GIA

PHẢ

TỘC

TRẦN
VĂN
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
TỘC ƯỚC - GIA PHÁP
TỘC ƯỚC
HỌ TRẦN-LONG AN
Mỹ An, Thủ Thừa, Long An




I. LỜI NÓI ĐẦU

Theo truyền thống thì gia đình, tộc họ và xóm làng là nền tảng căn bản của dân tộc, của đất nước Việt Nam chúng ta. Tộc họ là một đại gia đình, tất cả các thành viên đều có chung một nguồn gốc tổ tiên. Con cháu trong tộc chịu sự chi phối rất lớn về mặt tinh thần của tộc họ. Vinh nhục, thăng trầm của mỗi thành viên đều ảnh hưởng đến danh dự của đại gia đình tộc họ.

Việc quản lý tộc họ từ xưa đến nay tuy chưa có một văn bản chính thức nào nhưng những ước lệ của tộc như là “Lệ bất thành văn” đã lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, được bảo tồn, gìn giữ như là một truyền thống và bất di bất dịch.

Ngày nay vào thế kỷ thứ XXI, nhân loại và dân tộc ta đã có những tiến bộ vượt bực về mọi lãnh vực, do nhiều điều kiện khách quan chủ quan khác nhau, con cháu không còn ở tập trung tại quê nhà mà ra đi khắp các phương trời trong và ngoài nước. Do đó để thống nhất và giữ gìn truyền thống của tộc họ, HĐGT chủ trương văn bản hóa những ước lệ của tộc còn lưu truyền đến nay thành Tộc ước trên cơ sở bồi đắp phát huy tinh hoa của tổ tiên và lượt bỏ những gì không còn phù hợp.

Nội dung cơ bản của Tộc ước quy định cách thức quản lý tộc họ, quy định trách nhiệm và bổn phận của các thành viên đối với tộc họ và đối với tổ tiên.

Tộc ước gồm phần chính như sau:

1. Lời nói đầu

2. Lược sử tộc Trần Văn – Long An

3. Các ngày và nghi lễ giỗ chạp của Tộc và các Chi Phái

4. Tổ chức Gia Tộc

5. Tài chính và các quỹ của Tộc

6. Các quy định về tri ân tiền nhân và khen thưởng con cháu

7. Các quy định về hôn phối, gia đình

8. Cập nhật gia phả tộc

9. Nghĩa vụ con cháu đối với ông bà, cha mẹ

10. Các quy định về việc tham dự lễ hội với địa phương

11. Các quy định về hiếu, hỷ trong tộc

12. Vai trò Tộc Trưởng từ đường của một dòng họ

13. Lời kết

II. LƯỢC SỬ TỘC TRẦN VĂN “LONG AN” TỘC ƯỚC

Tộc Trần Văn – Long An là một trong các tộc họ do các bậc tiền hiền từ Bắc vào và định cư trên đất Cù Lao, phủ hạt Tân An nay là Ấp 1, thị xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. TÍnh từ đời thứ 1 đến nay đời thứ 12 thì tộc Trần Văn "Long An" đã định cư được trên 250 năm, so với một số tộc họ khác tại địa phương thì thời gian tộc Trần Văn "Long An" an cư lạc nghiệp trên đất Cù Lao còn trẻ hơn nhiều, có tộc họ đã đến đời thứ 24 tính ra đã hơn 500 năm.

Do đến định cư sau nên tộc Trần Văn – Long An không có đất công, toàn bộ con cháu trong bổn tộc đều ở đất tư nhờ mua lại mà có. Tuy không có đất công, nhưng nhờ lúc ban đầu anh em con cháu ở liền kề. Sau này do điều kiện lịch sử nên ngoài số định cư tại Cù Lao, một số con cháu ra đi làm ăn sinh sống ở Ma Ren (Tân Hiệp).

Để phân biệt với các tộc Trần Văn khác tại địa phương, không biết từ lúc nào các vị tiền bối khi gọi tên bổn tộc thường gọi là Trần Văn “Long An” để tránh nhầm lẫn. Từ đó tên của bổn tộc luôn kèm theo danh xưng “Long An” và đến nay con cháu trong tộc cũng gọi tên tộc là Trần Văn – Long An.

