GIA

PHẢ

TỘC


Tộc
Gia phả  Phả ký  Thủy tổ  Phả hệ phả đồ  Tộc Ước  Hương hỏa  Hình ảnh 
VIẾT VỀ GIA SỬ CỦA DÒNG HỌ
Cổ nhân dạy :
"Cây có gốc mới trổ cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta nguốn gốc từ đâu
Tổ tiên có trước rồi sau có mình"

Cũng nên :
Xem văn hay mà chuộng đức trung thuần
Xét tế tự mà truy nguồn tìm ngọn.

Vì thế, theo đạo hiếu phải thờ phụng tổ tiên và truy nguồn gốc tích. Mỗi Tộc, mỗi Họ đều có gia sử (phả ký) riêng và được gìn giữ như báu vật. Tháng trước tôi đến nhà Chú Tám Hưỡn chơi và tìm thấy cuốn “Sử Họ Lê ở ấp Quang Đông” được viết bởi nhóm nghiên cứu sử tộc gồm 10 vị : Lê Đức Liềm, Lê Đức Ngưng, Lê Đức Sa, Lê Đức Chánh, Lê Toản, Lê Tăng Mính, Lê Mẫn, Lê Đức Tường. Biên tập : Lê Mẫn, Lê Đức Liềm. Ấn loát : Lê Ngọc Liễn. Sách in năm 1985, gồm 29 trang luôn bìa, in giấy rạ đen, bìa sách đã phai màu thời gian.

Giữa thời thông tin ngồn ngộn, sách báo mới xuất bản hằng ngày, thông tin mạng tràn lan cập nhật hằng giờ thì việc nhìn thấy cuốn sử gia bìa đen, in trên giấy rạ cũ xì, ố màu thời gian khiến tôi vui mừng khôn tả. Nay xin đánh lại nguyên văn cuốn sử gia này để bà con gần xa trong Họ Lê đọc và tìm hiểu thêm. Sẽ có nhiều chỉnh sửa lại bởi theo thời gian, nhiều chuyển biến lịch sử mà những vấn đề chạm phải trong sách không còn phù hợp.

۩


GIA SỬ HỌ LÊ Ở ẤP QUANG ĐÔNG

LỜI MỞ ĐẦU

Cây có cội nước có nguồn, bất cứ ai ai cũng có Ông Bà Tổ Tiên, ai cũng muốn biết nguồn gốc của gia đình mình, Tộc họ mình để chiêm ngưỡng suy tôn, để học hỏi kế thừa những tinh hoa trong quá trình học tập, sáng tạo của Ông Cha. Chọn lọc những cái không phù hợp, bổ sung cho cuộc sống hằng ngày càng văn minh tiến bộ hơn.

Ngày nay, việc nghiên cứu lịch sử trở thành một môn khoa học, nằm trong phạm trù khoa học xã hội mà hàng triệu người trên thế giới hằng quan tâm.

Nước Việt Nam có lịch sử 4000 năm văn hiến. Nước Mỹ có lịch sử hơn 200 năm, còn việc nghiên cứu lịch sử của Tộc họ ta trong vòng 400 năm, kể từ cuối đời Hậu Lê. Qua hai triều đại phong kiến, qua 80 năm đô hộ thực dân Pháp, hơn 40 năm từ khi cách mạng tháng tám đến nay. Khi mà từ một Ông Cao Tổ qua 14 đời sinh hạ đến nay có hơn 2.000 con cháu ở rải rác khắp nơi.

Như vậy việc nghiên cứu Tộc Sử là việc khó khăn, quan trọng biết dường nào.

Các tài liệu tham khảo đối chiếu thì ít ỏi, trình độ nhận thức có hạn nhưng nếu chần chờ do dự thì việc đi vào lãng quên mai một ngày sau con cháu khó tìm.

Nên tập sử này được viết ra mong rằng con cháu kế tiếp bổ sung để cho tộc sử ngày càng chính xác và súc tích hơn.


۩

BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Cuối đời Hậu Lê vào năm 1527, nước Việt Nam bị loạn phong kiến, triều đình suy đồi, quan lại bất chính, khiến nhân dân oán than bất bình, giặc giã nổi lên cướp phá khắp nơi. Ngoài Bắc thì Mạc Đăng Dung xưng Vương tập hợp binh lính chống lại nhà Lê. Vua nhà Lê thua bỏ chạy vào vùng Nghệ An, Thanh Hóa lập căn cứ chống lại nhà Mạc. Về sau nhà Mạc thua nhưng cuộc nổi loạn ấy qua ba đời con cháu nhà Mạc, đến năm 1592 mới dẹp yên.

Phía nam thì giặc Chiêm Thành thường hay quấy nhiễu đất Thuận Hóa (tức Huế ngày nay). Trong triều, họ Trịnh nắm lấy chính quyền bính áp Vua Lê. Họ Trịnh lập ra phủ Chúa bên cạnh Vua Lê.

Nguyễn Hoàng là dòng dõi công thần nhà Lê, là em vợ Chúa Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm mưu giết Nguyễn Hoàng để dễ bề tiếm vị vua Lê. Nguyễn Hoàng biết được âm mưu đó nên nhờ chị xin Chúa Trịnh Kiểm vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Trịnh Kiểm muốn lợi dụng giặc Chiêm Thành để giết Nguyễn Hòang nên ưng thuận.

Nguyễn Hoàng có cơ mưu kín đáo xây dựng căn cứ chống lại Chúa Trịnh. Cuộc xung đột Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài từ 1627 – 1672 nhưng không phân thắng bại phải lấy song Gianh làm giới tuyến. Từ song Gianh trở ra Bắc gọi là đàng ngoài thuộc Chúa Trịnh, từ sông Gianh trở vào gọi là đàng trong thuộc Chúa Nguyễn.

Vùng đất từ Nghệ an trở ra Lê – Mạc đánh nhau nhân dân chết chóc, phu phen tạp dịch, quan lại tham ô bức sách dân chúng. Sau năm 1559, Nghệ An bị lụt lớn, mùa màng mất trắng, dân chúng cơ cực muôn phần.

