DIỄN VĂN KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ TỘC VÕ BÀU NGHI
(10/2/NĂM Giáp Thìn)
Kính thưa quý vị đại biểu;
Kính thưa quý vị khách quý, quý vị đại diện các họ tộc anh em;
Với tấm lòng thành kính, sự biết ơn vô hạn đối với Tổ tiên, Thưa bà con nội ngoại, dâu rể của Tộc Võ Bàu Nghi
Trong không khí vui mừng phấn khởi, ấm áp, tôn nghiêm của ngày giỗ ông bà, tổ tiên. – Hôm nay, hậu duệ Tộc Võ Bàu Nghi chúng tôi tụ hội về đây kính cẩn dâng hương, long trọng khánh thành nhà thờ Tổ.
Trước hết, thay mặt toàn thể con cháu Tộc Võ Bàu Nghi, tôi nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu, quý vị khách quý đã đến đây để chung vui cùng họ tộc chúng tôi.
Hội đồng Tộc Võ Bàu Nghi nhiệt liệt chào mừng toàn thể bà con, chú bác, anh chị em, con cháu dâu rể, nội ngoại từ khắp mọi miền của đất nước đã về đây, làm cho buổi lễ càng thêm ấm cúng, linh nghiêm, thắm đượm nghĩa tình của dòng tộc.
Kính thưa quý vị, kính thưa toàn thể gia tộc!
Khoảng 400 năm trước đây, vị thuỷ tổ Tộc Võ Bàu Nghi là ông Võ Tương đã đặt dấu ấn đầu tiên của họ Võ tại nơi này. Từ làng Trường lệ, huyện Quảng Xương Thanh Hóa di cư vào, phát hiện đây là vùng đất địa linh, với vị thế đẹp, các cụ đã ở lại định cư và lập nghiệp. Khi đó, vùng đất này còn hoang sơ, tổ tiên chúng ta đã phải vượt qua bao nguy hiểm khó khăn để khai hoang, tạo dựng được địa danh Phụng Nghi từ núi lỡ huyện Đại Lộc cho đến làng Túy la và truyền lại cho con cháu chúng ta như ngày hôm nay. Dòng họ hiện nay có trên 16 đời với tổng số gia đình 1247 và 1632 người gắn bó với quê hương làng Bàu Nghi thôn ba, xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn.
Từ đường tộc Võ do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện thiên nhiên không thuận lợi, nên đã hơn năm lần xây dựng. Lần đầu tiên được xây trên cánh đồng trại ( gần nhà ông Sử), Sau đó được xây lại ở vị trí hiện nay với nhà mái ngói âm dương, ba gian hai chái tường xây gạch, nhìn về hướng đông có bình phong cổng ngỏ. khoảng năm 1958 nhà bị xuống cấp nhiều không bảo đảm cho việc thờ cúng quan cảnh ở đây khá hoang vu xa khu dân cư. Vì vậy, con cháu trong tộc đã dời nhà thờ về gần nhà Ông Du được xây dựng vững chắc hơn, nền nhà cao ráo, ít ảnh hưởng do ngập lụt, hướng nhà thờ nhìn về mộ Tiền Hiền khá đẹp. Khánh thành nhà thờ tộc lần nầy được tổ chức khá qui mô, mở hội rất linh đình mời đoàn hát bộ phục vụ biểu diễn hơn hai đêm cho dân làng.
Khi có nhà thờ, con cháu rất vui mừng cho việc thờ cúng Tổ tiên và các hoạt động dòng họ khá thuận lợi. Tuy nhiên, từ năm 1966-1975 cuộc chiến tranh chống xâm lược và giành độc lập thống nhất đất nước hết sức ác liệt các gia đình trong làng, xã di tản khắp nơi, nhà cửa hầu như không còn, thậm chí cây cối không còn sống nổi, những hàng tre che mát rượi con đường làng dưới buổi trưa hè cũng không còn nữa..