Gia phả tộc lập lần đầu (gọi là Đệ nhất Tộc Phả) bị cháy không biết do nguyên nhân gì, năm 1939 nhằm vào năm Kỷ Mão âm lịch, các vị tiền nhân (đời thứ 5 theo Tộc phả) của tộc đã phụng lập lại Gia phả tộc trên cơ sở lời kể của con cháu và của các vị bô lão trong làng (gọi là Đệ nhị Tộc phả). Do đó trong Đệ nhị Tộc phả các vị tiền nhân và bô lão trong làng chỉ nhớ được đến ông Trần Văn Sanh có hai bà vợ là bà Châu Thị Trinh là chánh thất và bà Văn Thị Cảnh là thứ thất, là ông bà cố của đời thứ 5, còn lên trên nữa do không có tư liệu nên chỉ ghi tên ông mà không có tên bà. Trong Đệ nhị Tộc phả cũng không ghi bổn tộc từ đâu đến cho nên đến nay tuy có nhiều trăn trở, tìm kiếm của con cháu nhiều đời cũng chưa xác định được nguồn gốc của bổn tộc.

Ông Trần Văn Sanh với bà chánh thất sanh hạ được 2 người con trai và với bà thứ thất sanh hạ thêm 6 người con trai nữa nên đến con cháu đời thứ 5, 6 đã phát triển tương đối đông, đồng thời để đề phòng Tộc phả bị cháy, các vị tiền nhân khi xây dựng Đệ nhị Tộc Phả đã xây dựng Phả hệ theo từng Phái từ Phái nhất đến Phái tám giao cho từng Phái lưu giữ và cập nhật.

Sau nhiều biến đổi thăng trầm của lịch sử, ngày nay chỉ còn bản Phả hệ bằng tiếng Hán của Phái tư là còn lưu giữ được là nhờ ông Trần Nguyên nhớ lời cha dặn trước lúc qua đời, đi đến nới nào ông cũng mang gia phả theo, đến năm 1970, ông cung thỉnh các thầy ở chùa An Hòa dịch bản Phả hệ Phái tư từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ để con cháu dễ truy dụng.

Năm 2000, theo nguyện vọng của con cháu toàn tộc, ông Trần Công Tân đã phát nguyện cung cấp chi phí để trung tu Gia phả tộc. Ngày…tháng…năm 2001 Đệ tam Gia phả tộc bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ đã được trùng tu và phát hành cho tất cả các Chi, Phái của bổn tộc lưu trữ.

Việc trùng tu và cập nhật Gia phả tộc có ý nghĩa rất lớn lao trong việc duy trì sự tồn tại và phát triển của bổn tộc mà mục đích chính là xác định con cháu của bổn tộc, không để con cháu vì không truy cứu được, không cập nhật được mà thất lạc, không biết tộc họ, nguồn gốc của mình gây ra bất hiếu với Tổ tiên.

III. CÁC NGÀY LỄ, GIỖ CHẠP

Hội nghị HĐGT thường niên vào đêm 23/3/Đinh Hợi tức 09/5/2007 đề nghị và đã thông qua toàn thể con cháu nội ngoại về dự Giỗ tộc ngày 24/3/Đinh Hợi tức ngày 10/5/2007 thống nhất quyết định chọn ngày Giỗ tộc hằng năm là ngày 10/3/Âm lịch trùng với ngày Giỗ tổ Hùng Vương, là ngày Quốc lễ được nghỉ làm việc, để con cháu có cơ hội về sum họp trong ngày đại giỗ của bổn tộc.

Các ngày Tết và ngày Giỗ tộc là các sự kiện thiêng liêng của dân tộc và dòng họ nên việc tổ chức phải hết sức trang nghiêm, đầy đủ các nghi lễ truyền thống, không được đơn giản, tiết chế hời hợt. Đồng thời là ngày hội của con cháu có điều kiện về lại quê nhà viếng ông bà tổ tiên nên việc tổ chức phải đoàn kết trong tình anh em ruột thịt, không vì bất cứ mâu thuẫn nào mà làm cho ngày giỗ tết mất ý nghĩa, có tội với ông bà, hàng xóm chê cười. Trách nhiệm của Hội đồng gia tộc là tổ chức thành công và rút kinh nghiệm cho từng năm để đúc kết truyền lại cho con cháu đời sau.

1. Tết nguyên đán.

• Sáng ngày 28 tháng chạp âm lịch, rước ông bà tại Nhà thờ tộc

• Sáng ngày mồng 01 Tết, cúng ông bà, con cháu có dịp về dâng hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Phái ba trực Nhà thờ

• Sáng ngày mồng 02 Tết, cúng ông bà, con cháu có dịp về dâng hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Phái tư trực Nhà thờ

• Sáng ngày mồng 03 Tết, đưa ông bà. Phái năm trực Nhà thờ.

