Thân thế và sự nghiệp của tổ Trần Nguyên Đán được chính Nguyễn Trãi là cháu ngoại dựng lại ( ) và được “Danh Tướng Việt Nam” tập II trang 35 trích chép lại, theo đó thì:
“Một trong những người con của Uy Túc Vương Trần Văn Bích là Trần Nguyên Đán. Ông sinh năm 1326 và mất 1390.
Sinh thời Trần Nguyên Đán từng làm quan trải thờ đến bốn đời Vua Trần: Trần Dụ Tông (1341-1369), Vua Trần Nghệ Tông (1370-1372), Vua Trần Duệ Tông (1372-1377) và Trần Phế Đế (1377-1388). Ông Trần Nguyên Đán cũng là một trong những người có công dẹp loạn Dương Nhật Lễ (cuối năm 1369 đầu năm 1370) ( ). Nhờ vậy, Ông được phong dần lên tới hàm Nhập Nội Kiểm Hiệu, Đại Tư Đồ, Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự. Ngay từ khi mới tham gia triều chính, ông Trần Nguyên Đán đã nhìn thấy nguy cơ sụp đổ không thể nào tránh khỏi của triều đại nhà Trần. Ông từng nhiều lần can ngăn nhà Vua nhưng không được, vì thế bèn lui về ở ẩn. Nguyễn Trãi cho biết:
“Từ khi họ Hồ (Hồ Quý Ly) được tiến dụng thì gió ngầm cũng bắt đầu dông” (ý nói rằng mưu thoán đoạt ngôi Vua của Hồ Quý Ly bắt đầu xuất hiện). Ông Trần Nguyên Đán nói:
“Phàm là bậc quân tử, thấy việc có thể làm là phải làm ngay, không để đến phút chót”. Thế rồi Ông dựng động “Thanh Hư” ở núi Côn Sơn huyện Phương Sơn (nay thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương) để làm chỗ lui về nghỉ ngơi. Động ấy làm xong, Vua Trần Duệ Tông tự viết tặng ba chữ lớn là “Thanh Hư Động” vào phía trước mặt bia. Sau, Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông lại còn tự chế ra bài minh, khắc vào lưng bia.
Ông (Trần Nguyên Đán) tuy nương nấu chốn núi rừng mà chí tôn thờ xã tắc vẫn chưa một ngày nào nguôi. Việc đi, việc ở, hay việc động việc tĩnh, Công (tức ông Trần Nguyên Đán) đều có ý can gián, nhưng rốt cuộc Trần Nghệ Tông cũng không xét đến. Bởi lẽ này, uy thế của họ Hồ ngày càng thịnh, kẻ xu phụ ngày càng đông, thế nước ngày càng yếu, không sao vực nổi được nữa. Từ đó, ý định xin về trí sĩ của Ông càng dứt khoát.
Tuy “dứt khoát” nhưng cũng phải đợi đến sau năm 1380, ông Trần Nguyên Đán mới có thể về ở hẳn tại “Thanh Hư Động”. Đó là năm 1385, lúc Ông vừa tròn 60 tuổi ( ).
Tổ Trần Nguyên Đán là một nhà thiên văn và lịch pháp lừng danh của lịch sử nước nhà. Ông là tác giả của bộ Bách Thế Thông Khảo và nhiều trước tác khác. Và theo “Việt Sử Giai Thoại” tập 3 của Nguyễn Khắc Thuần có nói:
“Hai mươi năm trước lúc về hưu, ông Trần Nguyên Đán đã viết bài “Nhâm Dần Niên Lục Nguyệt Tác” thơ viết tháng sáu năm Nhâm Dần (1362) trong đó có câu:
Tam vạn quyển thư vô dụng xử
Bạch đầu không phụ ái dân tâm
Nghĩa là:
Đọc ba vạn quyển sách mà chẳng có nơi dùng đến
Bạc đầu đành phụ nổi thương dân.
Xem thế cũng đủ biết ông Trần Nguyên Đán đã thất vọng ngay từ hồi còn trẻ, khi Ông đang ở tuổi 38-40. Thói thường kẻ thất vọng, chán chường dễ mất chí tiến thủ. Nhưng ông Trần Nguyên Đán thì khác; Ông rút lui khỏi chính trường mà không gây nên xung đột, về ở chốn điền viên mà vẫn giữ được nét thanh tao, viết để lại cho đời bộ “Bách Thế Thông Khảo” cùng nhiều tác phẩm có giá trị khác.