Chiến tranh chấm dứt chỉ còn một số gia đình về lại quê hương sinh sống và sửa lại ngôi nhà thờ tạm bợ để thờ cúng tưởng nhớ đến tổ tiên, mãi đến những năm 1993 mới xây dựng được ngôi nhà thờ mới khá vững chắc. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm tháng, với sự bào mòn của thời gian, khắc nghiệt của thời tiết, nhà thờ tộc cũng đã xuống cấp, ngập lụt thường xuyên. Bởi vậy, mọi người đã từ lâu vẫn đau đáu ước nguyện tu tạo, dựng xây lại nhà thờ họ để con cháu có nơi thờ tự lâu dài, khang trang, đẹp đẽ hơn, phù hợp với sự phát triển của dòng họ. Ước nguyện, trăn trở ấy được thể hiện mạnh mẽ nhất là qua những lần hội mã hàng năm thường xuyên bàn tính việc xây lại nhà thờ mới, cuối cùng trước mùa dịch covid đã quyết định xây lại ngôi nhà mới với nguồn kinh phí khoảng 1 tỷ đồng được huy động mỗi gia đình khoảng 10 triệu đồng, ngoài ra tùy lòng hảo tâm đóng góp nhiều hơn càng tốt. Khi kế hoạch xây dựng nhà thờ họ được khởi xướng, lập tức được tất cả mọi người đồng lòng, nhất trí hưởng ứng với quyết tâm cao. Mọi người đều có tâm hướng về dòng họ, tùy theo điều kiện cụ thể của mình. Con cháu trong tộc mỗi người mỗi việc xung phong từ thiết kế đến thi công như ông Võ Trương quỳnh, Võ hữu Thu và trong HĐGT ông Võ văn Ba, Võ Đinh Khôi… tập trung vận động đóng góp làm danh sách đóng góp, công đức ngày một dài thêm.
Nhiều gia đình nêu gương đóng góp ngay từ những ngày đầu như gia đình các ông: Võ Lệnh, Võ lịnh, Võ văn Trí, Võ Công Đạt, Võ Hùng Thanh, Võ Văn Giáp, Võ Hông Sơn, Võ thị Tám, Võ Văn Xướng, Võ Thị Mai Lan (đóng vượt 3 lần mức quy định), con Dâu Đặng Vân đóng góp bằng hiện vật quy ra tiền trên 50 triệu; Đặc biệt Võ A hiến cho nhà thờ đám đất nằm bên cạnh nhà thờ để mở rộng sân vườn vv…(Danh sách còn rất dài sẽ ghi rõ ràng) . Ngoài ra, HĐGT rất hoan nghênh một số gia đình còn rất khó khăn nhưng ít nhiều cũng đã có đóng góp vào việc chung, có chi nhánh đã có nhà thờ riêng, con cháu thuộc các tôn giáo khác nhau ở xa nhưng đã đóng góp nhiệt tình đã tạo nên phong trào có sức lan tỏa trong mỗi gia đình, chi, nhánh, tất cả đều hướng về nguồn cội. Trân trọng biết bao tấm lòng của nhiều dâu rể đối với Tổ tiên, họ tộc.
Dòng họ võ sẽ mãi mãi ghi nhận tấm lòng của tất cả mọi người trong và ngoài họ, danh sách đã được ghi lại trong Bảng vàng công đức để lưu truyền mãi mãi về sau.
Kính thưa quý vị, thưa toàn thể gia tộc;
Được sự đồng tâm nhất trí của toàn thể con cháu, Hội đồng GT quyết định khởi công công trình vào ngày tháng âm lịch nhằm ngày ( / /20 );
Chúng tôi nhận thức rằng, nhà thờ họ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh với đa số người dân Việt Nam. Bởi nhà thờ họ là thế giới thu nhỏ của các vị tiền nhân thủy tổ trong một gia tộc. Nơi hội tụ hồn thiêng dòng tộc, nơi con cháu hướng nhìn hằng ngày, cảm nhận được sự ấm áp gần gũi của cha ông đang dõi theo mọi việc làm của con cháu, để ngăn ngừa điều dữ, phù hộ độ trì mọi việc được hanh thông, an thái.
Nhà thờ họ tộc là nơi thờ cúng tổ tiên, nơi ngày giỗ ngày tết con cháu tụ hội cùng nhau kính cẩn dâng hương, lễ vật; kính cáo với tiền nhân những thành tích của thế hệ đang sống; bày tỏ ước mong được sự phù hộ độ trì chở che, cho muôn đời con cháu được phúc ấm mãi dày.