HĐGT khuyến khích con cháu các Chi Phái Tộc nếu có điều kiện về tham dự trực tết tại Nhà thờ.

Cúng lễ tết có chiêng, trống nhưng không có nhạc lễ và văn cúng. Theo lệ thường từ lâu, ngày rước ông bà con cháu các phái có điều kiện thì về dự, ngày mồng 1 tết đại diện phái ba cúng, ngày mồng 2 đại diện phái 4 cúng, ngày mồng 3 con cháu đang sinh sống tại địa phương cúng. Việc phân công này dựa điều kiện thực tế và cũng theo lệ thường từ lâu, việc phân công cũng có thể thay đổi theo quyết định của HĐGT nhưng phải bảo đảm hoàn thành công việc.

2. Giỗ tộc ngày 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm

• Ngày giỗ tộc là ngày toàn tộc tổ chức lễ Hội kỵ tưởng nhớ từ Người khai sinh và những Người kế tục sinh ra dòng tộc cho đến đời Ông Cố đã khuất của người đời nay. Thành phần tham dự là con cháu nội ngoại, dâu rễ của toàn tộc khi có điều kiện thì có trách nhiệm về tham dự ngày giỗ tộc. Tộc không có giấy mời trong bất cứ trường hợp nào.

• Chiều 09 tháng 3 Âm lịch, chuẩn bị và cúng tiên thường, sau đó Hội đồng gia tộc họp để xem xét, kiểm tra các khâu chuẩn bị cho ngày giỗ tộc đã giao cho Ban tổ chức, xét học bổng cho con cháu, lập danh sách chúc thọ theo quy định, quyết toán thường niên các Quỹ của tộc và các công việc phát sinh khác nếu có.

• Sáng 10 tháng 3 Âm lịch,

+ Lúc 7 đến 8 giờ con cháu thắp hương khu mộ tộc,

+ Từ 8 giờ đến 9 giờ cúng đất, (có nhạc lễ, chiêng trống, có bài văn cúng kể công lao thần hoàng, tiền hiền có công khai khẩn đất đai, quê hương nơi tộc họ định cư), Chánh bái là vị cao tuổi không kể đời, phái hiện đang sống tại địa phương.

+ Từ 9 đến 10 giờ lễ chính kỵ (có nhạc lễ, chiêng trống, có bài văn cúng kể công lao ông bà, tổ tiên và truyền nhân đời đời sinh hạ con cháu toàn tộc đến đời ông cố đã khuất của người đời nay),

- Hội đồng gia tộc chọn Chánh bái là vị cao tuổi còn lại của đời sớm nhất không kể phái hoặc dòng trưởng, thứ theo thứ tự từ trên trở xuống hiện diện trong ngày giỗ tộc. Tả, Hữu bái là các vị trong các phái còn lại khác với phái của vị Chánh bái.

- Các vị đánh trống lịnh và đánh chiêng, trống cũng được Hội đồng gia tộc lựa chọn theo tiêu chí của các vị Chánh, Tả, Hữu bái nếu có thể được

- Y phục của các vị Chánh và Tả, Hữu bái và các vị đánh trống lệnh, chiêng, trống gồm áo dài, khăn đóng của tộc chuẩn bị sẵn. Y phục màu đỏ cho vị Chánh bái, màu xanh dương cho vị Tả, Hữu bái, màu đen cho các vị đánh chiêng, trống.

+ Từ 10 đến 11 giờ Hội đồng gia tộc công bố phát học bổng cho con cháu nội ngoại, và lễ mừng thọ các cụ còn sống có độ tuổi từ 70 trở lên; công bố các Quỹ của tộc và các chương trình của tộc nếu có.

+ Từ 11 giờ con cháu dự cơm trưa, tâm sự hỏi thăm gia cảnh của anh em xa ngày không gặp.

+ Đến 16 giờ Ban tổ chức hoàn thành quyết toán chi phí với Hội đồng gia tộc và hoàn thành việc tổ chức, kết thúc lễ giỗ tộc, con cháu chia tay nhau trong tình thân ái và ra về.

3. Tết Đoan Ngọ

• Sáng ngày mồng 5 tháng 5 Âm lịch, cúng ông bà tổ tiên tại Nhà thờ (có chiêng, trống nhưng không có nhạc lễ và văn cúng).

