“Thế mới biết trời sinh ra bà Linh Từ là để mở mang cho cơ nghiệp nhà Trần vậy”.
(“Đại Việt Sử kí Toàn Thư” - bản kỷ, quyển 5, tờ 26a được “Danh tướng Việt nam” trang 85 trích dẫn).
Bà Linh Từ mà “Đại Việt sử kí toàn thư” nói trên, chính là bà Trần Thị Dung. Bà là con gái của ông Trần Lý và là em gái của ông Trần Thừa, người thôn Lử Gia, Hải ấp, nay là xã Lưu Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
NGƯờI PHụ nữ Mở NGHIệP NHà TRầN
“Bà Trần Thị Dung, người có công lớn đầu tiên trong việc mở nghiệp nhà Trần; người con gái thông minh, tài ba, gan dạ và có chí lớn, có đầu óc tổ chức phi thường… Khi Trần Thủ Độ chưa xuất hiện, bà là người cáng đáng toàn sự vất vả gian truân, trầm luân để mở nghiệp nhà Trần. Đến lúc có Trần Thủ Độ trong cung đình nhà Lý, bà đã cộng tác đắc lực với Thủ Độ trong việc khai sinh và xây dựng Triều đại nhà Trần, đáp ứng được đòi hỏi xây dựng một đất nước vững mạnh để chống giặc Nguyên - Mông đang lâm le xâm lược Đại Việt (Báo nhân dân hàng tháng, số 15 tháng 7 năm 1998- bài của Trần Bình)
Bà Trần Thị Dung chào đời năm 1195, đúng vào lúc triều đình nhà Lý đang trên đà suy sụp. Lý Cao Tông (1175-1210) thì ham chơi, triều thần thì chia rẽ và tìm cách hãm hại lẫn nhau, loạn lạc xảy ra khắp nơi kể cả trong Kinh thành, và ngay cả trong Hoàng tộc… Năm Kỷ Tỵ (1209), Hoàng tử Sảm con của Lý Cao Tông ở tuổi 15 đã bỏ Kinh thành, chạy loạn Quách Bốc về vùng giáp giới giữa hai tỉnh Nam Định - Thái Bình ngày nay.
Sử cũ chép lại rằng:
Hoàng tử Sảm chạy đến thôn Lữ Gia - Hải ấp, nghe tiếng con gái ông Trần Lý có nhan sắc, bèn cậy ông Tô Trung Tự là cậu ruột Trần Thị Dung làm mối, để cưới Trần Thị Dung làm vợ; Mặc dù lúc ấy Triều đình nhà Lý chưa đồng ý. Khi đã lấy được Trần Thị Dung, thái tử Sảm liền trao cho ông Trần Lý tước Minh Tự…(“Đại Việt sử ký toàn thư”- bản kỷ, quyển 4, tờ 26a- “Danh Tướng Việt Nam” trang 85 trích dẫn ).
Trang 86 “Danh Tướng Việt Nam” viết tiếp: Từ ngày vào Cung, cuộc đời của bà Trần Thị Dung trải qua không ít phen ba chìm bảy nổi … Ban đầu được Vua phong làm “Nguyên Phi”, bậc cao nhất trong hàng thứ hai của vợ Vua, đứng sau Hoàng hậu. Vì có chút nghi ngờ đối với Trần Tự Khánh, người anh trưởng của bà Trần Thị Dung, vua Lý Huệ Tông (Sảm) đã giáng bà xuống hàng “Ngự Nữ”, bậc thấp nhất trong hàng các thứ bậc của vợ Vua.
Đầu năm 1216 (Bính Tý) Bà Trần Thị Dung được sắc phong làm “Thuận Trinh Phu nhân” và đến cuối năm 1216 bà được phong làm Hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông. Rất tiếc khi được nhà Vua ân sủng, thì bà Trần Thi Dung lại bị mẹ Vua là bà Đàm Thái Hậu ghét bỏ, xỉ vả, thậm chí có lần bà bị người ta dùng thuốc độc toan giết hại, may nhờ chồng thương yêu, che chở, nên bà thoát chết…
Cũng trong “Danh Tướng Việt Nam” từ trang 86 đến trang 90, Nguyễn Khắc Thuần viết: “Năm Bính Tý (1216) bà Trần Thị Dung sinh Công chúa Thuận Thiên, sau Công chúa Lý Thuận Thiên được gả cho Phụng Kiều Vương Trần Liễu, con trai trưởng của ông Trần Thừa, Liễu là anh ruột của ông Trần Cảnh".
“Năm Mậu Dần (1218) bà Trần Thị Dung sinh tiếp Công chúa Chiêu Thánh tên là Phật Kim, vì không có con trai, lại ham mê chơi bời, sa đoạ và bắt đầu bị bệnh điên, nên tháng 10 năm Giáp Thân (1224) Vua Lý Huệ Tông đã nhường ngôi Vua cho Công chúa Lý Chiêu Thánh, lúc này nàng mới 6 tuổi. Và không lâu sau đó, Vua bà Lý Chiêu Hoàng đã nhường ngôi Vua cho chồng là ông Trần Cảnh con trai thứ của ông Trần Thừa và là em ruột của ông Trần Liễu.