Nguyễn Hòang vào trấn đất Thuận Hóa chiêu mộ dân chúng xây dựng làng ấp có phần an ninh, trù phú hơn.

Thuở ấy có câu :
“Đất Nam dễ ở khó về
Trai đi có vợ, gái về có con”
Cho nên dân chúng dần dần đi vào sinh sống.

Năm 1609, Nguyễn Hoàng đem quân đánh Chiêm Thành lập ra trấn Phú Yên đặt ra 3 phủ : Phủ Thăng-Hoa, Phủ Hòai Nhơn và Phủ Tư-Nghĩa. Phủ Thăng-Hoa có 3 Huyện :
- Lê-Giang
- Ha-Đông
- Hy-Giang
Phủ Hoài Nhơn có 3 Huyện :
- Bồng Sơn
- Phù Ly
- Tuy-Viễn
Phủ Tư Nghĩa có 3 Huyện :
- Bình Sơn
- Mộ Hóa
- Nghĩa Giang

Địa giới Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, Nam giáp núi Đèo Cả, Đông giáp biển Đông, Tây giáp địa hình hoang dã của dãy Trường Sơn. Riêng vùng đất từ núi Cù Mông đến chân núi Đèo Cả do Tham Tướng Quận Công Lương Văn Chánh có công đánh chiếm Chiêm Thành lấy được Thành Hồ (thuộc xã An Nghiệp), về sau ông lập nghiệp ở Tuy Hòa, hiện nay còn con cháu ở đấy.

Năm 1611, Chiêm Thành đem quân đánh phá trấn Phú Yên, Nguyễn Hòang sai tướng Hùng-Lộc đem quân đánh dẹp lập them hai huyện là huyện Đồng Xuân và huyện Tuyên Hóa thuộc trấn Phú Yên. Dẹp xong Giặc Chiêm Thành dân chúng dần dần đến ở lập nghiệp.


۩


HỌ LÊ NAM TIẾN THEO DÒNG LỊCH SỬ

Ông Cao Tổ họ Lê tên là LÊ ĐẠI LANG (theo tên chữ có lẽ là anh Cả) con ông là LÊ VĂN CẢNH. Ông CẢNH sinh ra ông LÊ VĂN SÓC quê ở Nghệ An Thừa Tuyên (Thừa Tuyên là đơn vị hành chính đặt ra trong thời vua LÊ HỒNG ĐỨC). Sau năm 1611, khi dẹp xong giặc Chiêm Thành, đi vào Nam tìm phương sinh sống vào trú ở Phủ Thăng Hoa (gia phả không nói ở Huyện nào và ở bao lâu) sau lại vào trú ngụ ở thôn Hành Lâm (tức Phú Lâm, thuộc Huyện Tuy Hòa) để khai khẩn đất đai. Vùng đất khai phá ở phía nam thôn Hành Lâm trước đây là đất Chiêm Thành phần nhiều là rừng hoang cỏ rậm, cảnh vật hoang vu có nơi như thời thái cổ nên Ông Cao Tổ họ Lê quy tụ dân chúng cùng các Tộc họ khác mỗi người một hướng khai phá mở rộng diện tích canh tác.

Ấp Quang Đông là nơi rừng hoang trước đây chưa có người khai phá. Ông Cao Tổ Họ Lê là người khai phá đầu tiên. Theo đời Trương Khẩn lập bộ thời Vua Gia Long thì địa giới bốn hướng đều hoang nhàn thổ phủ. Đất đai tương đối phì nhiêu có nhiều ao đầm bầu lạch, tục danh còn truyền lại như : Bầu Bằng, Bầu Ấu, Rộc Sấu, Đồng Lê, Vũng Tàu, Ổ Vạt….. đều là những nơi có bàn tay của tiền nhân họ Lê khai phá.

Đời sau con cháu dần dần hoán viễn mãi cận, nên nghiệp chủ không còn nữa.


۩

KHÍ HẬU THIÊN NHIÊN

Ấp Quang Đông nằm giữa lưu vực của hai sông Bàn Thạch và sông Đà Rằng. Hiện nay còn nhiều dấu tích chứng tỏ thời xa xưa hai con sông này là một. Cho nên những năm lụt lớn như năm Giáp Tý, năm Mậu Dần thì Ấp Quang Đông chìm ngập trong biển nước của hai sông.

Từ năm 1930 trở về trước bãi cát từ Đông Tác xuống Phú – Lạc rừng cây bát ngát che phủ, tục gọi là rừng Ngang, cung cấp chất đốt cho nhân dân các miền lân cận và che chắn gió mùa Đông Bắc, hạn chế lượng nước mặn bay vào ruộng đồng.

Nhưng qua nhiều năm chặt phá, rừng rú thưa dần, đến khi Mỹ sang cho xe ủi phá làm sân bay Đông Tác, bây giờ rừng Ngang không còn nữa. Cho nên vụ lúa mùa tháng ba, khi lúa trổ gặp gió mùa Đông Bắc tràn về cánh đồng Ổ Vạt, Bầu Ấu thường bị ảnh hưởng nước mặn.

Dãy núi Đèo Cả nằm trong hệ Trường Sơn cây cối bạt ngàn, có nhiều loại gỗ quý như : Sơn, Gõ, Kiền Kiền…. là nơi quê hương của Trầm Kỳ. Từ khi tàu đại dương còn chạy bằng buồm đã là mặt hàng nổi tiếng, từng giao lưu với nhiều nước trên thế giới. Núi rừng cung cấp gỗ làm nhà, làm vật dụng. Dân các tỉnh Đàng Trong, Đàng Ngòai thường đến Bãi Con, Bãi Xép xẻ gỗ đóng thuyền tại chỗ. Có đến một phần ba dân số các xã gần miền núi sống về nghề sơn tràng lấy hương dược liệu. Trong tộc họ cũng có con cháu làm nghề đó.

