NỘI DUNG:
1. Nhà Thờ Họ Trần Lệnh Tộc,
2. Phủ Thờ Dũ Khánh Từ.
3. Nhà Nhánh Trần Hưng Đệ Nhị Phái.
4. Ruộng đất hương hỏa.
I- NHÀ THỜ HỌ TRẦN.
陳 令
Tên gọi là KHAI KHÁNH TỪ, hoặc NHÀ THỜ HỌ TRẦN.
Nằm cách Quốc lộ 1A về phía Tây khoảng 500- 600 mét ( có thể vào trang web Wikipedia ở đó tôi có đánh dấu Trần Lệnh Tộc) Vì chưa được tiếp cận với tư liệu ( chữ Hán) của họ nên cũng chưa rõ Nhà thờ Họ được xây dựng vào năm nào. ( có lẽ trong khoảng thời gian xây dựng Dũ Khánh từ). Mặt tiền Nhà thờ hướng về phía Nam, con đường lộ nối liền Văn Xá Trung và Quốc lộ 1A ngang qua trước cổng, trước mặt là đồng ruộng bao la, xa hơn là con hói (kênh) chảy về từ phía làng An Đô, Phía Tây xa xa là dãy núi Thất giới, phía Đông và phía Bắc là khu dân cư rãi rác.
Đây là ngôi Nhà thờ được dựng lại trên địa điểm mới. Trước năm 1946, Nhà thờ toạ lạc tại phía dưới Dũ Khánh Từ, cùng trên một trục đường- về phía Đông (cạnh đình Giáp Nhì bây giờ), và cách Dũ Khánh chừng 400 mét. Năm 1946 lệnh tiêu thổ kháng chiến; Họ đã nhanh tay huy động con cháu tháo gỡ Nhà thờ mang đi cất giấu an toàn, sau này tình hình yên ổn rồi mới dựng lại.
Nhà thờ họ là một ngôi nhà bề thế nhìn bên ngoài theo kiểu 3 gian và 2 chái mở. Tường bằng gạch xây vôi, mái lợp bằng ngói liệt, bên trên có các dao cù hình rồng cách điệu, chóp mái có đúc song long chầu nguyệt, mái trước kéo dài ra che phủ hàng hiên rộng, những ngày khánh tiết giỗ kỵ, chuông, trống được mang ra đặt ở 2 bên tả hữu, và hàng con cháu ngồi ăn cổ ở bên ngoài này. Ngăn cách bên ngoài và trong là lớp cửa bàng khoa, kết cấu bên trong toàn bằng gỗ. Các cột gổ kê lên trên các thớt đá tròn treo các câu đối, các vì kèo đỡ chạm trổ hình đầu rồng bên trong chia thành 5 án thờ, các án thờ đều có long khám sơn thiếp vàng đặt thần chủ của các ngài, bàn thờ được kê 2 lớp: trong và ngoài. Bàn thờ trong là những cái sập chân quỳ vuông, bàn thượng, bàn hạ. Bàn thờ bên ngoài cao, sơn son thiếp vàng, đặt các bộ ngũ sự, bát nhang, tam sơn, đài rượu .v.v. Hai chái tả hữu có các rương xe dùng để đựng các chén, dĩa, vật dụng, áo mũ hia, cờ quạt, chiêng…..v..v.. vách gỗ ngăn cách phần chái bên tả treo bức Phả Đồ, chái bên hữu treo bức Tộc ước viết bằng sơn đỏ (song ngữ Hán-Việt) do ông Hưng Kỵ phụng dịch và ông Hưng Đồng phụng tả…..
Cạnh nhà thờ về phía bên tả có căn nhà nhỏ 3 gian lợp tole, gọi là nhà Tăng dùng vào việc hào soạn (chuẩn bị các lễ để dâng cúng, con cháu nghỉ ngơi, trò chuyện, căn nhà này do huy động con cháu đóng góp xây năm 2007, hiện vẫn chưa hoàn chỉnh: - vách chưa tô vữa, các vật dụng bàn ghế chưa có do thiếu kinh phí)
Trước nhà thờ Họ là khoảnh sân rộng, ngăn cách bên ngoài bằng một chiếc bình phong lớn dạng tổ ong (trước đây sân còn rãi cát nên cỏ dại mọc đầy, các con cháu ở Nghệ An vào thăm đã cúng tiền để tô láng lại.)
Phía trước sát đường lộ là cổng chính, cột vuông đầu hình sen.
Khuôn viên nhà thờ nếu được xây dựng thêm được một hàng rào theo kiểu cổ bao quanh thì càng tôn thêm vẽ trang nghiêm, bề thế của từ đường.
