GIA

PHẢ

TỘC


Đình
làng
Tiên
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
TỘC ƯỚC - GIA PHÁP

DÒNG HỌ VŨ ĐÌNH
LÀNG TIÊN XÁ XÃ LÊ NINH HUYỆN KINH MÔN TỈNH HẢI DƯƠNG
---------------------------------oOo---------------------------------


QUY ƯỚC TRONG DÒNG HỌ

LỜI MỞ ĐẦU

Một dân tộc , một dòng họ hay một gia đình, luôn đoàn kết thương yêu,gắn bó đùm bọc lẫn nhau, cùng chống ngoại xâm, chống nghèo nàn lạc hậu, luôn phấn đấu học hỏi và hướng thiện, sẽ tạo thành một sức mạnh tổng hợp , không một trở ngại nào khuất phục được. dân tộc ấy, dòng họ và gia đình ấy, nhất định sẽ thịnh vượng phồn vinh, hẳn nhiên là yên lòng Tổ Phụ Tiền Nhân và đó cũng là niềm vinh dự cho hậu thế.
Theo cuốn “ LƯỢC SỬ HỌ VŨ TẠI VIỆT NAM” do giáo sư Vũ Mạnh Hà soạn thảo thì thủy tổ họ Vũ tại Việt Nam là cụ Vũ Hồn. Thân phụ cụ Vũ Hồn là Vũ Công Huy, người làng Mã Kỳ, huyện Long Khê, tỉnh Phúc Kiến Trung Quốc.
Khoảng năm 800 sau công nguyên, cố Vũ Công Huy được vua nhà Đường cử sang làm quan ở đất Giao Châu, rồi lấy cố Nguyễn thị Đức người làng Vạn Nhuế, huyện Thanh Lâm đất Hồng Châu làm vợ hai.
Ngày 08 tháng giêng năm Giáp Thân – 804 , bà Đức sinh con trai đầu lòng đặt tên là Vũ Hồn.
Cụ Vũ Hồn là người thông minh tài giỏi nên mới 16 tuổi đã được vua nhà Đường bổ dụng làm quan Tả Thị Lang Bộ Lễ, năm 18 tuổi được thăng chức quan Đô Đài Ngự Sử và đến năn At Tỵ ( 825 ) vua Đường cử Vũ Hồn làm quan Thứ Sử ở đất Giao Châu ( miền bắc Việt Nam )
Khi nghỉ làm quan, cụ Vũ Hồn đưa gia đình đến định cư lập ấp Lạp Trạch,sau đặt tên ấp là Khải Mộ, hiện nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương.
Cụ Vũ Hồn tạ thế năm Quý Dậu ( 853 ) thọ 49 tuổi an táng tại xứ Đống Cạn, thôn Mộ Trạch , Bình Giang Hải Dương, được nhà Vua phong “ Phúc Thần” Thành Hoàng Mộ Trạch.
Qua nhiều thế hệ, Thủy Tổ họ Vũ từ Bình Giang Hải Dương qua Thái Bình, Hưng Yên , Hải Phòng , Nam Định và đi vào miền trung , miền nam Việt Nam, trong quá trình ấy được đổi thành họ Võ , họ Đặng Vũ và họ Phan, trong khi chưa giáp nối được với các ngãnh, các chi của Đại Thủy Tổ , dòng họ Vũ Đình làng Tiên Xá xã Lê Ninh huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương , là một chi nhỏ của Thủy Tổ họ “Vũ Việt Nam” lập nhánh gia phả và quy ước này để cùng nhau thực hiện nhằm truyền lại cho hậu duệ đời sau, mong muốn hậu duệ đời sau luôn phát huy truyền thống của dòng họ, ngày càng gắn bó nguồn cội, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, xây dựng một dòng họ thuần khiết Việt Nam, các thế hệ trước luôn làm gương cho các thế hệ sau , các thế hệ sau luôn phấn đấu sáng tạo để đạt được những thành quả cao hơn thế hệ trước , giữ gìn được bản sắc truyền thống văn hoá của gia đình,của quê hương dòng họ , của dân tộc.