Là nơi sinh cư của gần đủ các loại chim thú nhiệt đới, có các loài thú lớn như voi, nai, hổ, báo, heo rừng, trâu rừng, bò rừng….. Chúng thường sống từng đàn hoang dã, thường hay ở núi thấp, ven rừng gần xóm làng để dễ kiếm ăn. Có lúc cọp về đẻ ở các vườn hoang trong thôn xóm. Hươu nai mang hoảng ăn lẫn với trâu bò nhà, gà rừng ăn lẫn với gà nhà. Cọp thường về làng bắt người, bắt trâu bò gia súc, ở núi bắt nổi heo con còn theo mẹ, chim cu, cò vạt hàng đàn bay rợp trời phá hoại mùa màng.

Nhưng chim thú cũng là nguồn thức ăn đáng kể bổ xung cho cuộc sống thêm tươi. Đến những năm 1960, Mỹ cho máy bay rải chất độc hóa học, hủy diệt môi sinh, cây cối tàn lụi, chim thú chết chóc. Con nào còn sống không nơi sinh sống, tìm đi nơi khác, có loài gần như diệt chủng, môi sinh hủy diệt, hệ sinh thái mất cân bằng gây ra lũ lụt khô hạn, sâu bệnh ảnh hưởng đến mùa màng, khí hậu thời tiết.

۩

THÀNH LẬP LÀNG XÃ

Ông Lê Sóc vào cư trú ở Thôn Hành Lâm khá lâu nên ông và con cháu qua đời ở đây. Có 9 ngôi mộ chôn cất ở Thôn Hành Lâm mãi đến năm 1958 mới di tản về Gò Miễu, con ông Lê Sóc là ông Lê Đức Hiếu khai phá lập ấp đầu tiên đặt tên là ấp Quang Đông. Địa giới ấp Quang Đông phía Nam giáp bến Lớn sông Bàn Thạch, Tây giáp thôn Phú Lương, Đông giáp thôn Trường Thịnh và biển, Đông Bắc giáp thôn Hoành Lâm. Ấp Quang Đông có nghĩa là một vùng sáng rõ ở phía Nam thôn Hoành Lâm. Lấy chữ Đông của Ấp đặt thêm chữ Mỹ thành làng Đông Mỹ, lấy chữ Mỹ của làng đặt ra 3 ấp : Mỹ Quang, Mỹ Lộc, Mỹ Hòa. Địa giới của làng Đông Mỹ lúc ấy chính là địa giới của ấp Quang Đông ngày trước. Sau Cách mạng tháng tám, sáp nhập làng Đông Mỹ, làng Trường Thịnh, Hộ Cù Du thành xã Hòa Vinh. Ấp Mỹ Quang gọi là Thôn Nhất, ấp Mỹ Lộc là Thôn Nhì, ấp Mỹ Hòa chia làm hai, một phần sáp nhập vào Thôn Nhất, phần còn lại sáp nhập vào xã Hòa Hiệp.

Làng Đông Mỹ được thành lập nhưng đất rộng người thưa, kinh tế còn nghèo nàn. Giặc giã trộm cướp thường hay quấy nhiễu, nhà nào có nuôi trâu bò ban đêm phải đem giường chõng ra ngủ tại chuồng bò để canh giữ…. Thuở ấy giặc Hoành Khôi tức Lê Văn Hoành và Lê Văn Khôi cháu của tướng Lê Văn Duyệt thuộc thời Vua Gia Long nổi lên cướp phá các tỉnh phía Nam. Thừa cơ, có một bè đảng gian manh dùng vũ lực đến cướp phá làng Đông Mỹ. Biết mình yếu sức thế cô không đủ sức chống lại với địch, họ Lê cùng hiệp lực với họ Nguyễn ở Thôn Phú Lương, là con cháu của ông Nguyễn Hữu Duật người đồng hương với ông Cao Tổ họ Lê, cùng nhau chiến đấu chiến thắng bè đảng gian manh, bảo vệ được nhân dân làng xóm, lập ra công ích, lương bằng, xây dựng đền thờ miếu mạo, Xuân Kỳ Thu tế, dân làng yên ổn làm ăn.

Nhớ công ơn người sáng lập, thuở ấy có đặt ra hai vị để dân làng tưởng lệ : vị Tiền Hiền và vị Thổ Công.

Vì tình hòa hiệp, gia kết hương lân, lấy nghĩa nhơn làm trọng. Họ Lê nhường vị Tiền Hiền cho họ Nguyễn, họ Lê nhận vị Thổ Công (Gia phả họ Lê còn lưu khế ước).

۩

THÀNH LẬP CHI PHÁI

Ông Cao Tổ Lê Đại Lang sinh con là ông Lê Văn Cảnh, ông Cảnh sinh ra ông Lê Văn Sóc. Ông Sóc sinh ra ông Lê Văn Hiếu. Ông Hiếu sinh ra 4 người con, hai người lớn là gái, bà Lê Thị Xèng gã cho người họ Cao. Bà Lê Thị Hà gã cho người họ Phạm. Kế tiếp ông Lê Đức Thuận là anh sinh ra con cháu phái Nhất, ông Lê Tấn Tài là người em sinh ra con cháu phái Nhì. Ông Tài có một người con gái là bà Lê Thị Tiêu gã cho người họ Trần. Cả 3 ông rể họ Cao, họ Phạm, họ Trần đều ở theo quê vợ là những ông Cao của các tộc họ đó ở ấp Quang Đông. Cho nên họ Lê có bà con với các tộc họ đó là như vậy. Đất lành chim đậu, đời sau cũng có nhiều ông rể họ Lê ở theo quê vợ.