--- ---
II- PHỦ THỜ DŨ KHÁNH TỪ.
Tên gọi : TRẦN CÔNG TỪ- DŨ KHÁNH TỪ- PHỦ THỜ.
Gia sử ghi chép rằng: “ Năm Gia Long thứ 14 (1815), vâng sắc vua Thế Tổ lập Nhà thờ ở làng, sắc tứ Trần Công Từ ( nay là Dũ Khánh Từ)………”
Trong Hoàng Phổ của Nguyễn Phước tộc cũng có chép (nguyên văn):
“…Năm Nhâm ngọ (1822) bà cho xây Dụ Khánh từ ở phía tây Kinh thành để thờ Hà Hoa Quận Công, ông nội của bà, về sau đổi tên là Thọ Quốc công từ. Bà lại lập từ đường tại Văn xá thờ năm đời họ Trần từ tổ thứ năm của bà là Trần Phúc Tư (sau gọi là Dụ Khánh từ)….”
Trên đây chúng tôi nhận thấy rằng: Phủ thờ đã trải qua nhiều lần trùng tu để được bề thế như về sau ( mỗi triều vua đều có một lần truy phong cho các ngài và việc tu sửa theo lệ thường cũng có lẽ thực hiện trong thời kỳ đó..)
Như vậy từ năm 1815 Dũ Khánh đã được lập ra để thờ phượng rồi. Đồng thời sau đó thời Vua Minh Mạng lập thêm Thọ Quốc Công Từ tại Kim Long ( hiện nay vẫn còn) để thờ riêng Ngài Bố chính Mậu Quế (Ông nội) và ngài Thọ Quốc Công Hưng Đạt (cha). Tuy nhiên các ngài vẫn được thờ tại Dũ Khánh từ.
Kể từ đó xóm được đặt tên là Xóm Phủ Thờ.
Năm án được thờ như sau:
ÁN THỜ ÔNG VÀ BÀ TÊN HUÝ NGÀY KỴ (Âl) ĐỜI THỨ
Tả Nhì Lại Bộ Thượng Thơ-Gia Bình Hầu TRẦN MẬU QUẾ 9-11 8
Cung Tuệ Phu Nhơn Nguyễn Thị Lang 21-1
Du Mẫn Phu Nhơn Trần Thị Điều 10-10
Thuần Tịnh Phu Nhơn Lê Thị Mỡ 24-7
Thục Tuệ Phu Nhơn Đào Thị Đoan 24-5
Tả Nhất Hồng Lô tự khanh-Hương Cần Tử TRẦN VĂN THUẬT 17-7 6
Trinh Thuận Cung Nhơn Lê Thị Nữ 9-2
Giữa Phong Thần, Đô Long Bá TRẦN PHÚC TƯ 19-2 2
Trang Ý Cung Nhơn 9-2
Hữu Nhất Văn Xá Bá TRẦN MẬU TÀI 23-1 7
Du Trinh Thục Nhơn Phạm Thị Lấy 2-7
Hữu Nhì Thọ Quốc Công TRẦN HƯNG ĐẠT 9-4 9
Thọ Quốc Nhất Phẩm Phu Nhơn Lê Thị Cầm 19-2
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1946 với chủ trương tiêu thổ kháng chiến, Phủ thờ đã bị đốt cháy hoàn toàn, nghe nói rằng ngọn lữa đã cháy suốt 3 ngày đêm mới tắt, ( tôi đã từng gặp nhiều người đã chứng kiến và tham gia trong đội quân thiêu hủy này, hiện vẫn còn sống, và họ cũng rất lấy làm tiếc cho một di tích to lớn như vậy không còn tồn tại; Nhưng dù sao thì đó cũng do hoàn cảnh lịch sử mà ra…!!).
Khuôn viên Phủ thờ nằm trên một vị trí đất thoáng đãng, bằng phẳng và cao ráo, sát cạnh đường Quốc lộ 1A, mặt hướng về phía Nam, trước mặt là một cái hồ phong thủy rộng trải suốt chiều dài gần bằng khuôn viên của Phủ, trồng toàn sen trắng, kế đến là một khoảnh ruộng nhỏ và con hói ( kênh) chảy ngang từ Tây sang Đông. Một mặt bờ hồ phía con đường ngang qua trước Phủ được kè bằng đá kiên cố vì thế đất của phủ cao hơn phía ruộng. Con đường từ cổng đi vào, ở hai bên có 2 cây xoài rất lớn cành lá xum xuê, kế đến đường rẽ ra làm 2 nhánh, ở giữa là chiếc bình phong, chạm trổ song long chầu nguyệt. bên trong là sân Phủ.
