GIA

PHẢ

TỘC

Họ
Đặng
Tộc
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ GIA SỬ CỦA DÒNG HỌ
Năm Giáp ngọ (năm 34 ), nhà Hán sai Thái thú Tô Định sang Quận Giao Chỉ nước ta cai trị với chính sách tàn bạo dã man chưa từng có. Thời ấy có Đặng Thi Sách giàu lòng yêu nước, Ông viết tờ lệnh cảnh cáo Tô Định, đòi Tô Định phải thay chính sách cai trị không được vô cớ giết hại dân lành . Với bản chất hung hãn, Tô Định xua quân đánh vào Chu Diên giết hại Thi Sách. Trưng Trắc là con lạc tướng Mê Linh căm giận Tô Định hà hiếp dân lanh , đã giết chồng bà, cho nên đã cùng em là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa. Đó là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm Canh Tý ( 40 ). Cuộc khởi nghĩa lan rộng ra bốn quận Cửu Chân, giao Chỉ, Nhật Nam, Hợp Phố, khí thế long trời lở đất. Trong số những tướng tài của Hai Bà Trưng có ba anh em nhà họ Đặng là Đặng Cả, Đặng Hai và Đặng Ba con ông Đặng Long và bà Phạm thị Phương ở ấp Đường Lâm đã theo Hịch của hai Bà Trưng chiêu tập 5.000 binh mã cùng hơn 40 người trong gia tộc kéo về Hát Môn yết kiến Hai Bà. Những chiến công của ba anh em người họ Đặng đã giúp hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định, củng cố thành quách xây dựng Đô kỳ Mê Linh ở Lĩnh Nam . Ba năm sau Mã Viện kéo quân sang, cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng thất bại, ba anh đã tuẫn tiết trên sông Hát Môn . Tinh thần yêu nước và tài danh của ba anh em nhà họ Đặng đã làm cho nhân dân thời ấy vô cùng kính trọng. Sau khi mất Dân làng Yên Sơn ( Chương Mỹ Hà Tây) đã lập đền thờ ba ông.

Người họ Đặng vẫn thường coi vùng Trúc Sơn, Lương Xá, Chương Mỹ, Hà Nội là cái nôi của họ dòng họ mình. Cụ Tổ đầu tiên được ghi trong gia phả họ Đặng là Đặng Phúc Mãn làm quan thời Lý Anh Tông, ông được nhà vua cử đi chỉ huy xây dựng thành Yên Hưng ở Quảng Ninh. Con ông có nhiều người tài giỏi, trong đó có Hiền Sĩ Đặng Nghiêm, người khai khoa cho xứ Sơn Nam. Theo Đăng Khoa Lục thì ông sinh năm Canh Dần (1170), đỗ Hiền Sĩ Năm 1185 thời Lý Cao Tông lúc mới 15 tuổi, ông làm quan tới chức Thi Lang Bộ Công. Năm 2007 Viện Khoa học lịch sử cùng với các cơ quan nghiên cứu ứng dụng phả học đã tổ chức hội thảo khoa học về Đặng Nghiêm. Các nhà khoa học đã có nhiều báo cáo đánh giá công lao của ông trong vấn đề nghiên cứu Tam Giáo ( Nho , Lão, Phật ). Tại cuộc hội thảo Ông đã được tặng tượng đồng. Tên ông được đặt cho một đường phố lớn ở thành phố Thái Bình. Ông có ba người con đều làm quan, theo sách Đặng Tộc Đại Tông Phả ( nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc) , Sách Danh Nhân Họ Đặng qua các triều đại Việt Nam ( nhà xuất bản Thanh Niên) thì người con cả là Đặng Tảo (sinh ngày 10-5 năm Giáp Dần thời Lý Cao Tông), Cao Nghĩa Thần triều Trần. Con thứ là Tiến sĩ Đặng Diễn (sinh 1212) làm quan tới chức Thượng Thư. Con thứ ba là Thám hoa Đặng Ma La (sinh 1234), làm quan giữ chức Thẩm hình Viện. Tại quê hương Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Nội, nhân dân đã lập đền thờ Ông. Hậu duệ các đời sau của ông có nhiều danh nhân nổi tiếng như Thái sư cục Lệnh Đặng lộ (con trưởng cụ Đặng Nhữ Lâm), Thám hoa Đặng Bá Tĩnh (con trưởng cụ Đặng Bá Kiển), Thám hoa Đặng Tất (cháu nội cụ Đặng Bá Tĩnh) và Đồng Bình Chương Sự Đặng Dung (là con trưởng của Quốc Công Đặng Tất). Đặng Tất và Đặng Dung là hai cha con, đều là hai anh hùng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thời Hậu Trần, được vua Lê Lợi ban tặng : “Quốc sĩ vô song song quốc sĩ; anh hùng bất nhị nhị anh hùng”.

Cố hương vẫn là nơi hướng về của con người, dù họ có thành công trong sự nghiệp hay không. Trước khi tuẫn tiết, Đặng Dung đã dặn dò người con trưởng là Đặng Đình Nghi hãy trở về đất tổ để xây dựng cơ đồ. Trứng rồng lại đẻ ra rồng, hậu duệ sau này của Đặng Dung trên đất phía tây thành Thăng Long đã làm rạng danh dòng họ Đặng. Kể từ Thái úy Nghĩa Quốc Công Đặng Huấn (sinh 1519) trở lên đến Cao Quận Công Đặng Lâm ( sinh 1412 ) và cũng từ Ông xuống đến Tiến sĩ Ứng Quận Công Đặng Đình Tướng (sinh 1649) một đời quý hiển, “cha Quận Công, con Quận Công, cả nhà thúc bá đều Quận Công; anh Phò Mã, em Phò Mã, cả nhà xiêm Đai áo Ngọc vào chầu Thánh Cung”.

Một dòng họ có tới 63 Tiến sĩ qua các triều đại phong kiến ở phía tây kinh thành Thăng Long đã có nhiều cống hiến cho lịch sử dân tộc. Đó không những là niềm tự hào riêng của người họ Đặng mà còn cho tất cả những ai quan tâm đến mảnh đất Văn Hiến ở phía tây Kinh Thành Thăng long tươi đẹp của chúng ta
Gia Phả Họ Đặng Tộc
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Họ Đặng Tộc.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Họ Đặng Tộc
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.