Ông Lê Đức Thuận có hai bà vợ, bà vợ chính là bà Nguyễn Thị Ngạnh sinh ra ông Lê Đức Thảo, bà vợ thứ là bà Lưu Thị Săng sinh ra ông Lê Văn Lai và ông Lê Văn Lung. Hai ông này thành lập phái Ba. Như vậy là phái Ba ở trong phái Nhất, tách ra sau phái Nhất, phái Nhì một đời.
- Trưởng phái Nhất ông Lê Đức Thuận
- Trưởng phái Nhì là ông Lê Tấn Tài
- Trưởng phái Ba là ông Lê Văn Lai và ông Lê Văn Lung.
-

THÀNH LẬP CHI :

Ông Lê Đức Thuận trưởng phái Nhất sinh ra ông Lê Đức Thảo, ông Lê Đức Thảo có 6 người con trai thành lập 6 chi :
- Ông Lê Đức Đạt trưởng chi Nhất phái Nhất
- Ông Lê Đức Huệ trưởng chi Nhì phái Nhất
- Ông Lê Đức Tư trưởng chi Ba phái Nhất
- Ông Lê Ngọc Ngoạn trưởng chi Bốn phái Nhất
- Ông Lê Đức Đệ trưởng chi Năm phái Nhất
- Ông Lê Đức Đăng trưởng chi Sáu phái Nhất.

Ông Lê Tấn Tài trưởng phái Nhì sinh ra ông Lê Tấn Quyền. Ông Quyền có hai người con trai thành lập hai chi :
- Ông Lê Tấn Ngữ trưởng chi Nhất phái Nhì
- Ông Lê Tấn Chánh trưởng chi Nhì phái Nhì

Ông Lê Văn Lai có ba người con trai thành lập ba chi:
- Ông Lê Tấn Hiệu trưởng chi Nhất phái Ba
- Ông Lê Tấn Dị trưởng chi Nhì phái Ba
- Ông Lê Tấn Dinh trưởng chi Ba phái Ba.

Ông Lê Văn Lung sinh ra hai người con trai thành lập thêm hai chi thuộc phái Ba:
- Ông Lê Tấn Sầm trưởng chi Bốn phái Ba
- Ông Lê Tấn Cường trưởng chi Năm phái Ba

Như vậy dòng họ Lê hiện nay có 3 phái, 13 chi:
- Phái Nhất có 6 chi
- Phái Nhì có 2 chi
- Phái Ba có 5 chi
Phái Nhất, phái Nhì thành lập thuộc đời thứ năm. Phái Ba thành lập thuộc đời thứ sáu. Còn các chi trong ba phái thành lập thuộc đời thứ bảy.

۩

KINH TẾ VÀ ĐỜI SỐNG

Dòng họ Lê ở ấp Quang Đông, qua nhiều đời chủ yếu là sống về nghề làm ruộng. Nơi rừng hoang cỏ rậm, đầu tiên khai phá sơn lâm chướng khí, ăn ở thiếu vệ sinh phòng bệnh, bị ốm đau sốt rét, phải chống chọi với trộm cướp hùm beo, rắn độc, đất đai khô hạn, ruộng đất chỉ làm nên mỗi năm một vụ theo mùa mưa. Nơi bằng phẳng làm lúa, nơi gò đống trồng bắp, khoai, mè, đỗ. Gặp năm mưa thuận gió hòa, mùa màng thu hoạch khá thì đời sống dễ chịu hơn. Gặp năm thiên tai hạn hán, mất mùa thì đời sống cơ cực. Trong nồi cơm thường ghé độn thêm bắp, khoai sắn, đỗ, có khi cả rau rừng, củ chuối. Chỉ có những nhà khá giả mới ăn cơm mùa.

Nền kinh tế tự cấp, tự túc, tái sản xuất giản đơn, trồng bông kéo sợi, nuôi tằm ươm tơ, tự làm ra cái mặc. Hai ba nhà có một khung cởi dệt bằng tay, đi làm lụng mặc quần áo cũ rách giật gấu vá vai vá quàng thay tay. Nơi hội hè đình đám mới mặc quần áo lành. Dùng lá chàm, vỏ chim chim, mui dẻ nhuộm nâu. Đàn bà chủ yếu màu đen, đàn ông màu trắng, hoặc nâu hay chàm. Cảnh khó nên niềm mong ước so sánh cũng giản đơn :
Nam Bình nhiều mía nhiều đường
Nhiều khoai môn ấp đầy sàng dễ bưng
Lại thêm một mớ rau dừng
Một tràng bông súng một chùm ấu gai

Một bộ quần áo dài bằng vải đen Ướt là mỗi ước mơ của cô gái đến tuổi lấy chồng.

Từ năm 1933 - 1930 trở về trước khi chưa có đập Đồng Cam thì các gia đình nghèo phải đi làm thuê, giặt mướn quanh năm ở những nơi có ruộng đất làm một năm hai vụ như : Đồng Nẩy, Đồng Cọ, Đồng Kè, Tu Bông, Vạn Giã…. Có người cặm cụi làm ăn đến chiều 30 Tết mới về nhà.

Trong thôn xóm còn lưu truyền một vài văn tế :
Nhớ linh xưa!
Cha tôi trồng đám dưa Bầu Ấu, trái nào xấu xấu đem về nấu canh, trái nào tốt lành đem ra chợ bán. Tháng năm khô hạn tát nước gầu giai, buổi ruổi đứt quai té nhằm mũi mác, cha thời thác sớm để mẹ mồ côi.
Phục dị thượng hưởng.

Bài văn tế cũng nói lên cuộc sống bần bạc, tính lao động cần cù, ăn tiêu tiết kiệm của người nông dân ấp Quang Đông thuở ấy.

Từ 1925 – 1920 trở về trước, nhà cửa hầu hết là nhà tranh vách đất. Trong làng chỉ có hai nhà lợp bằng ngói âm dương của người Hoa ở gần chợ Đông Mỹ. Nhà nào giàu có thể làm nhà gỗ, nhà mái lá. Thời ấy, xi măng sắt thép và vật liệu xây dựng vô cùng khan hiếm.