Phủ thờ có 5 gian 2 chái, bên trên lợp ngói âm dương; hai chái dùng để các vật dụng và làm nơi ở cho các vị Giám Thủ (1) ( trước năm 1945, chái trên là Bác Giám Nhẫn, phía chái dưới là Bác Giám Hàm).
Tương truyền rằng khi xây dựng Phủ, vua lệnh cho Quan phụ trách chỉ dùng toàn loại gỗ nặng, chìm dưới nước ( như gỗ Lim, Kiền kiền, Trắc……), công việc vận chuyễn gỗ từ thượng nguồn sông Hương, rẽ sang Kim Long- La Chữ- An Đô về trước Phủ bằng thuyền nên phải khơi thông, mở rộng con hói (kênh) để vận chuyển dễ dàng. Công việc đạp nền (nén đất) sử dụng bằng voi, và ngài (Cố nội) Phó Vệ Úy Hưng Khanh đôn đốc.
Cả một công trình vĩ đại, là niềm tự hào của dân làng Văn Xá nói chung và của tộc họ nói riêng sau hơn 130 năm đã hóa thành tro bụi, chúng ta, những người con cháu sau tháng ngày lịch sử ấy chỉ còn biết ngậm ngùi tiếc thương.
Những ngày con bé thơ, chúng tôi thường tụ tập nhau chơi đùa trên bãi cỏ mênh mông, mượt mà ấy, những ngày hè thả diều và nằm mơ màng nghĩ tới thời vàng son xưa cũ, lúc ấy cây bàng cổ thụ trăm năm vẫn còn sừng sững hiên ngang như thách thức với thời gian, lũ trẻ chúng tôi dù có to gan đến mấy cũng không dám trèo để bắt chim, vì nghe rằng rất linh thiêng, có đôi lúc, một vài trẻ chăn trâu leo trèo nghịch phá, đêm về bị bệnh, thế là cha mẹ phải mang đồ lễ đến khấn vái ở bọng cây, lắm lúc do đốt vàng mã không cẩn thận, bọng cây khô sần sùi bị cháy, chúng tôi lại phải hè nhau mang nước ra dập lữa. Phải chăng tổ tiên mình mất nơi thờ phượng nên các ngài vẫn còn luyến nhớ, hàng ngày vẫn đi về ngự trên cây bàng cổ thụ này?!!.
Năm 1962, một trận bão lụt lớn đã làm cho chứng tích cuối cùng này cũng phải gục ngã. Cậu tôi (Bố) vô cùng xúc cảm đã làm mấy câu thơ:
Vun trồng từ thuở kiếp ông cha,
Trải quá trăm năm bóng thướt tha.
Trận bão năm Dần nên trúc ngã,
Cảm bao thương tiếc tất lòng ta…
Năm 2003, bốn Phái Trần Hưng đã hội ý là nên cố gắng xây dựng lại một Phủ nhỏ hay là một ngôi Miếu để thờ các ngài, kẻo vong linh vất vưỡng thì mang tội!! khi đã soạn thảo ra “Bức tâm thư” cho con cháu để tham khảo góp ý, thì cũng gặp phải 2 ý kiến bàn cãi: Ý thứ nhất là phải lập lại ngôi Phủ ở trên vị trí cũ; Ý thứ hai là xin xây ở trong khuôn viên nhà thờ Họ….
Nội dung “Bức tâm thư” chúng tôi sẽ đăng ở bên dưới. Ở đây có lẽ tôi phải ngược lại dòng lịch sử để được rõ ràng hơn:
Kể từ ngày công trình bị thiêu hủy, thì vùng đất này như trở thành một vùng đất cấm, rộng mênh mông, các chú, các bác cũng không ai dám đụng chạm đến; Thỉnh thoảng những ngày lễ Phật đản, phật tử của các chùa phía Bắc quận Hương trà đến đây cắm trại, sinh hoạt, là nơi chiếu bóng, diễn văn nghệ, meeting, họp dân, tập trung chích ngừa trâu bò …v…v.. Vào khoảng đầu những năm 60, các bác các chú: bác Giám Hàm, chú Giám Huyến, chú Tiếu, chú Ba Trình, chú Để, Cửu Kỵ cùng các anh, các chú lớn tuổi như anh Cảnh, anh Quản Nghiên, chú Bá, chú Tập bàn bạc nhau cùng xây lại Phủ thờ. Nền nhà được xây ngay trên nền cũ bằng gạch Block (đúc bằng cement), kiểu 3 gian, trước có nhà vỏ cua (vỏ ca) và đã đắp đất lên cao hơn 1 mét. Về sau có lẽ cảm thấy hơi nhỏ nên các bác lại xây lại một lần nữa lớn hơn… Từ năm 1965 chiến tranh ngày càng dữ dội, các ruộng đất ở dưới miệt Hà Thanh không thu được lợi tức, kinh phí không đủ; Và thời gian cứ trôi đi, các bác các chú lần lượt theo về tiên tổ, còn lại chú Tiếu, chú Ba Trình và chú Để thì lại ở xa…mà chiến tranh thì triền miên không biết khi nào mới dứt; Chừng năm 1967 thím Cửu Diễn về xây dựng một ngôi nhà ngói 3 gian ở một góc đất sát đường quốc lộ để ở vì (nhà cũ) ở Văn xá thượng mất an ninh.