4. Các ngày giỗ kỵ tại gia đình con cháu

• Tộc không hạn chế việc con cháu cúng ông bà đến bất cứ đời nào tại gia đình để tưởng niệm nhớ ơn công ơn ông bà, tổ tiên, người sinh thành ra dòng họ và cá nhân mình.

• Tuy nhiên do điều kiện thực tế, thường con cháu cúng đến ông bà nội hoặc đến ông bà cố và cấp tương đương. Cho nên như ý nghĩa của ngày giỗ tộc nói trên, gia đình con cháu yên tâm là dù mình có cúng hay không thì đời ông cố đã khuất của mình cũng đã được giỗ chung vào ngày giỗ tộc.

IV. TỔ CHỨC GIA TỘC

Ngoài sự hình thành các Chi, Phái tộc từ xưa đến nay, Hội đồng gia tộc là tổ chức được toàn bộ thống nhất thành lập trên cơ sở phổ thông đầu phiếu để lãnh đạo, điều hành, thực hiện mọi công tác và hoạt động của Tộc.

Hội đồng gia tộc được bầu từ các ứng cử viên do các Chi, Phái tộc giới thiệu trong số con cháu trai của tộc Trần Văn – Long An từ 20 tuổi trở lên. Tiêu chuẩn của các ứng cử viên là có tâm đức trong sáng, có khả năng tâm huyết, có đủ sức khỏe và nhiệt tình tự nguyện vì sự phát triển của bổn tộc.

Nhiệm kỳ của HĐGT là 5 năm

Thành phần HĐGT gồm có: 01 Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các uỷ viên chuyên trách. HĐGT có các tiểu ban: Nghi lễ, Cập nhật Gia phả, Khuyến học, Kiến thiết.

Tùy theo điều kiện cụ thể của từng thời kỳ hoặc khi cần thiết Hội đồng gia tộc có thể cử ra một Ban điều hành giúp việc cho HĐGT, Ban điều hành gồm có: 01 Trưởng ban, các Phó Trưởng ban điều hành, Thủ quỹ, Kế toán, các uỷ viên để điều hành công việc chung của Tộc

Vị Chủ tịch HĐGT nên là người lớn tuổi trong tộc, nhưng phải có đạo đức, trình độ và còn sức khỏe, không phân biệt ở phái nào. Địa vị người ngành trưởng vẫn được tôn trọng với tư cách là Trưởng tộc ở vị trí chánh bái trong các ngày giỗ chạp của Tộc.

Nhiệm vụ HĐGT
- Quản lý tài sản của Tộc bao gồm bất động sản và tiền Quỹ của Tộc.
- Tổ chức giỗ chạp hằng năm.
- Kiểm tra đôn đốc việc cấp phát học bổng từ Quỹ khuyến học tộc hằng năm.
- Tổ chức cập nhật Gia phả tộc theo định kỳ 10 năm
- Quan hệ với chính quyền và với các tộc họ bạn tại địa phương

V. TÀI CHÍNH VÀ CÁC QUỸ CỦA TỘC


Để có kinh phí chi dùng thường xuyên, đầu tư tôn tạo cơ sở vật chất, cấp phát học bổng và mừng thọ cho con cháu trong Tộc. Các Quỹ của Tộc được hình thành từ định suất hoặc tự nguyện và được chia ra các Quỹ như sau:

Quỹ hoạt động thường xuyên: Quỹ này do con cháu đóng góp theo định suất và định kỳ hoặc hảo tâm ủng hộ, Quỹ dùng vào việc cúng tế các ngày lễ, giỗ chạp của Tộc; dùng tham gia đóng góp hoặc đi đám cúng của chính quyền và các tộc họ trong địa phương; dùng vào việc hiếu hỹ của con cháu. Để có quỹ này, con cháu trai đã lập gia đình và dưới 65 tuổi có nghĩa vụ đóng góp hằng năm mỗi người với số tiền tương đương 15 kg gạo. Con cháu trai trên 65 tuổi, con cháu gái, cháu ngoại tùy hảo tâm đóng góp.

