Từ thuở xa xưa, vùng Tó hay còn gọi là kẻ Tó - Tức làng Tả Thanh Oai ngày nay là một rừng lau sậy hoang sơ. Theo cuốn " Lịch sử điển yếu điều lệ " được soạn bằng chữ hán năm 1794 ( Hiện được lưu giữ tại đình làng Hoa Xá), lúc đầu chỉ có một số người đến sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất giao nhau giữa con sông Tô chẩy ra từ nội thành Thăng Long và con sông Nhuệ nơi đó là khu vực chợ Tổ thị nay là chợ Tó.( khu vực chợ Tó hiện nay).
Làng Tả Thanh Oai có đình làng Hoa Xá thờ vua Lê Đại Hành ( tức vua Lê Hoàn, và được tôn làm Thành Hoàng Làng ) và Bà chúa Hến ( tức vợ vua lê Đại Hành, là người làng Tó, bà được tôn làm Đô Hồ Phu nhân). Đình làng Hoa Xá và Minh Ngự Lâu được nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hoá, Phía trước đình làng có bến sông, sưa kia có bến đò ngang, có chợ họp đông đúc hai bên Tả và Hữu sông. Mấy thế kỷ trước làng còn có con đường mang tên "Thiên Lý Tây Đạo" còn được gọi là đường "Ai lao tiến tượng" xuyên qua làng dành cho nước Ai Lao hàng năm đưa voi tiến cống Vua nước Đại Việt ở Kinh đô Thăng Long.
Tuy chỉ là một làng thuần nông, nhưng trong các triều đại phong kiến, làng Tả Thanh Oai có đến 12 vị đỗ Tiến sỹ ( trong đó họ Nguyễn có 3 tiến sỹ), cùng nhiều người đỗ đạt các chức vị như Hương cống, Cử nhân và Tú tài. Vì thế làng Tả Thanh Oai trở thành một trong những làng khoa bảng nổi tiếng của đất Thăng Long - Hà nội nghìn năm văn hiến.
Cùng với sự phát triển của đất nước, làng Tả Thanh Oai đã có nhiều thay đổi. từ cuối triều Lê đến đầu triều Nguyễn, làng thuộc tổng Tả Thanh Oai, huyên Thanh Oai, phủ Ứng Thiên ( Sau đổi thành Ứng Hoà), Trấn sơn nan thượng (năm 1831 đổi thành tỉnh Hà nội; năm 1888 thuộc tỉnh Cầu Đơ và đổi thành tỉnh Hà Đông vào năm 1904). Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 , Tả Thanh Oai là một làng (cũng là xã ) độc lập. đến tháng 2 năm 1949, làng Tả Thanh Oai sáp nhập với làng Siêu Quần, Thượng Phúc, Nhân Hoà thành xã Đại Thanh thuộc huyện Liên Nam, tỉnh Hà Đông. Năm 1965 đổi tên thành xã Tả Thanh Oai thuộc huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây ( có một thời gian thuộc huyện Thường Tín tỉnh Hà tây) Đầu năm 1979 đến nay xã Tả Thanh Oai thuộc huyện Thanh Trì, Thành phố Hà nội.
Chính trên mảnh đất mạch Rồng, uốn lượn quanh co như dải lụa, Thuỷ Tổ của dòng họ Nguyễn Đức chúng ta đã cùng với các dòng họ khác trong làng đã cùng góp công xây dựng nên làng, xã Tả Thanh Oai ngày càng tấp nập và trù phú. Cái tên Làng, xã Tả Thanh Oai đã trở thành nơi chôn rau cắt rốn của rất nhiều thế hệ trong dòng họ Nguyễn Đức.
Cũng như cây có trăm cành vạn lá là nhờ có gốc rế cội nguồn, Sông có dòng chẩy lớn đổ ra biển rộng cũng bởi có nhiều dòng suối nhỏ tạo thành. Người ta sinh ra trong đời ai mà không có Quê hương bản quán, không có Tổ Tiên gốc rễ. Nếu quên mất cội nguồn, không biết tông tích dòng họ, thì như cây mất gốc, như nước mất nguồn, như chim không có tổ.