Cho đến ngày giải phóng (1975), nền Phủ vẫn chỉ là một nền gạch đất mọc đấy cỏ dại…
Sau Giải phóng, ruộng đất về tay “nhân dân” toàn bộ tất cả mấy chục mẫu ruộng: điền-thổ đồng loạt đưa vào Hợp tác xã… chấm dứt thời kỳ ruộng hương hỏa là quốc điền vua ban để thờ cúng ông bà, từ đây con cháu dành dụm, đóng góp từng đổng để giỗ, chạp nhang khói phụng thờ.
Nền phủ được trưng dụng và dựng lên bên trên một ngôi nhà lợp tole, vách tre làm nhà Đội sản xuất nông nghiệp, vừa là kho chứa thóc, trước sân làm sạch cỏ để phơi lúa ngày mùa… được một thời gian thì làm Nhà Mẫu giáo, kế đến thì lại được xây dựng đàng hoàng bằng gạch, lợp ngói dùng làm Hợp tác xã mua bán, bên cạnh còn xây thêm một ngôi nhà làm kho….cho đền thời kỳ đổi mới HTX mua bán giải thể, cả 2 ngôi nhà đóng cửa và lần lượt xuống cấp. Thời gian này nghe nói rằng chú H. Mười ( Chi cục Trưởng Thuế Thừa Thiên- Huế) với ảnh hưởng và quan hệ cá nhân, chú đã mua lại 2 căn nhà trên, và ( cũng nghe nói) hình như chính quyền cũng giao lại toàn bộ khu đất của phủ. Con cháu họ Trần được dịp vui mừng thỏa dạ, vì vùng đất linh thiêng này cuối cùng đã “ châu về Hợp phố”. Chú Mười cho người rào kẽm gai chung quanh và trồng toàn cây Bạch Đàn…Đột ngột chú Mười ngã bệnh mất đi trong lúc đang còn đương nhiệm, rừng cây bạch đàn ngày càng vươn cao, toả bóng xum xuê. Bổng nhiên năm 2006 con trai thứ của chú Hưng Mười là Tấn, đem thợ về phá bỏ hết nhà cũ, và xây dựng một ngôi nhà lớn ngay trên nền phủ, bao bọc toàn khuôn viên là bức tường rào kiên cố, cao ngất. Con cháu họ Trần bàng hoàng, ngẫn ngơ, chẳng biết chuyện gì đã xãy ra ?!! bao nhiêu điều bàn tán, xôn xao, con cháu nhiều người cũng có lời lẽ ấm ức, hằn học…..Mặc nhiên ngôi nhà vẫn ngạo nghễ vươn lên, bất chấp dư luận xã hội; Tường rào cao ngất như nhà tù đã ngăn cách với thế giới bên ngoài, khẳng định chủ quyền – lãnh thổ và ngăn chặn hết những lời ong tiếng ve của những kẻ “ nhiều chuyện”; Dân làng Văn xá gặp con cháu Họ Trần cũng tò mò, dè dặt hỏi thăm chuyện thế nào? tại sao…? Những họ tộc khác cũng ngóng chừng xem họ Trần giải quyết chuyện động trời này ra làm sao ? Anh em chúng tôi nhìn nhau mà lòng tủi thẹn cúi đầu, nuốt vội nước mắt vào trong. Vết tích một thời vàng son, niềm vinh dự của cả dân làng Văn xá, niềm kiêu hãnh của dòng tộc từ nay đã bị xóa bỏ hoàn toàn, có ai còn nhớ vì đâu xóm được mang tên là “xóm Phủ Thờ” nhờ đâu mà ta được mang một chữ “HƯNG” hay chăng? Thật là chua chát lắm thay !!
Con cháu có người nói: “Đất này chính quyền đã cấp cho ông M. rồi, đừng làm lôi thôi, đụng đến chính quyền thì thêm vạ vào thân….” Các anh nhiều tuổi, từng trải chuyện đời hơn thì bảo: “ …Dù sao dòng họ mình cũng là dòng họ thế gia vọng tộc trong làng, nếu con cháu mà sinh ra chuyện xích mích, bất hoà thì thiên hạ người ta chê cười, cho rằng: họ Trần hết phước hết đức rồi (vô phước, thất đức) nên mới sinh ra kiện tụng, tranh chấp nhau….thôi thì giấy rách phải giữ lấy lề…..”