Quỹ xây dựng, tôn tạo ( gọi tắt là quỹ kiến thiết): Khi có kế hoạc xây dựng mới, tôn tạo, sửa chữa các hạng mục công trình của Tộc được sự đồng thuận của con cháu, thì HĐGT lập thiết kế, dự toán và trên cơ sở đó thành lập quỹ kiến thiết. Căn cứ vào quỹ kiến thiết HĐGT thành lập ban Ban vận động xây dựng quỹ theo nguyên tắc phân bổ định suất tối thiểu ( không hạn chế tối đa ) cho từng con cháu trai của tộc có gia đình hoặc từ 25 tuổi trở lên, đồng thời kêu gọi hảo tâm đóng góp thêm của con cháu có điều kiện kinh tế khá và cháu ngoại.

Quỹ học bổng của Tộc đã được hình thành từ một số con cháu trong tộc có thiện tâm, quỹ được HĐGT gởi vào Ngân hàng để sinh lợi. Từ nguồn sinh lợi của quỹ học bổng, hằng năm HĐGT xét cấp học bổng cho con cháu trọng tộc theo quy chế được HĐGT phê duyệt. Số dư sau khi cấp học bổng hằng năm hoặc do con cháu đóng góp thêm, được bổ sung để tăng nguồn quỹ học bổng.

Tất cả các quỹ của tộc nói trên khi có số dư từ 5 (năm) triệu trở lên đều được gởi vào Ngân hàng. Việc thu chi tuân thủ nguyên tắc kế toán, có sổ cái, có phiếu thu, chi và chứng từ ban đầu được Chủ tịch HĐGT duyệt. Hằng năm hoặc khi kết thúc công việc, HĐGT có trách nhiệm quyết toán các quỹ để báo cáo công khai vào ngày giỗ tộc.

VI. CÁC QUY ĐỊNH VỀ TRI ÂN TIỀN NHÂN VÀ KHEN THƯỞNG CON CHÁU

Con cháu toàn tộc luôn luôn ghi nhớ công đức sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đồng thời luôn luôn tri ân những người trong tộc có công gìn giữ bảo tồn tộc phả và các nghi lễ của tộc, góp phần xây dựng trùng tu từ đường mộ tộc, đóng góp xây dựng quỹ học bổng của tộc cho sự phát triển của con cháu mai sau. Các hình thức tri ân như sau:

1.Ghi sổ vàng gia tộc: Con cháu trong tộc có đóng góp nhiều về công sức và tiền của cho tộc, các vị ân nhân ngoại tộc có công lớn đóng góp cho tộc… sẽ được Hội đồng gia tộc xem xét ghi tên vào Sổ vàng gia tộc.
2. Treo ảnh lên tiền đường: Con cháu có công lớn đóng góp cho sự tồn tại và phát triển của tộc, có đóng góp đặc biệt về công sức và tiền của cho tộc, ….sẽ được Hội đồng gia tộc xem xét treo ảnh kỹ niệm tại tiền đường Nhà thờ tộc. Hằng năm HĐGT tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ trong tộc từ 70 tuổi trở lên.
3. Học bổng : Con cháu nội ngoại trong tộc có thành tích học tập giỏi, thi đỗ và các trường Đại học được Hội đồng gia tộc xét cấp học bổng hằng năm. Con cháu nội ngoại có thành tích học tập hoặc đỗ đạt đặt biệt giỏi được xã hội, chính phủ, quốc tế công nhận sẽ được xét khen thưởng đặc biệt.

VII. CÁC QUY ĐỊNH VỀ HÔN PHỐI, GIA ĐÌNH

Con cháu trong toàn tộc phải tuân theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, tuy nhiên Tộc ước quy định những điều sau đây mà Luật hôn nhân và gia đình chưa nêu:

1. Hôn nhân không đồng tánh: Nhằm để bảo đảm nguồn gene thuần cho con cháu muôn đời mai sau, con cháu tộc Trần Văn “Long An” không nên hôn phối với người Việt Nam cùng mang tộc Trần cho dù người đó ở bất cứ nơi nào. Cha mẹ phải thông báo cho con cái khi trưởng thành để tránh tình trạng đáng tiếc xãy ra.

2. Hôn nhân không đồng chủng: Tộc không cấm hôn nhân với người khác chủng tộc Việt “Kinh”, tuy nhiên nếu con trai hôn phối với người khác chủng thì phải bảo đảm con cái sinh ra mang dòng họ Trần Văn “Long An” và cố gắng giữ gìn phong tục tập quán, ngôn ngữ của người Việt “Kinh” tránh để mất gốc.

