LỊCH SỬ DÒNG HỌ BẠCH CỦA VIỆT NAM .
I / QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH GIA PHẢ:
Vào tháng 10 năm 2002 tôi (Bạch Ngọc Hải sinh năm 1973, cháu đời thứ 12) sau lần về quê từ TP Hồ Chí Minh, dự đám tang bà nội tại thôn Mỹ Thịnh Bắc, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Tôi hỏi nội tôi về gia phả, nội đưa cho tôi xem 6 tờ giấy học trò cũ nác ghi tên họ khoảng 5 đời từ ông tổ ở Quảng Ngãi đổ xuống. Trong đó hết 5 tờ ghi từ đời thứ 6 đến thứ 11 của phái 3 mà thôi, nhưng rất lộn xộn, khó hiểu.
Nội nói : Trước đây, vào đời vua Tự Đức thứ 30 (1876) nhà thờ họ Bạch được tạo dựng khang trang tại làng Mỹ Thịnh, phủ Tư Nghĩa, tổng Nghĩa Điền, tỉnh Quảng Ngãi, gia phả cũng được viết vào năm này bằng chữ nho. Đến năm 1963 chiến tranh ác liệt xảy ra trên vùng quê Quảng Ngãi. Mọi gia đình phải chạy giặc ra khỏi vùng mất an ninh, làng mạc bị thiêu rụi. Trong khi đó cuốn gia phả được bác cả đời thứ 10 (anh trai của ông nội tôi) gởi cho nột người thông thạo chữ nho trong làng để phiên dịch sang chữ quốc ngữ, nhưng chỉ được vài trang đầu mà thôi .
Giữa lúc binh đao thân người còn giữ không nổi , nói chi đến việc gia phả với họ tộc, còn được vài trang là quý lắm rồi …
Ngày nay, đất nước thái bình, đi lại thông thương, khoa học phát triển, con người ngày một xích lại gần nhau hơn … Chúng ta khôi phục lại gia phả để phát huy truyền thống gia đình, họ tộc của ông bà ta trải qua bao thế kỷ là điều nên làm .
Để hình thành phả hệ đồ này, người có công rất lớn đi thu thập thông tin, lấy danh sách họ tên của từng gia đình con cháu của các chi trong tộc tại Quảng Ngãi, không ngại khó khăn đó là chú Bạch Ngọc thảo (đời thứ 11) ĐT: 0984 564 467, hiện đang sống và làm việc tại Quảng Ngãi .
Ngoài ra cuốn gia phả này được hình thành từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, chắc chắn còn nhiều sai sót . Rất mong sự hợp tác chỉnh sửa của các bà con thân hữu gần xa .
Liên hệ : Bạch Ngọc Hải ĐT: 0903 900 569
e-mail : hai_bn@bachhai.com
hoặc : Bạch Ngọc Thảo ĐT :0984 564 467
II / ĐI TÌM CỘI NGUỒN :
Nguồn gốc xa xưa của họ Bạch là từ người Bạch- người cổ xưa nhất của Trung Quốc , có gốc là người Nguyên Mưu , di cư từ tây Tạng xuống. Họ sống bằng nghề nông nghiệp quanh các vùng đất màu mỡ gần hồ Nhị Hải. Thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc ngày nay . Mổi bộ lạc là một vương quốc riêng, gọi là Chiếu .Những bộ tộc này tồn tại rất lâu đời , được nhắc đến rất nhiều vào thời vua Huyền Tông nhà Đường –Trung Quốc .
Lảnh thổ của người Bạch được hình thành từ năm 737 , do Bì la cáp hợp nhất được 6 chiếu thành vương quốc Nam Chiếu và phát triển rực rỡ ở đông nam Á trong các thế kỷ thứ 8 và thế kỷ thứ 9. đầu tiên là vào Miến Điện, sau đó là toàn bộ Vân Nam ngày nay, xuống phía bắc Lào và Thái Lan và sau đó về phía bắc tới Tứ Xuyên và cả một phần tây bắc Việt Nam ngày nay. Đến năm 902 triều đại Nam Chiếu bị lật đổ, và sau đó 3 triều đại kế tiếp nhau cho đến khi Đoàn Tư Bình lên nắm quyền năm 937 lập thành Đại Lý, tồn tại từ năm 937 cho đến năm 1253. Vương quốc này đã được cai trị kế tiếp nhau bởi 22 vị vua cho đến năm 1253 thì hoàn toàn tan rả bởi cuộc xâm lược của đế chế Mông Cổ dưới thời Mông Kha từ măm 1096 .