Theo Băng Hồ Di Sử Lục của Nguyễn Trãi viết về Ông Ngoại mình: “Ông Trần Nguyên Đán có 11 người con”. Nhưng ghi thêm: binh hậu tiện ư tồn giả”. Nghĩa là: qua binh lửa ít người còn lại. Theo sách “Trần Gia Ngọc Phổ” mà “Tân Phả Trần Tộc” - Nghệ An do ông Trần Thanh San ghi lại: Ông Trần Nguyên Đán chỉ có 3 trai và 2 gái. Đó là người con trưởng Trần Mộng Dư, con thứ hai là Trần Thúc Giao, con trai thứ ba là Trần Thúc Huỳnh; hai người con gái là Trần Thị Thái (Trần Thị Ngọc Điệp) và Trần thị Thai. Bà Trần Thị Thái là chị của ông Trần Thúc Quỳnh, là vợ của ông Nguyễn Phi Khanh (ứng Long) và là thân mẫu của ông Nguyễn Trãi.
Là một nhà thông thái, ông Trần Nguyên Đán chẳng những có nhãn quan chính trị rất sắc bén mà còn là một người có nếp sống tiến bộ hơn hẳn so với xã hội đương thời. Ông muốn các con gái của Ông cũng được học hành chữ nghĩa chu đáo như con trai. Vì lẽ này, ứng Long và Nguyễn Hán Anh được mời làm gia sư cho nhà Ông. ứng Long (về sau đổi tên thành Nguyễn Phi Khanh) thì lo day cho Trần Thị Thái, còn Nguyễn Hán Anh lo dạy cho Trần Thị Thai.
Cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Phi Khanh và Trần Thị Thái lúc đầu đơn giản chỉ là cuộc gặp gỡ giữa một gia sư trẻ tuổi và tài hoa với một cô học trò sinh đẹp thuộc dòng dõi đại quý tộc, nhưng dần về sau thì tình yêu của hai người nẩy nở. Thế rồi, Trần Thị Thái có thai. Nguyễn Phi Khanh hoảng sợ mà bỏ trốn. Khi biết chuyện này, ông Trần Nguyên Đán chẳng những không giận mà còn nói rằng: Vận nước sắp mất (ý nói cơ đồ nhà Trần sắp mất), biết đâu, đó chẳng phải là trời xui nên như thế. Không chừng đấy lại là phúc lành cho nhà ta”. Nói rồi, Ông cho người đi tìm ứng Long về và nói: “Việc này người xưa từng có, nay nếu có thì có gì là lạ đâu? Hẳn là Anh đã biết chuyện nàng Trác Văn Quân với Tư Mã Tương Như ( ). Nay nếu Anh làm được như Tư Mã Tương Như, lưu danh cùng thiên cổ, thì đấy cũng chính là ý nguyện của ta”. Cảm động trước tấm lòng vừa bao dung lại vừa rất sáng suốt của Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh đã đêm ngày dùi mài kinh sử; năm 1374 Ông thi đổ Bảng Nhãn . Mãi đến sau năm 1400, Hồ Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần, Nguyễn Phi Khanh mới được ra làm quan với chức Đại Lý Tự Khanh, Hàn Lâm Viện Học Sĩ kiêm Quốc Tử Giám Tư Nghiệp và cũng năm ấy Nguyễn Trãi dự thi và đổ Thái Học Sinh (tức tiến sĩ). Từ đó, hai cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi cùng làm quan cho nhà Hồ. Khi quân xâm lược nhà Minh đánh bại nhà Hồ (1406) cha con Nguyễn Trãi đều bị quân nhà Minh bắt, Nguyễn Phi Khanh bị chúng đưa về Trung Quốc, còn Nguyễn Trãi trốn thoát được, rồi sau đó đã đến gặp Lê Lợi và tham gia quân khởi nghĩa Lam Sơn. Còn bà Trần Thị Thai cũng được gả cho Nguyễn Hán Anh thầy dạy học của mình (Trích “Danh tướng Việt nam” tập II – nhà Xuất bản Giáo dục – thành phố Hồ Chí Minh – 1998, trang 35, 36, 37).
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Trần Phước (陳 福 - 富霑).
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Trần Phước (陳 福 - 富霑)
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.