Từ khi có nước đập Đồng Cam về đồng, ruộng làm một năm hai vụ, mùa màng ít bị mất, đời sống dần dần được khá hơn. Bây giờ trong thôn xã hầu hết nhà lợp ngói, họa hoằn mới có một cái nhà tranh.

Xưa kia họ Lê có nhiều ruộng đất nhưng do mùa màng thường bị mất nên bán đọan đi nhiều. Khi chính phủ Việt Nam Dân Chủ Công Hòa thực hiện cải cách ruộng đất không có ai thuộc thành phần địa chủ nhưng hầu như không có ai thuộc thành phần cố nông.

Đến năm 1979, hợp tác xã nông nghiệp ra đời, ruộng đất trong họ đều đưa vào hợp tác, quyền sỡ hữu ruộng đất do nhà nước quản lý.

Thời gian đầu hợp tác xã còn ở bậc thấp, ai có ruộng đưa vào hợp tác thì hợp tác trả lúa lợi tức trên nguyên tắc : nếu hộ đó là xã viên hợp tác thì cứ trừ mỗi nhân khẩu một sào, còn thừa hợp tác trả lúa lợi tức. Nếu đưa ruộng vào hợp tác mà không phải là xã viên hợp tác thì số ruộng đó được hưởng lợi tức mà không trừ mỗi nhân khẩu một sào.

Ai cũng được nhận ruộng của hợp tác xã để làm tùy theo khả năng lao động của mình.

Hợp tác xã ăn chia theo công điểm lao động. Hộ nào có nhiều công lao động ăn chia khá, ít công lao động ăn chia ít. Có sức lao động mà không làm thì không được ăn chia. Người già yếu mất sức lao động gặp khó khăn, hợp tác bán lúa điều hòa nhưng thực tế không đủ ăn phải nhờ sự chi viện khác.

Những gia đình neo đơn, ốm đau, ít công lao động thì đời sống gặp khó khăn.

۩

PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

Dòng họ Lê qua các đời con cháu có di truyền thông minh, có truyền thống hiếu học. Thời kỳ Nho giáo không có trường công, ông bà họ Lê rước các thầy Nho có danh tiếng về dạy học cho con cháu như Thầy Nghĩa ở Nghệ An, thầy Hồ Luận, thầy Nguyễn Mộng Yên ở Quảng Nam đào tạo con cháu có kiến thức văn học Nho Giáo. Sau này còn rước thầy Cử, thầy Quýnh về dạy quốc Ngữ. Cho nên con cháu đa phần có đạo đức tốt, tính tình thuần hậu, có trình độ học vấn. Qua các thời đại con cháu đều tham gia giữ chức vụ chủ chốt trong làng xã, cấp Huyện, cấp Tỉnh, cấp Trung Ương hay xưa đến Cấn Hương, Tuần Trưởng, Lý Trưởng, Đại Hào Mục, Cai Tổng. Có người thi hương đậu Tú tài như ông Lê Doãn Cung tước phẩm triều đình Hàn lâm thị Dộc, ông Lê Tăng Sum cửu phẩm văn giai Hàn lâm dãi chiếu. Rất nhiều người được tặng thưởng các loại huân chương, huy chương kháng chiến, kiến quốc. Cuối đời vua Khải Định các trường chấm dứt việc giảng dạy chữ Nho, mở trường dạy chữ Quốc Ngữ. Người thầy giáo đầu tiên dạy chữ Quốc Ngữ ở trường làng Đông Mỹ là thầy Trần Chương quê ở xã Hòa Kiến, con cháu trong Họ có nhiều người theo học. Trước cách mạng tháng tám nền giáo dục rất hạn chế, ba bốn làng mới có một trường sơ cấp. Ở Huyện Tuy Hòa có một trường tiểu học tương đương với lớp năm bây giờ. Muốn học để thi Tú Tài phải ra Huế. Cả nước có một trường đại học gọi là Đông Dương Học Xá ở Bạch Mai - Hà Nội chung cho cả 3 nước Đông Dương.

Nhưng con cháu trong Họ có nhiều người theo học hết bậc tiểu học. Sau Cách mạng tháng tám chính phủ mở mang việc học hành, con cháu dễ dàng học hết lớp 12 tương đương với Tú Tài ngày trước. Bây giờ, trong xã cũng có trường Cấp III, một số con cháu học đại học tốt nghiệp kỹ sư, bác sĩ.

۩

PHONG TỤC TẬP QUÁN

Ông bà họ Lê trước đây ảnh hưởng nếp sống Nho giáo. Trong gia đình và ngòai xã hội lấy “tam cương ngũ thường” để đối xử.

Đạo Phật có ảnh hưởng trong mọi nhà, nhà nào cũng có lập Trang, khám thờ Phật, bàn thờ tổ tiên, lấy ngày quá cố làm ngày kỷ niệm cúng giỗ người thân.

Họ Lê có hai ngày kỷ niệm lớn, ngày 20 tháng chạp âm lịch gọi là ngày lạp, con cháu tụ tập đi tảo mộ phần tổ tiên. Ngày 16 tháng giêng âm lịch là ngày cúng lệ tiên linh kỷ niệm ông Cao Tổ, con cháu nội ngoại tụ tập tại nhà lưu niệm để làm lễ kỷ niệm.

Hôn nhân : theo lễ giáo cổ truyền, bên nhà trai nhờ mai mối đến nhà gái cầu hôn, nếu hai nhà đồng ý thì việc cưới xin theo sáu lễ : sơ giao, vấn danh, vấn tài, nạp tệ, thân nghinh và…..Trai gái không được quyền tự do lựa chọn vợ chồng. Ngày nay, luật hôn nhân ra đời, trai gái được quyền lựa chọn vợ chồng và quyết định là chính. Dùng chén rượu, miếng trầu trong nghi lễ và giao tiếp xã hội. Dòng họ Lê không say rượu.

