GIA

PHẢ

TỘC

Nguyễn
Hữu
-
La
Thọ
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ GIA SỬ CỦA DÒNG HỌ
Tộc Nguyễn Hữu ngày nay nguyên là tộc Nguyễn có chữ lót là Công ( Nguyễn Công ) từ đời thứ nhất đến đời thứ 9. Từ đời thứ 10 đến nay ( 5 đời) là Nguyễn Hữu). Việc thay đổi này vào giữa thế kỷ 19 (1850). Đời thứ 9 là ông Nguyễn Công Chấp, đời thứ 10 là ông Nguyễn Hữu Bá. Lý do thay đổi chữ lót là Công sang Hữu không rõ căn nguyên vì gia phả bị tiêu hủy.

Theo truyền ngôn, Đức thủy tổ tộc Nguyễn Hữu ở miền Bắc, cùng với các tộc khác di dân vào khai hoang lập ấp, kiến lập xã thôn, dân cư, khai cơ lập nghiệp tại làng La Thọ, phủ Điện Bàn, thuộc lộ Thuận Hóa về sau thuộc dinh Trấn Quảng Nam là tỉnh Quảng Nam ngày nay.

Tại làng La Thọ có một họ cùng chữ lót là Công (Nguyễn Công) đổi thành tộc Nguyễn Chánh, việc thay đổi này cùng lúc Nguyễn Công đổi thành Nguyễn Hữu (đời thứ 10). Qua trao đổi với các vị của tộc Nguyễn Chánh, họ cũng không rõ lý do. Theo một số vị cao niên của tộc Nguyễn Chánh thì ông Nguyễn Công Thọai là con thứ ba của ông đời thứ ba thuộc nhánh ba Nguyễn Chánh hiện nay; nhưng chỉ là nói miệng không có cơ sở để xác định (ghi vào đây để có dịp con cháu nghiên cứu thêm).

Cơ sở để xác định tộc Nguyễn Hữu có nguồn gốc là Nguyễn Công căn cứ vào truyền khẩu của ông Nguyễn Hữu Giá. Ông Nguyễn Hữu Giá sinh năm 1881 Tân Tỵ, năm 1957 ông còn sống và cho chúng tôi biết ông cố của ông là Nguyễn Công Thọai, ông Thọai sinh hạ 3 người con là ông Nguyễn Công Chấp, Nguyễn Công Chúc và ông Nguyễn Công Sơn ( Tống Văn Sơn). Cha của ông là Nguyễn Hữu Lý con ông Nguyễn Công Chúc. Ngòai ra ông Nguyễn Hữu Vỹ con ông Nguyễn Hữu Giá cũng cho biết, các giấy tờ đứng bộ sở hữu đất đai trước năm 1945 đều còn đứng tên ông Nguyễn Công Thọai.

Trong cuộc chiến tranh chống Pháp, nhà cửa bị giặc đốt phá nên tông đồ phả hệ bị tiêu hủy, căn cứ truyền ngôn của ông Nguyễn Hữu Giá và ông Nguyễn Hữu Vỹ và thu thập một số thông tin của các bậc cao niên của họ Thái để làm cơ sở xác định tộc Nguyễn Hữu hiện có nguồn gốc là tộc Nguyễn Công.

Trải qua gần bốn trăm năm, biết bao cuộc biển hóa cồn dâu, sao dời vật đổi, sơn lam chướng khí, ôn hòan dịch lệ, địch hạn thiên tai, nhân dân tộc Nguyễn Hữu vẫn tồn tại, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Trong quá trình diễn biến của thời cuộc, anh em đồng tộc phân tán bốn phương: ra Bắc vào Nam, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh..v..cụ thể như sau:

 Con cháu ông Nguyễn Hữu Bá:
Ông Nguyễn Hữu Bá là con ông Nguyễn Công Chấp làm việc ở triều đình Huế, có vợ người Huế, sanh hạ sáu người con 4 trai 2 gái. Khi về hưu khỏang năm 1901, ông không về quê La Thọ mà cùng người bạn đem cả gia đình về cư ngụ tại làng Vân Dương, huyện Hòa Vang tỉnh Quảng Nam, nay là xã Hòa Liên huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng. Sanh hạ con cháu đến nay là đời thứ 14 ( tính từ đời thủy tổ) nếu tính từ ông Nguyễn Hữu Bá đã qua 5 thế hệ con cháu nội ngọai đã rất đông ( riêng đời thứ 14 có 49 nam nữ cháu nội và 32 cháu ngọai) rải rác các xã Hòa Liên, Hòa Khánh, Hòa Minh huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng). Từ trước năm 1945, các bác các anh đều về La Thọ viếng mồ mả ông bà, qua 30 năm chiến tranh bị đứt liên lạc, sau 30/4/1975 các anh các cháu ở Đà Nẵng đều về La Thọ để tham gia xây dựng nhà thờ tộc cải táng mồ mả và lễ bái từ đường, viếng thăm mồ mả, như tục ngữ ông bà đã dạy “ cây có cội nước có nguồn người có tông chim có tổ”.

