GIA SỬ DÒNG HỌ NGUYỄN VĂN
LÀNG PHƯƠNG TRUNG, HUYỆN ĐẠI LỘC TỈNH QUẢNG NAM
“Cây có cội sinh muôn cành vạn nhánh
Nước có nguồn đổ ra trăm suối ngàn sông”
Viết Gia sử nhằm giáo dục con cháu nhớ đến Tổ tiên, nhớ đến công lao của tổ tiên đã gian nan xây dựng và bồi đắp nên dòng họ, nhắc nhở con cháu phải luôn luôn hướng về cội nguồn hết lòng phụng sự và phát huy những truyền thống tốt đẹp của Tổ tiên. Đây là tình cảm của “con cháu để tỏ lòng tri ân liệt vị tiền nhân đã sống trọn vẹn cho hậu lai Phước Trạch”(1)
“Chúng ta vui vẻ, tự hào bậc tiền nhân họ ta đã có lắm nếp sống đôn phát đáng kính”(2)
Theo nguyện vọng của bà con trong Tộc, cần biên soạn Gia phả để thống nhất chung trong toàn tộc trên cơ sở gia phả của hai phái, các bút tích, khẩu truyền và quá trình phát triển của dòng tộc nói riêng, xã hội nói chung. Gia phả ra đời sẽ giúp cho con cháu nhớ đến tên tuổi, lai lịch, nguồn gốc, tông tích của tổ tiên.
Ban Biên tập đã nghiên cứu, thu nhập và xử lý thông tin để hoàn thành và ra mắt Gia phả nhân Lễ Tế xuân và Tảo mộ vào ngày mồng 10 tháng 3 năm Nhâm Thìn (2012). Tuy nhiên trong việc sưu tập và xử lý thông tin còn có những vấn đề Ban biên tập “Vẫn chưa hài lòng, vì chặng đường quá khứ vẫn còn mờ mịt, bởi sương mù quên lãng, thất lạc chưa tìm được những di tích cơ sở để tập hợp biên chép đầy đủ”(3) trong quá trình phấn đấu xây dựng cơ nghiệp của tiền nhân từ nguồn gốc hình thành đến sự biến đổi mà tập trung ở đời thứ nhất trở về trước.
* Tìm hiểu về cội nguồn
- Đời thứ nhất:
+ Ông : Nguyễn Văn Phàn
+ Bà : Trần Thị Kiểu
Theo bút tích: Ông, Bà sinh nhằm thời loạn ly Trịnh – Nguyễn phân tranh (1627 đến cuối thế kỷ 18), vua chúa áp bức chuyên quyền, dân chúng khốn khổ gian truân làm chư nhân thôi thúc cuộc vận động bình dân cách mạng nẩy sinh “Tây Sơn khởi nghĩa”(4).
Trước năm Ất tỵ (1785) thời đại Lê Hiển Tông (1740 – 1786) niên hiệu Cảnh Hưng (46)(5) Bà di cư vào Nam (Thăng Hoa phủ), đến Đông Phúc – Tam Châu; sau định cư sáng nghiệp cùng các chư tộc Trần, Lê lập Xã hiệu Bào Bàng Đông (châu) thuộc tổng Phú Mỹ, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đến các đời vua Nguyễn cải danh Phương Trạch nay là thôn Phương Trung, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam.
Ông, Bà quê gốc Thanh Hóa (?) thuộc dòng họ quý phái, có chữ nghĩa, ông làm quan ở triều đình. Chúng ta chỉ biết được ngày giỗ của các cụ nhưng chưa biết ai thân sinh ra các cụ, gốc từ đâu đến Thanh Hóa, anh em ruột thịt gồm những ai? Các cụ sinh ra ở đâu? Vào năm nào? Những năm tháng hưởng thọ ra sao? Hiện nay chỉ có mộ Bà, còn mộ Ông chưa biết nằm ở đâu? Tất cả còn là những điều bí ẩn. Chỗ bí ẩn này sẽ nhường lại cho phước duyên của hậu bối “Hậu lai cư thượng”.
Theo khẩu truyền: “Vào khoảng năm (1738 – 1765) xứ Đàng trong, chúa Nguyễn Phúc Khoát ra Chiếu chỉ bố cáo thiên hạ, lấy đất Phú Xuân làm kinh đô (nay là cố đô Huế) đồng thời ra Chiếu chỉ đưa một số quan có công trạng với triều trình và đất nước, cùng dân xứ Bắc (Thuận Hóa) mà nhà Nguyễn đang quản lý vào phía Nam để trấn giữ và khai hoang lập Ấp.