Đã gần hai năm trôi qua, kể từ ngày ngôi nhà ấy mọc lên, chiều này tôi trở về đây chân bước ngang qua trước Phủ thờ cúi đầu mà lòng nặng trĩu, lặng lẽ ngồi xuống thảm cỏ xanh trên kè đá bờ hồ: Mặt hồ ngày trước sóng nước mênh mộng, và những đoá sen trắng vươn lên, mượt mà tinh khiết và toả ngát hương thơm, những bông hoa ngọc ngà mà thuở nhỏ bọn trẻ chúng tôi được lệnh hái lên dâng cúng trên bàn thờ tiên tổ mỗi ngày giỗ kỵ, giờ đây thay vào đó là những cây cói mọc lên, già nua, xám xịt, dòng nước lấp xấp, đục ngầu, nó không còn mang thân phận là điểm phong thủy cho từ đường nữa rồi. ( phải chăng tư duy của thời đại là những gì thuộc về phong kiến đều phải xoá bỏ tất cả? vậy thì nguồn cội ở đâu? Văn minh tiến bộ từ đâu ra? Hay là ta phải xuất phát lại từ thời kỳ ăn lông ở lỗ…)
Không ngoái nhìn lại phía sau lưng, bời tôi biết rằng sau lưng tôi là bức tường rào kín mít, cao nghễu nghệu, đã ngăn cách tổ tiên tôi với bên ngoài. Các ngài có còn ngự ở đó hay chăng? Hay đã vất vưởng dật dờ ở một phương trời vô định nào đó, linh hồn các ngài có khiển trách chúng tôi không? Có còn chấp thuận những lời nguyện cầu phù hộ cho con cháu đó không?
Tôi hình dung ngày ấy, trên ngôi Phủ thờ vua ban này, tổ tiên tôi từng an ngự. Những ngày giỗ kỵ cờ phướng rợp trời, bò heo la liệt; Ngoài sân ngựa xe võng lọng, quan phục của con cháu phải cởi ra thay bằng áo thụng, đóng khăn để hầu ngài, các bà, các O thì lo phục dịch trầu nước và các cậu ấm, cô chiêu tung tăng đùa giỡn trước sân nhà thờ, bên những gốc cây xoài rợp bóng, hay ngồi dưới cội cây bàng khúc khích chuyện trò. Đến khi những hồi chuông trống hùng tráng uy nghiêm cung thỉnh các ngài về điện thờ trong khói trầm nhang nghi ngút, con cháu chỉnh tề khép nép thỉnh nghinh.
Ôi những ngày xưa ấy nay còn đâu! một chút dấu tích còn sót lại giờ đây đã nằm trong bốn bức tường thành…Ngôi nhà ấy mọc lên không người ở, nghe người ta nói là để thờ cha, và ông bà nội ngoại- chúng tôi ái ngại rằng: liệu vong hồn của các ông bà ấy có dám tọa ở nơi đây không? Cái nơi mà hàng mấy trăm năm là chỗ linh thiêng tổ tiên của mình đã ngự, cái nơi mà được ân điển vua xây để thờ tự năm đời ông bà của bậc mẫu nghi thiên hạ : “Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu”. chắc chắn là không; Bởi vì tôi biết rằng: Một người có học vấn nho học uyên thâm, nề nếp gia phong, lễ nghi đạo mạo như chú Cửu …thì không thể nào chấp nhận việc làm nghịch lý này được …
Tôi còn nhớ một câu chuyện khi xem đoạn phim của nhà ngoại cảm Bích Hằng, đoạn nói về nhà ngoại cảm đã tìm ra phần mộ của một nhà chí sĩ cách mạng……(không nhớ tên) bị chôn vùi dưới nền của một ngôi nhà nọ, linh hồn nhà cách mạng thì cũng cho ấy là chuyện vô tình mà thôi, nhưng quân lính thuộc hạ của ngài thì không chịu như vậy, họ bảo rằng: “ cả cuộc đời ngài lo cho nước cho dân, đấu tranh vì dân, cuối cùng khi hy sinh rồi mà nơi an nghĩ của ngài cũng không được trân trọng ….” bởi vậy vong hồn những thuộc hạ ấy luôn luôn quấy nhiễu, trừng phạt gia đình ấy ốm đau bệnh hoạn, hết tai nạn này đến tai nạn khác… Điều này cho ta thấy rằng dù ờ dương trần hay âm giới cũng đều có cái tôn ti trật tự của nó… rồi đây trên nẽo đường đời đầy gian truân trắc trở, những hiểm nguy chập chùng, hay trước bệnh tật hiểm nghèo, liệu ai đó có còn mở miệng ra để khẩn cầu tổ tiên phù hộ độ trì cho tai qua nạn khỏi nữa chăng?...