3. Hôn nhân một vợ một chồng: Tộc quy định con cháu nên hôn nhân một vợ một chồng nhằm bảo đảm hạnh phúc gia đình.


VIII. CẬP NHẬT GIA PHẢ TỘC

Gia phả tộc là văn bản ghi lại lịch sử dòng họ từ đời ông thủy tổ là người sáng lập ra dòng họ Trần Văn – Long An cho đến đời hiện tại. Đây là một văn bản quan trọng vào loại bật nhất của tộc họ mà bất cứ thành viên nào của tộc họ phải có trách nhiệm trân trọng gìn giữ, bảo quản, cập nhật, lưu truyền lại cho con cháu của mình cho đến đời đời mai sau.

Việc làm mai một, thất lạc bản gia phả, hoặc không cập nhật làm cho gia phả thiếu sót không còn giá trị truy cứu sẽ làm cho một bộ phận thành viên của tộc họ không còn nhận ra nguồn gốc của mình dẫn đến mất gốc là thiếu trách nhiệm với con cháu và có tội bất hiếu lớn với tổ tiên ông bà. Do những lý do trên, các thành viên trong tộc có trách nhiệm như sau:

1. HĐGT có trách nhiệm gìn giữ, bảo quản, lưu trữ bản chính Gia phả tộc tại Chính điện Nhà thờ tộc; có trách nhiệm sao chép Gia phả tộc vào đĩa DVD chuyển giao cho một số thành viên cốt cán của tộc lưu trữ để bảo đảm không bị thất lạc do thiên tai, địch họa… Khi có điều kiện thì HĐGT xây dựng trang Web Gia phả tộc Trần Văn – Long An lưu trên mạng để con cháu dễ truy cập, bổ sung, cập nhật

2. Đối với các thành viên trong tộc phải có trách nhiệm trân trọng gìn giữ, bảo quản lưu trữ Gia phả tộc tại nơi trang nghiêm, an toàn nhất trong gia đình mình. Khi có thay đổi sinh, tử, hôn phối phải có trách nhiệm tự bổ sung cập nhật vào Gia phả đang lưu trữ tại gia đình mình và khi có điều kiện thì bổ sung trên trang Web Gia phả tộc sau nầy. Khi có thông báo yêu cầu cập nhật gia phả của HĐGT thì các thành viên trong tộc có trách nhiệm thực hiện theo yêu cầu của thông báo

IX. NGHĨA VỤ CỦA CON CHÁU VỚI ÔNG BÀ, CHA MẸ

Ông bà tổ tiên tộc Trần Văn – Long An chúng ta từ Thi tổ đến nay trên 250 năm, được 12 đời. Con cháu bây giờ vì hoàn cảnh gia đình hoặc vì kế sinh nhai, tản mác khắp nơi, nhưng ông bà ta có câu "uống nước phải nhớ nguồn", nên dù ở đâu con cháu cũng phải nhớ về quê cha đất tổ. Việc thờ phụng ông bà không thể nói tin hay không, vì ông bà chúng ta là mộ SỰ THẬT chứ không phải là đấng thần linh vô hình.

Việc thờ phụng Tổ tiên là bổn phận, là biểu hiện chữ HIẾU của con cháu đối với ông bà, cha mẹ đã khuất. Khi ông bà, cha mẹ còn sống thì nghĩa vụ lớn nhất của con cháu là phải nuôi nấng, phụng dưỡng, tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể được để ông bà, cha mẹ được sống đầy đủ, cả vật chất lẫn tinh thần, không vì bất cứ lý do gì mà hất hủi, rùng rẩy, bỏ bê gây ra đại tội bất hiếu.

Ngoài việc tôn thờ, phụng dưỡng nói trên thì con cháu tộc Trần Văn có trách nhiệm lớn lao nhất là phải giáo dục cho các thế hệ mai sau có ý thức “uống nước phải nhớ lấy nguồn”, có đầy đủ tri thức đạo đức làm người, góp công sức xây dựng gia đình, xã hội và đất nước vững mạnh, có tinh thần rèn luyện học tập, lao động miệt mài để làm giàu về tri thức và giàu có về của cải cho cá nhân và cho xã hội. Tuyệt đối không để bản thân và con cháu vi phạm pháp luật, không để sa vào các tệ nạn xã hội, không có lối sống sa đoạ, không có các hành vi phi đạo đức, phi nhân phẩm.