Tang ma : người quá cố, xóm làng đến nhà phúng điếu chia ai. Cũng tùy từng người, từng gia đình mà tang lễ tổ chức có khác nhau. Nhưng tang chế đều theo ngũ phục “cổ lễ thọ Mai” Trảm thôi, Tư thôi, Đại công, Tiểu công, Tư ma.

Mê tín dị đoan : trong tộc họ cũng ảnh hưởng mê tín dị đoan của người xưa, tư tưởng bái vật giáo, thần quyền, tà ma quỹ mỵ….. Ốm đau rước thầy phù thủy, đồng bóng…

Từ khi Cách mạng tháng tám đến nay, xã hội có nhiều thay đổi. Học thuyết Mac – Lênin dần dần đi vào đời sống của quần chúng. Con cháu có nhiều người trở thành Đảng viên, Đoàn viên cộng sản. Có hai luồng tư tưởng giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật, giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu đang được chọn lọc kế thừa những cái hay cái đúng, gạt bỏ những cái không phù hợp.

Cái mới, cái tiến bộ ra đời ngày càng phát triển nhưng chưa đủ mạnh. Cái cũ, cái lạc hậu ngày càng mất đi nhưng còn dai dẳng, lắng sâu trong tiềm thức.

Phong tục, tập quán có nhiều thay đổi khác xưa. Ma chay, cưới xin cũng đơn giản hơn nhiều. Chính phủ cấm mê tín dị đoan nên mê tín dị đoan cũng giảm đi nhiều.

۩

LẬP NHÀ LƯU NIỆM

Trong họ có lập phổ ý từ Ông Cao Tổ trở xuống qua các đời con cháu kế tiếp phụ lục. Chọn người cao tuổi xứng đáng trong họ để đặt nơi Hương Yên Thờ Phụng. Cho nên phổ ý cũng không để cố định ở nhà nào.

Năm 1963 (năm Quý Mão) toàn tộc quyết định trích một phần ruộng hương hỏa của phái Nhất bán lấy tiền xây dựng nhà lưu niệm của họ để thờ phụng tổ tiên.

Nhà lưu niệm xây cất trên khoảng đất một sào của ông bà để lại, nhà có ba gian, lợp ngói, xây mặt hướng về Đông, địa điểm tại thôn Nhất xã Hòa Vinh.

Xác định rằng nhà lưu niệm văn hóa của tộc là nơi thờ phụng tổ tiên, là nơi tụ họp con cháu nội ngoại xa gần. Hằng năm đến ngày cúng lệ về hội họp để tưởng niệm tiên linh.

Lễ vật cúng tế không có nghĩa để ông bà hưởng mà lễ vật hương hoa dâng lên để tưởng nhớ tiên linh hôm nay cùng có mặt với con cháu, cùng sinh họat như lúc sinh thời. Sau đó con cháu ăn bữa cơm đòan kết, thăm hỏi nhau những việc riêng tư trong những ngày xa cách, chúc sức khỏe lẫn nhau trong năm mới yên lành.

Đó là ngày sinh họat văn hóa của tộc họ. Năm 1978 (ngày 10 tháng 5 năm Mậu Ngọ) toàn tộc bầu ra San Định Tôn Đồ gồm 9 người : Ông Lê Tăng Sum, ông Lê Đức Liềm, ông Lê Đức Ngưng, ông Lê Quý, ông Lê Đức Hạnh, ông Lê Tăng Mính, ông Lê Để. Qua 4 tháng sưu tầm tra cứu một cách nghiêm túc các di bản của ông bà để lại bằng chữ Hán dịch ra chữ Quốc Ngữ của San Định Tôn Đồ từ ông Cao tổ trở xuống qua 12 đời sinh hạ. Ngày nay, con cháu dễ dàng tìm hiểu nguồn gốc của mình và biết được mối quan hệ giữa các chi phái trong họ.

Bầu ra hội đồng quản trị và hội đồng tư vấn để lo liệu các ngày kỷ niệm, lạp lệ hằng năm, thay mặt cho họ để viếng thăm giúp đỡ những người gặp khó khăn, ốm đau, quá cố… hoặc hòa giải những vụ việc bất đồng trong tộc họ.

۩


Trong thế chiến lần thứ hai và những năm 1942 đến năm 1944, phát xít Đức đã đánh chiếm các nước Đông Âu, Tây Âu và mở rộng chiến tranh sang Liên Xô. Tại Châu Á, Nhật đã chiếm xong Trung Quốc và kéo quân tràn xuống các nước Đông Nam Á. Quân Pháp nhu nhược, chỉ trong một đêm quân Nhật lấy hết các đồn bót của Pháp ở Việt Nam. Nước Việt Nam rơi vào tay phát xít Nhật. Nhật vơ vét tài nguyên các vùng mới chiếm được đưa về nước. Ở Việt Nam, Nhật cướp lúa gạo, than đá, cao su…. bắt dân phá lúa, trồng đay, trồng đỗ gây ra nạn đói 2 triệu người ở Miền Bắc trước Cách mạng tháng tám.

Làng Đông Mỹ nằm theo trục lộ số 1, giặc Nhật hành quân đem lừa, ngựa cướp phá, bắt phu, hống hách đánh đập dân chúng, tới nhà dân dọn bàn thờ làm ván, nằm phóng uế bừa bãi dơ dáy xóm làng.

Sau khi hồng quân Liên Xô cùng với quân đồng minh tiến đến BerLin, phát xít Đức đầu hàng. Liên xô đưa một cánh quân chuyển sang phía đông tiêu diệt đạo quân Quang Đông của Nhật. Tiếp đó, Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagazaky. Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Tháng 8 năm 1945, thời cơ thuận tiện Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo tòan dân tổng khởi nghĩa cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật, trước khi quân Đồng Minh vào giải giáp quân đội Nhật.

Tháng 8 năm 1945, Đảng Cộng Sản Việt Nam đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa cướp chính quyền, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, lập nên nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhưng thực chất là vô sản chuyên chính.