 Con cháu ông Nguyễn Hữu Mai:
Ông Nguyễn Hữu Mai là con ông Nguyễn Công Chấp, em ruột ông Nguyễn Hữu Bá cư ngụ tại La Thọ nơi Đức Thủy Tổ khai cơ lập nghiệp sanh hạ 4 người con 2 trai 2 gái ( đời thứ 11). Ông Nguyễn Hữu Ngọ cháu nội ông Nguyễn Hữu Mai sanh hạ 7 người con 4 trai 3 gái (đời thứ 12). Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông Nguyễn Hữu Cửu hy sinh (1946) và ông Nguyễn Hữu Ca (đời thứ 13) hy sinh 1954.
Hiện nay, ông Nguyễn Hữu Trí ( cháu cố của ông Nguyễn Hữu Mai) và gia đình hiện ở tại làng La Thọ lo việc tu tạo nhà thờ tộc và mồ mả tổ tiên và thờ cúng ông bà.
Ông Nguyễn Hữu Kịch nhập ngũ 5/1962 tham gia chiến đấu chống Mỹ tại chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Năm 1970, ông bị thương được đưa ra miền Bắc dưỡng thương và ở lại miền Bắc tiếp tục công tác. Năm 1989, ông được nghỉ hưu với quân hàm đại tá quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông đã có vợ và 3 con ( 2 trai 1 gái), hiện gia đình ông cư ngụ tại xã Cổ Thành thị xã Chí Linh tỉnh Hải Dương.
Tuy ở xa hàng ngàn cây số, mỗi lần giổ tổ mùng 10 tháng 3 ông đều về La Thọ để lễ bái ông bà viếng thăm mồ mả.

 Con cháu ông Nguyễn Hữu Lý:
Ông Nguyễn Hữu Lý là con ông Nguyễn Công Chúc, em con chú với ông Nguyễn Hữu Bá, ông cư ngụ tài làng La Thọ, làm nghể nông. Ông sanh hạ 12 người con, 6 trai 6 gái. Trận bão lụt năm Giáp Thìn 1904, lúa ngòai đồng bị bão lũ cuốn sạch, gia đình lâm vào cảnh đói khổ nên ông và 10 người con bị chết đói chỉ còn lại 2 người con là bà Nguyễn Thị Đây và ông Nguyễn Hữu Giá. Ông Nguyễn Hữu Giá sinh hạ được 7 người con, chết 3 còn 4 người 1 trai và 3 gái. Ông Nguyễn Hữu Vỹ, con thứ tư của ông Nguyễn Hữu Giá ( đời thứ 12) sớm giác ngộ cách mạng và tham gia cách mạng từ năm 1931. Năm 1954, ông không đi tập kết mà ở lại miền Nam công tác. Năm 1956, địch bố ráp bắt bớ người cộng sản, nên ông trốn vào Sài Gòn đổi vùng công tác. Do chiến tranh ác liệc nên cả gia đình ông cũng lần lượt vào Sài Gòn sinh sống, học tập và công tác CM. Ông Nguyễn Hữu Vỹ sinh hạ được 5 người con ( 4 trai 1 gái), vợ chồng ông Nguyễn Hữu Vỹ đã qua đời, hiện nay còn 5 người con và 15 người cháu nội ( 5 trai 10 gái) đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh; có 1 cháu nội đang ở La Thọ.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Vỹ tuy ở xa gần 1000 cây số nhưng từ sau 30/4/1975 đến nay đều tích cực về quê La Thọ để cùng với anh em con cháu ở La Thọ và Đà Nẵng xây dựng nhà thờ tộc, cải táng mồ mả tổ tiên về một chỗ. Hằng năm đến ngày giỗ Đức Thủy Tổ và các bậc tiền nhân ( mồng 10 tháng 3) đều có thay nhau về lễ bái từ đường và vẫy mồ mả.