PHẦN MỘT
PHỤNG THỜ TIÊN TỔ

1.1/ Thủy Tổ dòng họ Vũ theo Phật giáo hậu duệ đời sau nguyện đi theo không bỏ đạo Phật, không đi theo một tôn giáo nào khác.
1.2 / Dù đi đâu, ở đâu,trong nước hay định cư ở nước ngoài tất cả cháu chắt hậu duệ là con trai của dòng họ sau khi lập gia đình, ở riêng , nên lập một bàn thờ gia tiên, nếu không có điều kiện thì đóng một trang thờ tại nơi trang trọng và tôn nghiêm nhất. Những ngày lễ,ngày tết trước bàn thờ gia tiên người chủ gia đình nói cho con cháu biết gia đình mình là hậu duệ đời thứ mấy , của chi nhánh nào thuộc dòng họ Vũ Đình làng Tiên Xá.
1.3 / Hàng năm đến ngày giỗ Tổ ngày 01 tháng 5 âm lịch, dòng họ duy trì họp mặt đủ các trưởng ngãnh, nếu trưởng ngãnh vắng thì ủy quyền cho người thứ đi thay, giỗ Tổ không cầu kỳ mâm cao cỗ đầy, mà giản đơn thanh bạch , nhưng đầy đủ ý nghĩa, khi mọi việc chuẩn bị xong đến giờ lễ Tổ cố gắng tập trung đông đủ, nếu địa điểm chật hẹp không đủ chỗ quỳ bái Tổ thì có thể đứng theo thứ bậc trong dòng họ, bác Trưởng hoặc người được bác Trưởng ủy quyền đọc một bài văn tế ngắn gọn nhưng nêu bật được công lao của Thủy Tổ và các vị tiền nhân cùng lời hứa của con cháu hậu thế trước vong linh Tổ Nghiệp.
1.4 / Những nơi mà các gia đình trong dòng họ đến lập nghiệp có số lượng từ 10 hộ gia đình trở lên , nơi đó sẽ chọn một người trong ngãnh trên nhất, lập bàn thờ Tổ và lấy ngày giỗ Tổ 01 tháng 5 là ngày gặp mặt cúng giỗ và thực hiện như theo quy ước này, mọi hoạt động của các chi ở xa hàng năm khi tổ chức giỗ Tổ xong, có thư gửi về cho bác Trưởng ở quê, để thông báo đến gia tộc vào ngày giỗ Tổ.


PHẦN HAI
GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG – XÂY DỰNG CUỘC SỐNG

2.1/ Các cụ ông ,cụ bà là những cây đại thụ của dòng họ.

Các cụ luôn xây dựng cho mình một cuộc sống thanh thản về tinh thần, luôn dạy dỗ con cháu điều hay lẽ phải , mãi mãi là tấm gương sáng cho con cháu trong họ noi theo , xứng đáng là bậc tiền bối kế thừa của Tổ Phụ Tiền Nhân.

2.2/ Các bậc trung niên là tài sản và sức mạnh của dòng họ.