Con cháu trong toàn tộc là ruột thịt, là từ một giọt máu đào của tổ tiên sinh ra cho nên phải giữ lấy sự đoàn kết là phần cốt lỏi để gắn kết anh em con cháu trong toàn tộc, không phân biệt Chi Phái, không phân biệt nội ngoại, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, không phân biệt học vấn, địa vị cao thấp. Phải gìn giữ tôn ti trật tự, từ trên xuống dưới rõ ràng.

Mọi mâu thuẫn phát sinh phải được thảo luận, dàn xếp trên tinh thần nhường nhịn, đoàn kết bình tĩnh tìm ra chân lý lẽ phải, tuyệt đối không vì hơn thua mà lỗ mãng, mất đoàn kết, phát ra những lời nói cạn tình không rút lại được.

Con cháu trong toàn tộc khi về tham dự các ngày lễ hội của tộc dù có quan niệm sống, quan điểm, suy nghĩ … khác nhau nhưng nhất thiết không được mang các vấn đề chính trị ra bàn luận, hoặc phao tin đồn nhãm, mê tín dị đoan, gây ra mâu thuẫn sẽ rất dễ dẫn đến mất đoàn kết nghiêm trọng.

Vậy con cháu trong Tộc phải có nghĩa vụ

1. Đóng góp đầy đủ quỹ tộc để giỗ chạp hằng năm

2. Tham gia công việc xây dựng mọi mặt cho Tộc

3. Tham dự đầy đủ các ngày giỗ chạp hằng năm

4. Giáo dục con cháu truyền thống tốt đẹp của Tộc họ

5. Đoàn kết, trên thuận dưới hòa góp sức xây dựng Tộc ngày càng phát triển, rạng danh với xóm làng và nhất là đẹp lòng Chư vị tiên linh của chúng ta nơi chín suối

X. CÁC QUY ĐỊNH VỀ THAM DỰ LỄ HỘI ĐỊA PHƯƠNG

Đại diện Hội đồng gia tộc sẽ thay mặt tộc tham dự các lễ hội của chính quyền, của làng ấp và của các Chư Tộc khác tại địa phương khi được mời.

Kinh phí cho việc tham dự được Hội đồng gia tộc quy định theo định mức trong chi phí thường xuyên và được quyết toán báo cáo trong báo cáo thu chi của tộc trong kỳ hợp Hội đồng gia tộc thường niên vào đêm mồng 09 tháng 3 âm lịch hằng năm.

Tùy theo khả năng tài chính HĐGT có quyết định cấp học bổng cho các cháu học giỏi tại địa phương.

XI. CÁC QUY ĐỊNH VỀ HIẾU, HỶ TRONG TỘC

Do điều kiện con cháu ở phân tán trong cả nước cho nên khi trong gia đình con cháu có việc Hiếu, Hỷ ….Hội đồng gia tộc không có điều kiện để tham gia. Để thống nhất chung công vịêc hiếu, hỷ được quy định như sau:

1. Khi có việc hiếu, hỷ thì gia đình cố gắng báo tin cho Đại diện Hội đồng gia tộc tại các địa phương biết và Đại diện Hội đồng gia tộc địa phương sẽ thông tin lại cho Hội đồng gia tộc. Tuỳ theo điều kiện ở xa gần, Hội đồng gia tộc sẽ trực tiếp hoặc uỷ quyền cho Đại diện Hội đồng gia tộc tham gia công việc hiếu, hỷ tại gia đình.

2. Đối với công việc hiếu sự: Tuỳ theo độ tuổi và công lao đóng góp cho tộc họ, Hội đồng gia tộc quyết định nghi lễ cần thiết để trực tiếp đi dự hoặc uỷ quyền cho Đại diện Hội đồng gia tộc đi dự.

3. Đối với công việc hỷ sự: Chủ yếu là cá nhân tham dự, Hội đông gia tộc tuỳ từng trường hợp cụ thể nếu có thì chỉ có thư chúc mừng gởi đến cho gia đình

XII. VAI TRÒ TỘC TRƯỞNG TỪ ĐƯỜNG CỦA MỘT DÒNG HỌ

Từ đời xưa tới nay theo phong tục cổ truyền kỷ cương lễ giáo của một gia tộc, người con người cháu đứng đầu một dòng họ là TỘC TRƯỞNG, trường hợp khuyết trưởng thì người kế cận em của TỘC TRƯỞNG mới được thay, cũng có trường hợp cá biệt người TỘC TRƯỞNG lưu cư xa đất gốc tổ, xa nhà thờ, vì điều kiện công tác sinh sống và ban thân thấy mình có điều kiện đặc biệt không thể đảm nhiệm nổi trọng trách phụng sự tổ tiên thì báo với họ xin xin bầu từ đường để chăm lo thờ phụng cho chu đáo.