Nhà thờ họ tộc cũng là nơi lưu giữ, bổ sung gia phả, gia pháp, duy trì bản sắc dòng họ, và cũng là nơi vinh danh, lưu danh các bậc hiền tài, dày công dày đức trong họ để con cháu mãi mãi noi theo.
Dòng họ càng lâu đời, cháu con càng đông đúc, kẻ bồi đắp xây dựng chốn quê nhà, người tiếp bước khai cơ lập nghiệp ở phương xa… Thế nên, nhà thờ tộc cũng là nơi cháu con gặp gỡ, là mái nhà chung cho hết thảy những ai có tấm lòng luôn hướng về nguồn cội. Nơi đây, chúng ta nhận họ, nhận hàng, ta nghiền ngẫm nghĩ suy về ước nguyện của bao đời công đức, để mà dốc sức noi theo. Nơi đây, chúng ta cùng nhau hàn huyên tâm sự vào những dịp bái tạ tổ tiên, cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi, lúc đói, khi no, khích lệ động viên nhau trước những được mất của cuộc đời.
Ý nghĩa của nhà thờ họ tộc lớn lao như vậy, cho nên tiêu chí đặt ra là phải tôn nghiêm, đẹp đẽ, cao ráo, thoáng đãng, tiện lợi; kiến trúc vừa truyền thống, cổ kính, nhưng đồng thời phải mang được dáng dấp hiện đại, làm thế nào để công trình tồn tại hàng trăm năm mà không lạc hậu, đó là nỗi ước mong, là niềm trăn trở của con cháu.
Từ những tiêu chí này, vẽ kiến trúc Võ Trương Quỳnh đã thiết kế nhà thờ họ hai tầng với hình dáng mô phỏng và cách điệu chùa Việt Nam, với mái cong, gam màu vàng chủ đạo. Kiến trúc, đường nét, màu sắc nhà thờ tạo nét tôn nghiêm nhưng cũng rất ấm áp, gần gũi với con cháu.
Tầng 2 là nơi thờ cúng Tổ tiên, có 3 gian thờ. Gian chính giữa là nơi thờ tự ông Thuỷ tổ: Võ Tương( Tiền hiền khai khẩn) và các bậc tiền nhân của 3 phái của tộc họ. Phía trên là bức hoành phi: Hai bên là câu đối:. Gian phía tây là nơi thờ Đức Phật và thánh thần. Gian phía đông là nơi thờ vong linh của tầng tầng lớp lớp con cháu. Bên trái và bên phải 3 gian thờ là câu đối:
Tầng 1 là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh, nơi gặp gỡ, hội tụ của con cháu. Tầng 1 không xây bao để tạo sự thông thoáng và chống dòng nước chảy xiết mùa mưa lụt.
Hai cầu thang phía trước để kết nối hai tầng với nhau – đó cũng là sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại, là đôi vòng tay của Tổ tiên ông bà ôm ấp, chở che cho con cháu; là đôi bàn tay của cháu con thể hiện sự thành kính, biết ơn, ngưỡng vọng Tổ tiên. Ý nghĩa rộng hơn, thì hai cầu thang là đôi bàn tay của Đất và Trời, của Sông và Núi, của MẸ QUÊ HƯƠNG ôm ấp chở che cho nhà thờ và cho tất cả chúng ta.
Cổng nhà thờ chưa có điều kiện xây lại nên vẫn giử như cũ.
Nhà thờ mới được xây dựng lùi về phía sau nhà thờ cũ và mở rộng sân trước, sân bên hông nhà thờ và hướng mà thế hệ trước đã chọn; vừa thể hiện sự trân quý, bảo tồn di sản văn hoá mà cha ông để lại; đồng thời mang ý nghĩa biểu tượng của sự kế thừa, tiếp nối không ngừng nghỉ của dòng máu tộc võ.
Hội đồng gia tộc giao cho Ban quản lý xây dựng trực tiếp là Ông Thu, Ông Quỳnh và một số ông thường xuyên theo dõi giám sát đứng đầu là ông Võ văn Ba, Võ Đình Khôi trực tiếp điều hành, đôn đốc, giám sát thi công. Nhận thầu xây dựng là anh Võ Hữu Thu, trực tiếp thi công nhà thờ. Các anh đều là con cháu trong họ, trong làng. Các chi tiết mỹ thuật long, ly, quy, phượng đều được xin ý kiến tập thể HĐGT.