Vào khoảng năm 1780 ngài Đức Thỉ tổ của chúng ta là cụ Nguyễn Văn Phàn lúc bấy giờ làm quan tại Triều (Chúa Nguyễn). Để tránh hậu họa cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Tây Sơn, Ngài đã thu xếp để vợ là Đức Bà Thỉ tổ Trần Thị Kiểu và con trai là ngài Nguyễn Văn Hòa (lúc bấy giờ khoảng 5 – 6 tuổi) ra đi trước cùng với người anh của Ông (chưa rõ người anh ruột hay người anh họ trong dòng tộc?) là ông Nguyễn Văn Qua, bước đầu đến vùng Thăng Hoa phủ (Gia phả ông Xã Quyện – thuộc đời thứ 6, ghi Thăng Ba phủ) có thể là vùng đất từ Thăng Bình, Tam Kỳ đến Quảng Ngãi…? Buổi đầu gặp khó khăn nơi vùng đất khô cằn đầy nắng và gió, nên mẹ con cùng với người anh tìm kế sinh sống bằng con đường buôn bán theo ngược dòng sông Vu Gia; phương tiện là một chiếc ghe bầu, mục đích kiếm sống và để tìm đến vùng đất tươi tốt nhằm sinh cơ lập nghiệp.
Năm 1785 cụ Bà lần đến vùng đất Đông Phúc – Tam Châu thuộc tổng Phú Mỹ, phủ Duy Xuyên để cư ngụ và buôn bán làm ăn. Về sau Bà nhận thấy vùng đất bên tả ngạn sông Vu Gia tương đối màu mỡ nên mẹ con an cư lập nghiệp tại đây; còn người anh tiếp tục đi lên trên một đoạn nữa là vùng đất thuộc xứ Hà Nha thượng (nay thuộc xã Đại Đồng) để lập nghiệp sinh con cháu, kế thế gia phong. Từ trước đến nay con cháu ông Nguyễn văn Qua và gia tộc vẫn giữ quan hệ bà con trong dòng tộc.
Tại nơi bổn xứ Bà đã khai hoang và canh trưng hơn 10 mẫu đất (ghi theo Gia phả của ông Xã Quyện, có bản đồ kèm theo) và cùng với các chư tộc Trần – Lê, lập nên Xã hiệu Bào Bàng Đông (châu). Vào năm 1864 (Giáp Tý), tưởng nhớ các bậc Tiền – Hậu hiền (ba tộc Trần – Lê – Nguyễn) đã có công khai phá và sáng lập, nhân dân trong làng xây dựng ngôi Đình để phụng thờ và tế lễ hàng năm (Nay ngôi đình sau cơn lũ 2009 đã bị nước cuốn trôi, chỉ còn lại cây xà cồ dưới cây đòn đông ghi dưới thời vua Tự Đức và nay đã được xây dựng lại tại làng Phương Trung mới – 2011/ năm Tân Mão)(*).
Bào Bàng cổ xưa tiền nhân dựng
Phương Trung đương đại hậu thế xây
Nguyễn Văn Tuân đề tặng.
Đức Bà Thỉ tổ là con cháu dòng dõi nho phong, tài trí thông minh. Bà xa chồng, gánh nặng đè lên đôi vai nhỏ bé của người phụ nữ đảm đang, chịu bao gian truân khổ cực, nhưng Bà đã đùm bọc che chở nuôi con ăn học từ ấu thơ đến trưởng thành – xây dựng cơ nghiệp để lại cho con cháu đời sau.
- Đời thứ 2:
+ Ông : Nguyễn Văn Hòa
+ Bà : Nguyễn Thị Công (người làng Lâm Yên, tổng Phú Mỹ, phủ Duy Xuyên).
Đến năm 1811 (Gia Long X) ông Nguyễn Văn Hòa (con trai của Bà) kế nghiệp phát triển rộng ra và đứng bộ Bào Bàng Đông (châu) thuộc tổng Phú Mỹ, phủ Duy Xuyên sau cải danh Phương Trạch – Đông Châu rồi sau nữa thời Chính phủ cách mạng (Việt Minh) theo chủ trương chung dồn xã ghép với làng Trung Lệ kế cận danh xưng Phương Trung (1946), xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ngày nay.
Năm Gia Long thứ XII – Chánh Bát phẩm Dịch Mục.