Đầu năm 1945, một số tù ở nhà lao vượt ngục, có số được thả ra. Trong đó có ông San và ông Hồng về tỉnh Phú Yên phối hợp cùng với một số cán bộ được Trung Ương cử về tổ chức lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa.

Mặt trận Việt Minh ra đời. Trong họ tộc đều tham gia hưởng ứng cuộc tổng khởi nghĩa, tham gia vào các tổ chức phụ lão cứu quốc, nông dân cứu quốc, thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc. Những người trong họ trước nay có tham gia chính quyền cũ nay cũng tham gia hưởng ứng tích cực như ông Lê Trạch, Lê Ngọc Trác, Lê Đơn, Lê Nghệ, Lê Dương, Lê Tồn, Lê Tăng Sum.

Được giác ngộ cách mạng, sau này có người trở thành cán bộ đảng viên cộng sản giữ các chức vụ chủ chốt ở địa phương như ông Lê Trạch, Lê Ngọc Trác, Lê Tăng Sum. Số thanh niên tham gia ở cấp xã, cấp huyện như ông Lê Ngọc Diêu, Lê Bút, Lê Đức Liềm, Lê Toản, Lê Liễn, Lê Đức Tường.

Trong họ có ông Lê Liên tức Lê Văn Hiền, một trong số người lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa ở tỉnh Phú Yên, là người giác ngộ cách mạng sớm nhất trong tộc họ. Đại hội Trung Ương Đảng lần thứ IV, lần thứ V được bầu vào Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng cộng sản, nay giữ chức bí thư tỉnh Thuận Hải.

Độc lập chưa được bao lâu, chính quyền còn trong trứng nước, thực dân Pháp phản bội hiệp ước 6-3-1946 đem quân trở lại xâm chiếm Việt Nam một lần nữa.

Đầu 1947, mặt trận Đèo Cả bị vỡ, Pháp chiếm đóng núi Hiềm thuộc thôn Phú Khê xã Hòa Xuân uy hiếp chiến khu I, trực tiếp là các xã Hòa Vinh, Hòa Tân, Hòa Hiệp. Hằng ngày, chúng bắn ca - nông sang xã Hòa Vinh, Hòa Hiệp, tổ chức càn quét, bắt người tra tấn đánh đập, cướp phá của cải trâu bò heo gà, hãm hiếp phụ nữ, cho máy bay oanh tạc đốt phá nhà cửa của Tộc Họ.

Nước Pháp bị kiệt quệ trong thế chiến thứ 2, giặc Pháp chủ trương đánh mạnh thắng mau, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt. Để đối phó với âm mưu của giặc, chính phủ thực hiện trường kỳ kháng chiến, tòan dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, tiêu thổ kháng chiến, giặc đến thì vườn không nhà trống, phá hoại đường xá, cầu cống, lập chướng ngại vật ngăn chặn lưu thông.

Đường quốc lộ 1 từ Đông Mỹ ra Phú Lâm bị nhân dân phá hoại mặt đường sâu hơn mặt ruộng, mùa mưa đi lại bằng ghe, sỏng.

Năm 1952, Pháp thua dần ở các chiến trường, Pháp cho ném bom phá đập Đồng Cam, mùa lúa tháng tám bị mất trắng, gây ra nạn đói trầm trọng ảnh hưởng trong toàn tỉnh Phú Yên.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài trong chín năm và kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ. Pháp thua buộc phải ký hiệp định Giơ – ne – vơ. Đất nước tạm chia làm hai miền, từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc do chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa quản lý, từ vĩ tuyến 17 trở vào do chính phủ Cộng Hòa Miền Nam quản lý. Quân đội Pháp ở lại Miền Nam, sau hai năm sẽ rút hết quân về nước. Chính phủ hai miền sẽ hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng hiệp định không thực hiện được.

Tháng 5 năm 1955, khi lực lượng hai bên đã tập kết xong, chính phủ Ngô Đình Diệm thi hành chính sách chống cộng, tố cộng, ly khai cách mạng, trả thù những người kháng chiến cũ. Nhà tù mọc lên khắp nơi. Ở thôn Nhất có 200 nóc nhà, nhà chức trách lấy một nhà của họ Cao, một nhà của người họ Trần làm hai nhà giam tra tấn, đánh đập người. Nhiều hình thức tra tấn khổ nhục vô cùng tàn bạo, có người bị thủ tiêu mất tích. Các đảng Đại Việt, Quốc Dân Đảng, Cần Lao Nhân Vị, Thiên Chúa giáo hoạt động mạnh. Nhà thờ Đông Mỹ xây lô cốt, có lính gác, các cha cố đạo tham gia hoạt động chính trị, có quyền thế sắp xếp bộ máy hành chính các cấp. Chính quyền dồn dân lập ấp chiến lược, các xã Hòa Tân, Hòa Thịnh, Hòa Phong dồn về ở theo trục lộ số 1 và ở thị trấn Phú Lâm, có nhiều người chạy đi các tỉnh khác. Những xã này xưa kia đông dân trù phú thì nay ruộng đồng bỏ hoang, làng xóm xơ xác, tiêu điều và biến thành vành đai trắng.

Thôn Nhất, thôn Nhì rào thành một ấp chiến lược Đông Mỹ. Ở thôn Nhất chỉ chừa 4 cổng ra vào để nhân dân đi lại làm ăn, có dân vệ canh gác. Sáng 7 giờ mở cổng, chiều 5 giờ đóng cổng. Ban đêm đi lại trong ấp phải cầm đèn, không được tụ tập quá hai người, tổ chức “thập gia liên bảo”, nhà nào cũng có mỏ, khi có người ở căn cứ về thì đánh mỏ báo động.

Gia đình có người lên căn cứ Cách Mạng, có người làm việc cho Chính Phủ Miền Nam. Mật vụ, chỉ điểm cài trong nhân dân. Người làm cho Chính Phủ Miền Nam thì ban đêm sợ người căn cứ về bắt. Gia đình nào có người tham gia phía Cách Mạng thì sợ Quốc Gia bắt. Trong nhân dân nơm nớp lo sợ, nghi ngờ lẫn nhau.