Trong thời gian thi công, vượt qua thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, vượt qua mọi khó khăn, dịch covid vv đến hôm nay nhà thờ tộc họ đã tương đối hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng về kỹ thuật, cũng như mỹ thuật theo thiết kế và yêu cầu của Hội đồng gia tộc.
Bao tháng ngày mong đợi, đến hôm nay, trước mặt chúng ta là ngôi nhà thờ tiên tổ lộng lẫy, khang trang, bề thế uy nghiêm, ấm lòng tổ tiên và mát dạ cháu con nội ngoại.
Để có được công trình Nhà thờ họ khang trang, lộng lẫy như hôm nay, họ tộc chúng ta vô cùng cảm động và xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người con tâm huyết, trách nhiệm, hào hiệp đã và đang làm hết mình vì dòng họ, quê hương.
Xin cảm ơn toàn thể bà con nội ngoại, dâu rể dòng tộc; trân trọng cảm ơn các nhà hảo tâm và tất cả những người yêu quý Tộc Võ Bàu Nghi đã ủng hộ, cung tiến, đóng góp tiền bạc, hiện vật, công sức cho nhà thờ họ Võ chúng tôi hoàn thành công trình đúng tiến độ, bảo đảm kỹ thuật cũng như mỹ thuật.
Xin trân trọng cảm ơn những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của tập thể Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Điện Hồng đã dành cho dòng họ chúng tôi – đã động viên thăm hỏi trong suốt quá trình xây dựng, trước lễ khánh thành đã trồng lưu niệm một cây cảnh tự nhiên rất đẹp và ý nghĩa. Tấm lòng ấy chúng tôi mãi mãi khắc ghi.
Chúng tôi cũng xin gửi lời biết ơn chân thành tới cấp ủy, ban quản lý thôn Ba, các dòng họ trong làng, cùng toàn thể bà con lối xóm đã nhiệt tình ủng hộ, động viên, giúp đỡ chúng tôi hoàn thành công trình này. Trong suốt quá trình thi công không thể tránh khỏi những phiền phức cho bà con, cũng như việc tiếp đón các vị đại biểu, khách quý hôm nay không thể không có khiếm khuyết, xin được bà con và các quý vị lượng thứ.
Kính thưa các quý vị!
Thưa toàn thể gia tộc!
Nhìn lại quá trình xây dựng nhà thờ, chúng ta thật tự hào – với sức mạnh đoàn kết khắc phục vượt qua mọi khó khăn, chung lòng chung sức, với một lòng tâm nguyện “tri ân tiên tổ”, chúng ta đã hoàn thành ngôi nhà thờ họ cao ráo, đẹp đẽ, khang trang thỏa lòng mong mỏi. Từ đường Tộc Võ Bàu Nghi uy nghiêm, một công trình văn hoá-tâm linh, là ngôi nhà chung thiêng liêng của dòng tộc, là tài sản vô giá muôn đời để lại con cháu phụng thờ. Thật đúng là: “Địa Linh tụ khí, xây lại tổ đường – Tử tôn phụng thờ, trường thâm phúc lộc”.
Trong buổi lễ trọng thể này, chúng ta trịnh trọng tuyên bố trước chính quyền, làng xóm cùng toàn thể gia tộc: khánh thành nhà thờ tộc Võ Bàu Nghi.
Dưới mái ấm từ đường, trước linh thiêng tiên tổ, chúng con, hậu duệ Tộc Võ Bàu Nghi xin nguyện tiếp bước ông bà, tổ tiên, mang hết tài năng tâm sức xây dựng gia đình, dòng họ, xóm làng, đất nước ngày càng phát triển; duy trì nền nếp gia phong, vun đắp cho phúc đức dòng họ cao dày mãi mãi.
Từ đường tộc Võ chúng ta mãi mãi trường tồn, đời đời bền vững. Chúc toàn thể gia tộc đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Chúc cho sự đoàn tụ của đại gia tộc chúng ta thật hạnh phúc, viên mãn.
Kính chúc quý vị đại biểu, quý vị khách quý lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt.
Xin trân trọng cảm ơn!
|