Chiều tà tĩnh mịch và màn đêm dần buông xuống trỉu nặng lòng tôi. Không ! muôn vạn lần không, cháu con nào muốn thế. Bởi chăng thời đại kim tiền, lợi lộc nhất thời đã làm vẩn đục tâm hồn của vài người lỡ mang hai chữ Trần Hưng ! chứ nào phải đâu cháu con bất hiếu, bất mục. Tổ tiên đã để lại cho hậu thế hàng chục mẫu tự điền, hàng chục mẫu thổ cư hương hỏa, mà đa phần đều là quốc điền ngự ban, chưa một ai tơ hào tư lợi, bây giờ thời thế đành phải thế mà thôi. Chúng cháu vẫn ngày đêm canh cánh bên lòng là làm thế nào để tạo dựng lại nơi thiêng liêng để thờ tự, hương khói các ngài. Chúng cháu vì thời đại, vì sự nghiệp nên bôn ba mãi xứ người nhưng ai ai cũng hướng về nguồn cội, ( ly hương nhưng không ly tổ) thậm chí thân xác khi chết đi rồi, dù cách xa nửa vòng trái đất cũng muốn được đem về nằm kề bên tiên tổ để sớm hôm hầu hạ như chú Hưng Bá.
Con cháu ai cũng biết rằng ơn đức của tổ tiên đã ban cho thật là cao dày; Các ngài luôn theo từng bước chân để phù hộ độ trì cho con cháu: Nào những lúc chiến chinh đạn lữa triền miên, con cháu xông pha ngoài chiến trận, cũng chưa có ai chết vì tên bay đạn lạc, hết chiến tranh, con cháu lại trở về bái tạ trước thần vị của các ngài đầy đủ cả, nào là Hưng Thừa, Hưng Độ, Hưng Thiềm, Hưng Ngạc, Hưng Trữ,Hưng Quýnh, Hưng Chúc, Hưng Mười, Hưng Chữ, Hưng Hiến, Hưng Tửu, Hưng Môn, Thị Cầm, Hưng Bang, Hưng Thứ, Hưng Vạn, Hưng Sâm, Hưng Kế Hưng Phi, Hưng Kiểu, Hưng Tùng, Hưng Toàn, Hưng Điệt, Hưng Môn, Hưng Toàn 2. ….vv.. và các chú ở thời kháng chiến 9 năm :Hưng Tiếu, Hưng Công, Hưng Tập, Hưng Bá…..và rất nhiều cháu nữa trong cuộc chiến tranh biên giới, dù phía bên này hay bên kia, công đức các ngài đều ban cho đầy đủ cả; Ngay trong thời hậu chiến, cháu con lưu lạc phương trời, lênh đênh ngoài biển cả sóng nước chập chùng, hiểm nguy rình rập để đi tìm miềm đất mới, cũng chưa hề có cháu con nào bị tử vong. Ấy cũng là nhờ ơn đức của các ngài phù hộ độ trì cho đó (mà thôi).
Ngày nay, chẳng vì một hành động dại dột, nông nổi nhất thời mà các ngài giận dỗi lìa xa con cháu, thì thật là tội nghiệp; Chúng cháu luôn nghĩ rằng sẽ đến một ngày nào đó, khi tuổi đời lớn thêm, khi không còn đua chen với với tiền tài danh vọng, không còn bị cám dỗ phù hoa, định tĩnh lại tâm hồn, chắc chắn họ sẽ nhận ra lầm lỗi của mình; Hoặc khi đầu bạc răng long, con người ta sẽ hướng đến cội nguồn nhiều hơn, nghĩ sâu xa hơn về tiên tổ, bởi vì quy luật của cuộc đời là : “ sinh-lão-bệnh-tử”, đến một ngày nào đó nhắm mắt xuôi tay về hầu tiên tổ thì biết thưa trình làm sao !! giãi bày thế nào về việc phạm thượng này??.