 Con cháu ông Nguyễn Công Sơn:
Ông Nguyễn Công Sơn (theo truyền ngôn cửa ông Nguyễn Hữu Giá) đi lính ở triều đình Huế, chỉ huy một chiến thuyền đóng ở Hội An. Ông đổi tên là Tống Phước Sơn. Ông chết mồ mả an táng tại La Nghi (Hội An). Con cháu ông ở tại làng Lỗ Giáng xã Hòa Xuân huyện Hòa Vang Đà Nẵng. Năm 1958, chúng tôi có đến Lỗ Giáng, nhà ông Tống Văn Bàng, 18 tháng giêng là ngày kỵ cơm ông Sơn. Được biết phó ý cũng không ghi nguồn gốc dòng tộc. Năm 1956, mồ mả của con cháu ông Sơn tọa lạc tại Cồn Đôi, và được dựng bia đầy đủ. Nhưng thời chiến tranh chống Mỹ bị cày hết, nên anh em ở Lô Giáng không về nữa.
Trước năm 1945, ông Tống Văn Bàng đều nhớ ngày mùng 7 tháng chạp về La Thọ để chụp mả bên nội, và viếng mồ mả, dự chụp mả bên ngọai là đàng Tràm Chiêng tộc Nguyễn Văn La Thọ.

 Con cháu ông Nguyễn Hữu Vinh:
Ông Nguyễn Hữu Vinh là con ông Nguyễn Công Chúc, ông đi lính gọi là cai Vinh, đóng quân tại Bình Định. Theo ông Nguyễn Hữu Giá nói lại thì trước kia ( khỏang 1895) hằng năm ông có về, sau này biệt tăm luôn.

Sở dĩ chúng tôi ghi vào đây con cháu ông Nguyễn Công Sơn và ông Nguyễn Hữu Vinh là để con cháu có điều kiện nếu gặp được thì tìm hiểu để nhìn lại dòng tộc. Mấy năm qua chỉ một lần đi Lỗ Giáng gặp ông Tống Văn Bàng (1958) sau này không có điều kiện nên không liên lạc được.
Tóm lại tộc Nguyễn Hữu có nguồn gốc Nguyễn Công, Đức Thủy tổ đã vào định cư tại làng La Thọ vào khỏang đầu thế kỷ 16, đã gần bốn trăm năm, tính đến nay đã là 14 đời con cháu ( mộ Đức thủy tổ hiện nay an táng tại Cồn Quít La Thọ).

*Về lăng mộ Đức thủy tổ và mộ các bậc tổ tiên, con cháu tộc Nguyễn Hựu La Thọ

Mộ ông và bà Đức Thủy Tổ nằm ở Cồn Tràm, và mộ các bậc tiền nhân được chôn cất ở nhiều nơi tại làng La Thọ, hầu hết mộ bằng đất, không có bia. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mồ mả bị cày xới, do thiên tai nên bị thất lạc. Sau 30/4/1975, con cháu tộc Nguyễn Hựu về lại La Tho truy tìm và tu tại chỉ còn trên 50 mộ (khỏang một phần ba) rải rác ở nhiều nơi, bị làm nhà, trồng cây lấn chiếm.

Năm 1986 và năm 1995, con cháu của tộc đã di dời được 21 vị đưa về an nghỉ tại nghĩa trang Cồn Quít La Thọ và bọc nấm trên 50 vị.
Năm 2006 (Bính Tuất) theo yêu cầu của chính quyền xã Điện Hòa tộc ta phải di dời mã Đức Thủy Tổ và một số mộ tổ tiên đi nơi khác để lấy đất làm dự án khu công nghiệp.

Thi hành chủ trương của chính quyền, Hội đồng gia tộc đã nhất trí quy tập mộ Đức Thủy Tổ và các mộ tổ tiên ông bà ở một số nơi về một chỗ tại nghĩa trang Cồn Quít. Việc di dời được thực hiện vào ngày 26 tháng 4 năm 2007 (nhằm ngày mồng 10 tháng 3 năm Đinh Hợi). Tất cả là 25 vị nằm ở khu đất 120m2 và được xây mộ bằng gạch và xi măng tương đối hòan chỉnh, và tôn tạo nâng cấp 21 vị đã dời trước cũng nằm tại nghĩa trang Cồn Quít. Tháng 4 năm 2011, anh Nguyễn Hữu Trí và anh Nguyễn Hữu Kịch tiến hành dời 8 vị ở vườn tiền ngòai về Cồn Quít, trong đó có 4 vị an táng chung với khu 21 vị. Như vậy khu B có 25 vị, còn 4 vị an táng ở ngòai. Trong số 50 vị ở 2 khu A và B, chỉ biết tên được 16 vị còn 34 vị không rõ tên. Như vậy, tất cả mồ mả Đức Thủy Tổ và ông bà tổ tiên đều được tập trung về một nơi “ NGHĨA TRANG CỒN QUÍT”. Tổng cộng 54 vị, còn ở vườn tiền 4 vị.