Họ Lê có nhiều người tham gia Cách Mạng thì nay cũng bị khủng bố nặng nề hơn. Thanh niên, trai trẻ trong họ một số tập kết ra Bắc, số lớn ở lại Miền Nam. Qua các cuộc khủng bố bắt quân dịch thi hành luật 10 – 1959, một số chạy lên căn cứ Cách Mạng như ông Lê Đức Liềm, Lê Đức Bân, Lê Đức Tường, Lê Xuân, Lê Khi, Lê Kim, Lê Quang, Lê Đời, Lê Lung, Lê Ngọc Diêu, Lê Thị Liếng, Lê Chánh, Lê Đậm, Lê Sinh, Lê Tỏan, Lê Kiểm, Lê Văn Tỵ, Lê Văn Hòa, Lê Thị Cẩm, một số bỏ đi nơi khác như ông Lê Ngọc Liễn, Lê Ngọc Anh, Lê Đức Hưỡn vào ở Sài Gòn, một số ít bị bắt đi quân dịch hay làm việc ở thôn ấp cho chính phủ Miền Nam. Tháng 11-1963, chính phủ Ngô Đình Diệm bị đổ, ấp chiến lược cũng không còn nữa.

Mỹ leo thang chiến tranh phá họai Miền Bắc, càn quét, đánh phá Miền Nam, gây ra nhiều vụ thảm sát. Mật độ bom đạn tính theo đầu người Mỹ đánh phá ở Việt Nam cao hơn trong thế chiến lần thứ 2. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn 20 năm. Một bên là chính phủ Công Hòa Miền Nam có nửa triệu quân Mỹ và ba nước đưa quân tham chiến, một bên là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do Đảng Cộng Sản lãnh đạo được đa số tầng lớp nhân dân ủng hộ, nhưng cục diện chiến tranh ngày càng nghiêng về phía cách mạng.

Đến năm 1972 Mỹ thua, hiệp định Pari được ký kết, quân Mỹ và quân tham chiến ba nước rút về nước nhưng cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn. Đến tháng 4 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, chính phủ Miền Nam thất bại hoàn toàn, đất nước thống nhất trọn vẹn lập nên chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Qua ba cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, chống phát xít Nhật, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, sự hy sinh xương máu, hy sinh tình cảm, sự tổn thất của cải tài sản của Tộc Họ to lớn nặng nề.

Số người bị giặc giết :
 Ông Lê Lương đi phu cho Nhật, vác gạo ở bến đò đầu cầu sông Đà Rằng, vì sốt rét, vác gạo đi chậm nên lính Nhật đánh chết tại chỗ.
 Ông Lê Nhi đi chợ Phú Lương bị máy bay Pháp băn chết.

Số người tham gia cách mạng hy sinh :
 Ông Lê Thắng đi bộ đội hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
 Ông Lê Nghệ bị lính Công Hòa Miền Nam thủ tiêu mất tích.
 Ông Lê Ngọc Diêu, Lê Khi, Lê Xuân, Lê Kim, Lê Lung, Lê Văn Hòa, Lê Văn Ty, Lê Thị Cẩm… hoạt động ở căn cứ, hy sinh trong chiến đấu.
 Ông Lê Miền, Lê Hùng bộ đội hy sinh ở mặt trận miền Nam.
 Ông Lê Bút hoạt động bí mật bị lộ, địch bắt bắn chết ở cánh đồng Phước Lộc.
 Ông Lê Ngọc Tuấn hy sinh ở mặt trận Tây Nam(?)


۩

NHỮNG BÀI HỌC LỚN RÚT RA TRONG TỘC SỬ

BÀI HỌC THỨ NHẤT
Tính lao động cần cù, ăn tiêu tiết kiệm, tự lực cánh sinh, không tham lam ăn bám, bóc lột kẻ khác. Đời sống thanh đạm, giản dị là truyền thống lâu đời của tộc họ.

BÀI HỌC THỨ HAI
Có tinh thần đòan kết hiệp đồng trong Tộc Họ, trong bà con làng xóm, có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, anh dũng ngoan cường, kiên quyết chiến đấu, chiến thắng. Lập ra làng ấp, xây dựng và bảo vệ làng ấp, xứng đáng là con cháu Vua Hùng.

BÀI HỌC THỨ NHẤT
Có di truyền thông minh, có truyền thống hiếu học, qua các thời đại con cháu đều tham gia chấp chính ở các ngành, các cấp. Việc xử thế biết lấy lẽ phải làm nền, lấy nghĩa nhân làm trọng, cho


Nên không có ai là cường hào ác bá, Việt gian, phản động, có nợ máu với dân với nước, cũng không có ai sa đọa, thóai hóa trộm cướp du đãng.

۩

Gốc có mạnh thì cành xanh tươi. Hãy đòan kết nhân dân, đòan kết tộc họ, học tập những kinh nghiệm tinh hoa trong quá trình lao động sáng tạo của Cha Ông, viết tiếp những trang sử vàng của Tộc Họ

Bà con dù ở mọi miền
Nhớ ngày 16 tháng giêng mà về

Năm 1985


۩

BAN NGHIÊN CỨU TỘC SỬ
Lê Đức Liềm, Lê Đức Ngưng, Lê Đức Sa, Lê Đức Bân, Lê Để, Lê Đức Chánh, Lê Tỏan, Lê Tăng Mính, Lê Mẫn, Lê Đức Tường.

BIÊN TẬP
Lê Mẫn, Lê Đức Liềm

ẤN LOÁT
Lê Ngọc Liễn


Gia Phả Lê Tộc
 
     
Toàn bộ thông tin trong gia phả, là thuộc bản quyền của tộc Lê Tộc.
Mọi sự trích dẫn phải được phép của người quản lý đại diện cho tộc Lê Tộc
Mọi thiết kế, hình ảnh trong trang web này, là bản quyền của Việt Nam Gia Phả.