Đã 60 năm, kể từ ngày Phủ thờ bị cháy, thế mà đối với dân làng Văn xá, dù đi đâu, ở đâu khi nói đến xóm Phủ thờ thì ai ai cũng biết, những người già thì còn rõ ràng từng chi tiết, nhưng kể cả tuổi trẻ ngày nay, dù chưa một lần nhìn thấy vẫn được nghe truyền tụng, và nhất là với con cháu họ Trần thì càng phải biết, vì nó là niềm tự hào của dòng tộc, là sự vẽ vang của cả làng, ai đi ngang qua đó mà không một lần liên tưởng đến Phủ thờ lộng lẫy, uy nghi- Xóm Phủ thờ đã gắn liền với tên tuổi của Hoàng Hậu Thuận Thiên hàng trăm năm rồi. Trong bài khảo luận của nhà văn Võ Nguyện đăng trong tạp chí “Huế làng Xưa” ghi rằng: “ Nhiều Hoàng Hậu khi đạt đỉnh cao danh vọng đã không trở lại làng xưa, nhưng Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu thì đã quay về . Qua việc “đầu tư” của bà vào làng đã thực sự để lại dấu ấn về triều đình Nguyễn lên làng cổ Văn Xá. Nhờ đó mà làng Văn Xá mới có những yếu tố thuận lợi phát triển mạnh mẽ sau này. Đó là một hành động hiếu nghĩa mà chúng ta cần biết ơn và học tập…”
--- ---
Thập tam Hưng Kiểu
Bính Tý niên- trọng hạ.
(1)Chức Giám thủ là một chức sắc được quy định từ ngày xưa (như Thủ từ) trông coi Phủ, nhang khói hàng ngày và đôn đốc Ban việc khi có ngày giỗ kỵ, và được hưởng bổng lộc.
(Sau đây tôi xin đăng tải nguyên văn “Bức tâm thư” mà 4 Phái Trần Hưng đã họp bàn và sọan thảo vào năm 2003, tuy nhiên khi đưa ra thực hiện thì vấp phải các vấn đề như đã nêu bên trên: là nếu được xây lại thì phải xây trên nền di tích cũ, điều đó mới thật sự có ý nghĩa; trường hợp thứ 2: xin Họ để xây bên cạnh Nhà thờ Họ sẽ phá vỡ cảnh quan, bố cục của nhà thờ, và gây dư luận không đáng có với 5 Phái Trần Xuân anh em.
Cho nên văn bản này chưa thực hiện vận động, chỉ đăng tải lên đây để con cháu nhận thấy được ước nguyện của con cháu Trần Hưng mà thôi.)
--- ---
TÂM THƯ.
Thân gởi đến Anh, chị em con cháu Trai gái Phái Trần Hưng thuộc Họ Trần, làng Văn Xá.
………………………………………………
Cùng các Anh, chị em con cháu quý mến!
Con người sinh ra ở đời, ai cũng có dòng Tộc, có Tổ tiên mới có con cháu hậu thế. Mộc hữu Bổn, Thủy hữu Nguyên. Cây có gốc mới rậm cành sây quả, nước có nguồn mới có bể rộng sông sâu. Ăn trái nhớ người trồng cây, làm con cháu phải lo phụng thờ Tổ Tiên, đó là hiếu đạo của con người.
Họ Trần chúng ta đến lập cư ở làng Văn Xá từ năm Mậu Ngọ (1958), đến nay đã 19 thế hệ con cháu nối dòng được sinh sôi nãy nở. Họ có 9 Phái: 4 Phái Trần Hưng và và 5 Phái Trần Xuân (theo dẫn đồ đính kèm).
Riêng về 4 Phái Trần Hưng của chúng ta do Ngài Lại Bộ Thượng Thơ- Gia Bình Hầu (thế thứ 8) sinh hạ ra, con cháu chúng ta thường xưng tắc là Ngài Thượng.
Theo gia phổ của Họ còn lưu truyền lại, Ngài Thượng sinh ngày mồng 4 tháng chạp năm Mậu Thìn (1688), và mất ngày mồng 9 tháng 11 năm Nhâm Ngọ (1762). Lăng mộ ngài toạ lạc tại xứ Thục Nét, làng Văn xá.
Thời vua Minh Mạng ( là cháu ngoại của Ngài Thái Sư Thọ Quốc Công Trần Hưng Đạt), đã lập nên Phủ Dũ Khánh Từ để thờ ngài Thượng và phụng lên 5 đời, nên thường được gọi là Phủ Ngũ Đợi hoặc Phủ Thờ.
Phủ Dũ Khánh Từ tọa lạc tại Giáp nhì làng Văn Xá. Là một Phủ lớn, đồ sộ, kín cổng cao tường. Thế nhưng năm 1946 do chiến tranh, Phủ bị cháy rụi, không còn một di tích gì còn lưu lại cho con cháu hậu thế chúng ta ngày nay.