Hiện nay người Bạch là một trong 56 dân tộc được Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chính thức công nhận . Họ
sống chủ yếu ở các tỉnh Vân Nam (Đại Lý), Quý Châu và Hồ Nam.Dân số theo thống kê năm 2000 là 1.858.036 người .
Sau khi Đại Lý bị người Mông Cổ thôn tính,Một số người Bạch trốn tránh trong rừng sâu và di chuyển xuống phía nam và tây nam. Họ là thủy tổ của người Thái Lan ngày nay.Ngoài ra còn có một số người Bạch gia nhập vào đội quân Thành Các Tư Hãn- Mông cổ , tiếp tục trên con đường chinh phạt các nước châu âu vào những năm 1162-1227, tạo ra những chi họ Bạch ở châu Âu như Đức , Na uy …( Người anh em họ Bach ở Châu Âu được hãnh diện với một thiên tài âm nhạc bậc nhất thế giới người Đức tên Johann Sebastian Bach. )
Trong số người chạy loạn đó có một gia đình vượt đất Bắc tới trời Nam, phát tích lập cơ nghiệp ở thôn Động Sơn, xã Đông Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu (nay thuộc Yên Thành tỉnh Nghệ An ). Gia đình có hai người con trai , anh cả đặc tên là Bạch Lưu ( có nghĩa là người Bạch lưu vong tại Việt Nam). Nhưng trong một số sử sách viết là Bạch liêu. Còn người em thì không rõ tên, mất sớm , và họ Bạch đã có ở việt nam từ đây .
Với tư chất thông minh ông Bạch Liêu sau khi đổ trạng nguyên khoa thi tháng 3 năm Bính Dần, vào đời vua Trần Thánh Tông niên hiệu Thiệu Long thứ 9 (1266), cùng đổ trạng với ông là trạng nguyên Trần Cố. Nhưng ông không ra làm quan, về quê phụng dưỡng mẹ già. Trải qua hai cuộc chiến tranh chống quân Nguyên Mông, tuổi ông đã cao, ông về quê mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cứu dân và mất ngày 24 tháng giêng năm Ất Mão (1315) thọ 79 tuổi. Sau đó không thấy sử sách nào nhắc đến họ Bạch nữa .
Vào thời kỳ đầu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418) nghe nhắc đến một vị tên tự Chân Giác Tiên Công ở núi Yên Tử, là ông tổ 15 đời của dòng họ Bạch, thôn Thanh Đà Túc Hạ, xã Quỳ Trạch tổng Quỳ Trạch, Yên Thành .
Đến đời thứ 8 ( khoảng những năm 1614 ) có một chi từ Quỳ Trạch, Yên Thành tên tự Bạch Tiến Vĩ di cư tới xã Hoa Ổ, tổng Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, phủ Nghệ An ( nay thuộc xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An ).
Năm 1655-1657 chúa Hiền vương Nguyễn Phúc Tần sau nhiều lần vượt qua sông Gianh tấn công ra Bắc Hà, quân Nguyễn đã chiếm được 7 huyện của Nghệ An. Sau đợt tấn công đó, quân Nguyễn còn chiếm đóng đất Nghệ An thêm 5 năm nữa. Nhưng quân Trịnh vốn có ưu thế hơn về quân đông tướng nhiều, các tướng Nguyễn dù giỏi nhưng quân Nguyễn đánh xa nhà lâu ngày không đủ lực lượng tiếp ứng, không thể chống đỡ hết lớp này tới lớp khác viện binh của quân Trịnh. Thêm vào đó, Nguyễn Phúc Tần lại tin yêu Nguyễn Hữu Dật hơn Nguyễn Hữu Tiến nên các tướng sinh ra ganh ghét bất hoà. Năm 1660, quân Nguyễn cuối cùng bại trận, bị đẩy lùi khỏi Nghệ An và Bắc Bố Chính, rút về bờ nam sông Gianh. Từ đó, Trịnh - Nguyễn cầm cự nhau trong nhiều năm và tới năm 1672 thì đình chiến. Bắc – Nam bị chia cắt mãi đến đời Quang Trung (1786) .