Là lực lượng đông đảo của dòng họ thường là chủ các hộ gia đình, nguyện với Tiên Tổ không ngừng phấn đấu hơn nữa, luôn tạo ra bầu không khí vui vẻ trong gia đình, trong dòng họ, thường xuyên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm làm ăn kinh tế, chăm sóc nuôi dạy con cháu. Hứa với tiên tổ là: không để con cháu thất học , bản thân và con cháu không vướng vào các tệ nạn xã hội , không vướng vào các ham muốn tầm thường , không làm điều gì ảnh hưởng đến uy tín của bản thân, của gia đình và dòng họ.
Dòng họ đã tồn tại qua nhiều triều đại của Việt Nam, thời phong kiến, thời thực dân đế quốc và nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ , các thế hệ tiền bối của dòng họ đã đóng góp công sức, máu xương vào sự nghiệp giải phóng dân tộc , trong những lúc cực kỳ khó khăn gian khổ ấy dòng họ vẫn gắn bó đoàn kết, nhường cơm sẻ áo cưu mang đùm bọc lẫn nhau, nhất là những khi hữu sự các thế hệ ông cha đã gắn bó với nhau, không bao giờ bỏ nhau, người còn sống cũng như hài cốt những người đã chết quy tụ và gìn giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay, không bị mất mát , thất lạc , hậu duệ đời sau xin hứa với Tiên Tổ sẽ mãi mãi phát huy truyền thống ấy.
- Bàn bạc để tổ chức ngày giỗ Tổ là ngày hội truyền thống của dòng họ , sự có mặt của các cụ ông , cụ bà, chú bác, cháu chắt làm cho các thế hệ trong dòng họ gắn bó chặt chẽ hơn , hiện nay cháu chắt trong họ rất đông, cho nên chỉ những cháu có thành tích xuất sắc trong lao động và học tập, là học sinh giỏi, các cháu thi đậu vào các trường đại học mới có vinh dự được có mặt trong ngày giỗ Tổ , được các cụ các ông bà chú bác chúc mừng, khen thưởng, đó là một vinh dự lớn đối với các cháu, khuyến khích các cháu ra sức thi đua học tập tốt hơn nữa và cũng là cách để dòng họ động viên các các cháu chắt chưa được khen thưởng, phấn đấu sang năm cũng được dòng họ khen thưởng, dòng họ sẽ vận động trong họ đóng góp gây dựng một qũy khuyến học để có kinh phí khen tặng cho các cháu.
-Số tiền vận động quyên góp được bác Trưởng sẽ giao cho một người quản lý mua sắm phần thưởng, chi tiêu những việc gì đều được ghi chép rõ ràng và báo cáo lại trong ngày giỗ Tổ, dòng họ mong muốn các gia đình có điều kiện, các cháu chắt công tác ở xa làm ăn phát đạt có điều kiện đóng góp nhiều hơn để chăm lo khuyến khích các cháu trong họ học tập ngày càng tốt hơn nữa.
-Các gia đình trong họ thương yêu đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau , quan tâm đến các gia đình gặp rủi ro có nhiều khó khăn, những gia đình được giúp đỡ không ỷ lại phải cố gắng phấn đấu vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu.
-Khi trong họ có người gặp hoạn nạn hay gia đình có tang chế, các gia đình trong họ tập trung chăm lo chu đáo, giúp đỡ về vật chất và tinh thần trong điệu kiện khả năng từng gia đình , dòng họ không phân bổ ép buộc , mọi việc đối nội, đối ngoại với địa phương, với các dòng họ khác cố gắng không để ai chê trách.

2.3- Cháu chắt thanh thiếu niên là hạt giống qúy của dòng họ

-Các cháu nguyện với Tổ Tiên ra sức học tập tốt, luôn luôn kính trọng ông bà cha mẹ và những người lớn tuổi , phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, sống hòa đồng với mọi người, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nói lời hay, làm việc tốt , luôn xứng đáng với lòng thương yêu chăm sóc của ông bà cha mẹ và cô bác trong họ.
-Các cháu hãy chọn cho mình một ngành nghề mà mình yêu thích để học, sau này vào đời các cháu được làm việc trong một ngành mà mình ước mơ từ nhỏ, chắc chắn các cháu sẽ thành công trong sự nghiệp .
-Các cháu nguyện với Tổ Tiên phấn đấu học tập để trong dòng họ sau này có nhiều kỹ sư , bác sỹ, nhiều thạc sỹ, tiến sỹ, mang trí tuệ công sức của mình giúp cho gia đình , đóng góp cho xã hội và cho dòng họ.
-Kể từ nay trở đi các cháu trai khi lập gia đình , có con trai nhất thiết phải mang tên đệm là Vũ Đình . . . .phấn đấu xây dựng lớp hậu duệ đời sau làm rạng danh cho dòng họ.

PHẦN BA
NHỮNG CAM KẾT TRONG DÒNG TỘC

3.1- Tất cả các gia đình và con cháu chắt trong dòng họ ở mọi miền Tổ Quốc hay đang định cư ở nước ngoài đều cam kết thực hiện đúng theo quy ước này.
3.2 – Quy ước này được gửi đến các trưởng ngãnh trong dòng họ, các trưởng ngãnh sẽ sao gửi đến các chi, các chi sao gửi đến tất cả các gia đình trong dòng họ để cùng nhau cam kết thực hiện
-Quy ước này được đọc nhân ngày giỗ Tổ, hoặc ngày giỗ tại các ngãnh, các chi trong họ tộc và sẽ được sửa đổi bổ sung cho phù hợp từng thời kỳ.
-Bản quy ước này đã được tham khảo bổ sung của các trưởng ngãnh trong dòng họ, và thống nhất thực hiện từ năm At Dậu ( 2005 ).

DÒNG HỌ VŨ ĐÌNH
Đại diện cho dòng họ
Trưởng họ ký tên
Gia Phả Vũ Đình làng Tiên Xá
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Vũ Đình làng Tiên Xá.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Vũ Đình làng Tiên Xá
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.