Năm thứ Gia Long XIV cùng với các ông Trần Văn Thuận, Lê Văn Đạm tu điền bộ (Địa bộ Gia Long);
Triều Minh Mạng, Tự Đức, làng Phương Trạch đồng thuận trích tự 3 mẫu đất giao các tộc Trần, Lê, Nguyễn nhận canh phụng tự Tiền – Hậu hiền (có thuận ưng và đơn bằng chấp thủ).
Đến triều Bảo Đại lập tu hậu điền bộ đất trích tự, cải di nghiệp chủ Trần, Lê, Nguyễn (có trích lục) kỵ Tiền – Hậu hiền vào mồng 01/8/ÂL hàng năm.
Ông, Bà sinh hạ được 02 trai, 05 gái và kế thừa sự nghiệp của mẹ để, lại cho con ăn học để kế thế gia phong.
Con trai lớn của Ông, Bà là ông Nguyễn Văn Sử, con trai thứ là ông Nguyễn Văn Huyên và các con gái gồm có:
- Bà Nguyễn Thị Lục (C);
- Bà Nguyễn Thị Ngân; Có chồng: Họ Dương. Con ông/bà: Dương Văn Khuê làng Phúc Yên.
- Bà Nguyễn Thị Minh; Có chồng: Ông Tổng Phú làng Lâm Yên.
- Bà Nguyễn Thị Thanh; Có chồng: Ông Thư lại Trần Đình Trang làng Đông Lâm, tổng Đại An.
- Nguyễn Thị Điểm (C).
- Đời thứ ba:
+ Phái Nhất : Ông Nguyễn Văn Sử
Bà Trần Thị Yến
Ông làm quan Thư lại tại Triều, Ông – Bà sinh hạ được 04 trai và 03 gái.
+ Phái Nhì : Ông Nguyễn Văn Huyên
Chánh thất : Bà Võ Thị Định, Bà sinh được 05 người con trai; 02 người con gái.
Kế thất : Bà Phạm Thị Phước; Bà sinh được 03 người con trai
Thứ thất : Bà Phạm Thị Tình; Bà sinh được 02 người con gái.
Triều Minh Mạng Ông làm Lý Trưởng, các Bà sinh hạ được tất cả 08 trai, và 04 gái.
Sau 232 năm, từ một giọt máu đào đến nay (tính từ năm 1780 đến 2012) họ Nguyễn chúng ta đã phát triển được 10 hệ. Gia Tộc đã thiết lập được Bảng Tông đồ, gồm có 2 phái; phái Nhất có 03 chi, phái Nhì có 02 chi.
Và từ đó an cư lập nghiệp, xây dựng cơ đồ, sinh hạ con cháu đông đúc kế nghiệp vĩnh viễn trường tồn.
Cuối cùng Ban Biên tập chúng tôi kính mong bà con trong tộc hoặc các cá nhân khác dù ở bất cứ nơi đâu, ai có tư liệu cũ về dòng họ hoặc có thông tin gì liên quan đến dòng tộc, xin vui lòng cộng tác cùng chúng tôi bất kỳ thời điểm nào, Ban chúng tôi sẽ trực tiếp gặp và thu nhận các tư liệu hoặc thông tin đã nghe thấy, chúng tôi xin thành thật tri ân./.
HỘI ĐỒNG GIA TỘC NGUYỄN VĂN
BAN BIÊN TẬP
* Số điện thoại để liên hệ:
1. Nguyễn Văn Mười: 01666453167
2. Nguyễn Văn Tạo: 0983775534
3. Nguyễn Văn Tuân: 0903573810
4. Nguyễn Văn Thắng: 0913480242
5. Nguyễn Văn Tâm (Đức): 0913406234
PT Website: Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Văn Đình Tâm
Ghi chú :
Theo khẩu truyền về Lịch sử đình Làng Phương Trạch ( Phương Trung):
- Năm 1864/Giáp Tý: Đình làng làm bằng tranh tre. Dân làng có câu “ Nhứt kiểng Phường Đông, Nhì Trống Phường Nà, Thứ ba Thanh La Bàng Trạch”
- Năm 1875/Ất Hợi - Tự Đức thứ 28: Xây dựng Đình làng mới làm bằng gỗ từ cây Huỳnh Đàn, tường xây bằng gạch, vôi, mái ngói ( cây Huỳnh Đàn này do trận lũ lớn của năm trước từ thượng nguồn sông Vu Gia trôi tấp vào đầu Làng làm ngã sập ngôi Đình tranh tre, nên dân làng dùng nó làm lại Đình làng mới).
|