Trong giai đoạn 1655-1657 khi nhà Nguyễn kéo quân vào Nam mang theo rất nhiều người dân ở Nghệ An, để vào khẩn hoang vùng đất phía nam Bình Sơn, Quảng Ngãi và Bình Định. Trong đó có ông Bạch Tiến Đức di cư vào thôn Chiêu Lộc , tổng Bình Thượng , huyện Bình Sơn Quảng Ngãi , kiến cơ lập ấp , sinh hạ 2 con Bạch Tiến Tường (có tổ miếu tại thôn Thọ Lộc ) .
Người em là Bạch Tiến An từ thôn Chiêu Lộc tới lập trại ở Mỹ Thịnh tổng Nghĩa Điền phủ Tư Nghĩa hiện có miếu đường phồn thịnh trang nghiêm- cẩn tự.
Có lời ca ngợi rằng: Thành sơn khương khương / Lam thủy dương dương
Bạch trạng văn chương / Kim thạch khanh thường
Bạch phổ môn đường / Lan quế phi phương
Sơn cao thủy trường / tự dận khấc xương
Nghĩa là : Núi thành xanh xanh / Sông lam mênh namg .
Văn chương Bạch trạng / vàng đá vang vang .
Môn đường Bạch phả / lan quế phi phương .
Núi cao song dài / dòng dõi hương xương .
Tổ miếu trước đây ở trại Mỹ Thịnh, phủ Tư Nghĩa có câu đối :
Tiền hữu trần triều trạng nguyên / sơn đỉnh xuân mai / Nam Việt mỹ danh hoa chủng tộc / Hiền như lạc thiên thi bá / Giang tâm thu nguyệt / Bắc đường thịnh sự trước đan thanh.
Nhưng sau 1963 tổ miếu bị chiến tranh tàn phá. Ngày giải phóng 1975 chỉ còn lại đống gạch vụn, con cháu đời thứ 10 và thứ 11 tạo dựng lại ( xem hình).
Khi phong trào Tây sơn nổ ra (1771), có rất nhiều người họ Bạch đi theo vua Quang Trung . Đến khi Tây Sơn thất thủ về tay Gia Long (1802) Họ Bạch trong toàn nước bị "tru di tam tộc ", nhiều người chuyển sang họ khác . Đến khi vua Minh Mạng lên ngôi thì án này mới hủy bỏ, họ Bạch trở lại làm ăn bình thường như bao họ khác . trong thời kỳ này người họ bạch có sự xáo trộn rất lớn, một số con cháu dòng họ Bạch, từng làm việc dưới thời Quang Trung phải chạy trốn vào nam, ra phía bắc, tránh sự truy sát trả thù của vua Gia long, tạo nên một số chi ở phía bắc như xã Nghĩa Lư, huyện Thanh Lâm, tỉnh Hải Dương …và nhiều chi trong phía nam khác nữa . Tuy chạy trốn nhưng không bao giờ đổi họ, vẩn giữ lấy họ Bạch . Chính vì thế mà họ Bạch ở Việt Nam có câu nói tiêu biểu là “ bách thế bất thiên” , ai ai cũng biết .
Tóm lại dòng họ Bạch ở nước ta lâu hơn 800 năm, dù có trong nam hay ngoài bắc cũng có cùng chung một ông thủy tổ, hiện có miếu thờ và lăng mộ rõ ràng . Hàng năm có ngày giỗ tổ vào 24 tháng giêng tại xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, quy tập con cháu trong Nam, ngoài Bắc đến đông đủ cả .
Trong gia phả này chỉ nêu được tên, họ các chi của những người ở Quảng Ngãi . Còn họ Bạch ở các nơi khác vui lòng gửi bài viết hoặc gia phả riêng , để chúng ta thống nhất thành một gia phả của người Bạch ở Việt Nam , vì chúng ta cùng chung một ông thủy tổ mà .
Liên hệ : Bạch Ngọc Hải ĐT: 0903 900 569
e-mail : hai_bn@bachhai.com