Trước năm 1975, ngày cúng kỵ của Ngài Thượng (mồng 9 tháng 11 âm lịch) được tổ chức rất trang trọng, thế nhưng từ năm 1975 đến nay, thì ngày mồng 9 tháng 11 đã đi vào quên lãng. Đó là một thiếu sót lớn hay đúng hơn là mõt trọng tội mà con cháu chúng ta đã vấp phải, lý do chính:
1. Phủ Dũ Khánh Từ không còn dấu xưa tích cũ, nơi thờ tự và ngày cúng kỵ của ngài, con cháu cứ ngỡ là do Họ phụng tự, nên con cháu 4 Phái Trần Hưng chỉ biết dốc tâm vào lo việc Họ.
2. Nay tìm tòi mới biết được Ngài Thượng do 4 Phái Trần Hưng phụng tự thì gặp phải khó khăn:
• Không có nơi thờ tự ngài
• Con cháu 4 phái Trần Hưng chúng ta phần đông sinh sống ở ngoại tỉnh, số con cháu hiện ở quê nhà ít ỏi và nghèo khó nên không huy động đóng góp nhiều được.
Ngày hôm nay, con cháu 4 phái Trần Hưng chúng ta hiểu được, ý thức được là có cha mới có con. Có ngài Thượng mới sinh ra 4 Ngài đầu Phái mình. Thế nhưng mình lo ngày đơm tháng kỵ của các Ngài con mà không lo được ngày đơm tháng kỵ của Ngài Cha (Ngài Thượng) là một sai sót lớn. Để sửa sai chúng ta phải làm gì?
Chính vì thế mà 4 Phái Trần Hưng của chúng ta đã đồng thuận lên phương án thực hiện một ngôi Nhà thờ, tái sinh Dũ Khánh Từ để có nơi thờ phụng Ngài, dù rằng không được bề thế như xưa.
Muốn thực hiện được điều đó thì điều tiên quyết là phải có tiền. Thế nhưng con cháu ở quê nhà, huy động công sức thì có, còn huy động tiền bạc thì chẳng có là bao.
Để làm đựoc một ngôi nhà thờ thì phải có khoảng 60 đến 70 triệu đồng, và nếu lập nên một ngôi Miếu thờ thì cũng phải có khoảng 30 đến 40 triệu đồng Việt nam.
Với hoài bão và nguyện vọng chung của con cháu dòng dõi Trần Hưng chúng ta là như thế, thiết nghĩ từ xa đến gần Anh, chị em con cháu có lẽ cũng đều hưởng ứng để có nơi thờ tự và hàng năm ngày tế tự Ngài phải được tế tự chu đáo hơn.
Nếu có kinh phí công trình sẽ khởi công vào tháng 6 năm Giáp Thân (2004).
Địa điểm xây dựng: Dự kiến trong khuôn viên Nhà thờ Họ.
Nên qua bức tâm thư này, 4 Phái kêu gọi Anh, chi em con cháu trai gái, dâu, rễ thuộc dòng dõi Trần Hưng , ở trong nước cũng như ở hải ngoại, đồng tâm hiệp lực hưởng ứng bằng hằng tâm hoặc hằng sản, chiếu cố hỗ trợ để công việc chung có được kết quả tốt đẹp.
“ Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, rất mong Anh chị em con cháu thể hiện tấm lòng hiếu đạo đối với Tổ Tiên để sớm có nơi thờ phụng Ngài đó là điều ước mơ cao quý nhất.
Cuối thư chúc tất cả Anh, chị em con cháu dồi dào sức khỏe, làm ăn phát đạt.
Thư từ tiền bạc hoặc tiền bạc cúng dường gởi vế các địa chỉ sau:
- Ông Trần Hưng Vẽ, Giáp nhì làng Văn Xá, xã Hương Văn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
- Ông Trần Hưng Long, Km 17, Quốc lộ 1A, Thị trấn Tứ Hạ, Hương Trà, Thừa thiên-Huế. ĐT: 054557578.
Ở Hải ngoại ủy quyền ông Trần Hưng Điệt vận động.
Ở trong nước các Phái vận động con cháu trong Phái mình.
Văn xá ngày 26 tháng 7 năm 2003.
Ban vận động:
Trưởng ban : ông Trần Hưng Kế.
- Đại diện Phái Trần Hưng I : ông Trần Hưng Trí.
- Đại diện Phái Trần Hưng II : ông Trần Hưng Tập.
- Đại diện Phái Trần Hưng III : ông Trần Hưng Nghiêm.
- Đại diện phái Trần Hưng IV : ông Trần Hưng Duận.
Thư ký : Trần Hưng Toàn.
Thủ quỹ : Trần Hưng Vẽ.
Thừa Ủy nhiệm Ban vận động
Trưởng Ban
Trần Hưng Kế.
--- ---
|