“Bà Trần Thị Dung vốn không yêu Lý Huệ Tông, lại thấy Lý Huệ Tông đam mê tửu sắc, không thiết tha với việc triều chính, nên bà đã đem lòng cảm mến Trần Thủ Độ người em họ của mình, lúc đó Trần Thủ Độ là quan Thái Sư của Triều đình nhà Lý.
“Tháng chạp năm ất Dậu (1225) nhà Lý mất ngôi, nhà Trần lên nắm quyền. Tháng 8 năm Bính Tuất (1226), Tân Triều đã thu xếp một cuộc hôn nhân giữa Thái Sư Trần Thủ Độ và Hoàng hậu nhà Lý, bà Trần Thi Dung đã kết hôn với chính người em họ, con nhà chú của mình( ) (Trang 87 “Danh Tướng Việt Nam”). Từ đây, bà Trần Thị Dung một lòng một dạ giúp đỡ nhà Trần, được vua Trần Thái Tông đánh giá cao công lao của Bà và đặc cách cho hưởng đặc ân: các chế độ và nghi trượng như xe kiệu, áo mũ, quân hầu... không khác gì Hoàng hậu, (“Danh tướng Việt nam” tập I trang 88 trích dẫn “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” bản kỷ quyển 5 từ 25a-b)
Ngoài công lao hợp lực đầy nhiệt thành với chồng trong sự nghiệp tạo lập cơ đồ cho nhà Trần, sinh thời bà Trần Thị Dung còn có hai công lao lớn sau đây:
Một là, Bà đã góp phần quan trọng vào việc hàn gắn những vết rạn nứt trong nội bộ Hoàng tộc họ Trần, tạo ra cơ sở sức mạnh từ bên trong cho chính Triều đại này: An Sinh Vương Trần Liễu có hiềm khích với Trần Thái Tông, bởi vợ của Trần Liễu bị Triều đình ép buộc phải bỏ chồng đi lấy Trần Cảnh, người em chồng của mình trong khi bà đang mang thai ba tháng. Bà Trần Thị Dung đã ra sức hòa giải khuyên can, nhờ đó mà anh em Trần Liễu, Trần Cảnh trở lại tình nghĩa như xưa, (“Đại Việt Sử Kí toàn thư”- bản kỷ, quyển 5,tờ 25b do sách “Danh Tướng Việt Nam” tập I trang 88 trích dẫn).
Hai là, Bà Trần Thị Dung đã lập công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông xâm lược lần thứ nhất (1258). Bà là một nữ tướng hậu cần xuất sắc của cuộc phản công này. Bà đã khẩn trương lo việc tích trữ, vận chuyển lương thực kịp thời cho quân đội; Bà cũng là người tổ chức đi thu nhặt sắt thép về cho rèn đúc vũ khí để cung cấp cho quân đội.
Không những thế, khi Kinh thành Thăng Long bị thất thủ, Triều đình gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, Bà Trần Thị Dung đã tổ chức di chuyển và gìn giữ các Hoàng tử, Công chúa, Vương phi, các gia đình tướng lĩnh… của nhà Trần, không để một ai lọt vào tay giặc. Đây là một cống hiến nổi bậc nhất, khiến cho tên tuổi của Bà trở nên bất diệt đối với non song đất nước ta. Bà Trần Thị Dung thật sự là một nữ tướng giàu dũng khí và thật sự có tài. (“Đại Việt sử ký toàn thư”- bản kỷ, quyển 5, tờ 25b và 26a do “Danh Tướng Việt Nam” trang 90 trích dẫn).
Tháng giêng năm Kỷ Mùi (1259) Bà Trần Thị Dung bị bệnh và qua đời tại Kinh thành Thăng Long, hưởng thọ 64 tuổi. Bởi những công lao to lớn đối với Triều đình và đất nước, Bà nguyên trước đó là Hoàng hậu của nhà Lý, Bà lại là mẹ của Lý Chiêu Hoàng và Thuận Thiên Hoàng hậu, nên được Vua nhà Trần ban cho bà tước hiệu “Linh từ Quốc mẫu” (người mẹ hiền từ và hiền linh của đất nước). Đây là một biệt đãi đối với Bà, bởi vì vinh hiệu “Quốc Mẫu” thời Trần chỉ dùng để ban cho Hoàng hậu, vợ của Vua mà thôi. (“Đại Việt sử ký toàn thư”- bản kỷ, quyển 5, tờ 25b và 26a-b, được “Danh Tướng Việt Nam” tập I trang 89, 90 và “Việt Sử Giai Thoại” tập 3 của Nguyễn Khắc Thuần trang 10 trích dẫn).
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Trần Phước (陳 福 - 富霑).
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Trần Phước (陳 福 - 富霑)
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.