Mộ ông bà Đức Thủy Tổ nằm ở khu A nghĩa trang Cồn Quít, hướng mộ xoay về Đông Nam.
Trên bia mộ có ghi 2 dòng chữ vừa Nho vừa Việt như sau “ VIỆT NAM, QUẢNG NAM, ĐIỆN BÀN, LA THỌ, ĐỆ NHẤT THÊ TỔ NGUYỄN CÔNG ĐẠI LANG ĐƯƠNG KIM NGUYỄN HỮU TỘC PHƯỚC ĐỨC HÒAN NHƠN CHI GIAI THÀNH”
“ VIỆT NAM, QUẢNG NAM, ĐIỆN BÀN, LA THỌ, ĐỆ NHẤT THÊ THỦY TỔ NGUYỄN CÔNG ĐẠI LANG NGUYÊN PHỐI MAI THỊ ÁI NƯƠNG, TỨ ĐỨC HÒAN NHƠN GIAI THÀNH”

Tuy mộ Đức Thủy Tổ và tổ tiên ông bà được quy tập về một nơi, được xây dựng tương đối hòan chỉnh bằng gạch và xi măng, nhưng theo thời cuộc và hòan cảnh lịch sử nên phải tôn tạo bảo tồn là việc không dễ dàng trong lúc con cháu anh em dòng tộc sống ở nhiều nơi đa số kinh tê khó khăn. Làm sao thế hệ nay và mai sau dù làm ăn sinh sống nơi nào cũng phải nhớ về cội nguồn nơi thủy tổ xây dựng cơ nghiệp. đức thủy tổ cà tổ tiên ông bà đã siêu thăng nhưng tinh thần vẫn sống mãi trong sự nghiệp của con cháu nội ngọai. Tổ tiên sẽ phò hộ cho con cháu làm ăn “ PHỒN VINH THỊNH VƯỢNG” chẳng những cho thế hệ hôm nay mà mãi mãi cho muôn ngàn thế hệ mai sau “ CÔNG ĐỨC TỔ TIÊN ÔNG BÀ” con cháu chúng ta xin cung kính ghi tạc.

 VỀ XÂY DỰNG TỪ ĐƯỜNG TỘC NGUYỄN HỮU LA THỌ
Trước năm 1945, tộc Nguyễn Hữu không xây dựng từ đường. Hằng năm vào ngày mồng bảy tháng chạp, con cháu nội ngọai sau khi đi tảo mộ xong, tụ họp về nhà ông Nguyễn Hữu Ngọ sau này là nhà anh Nguyễn Hữu Trí để lễ bái tổ tiên ông bà.
Cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm ( 1945 -1975), con cháu dòng tộc Nguyễn Hữu La Thọ phân tán nhiều nơi nên việc xây dựng từ đường cũng không tiến hành được. Hai mươi năm sau, khi hòa bình lập lại, năm 1995 ( Ất Hợi) nhân lễ tảo mộ, con cháu nội ngọai từ Hòa Liên, Hòa Minh, Hòa Khánh, thành phố Hồ Chí Minh, La Thọ tụ hội về dự lễ cúng bái tổ tiên ông bà mới đề xuất vớ Hội đồng gia tộc. Con cháu sẽ góp công, góp của xây dựng từ đường để có nơi thờ cúng tổ tiên ông bà.

Với nguyện vọng của con cháu nội ngọai, Hội đồng gia tộc nhất trí và tiến hành giao cho ông Nguyễn Hữu Nhe, Nguyễn Hữu Mẩn, Nguyễn Hữu Trí chủ trì việc xây dựng, gaio ông Nguyễn Hữu Thành ( Hai Liên) huy động tài chánh.

Từ đường khởi công vào ngày 2/10/1997 nhằm ngày mồng 2 tháng 9 năm Đinh Sửu; xây dựng xong làm lễ khánh thành vào ngày 3/1/1998 nhằm ngày mồng bảy tháng chạp năm Đinh Sửu.

