10.3.3.18A. Nguyễn Phúc Thăng Phúc Long Quân
Ông là con thứ 18 của đức Vũ Vương, mẹ là bà Hữu cung tần Tống Thị Quyên. Ông sinh ngày 17 tháng 11 năm Nhâm ngọ (21-12-1762).
Gặp loạn năm Giáp ngọ (1774), đức Duệ Tông vào Nam, ông lúc đó mới 13 tuổi, không theo được nên Tây Sơn bắt. May nhờ có tướng Tây Sơn là Nguyễn Chân muốn gả con gái cho nên hết sức giải cứu để khỏi bị giam cầm nhưng cấm không được đi đâu xa. Ông phải đi câu cá độ nhật. Năm Quí sửu (1793), khi đi câu, thấy một thây đàn ông nổi lên, trạc tuổi với mình, ông cho thây ma mặc y phục của mình, giả làm đi câu bị chết đuối. Nhờ vậy mà trốn được, ông cùng với cháu là Nguyễn Phúc Liêm (con Hoàng Tử Nguyễn Phúc Mão) vào ggạp đức Thế Tổ. Thế Tổ cầm tay, khóc nói : "Vận nước phải nhiều tai ách, người thân thích chịu lắm cảnh ngang trái, nào ngờ ngày nay còn gặp nhau, há chẳng do điều hay còn sót lại của các bậc tiên vương để khiến nguy mà thành phúc, nạn mà an toàn hay sao? " Rồi đức Thế Tổ cho mở yến tiệc hết sức vui vẻ. Ông được phong làm Quốc thúc Chưởng cơ Quận công, ban lễ vật rất hậu. (Liêm cũng được phong làm Khâm sai Cai đội).
Năm Tân dậu (1801) ông theo đức Thế Tổ khôi phục kinh thành Phú Xuân. năm Nhâm tuất (1802), Thế Tổ ngự giá thân chinh ra Bắc Hà, ông cùng với Nguyễn Văn Khiêm được giao cho giữ kinh thành, tùy tiện điều hành mọi việc. Về sau, ông được giao trông coi người trong họ, ông thường xin cho con cháu ở hệ tôn thất từ 8 đến 12 tuổi được cấp học bổng, vua chấp thuận. Năm Đinh sửu (1817), ông được phong tước Phúc Long Công, được ban sách, ấn, mũ, áo.
Ông là người trong họ được vua tôn trọng và sủng ái, vua thường gọi ông là Quốc thúc mà không gọi tên. Mỗi khi vào yết kiến, vua đứng dậy mời ngồi trên sập, ông cố từ chối nói : "Trên trời không thể có hai mặt nhật, thần Thăng này đâu có dám vậy !" Vua sai trải chiếu xuống đất cùng ngồi, ông liền đứng dậy lui ra. Vua đối với ông lễ càng hậu thì ông giữ mình càng nghiêm cẩn. Các tướng Nguyễn Văn Nhân, Lê Văn Duyệt thường bảo nhau : "Hoàng thượng dùng ân đối với người thân để được thân hơn mà ông lấy đức khiêm để càn khiêm nhường, xưa nay ít được thấy như vậy."
Ông mất ngày 8 tháng 6 năm Kỷ mão (29-7-1819) lúc 58 tuổi. Đức Thế Tổ rất thương tiếc, cho dùng lễ thân vương đời Tống mai táng ông, bãi triểu 5 ngày, ban thụy là Hòa Tĩnh. Vua cho xuất tiền kho để lo lễ tang, sai Hoàng tử Định Viễn làm chủ tế, lại bảo quan lễ bộ rằng : "Quốc thúc đối với nhà là bậc kỳ đức, đối với nước là bậc nguyên thần. Nay chẳng may mất đi, con còn dại, đợi lúc lớn tuổi sẽ ban cho tập tước lo việc thừ tự."
Ông có 4 người con trai là : Nguyễn Phúc Thành, Nguyễn Phúc Vĩnh, Nguyễn Phúc Tường và Nguyễn Phúc Thùy. Trưởng tử Thành mất sớm, người con thứ hai là Vĩnh, đến đời Minh Mệnh được ban tập tước Phúc Long Hầu. |