Bởi thế, từng gia đình và mỗi cá nhân con cháu trong dòng họ Nguyễn Đức chúng ta dù có đi đâu về đâu, dù có đang sinh cơ lập nghiệp ở những miền quê nào vẫn phải luôn nhớ về làng quê Kẻ Tó - Tả Thanh Oai, nơi cội nguồn của dòng tộc mình, của gia đình mình đang ở đó.
Cuộc sống ngày càng phát triển, con cháu dòng họ Nguyễn Đức ngày càng đông đúc và toả đi khắp các vùng miền của đất nước, cả ở nước ngoài. Song mỗi gia đình phải luôn trân trọng và giữ gìn truyền thống của dòng họ, cần giữ vẹn nguyên tên họ Nguyễn Đức, để cho sự nối truyền dòng họ được mãi mãi.
Như thường lệ mỗi năm độ xuân về sau tết Nguyên đán vào ngày 10 tháng giêng âm lịch các Cụ, các Ông, các Bà cùng toàn thể con cháu trong dòng họ Nguyễn Đức thuộc làng, xã Tả Thanh Oai lại họp mặt tại nhà ông Trưởng Tộc để dâng hương Kính lễ với Tổ Tiên và xin phúc lộc cho muôn nhà trong họ tộc. Những gia đình hoặc con cháu ở xa không có điều kiện về quê vào dịp này, cũng luôn thành kính và tưởng nhớ đến Tổ Tiên.
Để nối tiếp những trang Tộc phả của dòng họ Nguyễn Đức mà các thế hệ trước đã ghi lại, Xuân này, mỗi gia đình vui mừng đón nhận quyển Tộc phả mới với niềm tự hào về dòng họ.Thông qua Tộc phả, mỗi người trong họ hiểu rõ hơn về quê hương, về cội nguồn dòng tộc và các mối quan hệ họ hàng thân thuộc.
Nhằm thuận lợi cho việc tra cứu, nội dung Tộc phả sẽ gồm hai phần: Phần sơ đồ và phần diễn giải vắn tắt từng đời và từng gia đình, từng cá nhân.
Phần sơ đồ Tộc phả: Có sơ đồ chung, có cho xem chi tiết từng thành viên, xem về Tổ tiên và xem về Hậu duệ.
Phần diễn giải về tộc phả: Căn cứ vào nghị quyết của dòng họ, Tộc phả chỉ ghi chép những nội dung chính về từng đời, từng gia đình (Kể cả nữ đã xuất giá nếu có đầy đủ tư liệu ).
Nguyên tắc chung về diễn giải tộc phả:
Đời thứ thứ: 4 sẽ phân thành Tổ chi
Đời thứ thứ: 5 sẽ phân thành Chi cành
Đời thứ thứ: 6 sẽ phân thành Nhánh
Đời thứ thứ: 7 sẽ phân thành Ngành
Trình diễn Tộc phả: Chi trên trước, chi dưới sau
Ngôi thứ trong từng gia đình: Trưởng trước, thứ sau.
Do điều kiện khách quan và chủ quan chi phối, vì vậy việc cung cấp. sưu tầm tư liệu và biên soạn Tộc phả không tránh khỏi những thiếu sót. Chúng tôi kính mong các bậc cao niên cùng con cháu trong họ Nguyễn Đức góp ý kiến và tiếp tục sưu tầm, cung cấp những tư liêu quý, bổ sung vào nội dung còn thiếu, để khi có điều kiện tái bản quyển tộc phả sẽ đáp ứng được tốt hơn nguyện vọng của các gia đình trong dòng tộc.
Hà nội, ngày 10 tháng giêng năm 2009
Hội đồng biên soạn Tộc Phả
Anh: Nguyễn Đức Toản ( Trưởng Tộc )
Ông: Nguyễn Đức Kiệm
Ông : Nguyễn Đức Bình
Ông : Nguyễn Đức Cơ
Ông : Nguyễn Đức Điệp
Ông : Nguyễn Đức Luyện
Ông : Nguyễn Đức Phúc
Ông : Nguyễn Đức Chung
Anh: Nguyễn Đức Học
Ông : Nguyễn Đức Định
Anh: Nguyễn Đức Thắng
Liên hệ và đưa thông tin Tộc phả lên trang: http://www.vietnamgiapha.com
Anh: Nguyễn Đức Lợi (tức Nguyễn Đức Chí Bách)