Người TỘC TRƯỞNG dòng họ là người đứng đầu chịu trách nhiệm phụng sự tổ tiên, quản lý gia tộc, nhà thờ, đôn đốc việc họ, cầm cương đầu dòng cho nên các thế hệ trước cứ lo cho con đầu lòng ăn học đến nơi đến chốn, biết viết văn cúng, biết cách thờ phụng tổ tiên mong duy trì cội nguồn phúc đức bền vững.

Tộc trưởng phải có ý thức tốt về mặt thờ phụng, kỷ cương, gia tộc giáo dục con cháu có đạo dức với cha mẹ, họ hàng tổ tiên để cả họ phát triển đều đặn về thọ mệnh, sinh sản,học vấn... Cho nên trong dòng họ các bậc cha chú cứ chăm lo bồi dưỡng kiến thức cho con cháu đích tôn là nhằm mục đích như vậy. Từ trước đến nay cha ông dạy phải tôn trọng tộc trưởng "Huynh tắc hữu, đệ tắc cung".

Người TỘC TRƯỞNG phải rèn luyện nhân, nghĩa, lễ, trí, tín để cả họ tin yêu mến phục. Khi trong họ ai có việc hiếu, hỷ, đều nhờ đến TỘC TRƯỞNG, phải ưu tiên công lao khó nhọc của TỘC TRƯỞNG, dành vị trí tôn trọng nhất để TỘC TRƯỞNG ngồi, vì tôn trọng TỘC TRƯỞNG là tôn trọng họ, tổ tiên. Sai lầm của một số TỘC TRƯỞNG là thấy họ tôn trọng mình đâm ra tự cao, tự đại, công thần, quên mất phép tắc đoàn kết, kỷ cương lễ giáo gia phong trong dòng họ, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút tâm linh, tình cảm con cháu.

Cứ mỗi đời, cha ông ta lại cử ban tộc biểu là để giúp việc với TỘC TRƯỞNG làm tròn trách nhiệm gia tộc, bảo quản gia phả, phú y, gia biên, ghi chép ngày giờ sinh tử của con cháu trong họ và các sự kiện lịch sử lưu hậu thế. Mỗi dòng họ thế nào cũng có cá nhân làm rạng rỡ tông môn, để lại cái hay cái quý cho gia tộc, có tác dụng giáo dục to lớn cho các đời sau.

Ngày nay để phát huy tốt, làm cho dòng họ có văn hóa, văn minh, đạo đức phẩm chất đoàn kết yêu thương nhau với tinh thần ruột thịt. Tất cả các bậc cha chú con cháu cần gánh chịu trước họ mà suy nghi hiền kế bảo vệ mỗi di sản thiêng liêng của tổ tiên để lại. Sách có câu: "Vạn cổ cương trường gia hữu trưởng" Trong đời đại ngày nay, nhiều chi phái, tộc trưởng được Đảng và nhà nước giao các trọng trách phải lưu trú xa quê hương, nên các vị được bầu là quản tộc hay từ đường phải đạm nhiệm các chức năng của người TỘC TRƯỞNG.

XIII. LỜI KẾT

Tộc ước là văn bản tập hợp những quy định của tổ tiên ông bà các đời trước và một số bổ sung cho phù hợp với hiện tại. Một số nội dung trong tộc ước sẽ được cụ thể hóa bằng các văn bản, quy định, quy chế…được HĐGT phê duyệt. Các nội dung của tộc ước có thể được Hội đồng gia tộc xem xét điều chỉnh bổ sung hằng năm theo đề nghị của con cháu để phù hợp với yêu cầu thực tiển.

Mọi thành viên trong toàn tộc có trách nhiệm tôn trọng, phổ biến cho con cháu mình thực hiện tộc ước. Nghiên cứu đề nghị HĐGT bổ sung hoặc sửa đổi để bản tộc ước ngày càng rõ ràng, chính xác phù hợp với điều kiện theo mỗi thời đại, tạo điều kiện cho con cháu thực hiện tốt tộc ước.





TỘC TRẦN VĂN – LONG AN

HỘI ĐỒNG GIA TỘC
Gia Phả TRẦN VĂN
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc TRẦN VĂN.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc TRẦN VĂN
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.