Từ đường được xây dựng thành 3 gian theo hướng Càn Tốn (mặt tiền từ đường xây về hướng Đông Nam) trên khu đất 1 sào ta, khỏang 500 m2. Khu đất này là đất vườn thuộc sở hữu của ông Nguyễn Hữu Vỷ, con cháu của ông hiến cho tộc để làm từ đường.

Bên trong thiết kế 5 án thờ: án chính giữa, hai chữ nho đại từ “ KHAI TIÊN” thờ Đức thủy tổ; 2 án thờ 2 bên trái phải chữ nho “ HẬU HIỆP” và “ QUANG TIÊN” thờ các vị tiên tổ của tộc; 2 khám ngòai cùng sát 2 bên vách tường phụ thờ con cháu theo tiên tổ với các chữ “ TẢ HẬU TỰ, HỮU HẬU TỰ”.

Trước mặt Từ Đường có xây bức bình phong ngòai sân cổng chính đề chữ “ NGUYỄN HỮU TỘC ”, hai bên trụ cổng chính có 2 câu liễn
Bên phải: “ TỘC NỘI TÔN ĐƯỜNG LƯU THĂNG CẢNH”
Bên trái: “ MÔN TIỀN TĂNG NHẬT TRANG NGHIÊM QUANG”
Bên trái từ đường xây một miếu thờ an vị chư liệt vị tổ cô của tộc Nguyễn Hữu La Thọ gọi chung là miếu Bà Cô, hai chữ nho đại tự “ TRINH THỤC”

Từ đường tộc Nguyễn Hữu La Thọ là nơi hội tụ tinh thần của dòng tộc, đáp ứng nguyện vọng của con cháu nội ngọai, là nơi mà con cháu về họp mặt giao lưu thăm hỏi chúc mừng nhau. Tuy vậy từ đường được xây dựng trong điều kiện con cháu kinh tế khó khăn nên chưa được mỹ mãn, sau này con cháu dù ở đâu cũng nhớ về góp phần tu tạo từ đường để mãi mãi được trường tồn.

Trải qua thời gian đã biết bao biến cố của thời cuộc, anh em dòng tộc Nguyễn Hữu phân tán nhiều nơi nhất là ở thành phố Đà Nẵng, thành phố Sài Gòn ( Hồ Chí Minh ), rải rác ở các tỉnh. Dù đi đâu ở đâu cũng nhớ về nguồn cội.

“Mộc chi thiên chi vạn diệp bổn ư căn”
“Thủy chi thiên lưu vạn phái bổn ư nguồn”
Nghĩa là
“Cây sinh ngàn cành muôn lá nhờ có gốc”
“Nước chảy ngàn nhanh, muôn dòng nhờ có nguồn”

Do đó mong rằng hằng năm, con cháu đều qui tụ về quê hương La Thọ, lễ bái từ đường, viếng thăm mồ mả ( mồng 10 tháng ba ) như tục ngữ ông bà đã dạy “ cây có cội nước có nguồn chim có tổ người có tông”
Sau này con cháu ở xa quê, làm ăn thịnh vượng, nên nhớ về nguồn đóng góp trùng tu nhà thờ tộc ở La Thọ, kiến tạo mồ mả tổ tiên( hiện nay số còn lại đã cải táng, tập trung tại nghĩa trang Cồn Quít, một số bị thất lạc). Không nên xây dựng nhà thờ riêng, không nên tách họ. Nếu có điều kiện cho phép có thể xây dựng “ Hội quán Nguyễn Hữu Tộc” là hình thức hội trường, sinh họat văn hóa, sinh họat đồng tộc, như hình thức họp đồng hương hằng năm.

Ngày nay, con cháu Nguyễn Hữu Tộc dù ở đâu làm ăn ở nơi nào, nguyện luôn luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của đại gia đình Nguyễn Hữu Tộc, mãi mãi làm rạng rỡ anh linh tổ tiên dòng tộc ngày càng thịnh đạt hạnh phúc để thể hiện tình cảm uống nước nhớ nguồn.

La Thọ ngày 31 tháng 3 năm 2012
(nhằm ngày 10 tháng 3 năm Nhâm Thìn)
BAN CUNG LỤC GIA PHẢ TỘC NGUYỄN HỮU
Nguyễn Hữu Nhe
Nguyễn Hữu Trí
Nguyễn Hữu Thành
Gia Phả Nguyễn Hữu - La Thọ
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Nguyễn Hữu - La Thọ.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Nguyễn Hữu - La Thọ
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.