làm thân con gái đầu lòng mới mười ba, mười bốn tuổi đã phải
đảm đương nhiều việc. Bà cùng với ông chồng là ông Nguyễn Huy Cương, một người
hiền lành từ tốn trên kính dưới nhường giao du rộng rãi tuy không đỗ đạt gì
nhưng vào thời đó cũng là một người hiểu rộng biết nhiều song hết sức khiêm
nhường nên bạn bè kẻ ra người vào tấp nập người ăn kẻ ở tận tuỵ hết lòng, xóm
làng nhân dân kính nể. Nhân thời loạn lạc đã qua, nước non đã thống nhất
giặc dã đã tan lui, nhân dân được hưởng ân huệ của Hoàng triều. Hoàng
Đế pháp lệnh quân điền chia lại ruộng đất xoá bỏ mọi thứ tô tức nợ nần phu
phen, lao dịch. Và thực hiện chính sách khuyến nông cho nên kinh tế có phần
phát đạt trăm chọ được hoà bình đời sống yên vui và tạm thời no đủ, hai cụ
không những cưu mang những người thân thích trong thân tộc mà còn cho bà con
hàng xóm vay mượn chẳng tính lời lãi, cho nên làng trên xóm dưới thanh thế
chẳng mấy chốc loan xa hàng tổng. Cũng do vậy mà cũng không ít kẻ ghen tị, hiểm
ác nhiều lần rắp tâm làm hại nhất là một số họ ngoài, giàu có nhưng mà keo bẩn,
hợm hĩnh thường dèm pha tức tối nhưng do đức lớp của gia tộc như cây cổ thụ
được trồng nơi đất tốt luôn luôn nẩy trồi đâm lộc sai hoa trĩu quả.Trên 60 năm
hạnh phúc vợ chồng hai cụ đã sinh hạ được năm người con trai, hai con gái là
các cụ:
Nguyễn Huy Đạt
Nguyễn Huy Thảo
Nguyễn Huy Bảo
Và hai bà: Nguyễn Thị Phán, Nguyễn Thị Quyến
Sau khi đã lo đủ mọi việc phải lo
mua hậu, nuôi thầy dạy học, dựng vợ, gả chồng cho hết lượt các con, xây dựng từ
đường đóng góp với dân làng, hàng phe, hàng giáp sai viết gia phả ghi lại
lịch tổ lịch tông, xong đâu đấy hai cụ mới thấy đời mình được mãn nguyện rồi
lần lượt băng hà để lại muôn vàn tiếc thương cho con cháu và cả dân làng lưu
luyến tiễn đưa
Cụ ông mất ngày
21/1/1883
Cụ bà mất
ngày 23/03/1889